ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG IV: A NAN ĐÀ
VỊ GIÁM HỘ PHÁP BẢO
Trong hàng đệ tử tỳ khưu từng được Đức Phật khen ngợi, duy nhất Trưởng lão Ānanda có đến năm phẩm hạnh xuất sắc bậc nhất được Thế Tôn tán dương; các vị khác chỉ được tán duơng một hoặc hai phẩm hạnh bậc nhất mà thôi (AN 1:14):
1. Trong các đệ tử tỳ khưu hiểu biết uyên thâm Giáo Pháp do được nghe nhiều lời dạy của Như Lai (thinh văn), đệ nhất là Ānanda (bahussutānaṁ).
2. Trong các đệ tử tỳ khưu có trí nhớ trung thực và bền lâu, đệ nhất là Ānanda (satimantānaṁ).
3. Trong các đệ tử tỳ khưu có khả năng lãnh hội được những trình tự và liên kết chặt chẽ của các thời pháp, đệ nhất là Ānanda (gatimantānaṁ).
4. Trong các đệ tử tỳ khưu có nghị lực và ý chí kiên quyết, đệ nhất là Ānanda (dhitimantānaṁ).
5. Trong các đệ tử tỳ khưu từng là thị giả của Như Lai, đệ nhất là Ānanda (upaṭṭhakānaṁ).
Qua suy xét ta có thể thấy rằng cả năm phẩm hạnh ấy đều bắt nguồn từ chánh niệm (sati). Chánh niệm là sức mạnh của tâm trí, là phương tiện để cẩn mật giữ gìn giới hạnh thanh tịnh, là công phu soi sáng ký ức và ý niệm. Theo nghĩa hẹp, chánh niệm là khả năng ghi nhớ. Khả năng này của ngài Ānanda được đạt đến mức phi thường.
Ngài ghi nhớ được lập tức những gì đã nghe, dù chỉ nghe qua một lần, và có trí thông minh nhạy bén, lãnh hội nhanh chóng mọi lời giáo huấn của Đức Phật: “Trưởng lão Ānanda là một học giả Tam Tạng (Piṭaka) kinh nghiệm uyên bác. Ngài có thể học, tụng đọc và giảng giải trong khi vẫn còn đang đứng (nghĩa là trong thoáng chốc, ngài có thể học, tụng đọc và giảng giải) chính xác nguyên văn các pháp thoại của Đức Phật, có khi dài đến sáu mươi ngàn chữ, không sót chữ nào, và có thể đọc lại mười lăm ngàn bài kệ bốn-câu Thế Tôn đã dạy một cách dễ dàng như đang nhặt lá hay hái hoa. Đó là khả năng đặc biệt của Trưởng lão. Ngoài Đức Phật ra không ai có thể dạy, hay đạt được khả năng giảng dạy tối thắng để giúp Trưởng lão hiểu biết Giáo Pháp một cách chính xác và tường tận, từng chữ một như vậy” (chú giải Vi Diệu Pháp, Bộ Pháp Tụ – Atthasālinī).
Theo kinh điển truyền thống của Phật giáo, kho tàng Pháp Bảo có tất cả tám mươi bốn ngàn pháp (kinh và kệ). Trong Trưởng lão Tăng Kệ, ngài Ānanda cho biết đã từng nghe qua hết thảy:
Ta nhận từ Đức Phật
Tám mươi hai ngàn pháp,
Nhận từ chư tỳ khưu
Thêm hai ngàn pháp nữa,
Tổng cộng tám tư ngàn
Pháp ta đang chuyển vận.
