ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG I: XÁ LỢI PHẤT (SĀRIPUTTA) – VỊ TƯỚNG QUÂN CỦA GIÁO PHÁP

PHẨM HẠNH VIÊN MÃN

TRI ÂN

Một trong những phẩm hạnh nổi bật nhất của Sāriputta có lẽ là đức tính biết ơn không phân biệt tôn ti thứ bậc, và dù ân đức đã thọ nhận nhỏ bé hay xa xưa vô cùng.

Ngài sẵn sàng ghi nhận mọi sự phê bình, sửa sai, khuyên bảo từ bất cứ ai – dù tuổi đời hay tuổi hạ nhỏ đến đâu – không chỉ với sự khiêm cung mà còn với một lòng tri ân chân thành. Chú giải Susīma Sutta (SN 2:29) thuật rằng, một lần nọ, do thoáng vô ý bất cẩn mà một chéo y nội (antaravāsaka) của Sāriputta lệch xuống, chạm đất. Một vị sa di bảy tuổi trông thấy, chỉ cho ngài và thưa:

“Bạch sư, y phải được quấn ngay thẳng quanh thân.”

“Lành thay!” Sāriputta hoan hỷ trả lời.

Rồi Đại đức liền bước sang một bên, cẩn thận chấn chỉnh y áo, rồi tiến lại vị sa di, cung kính chắp tay, và nói rằng:

“Bây giờ đã tề chỉnh rồi, thưa thầy!”

Câu chuyện này còn được ghi lại qua một bài kệ trong kinh Milindapañha (Mil. 397):
Nếu một vị xuất gia lên bảy tuổi
Khuyên bảo tôi, tôi cúi đầu đón nhận;
Hướng về người, chặt dạ kính ghi ân;
Suốt đời người mãi mãi là thầy tôi.

Với một khuyên bảo đơn sơ như vậy mà Sāriputta vẫn giữ sự khiêm cung, tôn kính, biết ơn… huống chi là ân sư Assaji, người đã khai tâm cho Sāriputta qua một bài kệ ngắn ngủi vỏn vẹn bốn câu mà hé mở được cánh cửa trí tuệ đưa ngài vào dòng thánh, và đem Giáo Pháp của Đức Thế Tôn đến với ngài. Vì vậy, suốt cả cuộc đời, Sāriputta luôn luôn tỏ rõ lòng kính ngưỡng, tri ân Trưởng lão Assaji.

Chú giải Nāvā Sutta và chú giải Kinh Pháp Cú (về kệ 392) ghi lại rằng, bất cứ lúc nào Sāriputta cùng ngụ trong một tịnh xá với Trưởng lão Assaji, ngay sau khi đảnh lễ Thế Tôn, ngài luôn luôn đến viếng thăm và lễ bái Trưởng lão, tự nhủ: “Vị Đại đức này là vị thầy đầu tiên của ta. Nhờ người mà ta biết được Giáo Pháp của Đức Phật.” Còn khi Trưởng lão Assaji ngụ tại một tịnh xá khác, Sāriputta thường hướng về nơi Trưởng lão đang cư trú, quỳ rạp thân xuống đất, cung kính lễ lạy như thầy đang ở trước mặt mình vậy.

Tuy nhiên, sự kiện này làm một số chư tăng hiểu lầm và nói rằng:

“Đã là một vị trưởng đệ tử mà Sāriputta vẫn còn lễ bái các cõi trời! Đến nay mà chưa từ bỏ được những tà kiến bà-la-môn!”

Khi những lời chỉ trích này đến tai Thế Tôn, Ngài dạy:

“Không phải như thế đâu, chư tỳ khưu! Sāriputta không lễ bái các cõi trời mà đảnh lễ người đầu tiên đã đem Giáo Pháp đến cho mình, kính ngưỡng người ấy như một vị thầy. Sāriputta là người thành kính biết ơn thầy tổ.”

Rồi Bổn Sư thuyết Nāvā Sutta, bắt đầu với những câu sau: “Như chư thiên tôn vinh Chúa Indra của họ, các con hãy biết kính ngưỡng người đã cho các con học hỏi Giáo Pháp.”

Lòng biết ơn và nhớ ơn của Sāriputta còn trải dài đến những thí chủ tín tâm, dù giai cấp xã hội hay phẩm vật cúng dường của họ có nhỏ bé khiêm nhường đến đâu đi nữa. Đó là câu chuyện về Trưởng lão Rādha trong chú giải Kinh Pháp Cú (về kệ 76).

Tại tịnh xá Jetavana ở Sāvatthi có một người bà-la-môn nghèo khổ, bần hàn tên là Rādha tá túc. Ông làm công quả, chăm lo những việc lặt vặt như nhổ cỏ, quét dọn, và hằng ngày chư tăng chu cấp cho ông vật thực để độ sanh. Tuy nhiên, khi ông ngỏ lời xin xuất gia, chư tăng không ai chịu thu nhận.

