Chẳng Có Gì Thường Hằng Chẳng Có Gì Chắc Chắn
Chúng ta tập trung vào Giáo Pháp ngay đây và bây giờ. Đây là nơi chúng ta có thể buông bỏ mọi thứ và giải quyết những vấn đề khó khổ của mình. Ngay bây giờ, ngay trong giây phút hiện tại, bởi vì giây phút hiện tại chứa cả nguyên nhân và kết quả. Hiện tại là kết quả của quá khứ. Nó cũng là nguyên nhân của tương lai. Chúng ta đang ngồi ngay bây giờ là kết quả cái ta đã làm trong quá khứ, và cái chúng ta đang làm bây giờ là nguyên nhân của cái ta sẽ nếm trải trong tương lai. Đức Phật dạy dẹp bỏ quá khứ và dẹp bỏ tương lai. Dẹp bỏ ở đây không có nghĩa quăng bỏ đi cái gì, nhưng có nghĩa là chúng ta chỉ tập trung vào thời điểm duy nhất của hiện tại, nơi mà quá khứ và tương lai gặp nhau. Vì vậy chữ dẹp bỏ chỉ là cách nói; cái chúng ta cần làm là ý thức (tỉnh giác) về hiện tại, nơi những nhân và quả được tìm thấy. Chúng ta nhìn vào hiện tại và nhìn thấy những sự khởi sinh và biến mất liên tục, khởi sinh và biến mất, sinh diệt liên tục, liên tục.
Tôi luôn lặp lại điều này, nhưng người nghe không thực sự khắc ghi vào trong tim: mọi hiện tượng xuất hiện trong hiện tại và chúng là không thường trụ, không ổn định. Người ta thường không nhìn vào chỗ này. Mỗi khi bất cứ điều gì khởi sinh, tôi sẽ nói: “Ồ, nó là không thường hằng”, hoặc “Nó là không chắc chắn”. Chỗ này cực kỳ đơn giản. Mọi thứ xảy ra đều là vô thường và không chắc chắn. Nhưng nếu không nhìn thấy hay hiểu biết điều này, chúng ta sẽ bị ngu mờ, rối trí, bất ngờ và phiền não. Trong cái vô thường chúng ta thấy cái thường hằng. Trong cái không chắc chắn chúng ta thấy điều chắc chắn. Tôi giải thích nhưng người ta không chịu hiểu và suốt đời họ liên tục và không ngừng đuổi theo mọi thứ.
Thực vậy, nếu ta đạt đến sự bình an, ta sẽ an trú tại ngay chỗ tôi đang nói, ngay thời điểm hiện tại. Bất cứ điều gì xảy ra, sướng hay khổ, hạnh phúc hay đau buồn, chẳng có gì là chắc chắn. Chính cái điều ‘không chắc chắn’ này là Phật, bởi vì sự không chắc chắn chính là Pháp, và Pháp là Phật. Nhưng mọi người thường nghĩ Phật và Pháp là cái gì đó nằm bên ngoài họ.
Khi/nếu tâm bắt đầu nhận biết (chứng ngộ) rằng tất cả mọi sự trên đời, không ngoại trừ thứ gì, đều là không chắc chắn thì sự tham dính và nắm chấp sẽ từ từ phai biến. Nếu ta hiểu được lẽ này, tâm sẽ bắt đầu buông bỏ và đặt mọi thứ xuống, không còn nắm giữ điều gì, và mọi sự ràng buộc dính mắc truyền kiếp sẽ từ từ biến mất. Khi không còn ràng buộc dính mắc, người đó đạt đến Giáo Pháp; không có gì trên nữa.
Khi chúng ta thiền tập thì đây chính là chỗ chúng ta cần chứng ngộ. Chúng ta cần nhìn thấy lẽ thật “vô thường, khổ, và vô ngã”, và tất cả đều bắt đầu bằng một việc là nhìn thấy “sự không chắc chắn”. Khi chúng ta nhìn thấy sự không chắc chắn một cách tuyệt đối rõ ràng, thì ta có thể buông bỏ. Khi ta sướng, nhìn thấy “Nó không chắc chắn”. Khi ta khổ, nhìn thấy “Nó không chắc chắn”. Khi ta có ý tưởng: nên đi đâu đó hoặc nên làm gì đó là tốt hơn, ta cũng nhìn thấy “Điều đó không chắc chắn”, chưa chắc sẽ tốt hơn. Nhưng nếu ta có nghĩ: nên ở lại đây là tốt nhất, ta cũng nhìn thấy “Điều này không chắc chắn”, chưa chắc ở lại là sẽ tốt hơn. Ta nhìn thấy một cách tuyệt đối mọi sự là không chắc chắn, không có gì là chắc chắn, (vậy ta đâu còn phải buồn khi nhìn thấy thứ gì thay đổi), và nhờ đó ta sống được thư thái và bình an. Nhờ đó, ở lại đây ta cũng sống thư thái. Đi nơi khác ta cũng sống thư thái. Ở đây, đến đâu, hay làm gì…ta cũng được thư thái và bình tâm.
Mọi sự nghi ngờ sẽ chấm dứt như vậy. Chúng sẽ chấm dứt bằng phương pháp này: tu tập trong hiện tại. Không cần lo lắng về quá khứ, nó đã qua rồi. Những gì xảy ra trong quá khứ đã xảy ra và chấm dứt trong quá khứ, và bây giờ đã không còn. Chúng ta cũng dẹp bỏ lo toan về tương lai, vì những gì xảy ra trong tương sẽ xảy ra và chấm dứt ở tương lai. Quá khứ thì đã qua, tương lai thì còn chưa xảy đến. Không có gì để lo lắng về chúng cả.
Khi những thí chủ đến đây cúng dường, họ tụng rằng: “Cuối cùng, nguyện cho chúng ta đạt đến niết-bàn trong tương lai”. Nhưng khi nào và ở đâu, họ chẳng biết. Thật xa vời. Lẽ ra nên nói “tại đây và bây giờ” thì họ lại nói “trong tương lai”. Cứ tụng nguyện chung chung là “một lúc nào đó”, “một nơi nào đó”, hay thậm chí ở “một kiếp nào đó trong vị lai”. Họ chẳng bao giờ đạt đến đó, vì mục tiêu chỉ chung chung là “đó”, “lúc nào đó”, “nơi nào đó”…trong tương lai.
Chúng ta có xu hướng như vầy, chúng ta không bao giờ nói “tại đây và bây giờ”. Không hiểu sao. Hiện tại có gì sai trái hay sao?. Điều này là do chúng ta còn dính chấp vào nhiều thứ. Chúng ta còn ham hưởng thụ những thứ khoái lạc phàm tục và chưa dám từ bỏ chúng. Vì vậy chúng ta cứ làm ngơ để mặc, cứ để đến “lúc nào đó” trong tương lai…rồi tính, cứ để từ từ sau này…rồi hẵng tu.
Hãy nói về “bây giờ và tại đây”, về “hiện tại”. Việc tu hành thực sự có thể được làm ngay trong hiện tại; chúng ta không cần phải chờ đến lúc nào đó trong tương lai. Thay vì cứ lo lắng về mọi thứ, ta chỉ cần nhìn vào hiện pháp “tại đây và bây giờ” để nhìn thấy sự không chắc chắn và vô thường. Lúc đó thì, tâm Phật, Phật tính, cái Người Biết sẽ có mặt. Phật tính được tu tập bằng sự hiểu biết này nhìn thấy tất cả mọi sự thể đều là vô thường.
Sự hiểu-biết là được chứng đạt ngay tại đây. Sự định tâm (samadhi), sự tập trung hợp nhất của tâm, có thể tu tập được ngay tại đây. Ta thường nghĩ khi người tu sống lánh trần, đang ở trong rừng, thì người đó có được sự bình an của sự sống; bởi vì tâm được bình an, không bận tâm nhìn hay nghe. Nhưng thực sự cách đó tâm cũng không được bình an khỏi những ô nhiễm của nó. Những ô nhiễm vẫn còn đầy trong tâm, chẳng qua lúc này chúng không biểu hiện. Cũng giống như chỗ nước dơ cặn dưới đáy, nhìn nó trong suốt khi nó không động, chứ khi có gì khuấy động, bùn cặn nổi lên, nó trở thành nước đục. Chúng ta cũng giống như vậy khi tu tập. Khi chúng ta nhìn thấy hình sắc, nghe âm thanh, ngửi mùi hương… ta cảm giác khó chịu, đó ta bị quấy động. Khi không có những đối tượng gây khó chịu đó quấy nhiễu, ta cảm thấy dễ chịu. Nhưng thực ra ta chỉ tạm thời cảm thấy dễ chịu với những ô nhiễm đang còn nằm trong tâm.
Ta muốn có máy chụp hình. Không có ta thấy thiếu và không vui. Khi có một cái, ta thấy vui sướng. Rồi khi nó bị hư hay bị mất, ta lại thấy không vui. Cái gì ta không muốn có mà nó lại xảy ra, thì ta không vui. Cái gì ta muốn có và có được, ta thấy vui. Sau đó mất nó ta không vui, hoặc có nhiều nó quá ta cũng chán chường.
Sự định tâm (samadhi) có được từ cách sống cách ly trong môi trường tĩnh lặng thì cũng giống như vậy. Có yếu tố hỷ lạc được tạo ra bởi trạng thái tâm tĩnh lặng, nhưng niềm hỷ lạc chỉ đến mức đó mà thôi, bởi vì cái tâm chạy theo tham dục thì luôn thay đổi. Sau khoảng thời gian thiền định thì hỷ lạc cũng biến mất, và sự bất hạnh sẽ thay thế—giống như khi bị mất máy chụp hình. Vì vậy nên nói rằng niềm hỷ lạc bình an của thiền định chỉ là tạm thời.
Chúng ta cần nhìn sâu hơn nữa. Mọi thứ ta có được chính là nguồn gốc tạo ra khổ đau nếu chúng ta không ý thức rõ về lẽ vô thường. Nếu chúng ta luôn tỉnh giác về lẽ vô thường, ta sử dụng nó để trút bỏ những gánh nặng của tâm.
Sự đời như quy luật bình địa. Có lên là có xuống. Có sướng là có khổ. Lẽ cân bằng và công bằng nằm ở ngay điểm giữa của hai mặt. Sự bình an nằm ngay giữa điểm đó. Ví như ta muốn làm ăn ta cần mượn tiền ngân hàng. Dù đã cố làm xong các thủ tục, nhưng vẫn không mượn được. Ta buồn và thấy khổ. Cuối cùng ngân hàng cũng cho ta mượn tiền, và ta thấy vui và sướng. Niềm vui sướng chỉ được một ngày—tiền lời ngân hàng bắt đầu tính. Ta bắt đầu lo, lo phải làm sao có nhiều hơn số tiền bị tính lời. Dù ta có ngồi sải tay trên ghế dựa, tiền lời vẫn phát sinh. Đây là mặt khổ của nó. Đầu tiên là khổ vì không mượn tiền được. Rồi mượn được thấy vui sướng. Sau một chút, bắt đầu lo cái khổ của tiền lời. Đời chẳng cho không thứ gì. Có lên là có xuống. Có sướng là có khổ.
Do vậy, Phật dạy cách nhìn vào hiện tại để nhìn thấy tính vô thường trong thân và tâm của ta, tính vô thường của tất cả mọi hiện tượng, tính sinh diệt trong thế giới; nhìn thấy rồi thì không nắm chấp vào điều gì nữa. Nếu làm được điều này, ta có thể được bình an. Sự bình an này có được là do buông bỏ; sự buông bỏ có được là do có hiểu biết, trí tuệ; trí tuệ thì có được từ chánh niệm (quán chiếu, quán niệm, suy xét) về bản chất “vô thường, khổ, và vô ngã” của tất cả mọi sự sống: đó là sự thật của sự sống. Ta cũng chứng kiến được sự thật đó bên trong tâm của ta.
Cứ tu tập liên tục như vậy, chúng ta có thể nhìn thấy liên tục một cách rõ ràng trong tâm ta. Các hiện tượng khởi sinh rồi biến mất. Biến mất lại khởi sinh. Có khởi sinh là có biến mất. Có sinh là có diệt. Nếu chúng ta nắm chấp vào chỗ nào của thứ sinh diệt, thì khổ sẽ xảy ra ngay chỗ đó. Nếu ta không biết buông bỏ, thì khổ có mặt. Chúng ta nhìn thấy điều này xảy ra trong tâm. Còn chấp, còn khổ. Không chấp, không khổ.
Chúng ta có thể chứng ngộ điều chắc chắn này của Giáo Pháp nếu chịu thiền tập như vậy. Thiền tập như vậy giúp ta có thể đạt đến một mức độ tự tại: tất cả những gì ta cần làm là nhìn vào tâm mình trong giây phút hiện tại. Ta dẹp bỏ quá khứ và tương lai, và nhìn vào hiện tại, và nhìn thấy liên tục ba đặc tính trong tất cả mọi sự sống. Đứng, có vô thường. Đi, có vô thường. Ngồi, có vô thường. Đó bản chất bẩm sinh của mọi sự thể. Nếu ta muốn tìm thấy cái gì chắc chắn và thường hằng thì chắc là không có gì, chỉ có tính vô thường chính là điều thường hằng và chắc chắn. Khi thấy được vô thường là điều chắc chắn hiển nhiên, ta sẽ được bình an.
Nhiều người cho rằng phải thiền tập ở trên đỉnh núi cao hiu quạnh thì mới có được sự bình an. Ta có thể được bình an trong chốc lát. Nhưng đến khi những thứ ô trọc của sự sống bắt được ta, ta lại bắt đầu bất an, ta thấy đói, khát, gục. Rồi ta cũng phải xuống núi vào xóm làng phố chợ. Nhiều thức ăn thức uống và tiện nghi ở đó. Rồi ta lại thấy nơi đông người quấy nhiễu sự tu hành của ta— Ta lại đi tìm nơi vắng vẻ khác.
Thực vậy, người thấy khổ khi sống cách ly là người ngu dại. Người thấy khổ khi sống với người khác cũng là người ngu dại. Giống như sống cứ mang theo miếng thịt thối. Sống một mình, thịt vẫn hôi thối. Sống với người khác, thịt cũng hôi thối. Tại sao cứ mang thứ hôi thối theo mình như vậy?
Nếu ai quá nhạy cảm và khi sống chỗ đông người thì cảm thấy bất bình an, điều đó chỉ cũng đúng một phần. Tuy nhiên, nhờ sống trong môi trường đó mà người ấy có thể phát sinh trí tuệ. Tôi tu dưỡng trí tuệ ở những chỗ có rất nhiều đệ tử xung quanh. Phật tử tại gia đến thăm đông đúc, nhiều tu sĩ cũng đến ở lại tu học cũng đông đúc, và số đông đó lại chín người mười ý. Tôi phải nếm trải nhiều điều khác nhau. Nhờ đó sự nhẫn nhịn của tôi càng mạnh mẽ hơn. Tôi đã quen chịu đựng và vẫn tu tập bình thường. Từ đó, mọi sự trải nghiệm trở thành có ý nghĩa. Nhưng nếu chúng ta không hiểu được ý nghĩa đó một cách đúng đắn, thì ta không có giải pháp nào. Sống một mình cũng tốt—cho đến khi cảm thấy chán chường. Rồi ta lại nghĩ đến việc sống với nhiều người. Ăn uống đơn giản cũng tốt, nhưng khi có nhiều món ăn cũng tốt. Chúng ta phải sống theo hoàn cảnh, bởi vì chẳng có cách nào ta giải quyết cái tâm một lần và tất cả. (Tâm con người không phải đơn giản như vậy.)
Khi đã nhìn thấy tất cả mọi sự đều không đáng tin cậy, chúng ta xem chuyện số ít hay số nhiều cũng là điều không chắc chắn, và không dính mắc vào họ. Chúng ta chỉ chú tâm vào giây phút hiện tại, bất cứ nơi nào có thân ta ở đó. Nhờ vậy, ở cũng được. Đi cũng được. Mọi thứ đều được, bởi vì chúng ta tập trung tu tập chỉ để nhìn thấy cách mà tất cả mọi sự đích thực diễn ra như-chúng-là.
Người ta nói “Ajahn Chah cứ nói hoài về sự không chắc chắn”. Họ đã chán ngán khi nghe về điều này, và họ muốn tránh xa khỏi tôi. Họ than “Chúng tôi đến nghe Ajahn Chah giảng đạo, nhưng ông ta chỉ toàn giảng về cái sự ‘không chắc chắn’”. Họ không còn nghe nổi điều cũ rích này nữa, do vậy họ bỏ đi. Tôi đoán chắc họ đi tìm nơi nào đó có những thứ chắc chắn. Nhưng rồi, họ cũng quay lại đây.