Con đường hòa hợp 

Hôm nay, tôi muốn hỏi tất cả quý vị: ”Quý vị đã chắc chưa, quý vị đã chắc chắn về việc tu thiền chưa?”. Tôi hỏi vậy bởi thời bây giờ có nhiều thầy dạy thiền, có thầy là nhà sư và có thầy người tại gia, và tôi sợ rằng quý vị sẽ luôn lung lạc hoặc hoài nghi. Chúng ta phải hiểu rõ thì mới có thể làm cho tâm bình an và vững mạnh. 

Chúng ta hiểu rõ con đường tám phần (Bát Chánh Đạo) là bao gồm ba mảng: giới, định, tuệ. Tất cả con đường đơn giản là vậy. Việc tu tập của chúng ta là làm sao cho con đường đạo đó khởi sinh bên trong ta. 

Khi ngồi thiền, chúng ta được dạy là nhắm mắt lại, không nhìn ngó thứ gì khác, bởi lúc này chúng ta đang nhìn một cách trực tiếp vào cái tâm. Khi chúng ta  nhắm mắt, sự chú tâm của chúng ta hướng vào trong. Chúng ta thiết lập sự chú tâm vào hơi-thở, tập trung tất cả cảm giác của ta vào đó, hướng sự chánh niệm của ta vào đó. Khi những yếu tố của con đường đạo hòa hợp với nhau thì chúng ta có thể nhìn thấy hơi thở, những cảm giác, tâm và những đối tượng của tâm ‘đúng như chúng là’. Ở đây chúng ta nhìn thấy “điểm tập trung” (tiêu điểm), nơi mà sự định tâm (samādhi) và những yếu tố khác của con đường hội tụ về lại nhau một cách hòa hợp. 

Khi chúng ta ngồi thiền, theo dõi theo hơi thở, hãy tự nghĩ rằng ngay lúc này mình đang ngồi một mình. Không có ai đang ngồi quanh ta, chẳng có gì cả. Phát huy cái cảm giác rằng ta đang ngồi một mình cho đến khi tâm buông bỏ hết mọi thứ bên ngoài, tập trung duy nhất vào hơi thở. Nếu bạn cứ nghĩ: ”Người này đang ngồi đây, người kia đang ngồi kia” thì không có được bình an, tâm không hướng vào trong. Chỉ cần dẹp mọi thứ đó qua một bên cho đến khi bạn cảm thấy không-ai ngồi quanh bạn, cho đến khi không-có-gì xung quanh bạn, cho đến khi bạn không còn lăng xăng hay để ý những thứ xung quanh. 

Cứ để hơi thở tự nhiên, đừng bắt nó thở dài hay ngắn hay gì gì đó, chỉ ngồi và quan sát hơi thở đi vào và đi ra. Khi tâm buông bỏ tất cả mọi nhận thức bên ngoài, thì tiếng xe chạy hay âm thanh khác cũng không còn quấy nhiễu ta. Không còn gì, dù là hình sắc hay âm thanh, còn quấy nhiễu ta nữa, bởi tâm không còn tiếp nhận chúng. Sự chú tâm của ta sẽ hội tụ nơi hơi thở. 

Nếu tâm còn bị rối và không thể tập trung vào hơi thở, hãy hít vào thật sâu, sâu đến mức có thể, rồi thở ra hết cho đến khi không còn gì. Làm như vậy ba lần, rồi thiết lập lại sự chú tâm. Tâm sẽ trở nên yên lặng. 

Tâm được yên lặng trong một chốc lát là chuyện bình thường; nhưng rồi nó lại lăng xăng và rối động trở lại. Lúc này, ta lại tập trung, hít thật sâu lại như trước, rồi thiết lập sự chú tâm vào lại hơi thở. Cứ làm như vậy, cứ luyện tập như vậy. Tập luyện như vậy nhiều lần bạn sẽ trở nên thông thạo với cách đó, tâm sẽ buông bỏ mọi thứ bên ngoài. Những nhận thức bên ngoài không thể chạm đến tâm nữa.  Lúc này sự chánh niệm (sati) đã được thiết lập vững vàng. 

Khi tâm càng được thanh lọc tinh tế hơn, thì hơi thở cũng trở nên tinh tế hơn. Những cảm giác sẽ dần dần trở nên tinh nhẹ hơn, thân và tâm sẽ thấy nhẹ hơn. Sự chú tâm của ta chỉ hướng vào bên trong, ta nhìn thấy hơi thở-vào và hơi thở ra một cách rõ rệt, ta nhìn thấy tất cả mọi nhận thức một cách rõ rệt. Lúc này ta sẽ nhìn thấy sự hòa hợp của giới, định, tuệ. Đây được gọi là con đường hòa hợp. Khi có sự hòa hợp này, tâm của ta sẽ không còn bối rối, nó sẽ hợp nhất thành một. Đây được gọi là sự định-tâm (samādhi). 