Một ngày nọ, trong lúc quan sát căn cơ của chúng sanh, Đức Thế Tôn thấy người bà-la-môn nghèo khổ này đã đầy đủ phước duyên đắc quả a-la-hán. Ngài hỏi chư tăng có vị nào nhớ đã được ông cúng dường phẩm vật gì hay không. Sāriputta thưa rằng Đại đức nhớ trong một lần đi trì bình khất thực ở Rājagaha, người bà-la-môn nghèo khốn này đã cúng dường.

Đại đức một vá thức ăn mà ông vừa xin được để nuôi chính thân mình. Đức Phật dạy Sāriputta làm lễ xuất gia cho Rādha. Đại đức hoan hỷ vâng lời.

Từ đó Đại đức nghiêm ngặt hướng dẫn Rādha tu học, lập đi lập lại những lời giáo huấn để ông luôn nhớ biết đâu là thiện nghiệp để hành trì, đâu là bất thiện nghiệp mà đoạn diệt. Rādha luôn luôn thành tâm hoan hỷ ghi nhận tất cả lời dạy dỗ của thầy, không chút tự ái hay buồn giận. Không bao lâu, ông đắc quả a-la-hán.

Nhân dịp này, chư tăng ca ngợi đức tính biết ơn của Sāriputta và còn tán thán rằng vì ngài là người luôn hoan hỷ ghi nhận mọi lời chỉ bày và giáo huấn, nên thu nhận đệ tử cũng có được đức tính ấy. Nghe những lời ngợi khen này, Đức Phật dạy rằng không chỉ hiện tại mà trong tiền kiếp Sāriputta đã có phẩm hạnh biết và nhớ bất cứ ân đức nào đã được thọ nhận trong đời. Sau đó Đức Thế Tôn kể lại chuyện tiền thân về một con voi biết ơn, Alīnacitta Jātaka (Jāt. 156).

Jātaka 156
Ngày nọ khi Đức Phật đang ngụ tại tịnh xá Jetavana, một vị tỳ khưu đến bên Ngài và tự thú rằng tâm mình yếu đuối, nhu nhược. Đức Thế Tôn động viên tinh thần ông:

“Này tỳ khưu, xưa kia sư đã từng chiến thắng, giành lại cả vương quốc Bārānasī, dâng hiến lên một cậu bé sơ sanh. Sư đã làm được do sự quyết tâm kiên định. Giờ đây, với hạnh nguyện hành trì giới luật cao thượng để tìm cầu giải thoát, sư làm sao có thể yếu lòng, thất niệm?”

Đoạn, Ngài kể câu chuyện tiền thân sau.

Xưa, xưa lắm, khi Brahmadatta là quốc vương xứ Bārānasī, có một ngôi làng tụ tập những người thợ mộc xây dựng nhà cửa để làm kế sinh nhai.

Mỗi ngày họ chèo thuyền lên thượng nguồn dòng sông, vào rừng sâu, chặt cây, đẽo gọt thành kèo cột, đánh số để lên khung, bó cột lại, khuân vác về thuyền rồi chở về thành phố. Họ rất thiện nghệ và kiếm được lợi tức khấm khá.

Một hôm, gần khu vực họ làm việc trong rừng, một con voi dẫm nhầm lên một mảnh dằm của cây xiêm gai. Mảnh dằm đâm xuyên qua chân, gây sưng tấy, mưng mủ làm độc, khiến voi đau đớn cực độ. Khi nghe tiếng những người thợ mộc cưa cây, voi nghĩ, “Những người thợ mộc này có thể chữa lành chân ta.” Cố lê lết thân đau, voi tiến lại gần họ và nằm xuống.

Thoạt tiên, những người thợ mộc rất ngạc nhiên. Nhưng rồi, phát hiện bàn chân sưng phù của voi, họ săm soi cẩn thận, thấy được cái dằm gỗ. Họ bèn dùng một khí cụ bén nhọn cắt quanh dằm, cột dằm vào một sợi dây để kéo ra khỏi chân voi. Xong, họ trích cạn mủ vết thương, dùng nước ấm rửa sạch, và băng bó cẩn thận sạch sẽ. Chỉ một thời gian ngắn sau, chân voi hoàn toàn lành lặn.

Biết ơn cứu mạng của những người thợ mộc, voi quyết tâm đền đáp bằng cách đỡ đần công việc cho họ. Từ đó về sau, voi giúp họ bứng cây, kéo gỗ. Mỗi khi họ cần đồ nghề, voi dùng vòi nhấc các dụng cụ lên, đem đến nơi họ đang làm việc. Vào giờ ăn trưa, những người thợ cung cấp thức ăn cho voi để voi khỏi phải đi tìm vật thực.
Một thời gian dài trôi qua, voi biết mình đã già và không còn có thể tiếp tục phục vụ những người thợ mộc bao lâu nữa. Ngày kia, voi đem lại con trai của mình, một bạch tượng hùng dũng tuyệt đẹp, đã được huấn luyện thuần thục. Voi nói với những người thợ:

“Con voi niên thiếu này là con của ta. Vì các ông đã cứu mạng ta, ta giao con ta cho các ông. Từ nay, con ta sẽ thay ta phụng sự các ông.”

