92
Giáo Pháp Đi Đến Trời Tây
Hỏi: Một người kể cho thầy Ajahn Chah rằng mình có người bạn theo tu học với một thiền sư phái Thiền Tông (Zen). Người bạn đó hỏi thầy mình: “Khi ngồi dưới cây Bồ-Đề, Đức Phật đã làm gì?”. Vị thiền sư đó trả lời: “Phật đang thiền theo kiểu tọa thiền (zazen) của thiền tông!”. Nhưng người ấy nói với vị thầy rằng mình không tin. Vị thiền sư hỏi tại sao không tin, người bạn đó nói: “Khi con hỏi thầy Goenka (một thiền sư thiền minh sát nổi tiếng người Ấn Độ), thầy ấy nói lúc đó Phật thực hành thiền minh sát (vipassana)!”. Vậy là mỗi người cho rằng Phật đang tu theo cách giống với pháp môn của họ đang tu. (Ai cũng cho rằng cách tu của họ là cách tu của chính Đức Phật…).
Ajahn Chah: Lúc Phật ngồi ở đâu đó ngoài trời thì Phật đang ngồi dưới cây Bồ-Đề. Lúc Phật ngồi bên dưới gốc cây nào khác thì Phật cũng đang ngồi dưới cây Bồ-Đề. Cách giải thích đó cũng chẳng có gì sai trái. Bồ-Đề (bodhi) có nghĩa chính là Phật, là sự giác ngộ, là người biết. Đúng là Phật ngồi dưới cây Bồ-Đề và có thể nói cây nào Phật ngồi bên dưới đều là cây Bồ-Đề, vì Phật đang ngồi ở đó. Nhưng chim chóc cũng đậu ở cây Bồ-Đề. Khỉ cũng sống trên cây Bồ-Đề. Nhiều người cũng ngồi dưới cây Bồ-Đề. Nhưng không có nghĩa là họ có được sự hiểu biết sâu sắc (giác ngộ) như Đức Phật. Người đạt đến sự hiểu biết sâu sắc thì mới chứng ngộ ý nghĩa đích thực của “cây Bồ-Đề” là Giáo Pháp tuyệt đối.
Như vậy nếu chúng ta ngồi bên dưới cây Bồ-Đề thì rất tốt. Chúng ta có thể là Phật. Nhưng ta đâu cần bàn cãi với ai về vấn đề này. Khi ai nói Phật đã thiền tập phương pháp nào đó dưới gốc cây Bồ-Đề thì ta không cần tranh cãi. Chúng ta chỉ nên nhìn cây Bồ-Đề với ý nghĩa là sự giác ngộ, là chân lý tột cùng. Họ đang nói về cây Bồ-Đề theo ý nghĩa thông thường, điều đó chẳng có gì sai. Nhưng nếu cứ tranh cãi này nọ về điều đó thì rốt cuộc sẽ chẳng có cây Bồ-Đề nào cả.
Đó là đang nói về chân lý tuyệt đối (paramattha-dhamma). Vì vậy trong trường hợp đó, chúng ta cũng cố được ngồi dưới gốc cây Bồ Đề. Điều đó quá tốt—để sau này chúng ta có thể thành vị Phật. Điều đó không có gì để tranh cãi. Khi một người nói Phật đang thiền theo kiểu nào đó dưới gốc Bồ Đề, người khác cãi lại ”Không, không phải”, thì chúng ta cũng đâu cần xía vào. Chúng ta đang nhắm đến sự thật tột cùng, có nghĩa là chúng ta đang ngồi với sự tỉnh giác trọn vẹn. Sự thật tột cùng bao trùm mọi thứ. Dù đang ngồi dưới gốc cây Bồ Đề hay đang làm gì trong tư thế nào, điều đó không thành vấn đề. Mấy người bày phân tích này nọ cho có vẻ trí thức thôi. Người này cho là vầy, người kia nói khác. Ai cũng có cách nhìn riêng của mình, chúng ta không cần xía hay cãi với mấy lời nhận định đó.
Phật niết-bàn ở chỗ nào? Niết-bàn có nghĩa là ngừng diệt hết, không còn gì, dứt sạch. Sự dứt sạch có được nhờ sự hiểu biết – đó là sự hiểu biết về cách mọi sự đúng như chúng thực là. Đó là cách mọi sự (trong tâm) đi đến ngừng diệt, và đó chính là sự thật tuyệt đối (paramatthadhamma). Có nhiều cách giảng giải, tùy theo mức độ quy ước và mức độ giải thoát. Thông thường vẫn có những sự thật, nhưng đó là sự thật tương đối theo quy ước, khác với sự thật tuyệt đối. Ví dụ khi ta nói anh là một ‘người’ thì đó chỉ là quy ước. Phật nói đó không phải vậy, đó không phải là một ‘người’ hay một ‘cái gì cố định’ cả, đó chỉ là một đống năm uẩn kết hợp giả tạm. Do vậy chúng ta cần phải tóm lược những cách nói khác nhau theo mức độ quy ước và mức độ giải thoát khác nhau.
Chúng giải thích như vầy: trước kia chúng ta là một đứa trẻ con. Giờ chúng ta là người lớn. Vậy ta là cùng một người với đứa trẻ trước kia hay người lớn trước đây không? Nếu cùng là một đứa trẻ đó, vậy sao bây giờ trở thành người già? Con người mới hiện tại là từ người nào ra? Chúng ta cứ nói về người mới, người cũ, người trẻ, người già, nhưng cách nói đó chẳng đi đến đâu. Đó chỉ là cách giải thích trong giới hạn của các ngôn ngữ và quy ước mà thôi. Theo quy ước thì hễ có gì ‘to’ thì có ‘nhỏ’. Có nhỏ là có to, chúng ta luôn dùng sự so sánh đối đãi để miêu tả về sự thật. Chúng ta có thể nói về sự to và nhỏ, già và trẻ nhưng thực sự chẳng có thứ nào như vậy theo nghĩa tuyệt đối. Thực ra chúng ta không thể nào nói ai hay thứ gì là to hay nhỏ. Bậc thánh trí không chấp nhận cách mô tả đó là thực. Nhưng người phàm nghe thánh nhân nói vậy thì không chấp nhận, bởi người phàm đang dính theo những khái niệm to và nhỏ, già và trẻ… rồi.
