94
Kiêng Cữ Đúng Đắn
Kiêng cữ và cẩn trọng về sáu giác quan [sáu căn], đó là: mắt nhìn những hình sắc, tai nghe những âm thanh… Chúng ta đã dạy mọi người như vậy, chúng ta học và dạy nhiều cách khác nhau về sự kiêng cữ. Tu gì thì vẫn quay về cái gốc này. Nhưng phải trung thực với chính mình, chúng ta có thực sự ý thức biết rõ điều gì đang diễn ra trong tâm ta hay không? Khi mắt nhìn thấy gì, có khoái cảm xảy ra không? Ta có thực sự điều tra về điều đó không? Nếu ta điều tra ta sẽ biết sự khoái cảm đó chính là nguyên nhân tạo ra khổ. Ác cảm cũng là nguyên nhân tạo ra khổ. Thích là nhân tạo ra khổ; ghét là nguyên nhân tạo ra khổ. Hai phản ứng này thực ra là như nhau. Khi chúng xảy ra, chúng ta nhìn thấy tính sai lầm trong đó. Nếu có khoái cảm, đó đơn thuần chỉ là sự khoải cảm. Nếu có ác cảm, đó chỉ đơn thuần là sự ác cảm. Đó chỉ là sự thích và không thích của cái tâm chúng ta khi tiếp xúc với đối tượng. Ta tỉnh giác biết rõ chúng chỉ là vậy: đây là cách chúng ta dập tắt chúng.
Lấy ví dụ, chúng ta đặc biệt chấp cái đầu. Từ lúc được sinh ra đến khi đi học và lớn lên, chúng ta được dạy rằng cái đầu là phần quan trọng nhất của thân thể. Do vậy nếu có ai sờ hay gõ lên đầu ta, ta tức điên như sắp bị giết vậy. Còn nếu họ đụng vào những phần khác như tay chân thì không phải là chuyện lớn. Ta chỉ quan trọng cái đầu, ai đụng tới đầu thì ta giận dữ, làm lớn chuyện ngay.
Điều này tương tự với các giác quan. Sự đụng chạm khác phái gây kích thích mạnh mẽ cho hai phái, nhưng đích thực đó chỉ là sự đụng chạm mà thôi. Nhưng mọi người đều coi trong sự chạm xúc nam nữ đó phải không? Con người cũng dính vào cái ngõ này y hệt như súc vật, con người và súc vật đều coi trọng phần tính dục. Khi có chạm xúc khác phái là có sự trở thành (nghiệp hữu). Chúng ta không coi đó chỉ là sự đụng chạm, đúng như nó thực là. Chúng ta nhận thức sự chạm xúc đó là khoái cảm, là hạnh phúc, là thứ quan trọng trong đời sống.
Nhưng các thầy có nhìn xa hơn cách nhận thức đó không? Chúng ta nên ghi nhớ cái lý tự nhiên bình thường như vầy: khi nhìn thấy thứ gì, khi nghe thấy thứ gì… nếu chúng ta không tạo ra sự trở thành (nghiệp hữu) thì sẽ không có sự sinh thành (tái sinh). Làm được vậy thì sẽ không còn sướng hay khổ vì nó, không còn khoái cảm hay ác cảm vì nó. Sẽ không còn sự dính chấp ràng buộc nếu ta nhận biết rõ chỗ này, đúng như nó thực là. Nhưng, người đời vẫn luôn muốn cảm giác đủ kiểu, như vầy, như vậy. Họ thêm bớt vào nó. Đó là điều họ muốn. Họ muốn làm những việc dơ bẩn, không ai trả tiền họ cũng thích làm. Làm những việc thanh cao họ không muốn làm!
Các thầy hãy nhìn ngay vào chỗ này. Đó là chỗ thực tại do quy ước mà người thế gian đang dính kẹt trong đó. Nhưng đây chính là chỗ quan trọng để chúng ta quán xét và tu tập. Nếu chúng ta biết suy xét những cái lỗ tai, lỗ mũi… của thân này toàn chứa những thứ dơ bẩn. Có cái nào sạch sẽ không? Chúng ta nên quán xét điều này theo cách nhìn của Giáo Pháp. Cái đáng sợ nằm ngay đó chứ không ở đâu khác. Con người thường đánh mất tâm trí của mình vào những chỗ ô uế trong thân này.
Ngay chỗ này là một nhân, là một điểm căn bản để tu tập. Nhưng chúng ta không điều tra điểm căn bản này một cách kỹ càng. Tôi không thấy cần thiết phải hỏi ai nhiều câu hỏi hay điều tra nhiều về họ (thì ta mới hiểu biết tất cả). Đôi lúc tôi thấy các nhà sư lên đường, che dù đi bộ hết chỗ này đến chỗ nọ dưới nắng nóng, họ đi lan man qua nhiều tỉnh thành. Khi tôi nhìn họ tôi nghĩ chắc họ đuối sức lắm.