(Thag. 1024)
Khả năng ấy của ngài Ānanda thật phi thường. Còn trí nhớ của phàm nhân thì vô cùng hạn hẹp vì luôn bị vướng mắc, choáng ngợp bởi hằng hà sa số ý tưởng vô ích. Đức Phật dạy có năm chướng ngại chi phối tâm khiến tâm không tỉnh giác và, vì thế, trí nhớ bị cản trở: tham ái, sân hận, hôn trầm, bất an, và hoài nghi (AN 5:193). Ānanda, qua công phu tu tập theo Giáo Pháp của Thế Tôn, có thể vượt qua năm chướng ngại này bất kỳ lúc nào nên luôn luôn sáng suốt định tâm trọn vẹn khi thính pháp. Do đó ngài hiểu biết uyên thâm lời dạy của Bổn Sư.
Đây là phẩm hạnh thứ nhất trong năm phẩm hạnh Ānanda được Đức Phật tán dương. Các đệ tử Phật đều chuyên tâm thính pháp để tu học, nhưng Thế Tôn đã khen ngợi Ānanda rằng: “Ānanda còn là sekha, nhưng không dễ gì tìm được người có trí tuệ ngang bằng.” (AN 3:78)
Phẩm hạnh thứ hai, sati hay chánh niệm, là có trí nhớ trung thực và bền lâu. Các Pháp Bảo đã nghe qua đều giữ lại trong tâm và tự ứng dụng khi chính bản thân cần tìm hiểu để tu học.
Phẩm hạnh thứ ba, gati, là khả năng lãnh hội được mạch văn, trình tự, và sự liên kết chặt chẽ của các ý nghĩa diễn giảng trong từng thời pháp. Vì thế, khi đang thuyết lại một pháp thoại mà bị gián đoạn để giải đáp câu hỏi, Ānanda có thể quay lại chính xác ở điểm đang trình bày. Công hạnh xuất sắc đặc biệt này có được vì Ānanda hiểu chính xác và cặn kẽ ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như tất cả hàm ý sâu xa của Phật ngôn trong từng thời pháp.
Phẩm hạnh thứ tư, dhiti, là nghị lực và ý chí kiên quyết không thối chuyển trong trách nhiệm tu học, ghi nhớ và thuyết lại lời Phật dạy cũng như trong trách nhiệm thị giả của Thế Tôn.
Phẩm hạnh thứ năm, upaṭṭhakā, là công hạnh của một thị giả cần mẫn, toàn hảo nhất – đã trình bày ở đoạn trên.
Với năm phẩm hạnh này, Ānanda từng được Đức Phật ví như là một hiện thân của Giáo Pháp và là “vị giám hộ Pháp Bảo” (Dhammabhaṇḍāgārika). Trong một quốc độ, bhaṇḍāgārika là bộ trưởng ngân khố, người có bổn phận lưu trữ, bảo tồn, và cấp phát tài sản quốc gia. Với Giáo đoàn, tài sản là những lời Phật dạy cùng sự truyền thừa vững mạnh và tồn tại của Chánh Pháp, nhất là sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn. Gìn giữ Pháp Bảo là gìn giữ kho báu trí tuệ toàn giác của Phật Nhãn, và vì chính mình là một hiện thân của Pháp Bảo, ngài Ānanda xứng đáng được tự xưng mình là “mắt của toàn thế gian” qua bài kệ sau:
Nghe nhiều, thọ trì Pháp,
Trí tuệ, đệ tử Phật,
Ấy vị nên thân cận,
Hỡi ai cầu Giáo Pháp.
Nghe nhiều, thọ trì Pháp
Giữ kho báu Phật Nhãn,
Ấy vị xứng tin kính,
Mắt của toàn thế gian.
(Thag. 1030 – 31)
ĐỐI VỚI NỮ GIỚI
Với bản tánh từ ái và đầy lòng bi mẫn, ngài Ānanda đặc biệt quan tâm đến lợi lạc của tứ chúng, không phân biệt nam hay nữ. Thật vậy, nếu không có Ānanda, có lẽ Ni chúng đã không được thành lập (Vin. 2:253; AN 8:51).