Sau khi quan sát hơi thở một lúc lâu, hơi thở sẽ trở nên rất tinh tế; dần dần sẽ không còn sự tỉnh giác vào hơi thở, mà chỉ còn lại đơn thuần một sự tỉnh giác thuần túy. Hơi thở có thể trở nên rất vi tế gần như biến mất! Dường như chúng ta ‘chỉ đang ngồi’ đó chứ không có hơi thở nào hết. Thực là, hơi thở vẫn có đó, nhưng nó quá vi tế, quá nhẹ như thể nó không còn nữa. Điều này là do tâm đã đạt đến trạng thái tinh tế nhất, chỉ còn có một sự thuần tỉnh giác. Nó đã vượt qua hơi thở. Sự-biết rằng hơi thở đã biến mất đã được thiết lập. Vậy thì lấy gì để làm đối tượng thiền lúc này? Chúng ta lấy ngay sự-biết đó làm đối tượng thiền, đó là sự-biết hay sự tỉnh-giác rằng hơi thở đã biến mất.

Một số điều bất ngờ có thể xảy ra trong lúc này; chúng có thể xảy ra đối với một số người, nhưng có thể không xảy ra đối với người khác. Nếu chúng xảy đến, ta phải có sự chánh niệm vững chắc và mạnh mẽ. Một số người thiền khi thấy hơi thở biến mất liền hoảng sợ, họ sợ rằng mình đã chết. Chúng ta cần hiểu biết rõ tình huống này như nó là: đó chỉ là điều tự nhiên chứ không phải chết chóc gì hết. Chúng ta chỉ cần nhận biết rằng hơi thở không còn và lấy sự-biết đó làm đối tượng chú tâm tỉnh giác của chúng ta.

Chúng ta có thể nói chính đây là loại định (samādhi) chắc chắn nhất, vững chắc nhất: chỉ có duy nhất một trạng thái tâm vững chắc và bất động. Có lẽ lúc này thân cũng trở nên rất nhẹ nhàng như thể không có thân nào hết vậy. Chúng ta cảm giác như mình đang ngồi trên chân không, hoàn toàn trống không. Mặc dù cảm giác này là lạ thường, nhưng chỉ cần biết rằng điều đó không có gì phải lo lắng. Thiết lập tâm một cách vững chắc như vậy. 

Khi tâm được hợp nhất một cách vững chắc, không còn nhận thức giác quan nào quấy nhiễu tâm nữa, người thiền có thể duy trì trạng thái định-tâm đó bao nhiêu lâu tùy theo ý mình. Không còn những cảm giác đau khổ quấy nhiễu chúng ta. Khi sự định-tâm (samādhi) đã đạt đến mức này, chúng ta có thể thoát ra khỏi nó vào một thời điểm mà mình đã chọn. Nhưng chúng ta thoát ra khỏi trạng thái định-tâm (samādhi) (tức tầng thiền định jhana) là thoát ra một cách sảng khoái, hạnh phúc, chứ không phải bởi vì chúng ta thấy chán chê nó hoặc vì mệt mỏi. Chúng ta thoát ra vì chúng ta đã nhập định đủ trong giờ thiền này, chúng ta cảm thấy sảng khoái và thư thái, chúng ta không bị chút khó khổ nào hết. 

Nếu chúng ta phát triển loại định này thì khi ta ngồi thiền, ví dụ 30 phút hay 1 tiếng, tâm sẽ được mát mẻ và yên tĩnh trong suốt mấy ngày sau. Khi tâm đã được mát mẻ và yên tĩnh như vậy, thì nó là sạch sẽ. Bất cứ thứ gì ta trải nghiệm, tâm sẽ lập tức nhận biết và điều tra về thứ đó. Đây là kết quả của sự định-tâm (samādhi).

Giới hạnh có một chức năng, thiền định có chức năng khác, và trí tuệ có chức năng khác. Ba yếu tố này giống như một vòng tròn. Chúng ta có thể nhìn thấy tất cả chúng bên trong một cái tâm bình an. Khi tâm được tĩnh lặng, nó có được sự hội-tụ và sự kiềm-chế nhờ có trí tuệ và năng lượng định tâm. Khi tâm càng được hội tụ (gom lại) hơn, thì nó càng trở nên tinh tế hơn, nhờ đó nó càng quay lại hỗ trợ sức mạnh cho giới hạnh tăng lên trong sự tinh khiết. Khi giới hạnh được tinh khiết (trong sạch) hơn, nó lại giúp phát triển sự tập trung và định tâm. Khi sự định-tâm được thiết lập một cách vững chắc, nó sẽ giúp làm khởi sinh ra trí tuệ. Giới, định, tuệ trợ giúp lẫn nhau, chúng liên quan tương tức với nhau như vậy. 

Cuối cùng, con đường đạo trở thành một và vận hành suốt mọi lúc mọi nơi. Chúng ta nên chú ý giữ gìn cái sức mạnh có được từ con đường đạo đó (tức sức mạnh của định, chánh định), bởi vì đó là sức mạnh dẫn đến sự thâm nhập minh sát và trí tuệ.  

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app