”Các thầy đi đâu vậy?”. Họ nói: ”Chúng tôi đi tìm sự bình an”.
Tôi không có lời giải đáp cho điều đó. Tôi không biết họ có thể tìm thấy sự bình an ở đâu. Tôi không muốn làm họ mất mặt; tôi cũng đã từng như vậy mà. Tôi đã từng đi tìm sự bình an, luôn nghĩ rằng chắc phải có sự bình an nằm ở nơi nào đó. Ừ đúng, sự bình an ở nơi nào đó- đó cũng là một cách nói. Rồi khi ta đến những nơi đó, ta cảm thấy ít nhiều dễ chịu. Dường như ai cũng nghĩ như vậy và cảm giác như vậy. Mọi người đều nghĩ rằng có những nơi nào đó dễ chịu hơn, thoải mái hơn, và bình an. (Ai cũng cố đi tìm nơi đó. Ví dụ, người tu ở vùng đồng bằng nóng nực thì nghĩ lên núi rừng thông reo sẽ dễ chịu và bình an hơn. Người ở miền núi cao quanh năm lạnh lẽo thì nghĩ xuống đồng bằng hay ra biển ấm áp sẽ dễ chịu và bình an hơn).
Trong một lần đi giảng đạo ở nước ngoài, tôi thấy con chó ở nhà chú Phật tử tên Pabhakaro. Họ có con chó to, họ thực sự yêu quý nó. Hầu như họ chỉ cho nó ở ngoài, cho nó ăn ở ngoài, cho nó ngủ ở ngoài sân như hầu hết những con chó ở các xứ Đông Á. Nhưng đôi lúc nó muốn vô nhà cho sướng nên nó cứ đến lấy chân cào cào cái cửa. Chủ nhà nghe cũng khó chịu nên mở cửa cho nó vô nhà. Vô nhà được mấy chốc nó muốn ra ngoài cho thoải mái nên lại lấy chân cào cào cái cửa. Chủ nhà lại bực mình nên thức dậy và mở cửa cho nó ra. Ra ngoài được mấy chốc nó lại cào cào cửa và sủa sủa đòi vô nhà.
Khi nó ở ngoài nó nghĩ trong nhà tốt hơn nên nó đòi vô nhà. Khi nó ở trong nhà nó nghĩ bên ngoài thoải mái hơn nên nó đòi ra. Ở trong nhà vui chơi một chốc nó thấy chán nên đòi ra ngoài chạy nhảy. Ở bên ngoài chạy nhảy một chút thấy chán nên muốn vô nhà nằm cho sướng. Cái tâm của con người cũng giống như vậy- giống con chó. Nó cứ liên tục chạy ra, chạy vô, chạy đây, chạy đó, chẳng bao giờ biết nơi nào là hạnh phúc, chẳng bao giờ thấy hạnh phúc ở nơi nào.
Nếu chúng ta có ý thức tỉnh giác và hiểu rõ về thực trạng này của chúng ta- tâm chúng ta có thể được ví dụ như con chó đó- thì chúng ta sống thực tế hơn và đúng đắn hơn. Như vầy: khi những ý nghĩ và cảm giác khởi sinh trong tâm, ta sẽ nỗ lực kiềm chế chúng, nhận biết rõ chúng chỉ là những ý nghĩ và cảm giác mà thôi. Nếu dính theo các cảm giác hoặc nắm giữ các ý nghĩ đó thì sẽ bị nguy hại và dính khổ.
Vậy đó, dù đang sống tu trong chùa chiềng tu viện, chúng ta vẫn ở xa sự tu tập đúng đắn—còn rất xa. Ở trong chùa mà tu cũng tu sai đường sai cách. Khi đi ra nước ngoài tôi nhìn thấy nhiều điều. Lần đầu đi, tôi có thêm ít nhiều trí tuệ hiểu biết. Lần thứ hai hiểu biết thêm ít nhiều nữa. Lần đi đầu tôi ghi chú lại những điều tôi trải nghiệm trong chuyến đi. Nhưng lần này tôi bỏ không viết nữa. Tôi nghĩ nếu tôi tiếp tục ghi lại những hoàn cảnh sống ở nước ngoài, liệu những người ở nhà có chịu nỗi không?
