Nội Dung Chính
ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG I: XÁ LỢI PHẤT (SĀRIPUTTA) – VỊ TƯỚNG QUÂN CỦA GIÁO PHÁP
CHUYỂN PHÁP LUÂN
Các bài pháp của Đại đức Sāriputta hình thành một pho giáo lý toàn diện có thể đứng cạnh giáo lý đại vi diệu của Đức Tôn Sư. Với một tri kiến vô song về Giáo Pháp, Sāriputta biết cách thiết lập và trình bày Pháp Bảo một cách khúc chiết, minh bạch, gây được niềm cảm hứng phát khởi trí tuệ và tinh tấn tu tập. Theo truyền thống Theravāda, Sāriputta đã đóng góp vai trò hàng đầu trong việc chuyển Bánh Xe Pháp với rất nhiều bài kinh quan trọng ngài thuyết giảng, ba luận thư lớn ngài khởi xướng, cũng như bộ Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) ngài hệ thống hóa.
Các kinh (sutta) được Đại đức thuyết giảng bao gồm nhiều đề tài khác nhau, liên quan đến đời sống phạm hạnh, từ các giới điều đơn giản đến những điểm vi diệu trong Giáo Pháp và thiền tập. Dưới đây là một số kinh quan trọng điển hình.
ĐẠI KINH DẤU CHÂN VOI
Trong đại kinh này, ngài Sāriputta thuyết giảng về Bốn Chân Lý qua ví dụ dấu chân voi, với một phương pháp trình bày, phân tích và luận giải vô cùng thiện xảo.
Trong tất cả các dấu chân, dấu chân voi lớn nhất, có thể chứa các dấu chân khác. Cũng vậy, Bốn Chân Lý – khổ, tập, diệt, đạo – là thiện pháp lớn nhất, tập trung tất cả các thiện pháp.
Rồi ngài phân tích thật chi tiết Chân Lý về khổ, đặc biệt là về ngũ uẩn khổ do năm uẩn – sắc, thọ, tưởng, hành, thức – bị chấp thủ.
Kế đến ngài phân tích sắc uẩn do tứ đại tạo tác. Sau đó ngài lần lượt phân tích và giảng giải cặn kẽ chi tiết từng đại – địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại. Mỗi đại được trình bày như một nền tảng để quán sát và phát sanh các tuệ giác về vô thường, vô ngã, lý duyên khởi (paṭicca-samuppāda), cùng các đức tính nhẫn, niệm và xả tương ưng với thiện.
Rồi ngài trở lại phân tích ngũ uẩn thủ, qua pháp quán lục căn và lục trần, để khởi tuệ tri về lý duyên khởi của năm thủ uẩn.
Đến đây, Sāriputta nhắc lại lời Đức Thế Tôn: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được Pháp; ai thấy được Pháp, người ấy thấy lý duyên khởi.” Rồi Đại đức trở lại Bốn Chân Lý để kết thúc: “Sự tham ái, dính mắc, chấp thủ trong ngũ uẩn là nguyên nhân của khổ; sự nhiếp phục, từ bỏ tham ái là diệt khổ.” Và ngài nhắn nhủ chư tăng: “Cho được mức độ này, vị tỳ khưu cũng đã thành đạt rất nhiều.”
KINH CHÁNH TRI KIẾN
Trong bài kinh dài và quan trọng này, với nhiều đoạn tách biệt, Đại đức Sāriputta thuyết giảng về ý nghĩa và phương pháp thành tựu chánh tri kiến. Đây là chánh kiến xuất thế, nghĩa là sự thấy biết chân chánh về Bốn Chân Lý của vị thánh đệ tử.
Ngài giảng giải về mười sáu pháp môn mà khi vị thánh đệ tử huân tập thuần thục và tuệ tri, sẽ đưa đến thành tựu chánh tín và chánh tri kiến. Các pháp môn cần tuệ tri đó là: (1) gốc rễ thiện và bất thiện (gốc rễ bất thiện là tham, sân, si; gốc rễ thiện là vô tham, vô sân, vô si; tuệ tri như vậy, vị thánh đệ tử đoạn trừ tham, sân, nhổ tận gốc chấp thủ và ngã mạn “tôi” hay “của tôi”, đoạn trừ vô minh, minh khởi lên, soi sáng và diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại, thành tựu diệu pháp, thành tựu chánh tín và chánh tri kiến), (2) vật thực (ở đây “vật thực” cần được hiểu theo nghĩa rộng, là yếu tố khiến dòng sanh tử nối tiếp không dứt), (3) khổ, (4) lão tử, (5) sanh, (6) hữu, (7) thủ, (8) ái, (9) thọ, (10) xúc, (11) sáu nhập, (12) danh-sắc, (13) thức, (14) hành, (15) vô minh, (16) lậu hoặc.
Bốn Chân Lý và lý duyên khởi được lồng trong từng đoạn của mười sáu pháp môn. Thí dụ như tuệ tri khổ: khổ là sanh, lão, bệnh, tử, và tất cả khổ đau khởi sanh từ ngũ uẩn. Nguyên nhân của khổ là tham ái. Đoạn diệt của khổ là ly tham, đoạn ái. Con đường đưa đến đoạn diệt khổ là Tám Thánh Đạo.
KINH TÂM QUÂN BÌNH
Đây là một bài kinh ngắn nhưng có một tác động phi thường đến một số đông “chư thiên có tâm quân bình” (samacitta) quần tụ để lắng nghe.
Trong bài kinh, ngài Sāriputta thuyết giảng về kiếp tái sanh sau cùng của ba bậc thánh đệ tử đầu tiên (nhập lưu, nhất lai, bất lai) và giải thích cho thính chúng về cõi giới nào – dục giới, sắc giới hay vô sắc giới – các vị sẽ hóa sanh vào khi mệnh chung, tùy theo các kiết sử đã được diệt tận. Bài pháp của ngài nêu rõ những chuẩn mực cho chư thiên cũng như phàm nhân, còn đang tu học để chứng đắc thánh quả cao nhất hay vẫn chưa đi vào thánh đạo, có thể nhận định được vị trí của mình trên con đường giải thoát. Và từ đó họ có thể định hướng cho nỗ lực tiến tu của họ. Chú giải ghi rằng, khi bài pháp chấm dứt, nhiều chư thiên trong hội chúng thính pháp đã chứng đắc thánh quả a-la-hán và vô số các vị chứng đắc thánh quả nhập lưu.
KINH PHÚNG TỤNG và KINH THẬP THƯỢNG
Đây là hai bài kinh cuối trong Trường Bộ Kinh. Cả hai là bảng sưu tập và liệt kê các Pháp đề theo Pháp số từ một đến mười. Saṅgīti Sutta được ngài Sāriputta thuyết giảng dưới sự chứng minh của Đức Phật.
Saṅgīti Sutta sắp xếp các Pháp đề chỉ theo số thứ tự thôi. Thí dụ:
Một Pháp: vật thực
Hai Pháp: danh và sắc, vô minh và hữu ái, ác ngôn và ác hữu, thiện ngôn và thiện hữu, v.v.
Ba Pháp: ba bất thiện căn: tham, sân, si; ba thiện căn: vô tham, vô sân, vô si; ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, vô lạc vô khổ thọ, v.v.
Bốn Pháp: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, tứ như ý túc, tứ vô lượng tâm, v.v.
Dasuttara Sutta, trong khi đó, phân loại mỗi pháp số theo một hệ thống gồm mười tầng, với mục đích chỉ rõ điểm quan yếu thiết thực của từng chi pháp. Thí dụ:
Một Pháp (1) có nhiều tác dụng quan trọng, (2) cần được tu tập, (3) cần phải thấu hiểu, (4) cần phải đoạn trừ, (5) đưa đến nguy hại, (6) đưa đến thù thắng, (7) khó thấu suốt, (8) cần được sanh khởi, (9) cần được tri kiến, (10) cần được chứng đắc.
(1) Thế nào là một pháp có nhiều tác dụng quan trọng? Thận trọng chú tâm đến các thiện pháp.
…
(4) Thế nào là một pháp cần được đoạn trừ? Ngã mạn.
(5) Thế nào là một pháp đưa đến nguy hại? Bất chánh tác ý.
(6) Thế nào là một pháp đưa đến thù thắng? Chơn chánh tác ý.
…
(10) Thế nào là một pháp cần được chứng đắc? Tâm giải thoát bất thoái chuyển.
Theo chú giải, mục đích của Saṅgīti Sutta là truyền đạt hương vị hòa hợp và thống nhất của Giáo Pháp vi diệu, thâm sâu. Còn mục đích quan yếu thiết thực của Dasuttara Sutta được ngài Sāriputta chỉ rõ qua một bài kệ trong phần giới thiệu bài kinh này:
Ta thuyết giảng Thập Thượng
Pháp chứng đạt Niết bàn,
Diệt trừ mọi khổ đau,
Giải thoát khỏi chấp thủ.
Hai bài kinh này được xem như hai bảng danh mục sắp xếp có hệ thống một số giáo lý quan yếu, góp phần trong việc Tăng giáo để hỗ trợ những vị sa môn không nhớ thuộc được một lượng giáo lý lớn. Dễ nhớ và dễ hấp thụ, sự đánh số các Pháp đề (còn gọi là Pháp số) giúp trí nhớ cho người học Phật muốn mở rộng kiến thức giáo lý khi bước vào cổng kho tàng Pháp Bảo mênh mông. Hai bài kinh minh họa sự quan tâm đến việc bảo tồn Chánh Pháp của ngài Sāriputta. Phương pháp hệ thống hóa kinh điển của ngài cũng nhằm chuẩn bị cho sự truyền thừa Chánh Pháp không bị sai lạc và thất thoát, tránh mâu thuẫn và rạn nứt trong Đạo Pháp mai hậu, khi bậc Toàn Giác đã nhập diệt. Cái nhìn thật xa của ngài thể hiện trong đoạn cuối của Saṅgīti Sutta:
“Này chư huynh đệ, Pháp Bảo này đã được Đức Thế Tôn, bậc Chánh Biến Tri, Chánh Đẳng Chánh Giác giảng dạy. Tất cả phải cùng tụng đọc trong hòa hợp và không tranh cãi, để đời sống phạm hạnh này được tồn tại dài lâu cho sự an lành và hạnh phúc của chư thiên và loài người.”
CHÚ GIẢI VÀ LUẬN THƯ
Ngài Sāriputta đã góp phần quan trọng trong Tam Tạng Pāli (Pāli Tipiṭaka) với các chú giải và luận thư của ngài.
Trước tiên là tập Niddesa, thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya). Đây là công trình chú giải duy nhất được bao gồm trong Tam Tạng Pāli.
Tập này có hai phần. Mahāniddesa là chú giải cho Aṭṭhakavagga trong Suttanipāta. Cūḷaniddesa là chú giải cho Pārāyanavagga và Khaggavisāṇa Sutta, cũng thuộc Suttanipāta. Phản ảnh sự quan tâm của Đại đức về phương pháp Tăng giáo, Niddesa không chỉ bao gồm giải thích từ ngữ, làm sáng tỏ mạch văn và lý lẽ, minh xác bằng Phật ngôn, mà còn có phần phân tích ngôn ngữ học, thí dụ như thêm các từ đồng nghĩa cho một từ đang được giải thích.
Trong Mahāniddesa có một chú giải cho Sāriputta Sutta, bài kinh cuối của Aṭṭhakavagga. Đoạn đầu của bài kinh gồm kệ ngôn ca ngợi ân đức của Bổn Sư, các câu hỏi đặt cho Đức Phật mà chú giải cho là từ Sāriputta, và những câu trả lời của Đức Phật. Thi kệ mở đầu bài kinh kể lại sự việc Đức Thế Tôn trở về sau khi du hành lên cõi trời Đao lợi (Tāvatiṁsa) và thuyết giảng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) ở đó.
Kế đến là Phân Tích Đạo (Paṭisambhidāmagga), tập kinh thứ mười hai trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya). Theo chú giải, tập kinh này do ngài Sāriputta thuyết giảng và luận giải.
Kinh Phân Tích Đạo bao gồm ba mươi luận thư về các Pháp đề, chia thành hai tập. Tập Một trình bày về bảy mươi hai loại trí (ñāṇa) từ phàm đến thánh. Tập Hai trình bày về tà kiến hay các quan điểm sai trái (diṭṭhi). Đây phải là một công trình xây dựng từ tư duy thâm sâu và khả năng phân tích siêu phàm của một bậc thánh trí tuệ vô song như Sāriputta.
Kinh Phân Tích Đạo chứa đựng và giải thích tỉ mỉ rất nhiều thuật ngữ và giáo lý không tìm thấy hay chỉ được ghi chép sơ lược trong các kinh khác trong Kinh Tạng (Sutta Piṭaka).
Đặc biệt, tập kinh này bao gồm những lời giảng và luận giải rất thiết thực về thiền và phương pháp tu tập thiền, thí dụ như giảng về niệm hơi thở vào hơi thở ra trong thiền định (Ānāpānasatikathā), giảng về sự thiết lập niệm (Satipaṭṭhānakathā), giảng về thiền tâm từ (Mettākathā), và giảng về thiền minh sát (Vipassanā).
Trong tập kinh này, công hạnh của ngài Sāriputta được nhắc đến hai lần. Một lần, chương “Luận Về Thần Thông” (2:212) ghi rằng Sāriputta là vị có “thần thông do sự can dự của định” (samadhivipphāra-iddhi). Lần thứ hai, chương “Luận Về Trí Tuệ” (2:196) ghi rằng: “Bất cứ loài có cánh nào, ngay cả thần điểu Venateyya, cũng chỉ xoay chuyển trong khoảng không gian của bầu trời. Cũng như vậy, ngay cả những vị có trí tuệ tương đương với Sāriputta, những vị ấy cũng chỉ xoay chuyển trong phạm vi trí tuệ của Đức Phật.”
VI DIỆU PHÁP (ABHIDHAMMA)
Đóng góp lớn nhất của ngài Sāriputta cho kho tàng Pháp Bảo là công phu hệ thống hóa Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).
Theo chú giải (atthasālinī) cho Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), Đức Phật thuyết Vi Diệu Pháp ở cõi trời Đao lợi (Tam thập tam thiên, Tāvatiṁsa) cho hội chúng các vị trời khắp mười ngàn thế giới. Đứng đầu hội chúng chư thiên thính pháp này là hậu thân của mẹ Đức Phật, hoàng hậu Māyā, tái sanh làm chư thiên ở cõi trời Đâu suất (Tusita).
Đức Thế Tôn, bậc Thiên Nhân Sư, giảng dạy Vi Diệu Pháp trong ba tháng dài ở trời Đao lợi. Hằng ngày Ngài trở về thế gian trong một thời gian ngắn để trì bình độ thực, đây chính là lúc Ngài gặp Sāriputta và truyền đạt lại phương pháp (naya) của phần Vi Diệu Pháp mà Ngài vừa thuyết giảng cho chư thiên. Chú giải ghi: “Do đó, phương pháp đã được truyền thừa cho vị trưởng đệ tử, vị được phước báu tuệ giác phân tích, như thể Đức Phật đứng ở một góc của bờ biển và chỉ ra đại dương với bàn tay mở rộng. Đối với Trưởng lão, học thuyết được Thế Tôn giảng dạy qua hàng trăm, hàng ngàn phương pháp đã trở nên rất rõ ràng, minh bạch.” Sau đó, Trưởng lão thuyết pháp này lại cho năm trăm vị đệ tử tỳ khưu.
Chú giải nói thêm rằng: “Thứ tự các mẫu đề của Bộ Vi Diệu Pháp do ngài Sāriputta hình thành; việc phân đoạn và đánh số trong Bộ Vị Trí (còn gọi là Đại Xứ Luận, Paṭṭhāna) cũng do ngài thiết lập. Bằng cách này, Trưởng lão đã thành lập hệ thống số thứ tự để giúp cho sự học hỏi, ghi nhớ, nghiên cứu, và giảng dạy Giáo Pháp được dễ dàng mà không làm sai lạc học thuyết vi diệu vô song này.”
Ngoài ra, chú giải Bộ Pháp Tụ còn ghi nhận các đóng góp sau của Trưởng lão Sāriputta trong Tạng Abhidhamma:
- Bốn mươi hai Mẫu Đề Nhị (Duka Mātikā) [Duka: một cặp, hai. Mātika: có liên quan đến mẹ. Mātikā: mẫu đề trong mục lục một quyển sách] trong chương Mẫu Đề Kinh (Suttanta Mātikā), đứng sau chương Mẫu Đề Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Mātikā). Hai chương này dẫn đầu bảy bộ của Tạng Vi Diệu Pháp: Bộ Pháp Tụ, Bộ Phân Tích, Bộ Chất Ngữ, Bộ Nhân Chế Định, Thuyết Luận Sự, Bộ Song Đối, và Bộ Vị Trí;
- Chương Trích Yếu (Atthuddhārakaṇḍa), tức chương thứ tư và chương chót của Bộ Pháp Tụ;
- Sắp đặt cách tụng đọc thuộc lòng Vi Diệu Pháp (vācanamagga).
Trong Anupada Sutta (Kinh Bất Đoạn, MN 111), Đức Thế Tôn tán dương Sāriputta rằng, trong mỗi tuệ giác chứng đắc qua thiền quán, Trưởng lão có khả năng phân tích sâu suốt vào các pháp đang vận hành, theo kinh nghiệm thân chứng, khi “quán pháp bất đoạn”(anupadadhammavipassanā). Khả năng phân tích này của Trưởng lão có thể là tiền thân hay tinh túy của phần phân tích thiền tuệ rất chi tiết trong Bộ Pháp Tụ.
Về sự tốc trí và tinh thông Giáo Pháp cùng khả năng thuyết giảng thiện xảo của Đại đức Sāriputta, đấng Chánh Biến Tri khen ngợi (SN 12:32):
“Này chư tỳ khưu, tinh túy của Chánh Pháp (Dhammadhātu) đã được Sāriputta thấu suốt thật thâm sâu, đến mức nếu Như Lai hỏi Sāriputta về Chánh Pháp trong một ngày, bằng những ngôn từ và lối nói khác nhau, Sāriputta sẽ trả lời trong một ngày, bằng những ngôn từ và lối nói khác nhau. Và nếu Như Lai luận đạo với Sāriputta trong một đêm, hay một ngày và một đêm, hay trong hai ngày và đêm, ngay cả đến bảy ngày và đêm, Sāriputta cũng sẽ trình bày các Pháp đề thật chi tiết trong cùng một khoảng thời gian, bằng những ngôn từ và lối nói khác nhau.”
Và trong một dịp khác, Bổn Sư so sánh vị đại trưởng lão với một vị hoàng thái tử (AN 5:132):
“Nếu thành tựu năm phẩm hạnh, này chư tỳ khưu, con trưởng của một vị vua Chuyển Luân sẽ chân chánh chuyển vận Bánh Xe Tối Cao đã được phụ vương hằng chuyển vận. Và Bánh Xe Tối Cao này không thể bị xoay chuyển ngược lại bởi bất cứ ai, dù là kẻ thù địch.
“Năm phẩm hạnh ấy là gì? Trưởng tử của bậc Chuyển Luân Thánh Vương biết việc nào lợi lạc, biết luật nhân quả, biết biện pháp đúng, biết thời điểm thích hợp, và biết trình độ thần dân.
“Cũng như vậy, này chư tỳ khưu, Sāriputta thành tựu năm phẩm hạnh và chân chánh chuyển được Bánh Xe Pháp Bảo tối thượng, như là chính Như Lai chuyển luân vậy. Và Pháp Luân này không thể bị xoay chuyển ngược lại bởi một ai, sa môn, bà-la-môn, ma, thần linh, chư thiên, phạm thiên, hoặc bất cứ ai trên cõi đời này.
“Năm phẩm hạnh ấy là gì? Sāriputta biết pháp nào lợi lạc, biết Chánh Pháp, biết phương pháp giáo hóa đúng, biết nhân duyên thích hợp, và biết căn cơ hội chúng.”
Danh tiếng đạo sư Giáo Pháp lẫy lừng của ngài Sāriputta được tán thán không những lúc hiện tiền mà còn sống mãi về sau. Trong quyển Mi Tiên Vấn Đáp (Milindapañha, Mil. 420), viết khoảng năm trăm năm sau, Vua Milinda so sánh Đại đức Nāgasena với ngài Sāriputta như sau: “Trong Giáo đoàn của Đức Phật, thiết nghĩ không một ai có thể trả lời những câu hỏi trên như Đại đức, trừ Trưởng lão Sāriputta, vị tướng quân của Giáo Pháp.”