Sau khi các vị hoàng thân quốc thích của vương tộc Sākya lần lượt theo gót Thái tử Siddattha kính mến để sống đời khất sĩ phạm hạnh, thì những người mẹ, vợ, chị, em gái, con gái của họ cũng bày tỏ lòng mong ước được xuất gia, sống đời sa môn phạm hạnh dưới sự hướng dẫn và giáo hóa của bậc Đại Giác Ngộ. Khi Vua Suddhodana qua đời, Hoàng hậu Mahā Pajāpati Gotami – dì ruột của Đức Thế Tôn và là nhũ mẫu chăm sóc Ngài từ tấm bé như đứa con ruột thịt – không còn muốn sống đời thế tục như xưa nữa. Cùng với một số công nương chung ước nguyện xuất gia và nguyện đi theo bà đến bất cứ nơi nào, Hoàng hậu Gotami tìm đến gặp Đức Phật và cầu xin Ngài rũ lòng từ bi chấp nhận cho giới phụ nữ được xuất gia, sống đời khất sĩ theo bước chân Ngài. Nhưng dù bà ba lần tha thiết khẩn cầu, cả ba lần Đức Phật nói bà không nên xin Ngài một việc như vậy. Vô cùng đau buồn vì ước nguyện lớn lao của mình bị khước từ, hoàng hậu bật khóc và cùng các công nương từ biệt Đức Phật trong nước mắt.
Tang lễ của phụ hoàng đã xong, Đức Phật rời thành Kapilavatthu. Ngài tiếp tục cuộc du hành hoằng pháp từ nơi này đến nơi khác, và cuối cùng dừng lại tại Vesāli, cách Kapilavatthu mấy trăm dặm đường.
Hoàng hậu Mahā Pajāpati, cùng với một số công nương Sākya khác, cũng theo gót Đức Phật đi bộ từ làng mạc này qua thôn xóm nọ, cho tới khi đến được tịnh xá ở rừng Đại Lâm tại Vesāli, nơi Đức Phật đang lưu ngụ. Với bụi đường còn phủ trên châu thân và đôi chân sưng tấy sau cuộc bộ hành dài đăng đẳng, buồn bã và chán nản, hoàng hậu đứng khóc bên ngoài tịnh xá. Mục kích cảnh não lòng đó, ngài Ānanda bước lại thăm hỏi nguyên do. Bà cho biết rằng Thế Tôn đã ba lần từ chối nguyện vọng thành lập Ni chúng.
Động lòng bi mẫn, ngài Ānanda vào tịnh thất của Đức Phật, cung kính thỉnh cầu Thế Tôn chấp nhận thỉnh nguyện của Bà. Đức Thế Tôn từ chối: “Đủ rồi, Ānanda, thôi đủ rồi! Đừng xin phép Như Lai cho nữ giới rời bỏ cửa nhà để sống đời khất sĩ lang thang theo Giáo Pháp và Giới Luật mà Như Lai công bố!”
Nhưng Ānanda vẫn không hề nản lòng thối chí, cung kính thưa lên Đức Phật lời thỉnh cầu này, lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Tuy nhiên, cả ba lần Trưởng lão đều nhận câu trả lời như nhau. Rồi Ānanda suy ngẫm: “Thế Tôn không cho phép giới phụ nữ gia nhập Tăng già khi được trực tiếp thỉnh cầu, nhưng biết đâu chừng Thế Tôn sẽ chấp thuận nếu ta trình bày nguyện vọng này một cách gián tiếp.” Nghĩ vậy, Ānanda bèn thưa lên Đức Thế Tôn:
“Bạch Thế Tôn, nếu một vị nữ giới rời bỏ đời thế tục và xuất gia tu hành theo Pháp và Luật của Thế Tôn, vị ấy có thể lần lượt chứng ngộ được các thánh quả nhập lưu, nhất lai, bất lai, và a-la-hán hay không?”
Đức Phật xác nhận:
“Được chứ Ānanda. Vị ấy có thể đạt được Niết bàn ngay trong kiếp sống này.”
