Hiểu về Khổ
(Khổ là cách tạm dịch chữ dukkha. Dukkha thì bao hàm rất nhiều ý nghĩa về khổ và bất toại nguyện.)
Khổ dính vào da và thấm vào thịt; từ thịt thấm vào tận xương tủy. Nó giống như con mọt trên cây đục khoét từ vỏ, vào trong thịt gỗ, từ gỗ vào lõi, cho đến khi cây héo chết.
Khi chúng ta sinh ra và lớn lên, khổ thấm sâu vào bên trong. Cha mẹ sinh ra chúng ta, dạy chúng ta cách tham muốn và giữ lấy mọi thứ, coi mọi thứ là quan trọng, dạy chúng tin rằng ta là những ‘linh hồn’ cố định và những của cải vật chất là của ta. Từ lúc sinh ra ta đã được dạy về cách sinh tồn như vậy. Chúng ta nghe đi nghe lại, được dạy đi dạy lại về cách tranh đấu, cách tham chấp, cách giữ lấy những thứ gọi là ‘của ta’, và điều đó đã thấm sâu vào tim ta như những cảm giác thường trực. Ta được dạy phải lấy, đạt và phải có nhiều thứ, tích lũy nhiều thứ và giữ chặt chúng, coi chúng là phần quan trọng của đời sống và chúng là ‘của ta’. Đó là cách cha mẹ chúng ta biết và họ đã dạy cho chúng ta làm theo. Do vậy, như lẽ truyền thừa, những điều đó đã thấm sâu vào xương tủy chúng ta.
Khi chúng ta muốn thiền tập và nghe những lời chỉ dạy về tâm linh, ta nghe rất khó hiểu. Chúng ta được sư thầy dạy dẹp bỏ những cách nghĩ và cách làm cố hữu sai lạc đó, nhưng khi nghe vậy, mọi thứ cứ như nước đổ lá môn, chẳng bao giờ thấm vào tim ta.
Rồi chúng ta tiếp tục đi chùa, đọc sách, nghe giảng đủ thứ. Khi đọc và nghe thì thấy có lý, nhưng ngay sau đó chẳng thấm gì vào tâm can. Giống như trận đấu quyền anh dai nhách. Ta đánh liên tục vào đối thủ, nhưng chẳng bao giờ hạ gục được người đó. Tâm trí chúng ta bị dính nặng vào tà kiến thân kiến, về một cái ‘ta’ là tất cả. Bậc hiền trí đã từng nói giang sơn còn dễ chuyển dời hơn là cái ‘ta’ của một người.
Chúng ta có thể dùng chất nổ công phá để phá núi dời non. Nhưng chao ôi, lòng người khó đổi, đụng chạm đến cái ‘ta’ là xảy ra chuyện lớn ngay. Những tư tưởng sai lầm (tà kiến) và những khuynh hướng xấu (gông cùm) thì quá chắc chắn và gần như không phá bỏ được. Chúng ta cũng chẳng biết gì về chúng. Do vậy bậc trí hiền nói việc thay đổi sự hiểu biết sai lạc (tà kiến) thành sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến) là việc khó làm nhất.
Đối với chúng ta là những chúng sinh phàm tục (putthujana), để tiến bộ thành chúng sinh đạo hạnh (kalyanajana) là điều không dễ dàng. Putthujana là người còn bị ngu mờ, người ở trong bóng tối. Kalyanajana là người đã thắp sáng nhiều thứ, là người trong ánh sáng. Những thánh nhân dạy mọi người thắp sáng, nhưng họ không làm theo bởi vì họ không hiểu họ đang ở trong bóng tối. Do vậy họ cứ mãi trôi dạt trong trạng thái ngu mờ và vô minh.
Nếu ta gặp đống phân trâu trên đường, ta có nên nghĩ đó là ‘của ta’ hay không?, hay là không nên nhặt lấy nó bởi ta thừa biết nó là cái gì!
