ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG III: ĐẠI CA DIẾP

LIÊN HỆ VỚI HUYNH ĐỆ SA MÔN

Một vị sa môn cống hiến cả đời cho cuộc sống tu tập thiền định như Đại đức Mahā Kassapa khó mà sẵn sàng thu nhận và rèn luyện đệ tử. Ngược lại, cũng khó có ai sẵn sàng làm đệ tử ngài, nghiêm trì lối tu khổ hạnh và miên mật hành thiền. Do đó, kinh điển chỉ ghi lại một số ít đệ tử của ngài.

Tăng Chi Bộ Kinh ghi lại một trong những bài pháp ngài giảng cho các sa môn về việc đánh giá quá cao các chứng đắc của mình: “Có thể có một sa môn nào đó tự cho mình đã đắc thánh quả a-la-hán. Khi Đức Phật hoặc một đệ tử nào có khả năng biết tâm người khác, khảo sát và thẩm vấn người đệ tử

này thì vị ấy tỏ ra lúng túng và lẫn lộn. Người thẩm vấn lúc đó biết rằng vị ấy tuyên bố như vậy vì đã thọ nhận và tinh thông nhiều lý thuyết kinh điển nhưng không thực hành để thân chứng, và rồi với tâm ngã mạn, cho rằng hiểu biết của mình là sự thật, chưa chứng đắc tưởng đã chứng đắc. Người thẩm vấn, quán sát thâm sâu tâm vị sa môn, thấy rằng vị ấy vẫn còn bị năm chướng ngại tâm (năm triền cái) ngăn che tâm thức nhưng không tích cực vượt qua chúng mà bỏ dở nửa chừng (AN 10:86).

Ngoài một vài bài pháp giảng cho Tăng chúng của Kassapa, kinh điển chỉ thuật lại mối giao hảo giữa ngài với Sāriputta và Ānanda. Theo Kinh Bổn Sanh, trong tiền kiếp Sāriputta từng là con, anh em, cháu, và bạn của Kassapa. Kassapa đã thốt lên những câu kệ kể lại việc hàng ngàn vị Phạm thiên xuống từ cõi trời để đảnh lễ và ca ngợi Sāriputta (Thag. 1082 -86).

Có hai pháp đàm giữa Mahā Kassapa và Sāriputta được thuật lại trong Tương Ưng Kassapa (Kassapa Saṁyutta). Cả hai dịp này xảy ra vào buổi chiều, khi Sāriputta đi đến gặp Kassapa, sau lúc hành thiền.

Lần thứ nhất (SN 16:2):

“Này hiền hữu Kassapa,” Sāriputta hỏi, “ được nói rằng không có nhiệt tâm và không biết sợ tội lỗi, sẽ không thể giác ngộ, không thể chứng đắc Niết bàn, không thể chứng đắc sự an ổn vô thượng khỏi các khổ ách; nhưng có nhiệt tâm và biết sợ tội lỗi sẽ có thể chứng đắc như thế. Vậy như thế nào là không có nhiệt tâm và không biết sợ, và như thế nào là có nhiệt tâm và biết sợ.”

“Này hiền hữu Sāriputta,” Kassapa trả lời, “khi vị tỳ khưu suy nghĩ: ‘Nếu các ác và bất thiện pháp chưa hề khởi lên nơi ta mà nay khởi lên, điều ấy có thể gây nguy hại,’ mà rồi vị ấy không khởi nhiệt tâm và không biết sợ, thì vị ấy không có nhiệt tâm và không biết sợ.

“Khi vị tỳ khưu suy nghĩ: ‘Nếu các ác và bất thiện pháp đang khởi lên nơi ta mà chưa bị đoạn diệt, điều ấy có thể gây nguy hại,’ hoặc: ‘Nếu các thiện pháp không khởi lên nơi ta, điều ấy có thể gây nguy hại,’ hoặc: ‘Nếu các thiện pháp đã khởi lên nơi ta mà bị đoạn diệt, điều ấy có thể gây nguy hại’ – nếu với các suy nghĩ trên mà vị ấy cũng không khởi nhiệt tâm và không biết sợ, thì vị ấy không có nhiệt tâm và không biết sợ. Không có nhiệt tâm và không biết sợ, vị ấy sẽ không thể giác ngộ, không thể chứng đắc Niết bàn, không thể chứng đắc sự an ổn vô thượng khỏi các khổ ách.

“Nhưng nếu vị tỳ khưu (với bốn suy nghĩ trên) khởi nhiệt tâm và biết sợ, thì vị ấy có thể giác ngộ, có thể chứng đắc Niết bàn, có thể chứng đắc sự an ổn vô thượng khỏi các khổ ách.”