Chúng ta trồng một chồi cay và quan sát nó. Sau một năm nó cao một thước. Sau một năm nữa nó cao hai thước. Nó là cùng một cây đầu hay là cây khác? Nếu là cây khác, tại sao nó lớn lên từ cây nhỏ ban đầu kia mà? Theo cách nhìn của bậc giác ngộ thì không có cây cũ và cây mới, không có cây nhỏ và cây lớn. Một người nhìn cái cây và nghĩ nó cao. Người khác nói nó không cao. Nhưng đâu có cái chuẩn ‘cao’ nào tồn tại độc lập một mình. (Cao hay thấp, lớn hay nhỏ, chỉ là do cách so sánh theo quy ước của người đời mà thôi). Do vậy chúng ta đâu thể thực sự nói người này nhỏ, người này lớn, người kia trẻ, người nọ già. Nếu chúng ta hiểu ra sự thật thì mọi sự chấm dứt ngay đây, và mọi vấn đề nghi ngờ đều được chấm dứt. Chúng ta đâu cần bị dính vào những nút thắt do quy ước phân biệt tạo ra. Mọi thứ chỉ là quy ước, khi nào chúng ta nhìn thấy sự thật tuyệt đối thì ta sẽ thấy sự thật do quy ước. Bởi vậy ngay bây giờ chúng ta cũng đâu cần phải nghi ngờ gì về sự tu tập và kết quả tu tập. Tu khi nào chúng ta đến được sự thật thì ta sẽ tự nhìn thấy.
Tôi biết xưa nay nhiều người vẫn giết vật để tế thần. Người thường thì giết vịt, giết gà, heo, bò để cúng tế cho những vị thần linh, họ nghĩ làm vậy sẽ làm vui lòng các thần linh. Đó là cách hiểu sai lạc, đó là tà kiến. Họ nghĩ giết vật cúng thần là có nhiều công đức, nhưng thực ra là hoàn toàn ngược lại: họ đang tạo nhiều nghiệp ác. Nhiều người nhìn những tập tục đó như chuyện thường tình. Quý vị có để ý không? Tôi sợ người Thái càng ngày càng trở thành những người giết vật cúng bái như vậy. Họ không biết điều tra suy xét về sự thật.
Hỏi: Sư đang nói về chữ vīmamsā phải không?
Ajahn Chah: Đúng, vīmamsā là điều tra suy xét. Có nghĩa là tìm hiểu về nhân và quả.
Hỏi: Giáo lý còn nói về ba điều khác là ý muốn được toại nguyện (chanda), năng lượng tinh tấn (viriya), và tâm thức (citta). Ba điều này cộng với sự điều tra (vīmamsā) tạo nên bốn cơ sở để thành tựu (iddhipāda) trong tu tập.
Ajahn Chah: Ý muốn được mãn nguyện là sự mãn nguyện với điều đúng đắn? Cách dùng sự mãn nguyện đó là đúng hay không? Sự điều tra suy xét (vīmamsā) phải có mặt trong các yếu tố kia.
Question: Tâm thức (citta) và sự điều tra (vīmamsā) là khác nhau?
Ajahn Chah: Vīmamsā là điều tra, tìm hiểu. Nó có nghĩa là sự khéo léo hay trí khôn. Đó là một yếu tố của tâm. Quý vị có thể nói ý chí được toại nguyện (chanda) là tâm, sự nỗ lực tinh tấn (viriya) là tâm, tâm thức (citta) là tâm, sự điều tra (vīmamsā) là tâm. Chúng là tất cả mọi mặt của tâm, tất cả chúng đều có thể gọi tắt là ‘tâm’, nhưng ở đây chúng được phân biệt riêng để làm rõ các yếu tố khác nhau của tâm. Nếu chỉ có ý chí được toại nguyện thì chưa chắc ta hiểu biết điều gì là đúng hay sai. Cái chúng ta hay gọi là tâm có đúng là cái tâm thiệt hay không? Phải có yếu tố điều tra suy xét (vīmamsā) thì mới nhận thức đúng lẽ thực của mọi sự. Việc điều tra các yếu tố khác với sự nhận thức khôn khéo thì sự tu tập của chúng ta sẽ đi đúng đắn và chúng ta sẽ có thể nhìn thấy Giáo Pháp.
Nhưng giáo lý suông chẳng mang lại nhiều ích lợi gì nếu chúng ta không thiền tập. Chúng ta đâu thực sự tự thân thấy biết cái gì là cái gì. Những yếu tố nói trên luôn luôn có trong tâm của những người tu tập thực thụ. Nhờ đó nên thậm chí lúc họ bị lạc đường sai lối, họ sẽ tỉnh giác biết rõ điều đó và có khả năng chỉnh sửa nó. Nhờ đó con đường đạo của họ được liên tục đúng đắn.
Người ta nhìn vào quý vị và cảm nhận cách sống của quý vị, sự quan tâm Giáo Pháp của quý vị, có người không nói gì. Có người thì nói rằng nếu quý vị muốn tu quý vị phải nên xuất gia thành tăng hay ni. Thực ra việc xuất gia vô chùa không phải là điểm mấu chốt quan trọng. Điều quan trọng là cách tu của mình. Như đã nói nhiều lần, mỗi người phải tự làm chứng nhân cho chính mình. Đừng lấy người khác chứng minh cho mình. Có nghĩa là ta phải tự tu học để tự tin tưởng vào chính mình. Vậy mới không bị thiệt hại trong tu tập. Có người nghĩ quý vị điên khùng đi đi làm những việc tu hành, chúng ta không cần để ý mấy người đó. Họ chẳng biết Giáo Pháp là gì hết.
Lời nói của người khác không đo lường sự tu tập của mình. Và người giác ngộ Giáo Pháp là nhờ tự thân tu tập đúng đắn chứ không phải nhờ vào lời nói của người ngoài. Ý tôi ở đây là Giáo Pháp đích thực. Những giáo lý do người khác hay sư phụ nói chỉ là sự chỉ đường, đó không phải là sự hiểu biết thực sự. Khi người tu gặp được Giáo Pháp, họ giác ngộ nó một cách đặc biệt ngay bên trong tâm của họ. Do đó Phật đã nói: ”Như Lai chỉ là người chỉ đường”. (Còn mỗi người phải tự mình tu tập để tự mình giác ngộ ngay trong tâm mình). Khi có ai xuất gia đến chùa thọ giới, tôi hay nói với họ: ”Trách nhiệm của chúng tôi chỉ gồm có phần này: thầy giáo thọ (ācariya) đã tụng phần kinh. Tôi đã hợp thức hóa sự Xuất Gia cho quý vị, quý vị đọc lời thệ nguyện. Vậy là xong. Phần còn lại là của quý vị, quý vị phải tự mình tu tập một cách đúng đắn”.
Những giáo lý có thể rất sâu sắc, nhưng người nghe có thể không hiểu. Nhưng không sao. Đừng bị rối trí về sự sâu sắc của giáo lý hay vì thiếu hiểu biết giáo lý. Cứ thực hành tu tập một cách tận tâm và ta có thể đi thẳng đến sự hiểu biết đích thực – nó sẽ dẫn quý vị đến đúng nơi mà giáo lý hay chỉ tới. Đừng dựa vào những nhận thức của người khác. Quý vị đã nghe chuyện những người mù sờ voi chưa? Để tôi nói sơ lại.
Ví như có một con voi và một hàng người mù đang cố mô tả về con voi. Người sờ trúng chân thì nói con voi giống như cột nhà. Người sờ tai voi thì nói voi giống cái quạt. Người sờ trúng đuôi thì nói không phải giống cái quạt, nó giống cây chổi. Người sờ trúng vai voi thì lại tả khác đi.
