SỰ TIẾT CHẾ TRONG LÚC THIỀN MINH SÁT
Đối với những đối tượng danh và sắc mà thực tại của nó được thấy đúng vào sát-na ghi nhận (chúng), sẽ không có cơ hội để phạm tà ngữ, như nói dối… Ở đây chỉ cần suy xét một lúc về nó quý vị sẽ hiểu ra vấn đề. Đối với một đối tượng mà một người không thích cũng không ghét, sau khi đã thấy được bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của nó, thời cần phải nói dối ở chỗ nào? Tương tự, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác, nói lời vô ích…, nói chung những tà ngữ, sẽ không có cơ hội phát sanh với đối tượng ấy. Cũng thế, sẽ không có vấn đề phạm những tà hạnh, như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, hay phạm vào tà mạng ở đây. Như vậy, mỗi lần thực tại được thấy trong lúc ghi nhận, chánh ngữ theo nghĩa tiết chế tà ngữ, chánh nghiệp theo nghĩa tiết chế tà nghiệp, và chánh mạng theo nghĩa tiết chế tà mạng, được hoàn thành liên quan đến đối tượng đang quán xét. Chính theo cách tiết chế này mà giới đạo, đó là chánh ngữ, chánh nghiệp, và chánh mạng, đã dự phần vào sự phát triển của chánh kiến đạo.
Vì thế, mỗi lần ghi nhận sự phồng, xẹp, ngồi, xúc chạm, suy nghĩ, cảm giác tê cứng, cảm giác nóng, cảm giác đau, thấy, nghe,… chánh kiến đã được phát triển cùng với Bát Thánh Đạo. Trong bốn sự thực (đế) thì khổ đế là pháp cần phải hiểu rõ và hiểu đúng. Khổ đế ở đây là năm thủ uẩn vốn nổi bật tại sáu cửa giác quan ở mỗi khoảnh khắc thấy, nghe, xúc chạm, hay biết… Như vậy, bằng cách ghi nhận từng mỗi hiện tượng xảy ra ở sáu cửa giác quan khổ đế sẽ được hiểu đúng và rõ ràng. Mỗi lần khổ đế được phát triển bằng cách ghi nhận thấy, nghe…như vậy, Bát Thánh Đạo vốn là pháp phải được tu tập, đã được tu tập.
Có thể nói quán khổ đế bằng cách ghi nhận sự thấy, nghe… là đã phát triển Bát Thánh Đạo. Khổ đế trở nên hiển hiện nhờ ghi nhận thấy, nghe…trong suốt quá trình hành minh sát hay còn gọi “đạo đi trước” (pubbabhāga magga) là cảnh sở duyên (ārammana), tức đối tượng phải được hiểu đúng và rõ ràng. Đạo đế (magga saccā) phải được tu tập để hiểu rõ khổ đế là cảnh năng duyên (ārammanika), nghĩa là tâm hay biết cảnh phải được khéo tu tập.
Phải hiểu cẩn thận rằng chỉ bằng cách quán khổ đế (dukkha saccā) thì mới phát triển được Bát Thánh Đạo. Và chỉ khi hoàn thành minh sát đạo thì mới có thể chứng đắc NiếtBàn.
Chúng tôi xin lặp lại rằng khổ đế là cảnh sở duyên (ārammana), tức đối tượng phải được biết, và đạo đế là cảnh năng duyên, tức tâm hay biết cảnh. Một sự lập lại như vậy là cần thiết bởi vì có những sự quyết đoán trái ngược với lời dạy của Đức Phật và làm tổn hại đến sự tăng trưởng của Giáo Pháp, cho rằng “quán những đối tượng của khổ như sắc (rūpa), danh (nāma), các hành (saṅkhāra), sẽ chỉ dẫn đến chỗ cảm thấy khổ; phải quán Niết Bàn để thành tựu sự an lạc, hạnh phúc.