TU TẬP ĐẠO ĐI TRƯỚC HAY MINH SÁT ĐẠO
Sau khi tu tập đạo căn bản như đã mô tả ở trên, hành giả khởi sự quan sát thực tại của khổ đế hay gọi cách khác là quán năm thủ uẩn (upādānakkhandhā) bằng cách ghi nhận liên tục các hiện tượng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, vào lúc chúng xảy ra. Sự giải thích đầy đủ về các thủ uẩn(upādānakkhandhā) cùng với việc không ghi nhận và thấy chúng đúng như thực, dẫn đến sự chấp thủ vào chúng như thường, lạc, ngã, tịnh như thế nào và nhờ chánh niệm, tỉnh giác, thấy ra được bản chất thực của chúng, sự dính mắc này được diệt trừ ra sao đã được đưa ra ở Phần Ba và Phần Bốn của cuốn sách này.
Khi định đã được thiết lập đầy đủ, hành giả trở nên nhận thức rất rõ từng mỗi sự ghi nhận về sự sanh và diệt của danh (nāma) và sắc (rūpa) cũng như bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của chúng. Sự nhận thức này phát triển như thế nào có thể được giải thích như thế này: Trong khi ghi nhận từng hoạt động phồng, xẹp, ngồi, chạm, co, duỗi, nhấc (chân), bước tới, chuyển động, nghỉ, hành giả bắt đầu nhận ra tâm hay biết khác biệt với thân vật lý. Sự phân biệt này là Danh Sắc Phân Tích Trí (nāmarūpa pariccheda ñāṇa), nền tảng ban đầu cho sự phát triển các tuệ minh sát (vipassanā ñāṇa). Đức Thế Tôn đã mô tả trí này được tu tập như thế nào bằng cách đưa ra ví dụ về một viên ngọc trong Kinh Sa-Môn Quả của Trường Bộ và Kinh Mahāsakuludāyi của Trung Bộ [1]
[1] Ví như, này Udayi, một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và một sợi dây được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, hay màu vàng nhạt. Một người có mắt cầm hòn ngọc ấy trên tay sẽ thấy: “Hòn lưu ly bảo châu này, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và sợi dây này được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này biết được như sau: “Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờcơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.”