Cứ như vậy. Không có kết luận chung, không bao giờ hết tranh cãi. Mỗi người chạm tay vào một chỗ của voi và có nhận định khác hẳn người khác. Nhưng thực ra đó chỉ là một con voi. Ví dụ này giống trong việc tu tập. Với một ít kinh nghiệm và hiểu biết, ta có một ít ý tưởng nông cạn. Quý vị có thể đi gặp hết thầy này đến thầy khác để được giảng giải, quý vị cứ đi tìm hiểu coi mấy ông thầy chỉ cách đúng hay sai, rồi so sánh lời dạy của thầy này với lời dạy của thầy khác. Một số tu sĩ cứ mang bình bát và ô dù đi hết vùng này đến vùng khác để tìm học những sư thầy khác nhau. Họ cứ phán đoán về thầy này thầy nọ, so sánh cách tu này cách tu nọ, cho nên khi ngồi xuống thiền họ bị rối trí, không biết đâu là đúng là sai. ”Ông thầy này dạy vầy, ông thầy kia dạy vậy. Huynh này chỉ vầy, huynh kia chỉ khác. Dường như cách tu của họ luôn khác nhau. Không ai giống ai”. Cứ nghĩ suy như vậy thì dẫn đến đủ thứ nghi ngờ.
Khi nghe đồn về các ông sư giỏi thuộc nhiều nhánh phái, quý vị tìm đến học ở các sư Thái Lan, sư Thiền tông, sư nhánh khác. Theo tôi thấy quý vị đã học đủ giáo lý rồi, nhưng ai cũng có tật muốn nghe thêm nữa, nghe nhiều giáo lý từ nhiều thầy, nghe xong đem so sánh và cuối cùng dẫn đến nghi ngờ. Càng học nhiều thầy thì càng thêm rối mù. Chuyện thời Phật có một du sĩ cũng dính kẹt trong tình cảnh này. Ông ta đi tìm học từ nhiều đạo sĩ đại sư khác nhau. Ông ta muốn học thiền nhưng càng học ông càng rối trí. Cuối cùng ông tới gặp Phật và trình bày sự khổ tâm của ông cho Phật nghe.
Phật chỉ cho ông: ”Nếu làm như cách ông đang làm thì không bao giờ hết nghi ngờ. Ngay bây giờ, hãy dẹp bỏ quá khứ; dẹp bỏ mọi thứ ông đã làm hoặc chưa làm, dù đúng hay sai cũng dẹp bỏ hết”.
”Tương lai còn chưa tới. Đừng suy nghĩ phỏng đoán về nó. Hãy dẹp bỏ tất cả mọi ý nghĩ phiền nhiễu đó—đó chỉ là sự nghĩ mà thôi.
”Dẹp bỏ quá khứ và tương lai, nhìn ngay vào hiện tại. Có thể ông biết rành những lời dạy được nói bởi nhiều sư thầy, nhưng ông chưa biết gì về cái tâm của mình. Khoảng khắc hiện tại là trống rỗng; chỉ cần nhìn vào sự khởi sinh và biến diệt của các hành tạo tác (sankhārā). Nhìn thấy chúng ta vô thường, khổ, và vô ngã. Nhìn thấy chúng đúng như chúng thực là. Rồi ông sẽ không còn bận tâm với quá khứ hay tương lai. Ông sẽ hiểu biết rõ rằng quá khứ là đã qua và tương lai thì chưa tới. Quán xét trong khoảng khắc hiện tại, ông sẽ nhận thấy hiện tại chính là kết quả của quá khứ. Những kết quả của những hành động quá khứ được nhìn thấy trong hiện tại.
”Tương lai còn chưa tới. Thứ gì khởi sinh trong tương lai sẽ biến diệt trong tương lai; bây giờ đâu cần phải bận tâm về nó. Vậy hãy nhìn kỹ vào hiện tại. Hiện tại chính là nhân của tương lai. Nếu ông muốn có tương lai tốt lành, hãy tạo tốt lành trong hiện tại, tăng cường ý thức tỉnh giác vào điều mình đang làm ngay trong hiện tại. Tương lai là kết quả của điều đó. Quá khứ là nhân và tương lai là quả của hiện tại.
”Nếu biết rõ hiện tại, một người có thể hiểi biết quá khứ và tương lai. Rồi người đó có thể buông bỏ quá khứ và tương lai, người đó biết rõ rằng quá khứ và tương lai đang tích tụ ngay trong hiện tại”.
Sau khi hiểu lời dạy đó, vị du sĩ đã quyết tâm tu tập theo cách Phật đã chỉ, buông bỏ tất cả. Càng ngày ông càng nhìn thấy rõ, ông chứng ngộ nhiều loại hiểu biết, nhìn thấy trật tự tự nhiên của mọi thứ bằng chính trí tuệ của mình. Sự nghi ngờ của ông cũng hết. Ông buông bỏ quá khứ và tương lai, nhờ đó mọi thứ hiện tiền ngay trong hiện tại. Đây chính là một pháp (eko dhammo), một Giáo Pháp. Sau đó ông đâu cần phải mang bình bát lên núi hay vô rừng để đi tìm sự hiểu biết. Nếu có đi đâu ông cũng đi một cách tự nhiên, không phải đi vì mong cầu hay tham muốn. Nếu có ở đâu ông cũng ở một cách tự nhiên, không phải ở vì tham muốn hay mong cầu.
Tu tập theo cách như vậy, ông ấy không còn nghi ngờ nữa. Chỉ cần tu một pháp như vậy, không cần thêm hay bớt gì. Về sau, ông ấy sống trong bình an, không còn lo lắng bận tâm về quá khứ hay tương lai. Đây chính là cách Phật đã chỉ.
Nhưng không phải chỉ người xưa mới tu được vậy. Giờ nếu chúng ta tu tập đúng đắn thì chúng ta cũng có thể đạt đến giác ngộ như vậy. Chúng ta có thể hiểu biết quá khứ và tương lai, bởi chúng đều tích tụ về một điểm là hiện tại, chúng có mặt ngay trong thời khắc hiện tại. Nếu nhìn quá khứ chúng ta không biết nó. Nếu nhìn về tương lai chúng ta không biết nó, bởi đó không phải là nơi của sự thật; sự thật đang có mặt ngay đây, ngay trong hiện tại.
Vì vậy nên Phật mới nói Phật giác ngộ bằng nỗ lực tự thân chứ không phải do nhờ thầy. Phật không có thầy, quý vị đã nghe chuyện này chưa? Có một du sĩ khác cứ tới gặp Phật hỏi đủ câu hỏi về nhiều vấn đề cao xa, trong đó ông có hỏi Phật ai là thầy của Phật. Phật trả lời: ”Ta không có thầy. Ta đạt giác ngộ bằng nỗ lực của chính mình”. Nhưng vị du sĩ đó lắc đầu và bỏ đi, ông ấy không tin. Ổng nghĩ Phật bịa chuyện nên ổng không tin lời Phật nói. Ổng cứ nghĩ theo kiểu ‘không thầy đố ai làm nên’. Vậy đó.