Sau khi giải thích cặn kẽ tất cả nhiệm vụ phải chu toàn cho con nghe, voi già một thân một mình quay vào rừng.
Voi trẻ ngoan ngoãn trung thành làm việc, phục vụ cho những người thợ mộc, y như cha mình ngày xưa. Những người thợ cung cấp vật thực cho voi con, như ngày nào đã nuôi dưỡng voi cha. Và voi con ngày một lớn mạnh.
Hằng ngày, sau giờ làm việc, voi xuống sông tắm rửa trước khi trở về rừng. Con cháu những người thợ mộc thường thích thú lôi kéo chiếc vòi của voi, bày đủ thứ trò chơi dưới nước, trên bờ để cùng voi nô đùa.

Dĩ nhiên, người và những loài vật có phẩm hạnh không bao giờ tiểu tiện hay đại tiện vào nước sông. Voi cũng vậy, trắng ngần và cao quý, luôn luôn cẩn thận, không phóng uế khi ngâm mình trong sông mà chờ cho đến khi lên bờ.

Một ngày mưa tầm tã nặng hạt, nước lũ của sông kéo nửa tảng phân khô của voi từ trên bờ, cuốn về miệt hạ lưu. Tảng phân trôi đến Bārānasī và kẹt vào một bụi cây, ngay nơi những người quản tượng của nhà vua dẫn năm trăm voi đến tắm. Khi những con voi này ngửi được mùi phân của con voi trẻ cao quý, chúng không dám xuống sông mà lại dương đuôi, quạt tai và chạy đi nơi khác.

Nghe quản tượng thuật lại sự việc, những người huấn luyện voi đoán biết có một vật đặc biệt ở trong dòng nước.

Họ ban lệnh lùng kiếm khắp con sông, và rồi tảng phân được tìm thấy trong bụi cây. Họ nghiền phân thành bột, trộn với chút nước, rắc lên lưng những con voi khác. Bột này khiến chúng bỗng nhiên mang một mùi thơm ngọt ngào dễ chịu, và chúng lập tức ngâm mình xuống sông tắm rửa.

Bấy giờ, những người huấn tượng quả quyết rằng phân kia phải xuất phát từ một con voi vô cùng cao quý. Họ trình lên vua và khuyên ngài nên tìm bắt con voi ấy cho triều đình.

Vua truyền lệnh sửa soạn thuyền bè và lên đường về hướng thượng lưu sông. Khi đến nơi những người thợ mộc lập nghiệp, vua thấy con voi trẻ đang chơi đùa dưới nước. Vừa thoáng nghe tiếng trống lệnh của vua, voi liền ra khỏi dòng sông, đến đứng kế bên những người thợ mộc. Tất cả cùng kính cẩn đảnh lễ vua.

“Tâu hoàng thượng,” họ thưa, “nếu ngài cần chúng tôi làm việc gì cho ngài, ngài không cần phải ngự giá đến đây. Ngài có thể truyền lệnh, và chúng tôi sẽ đến dâng lên ngài.”

“Không, các khanh à,” Vua nói, “trẫm đến đây không để lấy gỗ mà để thu nhận con voi này.”

“Tâu hoàng thượng, voi này nay là của ngài!” Họ lập tức vâng lệnh, nhưng voi thì không chịu di dịch.

Vua trực tiếp hỏi voi:

“Khanh muốn trẫm phải làm gì?”

“Tâu hoàng thượng, ngài hãy ban lệnh trả công những người thợ mộc đã nuôi dưỡng tôi,” voi trả lời.

“Sẵn sàng, khanh à!”

Vua truyền đem hàng trăm ngàn quan tiền chất đống chung quanh vòi, đuôi và bốn chân voi. Nhưng vẫn chưa đủ, voi vẫn từ chối, không chịu nhích chân. Vua bèn chu cấp thêm quần áo, tiền bạc cho những người thợ mộc và cả gia đình họ.

Hài lòng vì những người bạn của mình nay có thể sống sung túc dù không còn sự giúp đỡ của mình nữa, voi chào từ biệt những người thợ mộc và vợ con họ, rồi cùng vua lên đường.

Voi phụng sự vua như một chiến hữu. Không một ai khác được phép cỡi voi. Với sự giúp sức của voi, vua chiến thắng lẫy lừng, xưng bá cả nước Ấn Độ.

Sau đó một thời gian, chánh hậu của vua thọ thai. Khi bà sắp sanh nở thì vua băng hà.

Ai ai cũng biết rằng, nếu hay tin vua qua đời, voi sẽ tan nát tâm can vì đau đớn. Vì thế người ta vẫn chăm sóc voi như thường lệ, nhưng không hề hé môi tiết lộ nửa lời. Tin đồn về cái chết của vua nhanh chóng lan đến tai vua xứ Kosala. Ông nghĩ: “Bārānasī chắc chắn thuộc về ta rồi!” và quyết định tấn công vương quốc này. Ông thân chinh thống lãnh đại quân, bao vây kinh thành.