“Nếu một vị nữ giới có thể chứng đạt như vậy thì bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn nghĩ đến lệnh bà Gotami. Bà quả đã làm bao nhiêu điều thiện lành bấy lâu nay. Bà vừa là dì ruột vừa là dưỡng mẫu của Thế Tôn, nuôi Thế Tôn bằng những giọt sữa yêu thương của chính mình, chăm sóc Thế Tôn từ lúc mẫu hậu vừa qua đời. Lành thay nếu Thế Tôn cho phép nữ giới được xuất gia, sống đời sa môn theo Pháp và Luật mà Thế Tôn giảng dạy.”
“Thôi được, Ānanda.” Đức Phật từ tốn bảo.
Rồi Ngài dạy Ānanda:
“Nếu Mahā Pajāpati sẵn sàng chấp nhận và tuân hành nghiêm chỉnh Tám pháp chế (Bát kỉnh pháp), thì xem đây như nghi lễ gia nhập Tăng già cho bà.”
Đoạn Đức Phật nói cho Ānanda nghe về Tám pháp chế (Bát kỉnh pháp) mà bất cứ một nữ nhân nào muốn được trở thành một tỳ khưu ni sống trong Pháp và Luật của Ngài đều phải tuân hành theo.
Đến đây, ta cần hiểu rằng không phải vì biện luận khéo léo của Ānanda mà Đức Phật chấp thuận sự thành lập Ni chúng. Không ai thay đổi được ý nghĩ của một bậc Toàn Giác bởi vì, qua Phật nhãn, Ngài luôn luôn thấy được sự thật vi tế và rốt ráo nhất. Những diễn biến quanh vấn đề thành lập Ni chúng này đã từng xảy ra y như vậy cho tất cả chư Phật trong quá khứ. Sự đắn đo của chư Phật ở đây không vì muốn quyết liệt ngăn chận việc thành lập Ni chúng, mà chỉ để nhấn mạnh một thông điệp về những nguy hại lớn lao của sự việc này. Và vì vậy, Đức Phật ban hành Tám pháp chế mà chỉ có những người phụ nữ tín tâm và giới hạnh tròn đầy nhất mới tuân thủ được. Tám pháp chế còn là một phương cách thận trọng và sáng suốt để làm minh bạch sự chia cách cần thiết giữa hai phái tính trong Giáo đoàn.
Đức Phật dạy thêm rằng:
“Ānanda, nhưng Giáo Pháp và Giới Luật này của Như Lai sẽ không được gìn giữ tồn tại lâu dài trong hàng nữ giới xuất gia đâu, chỉ độ năm trăm năm thôi. Như những gia đình mà số nữ giới nhiều hơn nam giới, sẽ khó chống đỡ bền bỉ dài lâu trước nhiễu loạn trộm cướp, cũng vậy, những đoàn ngũ có hàng phụ nữ xuất gia thọ giới tỳ khưu ni trong Pháp và Luật như của Như Lai, sẽ không tồn tại dài lâu. Rồi sẽ như một thửa ruộng lúa hay một cánh đồng mía khi bị sâu nấm phủ giăng, đồng ruộng kia sẽ không còn mầu mỡ phì nhiêu được dài lâu.”
Mọi sự việc đã diễn ra như Đức Phật tiên đoán. Khoảng năm trăm năm sau khi Ni chúng chính thức được thành lập, không còn một vị tỳ khưu ni nào sống đúng theo khuôn phép Giới Luật với Tám pháp chế mà Đức Phật quy định thuở ban đầu nữa.