Đó là thứ chỉ tốt đối với những người không sạch. Cũng như thứ bất thiện là thức ăn của người xấu. Nếu chúng ta khuyên họ làm điều tốt, họ sẽ không làm, họ thích làm theo cách của họ, bởi vì họ không hiểu được sự nguy hại của những điều bất thiện. Khi không nhìn thấy sự nguy hại thì họ không cần tu sửa. Nếu ta nhận ra phân trâu là gì, ta sẽ nghĩ “Ồ, cả đống phân trâu của ta chẳng có giá trị bằng một phân vàng!”, và vì vậy ta thích vàng hơn; chẳng ai cần phân trâu làm gì. Nhưng nếu ta không nhận ra phân trâu là gì, ta vẫn nhặt lấy nó và làm chủ của nó.
Đó là thứ chỉ ‘tốt’ đối với người không trong sạch. Vàng bạc, châu báu được cho là những thứ quý giá trên đời người. Thứ hôi thối chỉ ‘tốt’ cho ruồi nhặng và côn trùng. Nếu ta cầm bó hoa tươi, ruồi chẳng thèm bu tới. Ngay cả bạn trả tiền cho chúng, chúng cũng chẳng thèm đến. Nhưng ở đâu có xác chết sình thối, ở đâu có mùi hôi thối tanh tưởi, chúng sẽ bu đến đó. Tà kiến cũng giống như vậy. Tà kiến là kiểu như vậy. Thứ gì là thơm ngọt đối với loài ong thì chẳng ngọt thơm đối với ruồi nhặng. (Người dơ bẩn bất thiện chỉ thích làm việc dơ bẩn bất thiện. Tâm từ bi hay đạo đức là thứ khó nuốt đối với họ.)
Chuyện kể có hai người bạn thân. Sau khi chết, một người được tái sinh thành thiên thần ở cõi trời trong sạch, người kia tái sinh thành con giòi trong đống phân. Thiên thần được phú cho nhiều năng lực siêu phàm, có thể nhớ lại người bạn trong quá khứ. Vị thiên thần dùng thiên nhãn minh để tìm bạn và thấy bạn đang là con giòi trong đống phân. Vị ấy hóa mình vào đống phân để bạn mình nhận ra. Họ mừng rỡ khi gặp nhau. Con giòi hỏi vị thiên thần: “Ụa, rồi anh tái sinh về ở đâu?”. Vị thiên thần trả lời: “Tuyệt vời!. Chỉ toàn là phúc lành ở cõi tiên!. Mọi thứ đều trong sạch và sung sướng. Bạn ước cái gì, cái đó sẽ có ngay. Tôi hy vọng bạn sẽ lên đó với tôi để hưởng phúc.”
Nhưng con giòi bỗng nhiên khóc, vì nó cảm thấy xót thương cho người bạn thiên thần. Nó nói: “Nghe này bạn, nơi tôi đang sống còn hơn cả sự đầy đủ, cuộc sống ở đây đầy thích thú. Tôi thậm chí không cần phải ước cái gì thì nó mới có, tất cả đều có sẵn ở đây. Bạn nên ở lại đây luôn mới phải.” ——–
Tu hành là việc không dễ, nhưng chúng ta cần vượt qua những khó khăn để đạt đến sự dễ chịu. Tu hành theo Giáo Pháp, chúng ta bắt đầu bằng sự thật về khổ, đó là sự bất toại nguyện của sự sống. Ngay khi ta nếm trải sự thật này, lòng ta đã đau buồn. Ta không muốn nhìn vào nó. Khổ thực sự là một sự thật, nhưng ta cứ muốn tránh né, không dám nhìn nhận. Giống như kiểu ta không muốn nhìn người già, ta chỉ luôn thích nhìn người trẻ đẹp và hấp dẫn.
Nếu chúng ta không muốn nhìn vào sự khổ, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu biết về khổ, dù chúng ta sống bao lâu. Khổ là sự thật. Khổ là lẽ thực trong mọi sự sống. Khổ có mặt trong mọi sự sống. Nếu chúng ta cho phép mình đối diện với nó thì chúng ta mới có thể thoát ra khỏi nó. (Vì có sự thật về khổ nên mới có đạo Phật là con đường để giúp giải thoát khỏi khổ. Có nhiều người không chịu đối diện hay nhìn nhận sự khổ, người hiền trí không hiểu họ theo đạo Phật để làm gì). Nếu ta cố tránh né đi chỗ khác và gặp đường bí, ta phải nghĩ ra đường thoát. Ta phải đối diện với chỗ bí đó. Sau nhiều ngày rồi ta cũng tìm ra được đường thoát qua chỗ bí, dù có phải đi vòng hay bỏ công trèo đèo lội suối. Khi ta gặp khó khăn, ta phát triển được trí tuệ (giải thoát) như vậy. Nếu không nhìn thấy sự khổ, chúng ta không thực sự nhìn vào nó và giải quyết nó. Chúng ta chỉ biết chịu đựng nó hoặc làm ngơ với nó ngay trong thân tâm chúng ta.
Cách tu tập mà tôi chỉ cho nhiều người đều liên quan đến khổ, bởi vì hiểu biết về sự khổ chính là con đường của Phật để đi đến giác ngộ. Phật muốn chúng ta nhìn thấy khổ và nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đó. Đây là đường lối (đạo) giải thoát của những bậc giác ngộ. Nếu chúng ta không đi đường này, thì chẳng có đường nào để thoát.
Nếu ta biết về khổ, ta sẽ nhìn thấy nó trong mọi sự trải nghiệm của ta. Nhiều người cảm thấy họ thực sự không bị khổ gì nhiều, nên họ chẳng quan tâm. Đó chỉ là một cách nhìn nhận. Thực ra khổ là bao trùm, khổ ở khắp nơi. Mục đích tu tập của Phật giáo là đi đến giải thoát chúng ta khỏi mọi sự khổ và bất toại nguyện có mặt trong mọi trải nghiệm. Cách như thế nào? Khi khổ khởi sinh, ta điều tra nguyên nhân khởi sinh của khổ. Sau khi đã biết, ta có thể tu tập cách để loại bỏ những nguyên nhân đó. Rồi khi chúng ta đi hết con đường, khổ không còn khởi sinh nữa. Theo Phật giáo, đây chính là lối thoát. Đây là đạo Phật.
Làm ngược lại với thói tâm của mình thường tạo ra khổ. Lẽ thường chúng ta sợ khổ, và điều gì làm chúng ta khổ thì chúng ta không muốn làm. Chúng ta chỉ thích muốn những thứ trong có vẻ tốt và đẹp, và chúng ta coi những thứ dính líu đến khổ là xấu và xui. Nhưng thực ra không phải như vậy. Nếu có khổ trong tâm thì đó là nguyên nhân để ta nghĩ cách thoát ra khỏi nó. Nó làm ta suy xét, quán chiếu. Ta phải chú tâm vào điều tra để tìm hiểu điều gì đang xảy ra, cố tìm ra những nhân và quả của chúng.
Người sống sướng không tu tập trí tuệ. Họ ngủ quên trong sung sướng. Giống như một con chó đã ăn no nê, sau đó nó chẳng muốn làm gì nữa. Nó có thể ngủ cả ngày. Nó không thèm thức sủa khi có kẻ gian vô nhà—quá no và quá mệt. Nhưng nếu chỉ cho nó ăn ít thôi, thì nó sẽ không no nê ngủ vùi, nó sẽ luôn thức và tỉnh giác. Nếu có ai vào nó sẽ chồm lên và sủa vang. Chúng ta đều biết nó như vậy.
Con người dính kẹt và bị cầm tù trong thế giới khoái lạc vật chất. Cho nên dù no đủ, chúng ta vẫn luôn sống trong sự hoài nghi, lo toan, lo lắng và đôi lúc quẫn trí. Có những thứ chúng ta cần phải trừ bỏ. Theo đạo tu dưỡng tâm linh, chúng ta nên từ bỏ bớt về thân, từ bỏ cái ‘ta’ của mình. Chúng ta có thể quyết định dùng cuộc sống này để theo đuổi sự giải thoát.
Nếu chúng ta nói về những giáo pháp vi tế vi diệu, nhiều người sẽ hoảng sợ. Họ không dám thử vào nó. Ngay cả chỉ nói “Không làm điều xấu ác” mà họ cũng không làm theo. Do vậy tôi đã tìm mọi cách để vượt qua điều đó, và một điều tôi vẫn thường nói là—khi sống trên đời này, chúng ta sống như chim trong lồng. Dù chúng ta có đang sướng hay khổ, vui hay buồn, đang khóc hay đang ca hát…thì cũng như chim trong lồng. Chúng ta không vượt qua tình trạng ở trong lồng. Ta nghèo, ta đang sống trong lồng. Dù ta giàu có, ta vẫn sống trong lồng. Dù ta có đang ca hát hay nhảy múa thì cũng đang ca hát và nhảy múa trong lồng.
Lồng là cái gì?. Đó là giới hạn. Đó là lồng của sự sinh, lồng của sự già đi, lồng của sự bệnh yếu, lồng của sự sẽ chết. Nói cách khác, chúng ta đang bị giam cầm trong thế giới này. “Đây là của ta”. “Đó là của ta”. Nhưng chúng ta không biết đích thực ta là gì và ta đang làm gì. Đích thực thì tất cả những gì chúng ta đang làm chỉ là tích tạo thêm sự khổ đau cho chính mình. Không phải những gì xa vời làm ta khổ, mà chính là do chúng ta tạo ra khổ cho chính mình, chính do những thứ bên trong tâm này: bởi vì chúng ta chẳng chịu nhìn vào trong. Cho dù chúng ta giàu có và sung sướng, chúng ta cũng không thoát khỏi già, bệnh, chết. Đó chính là sự khổ (dukkha) ngay tại đây và bây giờ.
Việc đau bệnh không phải là xa vời. Nó có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nó giống như ta đã ăn trộm cái gì: bất cứ lúc nào ta cũng có thể bị bắt tù vì điều đó. Đó là tình cảnh của chúng ta. Đó là thực trạng của chúng ta.
Chúng ta tồn tại cùng với những thứ hiểm nguy, giữa những mối hiểm họa và vấn nạn. Già, bệnh, chết thống trị đời ta. Chúng ta không thể đi chỗ khác, không thể thoát khỏi chúng. Chúng có thể đến với ta bất cứ lúc nào—chúng luôn luôn có cơ hội để xảy đến với ta. Do vậy, ta nên nhìn nhận chúng, và chấp nhận tình cảnh của mình. Giống như ta phải tự bào chữa cho mình, thì bản án sẽ nhẹ hơn. Nếu ta chấp nhận và không bào chữa cho mình, ta phải chịu án nặng hơn. Nếu ta tự bào chữa, chúng sẽ nhẹ tay với ta hơn—ta sẽ không bị tra tấn lâu hơn và không bị bản án giam cầm quá dài lâu trong tù. (Nếu ta không nhìn nhận khổ, khổ sẽ càng nghiêm trọng hơn).
Khi thân này được sinh ra, nó không thuộc về ‘ai’ cả. Giống như cái thiền đường này. Sau khi được xây, nhện đến ở. Thằn lằn đến ở. Tất cả mọi côn trùng và bò sát đều có thể đến ở. Thậm chí rắn cũng vô ở. Bất cứ kiến, gián, mọt, ruồi, mèo, chuột…đều có thể vô ở bất cứ lúc nào. Đó là nhà của mọi vật.
Những thân này của chúng ta cũng vậy. Chúng không phải của chúng ta. Chúng ta đến ở trọ trong các thân và tùy thuộc vào chúng. Bệnh, đau, già…đến ở trong thân, và ta cũng chỉ là kẻ ở chung trong thân. Đến khi các thân này trải qua những khổ, già, bệnh, đau…rồi chúng tan rã và chết, đó không phải là ta chết. Đó là thân già, bệnh, chết; đâu phải chúng ta chết đâu. Hãy suy xét và chánh niệm một cách rõ ràng về điều này. Và sau khi hiểu biết rõ như vậy, sự ràng buộc vào thân này của chúng ta sẽ từ từ được tháo buông ra. Thân chỉ là tạm bợ, thân này chỉ là giả tạm, phù du. Ta không còn chấp thủ thứ gì của cái thân này nữa. Gông cùm ‘thân kiến’ sẽ từ từ phai biến.
——–
Khổ là từ tham muốn dục vọng. Dục vọng có giới hạn nào không? Đến điểm nào nó được thỏa mãn? Không, lòng tham là vô đáy. Dục vọng là vô tận, không bao giờ thỏa mãn được nó. Nó luôn muốn có nữa, có thêm nữa, ngay cả khi gần chết người ta vẫn còn tham muốn; bởi vì không bao giờ có gì thỏa mãn cho nó.
Những lời Phật đã hướng dẫn là dành cho “người giàu”. Biết hài lòng với cái mình đang có là “người giàu”. Giáo lý này là để cho “người giàu”. Đó là giáo lý đáng để học hỏi, đáng để quán chiếu với thực tế. (Giàu về mặt trí tuệ tâm linh). Trước tiên, đó là lối sống có đạo đức. Khi cuộc sống chúng ta đã tạm ổn định, chúng ta nên nghĩ thêm về cuộc sống tâm linh. Ta có thể tái sinh về bất kỳ cõi nào sau khi chết. Lối sống có đạo đức giúp tránh những con đường dẫn xuống những cõi thấp xấu (như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh).
Rồi đến phần Giáo Pháp cao sâu hơn. Có thể một số người không hiểu nó. Ví dụ, nhiều người nghe Phật nói rằng đối với Phật, Phật không còn sinh nữa (sinh đã tận) thì họ thấy khó chịu. Nói thẳng ra, Phật nói chúng ta không nên được sinh ra nữa, vì sinh là nguyên nhân khổ. Chỉ là từ cái sinh mà khổ, hãy suy xét kỹ về điều này. Sau khi sinh là có khổ đi theo. Khổ có mặt ngay lúc sinh. Chúng ta cứ nghĩ nhờ có sinh nên chúng ta có có mắt, có mũi, miệng, đủ thứ. Giờ lại nghe người ta tu hành để…không còn được sinh ra nữa, nghe vậy chúng ta thất vọng và sợ hãi, chẳng ai muốn tu hành để đi đến đó. Nhưng giáo lý sâu sắc nhất của Phật là ở chỗ đó.
Tại sao chúng ta đang có khổ? Bởi vì chúng ta đã được sinh ra. Do vậy, chúng ta được dạy để chấm dứt sinh. Chỗ này không phải chỉ nói về sự sinh tử của thân này. Thân này sinh ra rồi chết đi, chuyện đó một đứa trẻ con cũng biết. Khi hơi thở chấm dứt, thân chết, nằm thành xác chết. Đây là cách chúng ta hay tả về cái chết. Người chết tắt thở. Nhưng còn cái người chết đang thở—chính là ta đang sống mà chết đi trong từng giây từng phút—thì chẳng ai để ý đến. Chúng ta chỉ người chết là chỉ cái xác chết thôi. Đó là chết.
Sinh cũng vậy, khi nói sinh là ta nghĩ đến việc một người mẹ đến nhà thương sinh ra đứa con. Chúng ta chỉ biết về một cái thân được sinh ra, nhưng lúc nào cái tâm được sinh ra thì ta không biết được. Những trạng thái tâm thì có mặt lúc nào? Khi ta bực mình chuyện nhà cửa, ta có để ý tâm đó từ đâu sinh ra? Lúc có tâm trạng thương mến. Lúc có tâm trạng bực bội. Lúc dễ chịu, lúc khó chịu—đủ thứ loại trạng thái của tâm. Đó là sinh.
Khi mắt nhìn thấy thứ gì gây khó chịu, khổ sinh ra. Ta nghe điều gì dễ chịu, khổ cũng sinh ra. Cuối cùng cũng chỉ là khổ. (Sướng, dễ chịu, hạnh phúc…chỉ là mặt khác của khổ mà thôi).
Phật tóm lại rằng: chỉ có một đống khổ. Khổ sinh và khổ diệt. Tất cả chỉ có vậy. Chúng ta cứ chụp lấy và dính vào khổ, dính vào khổ sinh, dính vào khổ diệt, nhưng chưa bao giờ hiểu về nó.
Khi khổ khởi sinh, ta nói mình có khổ. Khi khổ chấm dứt, ta gọi đó là sướng (lạc). Khổ và sướng chỉ là hai mặt của một nguyên nhân. Chỉ là do khổ. Lúc nó sinh thì gọi là khổ, lúc nó hết thì gọi là sướng. Chúng ta được dạy để quan sát thân và tâm đang sinh và đang diệt. Chẳng có gì khác ngoài tấn tuồng này của khổ.