Tôi muốn nói như vầy: Quý vị học một vị thầy tâm linh và vị thầy đó nói quý vị phải dẹp bỏ tham và sân. Vị thầy nói tham và sân là gốc nguy hại và ta cần phải trừ bỏ chúng. Rồi quý vị nghe và thực hành tu theo hướng đó. Nhưng sự trừ bỏ tham sân không phải xảy ra nhờ ông thầy đó nói; việc trừ bỏ tham sân chỉ có thể xảy ra nếu ta tự mình thực tâm thực hiện và tu tập. Chỉ bằng cách tu tập ta mới có thể chứng ngộ điều gì cho chính mình. Ta nhìn thấy tham trong tâm và trừ bỏ nó. Ta nhìn thấy sân trong tâm và trừ bỏ nó. Vị thầy kia không trừ bỏ tính tham tính sân trong tâm của ta. Vị ấy chỉ nói ta nên trừ bỏ chúng, lời nói đó chỉ là hướng dẫn, còn bản thân ta ta phải tự thực hiện thì mới trừ bỏ được chúng, bởi chúng nằm ngay trong tâm của ta. Tự mình tu và tự mình chứng. Tự mình hiểu biết mọi thứ cho chính mình.
Giống như Phật bắt được chúng ta và mang chúng ta ra đầu đường và nói: ”Đây là con đường—giờ bạn phải tự mình bước đi”. Phật không giúp chúng ta bước đi. Chúng ta phải tự bước đi. Khi chúng ta đi trên con đường đạo và tu tập theo Giáo Pháp, chúng ta sẽ gặp được Giáo Pháp đích thực ở đó; Giáo Pháp là vượt trên những gì mà vị thầy hay ai có thể giải thích cho ta. Vậy đó, một người chỉ được giác ngộ bởi chính mình, tự mình hiểu biết quá khứ, tương lai và hiện tại, hiểu biết nhân và quả. Lúc đó không còn nghi ngờ gì.
Chúng ta đang nói về sự từ bỏ và tu dưỡng, sự buông bỏ và phát triển. Nhưng khi đã đạt tới đạo quả thì không cần phải thêm hay bớt gì nữa. Phật đã chỉ đó là chỗ chúng ta cần đi tới: đây chính là đích-tới, nhưng mọi người cứ muốn đi nữa, mọi người không muốn dừng lại chỗ này. Sự nghi ngờ và dính chấp tiếp tục thúc đẩy họ đi nữa, tiếp tục làm họ ngu si và không để họ ngừng lại ngay chỗ này. Do vậy khi một người đã tới đích, nhưng những người khác còn ở chỗ khác thì họ đâu hiểu được những gì người đang ở đích nói gì. Họ có thể hiểu biết dựa vào chữ nghĩa trí thức, nhưng họ vẫn chưa có sự hiểu biết thực về sự thật. Sự hiểu biết thực sự bằng chính cái tâm mới là sự giác ngộ.
Về kỹ thuật, khi chúng ta nói về tu tập thì chúng ta đang nói về sự nhập vào và sự bỏ đi. Nhập vào những thứ tích cực và bỏ đi những thứ tiêu cực. Dưỡng tốt bỏ xấu. Nhưng đến sau cùng thì cũng nên bỏ hết mọi thứ tốt xấu luôn. Có hai loại người tu tập ở hai giai đoạn. Loại thứ nhất là người còn đang tu học hay học nhân (sekha puggala), họ còn tu tập để dưỡng tốt bỏ xấu trong tâm. Loại thứ hai là những người không còn tu học ở giai đoạn một đó nữa, được gọi là vô học nhân, không còn học tu gì nữa (asekha puggala), họ không còn phải tu gì nữa, họ đã chứng ngộ, họ đã đi tới nơi ngừng lại. Chỗ này đang nói về cái tâm: khi tâm đã đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn, người tu không còn phải tu tập gì nữa. Tại sao? Tại vì người đó không còn dùng những qui ước về giáo lý và thực hành nữa. (Họ không cần phải tu học theo những giáo lý được ghi lại trong kinh điển hay được nói bởi các vị thầy bằng những quy ước và ngôn ngữ thế tục. Họ không còn tư duy bằng quy ước và ngôn ngữ thế tục nữa). Đó là trạng thái của người tu đã từ bỏ tất cả mọi ô nhiễm trong tâm.
Người học nhân (sekha) phải tu tập từng bước theo con đường đạo, từ trình độ thấp lên cao. Khi họ hoàn thành con đường tu, họ được gọi là vô học nhân (asekha), tức không còn tu tập gì nữa, bởi mọi thứ đều đã xong. Mọi việc tu tập đã hoàn thành. Nghi ngờ đã chấm dứt. Không còn phẩm hạnh nào cần phải tu dưỡng thêm. Không còn ô nhiễm nào cần phải trừ bỏ. Những người như vậy sống trong bình an. Tốt xấu, thiện ác không còn tác động họ nữa; họ bất lay chuyển cho dù gặp phải điều gì tác động. Đây đang chỉ về trạng thái của một cái tâm trống rỗng. Giờ nghe đến chỗ tâm trống rỗng quý vị càng thấy khó hiểu phải không.
Quý vị không hiểu gì chỗ này. Quý vị thắc mắc: ”Nếu tâm tôi trống rỗng thì làm sao tôi đi được?”. Chính xác tâm là trống rỗng. Quý vị thắc mắc: ”Nếu tâm trống rỗng làm sao tôi biết ăn uống? Làm sao tôi muốn ăn uống nếu tâm trí trống rỗng?”. Nếu cứ nói theo kiểu này thì chỉ tốn thời gian vô ích khi người ta không thực sự tu tập. Không tu tập thực sự thì đâu hiểu được chỗ này.
Người miêu tả trạng thái tâm như vậy là người chỉ muốn gợi ý để chúng ta cảm nhận ít nhiều, và điều đó có thể giúp dẫn dắt chúng ta hiểu được sự thật. Ví dụ, các hành vi tạo tác (sankhārā) mà chúng ta đã tích luỹ và mang theo kể từ lúc mới sinh ra đến tận bây giờ, theo Đức Phật thì chúng không thực sự là ‘ta’ hay ‘của ta’. Tại sao Phật nói như vậy? Bởi đâu còn cách nào để miêu tả chính xác về sự thật. Phật giảng giải theo cách đó để mọi người có thể nhận thức được phần nào về sự thật, nhờ đó họ có thể tu tập đạt đến trí tuệ. Về điều này chúng ta cần phải quán xét một cách kỹ càng mới nhìn thấy.
