Quyển 5 – Thức Ăn Cho Tâm
Giáo Pháp Chiến Đấu
Đánh tham, đánh sân, đánh si… ba thứ đó là kẻ thù. Trong việc tu tập của đạo Phật, con đường của Phật, chúng ta chiến đấu bằng Giáo Pháp, dùng sự chịu khó kiên nhẫn. Chúng ta chiến đấu bằng việc chống lại vô số những trạng thái (thân và tâm) của ta.
Giáo Pháp và thế gian liên quan với nhau. Chỗ nào có Giáo Pháp là có thế giới, chỗ nào có thế giới là có Giáo Pháp. Ở đâu có các ô nhiễm bất tịnh thì ở đó có người chinh phục những ô nhiễm bất tịnh, có người chiến đấu với chúng. Đây được gọi là cuộc chiến bên trong ta. Chiến đấu bên ngoài thì người ta dùng gươm đao súng đạn, họ chinh phục và bị chinh phục. Chinh phục thắng thua với người khác, đó là thói sống của thế gian, là chuyện dài của thế sự. Còn tu hành thì chúng ta không cần chiến đấu với ai hết, chỉ cần chinh phục cái tâm của mình, chịu khó kiên nhẫn và chống lại những trạng thái (thân và tâm) của ta.
Khi đã bước vào tu tập, chúng ta không còn chất chứa những sân giận hay thù ghét lẫn nhau, thay vì vậy chúng ta dẹp bỏ tất cả mọi dạng ác ý trong những hành động và ý nghĩ của chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tị, thù hằn, ác ý. Sự thù ghét chỉ hết nếu không còn chấp chứa tính nóng nảy và bực tức.
Những hành động nguy hại và sự trả thù là khác nhau, nhưng chúng liên quan nhau. Những hành động đã làm, đã xảy ra thì đã xong, không cần thiết phải đáp lại bằng sự trả đũa, trả thù và bạo lực. Chỗ này là nghiệp (kamma). Sự trả thù (vera) nghĩa là tiếp tục cái nghiệp đó bằng ý nghĩ ”người làm ta vậy thì ta sẽ trả đũa lại”. Nghĩ như vậy nên chẳng bao giờ kết thúc thù hận. Điều đó chỉ khiến hai bên luôn luôn tìm cách trả thù nữa, và mối hận thù cứ kéo dài không ngơi. Dù đi đâu vẫn mang theo mối oán thù đó theo.
Vị thầy tối cao (Đức Phật) chỉ lo dạy thế gian với lòng đại bi dành cho tất cả mọi chúng sinh. Còn thế gian thì cứ tiếp diễn như vậy. Người khôn trí nên nhìn kỹ về vấn đề này và nên chọn làm những điều có giá trị thực sự. Khi còn là thái tử Phật đã tập luyện nhiều môn chiến đấu, nhưng Phật đã nhìn thấy những thứ võ biền đó thực sự không hữu ích, chúng chỉ có giá trị trong thế gian đầy tranh đấu và hung tàn.
Để tu tập bản thân mình thành những người xuất thế gian, chúng ta phải biết dẹp bỏ tất cả mọi tính cách ác tâm, dẹp bỏ tất cả mọi thói tâm là nguyên nhân gây ra thù hận. Cứ chiến đấu chinh phục bản thân mình, đừng cố chiến đấu với người khác. Chúng ta chiến đấu nhưng là chiến đấu với những ô nhiễm trong tâm ta; nếu có tham, ta chiến đấu; nếu có sân, ta chiến đấu; nếu có si, ta cố gắng dẹp bỏ.
Đây được gọi là ”Giáo Pháp chiến đấu”. Cuộc chiến của tâm thực sự là khó khăn, đúng thực là cuộc chiến khó khăn nhất. Chúng ta trở thành tu sĩ để suy xét việc này, để học cái binh pháp chiến đấu với tham, sân, và si. Đây là trách nhiệm hệ trọng nhất của chúng ta.
Đây là cuộc chiến bên trong, chiến đấu với những thứ ô nhiễm trong tâm. Nhưng ít ai biết và chịu chiến đấu với chính mình như vậy. Ai cũng thích chiến đấu với người ngoài, họ chẳng hề biết chiến đấu với những thói hư tật xấu của chính mình. Thậm chí họ cũng chẳng nhìn thấy những thói tâm ô nhiễm của mình.