Giống như những người Thái đang sống ở quê nhà và hiện không mấy sung sướng cho lắm. Khi người Thái được ra nước ngoài, họ nghĩ chắc họ có phúc lắm, chắc đã có rất nhiều nghiệp tốt trước kia nên giờ mới được ra nước ngoài. Nhưng các thầy thử nghĩ lại, đến những xứ xa lạ liệu dân ta có thể cạnh tranh được với những người bản xứ đã sống bao đời ở đó? Chắc sẽ không ít khó khăn. Tuy vậy, họ vẫn muốn đi, họ vẫn cảm thấy ra nước ngoài là điều tuyệt vời; và họ cảm thấy chỉ có những người đã tạo nhiều thiện nghiệp thì mới có thể làm được điều đó. Những sư thầy người Âu Mỹ cũng được sinh ra ở các xứ Âu Mỹ đó, vậy có phải họ đã có nhiều thiện nghiệp hơn chúng ta? (Những tu sĩ Âu Mỹ lại đến tu học ở Thái Lan và họ tìm thấy sự bình an ở đây). Đó chỉ là loại ý nghĩ của những người còn chấp còn tham, họ dính vào ý nghĩ ‘ở đâu đó sẽ bình an hơn nơi này’. Đây này là do cái tâm, khi người ta tiếp xúc với trần cảnh bên ngoài tâm họ bị kích thích. Họ muốn bị kích thích, họ muốn cảm khoái. Nhưng khi tâm bị kích thích tâm có cảm khoái, thì nó không bình thường. Do họ nhìn thấy những thứ chưa từng biết trước đó, nên tâm họ dính theo, tâm không còn trong trạng thái bình thường của nó.
Nếu họ nói về những thứ tiện nghi vật chất và kiến thức hiện đại thì tôi chịu thua. Nếu họ còn nói về sự hiểu biết của Phật giáo thì tôi còn có điều để nói với họ. Còn nói về tiện nghi và kiến thức hiện đại, tôi không thể đấu lại họ, họ nói đời sống và văn minh ở các nước Âu Mỹ là tốt hơn ở Thái, điều đó cũng không sai, tôi không đấu lại họ; họ đã dính theo thực trạng đó….
Trong thực tế, nhiều người luôn nhiều sự khổ và sự khó, nhưng họ cứ dửng dưng đi theo vết xe đổ hàng ngày nên càng ngày càng khổ hơn. Đó là những người không chịu quyết tâm tu tập để đi đến mục tiêu; đó là những người không nhìn thấy rõ ràng. Sự tu tập không được đều đặn, không ổn định, không được liên tục. Mỗi ngày có những cảm giác tốt và cảm giác xấu khởi sinh, họ không tỉnh giác để biết rõ chúng khi chúng đang xảy ra. ”Điều gì tôi khó chịu, tôi dẹp bỏ ngay. Điều gì dễ chịu, tôi chấp nhận”– đây là cách nhìn tự đại của các Bà-la-môn thời Đức Phật. Ví dụ, có người rất dễ hòa đồng nếu bạn nói với họ một cách dễ nghe. Nhưng nếu bạn nói với họ những điều khó nghe thì làm sao họ hòa hợp dễ chịu với bạn. Đó là quan điểm (ditthi) tự ta tự đại, đó là kiến chấp sai trái, bạn chỉ làm theo ý riêng của mình. Mấy người Bà-la-môn dính nặng với chủ quan của mình, họ nghĩ ý kiến của giai cấp họ mới đúng, họ cảm thấy đó mới là chuẩn mực của đời sống.
Do kiến chấp chủ quan như vậy nên ở đời rất hiếm người chịu đi theo con đường chánh đạo. Không nói riêng gì chúng ta đang ở trong chùa này, số người có được chánh kiến (samma-ditthi) là rất hiếm. Chánh kiến là nhìn mọi thứ một cách đúng đắn theo lẽ thật khác quan, theo đúng Giáo Pháp. Mọi người chỉ đồng ý nếu ‘mình’ cảm thấy điều đó đúng. Nếu ‘mình’ cảm thấy điều gì là sai thì không đồng ý. Tất cả đều dựa trên cảm giác của cái ‘mình’, không dựa vào ý kiến khách quan hay sự hiểu biết theo elx thật. Nhiều lúc chúng ta nhìn thấy mọi thứ một cách khác biệt, do vậy chúng ta cứ muốn thay đổi Giáo Pháp khác đi cho đúng theo cách ta nhìn thấy, nhưng làm vậy là làm sai lêch Giáo Pháp so với nó thực là. Chúng ta có tật muốn sửa đổi sự thật, muốn bẻ cong sự thật, và chúng ta vẫn hay làm vậy.