Nhiều người nghe câu nói ”Chẳng có gì là của ta” thì họ nghĩ mình nên quăng bỏ mọi thứ mình đang có. Nếu chỉ hiểu nông cạn thì mọi người sẽ tiếp tục tranh luận chỗ phương tiện này là gì và làm sao để vận dụng nó. ”Đây không phải là cái ta”—câu này không có nghĩa là chúng ta nên kết liễu sự sống của mình hay quăng bỏ hết mọi tài sản của cải. Chỗ này có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ tất cả mọi ràng buộc dính chấp. Có hai mức độ sự thật, sự thật do quy ước (tục đế) và sự thật tuyệt đối (chân đế): đó là sự giả định và sự giải thoát. Ở mức độ quy ước, ông A, bà B, anh C, và vân vân. Chúng ta dùng những giả định để thuận tiện cho việc giao tiếp trong đời sống. Phật không dạy chúng ta không nên dùng những quy ước đó, nhưng Phật dạy chúng ta không nên dính chấp vào những quy ước giả định đó. Chúng ta phải nhìn thấy những quy ước đó chỉ là giả định, chỉ là trống rỗng; chúng không là cái gì cả, chỉ là do chúng ta giả định mà có.
Chỗ này hơi khó nói, khó hiểu.
Những người tu tập như chúng ta phải dựa vào sự tu tập và đạt đến sự hiểu biết thông qua sự tu tập. Nếu chúng ta muốn đạt sự hiểu biết và tri kiến từ việc học kinh sách và nhờ người khác dạy thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ thực sự hiểu biết về sự thật. Sự thật là thứ ta có thể thấy và biết bằng cách tự thân tu tập. Phải quay lại nhìn vào bên trong. Nhìn vào bên trong để hiểu biết chính mình. Đừng cứ nhìn ra bên ngoài. Ai cũng cũng biết là đừng nhìn ra bên ngoài, nhưng khi nói về tu tập mọi người liền bàn cãi đúng sai đủ chuyện, chẳng ai lo hướng vào bên trong chính mình. Tâm họ lúc nào cũng sẵn sàng tranh biện, bởi vì họ đã lỡ học lý thuyết và muốn gắn lý thuyết vào thực hành theo cách họ đã học và dính chấp theo một phía. Vậy đó, họ chỉ nghĩ suy và hiểu biết theo lý thuyết mà họ đã học được, họ chưa nhận thấy sự thật bằng việc tự thân tu tập.
Quý vị có để ý mấy người Thái chúng ta gặp bữa trước không? Họ cứ hỏi những câu hỏi chẳng liên quan gì, ví dụ như ”Tại sao các tăng ăn cơm từ bình bát vậy?”. Tôi nghĩ rằng họ còn quá xa mới hiểu biết về giáo pháp. Họ đã học rất nhiều kiến thức hiện đại nên tôi rất khó nói cho họ hiểu. Nên tôi để cho một sư người Mỹ nói chuyện với họ. Có lẽ họ thích nghe vị sư ngoại quốc đó giải thích hơn là tôi. Ngày nay người Thái rất lơ là với Phật Pháp nên họ không biết được tại sao các tăng ni tu thiền ăn cơm trực tiếp từ bình bát khất thực. Tại sao tôi nói vậy? Vì họ đâu có đi học giáo lý ngày nào, nếu họ có học ít nhiều giáo lý thì hẳn họ đã biết tại sao các tăng ni ăn cơm trực tiếp từ bình bát. Họ học nhiều thứ kiến thức hiện đại nhưng họ không học giáo lý nhà Phật, nên họ không biết. Cũng như tôi, tôi phải thừa nhận tôi không biết tí gì về kiến thức hiện đại của họ, bởi tôi không học nó. Các tăng người Âu Mỹ đã học về Phật Pháp nên họ có thể giải thích cho những người Thái đó nghe.
Thời bây giờ người Thái càng ít quan tâm đến Phật Pháp, ít muốn đi tu, ít muốn xuất gia. Tôi không hiểu tại sao, có lẽ họ quá bận rộn với công việc làm ăn bởi Thái Lan đang phát triên mạnh về vật chất hiện đại, hoặc có nhiều lý do khác mà tôi không biết. Hồi trước khi ai xuất gia thụ giới nếu họ hoàn tục thì cũng sau vài ba năm tuổi Hạ. Thời bây giờ chỉ được một hay hai tuần. Thậm chí có người thụ giới đi tu buổi sáng đến chiều đã bỏ y hoàn tục. Đó là xu hướng hiện thời. Nhiều người cứ nói với tôi kiểu như vầy: ”Nếu ai cũng xuất gia đi tu nhiều năm theo ý thầy thì sao xã hội tiến bộ cho được. Gia đình không khá lên được. Chẳng còn ai xây dựng cái gì cho đời ngoài kia”.
Tôi bèn nói với họ: ”Quý vị khéo lo biển không còn nước. Cách nghĩ của quý vị là cách nghĩ của con trùn đất. Con trùn sống dưới đất. Nó ăn đất để sống. Nó ăn và bắt đầu lo không còn đất để ăn. Nó sống trong đất, đất bao la ngập đầu ngập cổ nó mà nó lại sợ hết đất để ăn”. (Làm gì có chuyện cả thế gian đều đi tu hết).
Đó là cách nghĩ của con trùn đất. Mọi người khéo lo không có ai lo phát triển thế giới thì thế giới sẽ chấm dứt. Đó là cách nghĩ của con trùn đất. Người khác trùn mà lại nghĩ theo kiểu một con trùn. Loài vật ngu si luôn nghĩ ngu si. Chúng không hiểu biết và ngu tối mới lo như vậy.
Chuyện một con rùa và một con rắn ở trong rừng. Rừng bị hỏa hoạn và rắn rùa cùng đang cố chạy thoát. Con rùa bò chậm chạm, nó thấy con rắn đang bò lướt qua mặt nó. Nhưng rùa lại thấy đáng thương cho con rắn. Sao vậy? Rắn không có chân, nên rùa nghĩ nó khó mà thoát khỏi trận lửa. Nó muốn giúp đỡ con rắn. Nhưng khi lửa lan tới, con rắn phóng thoát dễ dàng khỏi lửa, còn rùa bốn chân chạy không kịp và bị chết thui ở đó.
Đó là sự ngu si của con rùa. Nó nghĩ, nếu ai có chân, người ấy có thể di chuyển. Nếu không có chân, không thể đi đến đâu. Nghĩ vậy nên nó lo giùm con rắn. Nó nghĩ rắn sẽ chết chắc vì không có chân để chạy. Nhưng con rắn vẫn bình thản, nó chẳng lo lắng gì, vì nó có thể phóng nhanh thoát khỏi rừng lửa.
Chỗ này muốn nói đến những người có cách nghĩ ngu si. Họ cảm thấy thương hại cho ta (những người tu hành) và coi ta là ngu si bởi vì ta không giống họ, không có cùng cách nhìn và cách hiểu biết giống họ. Nhưng thực ra ai ngu si hơn ai?22
Nhiều người nhìn những người theo đạo Phật với con mắt coi thường, họ nghĩ những người theo đạo Phật là tầm thường, chẳng có gì đáng khen.