Phật dạy chúng ta dẹp bỏ tất cả mọi tính ác và tu dưỡng đức hạnh. Đây là con đường đúng đắn. Chỉ dạy như vậy chẳng khác nào Phật đã “ẳm” chúng ta đi đến đặt xuống nơi bắt đầu con đường. Sau khi đã đến con đường, việc bước đi hay không là tùy chúng ta. Công việc của Phật tới đó là hết. Phật đã chỉ ra con đường, chỉ về những điều đúng đắn và những điều không đúng đắn. Sự chỉ dạy tới đó là đủ, phần việc còn lại là của chúng ta.
Bây giờ, sau khi đến được đầu đường, chúng ta vẫn chưa biết được gì, chưa nhìn thấy được gì, do vậy chúng ta cần phải học hỏi. Để học hỏi chúng ta cần phải chịu khó chịu khổ, cũng giống như mọi học trò trên đời. Họ cũng phải chịu khó chịu khổ mới học hỏi được những kiến thức giúp sinh sống được bằng nghề nghiệp. Họ phải chịu khổ. Khi họ nghĩ sai hoặc thấy chán hoặc thấy lười biếng, họ phải thúc giục bản thân mình chịu khó học thì mới học ra trường và xin được việc làm. Sự tu tập của các tu sĩ cũng vậy. Nếu chúng ta đã quyết tâm tu hành và chánh niệm, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy con đường.
Ditthi-māna: là điều nguy hại. Ditthi có nghĩ là ”cách nhìn” hay ”quan điểm” (kiến chấp). Tất cả mọi dạng quan điểm đều được gọi là ditthi: nhìn tốt thành xấu, nhìn ác thành thiện… nhìn theo cách nào đó. Đây chưa phải là vấn đề. Vấn đề là sự dính chấp vào những cách nhìn đó, được gọi là māna; sự cố chấp về những quan điểm đó, coi chúng là sự thật. Chính sự dính chấp dẫn chúng ta bị cuốn xoáy trong vòng luân hồi sinh tử bất tận, chỉ là do những dính chấp đó. Do vậy, Phật nói chúng ta phải dẹp bỏ tất cả những quan điểm (thành kiến, thiên kiến, tà kiến, cách nhìn, quan niệm…) của mình.
Nhiều người sống cùng nhau, ví dụ như các thầy ở trong chùa này, họ vẫn có thể cùng tu tập một cách thỏa mái nếu quan điểm của họ là hòa hợp với nhau. Nhưng thực sự đôi lúc chỉ vài ba Tỳ kheo là đã xung khắc lẫn nhau, quan điểm của họ không hợp nhau. Nếu chúng ta biết khiêm nhường và dẹp bỏ các kiến chấp của mình thì dù có đông người như số chúng ta đang trong chùa này, chúng ta vẫn có thể cùng tu tập bên cạnh Tam Bảo.
Nếu nói vì quá đông người nên mới xảy ra bất hòa bất đồng. Thử nhìn con rết. Con rết có bao nhiêu chân? Mới nghe hay mới nhìn chúng ta tưởng nó rất khó đi, những thực tế thì nó đi dễ dàng. Nó đi theo trật tự và nhịp điệu riêng của nó. Trong sự tu tập của chúng ta thì cũng vậy. Nếu chúng ta tu tập như cách Thánh Tăng đoàn của Đức Phật tu thời đó thì mọi sự sẽ dễ dàng. Đó là những người tu một cách thiện giỏi (supatipanno); những người tu một cách chánh trực (ujupatipanno); những người tu để chuyển hóa khổ (ñāyapatipanno); và những người tu một cách đúng đắn, hòa hợp (sāmıcipatipanno). Đây là bốn phẩm hạnh, được thiết lập bên trong chúng ta, làm cho chúng ta trở thành thành viên của Tăng đoàn (Sangha). Dù chúng ta có mấy trăm hay mấy ngàn người, dù có gì đi nữa, tất cả chúng ta đều đang đi cùng một con đường. Chúng ta xuất thân khác nhau, nhưng chúng ta là như nhau. Ngay cả ý kiến của chúng ta khác nhau, nhưng nếu chúng ta biết tu tập một cách đúng đắn thì chúng ta cũng không va chạm nhau. Cũng như tất cả mọi sông suối đều chảy ra biển… khi đã ra đến biển, tất cả đều có mùi vị và màu sắc như nhau. Mọi người đều như vậy. Khi họ bước vào Giáo Pháp, họ là một với Giáo Pháp. Cho dù họ xuất thân từ những nơi khác nhau, nhưng nếu họ hòa hợp thì họ hòa nhập với nhau.
Nhưng, nguyên nhân gây ra tất cả mọi xung đột và bất hòa chính là do sự dính chấp vào các quan điểm, là do ditthi–māna. Vì vậy Phật đã dạy chúng ta dẹp bỏ mọi quan điểm này nọ. Đừng để cho māna dính nhiều vào những quan điểm.
Đức Phật chỉ ra giá trị của việc chánh niệm liên tục (sati): chú tâm, thường biết.Dù ta đang ngồi, đang đứng, đang đi, hay đang nằm, dù đang làm gì, chúng ta phải có năng lực chánh niệm. Khi chúng ta có chánh niệm chúng ta nhìn thấy mình, chúng ta nhìn thấy tâm mình. Chúng ta nhìn thấy ”thân bên trong thân ”, ”tâm bên trong tâm”. Còn nếu chúng ta không có chánh niệm, chúng ta chẳng biết gì, chúng ta không ý thức gì về mọi sự đang diễn ra.
Do vậy chánh niệm (sati) là rất quan trọng. Với sự chánh niệm thường trực, chúng ta sẽ lắng nghe theo Giáo Pháp của Đức Phật mọi lúc mọi nơi. Điều này là bởi cái ”mắt nhìn những hình sắc” là Giáo Pháp; ”tai nghe những âm thanh” là Giáo Pháp; ”mũi ngửi những mùi hương” là Giáo Pháp; ”lưỡi nếm những mùi vị” là Giáo Pháp, ”thân nếm trải/cảm giác những cảm nhận” là Giáo Pháp; khi những nhận thức khởi lên trong tâm, đó cũng là Giáo Pháp. Do vậy, ai có sự chánh niệm thường trực thì luôn nghe thấy Giáo Pháp của Phật. Giáo Pháp vẫn luôn ở đó. Tại sao? Bởi nhờ có chánh niệm, bởi nhờ chúng ta ý thức rõ, thường biết, luôn tỉnh giác.
Sati là nhớ, niệm. Sampajañña là rõ biết về mình, tỉnh giác về mình. Sự rõ biết hay tỉnh giác là Phật tâm, là Phật.
Khi nào có sự chánh-niệm và sự hiểu biết rõ ràng [rõ-biết] về mình (sati–sampajañña) thì thí tuệ hiểu biết sẽ theo sau. Khi mắt nhìn thấy hình sắc (thì khởi tâm): thứ này hợp hay không hợp? Khi tai nghe âm thanh: thứ này hợp hay không hợp? Nó có hại không? Nó sai hay đúng? Và cứ như vậy, ta cứ luôn khởi tâm này nọ với mọi thứ. Nếu chúng ta hiểu biết Giáo Pháp, chúng ta nghe thấy Giáo Pháp mọi lúc mọi nơi.
Vậy chúng ta hãy hiểu rằng ngay bây giờ chúng ta đang học giữa Giáo Pháp. Dù chúng ta đi tới hay bước lùi, chúng ta đều gặp Giáo Pháp—tất cả đều là Giáo Pháp, nếu chúng ta có sự chánh niệm. Ngay khi thấy một con vật trong rừng chúng ta có thể suy xét, quán chiếu và nhìn ra mọi loài thú đều giống như chúng ta. Chúng cũng chạy trốn khó khổ và chạy theo khoái sướng, cũng giống hệt như chúng ta. Cái gì không thích chúng tránh né; chúng cũng sợ chết, y hệt như con người. Nếu chúng ta quán xét về điều này, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả mọi sinh vật trên thế gian, kể cả con người, đều giống như nhau, mặc dù những bản năng khác nhau. Nghĩ theo cách này được gọi là tu dưỡng tâm, là thiền (bhāvanā), là nhìn thấy đúng như sự thật: rằng tất cả mọi loài đều là bạn đồng hành trên cùng chiếc xuồng ‘sinh, lão, bệnh, tử’. Những loài vật cũng như loài người và loài người cũng như loài vật. Nếu chúng ta thực sự nhìn thấy bản chất sinh diệt mọi loài đúng như chúng là, thì tâm chúng ta sẽ dẹp bỏ sự ràng buộc vào chúng.
(Tâm lý học Phật giáo là ngay chỗ này. Ta tu tập thiền quán để nhìn thấy cái bản chất sinh diệt vô thường của sự sống của chúng ta. Giống như chúng ta quán xét nhìn thấy bản chất tầm thường ở ngoài đời của một nghệ sĩ thần tượng của ta, lúc đó ta đâu còn mến phục người đó nữa).
Do vậy nên nói rằng chúng ta phải có sự chánh niệm. Nếu có chánh niệm, chúng ta sẽ nhìn thấy trạng thái của tâm mình. Dù ta đang nghĩ gì hay cảm giác gì, ta phải biết về nó. Sự biết này được gọi là Phật tâm, là Phật, là cái ‘người biết’… biết một cách thấu suốt, biết một cách rõ ràng và hoàn toàn. Khi tâm biết một cách hoàn toàn thì chúng ta tìm ra cách tu tập đúng đắn.
Do vậy, cách thẳng thắn nhất để tu tập là phải có sự chánh niệm, sati!. (Điều kiện cần là phải có sự chánh niệm). Nếu bạn không có chánh niệm năm phút thì (tâm) bạn điên đảo năm phút đó, vì bạn đã thất niệm trong năm phút. Hễ khi nào thiếu chánh niệm thì (tâm) bạn điên đảo. Do vậy, chánh niệm là không thể thiếu! Có chánh niệm là biết về mình, biết về trạng thái của tâm và sự sống của mình. Đây là điều kiện để có được sự hiểu biết và khả năng nhận định, để lắng nghe Giáo Pháp mọi lúc mọi nơi. Sau khi rời khỏi bài giảng của người thầy, bạn vẫn còn nghe thấy Giáo Pháp, bởi Giáo Pháp có mặt khắp nơi.
Do vậy, tất cả các thầy phải chắc chắn tu tập mỗi ngày. Dù cảm thấy lười biếng hay siêng năng, vẫn tu tập đều đặn như vậy. Tu tập theo Giáo Pháp không phải là chạy theo những trạng thái tâm của mình. Nếu tu mà chạy theo các trạng thái tâm thì đó là không đúng Giáo Pháp. Đừng phân biệt ngày và đêm, dù tâm có bình an hay không, dù cảm thấy ra sao… vẫn cứ tu tập.
Giống như đứa bé đang tập viết. Đầu tiên nó không viết được đẹp- nó uốn đường cong, nắn vòng tròn, nguệch ngoạc, siêu vẹo, to tướng- nó viết như…con nít. Nhưng sau ít lâu, chữ viết của nó khá hơn nhờ luyện tập. Tu tập cũng vậy. Lúc đầu ai cũng thấy khó khăn, lúng túng; có lúc có tĩnh lặng, nhiều lúc không; thực sự chẳng biết gì là gì cả. Nhiều người nản chí ngay từ đầu. Đừng nản chí! Các thầy phải cố gắng tu. Sống bằng nỗ lực, giống như đứa học trò trẻ kia: từ từ rồi nó cũng lớn lên và nó viết chữ đẹp hơn và đẹp hơn thôi. Ai cũng vậy. Từ chỗ tập viết, viết xấu, rồi đến lúc viết được, rồi viết đẹp… tất cả đều nhờ sự tập luyện mà thôi.
Sự tu tập của chúng ta cũng vậy. Tức là phải cố gắng có được sự chánh niệm mọi lúc mọi nơi: khi đang đứng, đang ngồi, đang đi hay đang nằm. Khi chúng ta sống đàng hoàng và ta làm mọi phận sự khác nhau một cách êm xuôi thì tâm ta cảm thấy bình an. Khi tâm bình an trong công việc thì dễ có được sự thiền bình an. Hai cái đi song hành với nhau. Vì vậy hãy cố gắng. Cố theo việc tu tập liên tục. Đây là sự tập luyện.
————
Bài viết được trích từ “Quyển 5: Thức Ăn Cho Tâm” – bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, tác giả Thiền Sư Ajahn Chah
* Link Sách Quyển 5: Thức Ăn Cho Tâm
* Link Tải sách ebook Quyển 5: Thức Ăn Cho Tâm
* Link Video Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành
* Link Audio Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành
* Link Thư mục Tác giả Thiền sư Ajahn Chah
* Link Thư mục Ebook Thiền sư Ajahn Chah