Lần thứ hai (SN 16:12):

Sāriputta hỏi Mahā Kassapa rằng Như Lai, đấng Toàn Giác, sau khi chết có hiện hữu không, hoặc không hiện hữu, hoặc vừa hiện hữu vừa không hiện hữu, hoặc không cả hiện hữu lẫn không không hiện hữu. Ở mỗi trường hợp, Mahā Kassapa đều trả lời:

“Đức Thế Tôn không tuyên bố điều này. Tại sao? Bởi vì điều này không ích lợi và không là căn bản cho

cuộc sống thánh thiện, không đưa đến sự nhàm chán tham ái, tâm tự tại, chấm dứt khổ đau, bình yên nội tại, hiểu biết trực tiếp, giác ngộ, và Niết bàn.”

“Thưa hiền hữu, vậy thì Đức Thế Tôn đã tuyên bố điều gì?”

“Thưa hiền hữu, Đức Thế Tôn đã tuyên bố rằng: ‘Đây là khổ. Đây là nguồn gốc của khổ. Đây là sự đoạn diệt khổ. Đây là con đường đưa đến sự đoạn diệt khổ.’ Đức Thế Tôn đã tuyên bố như thế. Và vì sao Đức Thế Tôn đã tuyên bố như vậy? Bởi vì điều này đưa đến lợi ích, là căn bản cho cuộc sống thánh thiện, đưa đến sự nhàm chán tham ái, tâm tự tại, chấm dứt khổ đau, bình yên nội tại, hiểu biết trực tiếp, giác ngộ và Niết bàn.”

Không có sự giải thích nào về tại sao Sāriputta lại đặt những câu hỏi mà đúng ra một vị a-la-hán phải thông hiểu. Tuy nhiên, rất có thể cuộc đối thoại này xảy ra ngay sau khi Kassapa thọ giới tỳ khưu và trước khi ngài đắc quả a-la-hán, và Sāriputta muốn trắc nghiệm sự hiểu biết về Giáo Pháp của Kassapa; hoặc có thể những câu hỏi được đặt ra vì lợi ích chung của chư tăng đang có mặt.

Kinh Mahā Gosiṅga (MN 32) kể lại cuộc luận đạo giữa Sāriputta, Kassapa cùng một số trưởng lão lỗi lạc khác. Vào một đêm trăng sáng, chư vị tập hợp trong khu rừng cây sāla Gosiṅga, cùng nhau luận đạo. Sāriputta ca ngợi vẻ đẹp khu rừng Gosiṅga đang nở hoa sāla dưới ánh trăng rằm và hình như có hương trời tỏa ngát chung quanh. Rồi ngài hỏi mỗi vị trưởng lão trong nhóm pháp hữu này – Ānanda, Revata, Anuruddha, Mahā Kassapa, và Mahā Moggallāna – rằng hạng tỳ khưu nào có thể tỏa sáng hào quang khiến rừng sāla Gosiṅga thêm rực rỡ?

Mahā Kassapa, cũng như các vị trưởng lão khác, trả lời theo hạnh nguyện và chứng đắc của mình: Mahākassapa nói về vị tỳ khưu sống độc cư trong rừng núi, tu khổ hạnh miên mật, thành tựu giới, định, tuệ và giải thoát tri kiến.

“Này hiền hữu Sāriputta, một vị tỳ khưu chính mình độc cư trong rừng và ca tụng đời sống trong rừng; một vị chỉ sống bằng khất thực và ca ngợi lối sống khất thực; một vị chính mình mặc y thô rách và ca ngợi việc mặc y thô rách; một vị tỳ khưu chính mình chỉ mặc tam y và ca ngợi việc mặc tam y; một vị ít nhu cầu, biết tri túc, ẩn dật, xa lánh giao du, hoàn mãn giới đức và thiền định, đạt trí tuệ giải thoát và tán dương các phẩm hạnh này. Đó chính là vị tỳ khưu có thể tỏa sáng hào quang khiến rừng sāla Gosiṅga thêm rực rỡ.”

Với Ānanda, Kinh Bổn Sanh cũng ghi lại sự liên hệ giữa hai vị trong tiền kiếp: Ānanda có hai lần là anh em và một lần là con của Kassapa, và có một lần lại là kẻ giết con trai của Kassapa. Còn trong kiếp hiện tại, Ānanda là học trò của Kassapa (Vin. 1:92). Kinh Tương Ưng Kassapa (Kassapa Saṁyutta) ghi lại hai cuộc đàm đạo giữa Kassapa và Ānanda liên quan đến việc thực hành, trong khi đó hai cuộc đàm đạo giữa Kassapa và Sāriputta thì về quan điểm giáo lý.

Cuộc đàm đạo thứ nhất là lần Ānanda thỉnh Kassapa đi cùng mình đến khu ni xá (SN 16:10). Kassapa từ chối và bảo Ānanda đi một mình. Nhưng chủ ý của Ānanda có lẽ là quyết tâm mời Kassapa đến thuyết pháp cho các tỳ khưu ni nên đã hai lần thỉnh cầu Trưởng lão. Cuối cùng Kassapa chấp thuận và cùng đi. Kết quả trái ngược lại với sự mong muốn của Ānanda. Sau khi nghe pháp, một tỳ khưu ni tên Thullatissā lớn giọng chỉ trích:

“Sao Tôn sư Kassapa lại dám thuyết giảng Giáo Pháp trước sự có mặt của Tôn sư Ānanda trí tuệ thâm sâu? Việc ấy có khác chi người bán kim muốn bán một cây kim cho người thợ làm kim?”

Lời chống báng ấy chứng tỏ Thullatissā rất ái mộ lối giảng dạy ôn hòa của Ānanda hơn lối giảng dạy nghiêm khắc và đôi khi phê phán của Kassapa, chạm đến các nhược điểm của Thullatissā.

Khi nghe được những lời ấy, Kassapa hỏi Ānanda:

“Vậy là sao, này hiền hữu Ānanda, tôi là người bán kim còn hiền hữu là người làm kim hay ngược lại tôi làm kim còn hiền hữu bán kim?”

“Bạch thầy,” Ānanda trả lời, “Xin hãy dung thứ! Cô ấy là một phụ nữ hồ đồ!”

“Hãy thận trọng, hiền hữu Ānanda, nếu không thì Tăng chúng sẽ phải thẩm tra hành vi của hiền hữu.”

Kassapa còn nhấn mạnh rằng Đức Thế Tôn đã xác nhận các chứng đắc của thánh quả cao quý nhất của Kassapa chứ không tuyên bố như vậy về Ānanda. Qua lời khuyên răn trên, Kassapa muốn nói rằng câu trả lời hòa giải của Ānanda không thỏa đáng trong trường hợp này, và có ý cảnh báo Ānanda phải thận trọng, tránh đừng đi quá sâu vào các sinh hoạt của chư ni vì các vị này đã tỏ ra rất ngưỡng mộ vị thị giả của Đức Phật khiến nhiều người phải nghi ngờ.

Khiển trách nghiêm khắc nhưng vô cùng hữu ích này là một lời nhắn nhủ nghiêm chỉnh và tha thiết nhất của một bậc đã rũ sạch cấu uế trong tâm đối với một người chưa đạt đến mức độ đó, sách tấn và thúc đẩy Ānanda nỗ lực tiến tu để viên mãn thánh đạo. Riêng Thullatissā sau đó đã rời khỏi Giáo đoàn.

Lần đàm đạo thứ hai giữa Đại đức Mahā Kassapa và Đại đức Ānanda liên quan đến việc giáo huấn đệ tử của Ānanda (SN 16:11). Một lần nọ, Ānanda du hành ở Nam Sơn (Dakhināgiri) cùng một số đông tỳ khưu. Lúc bấy giờ có ba mươi tỳ khưu phần lớn trẻ tuổi và mới tu, đệ tử của Ānanda, xả y hoàn tục. Khi trở về Rājagaha, Ānanda đến viếng thăm ngài Kassapa. Sau khi Ānanda đảnh lễ và ngồi xuống một bên, Kassapa nói:

“Sư có biết lý do gì Đức Thế Tôn chế định điều luật không cho quá ba vị tăng cùng đến khất thực một gia đình không?”

“Bạch thầy,” Ānanda trả lời, “có ba lý do: thứ nhất để ngăn chận những người ác hạnh, thứ hai vì sự an lạc của các tỳ khưu chánh hạnh, và thứ ba vì lòng từ mẫn với gia đình các thí chủ.”

“Vậy thì tại sao sư lại cùng du hành với những tỳ khưu trẻ và mới tu, căn tánh chưa thuần thục, ăn uống thiếu tiết độ, không chú tâm tỉnh giác? Ta nghĩ sư hành động như kẻ dẫm đạp ngũ cốc, phá hoại niềm tin của gia đình tín thí. Đồ chúng của sư đang sụp đổ; môn đồ niên thiếu đang tan rã. Thật là một thiếu niên không biết tự lượng sức mình!”

“Thưa thầy, đầu tôi đã có tóc bạc mà hôm nay thầy gọi tôi là một thiếu niên. Tuy vậy, bạch thầy, tôi không có phật lòng.”

Ānanda không phủ nhận các khiển trách của Kassapa, cũng không biện minh trách nhiệm giáo huấn đệ tử không chu toàn của mình, mà chỉ nhỏ nhẹ phản ứng lại lời chỉ trích rất nặng nề của Kassapa. Sau đó Ānanda đã cố gắng hướng dẫn các đệ tử khép mình vào giới luật chặt chẽ hơn.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app