Dân chúng Bārānasī đóng chặt cửa thành và gởi thông điệp đến ông:

“Hoàng hậu Bārānasī sắp lâm bồn, các chiêm tinh gia đã tiên đoán rằng, trong bảy ngày nữa, Hoàng hậu sẽ hạ sanh một bé trai. Nếu quả thật lệnh bà sanh hoàng nam, chúng tôi mới chiến đấu bảo vệ vương quốc. Xin cho chúng tôi bảy ngày.”

Vua xứ Kosala ưng thuận.

Đúng như lời tiên tri, vào ngày thứ bảy, một bé trai chào đời. Vì cậu sanh ra để thu phục nhân tâm nên hoàng hậu đặt tên cậu là Alīnacitta, có nghĩa là “người đem lại niềm cảm kích.”

Trong ngày ấy, quân lính vùng dậy, mở cuộc chiến chống lại vua xứ Kosala. Tuy nhiên, vì không có người thống lãnh, quân lính bị đánh lùi và bắt đầu nao núng tinh thần.

Ngay sau khi cuộc chiến mở màn, sứ giả về trình tấu lên hoàng hậu:

“Quân ta phải rút lui. E rằng chúng ta sẽ thất trận. Vương tượng, chiến hữu trung thành của cố hoàng thượng, cho đến giờ vẫn chưa biết tin vua đã băng hà, tin hoàng tử vừa được hạ sanh, và tin kinh thành đang bị vua xứ Kosala vây hãm. Đã đến lúc ta nên báo cho vương tượng biết chăng?”

“Phải, đã đến lúc rồi.” Hoàng hậu trả lời.

Bà nhanh chóng thay y phục cho hoàng nhi, quấn cậu bé sơ sanh trong khăn gấm, và cùng toàn thể triều đình đi đến chuồng của voi. Nơi đây, hoàng hậu đặt hoàng nhi dưới chân voi, nói rằng:

“Chủ tướng! Chiến hữu của ngài, đức vua, đã qua đời, song chúng tôi sợ trái tim ngài sẽ tan nát vì đau đớn nên không dám báo hung tin. Đây là đứa con trai mới chào đời của đức vua. Hiện nay vua xứ Kosala đang vây hãm kinh thành của chúng ta và gây chiến. Quân ta phải rút lui. Hoặc tự thân giết chết con trai của ngài đi, hoặc giành chiếm lại vương quốc cho con ngài!”

Voi vuốt ve cậu bé với chiếc vòi của mình và nhẹ nhàng nâng cậu lên, đặt trên đầu mình. Rồi trong nỗi đau đớn tiếc thương cố chủ, voi ôm lấy cậu và đặt cậu vào tay người mẹ.

Voi nói với quan quân khoác chiến bào cho mình và chuẩn bị tiến quân. Họ mở cửa thành, hộ tống voi lâm trận.

Bạch Tượng oai nghi hào hùng rống tiếng. Khí thế lẫm liệt dũng mãnh của voi làm quân xâm lăng kinh ngạc, sợ hãi và tháo chạy.

Trong lúc bại quân tán loạn rút lui, vương tượng túm được búi tóc của vua xứ Kosala, bắt giữ ông. Voi mang người tù nhân này đến bỏ bên chân vị thái tử trẻ. Quân lính đổ xô lại định giết ông, nhưng voi ngăn cản họ.

“Hãy cẩn thận trong tương lai,” con voi cao quý khuyên răn vị vua đang bị cầm tù. “Đừng bao giờ mạo muội cho là có thể giành được lợi thế vì thái tử của chúng tôi còn thơ trẻ.”

Rồi voi phóng thích ông.

Alīnacitta đăng quang năm lên bảy tuổi. Cũng như cha mình, ngài trị vì trọn bờ cõi Ấn Độ và không còn một kẻ thù địch nào dám nổi dậy quấy nhiễu nữa. Triều đại của ngài công minh và nhân ái. Khi từ giã kiếp sống, ngài tái sanh lên cõi trời và rạng danh nơi ấy.

Để kết thúc bài pháp, Đức Thế Tôn dạy rằng, bất cứ một vị tỳ khưu nào chí nguyện dũng mãnh và nương tâm kiên định nơi Tam Bảo cũng sẽ chiến thắng, như con voi kiên quyết ngày xưa ấy. Sau khi Ngài khẳng định Chân Lý này, vị tỳ khưu yếu đuối – với căn cơ nay đã chín muồi – giác ngộ và đắc quả a-la-hán.

Giải thích các tiền thân, Đức Phật cho biết “hoàng hậu Mahā Māyā thuở ấy là người mẹ. Vị tỳ khưu này đây chính là voi con, đã chiến thắng và giành lại được vương quốc cho cậu bé. Sāriputta là voi cha với hạnh tri ân. Còn vị thái tử trẻ là tiền thân của Như Lai ngày nay vậy.”

BẰNG HỮU

Lòng biết ơn, từ bi, khiêm tốn, nhẫn nại, và tận tụy phục vụ là những phẩm hạnh đã mang lại cho Sāriputta nhiều tình bạn chân thành và dài lâu suốt cuộc đời sa môn của ngài.

Với Moggallāna, một người bạn tâm giao và đồng hành từ thời thơ ấu, Sāriputta giữ bền chặt mối liên hệ mật thiết cho đến khi tử biệt trong năm cuối cùng của cuộc đời. Đôi bạn thân sanh cùng ngày, tìm được ánh Đạo cùng ngày, xuất gia theo bước Bổn Sư cùng ngày, trở thành trưởng đệ tử của Đức Thế Tôn cùng ngày, và nhiều lần sát cánh bên nhau, hợp tác để chu toàn các sứ mệnh cho Giáo đoàn.

Nhưng tình bằng hữu của Sāriputta không dành riêng cho một ai. Tình bạn giữa Sāriputta và Ānanda được ghi lại trong chú giải Kinh Mahāgosiṅga.nPnhàầo do đức tính biế t ơn thầy tổ mà giữa hai trưởng lão có một sợi dây cảm mến đặc biệt.

Sāriputta mến bạn vì cảm kích rằng: “Ānanda hằng ngày hầu cận chăm sóc Bổn Sư – một bổn phận mà lẽ ra ta phải chu toàn.” Còn Ānanda mến bạn do lòng kính ngưỡng bởi Sāriputta được Đức Phật tán dương là người đệ tử ưu tú nhất.

Tình đồng môn và trọng trách hướng dẫn Tăng chúng nối dài thêm sợi dây cảm mến ân đức của nhau giữa hai vị. Sau khi làm lễ xuất gia và ban sa di giới cho đệ tử của mình, Ānanda thường dẫn họ đến Sāriputta để xin ngài cho họ thọ giới cao hơn, tỳ khưu giới. Sāriputta, hoan hỷ và tương kính, cũng làm như vậy cho đệ tử của mình với Ānanda. Cứ thế mà hai vị có chung năm trăm đệ tử, để lại cho đời sau một gương sáng về sự viên dung hài hòa, tuyệt đẹp của tình thầy trò và nghĩa huynh đệ.

Bất cứ khi nào Ānanda được thọ nhận y hay vật dụng tốt, Đại đức thường đem biếu cho Sāriputta, và cũng như vậy, Sāriputta thường dành tặng Ānanda những vật dụng được cúng dường đặc biệt đến riêng ngài. Một lần nọ, Ānanda được cúng dường một chiếc y quý, và với sự cho phép của Bổn Sư, Đại đức giữ y trong mười ngày để chờ Sāriputta trở về sau chuyến hoằng pháp phương xa. Phụ chú giải ghi lại: “Ai đó có thể hỏi rằng: ‘Ta có thể hiểu được một tình thương mến như vậy từ Ānanda vì ngài chưa chứng đạt thánh quả a-la-hán. Nhưng còn Sāriputta, ngài là một vị a-la-hán, không còn mảy may tham ái nào trong tâm, thì vì sao?’ Câu trả lời của chúng ta là: ‘Tình thương mến của Sāriputta không là một quyến luyến bình thường của thế tục mà do lòng quý mến những đức hạnh rất đặc thù của Ānanda (guṇa-bhatti).’”

Có lần Đức Phật hỏi Ānanda:

“Này Ānanda , trong Tăng chúng có nhiều người cảm mến Sāriputta. Con cũng vậy không?”

“Bạch Thế Tôn,” Ānanda thưa, “ai lại không cảm mến Sāriputta, trừ phi là kẻ ấu trĩ, vô hạnh, ngu muội, hay trụy lạc! Sāriputta là bậc đại trí, bậc tốc trí, với một trí tuệ quảng bác, sáng ngời, bén nhạy, sắc sảo, và thâm sâu. Sāriputta sống tri túc đơn sơ, ưa nơi vắng lặng, thích hạnh độc cư, nghị lực kiên cường, có tài biện luận thuyết phục nhưng lại biết lắng nghe, một tấm gương giới hạnh sáng ngời không chút bợn nhơ” (SN 2:29).

Lúc biết tin Sāriputta viên tịch, Ānanda thổ lộ nỗi tiếc thương bàng hoàng: “Khi người bạn cao quý (Sāriputta) đã ra đi, cuộc đời như chìm vào bóng tối” (Thag. 1034). Nhưng sau này Đại đức thêm rằng, khi vị đồng hành khả kính ấy đã ra đi để ngài ở lại, và Bổn Sư cũng nhập diệt, không có người bạn nào cao quý như “người bạn chánh niệm” giúp ngài quán chiếu thân tâm, hướng dẫn ngài trên đường tu tập. Nỗi đau buồn của Ānanda khi được tin Sāriputta qua đời được diễn tả rất cảm động trong Cunda Sutta.

Là một người bạn chân thành và biết cách triển khai những cái hay đẹp, ưu điểm cao quý nhất của bằng hữu mình, Sāriputta không ngần ngại góp ý xây dựng, thẳng thắn chỉ rõ cho bạn những sai lầm để tránh bỏ mà thăng tiến tâm thức. Đó là khuôn mẫu của một thiện hữu, một người bạn lý tưởng mà Thế Tôn thường giảng dạy.

Với một phê bình thành tâm như vậy, Sāriputta đã giúp Đại đức Anuruddha bẻ gãy những chướng ngại tâm cuối cùng, chứng đắc Niết bàn. Lần ấy được ghi lại trong Tăng Chi Bộ Kinh (AN 3:128). Anuruddha đến thăm Sāriputta. Sau khi chào hỏi và an tọa, Đại đức Anuruddha hỏi bạn:

“Này hiền hữu Sāriputta, với thiên nhãn thông trong sáng siêu phàm, tôi có thể nhìn thấy hàng vạn thế giới trong vũ trụ.

Lực dũng mãnh, bất thối. Niệm bén nhậy, minh mẫn. Thân yên bình, tự tại. Tâm an định và kiên trụ. Vậy mà tâm tôi vẫn chưa sao giải thoát được khỏi ô nhiễm và dính mắc.”

“Này hiền hữu Anuruddha,” Đại đức Sāriputta nói, “bạn nghĩ đến thiên nhãn của mình, đó là sự tự phụ, ngã mạn trong tâm. Nghĩ đến lực dũng mãnh, niệm bén nhậy, thân tự tại, tâm an định, đó là nỗi bồn chồn, bất an trong tâm. Nghĩ đến tâm chưa giải thoát khỏi ô nhiễm, đó là niềm lo âu, phiền não trong tâm. Thật ra, điều tốt nhất cho bạn là từ bỏ ba bất thiện tâm này, đừng chú ý đến chúng, chỉ nỗ lực hướng tâm vào đề mục Bất tử, cứu cánh Niết bàn.”

Nghe lời khuyên giải của Sāriputta, Đại đức Anuruddha trở về tịnh cốnc ẩtu đơn độ    c, tinh tấn hành thiền, kiên trì dũng mãnh đoạn trừ ba chướng ngại tâm mà người bạn hiền thiện trí đã chỉ rõ. Trong thời gian này, với tha tâm thông, Thế Tôn biết được những nỗ lực và tiến bộ trên đường tu tập của Anuruddha. Ngài hiện thân đến bên Đại đức để hỗ, tsrợách  tấn và làm sáng tỏ thêm các pháp hành trì. Không lâu sau, giữa mùa mưa an cư ở Trúc Lâm, trong tịnh cốc đơn độc, Đại đức Anuruddha cuối cùng đã vượt thắng, nhổ sạch gốc rễ ô nhiễm trong tâm, chứng ngộ quả vị a-la-hán – quả vị giải thoát cao thượng nhất. Mùa mưa nhưng tâm ngài trong sáng ánh mặt trời trí tuệ. Đơn độc nhưng lòng ngài an lạc, ấm áp ân đức của Thầy, của bạn.

Sāriputta là một người bạn đồng hành có thể gợi lên niềm phấn khởi cho bằng hữu, bởi ngài được nhiều huynh đệ với tính khí rất khác biệt tỏ lòng mến mộ. Mahāgosiṅga Sutta (MN 32) thuật lại một đêm trăng sáng ở rừng Gosiṅga, các trưởng lão Moggallāna, Mahākassapa, Anuruddha, Revata, và Ānanda cùng đến viếng Sāriputta để thính pháp. Sāriputta tiếp đón chư vị và nói:

“Khả ái thay rừng sāla Gosiṅga đêm nay: trăng sáng cả bầu trời, hoa sāla nở rộ, và dường như trong hư không thoang thoảng hương thơm từ cõi trời. Này Ānanda, hiền hữu nghĩ hạng tỳ khưu nào có thể tỏa sáng hào quang khiến rừng sāla Gosiṅga thêm rực rỡ?”

Rồi Trưởng lão Sāriputta lần lượt hỏi các trưởng lão khác, và mỗi vị trả lời theo hạnh nguyện và chứng đắc của mình. Ānanda nói về vị tỳ khưu biết trân quý, gìn giữ, ghi nhớ những gì đã được học hỏi từ Giáo Pháp cao thượng toàn hảo. Revata nói về vị tỳ khưu sống tịnh cư và an vui trong thiền định. Anuruddha nói về vị tỳ khưu có thiên nhãn thanh tịnh, quán sát ngàn thế giới. Mahā Kassapa nói về vị tỳ khưu sống độc cư trong rừng núi, tu khổ hạnh miên mật, thành tựu giới, định, tuệ và giải thoát tri kiến. Moggallāna nói về vị tỳ khưu có kiến giải và biệt tài đàm luận Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Sau cùng, Moggallāna hỏi Sāriputta câu hỏi ấy. Sāriputta trả lời:

“Có vị tỳ khưu điều phục được tâm, không bị tâm điều phục. Trong bất cứ cảnh giới hay chứng đắc nào vị ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy có thể an trú trong đó vào buổi sáng. Trong bất cứ cảnh giới hay chứng đắc nào vị ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy có thể an trú trong đó vào buổi trưa. Trong bất cứ cảnh giới hay chứng đắc nào vị ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy có thể an trú trong đó vào buổi chiều.

“Đó như một tủ áo quần của vua chứa đầy trang phục đủ màu sắc để bất cứ trang phục nào vua muốn mặc vào buổi sáng, buổi trưa, hay buổi chiều, vua đều có thể được như ý mặc trang phục ấy vào lúc ấy.

“Tương tự như thế là vị tỳ khưu điều phục được tâm, không bị tâm điều phục. Trong bất cứ cảnh giới hay chứng đắc nào vị ấy muốn an trú vào buổi sáng, buổi trưa, hay buổi chiều, vị ấy đều có thể được như ý an trú trong đó vào lúc đó.

“Một vị tỳ khưu như vậy, này hiền hữu Moggallāna, có thể tỏa sáng hào quang khiến rừng cây sāla Gosiṅga thêm rực rỡ.”

Rồi các trưởng lão cùng đi đến gặp Thế Tôn và thuật lại cuộc pháp đàm. Đức Bổn Sư chấp nhận tất cả các câu trả lời theo hạnh nguyện và chứng đắc của từng đệ tử và thêm vào đó câu trả lời của Ngài. Đó là về một vị tỳ khưu giới đức, phạm hạnh, nỗ lực hành thiền với quyết tâm giải thoát khỏi tất cả ô nhiễm vô minh và đoạn trừ chấp thủ – tức quả vị a-la-hán.

Câu chuyện trên thể hiện rằng, dù có trí tuệ ưu việt và phẩm vị tối cao trong Tăng chúng, Sāriputta không bao giờ tỏ chút mảy may độc đoán, áp đặt huynh đệ phải theo tri kiến của ngài. Thay vì vậy, ngài biết làm sao để gợi lên niềm cảm hứng và phấn khởi cho bằng hữu tự diễn đạt tâm ý một cách tự nhiên và hòa hợp.

Kinh điển còn ghi lại nhiều cuộc pháp đàm khác giữa Sāriputta và các huynh đệ sa môn khác. Ngài rất nhiệt tâm tha thiết được gặp gỡ chư thánh tăng, nhất là những vị mà Đức Bổn Sư hằng khen ngợi, chẳng hạn như Trưởng lão Puṇṇa Mantāniputta mà Sāriputta chưa từng yết kiến trước khi Trưởng lão được Thế Tôn tán thán trước đại chúng. Được tin Puṇṇa viếng tịnh xá, Sāriputta đến gặp Trưởng lão, không bộc lộ danh tánh, và thu hút ngài vào một cuộc pháp đàm thâm sâu về các giai đoạn thanh lọc tâm liên tục và tương quan của chúng đến Niết bàn. Những câu hỏi của Sāriputta đã rút tỉa được từ Puṇṇa mộtp pthoại tuyệt diệu, Rathavinīta Sutta (Kinh Trạm Xe – MN 24), vạch ra các giai đoạn của Phật Đạo mà sau này được ngài Ācariya Buddhaghosa (Phật Âm) dùng làm khuôn khổ cho luận thuyết bất hủ của ngài: Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).

Ngoài ra, chính Đức Phật cũng thường luận pháp cùng Sāriputta. Do đó có nhiều bài pháp của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đàm đạo trực tiếp với Đại đức đã được ghi lại trong kinh điển.

Các lần đàm luận về Giáo Pháp với những người bạn thiện trí ấy đã giúp thêm ánh sáng cho Sāriputta trên con đường phát triển đại trí tuệ, cũng như cho tất cả những ai biết ngài hay nghe Pháp từ ngài để được cùng nhau chia sẻ hương vị thanh cao của Chân Lý.

Và như thế, tình bạn thiện lành luôn luôn sáng soi con đường theo bước Thầy tu học và hộ Pháp trợ Tăng của ngài Sāriputta. Một lần nọ,ngài gặp Đức Phật và lập lại lời  Đức Phật dạy Đại đức Ānanda:

“Toàn bộ đời sống phạm hạnh thánh thiện (brahmacariya) là tình bạn thiện lành, tình đạo thiện lành, tình đồng môn thiện lành. Khi một sa môn có được những bậc thiện lành là bạn đường, bạn đạo, và bạn đồng môn, vị ấy có thể học hỏi từ họ để tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo. Những ai xem Như Lai là người bạn thiện lành để tu học theo sẽ giải thoát khỏi sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não” (SN 45:2).

Bản thân Sāriputta là một minh họa hùng hồn cho lời dạy ấy của Đức Bổn Sư.

THÂN QUYẾN

Như ta đã biết, Sāriputta sanh trưởng trong một gia đình bà- la-môn ở làng Upatissa (Nālaka), gần Rājagaha. Cha ngài, qua đời lúc ngài còn thơ, tên là Vanganta. Mẹ ngài, một tín nữ bà- la-môn rất thuần thành, tên là Rūpasārī. Sāriputta có ba anh em trai – Cunda, Upasena, Revata – và ba chị em gái – Cālā, Upacālā, Sīsūpacālā. Cả bảy anh chị em đều lần lượt xuất gia vào Giáo đoàn của Đức Phật và đắc thánh quả a-la-hán.

Cunda được biết đến với tên Samaṇuddesa, nghĩa là “sa di”, ngay cả sau khi đã thọ giới tỳ khưu; đây để phân biệt với Trưởng lão Mahā Cunda. Lúc Sāriputta sắp tịch diệt, Cunda là thị giả của ngài, cũng là người về thông báo cho Đức Phật về cái chết của Đại đức, mang theo y bát và tro cốt của vị trưởng đệ tử về dâng Bổn Sư (Cunda Sutta, SN 47:13).

Upasena còn được biết đến với tên Vangantaputta, nghĩa là “con trai của Vanganta”, cũng như Sāriputta là “con trai của Sārī”. Upasena Vangantaputta được Đức Phật khen ngợi là vị tỳ khưu hàng đầu trong các đệ tử tỳ khưu thân thiện, dễ mến toàn diện (samantapāsādika).

Revata là em trai út. Mẹ ông không muốn ông theo gót chân các anh xuất gia đầu Phật nên ép ông lập gia đình khi hãy còn niên thiếu. Ông vâng lời. Nhưng trong ngày hôn lễ, ông nhìn thấy bà ngoại của người vợ tương lai, lúc ấy đã một trăm hai mươi tuổi, già yếu, tàn tạ. Ghê sợ cuộc đời tục lụy phù du và vô thường, ông lập tức dùng mưu mẹo bỏ trốn, vào chùa xuất gia và ẩn tích tu hành. Vài năm sau, trên đường đến đảnh lễ Đức Phật, ông dừng chân ở một khu rừng cây xiêm gai (khadīravana) vào mùa mưa, và trong thời gian nhập hạ ở nơi này Revata đắc quả a-la-hán. Sau sự kiện này, ngài được gọi là Revata Khadīravaniya – Revata của Rừng Xiêm Gai. Đức Phật tán dương Revata là vị tỳ khưu ưu tú nhất trong các đệ tử sống ẩn cư vắng lặng trong rừng.

Ba chị em gái – Cālā, Upacālā và Sīsūpacālā – noi gương các anh em trai, sau khi thành hôn đều lần lượt xuất gia, sống đời tỳ khưu ni thanh tịnh. Khi ba vị gia nhập Ni chúng, Ma vương (Māra) đã đến chế nhạo và cám dỗ nhưng không bao giờ quật ngã được giới hạnh trong sạch và kiên cường của ba vị. Những lời đối đáp xuất sắc của ba vị được ghi lại trong Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā) và Kinh Tương Ưng Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunī Saṁyutta).

Lúc lập gia đình, Cālā, Upacālā và Sīsūpacālā mỗi vị sanh một người con trai mà về sau rồi cũng xuất gia, thọ giới sa di với Đại đức Revata Khadīravaniya (người cậu út). Giới hạnh của ba vị từng được ngài Sāriputta khen ngợi (chú giải Trưởng Lão Tăng Kệ 42).

Cứ thế, lần lượt từng người con, từng đứa cháu bỏ nhà ra đi, xa rời bà Rūpasārī, trở thành đệ tử Phật, lấy Tăng chúng làm thân quyến. Bà thì vẫn là một tín nữ bà-la-môn giáo trung thành và càng lúc càng oán giận Tam Bảo.

Một lần nọ, Đại đức Sāriputta trên đường du hóa cùng các đệ tử tỳ khưu của ngài và dừng chân ở quê hương, làng Nālaka. Trên đường đi trì bình khất thực trong làng, Ngài đến nhà của mẹ ngài. Bà mời ngài và chư tăng ngồi rồi dâng vật thực, nhưng cùng lúc ấy lại buông lời nhiếc móc xúc xiểm:

“Cơ cực, ai lại đi ăn đồ bố thí thừa cặn của thiên hạ! Lỡ khi không xin được chút cháo chua dư thừa, chắc sư phải đi từ nhà người dưng này sang nhà kẻ lạ khác, liếm bát liếm vá người ta. Sống bần hàn như vậy mà sư chịu từ bỏ gia tài hàng trăm triệu để đi làm sa môn! Sư làm tôi nhục nhã! Thức ăn đây, hãy ăn đi!”

Cũng như vậy, bà vừa sớt bát cho chư tăng tháp tùng ngài, vừa khích bác:

“Vậy ra mấy ông đây là những người đã bắt con trai tôi theo làm tôi mọi hầu hạ! Thôi, ăn đi!”

Cứ như vậy, bà tiếp tục sỉ vả Đại đức và châm chọchưc tăng. Thế nhưng Đại đức không nói một lời nào. Ngài nhận thức ăn, im lặng thọ dụng, rồi điềm đạm ôm bình bát trở về tịnh xá.

Đi theo chúng tăng lần ấy có Rāhula, con trai của Đức Phật. Khi trở về, Rāhula thuật lại cho Đức Tôn Sư rõ. Chư tỳ khưu biết được câu chuyện này đều thán phục sự nhẫn nại và chịu đựng phi thường của Trưởng lão Sāriputta. Đức Phật đã khen ngợi ngài giữa Tăng chúng qua bài kệ sau:

Vô sân, tròn bổn phận,
Trì giới, đoạn tham ái
Điều phục thân cuối cùng,
Ta gọi bà-la-môn (*)
(Dhp. 400)
(*) Bà-la-môn ở đây có nghĩa là bậc giác ngộ a-la-hán

 

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app