Sau khi Đức Bổn Sư công bố điều luật và nội quy cho Ni chúng, Ānanda hỏi Ngài về những phẩm cách một vị tỳ khưu cần có để hướng dẫn các tỳ khưu ni. Đức Phật không quy định vị thầy của chư ni phải là bậc a-la-hán nhưng phải có tám phẩm cách thiết thực và cụ thể mà một vị tỳ khưu như Ānanda – chưa thành đạt quả a-la-hán – vẫn có thể có được (AN 8:52):
1. Giới hạnh trong sạch
2. Tinh thông Giáo Pháp
3. Hiểu biết Giới Luật, nhất là Giới Luật tỳ khưu ni
4. Khả năng giảng giải thanh nhã và trôi chảy; phát âm chính xác, không lầm lỗi; thông thái, khéo léo diễn đạt được ý nghĩa
5. Khả năng thuyết giảng cho chư ni một cách sinh động, khích lệ, và gây phấn chấn
6. Luôn luôn được chư ni mừng đón và kính mến – có nghĩa là chư ni kính nể và tôn trọng vị thầy tỳ khưu không chỉ khi họ được ngợi khen mà còn khi họ bị khiển trách
7. Chưa bao giờ phạm giới tà dâm với một tỳ khưu ni
8. Là một sa môn đang thọ Cụ túc giới (Tỳ khưu giới) được tối thiểu hai mươi hạ.
Đã có công trong việc thành lập Ni chúng, ngài Ānanda còn mong muốn giúp chư tỳ khưu ni vững tiến trên thánh đạo. Việc này đã mang lại vài khó khăn cho ngài. Trong đó có hai trường hợp các tỳ khưu ni vô phép chống đối Trưởng lão Mahā Kassapa để bênh vực ngài Ānanda một cách không chính đáng. Về sau cả hai tỳ khưu ni này hoàn tục; hiển nhiên họ không còn chịu đựng được nữa mối liên hệ trong sáng đạo lý, không tình cảm riêng tư cần phải giữ vững với vị thầy của họ, Trưởng lão Ānanda.
Nghiêm trọng hơn nữa là trường hợp của một tỳ khưu ni ở Kosambī. Cô cho người nhắn Trưởng lão Ānanda đến thăm cô vì cô đang đau bệnh. Sự thật thì cô đã thầm yêu và muốn quyến rũ ngài. Trưởng lão đã giải quyết chuyện này với một tâm lực vô cùng kiên định, dũng mãnh.
Trong pháp thoại ban cho cô, ngài Ānanda giảng giải rằng nhục thân sanh khởi bởi vật thực, tham ái, và ngã chấp. Tuy nhiên, ngài nói, ta có thể vượt lên trên ba pháp ấy để biến chúng thành phương tiện thanh lọc tâm và giải thoát. Vị sa môn dùng vật thực nuôi thân để sống còn mà tiến tu trong đời thanh cao đạo hạnh. Vị sa môn thăng hoa lòng tham ái tầm thường để chuyển hóa thành tâm cầu đạo quả cao thượng. Vị sa môn thăng hoa ngã chấp để thôi thúc chính mình chứng đạt những gì người khác đã chứng đạt – đó là sự tiêu diệt tất cả ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm.
Thế nhưng còn một nguyên nhân thứ tư khiến nhục thân sanh khởi, đó là tình dục. Đây lại là một vấn đề hoàn toàn khác biệt. Đức Thế Tôn gọi nó là sự hủy diệt chiếc cầu đưa đến Niết bàn. Thăng hoa nó không bao giờ có thể là một con đường dẫn đến đạo quả cao thượng.
Ngay sau khi nghe được bài pháp, vị tỳ khưu ni liền thức tỉnh, rời khỏi giường, đê đầu phủ phục trước ngài Ānanda, sám hối lỗi lầm, và cầu xin ngài tha thứ. Ānanda nhận lời sám hối của cô và tuyên bố rằng, trong Giáo đoàn, nhận thức lỗi lầm và giữ gìn giới hạnh để sau đó không lập lại lỗi xưa là một điều lợi ích (AN 4:159). Câu chuyện này còn là một thí dụ về đặc tài thuyết pháp của ngài, sử dụng pháp ngữ thích hợp và đúng lúc, trong tình thế thôi thúc bất ngờ.