Chuyến đi này khiến tôi nghĩ về nhiều điều… Tôi đã gặp nhiều người tập yoga. Thật lý thú khi nhìn thấy những tư thế động tác họ đang tập—nếu tôi cố tập như vậy chắc sẽ bị gảy tay gảy chân. Nói chung, họ cảm thấy cơ khớp của họ ‘không đúng’ nên họ cố kéo duỗi chúng ra, kéo duỗi nó ra họ cảm thấy đúng và thấy khỏe. Họ phải tập hàng ngày như vậy và họ thấy khỏe khoắn. Tôi nghĩ thực ra họ chỉ đang làm cho họ ‘ghiền’ với cảm giác đó, ‘ghiền’ với sự kéo duỗi đó. Nếu họ không tập họ thấy không khỏe khoắn, do vậy họ phải tập đều đặn mỗi ngày. Đối với tôi, dường như họ đang tích tạo thêm gánh nặng cho họ theo cách đó, họ phụ thuộc vào việc tập luyện đó, và họ không ý thức nhận ra điều đó.
Đó là cách của người đời- họ dính vào thói quen làm những việc nào đó. Tôi có gặp một ông người Hoa. Ổng không nằm để ngủ suốt năm năm trời. Ổng ngủ ngồi và ổng thấy như vậy mới thoải mái. Ổng chỉ tắm một năm một lần. Nhưng cơ thể ông ấy rất mạnh và khỏe. Ổng không cần chạy hay tập môn thể dục nào khác; nếu tập thì chắc ổng thấy không khỏe. Bởi ông ấy đã huấn luyện thân thể theo cách phù hợp với ổng rồi, ổng quen với kiểu kia rồi.
Như vậy, tất cả chỉ là do cách luyện tập của ta làm cho ta thấy dễ chịu với những động tác nào đó. Tập luyện có thể làm chúng ta bớt bệnh hoặc bệnh nhiều hơn. Đây là thực trạng của mọi người. (Ví dụ có người thấy khỏe khi chơi đá banh hàng ngày, nhưng họ cũng có thể bị đau xương gãy chân sau đó. Có người thấy khỏe khi đạp xe mỗi ngày, nhưng họ cũng dễ bị đau cột sống. Nhiều lúc được này mất kia. Không có một chiều hoàn hảo). Do vậy Đức Phật đã dạy chúng ta phải hoàn toàn ý thức biết rõ về chính mình—đừng lơ tâm về việc này. Phải luôn tỉnh giác chánh niệm về chính mình. Tất cả các thầy ở đây, đừng dính chấp điều gì. Đừng để mình bị kích thích bởi những thứ bên ngoài.
Ví dụ, sống tu ở đây ở đất nước của mình, mình có bạn tu và có các sư thầy, chúng ta thấy dễ chịu. Thực đúng mà nói, đâu có gì thực sự thuận tiện và dễ chịu như vậy. Sống ở xứ mình giống như con cá nhỏ bơi trong hồ lớn, bơi lội thoải mái. Còn nếu cá lớn ở trong hồ nhỏ nó sẽ thấy chật chội, bó buộc. Khi ở trong xứ mình chúng ta thấy dễ dàng với mọi thứ thức ăn, chỗ ở và nhiều thứ khác. Nếu chúng ta ra xứ người mọi thứ khác đi, lúc đó thấy bị bó buộc, giống như cá lớn bị bó chật trong ao nhỏ, sống không thuận tiện, ăn uống đi lại đều khó.
Ở Thái Lan có nền văn hóa riêng, và chúng ta thấy hợp với mọi người, ta sống và sinh hoạt theo các phong tục của chúng ta. Nếu ở đây có ai làm gì trái với phong tục của chúng ta, ta sẽ thấy không vui lòng về điều đó. Giờ chúng ta như con cá nhỏ ở trong hồ nước lớn với nhiều điều kiện sống phù hợp nhất. Ngược lại nếu ta ra ở xứ người chúng ta giống như con cá lớn sống bó chật trong ao nhỏ, vậy ta sẽ sống ra sao?
Những người bản xứ ở nước khác cũng vậy. Khi họ ở nước họ, mọi thứ đều quen thuộc và thuận tiện cho họ, họ thấy thoải mái với điều kiện ở đó– giống như con cá nhỏ ở trong hồ nước lớn. Nếu họ đến sống ở đây, họ phải tập cách thích ứng với những điều kiện và phong tục của Thái Lan, điều đó có thể rất trở ngại cho họ– giống con cá lớn ở trong ao nhỏ bất tiện. Ăn uống, đi lại, mọi thứ đều khác. Con cá lớn ở trong ao nhỏ thấy gò bó, không thể thuận tiện bơi lội với những điều kiện trước kia ở xứ mình.