Quay lại chuyện tu tập, gặp phải nhiều tình cảnh khác nhau có thể là một nguyên nhân tạo nên sự tĩnh lặng (định) trong tâm. Nhưng hồi mới tu tôi rất ngu dại, tôi không hiểu và hay mắc sai lầm. Lúc đó, mỗi khi có thứ gì quấy nhiễu tôi, tôi chỉ cố bỏ trốn khỏi nó. Việc làm đó chẳng khác nào tôi chạy trốn khỏi sự bình an. Tôi cứ tiếp tục chạy trốn khỏi sự bình an. Lúc đó tôi không muốn nhìn thấy hay hiểu biết về mấy thứ quấy động đó; tôi không muốn nghĩ hay nếm trải những thứ đó. Tôi đã không nhận ra cách làm đó của tôi là một dạng ô nhiễm. Tôi chỉ nghĩ rằng tôi nên tách ly khỏi mọi người và mọi tình cảnh, tôi nghĩ làm vậy tôi sẽ không còn gặp thứ gì quấy động hoặc nghe thứ gì gây khó chịu. Tôi cứ nghĩ càng lánh xa khỏi trần càng tốt.
Sau đó nhiều năm, tiến trình các sự kiện tự nhiên đã thúc đẩy tôi đi đến thay đổi cách nghĩ và cách tu. Điều gì đã thúc đẩy tôi thay đổi như vậy? Đó là, sau khi tu tập một thời gian, tôi càng lúc càng có thêm nhiều học trò đệ tử, nhiều người Phật tử tại gia cũng đến tìm tôi. Vì sống tu khổ hạnh trong rừng sâu nên cũng có nhiều người đến thăm và kính trọng. Rồi con số người tới càng lúc càng đông và tôi phải đối diện với nhiều thứ. Tôi đâu thể trốn chạy hoài. Tôi phải gặp mọi người và gặp nhiều thứ liên quan. Tai tôi phải nghe đủ loại tiếng nói và âm thanh, mắt tôi phải nhìn ngó người này thứ nọ. Và chính lúc đó, lúc đã được gọi là một sư thầy, tôi mới bắt đầu có được thêm nhiều sự hiểu biết. Sự hiểu biết đó dẫn đến nhiều trí tuệ và nhiều sự buông bỏ. Tiếp theo đó rất nhiều thứ liên tục diễn ra và tôi học cách không nắm giữ hay dính chấp thứ gì, tôi học được cách liên tục buông bỏ. Cách đó giúp tôi trở nên khéo léo và thuần thục hơn trước đó nhiều.
Khi có khổ xảy ra, không sao; tôi không thêm bớt gì cho nó, không trốn chạy khỏi nó. Hồi đó trong thiền tập tôi chỉ có mong đạt đến sự tĩnh lặng. Tôi nghĩ môi trường bên ngoài chỉ hữu ích bởi nó là một nhân giúp tôi tu tập đạt đến sự tĩnh lặng. Tôi đã biết vậy nhưng lúc đó tôi vẫn chưa nói được câu chuẩn xác rằng: chánh kiến là nhân để đạt đến sự tĩnh lặng.
Như tôi thường nói có hai dạng tĩnh lặng. Những bậc thánh trí ngày xưa phân loại thành sự tĩnh lặng nhờ trí tuệ và sự tĩnh lặng nhờ thiền định. Trong sự tĩnh lặng nhờ thiền định (samatha): mắt phải lánh xa cảnh sắc, tai phải lánh xa âm thanh, mũi phải lánh xa mùi hương…Không thấy, không nghe, không biết…thì người sẽ được tĩnh lặng. Loại tĩnh lặng này cũng tốt theo cách của nó. Nhưng loại tĩnh lặng này có giá trị không? Có, nhưng nó chưa phải là tối thượng. Nó chỉ là loại tĩnh lặng tạm thời. Nó không có nền tảng bền lâu. (Khi ra khỏi thiền định thì nó không còn). Chẳng hạn, khi các giác quan tiếp xúc với các đối tượng khó chịu thì sự tĩnh lặng đó thay đổi ngay, bởi vì nó không muốn những đối tượng đó có mặt. Cho nên tâm lúc nào cũng cố chống chế với các đối tượng và do vậy trí tuệ không khởi sinh (vì trí tuệ chỉ khởi sinh từ một cái tâm tĩnh lặng). Bởi lúc đó người tu cảm thấy không được bình an vì những đối tượng và yếu tố bên ngoài. (Cứ tránh né và trốn chạy hoài làm sao tâm được bình an và tĩnh lặng?)
Ngược lại, nếu chúng ta không trốn chạy nữa; thay vì vậy chúng ta nhìn thẳng vào mọi thứ. Nhìn thẳng vào mọi thứ xảy ra chúng ta sẽ nhận ra sự thiếu tĩnh lặng không phải là do các đối tượng trần cảnh bên ngoài, mà thiếu tĩnh lặng là do cách nhìn cách nghĩ sai lầm của chúng ta. Tôi thường chỉ rõ cho các đệ tử về lý chỗ này. Tôi thường nói họ như vầy: nếu ai muốn nỗ lực tu để đạt trạng thái tĩnh lặng (đạt định) thì cứ đi tìm một nơi vắng lặng, lánh xa người, lánh xa cảnh sắc và âm thanh…để không còn thứ gì quấy nhiễu mình nữa. Lúc đó tâm sẽ lắng xuống và tĩnh lặng, sự tĩnh lặng có được là do không còn gì quấy nhiễu mình nữa. Rồi sau đó hãy xem xét coi trạng thái tĩnh lặng đó có thực sự bền chắc hay không. Rồi khi quý vị rời khỏi nơi lánh trần đó, các giác quan bắt đầu tiếp xúc với nhiều thứ bên ngoài, lúc đó hãy xem xét coi mình cảm giác dễ chịu hoặc khó chịu ra sao, sướng hay khổ ra sao, vui hay buồn ra sao, và tâm bị quấy nhiễu ra sao. Sau khi xem xét như vậy quý vị sẽ hiểu ra rằng: loại tĩnh lặng đó chưa phải là sự tĩnh lặng đích thực và bền lâu. Loại bình an có được nhờ thiền định chỉ là tạm thời trong thời gian lánh trần thiền định mà thôi.