Có một câu chuyện khác liên quan đến các vương phi của Vua Pasenadi. Là phu nhân, cung phi của một vì vua, họ phải sống cảnh chim lồng cá chậu trong hậu cung. Vì vậy, dù thiết tha được học hỏi Giáo Pháp, họ không được phép đến tịnh xá để nghe Đức Phật thuyết pháp. Họ bèn khẩn cầu nhà vua xin Đức Phật gởi một vị sa môn vào hoàng cung ban pháp thoại. Khi vua hỏi họ muốn thỉnh vị sa môn nào, tất cả đồng lòng xin thỉnh Trưởng lão Ānanda – vị giám hộ Pháp Bảo. Vua Pasenadi trình bày thỉnh nguyện lên Đức Thế Tôn và được chấp thuận. Từ đó ngài Ānanda thường xuyên vào hoàng cung giảng giải Giáo Pháp cho các vương phi.
Một ngày nọ một viên đá quý trên vương miện của Vua Pasenadi bị trộm mất. Mọi nơi trong hoàng cung đều bị khám xét, và các vương phi ai nấy đều hồi hộp lo sợ. Do vậy họ không tập trung tâm ý và hăng hái tu học như thường lệ. Khi biết được lý do, Ānanda động lòng bi mẫn. Ngài đến yết kiến vua và khuyên vua nên triệu tập tất cả nghi can và cho họ một cơ hội được kín đáo hoàn trả viên đá quý, không bị một trở ngại nào. Theo lời khuyên của Ānanda, vua cho dựng một chiếc lều ở vườn thượng uyển, bên trong đặt một bình nước lớn, rồi truyền tất cả từng người một lần lượt đi vào trong lều. Giữa chiếc lều kín đáo ấy, kẻ trộm ăn năn đã lặng lẽ, êm thắm thả viên đá quý vào bình nước, không một tiếng động, không một ai trông thấy. Vua Pasenadi tìm lại được vật sở hữu, kẻ trộm không bị hành xử, và hoàng cung trở lại không khí yên vui. Diệu kế đầy lòng từ bi này đã nâng cao hơn nữa danh tiếng của ngài Ānanda và Giáo đoàn. Chư huynh đệ sa môn cũng khen ngợi Ānanda đã biết dùng phương cách nhu hòa để gầy dựng lại hòa bình (Jāt. 92).
Không bao lâu trước khi Đức Phật nhập diệt, Ānanda trình lên Ngài các câu hỏi liên quan đến việc đối xử với phụ nữ (DN 16):
“Bạch Thế Tôn, chúng con [chư tăng] phải đối xử với nữ giới như thế nào?”
“Đừng nhìn họ.”
“Nhưng nếu chúng con nhìn thấy họ, bạch Thế Tôn?”
“Đừng nói chuyện với họ.”
“Nhưng nếu họ nói chuyện với chúng con?”
“Hãy an trú trong chánh niệm, tỉnh giác và chế ngự tham ái.”
Các câu hỏi này đã được ngài Ānanda cố ý trình lên Đức Bổn Sư khi biết Ngài sắp nhập diệt, ngay trước lúc sắp đặt các việc cần thiết cho tang lễ. Vì vậy có lẽ đây là một vấn đề quan trọng cho Giáo đoàn đối với Trưởng lão. Ānanda tự thân không cần lời cảnh cáo để huân tập sự chế ngự, bởi ngài đã nhiếp phục tham dục hai mươi lăm năm rồi. Nhưng lần này qua lần khác, Ānanda từng chứng kiến vấn đề quan hệ nam nữ có thể dấy động lên các xúc cảm rối rắm như thế nào, cũng như ngài từng biết được qua các cuộc thảo luận với các tỳ khưu trẻ rằng khó khăn đến dường nào mới giữ được giới hạnh trong sạch và sống nếp sống ly dục thanh cao. Ngoài ra, ngài Ānanda còn canh cánh bên lòng lời cảnh cáo của Đức Phật về tương lai bị nguy hại của Phật giáo bởi sự thành lập Ni chúng. Do những lẽ này, Trưởng Lão muốn nhắn gởi đến chư tăng đương thời – và thế hệ Tăng già kế thừa – v