Lề lối, thói quen và những ràng buộc con người ở đó cũng khác. Họ dính theo bên này, ta dính theo bên kia. Cho nên cách tốt nhất là ta nên ý thức để biết. Ý thức để biết những lề lối phong tục ở những nơi chúng ta đến. Có những phong tục tôn trọng lẽ thực và lẽ phải; đó là phong tục hợp với Giáo Pháp. Ở đâu có những phong tục đó thì ta dễ dàng phù hợp, dù đó phong tục ở trong nước hay nước ngoài. Nếu chúng ta không hiểu những phong tục theo đúng Giáo Pháp thì ta khó phù hợp ở đó. Phong tục hợp lẽ Giáo Pháp là điểm gặp gỡ của các truyền thống và các nền văn hóa.
Tôi từng nghe lời dạy của Đức Phật đại ý là: ”Khi ta không hiểu ngôn ngữ của người khác, khi ta không hiểu cách họ nói, khi ta không hiểu cách họ làm ở xứ của họ, thì ta không nên tự đắc hay làm ra vẻ ta biết”. Tôi đã kiểm nghiệm những lời đó- đó là một chuẩn mực thực sự ở mọi mọi nơi và trong mọi thời đại. Những lời đó vang vọng lại trong tôi khi tôi đi ra nước ngoài và tôi đã đưa nó vào thực hành suốt hai năm rồi khi tôi ở nước ngoài. Những lời đó rất hiệu dụng.
Trước kia tôi hay nắm chặt; giờ tôi cũng nắm nhưng không chặt. Tôi nắm lên nhìn xem và buông bỏ nó. Vậy nên các thầy hãy để tôi được nói thỏa mái, nói mạnh, nói trách, hoặc thậm chí nói trách, nói quở với các thầy, nhưng đó chỉ là cách ”nắm chứ không nắm chặt”, chỉ đặt ra vấn đề cho các thầy hiểu và tôi buông bỏ nó ngay. Các thầy chắc hiểu rõ chỗ này.
Chúng ta có thể sống thực sự thoải mái và hạnh phúc nếu chúng ta hiểu được Giáo Pháp của Phật. Bởi vậy tôi luôn đề cao những giáo lý của Phật và tu tập để kết hợp hai loại phong tục- đó là phong tục của thế gian và phong tục hợp lẽ với Giáo Pháp.
Tôi có được ít nhiều sự hiểu biết trong chuyến đi này và tôi muốn chia sẻ với quý vị. Tôi thấy mình đang tạo ra ích lợi, ích lợi cho mình, ích lợi cho người, và ích lợi cho đạo Phật; ích lợi cho quần chúng và ích lợi cho Tăng đoàn, cho mỗi người ở đây. Tôi không đi để du ngoạn ngắm cảnh, không phải đi thăm cho biết xứ này xứ nọ. Tôi đi vì mục đích tốt lành, cho mình và cho mọi người, cho kiếp này và kiếp sau– cho mục đích tột cùng. Khi làm vì mục đích đó, mọi người đều giống nhau. Người có trí tuệ thì nhìn việc mình làm theo cách như vậy.
Người có trí tuệ thì luôn đi con đường tốt lành, luôn tìm tòi ý nghĩa trong mọi sự đến và đi của mình. Tôi lấy một ví dụ. Ta đến nơi nào đó và gặp phải những người xấu. Ở đó nhiều người ác cảm, thù ghét họ. Nhưng một người có Giáo Pháp sẽ đến gặp những người xấu thì nghĩ rằng: ”Ta đã tìm thấy thầy của ta”. Khi gặp phải người xấu ta gặp được người thầy của mình, bởi nhờ đó ta biết được người tốt là gì. Khi gặp phải người tốt ta cũng gặp được người thầy, bởi nhờ đó ta biết được người xấu là gì.
Nhìn một ngôi nhà đẹp là điều tốt, nhờ đó ta đi hiểu ra nhà xấu nghĩa là gì. Nhìn một ngôi nhà xấu cũng là điều tốt, bởi nhờ đó ta hiểu được nhà đẹp là gì. Khi có được Giáo Pháp với mình, chúng ta không bỏ qua bất cứ trải nghiệm nào, ngay cả một trải nghiệm nhỏ nhất. Bởi vậy Đức Phật đã nói đại ý: ”Này các Tỳ kheo, hãy nhìn thế gian như xe ngựa hoàng gia trang hoàng lộng lẫy; kẻ ngu thích bước vào trong đó, nhưng chỗ đó chỉ là vô nghĩa đối với bậc hiền trí”.
