44

Bản Chất Tự Nhiên của Giáo Pháp

Đôi khi, cây đang ra hoa kết nhụy, một cơn gió nhẹ thổi qua, làm các nhụy hoa rụng xuống đất. Một số nhụy vẫn còn trên cây và sau đó lớn thành trái búp non xanh. Một con gió khác lại thổi qua, làm một số trái búp rụng xuống đất. Vẫn còn lại một số trái búp có thể lớn thành trái. Sau đó già và chín, trước khi cũng rụng xuống đất.

Và con người cũng vậy. Cũng như nhụy hoa và trái cây sống trong những cơn gió, cũng rụng xuống một lúc nào đó trong cuộc đời. Một số người chết ngay khi còn trong bào thai của mẹ, một số khác chết yểu chỉ sau vài ngày được mẹ sinh ra. Một số người chỉ sống một số năm rồi chết trẻ, chưa kịp lớn lên. Nhiều đàn ông, đàn bà cũng chết trẻ. Nhưng vẫn có những người sống lâu đến lúc già yếu trước khi cũng chết.

Khi quán chiếu về con người, hãy xem xét bản chất của trái cây trước những cơn gió: cả người và trái cây đều không chắc chắn; chẳng biết ‘rụng’ lúc nào.

Bản chất không-chắc-chắn của mọi thứ cũng có thể được nhìn thấy trong đời sống tu sĩ nơi chùa chiền tự viện. Một số người đến chùa với ý định thọ giới đi tu, nhưng rồi đổi ý quay về. Một số khác thì quyết tâm đi tu, cạo đầu sẵn trước khi đến chùa. Một số khác đã thành sa-di, nhưng vài năm lại quyết định bỏ tu. Một số chỉ thọ giới tu được một mùa An Cư (được một tuổi Hạ) rồi bỏ y, hoàn tục. Cũng giống như những nhụy hoa và trái búp trên cành—tất cả đều không chắc chắn!

Tâm của chúng ta cũng vậy. Một nhận thức của tâm (tưởng) khởi sinh, thúc kéo cái tâm, làm tâm ngã rụng—cũng như trái cây.

Phật đã hiểu biết rõ cái bản chất không chắc chắn của tất cả mọi thứ trên thế gian. Phật đã quan sát những hiện tượng trái cây trước gió và quán chiếu về tình trạng của các sa-di và Tỳ kheo là những đệ tử của Phật thời đó. Phật tìm thấy họ và trái cây về căn bản có chung bản chất—không chắc chắn! Mà làm sao khác nhau được? Bởi đó là bản chất của tất cả mọi thứ mọi sự trên thế gian.

Do vậy, đối với ai đã biết tu tập với sự tỉnh-giác thì không cần thiết phải có người khác chỉ dạy nhiều nhiều đủ thứ thì mới có thể nhìn thấy và hiểu biết (sự thật). (Vì mọi sự chỉ dạy và hướng dẫn cũng chỉ là tương đối, chứ chúng cũng không phải là chắc-chắn). Ví dụ theo kinh điển, Đức Phật trong một kiếp trước là vị Vua Mahajanaka. Ông chẳng cần phải tu học gì nhiều hết. Tất cả những gì ông vua làm là ngồi quan sát một cây xoài.

Một ngày, khi đang đi thăm khu vườn cùng với đoàn tùy tùng của mình, từ trên ghế ngồi trên lưng voi, nhà vua để ý thấy có nhiều trái chín nằm bên trong những lá cây xoài. Nhưng không kịp dừng lại, nhà vua quyết định sẽ quay lại để hái vài trái ngon. Nhưng nhà vua không biết, những đại thần đi theo thấy xoài thì tham ăn, nên ngay sau đó đã đến hái sạch những trái xoài. Họ dùng sào móc để kéo giựt tất cả các nhánh xoài, làm lá cành rớt đầy xung quanh gốc xoài.

Chiều đó nhà vua quay lại, tưởng tượng trong đầu về những trái xoài thơm ngọt. Nhưng nhà vua giựt mình nhìn thấy không còn trái xoài nào, là cành bị phá nát, rơi rớt đầy dưới đất.

Nhà vua rất thất vọng và bực tức, nhưng rồi nhà vua nhìn sang cây xoài khác, lá và cành của nó vẫn còn nguyên vẹn. Ông thắc mắc. Rồi ông nhận ra vì nó không có trái. Nếu cây không có trái thì chẳng ai đụng đến, nên lá cành vẫn còn nguyên trên cây, tươi tốt. Bài học này làm cho nhà vua đắm chìm trong suy nghĩ trên suốt đoạn đường về. ”Làm vua cũng không sướng, đầy phiền não và khó khăn. Lúc nào cũng phải để ý đến tất cả những thần dân. Điều gì xảy ra nếu một ngày họ sẽ cố tấn công, lật đổ, chiếm ngai vua?”. Đó là điều làm các nhà vua không thể yên ngủ suốt đời; ngay cả khi ngủ cũng nằm mơ thấy mình có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào.

Nhà vua lại tâm niệm, cây xoài không trái thì cành lá còn nguyên lành. ”Nếu chúng ta cũng giống cây xoài đó, thì ‘lá’ và ‘cành’ của chúng ta sẽ không bị làm hại”.

Nhà vua đã ngồi xuống và thiền trong phòng của mình. Cuối cùng nhà vua quyết định đi tu, nhân duyên từ bài học về cây xoài. Ông ví mình như cây xoài và kết luận rằng nếu một người trở nên không còn dính líu gì với những cách của thế gian, thì người ấy sẽ thực sự độc lập, tự do, không còn lo lắng hay bị khó khổ. Tâm sẽ không còn bị quấy nhiễu hay phiền não. Quán chiếu như vậy, nhà vua đi tu.

Từ đó về sau, mỗi khi ông đến đâu người ta đều hỏi sư thầy của ông là ai, ông trả lời: ”Một cây xoài”. Ông không cần phải học hay được dạy nhiều nhiều đủ thứ về giáo lý. Một cây xoài là nguyên nhân của sự Thức Tỉnh (giác ngộ) đến Giáo Pháp hướng vào tâm mình (Opanayiko-Dhamma). Và nhờ sự Thức Tỉnh này, nhà vua đã trở thành thầy tu, không còn nhiều thứ lo lắng, sống giản dị, và sống lánh trần. Ngai vàng đã từ bỏ, tâm cuối cùng đã được bình an.

Chuyện theo kinh, kiếp đó Phật còn là một Bồ-tát tu tập theo cách đó một cách liên tục không ngừng. Cũng giống như nhà vua lúc đó, chúng ta nên biết nhìn và quan sát, bởi mọi thứ trên đời đều sẵn sàng dạy chúng ta.

Chỉ cần có một chút trí tuệ trực giác, chúng ta sẽ có thể nhìn thấu những đường lối của thế gian. Chúng ta sẽ đi đến hiểu rằng mỗi thứ trên thế gian đều là một người thầy của chúng ta. Với trí tuệ, không cần phải hỏi ai, không cần phải học. Chúng ta có thể học từ tự nhiên đủ để giác ngộ, giống như trong câu chuyện vị vua Mahajanaka, bởi mọi thứ đều đi theo đường lối của lẽ tự nhiên. Nó không sai lệch khỏi sự thật tự nhiên.

Đi cùng với trí tuệ là sự tự giác bản thân và kiềm chế bản thân, hai thứ đó có thể dẫn đến những trí tuệ minh sát nhìn thấu suốt hơn vào bên trong những đường lối của tự nhiên. Bằng cách này, chúng ta đi đến hiểu biết sự thật tuyệt đối của tất cả mọi thứ trên thế gian, đó là ”vô thường—khổ— vô ngã” (anicca-dukkha-anattā’). Lấy ví dụ cây cối, tất cả cây cối trên trái đất đều như nhau, chỉ là Một, nếu ta nhìn thông qua cái thực tại ”vô thường—khổ—vô ngã”. Đầu tiên, chúng có mặt, sinh rồi trưởng, và già, thay đổi không ngừng, cuối cùng rồi cũng chết như tất cả các cây khác.

Cũng cách như vậy, người và thú vật được sinh ra, lớn lên và thay đổi không ngừng trong suốt thời gian sống cho đến lúc chết. Những thay đổi và biến đổi nhiều vô số kể xảy ra trong suốt tiến trình từ sinh đến chết cho thấy rõ Đường Lối của Giáo Pháp. Đường lối của tự nhiên, đó là lẽ thật, là chân lý. Nói cách khác, tất cả mọi thứ đều là vô thường, luôn thay đổi, đi đến hư hoại và tan rã, đó là đường lối tự nhiên của chúng.

Nếu chúng ta có sự tỉnh giác và hiểu biết, nếu chúng ta tu học bằng trí tuệ và sự chánh niệm, thì chúng ta sẽ thấy được Giáo Pháp là thực tại. Vậy là, chúng ta nhìn thấy người người cứ liên tục được sinh ra, thay đổi liên tục, và cuối cùng chết đi. Tất cả mọi người đều bị dính vào vòng luân hồi sinh tử, và bởi lý do này, mọi người trong vũ trụ này là Một. Vậy là, xem xét và nhìn thấy một cách rõ rệt và riêng biệt một người thì cũng giống như xem xét và nhìn thấy mọi người trên thế gian.

Tương tự ý nghĩa trên, tất cả mọi thứ đều là Giáo Pháp. Không phải chỉ riêng những thứ nhìn thấy được bằng mắt thường, mà bao gồm cả những thứ chúng ta nhìn thấy được bằng tâm, bằng ‘con mắt’ của tâm. Một ý nghĩ khởi sinh, rồi nó thay đổi và biến mất. Đó chỉ đơn giản là một nhận thức của tâm (tưởng), là một pháp của tâm (nāma dhamma’), khởi sinh và biến mất. Đó là bản tính đích thực của cái tâm. Nói tóm lại, đây là chân lý tuyệt đúng của Giáo Pháp. Nếu ta không nhìn và quan sát theo cách nhìn này, thì chúng ta không thực sự nhìn thấy sự thật!. Nếu ai nhìn thấy, người ấy sẽ có trí tuệ để lắng nghe Giáo Pháp mà Đức Phật đã nói:

Phật ở đâu?

Phật ở trong Giáo Pháp. Pháp ở đâu?

Pháp ở trong Phật. Ngay tại đây, bây giờ! Tăng ở đâu?

Tăng ở trong Giáo Pháp.

Phật, Pháp, Tăng có mặt trong tâm chúng ta, nhưng chúng ta cần phải nhìn thấy Tam Bảo trong tâm một cách rõ ràng. Một số người chợt nói: ”À, Phật, Pháp, Tăng có ở trong tâm tôi”. Trong khi sự tu tập của họ còn chưa phù hợp hay đúng đắn, thì không thể nói Tam Bảo có mặt trong tâm họ, bởi cái ”tâm” đó trước tiên phải là cái tâm hiểu biết Giáo Pháp trước.

Nói đi nói lại về điểm Giáo Pháp, chúng ta sẽ đi đến biết rằng, trên thế gian này chân lý có mặt, và do vậy chúng ta có thể tu tập và chứng ngộ chân lý đó.

Ví dụ những pháp của tâm (danh pháp, nāma dhamma), như những cảm giác, ý nghĩ, ý tưởng… đều là không chắc chắn. Khi sân giận khởi sinh, nó lớn lên và thay đổi và cuối cùng biến mất. Hạnh phúc cũng vậy, sướng khởi sinh, biến đổi, rồi biến mất. Chúng là sinh diệt. Chúng là trống không. Chúng chẳng phải là ‘cái gì’ cả. Đây chính là đường lối của tất cả mọi thứ thuộc vật chất và mọi sự thuộc tâm. Hướng về bên trong, có thân này và tâm này. Bên ngoài thì có cây cối, dây leo và tất cả đường lối sinh diệt của tất cả mọi thứ theo quy luật tự nhiên của vũ trụ. Đó là quy luật về sự không chắc-chắn, về sự sinh, trưởng, hoại, diệt.

Dù là cây, là núi, hay con vật, nó đều là Giáo Pháp, mọi thứ đều là Giáo Pháp. Giáo Pháp ở đâu? Nói ngay ra, cái gì không phải là Giáo Pháp thì không có mặt. Giáo Pháp là tự nhiên. Đây được gọi là Giáo Pháp Tuyệt Đối hay chân pháp (Sacca Dhamma). Nếu ai nhìn thấy tự nhiên, người đó thấy Giáo Pháp; ai nhìn thấy Giáo Pháp thì nhìn thấy tự nhiên. Nhìn thấy tự nhiên là hiểu biết Giáo Pháp.

Và do vậy, học nhiều giáo lý để làm gì trong khi thực tại rốt ráo của sự sống, trong từng giây phút, trong từng hành vi của nó, chỉ là một vòng luân hồi sinh tử bất tận? Nếu chúng ta chánh niệm và tỉnh giác rõ ràng khi đang ở trong mọi tư thế [ngồi, đứng, đi, nằm], thì sự tự-hiểu-biết sẵn sàng phát sinh; đó là, sự hiểu biết về sự thật Giáo Pháp đã có sẵn ngay tại đây và bây giờ.

Ngay trong hiện tại, Đức Phật, Phật đích thực, vẫn đang sống, bởi Phật chính là Giáo Pháp, là Chân Pháp (Sacca Dhamma’). Và Chân Pháp, là phương tiện giúp một người trở thành vị Phật, thì vẫn đang có mặt. Giáo Pháp chẳng bao giờ mất đi ở đâu! Giáo Pháp giúp khởi sinh ra hai loại Phật: Phật trong thân này và Phật trong tâm này.

”Giáo Pháp đích thực chỉ có thể được chứng ngộ bằng việc tu tập”, Đức Phật đã từng nói với ngài Ananda như vậy. Ai nhìn thấy Phật là nhìn thấy Giáo Pháp. Điều này nghĩa là sao? Trước kia chưa có vị Phật có mặt, trước đó chỉ có tu sĩ Cồ-đàm Tất-đạt-đa (Siddhattha Gotama) , và sau khi giác ngộ Giáo Pháp người ấy trở thành Phật. Nếu chúng ta lý giải theo cách này thì Phật cũng giống chúng ta. Khi chúng ta còn si mê, chúng ta còn là chúng sinh; khi chúng ta thức tỉnh và giác ngộ Giáo Pháp, chúng ta cũng thành Phật. Nên chỗ này được gọi là Phật ở trong tâm, hay Tâm Pháp (Nāma Dhamma).

Chúng ta phải chánh niệm về mọi thứ chúng ta làm, bởi chúng ta là kẻ thừa tự của tất cả các nghiệp tốt và xấu của chúng ta. Làm điều tốt thiện, hưởng điều tốt thiện. Làm đều xấu ác, lãnh điều xấu ác. Tất cả mọi chuyện phải làm là quan sát tất cả mọi hành động của mình để hiểu biết về những nghiệp đang làm là gì. Đức Phật đã nhìn ra lẽ thật nhân duyên về nghiệp này, Phật giác ngộ về lẽ thật này và trở thành vị Phật. Tương tự vậy, nếu mỗi người cũng tu tập để chứng ngộ lẽ thật này, thì họ cũng thay đổi và có thể thành Phật.

Vậy là, Phật vẫn đang có mặt. Một số người mừng rỡ: ”Nếu Phật còn có mặt, tôi có thể tu tập Giáo Pháp!”. Thực vậy, Phật vẫn luôn có mặt, Giáo Pháp vẫn luôn có mặt. Bạn hãy yên tâm và nên cố gắng tu tập để nhìn thấy điều đó.

Giáo Pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ là Giáo Pháp có mặt thường hằng trên thế gian. Có thể ví như nước ngầm luôn luôn có mặt bên dưới mặt đất. Khi một người bỏ công đào một cái giếng, anh ta phải đào đủ sâu để gặp được mạch nước. Mạch nước ngầm có sẵn ở đó. Anh ta không tự tạo ra nước, nhưng anh ta tìm ra nó. Tương tự vậy, Giáo Pháp đã luôn có mặt khắp thế gian, Phật không phải là người làm ra Giáo Pháp, những Phật đã tìm ra Giáo Pháp, Phật không chế phát hay đặt ra Giáo Pháp. Phật chỉ đơn giản tìm ra và chỉ ra Giáo Pháp đã có sẵn tự bao giờ. Về thực hành thì là, thông qua sự thiền tập Phật đã nhìn thấy những chân lý của Giáo Pháp. Do vậy, chúng ta nói rằng Đức Phật đã giác ngộ, bởi giác ngộ có nghĩa là nhìn thấy Giáo Pháp. Giáo Pháp là sự thật của thế gian này. Nhìn thấy sự thật thế gian, tu sĩ Cồ-đàm Tất-đạt-đa trở thành một vị Phật. Và Giáo Pháp là thứ giúp cho mọi người nhìn thấy để trở thành một vị Phật, thành một người-biết, thành ”bậc Giác Ngộ”: người hiểu biết Giáo Pháp.

Với sự hiểu biết, chúng ta thấy rằng chúng ta không thực sự quá cách xa Phật, nhưng chúng ta đây đang ngồi trực diện với Phật. Khi chúng ta hiểu biết Giáo Pháp thì lập tức chúng ta nhìn thấy Phật. (Cứ chịu khó tu tập Giáo Pháp rồi khi nhìn thấy Giáo Pháp sẽ nhìn thấy kết quả tu tập là nhìn thấy Phật).

Nếu một người thực sự tu tập thì người ấy sẽ nghe thấy Phật-Pháp khi đang ngồi dưới gốc cây, khi đang nằm, hay khi đang ở trong tư thế nào. Đây không phải là cái mình nghĩ ra. Mà đó là cái khởi sinh từ cái tâm trong sạch. Nhưng không phải chỉ ghi nhớ đúng về điều này là đủ, bởi điều này có được hay không tùy thuộc vào sự tự mình nhìn thấy Giáo Pháp, chứ không phải là điều gì khác. Do vậy, chúng ta phải quyết tâm tu tập để có thể nhìn thấy Giáo Pháp, và sự tu tập của chúng sẽ đến lúc viên thành. Dù đang ngồi, đang đi, đang nằm, chúng ta sẽ nghe thấy Phật-Pháp.

Để tu tập giáo lý này của Phật, Phật đã dạy chúng ta phải sống ở một nơi yên tĩnh để chúng ta có thể tu tập sự tập trung của tâm (định tâm) và kiềm chế những giác quan mắt, tai, mũi, miệng, thân và tâm. Đây là lý nền tảng để thực hành, bởi vì sao, bởi vì đó là những chỗ mà tất cả mọi sự khởi sinh, và chỉ tại những chỗ đó mà thôi. Vậy là, chúng ta hội tụ tâm (định tâm) và kiềm chế sáu giác quan (phòng hộ sáu căn) để biết điều kiện (duyên) khởi sinh ở đó. Mọi sự tốt xấu, thiện ác đều khởi sinh thông qua sáu giác quan này. Chúng là các cơ quan cảm giác đã có sẵn trong thân (từ khi sinh). Mắt có sẵn để nhìn, tai có sẵn để nghe, mũi để ngửi, miệng để nếm, thân để chạm xúc với nóng, lạnh, cững, mềm, sướng đau…, và tâm có mặt ngay trong sự khởi sinh của các nhận thức tâm (tâm tưởng). Tất cả có mặt ở đó để chúng ta thiết lập sự tu tập xung quanh những chỗ đó.

Việc tu tập là dễ nhìn thấy, bởi vì tất cả những điều cần tu (lẽ sinh diệt, lý tu tập, chỗ nền tảng, đối tượng tu tập) đã được Đức Phật thiết lập và truyền lại. Điều này cũng giống như Phật đã bỏ công trồng một vườn cây và mời chúng ta đến để bỏ thêm công ra hái trái, hưởng quả. Chúng ta không cần phải tự mình lập vườn cây nữa.

Cho dù là đức hạnh, thiền định hay trí tuệ (giới, định, tuệ), không cần phải tạo lập, chế tác, hay suy đoán, bởi vì những gì chúng ta cần làm là làm theo những điều mà Đức Phật đã dạy.

(Phật đã làm ra con đường, và Phật đã đi hết con đường đó, và thành Phật. Và Phật chỉ lại con đường đó cho chúng ta. Con đường đó đã được chứng minh là con đường đúng đắn. Vậy là, chúng ta chỉ cần bước đi. Chúng ta không cần phải bỏ công sức, thời gian để phát quang hay tạo lập một con đường nào mới để đi thử. Cũng như công cộng đã tính, thử nghiệm và làm xong con đường chạy thẳng về nhà mình, vậy là mình cứ đi để về đến nhà. Tội gì cứ ngồi nghĩ đến việc tự mình làm con đường nào khác để đi lại. Làm sao làm nổi).

(Nhưng vì sao chúng ta có được sẵn cái vườn cây hay con đường đó?). Chúng ta là những chúng sinh có nhiều công đức và duyên lành được tái sinh làm người, được nghe những giáo lý của Phật. Vườn cây đã có sẵn, những trái quả đang chờ chúng ta bỏ phần công còn lại để hái và thụ hưởng. Mọi thứ đều đã đầy đủ và hoàn thiện bởi Phật. Chỉ thiếu là thiếu người chịu đi đến để hái vài trái ngon lành, thiếu những người có đủ lòng tin để bước vào đó, thiếu người có được lòng tin đó để tu tập theo Phật!

Chúng ta nên biết những công đức và phúc lành được làm người trong kiếp này là vô cùng quý hiếm!. Chúng ta chỉ cần nhìn quanh và thấy những chúng sinh khác đang trong kiếp khổ đau, thấp hèn, ngu si. Hãy lấy những con chó, heo, trâu, bò, giòi, bọ và những súc sinh khác làm ví dụ. Chúng không có một cơ hội nào để học hay biết Giáo Pháp, không có cơ hội nào để tu tập Giáo Pháp. Đó là những chúng sinh mang nhiều nghiệp ác, đang chịu nghiệp quả xấu, nên đã bị tái sinh thành những loài thấp hèn, ngu si và đầy đau khổ như vậy. Khi chúng sinh không có cơ hội nào để học, biết, tu tập Giáp Pháp thì chúng sinh đó không có cơ hội nào để giải thoát khỏi Khổ Đau.

Là người, chúng ta không nên để mình sau này sẽ tái sinh thành loài súc sinh hay ngạ quỷ đầy khổ đau như vậy chỉ vì mình sống không có đạo đức, không giới hạnh và không kiềm chế. Đừng để mình bị rớt vào những cảnh giới tái sinh kinh khủng và khổ đau bất tận đó! Nói thẳng ra, ai trong chúng ta không có hy vọng đạt đến con đường dẫn đến sự Tự do, Giải thoát, đến Niết-bàn, thì người đó cũng không có hy vọng tu dưỡng đức hạnh. Đừng vội nghĩ chúng ta đã hết hy vọng. Chỉ cần nghĩ mình không có hy vọng bước vào con đường đạo để đi đến sự giải thoát, Niết-bàn, thì bạn đã tự mình để mình rớt vào những cảnh giới khổ đau bất tận như những con vật kia kia.

Chúng ta là những chúng sinh được tái sinh vào cõi này có sự có mặt và sự trợ giúp của Đức Phật. Nói vậy có nghĩa chúng ta được sinh vào cõi này trong kiếp này (sau muôn vàn kiếp không thể đếm được ở địa ngục, làm ma quỷ, làm súc sinh…) là đã có quá nhiều công đức, có thể nói là đã có đủ công đức và những tiềm năng (để tu hành, tu tập hướng về phía giải thoát khỏi vòng sinh tử). Nếu chúng ta tu sửa và phát triển sự hiểu biết, ý kiến, quan niệm (chánh kiến) và kiến thức (tri kiến) ngay bây giờ, thì mọi sự sẽ dẫn dắt chúng ta đến hành vi và tu tập theo một cách đúng đắn (chánh đạo) để nhìn thấy và hiểu biết Giáo Pháp ngay trong kiếp này, ngay trong kiếp quý hiếm nhất đang được làm người.

Vậy thì, chúng ta mới là chúng sinh khác so với những chúng sinh khác. Chúng ta cần phải giác ngộ Giáo Pháp. Phật dạy rằng ngay trong phút giây này, Giáo Pháp đang có mặt ngay trước mắt chúng ta. Phật cũng đang ngồi trực diện với chúng ta ngay đây và bây giờ!. Vậy, còn chờ đến khi nào và đến chỗ nào khác thì các bạn mới muốn nhìn thấy?

Nếu ta không nghĩ đúng đắn thì ta không tu tập đúng đắn, chúng ta sẽ bị rớt xuống lại thành súc sinh, hoặc bị rớt vào địa ngục, thành ma trôi ngạ quỷ. Là sao? Chỉ cần nhìn vào tâm mình. Khi sự tức giận (sân) khởi sinh, đó là gì vậy? Đó chỉ là vậy, chỉ cần nhìn nó! Khi sự ngu mờ (si) khởi sinh, nó là gì vậy? Nó chỉ là nó, chỉ cần nhìn nó! Khi thèm muốn (tham) khởi sinh, nó là gì vậy? Nhìn vào nó!

Chúng ta chỉ cần nhìn xem và nhận ra nó là gì; là tham, là sân, hay là si. Nếu ta không nhận ra và hiểu biết một cách rõ ràng những trạng thái tâm đó, thì tâm sẽ thay đổi từ cái tâm con người qua những tâm thức của cảnh giới khác. Tất cả mọi điều kiện đều ở trong trạng thái đang trở-thành (nghiệp hữu, sinh thành). (Ví dụ, tâm sân giận là điều kiện đang trở-thành trạng thái địa ngục của tâm. Tâm tham ăn, ích kỷ là điều kiện sinh-thành quỷ đói). Sự trở-thành tạo ra sự sinh hay sự hiện hữu được quyết định bởi chính những điều kiện (duyên) hiện tại. Do vậy, chúng ta trở thành (sinh thành) và có mặt (hiện hữu) theo như cách mà các tâm của chúng ta tạo ra chúng ta. Nói cách khác, các trạng thái tâm khác nhau của chúng ta là những điều kiện tạo ra sự sinh hay sự hiện hữu của chúng ta.

(Mọi chuyện đều ở chỗ trạng thái của tâm. Ví dụ, nếu sân giận khởi sinh, ta không nhìn xem và không biết nó, ta chạy theo trạng thái đó và dính vào đó, và tâm trạng đó đưa ta vào cảnh giới địa ngục. Ngay trong giây khắc sân giận, ta trở thành và sinh thành vào địa ngục. Nhưng nếu ta nhìn thấy nó là sân và buông bỏ nó, ta không bị trôi theo và không bị sinh vào địa ngục).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app