Những gì xảy ra trong phạm vi trải nghiệm chỉ đơn giản xảy ra như nó là vậy. Nó chỉ là nó, nó chỉ là hiện tượng khởi sinh và biến qua. Nhưng nếu nó làm vừa lòng ta, ta liền cho nó là tốt; khi nó làm ta khó chịu, ta liền cho nó là không tốt. Tốt hay xấu chỉ là do cái tâm phân biệt đối đãi của ta đối với mọi thứ đối tượng bên ngoài. Sau khi đã hiểu được lý này, chúng ta có được cơ sở để suy xét điều tra mọi thứ và nhìn thấy chúng đúng như chúng thực là. Khi đã có được sự tĩnh lặng (định) trong thiền, người tu không cần phải thực hiện nhiều sự suy nghĩ. Sự hiểu biết nhạy bén là một loại “tính biết” có được từ một cái tâm tĩnh lặng. Nói cách khác, cái tâm tĩnh lặng sinh ra “tính biết”. Tính biết không phải là sự nghĩ, mà nó là sự suy xét điều tra hiện tượng. Đó là dhammavicaya (HV: trạch pháp). Điều tra về mọi pháp là một yếu tố giúp dẫn đến giác ngộ.
Nhờ điều tra và sau khi hiểu biết về các hiện tượng, chúng ta có được sự tĩnh lặng trong tâm. Loại tĩnh lặng này không bị quấy nhiễu bởi những tiếp xúc giác quan và trải nghiệm trần cảnh bên ngoài. Loại đó là tốt. Nhưng giờ tôi lại đặt câu hỏi: ”Nếu đã đó gọi là sự tĩnh lặng, vậy tại sao vẫn còn thứ gì đó đang tiếp diễn?”. Câu trả lời là: Đúng, vẫn còn thứ đang tiếp diễn bên trong sự tĩnh lặng đó; đó không phải là thứ đang tạo tác khổ như thông thường—[thông thường tâm chúng ta liên tục tạo tác đủ loại khổ vì chúng ta cứ chấp mọi thứ là này là nọ, cứ nhận thức mọi thứ là khác so với chúng thực là]. Khi có sự gì diễn ra bên trong một cái tâm tĩnh lặng, tâm biết nó một cách rõ ràng. Khi tâm nhìn thấy rõ ràng mọi sự diễn ra bên trong nó, thì trí tuệ sinh ra ngay tại đó, và nhờ đó tâm càng có khả năng quán xét một cách rõ ràng hơn và hơn nữa. Chúng ta nhìn thấy cách mọi thứ diễn ra đúng như chúng thực là; và khi chúng ta biết rõ sự thật của mọi thứ như vậy thì sự tĩnh lặng (định) đó càng trở nên bao trùm. Lúc đó, khi tâm nhìn thấy mắt hoặc tai nghe âm thanh…,chúng ta nhận biết chúng đúng như chúng thực là. Trong trạng thái của loại tĩnh lặng thứ hai này: khi mắt nhìn thấy hình sắc, tai nghe thấy âm thanh…tâm vẫn luôn bình an. Khi tai nghe những âm thanh, tâm vẫn bình an. Tâm không bị dao động. Dù chúng ta trải nghiệm thứ gì, tâm vẫn không bị lay chuyển.
Vậy loại tĩnh lặng này có được từ đâu? Nếu xét lại từ đầu quá trình tu tập, thì loại tĩnh lặng thứ hai là có được từ lịa tĩnh lặng thứ nhất: Loại định thứ hai (có được nhờ thiền quán trí tuệ) có được từ loại định thứ nhất (có được nhờ tu tập thiền-định (samatha) lúc đầu). Loại định thứ nhất của thiền-định lánh trần là một nhân giúp khởi sinh ra loại định thứ hai có mặt trong thiền-tuệ. Phật giáo dạy rằng trí tuệ là khởi sinh từ định. Tâm tĩnh lặng làm khởi sinh trí tuệ. Sự hiểu-biết xuất phát từ sự không-hiểu-biết. Tâm đi đến hiểu biết từ trạng thái không hiểu biết, từ việc học cách điều tra quán xét như vậy. Đến lúc nào đó định và tuệ sẽ cùng có mặt. Lúc đó dù chúng ta đang ở đâu hay làm gì, chúng ta vẫn luôn nhìn thấy sự thật của mọi thứ. Chúng ta biết được rằng sự khởi-sinh và biến-diệt diễn ra trong tâm chỉ đơn giản là vậy, như chúng là. Khi đã hiểu biết rằng mọi sự đến rồi đi, mọi sự sinh rồi diệt chỉ là như vậy, thì đâu còn gì phải làm nữa, đâu còn gì phải tu nữa, đâu còn gì phải giải quyết nữa. Đâu còn phỏng đoán hay nghi ngờ nào nữa. Đâu còn đến đâu, đâu còn trốn chạy nữa. Chúng ta chỉ có thể trốn thoát bằng trí tuệ, bằng sự hiểu biết về mọi thứ đúng như chúng thực là, và vượt lên khỏi chúng.
Ngày trước lúc tôi mới lập Chùa Wat Pah Pong này, nhiều người bắt đầu đến viếng thăm tôi, một số đệ tử trong chùa đã nói: ”Sư ông cứ luôn giao tiếp giao duyên với mọi người như vậy. Nơi đây không còn là chỗ thích hợp để ở tu nữa”. À, các đệ tử của tôi cũng biết được vậy, vậy là cũng tốt. Nhưng, điều đó chỉ đúng một nửa; mà tôi đâu có tự đi tìm gặp mọi người đâu. Chúng ta mở chùa và họ đến thăm để tỏ lòng kính trọng đời sống tu hành của các thầy trong chùa. Không lẽ đuổi hết họ về. Tôi cũng không nói các thầy ấy nói vậy là sai hoàn toàn—đúng là người tu thiền không nên giao tiếp giao duyên với nhiều người bên ngoài. Nhưng còn tùy nơi cách nhìn của người tu—thực ra là tôi đã có được rất nhiều trí tuệ và đi đến hiểu biết rất nhiều sự thật nhờ chịu giao tiếp và chịu nhìn thẳng vào những tiếp xúc đó. Chỉ là do các thầy ấy chưa biết tới đó thôi nên mới nói vậy thôi. Họ không lo tu, không lo nhìn chính mình mà chỉ lo nhìn vào tôi; và họ nghĩ rằng tôi đang thoái hóa, bởi họ thấy có quá nhiều người đến chùa, quá nhiều thứ quấy động xung quanh tôi. Tôi cũng biết cách nào để thuyết phục các thầy ấy; nhưng thực lòng thì qua nhiều thời gian, tôi đã hiểu biết và vượt qua rất nhiều chướng ngại, và cuối cùng tôi có thể nói rằng sự tĩnh lặng (định) đích thực được sinh ra từ cách nhìn đúng đắn (chánh kiến). Nếu chúng ta không có cách nhìn đúng đắn thì dù chúng ta có tu trong chùa hay đang ở chợ, chúng ta cũng không bao giờ có được bình an đích thực, và trí tuệ cũng không thể phát sinh.