Thời tôi đang học giáo lý để thi bậc Nak Tham Ehk tôi thường quán xét về lời kinh trên của Phật. Lúc vừa đọc nó đã rất có ý nghĩa. Nhưng khi tôi bước vào thực hành thì ý nghĩa đó mới trở nên thực rõ ràng. Các chữ Phật nói: ”Này các Tỳ kheo”: có nghĩa là tất cả chúng ta, các Tỳ kheo đang ngồi đây. ”Hãy nhìn thế gian”: đó là thế gian của con người, là Akasa- loka, thế giới của chúng sinh hữu tình, là tất cả mọi thế giới đang tồn tại. Nếu ai hiểu được thế giới một cách rõ ràng thì người đó đâu cần phải thực hiện môn thiền đặc biệt nào nữa. Nếu ai biết rõ ”Thế gian là vậy” đúng như nó thực là, thì người đó đâu còn thiếu gì nữa. Phật đã hiểu biết thế giới một cách rõ ràng. Phật đã biết rõ thế giới đúng như nó thực là. Hiểu biết rõ ràng về thế giới là hiểu biết về Giáo Pháp vi diệu. Người đó đâu còn quan tâm hay lo lắng đến thế giới nữa. Nếu ai hiểu biết thế giới một cách rõ ràng thì đâu còn các pháp (dhamma) thế tục nữa. Lúc đó chúng ta đâu còn bị tác động bới các pháp thế gian nữa.
Những chúng sinh trong thế gian bị chi phối bởi các pháp thế gian, và do đó họ luôn luôn ở trong một trạng thái có xung đột.
Do vậy bất cứ thứ gì chúng ta nhìn thấy và gặp phải, chúng ta phải quán xét nó kỹ càng. Chúng ta khoái thích những âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc, và những ý tưởng. Vậy phải quán xét kỹ về chúng. Tất cả các thầy đều biết những thứ đó là gì; ví dụ: những hình sắc mắt nhìn thấy, như hình sắc đàn ông và hình sắc phụ nữ. Các thầy cũng biết rõ những âm thanh là gì, những mùi hương, mùi vị, những chạm xúc thân xác là gì. Rồi những cảm nhận của tâm (tưởng) là gì và những ý nghĩ là gì. Khi chúng ta có những tiếp xúc thông qua giác quan của thân, thì các hoạt động tạo tác của tâm sẽ khởi sinh. Tất cả mọi sự xảy ra ngày chỗ đó: sự tiếp xúc và phản ứng tạo tác của tâm.
Chúng ta đang cùng tu chung cả năm hay cả đời nhưng không nhận biết chỗ này; chúng ta sống cả đời với chỗ này nhưng không biết nó. Sự suy nghĩ của chúng ta quá xa xôi. Mục tiêu của chúng ta quá cao xa; chúng ta mong cầu quá lớn lao. Lấy ví dụ, một người nam nhìn một phụ nữ, hoặc một phụ nữ nhìn một người nam. Ai cũng thích thú chỗ này. Bởi chúng ta rất coi trọng sự chạm xúc nam nữ. Khi ta thấy một người khác giới hấp dẫn, tất cả các giác quan đều dồn ngay về đó. Ta muốn nhìn, muốn nghe, muốn chạm, muốn ngắm những dáng bộ đi đứng của người đó, tất cả mọi sự muốn và chú tâm dồn về đó. Nhưng sau khi đã cưới nhau, việc đó không còn là chuyện lớn lao nữa, các giác quan và sự quan tâm không còn dồn hết về đối tượng như hồi mới gặp. Dần dần qua ngày tháng, khoảng cách giữa hai người vợ chồng càng xa hơn- thậm chí có người muốn bỏ đi tu luôn!— vậy chứ sau đó đâu ai chịu đi tu đâu.
Chuyện luyến ái của người đời giống như một thợ săn nai vậy. Khi mới gặp con nai, thợ săn rất phấn khích. Mọi thân hình, tai, mắt, đuôi, chuyển động của nó đều cuốn hút người săn. Kẻ săn mồi thấy rất thích thú. Toàn thân tâm người thợ săn thấy khoái chí và tỉnh giác trọn vẹn vào con nai. Người săn chỉ sợ con nai chạy mất.
Tương tự vậy. Khi đàn ông nhìn thấy phụ nữ, hoặc phụ nữ nhìn thấy đàn ông mình thích, mọi thứ đều cuốn hút, thân hình, giọng nói, điệu bộ– họ chú mục chú tâm trọn vẹn vào đối tượng; lúc đó có trời kéo ra cũng không được, đối tượng đã thu hút hết trái tim của họ. Giống như người săn nai. Khi nhìn thấy con nai ông thợ săn vô cùng phấn khích. Ông chú tâm trọn vẹn và chỉ sợ con nai chạy mất. Mọi giác quan đều tập trung và người đi săn rất khoái chí với cảm giác đó. Sự thực, kẻ đi săn không hiểu biết một con nai đích thực là cái gì. Kẻ săn săn đuổi và bắn con nai, vậy là xong việc. Chạy đến nơi con nai nằm, ổng nhìn nó: ”Ồ, nó chết rồi”. Vậy là xong, ổng đâu còn phấn khích nữa- giờ chỉ là một đóng thịt chết. Ổng mang nai về xẻ thịt và nấu vài món ăn, ăn đã rồi no, và vậy là xong. Chẳng có gì hay hơn nữa. Giờ thì tai chỉ là tai, đuôi chỉ là đuôi. Nhưng lúc nó còn sống trong rừng, ôi chu cha nhìn quá đã! Lúc đó ông khoái chí chú tâm cao độ vào từng chuyển động của con nai, con nai mà chạy mất thì chắc ông điên tiếc chết luôn; không thể nào để con nai chạy khỏi.
Mọi người chúng ta đều giống vậy, đúng không? Đối với người phàm, một nam tú hay nữ đẹp cũng giống như vậy- lúc đầu cũng hấp dẫn như con nai kia. Khi chưa được, khi chưa lấy được, ta thấy đối tượng đẹp quá, hấp dẫn quá. Nhưng nếu cuối cùng hai người lấy nhau và sống với nhau, dần dần rồi họ cũng chán bớt, rồi thấy thường, rồi cũng chán nhau, thậm chí ghét nhau. Giống như kẻ săn sau khi đã bắn được con nai, giờ ông ta có thể sờ tai, sờ đuôi con nai, và cảm giác bây giờ chỉ thường vậy thôi, nó chết rồi, giờ nó chỉ là một đống thịt chết; không còn hứng thú gì nữa ngoài việc nấu mấy món ăn rồi no chán. Khi người ta cưới nhau họ hoàn thành những mong muốn dục vọng, nhưng qua thời gian điều đó không còn tuyệt vời nữa, họ dần dần biết rõ nhau và thấy chán nhau hơn trước, thậm chí có quá nhiều người đã ly dị nhau.
Vậy đó, mọi người thường không biết quán xét suy xét thấu suốt. Tôi nghĩ nếu biết suy xét thấu đáo, người ta sẽ nhìn ra mọi sự phấn khích và khoái lạc chỉ là tạm thời, rốt cuộc chỉ là như vậy, kết cục cũng chẳng có gì thực sự hay ho hay tuyệt vời như họ nghĩ. Thực ra, chính chúng ta phóng tưởng mọi thứ mọi sự là tuyệt vời hơn chúng thực là. Điều gì quá hạnh phúc cũng do ta tưởng ra. Điều gì quá khổ đau cũng do ta phóng lên. Thực ra mọi sự thỏa mãn và khổ đau vốn chỉ là như vậy. Nếu biết quán xét chúng ta sẽ nhìn thấy mọi thứ chỉ là vậy, chúng đâu phải hay ho hay tuyệt vời như chúng ta tưởng. Khi nhìn thấy ai khác phái hấp dẫn, người ta nghĩ có thể thụ hưởng hết mấy cái tai, con mắt, cái mũi… Họ thậm chí tưởng tượng đối tượng của mình là thơm tho, là không có gì dơ bẩn trong ruột vậy. Họ nghĩ đó là người hoàn toàn thơm tho, tinh khôi, hoặc có ít chất dơ bẩn trong ruột hơn người khác… Họ muốn ăn tươi nuốt sống cả bên ngoài lẫn bụng ruột… Họ cứ đề cao đối tượng săn đuổi của mình. Hãy tưởng tượng khi con mèo săn bắt được con chuột. Nó thấy con chuột ngon quá, đó là đối tượng thèm khát của nó. Mọi giác quan và tâm trí nó đều tập trung vào con chuột với một sự khoái chí săn đuổi. Khi con chuột bị cắn chết nằm đó, con mèo lập tức hết khoái chí săn bắt; nó đứng nhìn con chuột trơ trơ hoặc chẳng muốn nhìn. Vậy là xong. Nhưng nếu đói nó sẽ cắn ăn con chuột. Nó cắn xé con chuột, mà ôi ôi cái mùi mà con mèo thích và những thứ trong lòng ruột đổ ra…, sự thật thì những thứ đó là gì?, đó toàn những thứ ô uế nhất nhì trên đời. Nó chỉ là vậy thôi. Đối tượng con chuột chỉ là vậy thôi, chỉ là cái xác ô uế hôi hám.
Ví dụ vậy để thấy sự thật của mọi đối tượng chỉ là vậy. Chẳng là gì hơn. Chỉ do tâm người đề cao phóng dật lên thôi. Đây chính là chỗ chúng ta ‘chết’, đây là chỗ chúng ta bị dính chìm trong từng phút giây của cuộc đời. Người xuất gia phải biết kiềm chế tốt hơn người phàm ở cõi này, cõi dục giới. Kama có nghĩa là thèm muốn, là dục tính. Thèm muốn những điều xấu và điều tốt đều là dạng thèm muốn, đều là dục vọng. Ở đây tôi đang nói về một loại thèm muốn, đó là thèm muốn những thứ hấp dẫn chúng ta—đó là dạng nhục dục, tức dục vọng muốn thỏa mãn các khoái lạc giác quan. Ít ai thoát khỏi những nhục dục.
Ngài Ananda đã từng hỏi Phật đại ý như vầy: ”Sau khi Như Lai niết-bàn, chúng con phải tu tập chánh niệm cách nào? Làm sao chúng con có thể đối xử khi gặp phụ nữ? Điều này cực kỳ khó; mong Đức Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con cách chánh niệm chỗ vấn đề này?”.
Phật trả lời: ”Này Ananda! Tốt nhất các thầy đừng gặp phụ nữ nào hết”.
Ngài Ananda hơi khó hiểu chỗ này; làm sao không gặp người này người nọ được (chỉ cần đi khất thực là đã gặp đủ thứ người)? Ngài nghĩ suy, sau đó hỏi Phật thêm: ”Nếu trường hợp chúng con không thể tránh gặp được thì Thế Tôn chỉ dạy chúng con phải làm cách nào?”.
”Nếu không tránh được, nếu phải gặp thì không nói. Đừng nói gì hết!”.
Ngài Ananda tiếp tục hỏi, giả như đang đi lạc đường trong rừng cần phải hỏi đường thì phải nói với người mình gặp chứ. Phật trả lời: nếu cần phải nói thì nói với sự chánh niệm.
”Này Ananda! Nói với sự chánh niệm!”
Trong mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống, sự chú tâm chánh niệm là phẩm hạnh quan trọng bậc nhất. Phật đã hướng dẫn ngài Ananda phải dùng sự chánh niệm bất cứ khi nào cần thiết. Chúng ta phải biết chánh niệm quán xét coi điều gì chúng ta thực sự cần, ví dụ như hỏi đường. Và chúng ta chỉ nói khi thực sự cần. Khi tâm còn trong trạng thái ô nhiễm bất tịnh, còn đang nghĩ những ý nhục dục thì đừng để mình nói gì hết. Đừng nói, đó là cách chúng ta tu. Nhưng bản chất của cái tâm ô nhiễm thì không phải như vậy. Khi tâm càng ô nhiễm thì ta càng muốn nói. Khi dục tính có nhiều trong tâm, ta càng muốn hỏi, muốn nói, muốn nhìn. Đó là hai đường lối khác nhau. Đường lối tu tập và đường lối của cái tâm ô nhiễm nhục dục là hoàn khác nhau.
Do vậy tôi sợ. Tôi rất sợ chỗ này. Các thầy không sợ, nhưng điều đó chỉ có nghĩa là các thầy còn tệ hơn tôi. ”Tôi không sợ gì về điều đó hết. Không sao hết!”. Nói vậy nhưng tôi vẫn luôn luôn sợ nó. Bộ người già lão như tôi không còn nhục dục hay sao?- Còn chứ sao không, không nhiều cũng ít. Bởi vậy ở trong chùa tôi giữ mình cách xa, không gặp gỡ những gặp gỡ người khác phái. Nếu không có gì cần thiết, tôi chẳng bao giờ gặp hay tiếp xúc gì với họ hết.
Khi tôi tu một mình trong rừng, nhiều lúc tôi thấy bầy khỉ trên cây và cảm thấy tính dục khởi sinh. (Nó nằm rất sâu trong tàng thức lâu đời, giờ lâu lâu nổi lên hay sao đó). Ý nghĩ lạ khởi lên: hay ta sẽ biến thành khỉ để trèo lên đó với chúng. Đó là tính dục- ác thay khỉ cũng có thể kích thích tính dục trong tâm trí của tôi. Thực đáng sợ.
Hồi đó những Phật tử nữ không thể đến gặp tôi để nghe giảng đạo. Hồi đó tôi rất sợ chuyện đó xảy ra. Không phải tôi có ác cảm hay khinh ghét gì họ; chỉ là lúc đó tôi còn quá ngu si ngu dốt, chưa có đủ năng lực phòng hộ các giác quan của mình. Giờ nếu phải nói chuyện với Phật tử nữ tôi chọn nói với mấy người già. Bởi tôi luôn cần phải phòng hộ bản thân mình. Tôi đã từng trải nghiệm mối nguy hại đó. Tôi thậm chí không muốn mở mắt to nhìn họ hoặc nói hay nói vui cho họ thích. Tôi sợ nên chẳng dám làm mấy chuyện đó.
Hãy cẩn trọng! Mọi sa-môn (samana), các Tỳ kheo đều phải gặp phải điều này và phải biết tu tập sự kiềm chế. Đây là vấn đề quan trọng.
* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah