47

Sống Chung Rắn Hổ Mang

Đây là câu chuyện ngắn nói ra để lợi ích cho một vị đệ tử mới đến tu nhưng sắp quay về lại nước Anh. Mong rằng câu chuyện này sẽ giúp cho chị hiểu được giáo lý mà chị đã tu học ở chùa Wat Pah Pong này. Nói đơn giản hơn, đây là nói về cách tu tập để giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Để tu tập cách này, chị cần phải coi tất cả mọi hành vi khác nhau của tâm, tất cả mọi thứ chị thích hay không thích, là như nhau, giống như cách chị coi một con rắn hổ mang vậy. Rắn hổ mang là rất độc, độc đủ để giết chết ta khi nó cắn ta. Và ở đây, rắn được ví như những trạng thái tâm của chúng ta; trạng thái ta thích cũng là độc hại, trạng thái ta không thích cũng là độc hại. Chúng cản trở, không cho tâm được tự do và cản trở sự hiểu biết của chúng ta về sự thật (chân lý) mà Phật đã chỉ ra.

Do vậy, điều cần thiết là phải cố duy trì chánh niệm suốt ngày đêm. Dù chị đang làm gì, đang đứng, đang ngồi, đang nằm, đang nói, hay đang làm gì, chị phải làm với sự chánh niệm. Khi chị có thể thiết lập sự chánh niệm, chị sẽ thấy có “sự hiểu biết rõ ràng” (sự tự tỉnh giác) khởi sinh cùng chánh niệm. Và hai điều kiện chánh niệm (sati) và sự hiểu biết rõ ràng (sampajañña) sẽ tạo ra trí tuệ. Như vậy, chánh niệm, sự hiểu biết rõ ràng và trí tuệ sẽ cùng làm việc với nhau, và chị sẽ trở thành người tỉnh thức suốt cả thời gian ngày và đêm.

Những giáo lý của Phật đã để lại cho chúng ta hôm nay không phải là những giáo lý chỉ để nghe hay để hiểu cho biết, cho có kiến thức. Mà đó là những giáo lý dùng để tu tập để thấy biết tâm của mình. Dù chúng ta đi đâu hay làm gì, chúng ta luôn có những giáo lý này. “Có những giáo lý này” hoặc “có được sự thật” có nghĩa là dù chúng ta làm gì hay nói gì, chúng ta làm và nói bằng suy nghĩ và quán xét, chúng ta nghĩ và quán xét với trí tuệ. Chúng ta nói rằng ai có sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng được kết hợp với nhau với trí tuệ, thì người đó đang gần với Phật.

Khi chị rời khỏi đây, chị nên thực tập để mang mọi thứ về lại trong tâm. Nhìn vào tâm bằng sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng và phát triển trí tuệ. Với ba điều kiện đó thì sẽ khởi sinh sự ”buông bỏ”. Chị sẽ nhìn thấy sự khởi sinh và biến mất liên tục của tất cả mọi hiện tượng.

Chị sẽ biết được sự khởi sinh và biến mất (sinh diệt) chính là hoạt động của tâm. Khi có thứ gì khởi sinh thì nó biến mất, và theo sau là thứ khác khởi sinh và biến mất. Theo Cách của Giáo Pháp chúng ta gọi sự khởi sinh và biến mất là sự sinh và chết, là sự sinh-diệt; và đó chính là mọi sự– mọi sự chỉ là vậy! Khi khổ khởi sinh, nó biến mất, và, khi khổ biến mất, nó lại khởi sinh . Chỉ có khổ khởi sinh và biến mất. Khi chị nhìn thấy điều đó nhiều lần, chị sẽ có khả năng biết rõ lẽ sinh diệt đó một cách thường trực; và, khi sự thấy biết là thường trực, chị sẽ thấy lẽ thật đó luôn luôn có mặt. Mọi thứ chỉ là sinh và diệt, đến và đi. Chẳng có gì được mang theo, chỉ là sự khởi sinh và biến mất—tất cả chỉ là vậy.

Kiểu thấy biết như vậy sẽ làm khởi sinh một cảm giác tĩnh lặng buông bỏ đối với thế giới. Khi đã có được cảm giác buông bỏ thì chẳng còn gì đáng để ta tham muốn nữa; vì sự thật chỉ có sự dinh diệt, một người được sinh ra để rồi chết đi mà thôi. Đó là lúc tâm đạt đến chỗ ”buông bỏ”, buông bỏ mọi thứ để chúng diễn ra theo đường lối tự nhiên của chúng. Mọi thứ khởi sinh và biến mất trong tâm chúng ta, và chúng ta biết rõ điều đó. Khi sướng khởi sinh, ta biết rõ; khi khổ khởi sinh, ta biết rõ. Sự biết rõ về sướng, biết rõ về khổ đích thực là gì thì có nghĩa là ta không nhận chúng là của ta. Với sướng và khổ, chúng ta biết rõ chúng, và không nhận chúng là của chúng ta. Khi chúng ta không còn nhận lấy sướng khổ, không còn dính chấp vào sướng khổ, chúng ta chỉ đơn thuần để mọi thứ diễn ra theo cách tự nhiên của chúng.

Vậy chúng ta nói rằng hành vi của tâm giống như rắn độc. Nếu chúng ta đừng đụng gì đến nó, nó sẽ tự nhiên đi theo cách của nó. Dù nó là rất độc hại nhưng ta không bị ảnh hưởng gì; nếu chúng ta không đến gần hay nắm bắt nó, thì nó không cắn ta. Rắn hổ mang sẽ đi theo cách của nó. Chúng ta cứ làm như vậy. Đó là cách khôn ngoan nếu bạn để yên nó. Cứ để yên với mọi thứ tốt. Cứ để yên với mọi thứ xấu— để yên với mọi sự theo cách tự nhiên của nó. Để yên với mọi sự thích hay không thích của chị, cũng như cách chị để yên không động gì đến rắn hổ mang.

Vậy, người khôn ngoan sẽ giữ thái độ như vậy đối với những trạng thái khác nhau khởi sinh trong tâm. Khi sự tốt khởi sinh, cứ để yên nó tốt, nhưng ta biết rõ về nó. Ta hiểu rõ bản chất (sinh diệt) của nó. Khi có sự không tốt khởi sinh, cứ để yên nó không tốt, ta để yên với bản chất (sinh diệt) của nó. Đừng nắm bắt, dính líu theo nó, vì chúng ta chẳng tham muốn gì. Ta không muốn tốt, không muốn xấu, không muốn thiện, không muốn ác. Ta cũng không muốn nặng, không muốn nhẹ, không tham muốn sướng, không tham muốn khổ. Theo cách như vậy, khi sự tham muốn của chúng ta đã tận hết, sự bình an sẽ được thiết lập vững chắc.

Khi chúng ta có được loại bình an như vậy được thiết lập, chúng ta có thể nương tựa vào đó. Chúng ta nói rằng sự bình an đó khởi sinh nhờ phá bỏ hết sự ngu mờ. Sự ngu mờ, ngu si, vô minh đã chấm dứt. Đức Phật gọi đó là sự đạt đến giác ngộ cuối cùng là ”sự tắt ngấm”, giống như cách ngọn lửa đã tắt ngấm. Ta đã dập tắt và làm nguội sạch lửa nóng. Đó là sự giác ngộ, niết-bàn. Niết-bàn được tìm thấy bên trong vòng luân hồi sinh tử samsāra. Giác ngộ và si mê (sinh tử) nằm trong cùng một chỗ, giác và mê cũng giống như nóng và lạnh. Mê nằm trong chỗ giác, giác có được từ chỗ mê. Khi đang mê, không có giác, khi có giác, mê không còn. Niết bàn và luân hồi sinh tử cũng vậy. Còn luân hồi sinh tử là không thấy Niết-bàn. Khi Niết-bàn thì không còn luân hồi sinh tử.

Chúng ta được khuyên dạy để chấm dứt vòng luân hồi sinh tử, làm dừng lại cái vòng quay bất tận si mê và vô minh. Việc chấm dứt vô minh là dập tắt ngọn lửa. Khi lửa bên ngoài được dập tắt, nơi đó trở thành mát nguội. Khi lửa bên trong của tham, sân, si đã bị thổi tắt, nơi đó trở nên mát dịu.

Đó là tính chất của sự giác ngộ; đó là sự tắt ngấm của lửa, là sự làm mát dịu nơi cháy nóng. Đó là sự bình an. Đó là sự chấm dứt vòng luân hồi sinh tử. Khi chị đạt đến sự giác ngộ, mọi sự diễn ra như vậy. Đó là sự chấm dứt mọi tham, sân, si quay cuồng điên đảo trong tâm trong bao nhiêu kiếp sinh tử. Chúng ta thường gọi đây là nơi hạnh phúc (an lạc) để mọi người nhắm đến như lý tưởng để tu tập đạt đến, nhưng thực ra trạng thái đó cao hơn, vượt xa trên chữ hạnh phúc an lạc đó. Nó vượt trên cả lạc và khổ. Đó là một sự bình an hoàn hảo.

Vậy, khi chị về nước, chị nhớ mang theo giáo lý này với chị và suy xét về nó một cách kỹ càng. Thời gian chị ở đây cũng không dễ dàng lắm và tôi cũng không có nhiều cơ hội để hướng dẫn cho chị, nhưng đó cũng là thời gian chị có thể học được của việc tu tập đích thực của chúng ta có nghĩa là gì. Cầu mong cho sự tu tập của chị sẽ dẫn chị đến an lạc; cầu mong những lời này giúp chị lớn lên cùng chân lý. Cầu mong chị mau thoát khỏi khổ đau của vòng sinh tử.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app