Mọi người đang tu ở các nước phương Tây, điều đó cũng rất tốt, tu ở đâu cũng được miễn sao biết tu đúng đắn. Tôi không trách ai ở đây, nhưng theo chỗ tôi thấy ở đây phần giới hạnh chưa được tu dưỡng tốt lắm. Chuyện trước giờ là vậy. Quý vị có thể bắt đầu tu tập định tâm (samādhi) trước. Những phần tu tập khác thực ra chỉ là một. Giống như khi ta đi bộ và gặp phải một thân cây dài nằm ngang đường. Ta có thể nhấc một đầu. Người khác có thể nhấc đầu kia. Nhưng đầu nào cũng cùng một cây gỗ, nhấc đầu nào chúng ta cũng có thể dời cây gỗ sang bên. Đôi đũa, cái dao cũng vậy, khi ta cầm một đầu lên là ta cầm cả cây đũa và con dao đó. Khi chúng ta đạt được ít nhiều sự tĩnh lặng từ việc tu định, lúc đó tâm có thể nhìn thấy mọi thứ một cách rõ ràng, và tâm đạt được trí tuệ và nhìn ra những mối nguy hại trong những loại hành vi bất thiện của ta. Sau khi nhìn thấy vậy, ta sẽ kiêng cữ và cẩn trọng trong mọi hành động; đó là giữ giới. Ta có thể nhấc một đầu cây gỗ để dời nó đi, nhưng điều quan trọng là ta phải có sự quyết tâm chắc chắc trong hành động của mình. Tương tự, điều quan trọng là ta phải quyết tâm trong việc giữ giới và tu tập của mình. Nếu quý vị bắt đầu tu tập phần giới hạnh (sīla) trước, thì sự giữ giới sẽ tạo ra sự tĩnh lặng, tức định tâm (samādhi), và đó chính là nguyên nhân tạo ra trí tuệ (panna). Rồi sau khi đã có trí tuệ, nó sẽ giúp cho sự định tâm phát triển mạnh hơn. Và lúc đó định sẽ quay lại làm trong sạch phần giới hạnh nhiều hơn nữa. (Có giới sẽ giúp có định, có định sẽ giúp sinh ra tuệ, và có tuệ sẽ quay lại phát huy định mạnh mẽ hơn; định mạnh mẽ hơn sẽ tự nhiên thanh lọc phần giới hạnh nhiều hơn nữa. Ba phần phát triển một cách hữu cơ với nhau). Ba phần thực ra là đồng nghĩa với nhau, cùng phát triển với nhau. Cuối cùng, kết quả cuối cùng là chúng là một và như nhau; chúng không thể tách rời nhau.
Chúng ta không thể tách riêng định (samādhi) là phần riêng biệt. Chúng ta không thể tách riêng tuệ (panna) là phần riêng biệt. Chúng ta cũng không thể tách phần giới hạnh (sīla) là phần riêng biệt. Nói về sự hiểu biết, sự hiểu biết có hai mức độ: mức độ theo quy ước và mức độ giải thoát. Ở mức độ giải thoát, chúng ta sẽ không còn dính chấp vào sự tốt và sự xấu. Khi còn dùng quy ước, chúng ta phân biệt tốt và xấu, chúng ta phân biệt những phần khác nhau của sự tu tập. Khi chưa giác ngộ, chúng ta còn phân biệt về các phần tu tập (có lẽ để cho dễ dàng giảng giải), điều đó là cần thiết, nhưng phân biệt như vậy là chưa rốt ráo, chưa đúng tuyệt đối. Nếu chúng ta hiểu biết công dụng của các quy ước chỉ như là phương tiện, thì chúng ta có thể đi đến hiểu biết về sự giải thoát. Rồi chúng ta có thể hiểu được việc dùng các phương tiện khác nhau là để dẫn dắt người ta đi đến một chỗ, một mục đích.
Bởi vậy thời đó tôi đã học cách trực tiếp với nhiều người, trực tiếp xử lý với mọi loại tình huống. Để giao tiếp được với tất cả mọi người và mọi cảnh như vậy, tôi phải làm cho tâm mình được vững chắc. Nhờ vào trí tuệ hiểu biết, tôi có khả năng an trú và nhìn thấy rõ ràng mà không bị tác động bởi mọi người hay mọi cảnh tôi gặp phải. Dù ai có nói sao tôi cũng không thấy phiền lòng, bởi tôi đã có sự cam kết vững chắc. Những ai làm phận sư thầy cần phải có sự cam kết vững chắc trong mọi việc mình đang làm, phải kiên tâm không bị tác động bởi những gì người khác nói. Điều này đòi hỏi ít nhiều trí tuệ hiểu biết, và trí tuệ đã có thì dù nhiều hay ít đều có khả năng gia tăng. Chúng ta nhận lãnh một đống những thói quen và cách thức cũ kỹ trước giờ của chúng ta mỗi khi chúng lộ ra, và chúng ta liên tục làm trong sạch chúng.
Các bạn phải làm cho tâm mình vững chắc. Rất nhiều lúc ta đâu có được sự thư thái về thân và tâm. Đó là chuyện thường tình tự nhiên; nhất khi chúng ta sống tu với nhau trong số đông. Ví dụ nhiều lúc chúng ta bị bệnh đau. Tôi thì bị nhiều lắm rồi. Lúc đó quý vị xử lý ra sao? Ừ, thì mọi người ai cũng muốn sống khỏe mạnh thư thái, có thức ăn ngon và được yên nghỉ nhiều. Nhưng đâu phải lúc nào chúng ta cũng được như vậy. Chúng ta đâu được sung sướng như mình muốn. Nhưng chúng ta tạo ra ít nhiều lợi ích cho thế gian này bằng những nỗ lực đạo đức mà chúng ta đang cố làm. Chúng ta tạo ra những lợi lạc cho mình và cho người, cho kiếp này và kiếp sau. Đó là kết quả của việc làm cho tâm được bình an. (Tâm được bình an trong hiện tại thì dễ được bình an trong tương lai, bình an trong kiếp này thì bình an trong kiếp sau, lý nhân quả là vậy).
Chuyến đi lần này của tôi đến Anh và Mỹ cũng vì lý do như vậy. Chỉ là một chuyến đi ngắn, nhưng tôi cố gắng hết lòng để giúp đỡ quý vị về giáo lý và hướng dẫn tu tập. Đang ngồi ở đây có nhiều sư thầy và Phật tử, tôi cố gắng chỉ dẫn nhiều thứ cho quý vị. Mặc dù các tăng ni vẫn chưa đến tu ở đây tu, nhưng điều này cũng tốt. Tôi đến trước và quý vị biết chuẩn bị tinh thần của mình khi có các tăng ni đến sống và tu ở đây. Nếu các tăng ni đến đây sớm quá thì hơi khó khăn. Từ từ mọi người dân ở đây sẽ quen biết dần với lối sống và sự tu tập của tăng đoàn Tỳ kheo (bhikkhu-sangha). Rồi giáo pháp (sāsana) của Đức Phật có thể đơm hoa kết quả ở xứ này. Còn bây giờ thì quý vị hãy lo chăm sóc cái tâm của mình và tu sửa cho nó được làm sao cho cho nó chánh thiện tốt lành.
* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah