ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG I: XÁ LỢI PHẤT – PHẨM HẠNH VIÊN MÃN (III)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG I: XÁ LỢI PHẤT (SĀRIPUTTA) – VỊ TƯỚNG QUÂN CỦA GIÁO PHÁP

PHẨM HẠNH VIÊN MÃN

VỊ THIỀN GIẢ

Khi Đức Bồ Tát rời bỏ đời sống thế tục để tìm con đường giác ngộ, trước tiên Ngài trở thành đệ tử của hai vị thiền sư lỗi lạc. Dưới sự hướng dẫn của họ, Đức Bồ Tát chứng đắc hai tầng thiền vô sắc giới cao nhất, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ (MN 26).

Với Sāriputta, trên đường tầm cầu Chân Lý dường như căn cơ hạnh nguyện đã hướng Đại đức về một lối khác, không theo gót những vị đạo sư điều phục lãnh vực nhận thức tâm ý mà theo gót những vị xuất sắc trong triết học và luận giải trí tuệ. Như đã thấy qua lần ngài được Trưởng lão Assaji khai tâm, tri kiến Giáo Pháp của ngài cũng không khởi dậy qua con đường tham thiền nhập định mà qua tuệ giác trực tiếp và tự phát, soi rọi vào tánh chịu điều kiện, tùy thuộc vào nhân duyên của tất cả các pháp hữu vi và vào yếu tố không chịu điều kiện, vượt lên trên lưới nhân quả (Niết bàn). Với tuệ chuyển tánh đó, phàm tâm chuyển sang thánh tâm, và ngài đắc quả nhập lưu. Tuy nhiên, một khi Sāriputta trở thành đệ tử của Đức Phật, Đại đức nhanh chóng chứng đắc thuần thục tất cả các tầng thiền thâm định và minh sát, sử dụng các kinh nghiệm thiền tập như một dụng cụ cho sự khắc phục cuối cùng để vượt đến giác ngộ viên mãn.

Quá trình phát triển thánh đạo và thánh quả từ bậc nhập lưu đến a-la-hán của Sāriputta được Đức Phật thuật lại trong Anupada Sutta (Kinh Bất Đoạn, MN 111). Đức Thế Tôn dạy rằng, ngay sau hai tuần nỗ lực hành thiền để thành tựu mục tiêu cuối cùng, Sāriputta “quán pháp bất đoạn” (anupadadhammavipassanā), nghĩa là qua công phu hành thiền minh sát trên các pháp đang xảy ra mà thành đạt các tuệ quán tùy thuận theo thứ tự những tuệ đã có và tuệ sắp tới, không gián đoạn. Ngài thuần thục chín thiền chứng theo tuần tự: bốn tầng thiền sắc giới, bốn tầng thiền vô sắc giới, và diệt thọ tưởng định.

Trong mỗi tầng thiền (ngoại trừ hai tầng thiền vô sắc giới cao nhất), Sāriputta quán sát và tra tầm thâm sâu vào các pháp đang vận hành, biết rõ các pháp ấy sanh, trụ, hoại, rồi diệt lúc nào và như thế nào. An trú “không tham luyến, không khước từ, không dính mắc, tự tại, an nhiên, với tâm vô hạn lượng vì biết còn sự giải thoát cao hơn nữa,” ngài tiếp tục tuần tự thân chứng các tuệ quán cho đến khi thành đạt diệt thọ tưởng định.

Riêng với hai tầng thiền vô sắc giới cao nhất – vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ – vì chúng vô cùng vi tế nên ngài chỉ quán sát các pháp từ không thành có, sự xuất hiện và sự biến mất. Ở đây chỉ có chư Phật, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác mới có thể quán sát và tra tầm thâm sâu.

Sau hai tuần Sāriputta tham thiền thâm sâu và miên mật như trên, căn cơ đã chín muồi cho Đại đức thành tựu thánh quả a-la-hán. Hôm ấy, nửa tháng sau ngày Sāriputta thọ giới tỳ khưu, Đức Phật ban pháp thoại cho người cháu của Đại đức, du sĩ Dīghanakha – một du sĩ chấp thủ theo luận thuyết hoài nghi. Sāriputta đang đứng sau lưng và hầu quạt cho Bổn Sư.

Đấng Điều Ngự Trượng Phu thuyết giảng về con đường giải thoát do quán cảm thọ theo Chánh Pháp. Ngài bắt đầu bằng phân tích về thân tứ đại, rồi dạy Dīghanakha quán sát thân này là vô thường, bất toại, khổ, vô ngã để đoạn trừ tham ái với thân. Rồi Ngài giải thích về quán cảm thọ: “Cả ba thọ – lạc thọ, khổ thọ, và bất khổ bất lạc thọ – đều vô thường, có điều kiện, do duyên sanh, chịu sự phân tán và hoại diệt, cho nên hành giả đoạn trừ cả ba thọ. Do đoạn trừ, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Với tâm giải thoát, vị ấy không nói thuận theo ai, không tranh chấp với ai, chỉ sử dụng danh từ chế định hay lối nói thế gian mà không chấp thủ vào chúng.”

Khi đang chú tâm lắng nghe pháp thoại của Đức Phật ban cho cháu mình, Sāriputta suy ngẫm: “Thế Tôn thuyết cho chúng ta sự đoạn ly các pháp ấy bằng trí tuệ trực tiếp. Bậc Thiện Thệ thuyết cho chúng ta sự từ bỏ các pháp ấy bằng trí tuệ trực tiếp.” Khi Đại đức đang suy ngẫm như vậy, đột nhiên giác ngộ cuối cùng sanh khởi, và tâm ngài thoát khỏi lậu hoặc, không còn chấp thủ. Ngài chứng đắc trí tuệ cao quý của thánh quả a-la-hán.

Trưởng Lão Tăng Kệ có ghi lại ba bài kệ Sāriputta nói về con đường thành tựu a-la-hán quả của ngài như sau:

Thế Tôn, bậc Phật Nhãn,
Đang thuyết cho người khác.
Khi Pháp được giảng giải,
Ta chuyên chú lắng nghe.

Không uổng phí lời nghe,
Chứng đắc lậu tận minh.
Không cần túc mạng minh,
Biết chúng sanh sống chết.

Không từng có nguyện vọng
Chứng đắc tha tâm thông,
Chứng đắc thiên nhãn thông,
Thiên nhĩ thông cũng vậy.
(Thag. 995-97)

Với thứ bậc hàng đầu trong các đệ tử Đức Phật về hiểu biết Giáo Pháp toàn diện, không như các vị sa môn khác, Sāriputta không nỗ lực chứng đắc thâm sâu các tuệ siêu phàm và phép thần thông thường đi liền với quả vị a-la-hán. Vì vậy, ngài không cảm thấy có nguyện vọng (paṇidhi) thành đạt năm phép thần thông đầu (abhiññā), năng lực mà người bạn thân thiết Moggallāna thật xuất chúng. Tuy nhiên, chú giải các kệ trên ghi rằng dù Sāriputta không chủ tâm nỗ lực để chứng đắc thần thông, cùng với quả vị a-la-hán, các pháp này đã tự nhiên đến với ngài như những phẩm hạnh đương nhiên của một vị trưởng đệ tử.

Theo chương “Luận Về Thần Thông” trong Kinh Paṭisambhidāmagga (Phân Tích Đạo 2:212 – Tiểu Bộ Kinh thứ 12) thì ngài Sāriputta có “thần thông do sự can dự của định” (samadhivipphāra-iddhi), nghĩa là năng lực của thiền định xen vào để can thiệp hay đoạn trừ được một tiến trình sinh lý học hay một hiện tượng thiên nhiên nào đó. Thí dụ như đến tứ thiền, hành giả an trú trong trạng thái xả niệm thanh tịnh, không lạc, không khổ. Năng lực này của ngài được chứng minh trong Kinh Phật Tự Thuyết (còn gọi là Cảm Hứng Ngữ, Udāna 4:4).

Một ngày nọ, khi Sāriputta và Moggallāna trú tại Động Chim Bồ Câu (Kapotakandara), Sāriputta đang tọa thiền nhập định ở giữa trời, trong một đêm trăng rằm. Đầu ngài vừa được cạo xong. Lúc ấy có một dạ xoa (yakkha) bay ngang thấy ngài. Rồi với ác ý quấy phá, dạ xoa xà xuống và đánh mạnh trên đầu ngài. Thế nhưng Đại đức đang an trú sâu trong đại định nên không lộ vẻ đau đớn.

Với thiên nhãn thanh tịnh siêu phàm, Đại đức Moggallāna thấy được sự việc, liền đến bên Đại đức Sāriputta và hỏi rằng:

“Này hiền hữu, bạn có sao không? Có an ổn không? Có đau đớn không?”

“Ta không sao, này hiền hữu Moggallāna. An ổn thôi, nhưng hơi nhức đầu một chút.”

Lập tức Đại đức Moggallāna thốt lên:

“Vi diệu thay, hiền hữu Sāriputta! Phi thường thay, hiền hữu Sāriputta! Thần lực và uy lực của Đại đức Sāriputta thật là vĩ đại! Vừa mới đây có một dạ xoa đánh trên đầu của hiền hữu. Cú đánh mạnh mẽ có thể quật ngã một đại tượng hay nứt một đỉnh núi. Thế mà Đại đức Sāriputta chỉ nói là: ‘Ta không sao, này hiền hữu Moggallāna. An ổn thôi, nhưng hơi nhức đầu một chút.’”

Nghe vậy, ngài Sāriputta trả lời: 

“Vi diệu thay, hiền hữu Moggallāna! Phi thường thay, hiền hữu Moggallāna! Thần lực và uy lực của Đại đức Moggallāna thật là vĩ đại! Đại đức có thể thấy được cả dạ xoa. Còn ta thì không thấy ma quỷ nào cả.”

Trong lúc ấy, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu phàm, Đức Thế Tôn nghe được cuộc đàm luận giữa hai vị trưởng lão. Ngài thốt lời cảm hứng tán thán Sāriputta sau:

Tâm trụ như tảng đá
An định không dao động
Không tham pháp khả ái,
Không sân pháp gây sân.
Ai tâm thuần thục vậy
Khổ đau động được sao?

Sau khi chứng ngộ mục tiêu giải thoát cao thượng nhất, đối với Đại đức Sāriputta thiền tập trở thành một công năng tự nhiên, thường nhật của một vị giác ngộ, thay vì là một phương cách để đạt các chứng đắc cao hơn nữa. Trong Kinh Tương Ưng Sāriputta (SN 28:1-9), Ānanda nhiều lần hỏi Sāriputta:

“Hiền hữu Sāriputta, các căn của hiền hữu lắng dịu, sắc mặt thanh tịnh, trong sáng. Hôm nay, hiền hữu an trú như thế nào?”

Sāriputta trả lời rằng ngài tham thiền nhập định và an trú trong các tầng thiền khác nhau: bốn tầng thiền sắc giới, bốn tầng thiền vô sắc giới, và diệt thọ tưởng định. Tuy nhiên, ngài không có chút mảy may ý tưởng về bản ngã và về cái tôi, không chút chấp thủ, dính mắc nào trong bất cứ tầng thiền nào:

“Này hiền hữu Ānanda, tôi chứng đạt và an trú trong tầng thiền… nhưng không hề khởi lên ý nghĩ: ‘Tôi đang vào tầng thiền. Tôi đang trú trong tầng thiền. Tôi đang xuất khỏi tầng thiền.’”

Vào một dịp khác, Sāriputta diễn tả cho Ānanda như thế nào ngài đã nhập vào một tầng định trong đó ngài không nhận thức được một pháp quen thuộc nào có thể nhận thức như tứ đại, bốn pháp vô sắc, và bất cứ pháp nào trong cõi giới này hay cao hơn.

“Vậy thì lúc ấy hiền hữu có nhận thức hay không?” Ānanda hỏi.

“Vẫn có nhận thức,” Sāriputta trả lời, “đó là sự diệt tắt của sanh khởi. Một nhận thức khởi sanh, này hiền hữu Ānanda, một nhận thức khác diệt tắt. Y như trong một đống lửa cháy rực đốt những mảnh gỗ vụn, một ngọn lửa khởi sanh, một ngọn lửa khác diệt tắt. Lúc ấy chỉ có một nhận thức mà thôi, đó là sự diệt tắt của sanh khởi, không nối kết, dính mắc. Nibbāna là sự diệt tắt của sanh khởi’” (bhavanirodho nibbānaṁ) (AN 10:7)

Chứng đắc không thể nghĩ bàn này của Sāriputta như tương tự với định “an trú vào sự rỗng không” (suññatāvihāra) mà Đại đức thường trau dồi. Kinh Khất Thực Thanh Tịnh (Piṇḍapāta-pārisuddhi Sutta, MN 151) ghi lại về một lần, khi Đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, Sāriputta vừa xuất khỏi thiền định, đến hầu Đức Bổn Sư. Đấng Toàn Giác khen Sāriputta các căn thanh tịnh, làn da trong sáng, vẻ mặt an nhiên, và hỏi Đại đức an trú tâm như thế nào. Sāriputta bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, con an trú vào sự rỗng không.” Lúc ấy, Thế Tôn tán dương rằng: “Đó là trú xứ của bậc cao thượng.” Rồi Ngài thuyết giảng phương pháp an trú vào trú xứ này cho chư tăng.

Chú giải giải thích sự “an trú vào sự rỗng không” này là một thành tựu của quả a-la-hán (arahattaphala-samāpatti), chứng đạt được do chú tâm kiên định vào tánh rỗng không (suññatā) của Niết bàn. Khi Sāriputta đang nhập thâm sâu vào tầng định này, ngay cả các vị thiên vương những cõi trời cao nhất cũng xuống tôn kính đảnh lễ ngài. Khi thấy như thế, Đại đức Mahākassapa mỉm cười và thốt lên:

Nhiều chư thiên uy lực lẫy lừng,
Mười ngàn vị từ cõi Phạm thiên,
Đứng trước ngài chắp tay cung kính,
Sāriputta,
Bậc trí tuệ Tướng Quân của Giáo Pháp,
Đại thiền giả đang thâm sâu định:
“Đảnh lễ ngài, ôi, bậc thượng sanh,
Đảnh lễ ngài, ôi, bậc tối thượng,
Chúng tôi đây không sao biết được
Ngài nhập định trú tâm thế nào.”
(Thag. 1082-84)

Sự thuần thục trong thiền định của Sāriputta được quân bình một cách thiện xảo bằng khả năng phân tách các pháp thật tỉ mỉ và chính xác, một khả năng mà Đại đức hằng dùi mài qua minh sát thiền tập. Trong các vị đệ tử của Đức Phật, Sāriputta là bậc đệ nhất về trí tuệ (etadaggaṁ mahāpaññānaṁ), chỉ sau bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Đặc điểm trọng yếu nhất của trí tuệ Sāriputta là bốn tuệ giác phân tích (paṭisambhidā-ñāṇa) mà ngài đã chứng đắc được trong hai tuần tu tập miên mật sau khi xuất gia. Ngài trình bày cùng chư tỳ khưu, trước mặt Đức Phật, đấng Pháp Vương Vô Thượng như sau (AN 4:173):

“Này chư hiền hữu, sau ngày xuất gia thọ đại giới nửa tháng, tôi đã chứng ngộ được, toàn bộ và chi tiết, tuệ phân tích ý nghĩa, tuệ phân tích học thuyết, tuệ phân tích ngôn từ, tuệ phân tích kiến giải. Các pháp này tôi đã trình bày qua nhiều cách, thuyết giảng và chỉ dẫn, củng cố và khám phá, giải thích và minh xác. Nếu vị nào có hoài nghi hay phân vân gì, hãy hỏi tôi và tôi sẽ giải thích. Có Đức Tôn Sư trước chúng ta đây, Ngài là bậc đại trí tuệ, tối thiện xảo trong tất cả các pháp chứng đắc.”

Qua khả năng siêu phàm với bốn tuệ phân tích, ngài Sāriputta không chỉ xuất sắc trong tri kiến của chính mình mà còn trong nhiệm vụ giảng dạy và giải thích Giáo Pháp. Với công hạnh và khả năng ưu việt này của Sāriputta, thế nên Đức Thế Tôn đã tuyên bố rằng Sāriputta thật sự là người con tinh thần và người phụ tá chính yếu của Ngài trong công cuộc “chuyển Bánh Xe Pháp” (Anupada Sutta, MN 111):

“Nếu có một ai có thể tự nhận rằng mình đã thuần thục và viên mãn thánh giới, thánh định, thánh tuệ, và thánh giải thoát, thì người đó chính là Sāriputta.

“Nếu có một ai có thể tự nhận rằng mình thật sự là con của Như Lai, sanh từ Phật ngôn, sanh từ Giáo Pháp, hình thành từ Giáo Pháp, thừa tự Giáo Pháp chứ không thừa tự chút phúc lạc mảy may nào của đời thế tục, thì người đó chính là Sāriputta.

“Sau Như Lai, này chư tỳ khưu, Sāriputta là người chuyển được Bánh Xe Pháp Bảo tối thượng, như là chính Như Lai chuyển luân vậy.”

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app