Nói lại, chúng ta nhận thấy khổ khi khổ khởi sinh. Rồi khi khổ hết chúng ta nhận thấy sướng. Chúng ta nhìn nó và gán cho nó là sướng, nhưng thực ra nó không phải vậy. Đó chỉ là sự hết khổ, sự chấm dứt khổ. Khổ khởi sinh và biến mất, có rồi mất, sinh rồi diệt, và chúng ta cứ chụp lấy nó, và phân thành khổ và sướng. Sự sướng (hạnh phúc, dễ chịu) có mặt, ta thấy vui. Sự không sướng (bất hạnh, khó chịu) có mặt, ta thấy buồn. Thực ra sướng hay không sướng chỉ là do khổ diệt hay khổ sinh mà thôi, chỉ là một thứ sinh rồi diệt. Khi có sinh, thì có cái gì đó. Khi có diệt, nó không còn cái đó. Đây chính là chỗ chúng ta bị rối tâm. Do vậy, Phật đã dạy rằng: chỉ có khổ sinh và khổ diệt, và ngoài đó ra, chẳng có gì khác.
Chúng ta không nhận ra được rằng chỉ có khổ, bởi vì khi khổ chấm dứt, ta thấy sướng ở đó. Chúng ta chụp lấy sướng và dính vào nó. Nhưng chúng ta chẳng hiểu được nó là gì, thực ra đó chỉ là sự sinh và diệt của một thứ là khổ.
Phật tóm tắt lại rằng chỉ có sự sinh và diệt, ngoài ra chẳng có gì khác. Điều này trông khó nghe, hoặc nghe khó hiểu. Nhưng ai thực sự cảm nhận được giáo pháp sẽ sống bình tâm mà không phụ thuộc vào thứ gì trên đời và sống thư thái. (Không chấp khổ, không chấp sướng).
Sự thật là như vậy. Sự thật là trên thế giới này chẳng có thứ gì làm cho chúng ta khổ. Chẳng có gì đáng làm ta lo lắng về nó. Chẳng có gì đáng để ta khóc than hay tức cười về nó. Về bản chất, chẳng có gì bi thảm hay khoái lạc. (Khổ là do chúng ta tự cảm nhận, do chúng ta nghĩ, do chúng ta chọn lấy).
Nếu chúng ta thực sự hiểu biết giáo pháp và quán xét liên tục, thì chẳng có gì là một cái gì cả; duy nhất chỉ là sự sinh và diệt. Không có khổ hay sướng đích thực. Khi ta nhìn ra không có sướng không có khổ, thì tâm ta được bình an.
Nhưng khi có khổ và có sướng, thì có sự trở thành (nghiệp hữu) và có sự sinh. Đó là sự chuyển hóa (tái sinh) bất tận.
Chúng ta thường cố làm hết khổ để làm khởi sinh ra sướng. Đó là điều chúng ta muốn. Nhưng cái chúng ta muốn không phải là sự bình an thực sự; đó chỉ là khổ và sướng. (Hai thứ đều có mặt thì không thể gọi là bình an hay bình tâm được). Mục đích của Phật là dạy cho chúng ta cách tu hành để tạo ra loại nghiệp (kamma) vượt trên cả khổ và sướng, và nó mang lại sự bình an. Nhưng thói thường chúng ta hay nghĩ rằng chỉ có hạnh phúc mới đem lại sự bình an. Khi chúng ta tìm thấy vài điều hạnh phúc (tiền bạc, nhà cửa, gia đình, con cái, công việc…), chúng ta nghĩ rằng đã đủ tốt.
Do vậy, chúng ta nghĩ có được nhiều thứ là tốt, thói thường là vậy. Chúng ta chỉ nghĩ đến công thức: Làm tốt mang lại kết quả tốt, và chỉ có kết quả tốt thì chúng ta mới hạnh phúc. Chúng ta nghĩ làm nên hạnh phúc như vậy là đủ, nên không cần làm gì nữa. Nhưng liệu những điều tốt đó có tồn tại được lâu hay không?. Không. Chúng ta cứ chạy tới, chạy lui, lo này, lo nọ, tính này, tính nọ, nếm trải đủ thứ tốt và xấu, cố gắng cả ngày và đêm để cố giữ cho được những thứ hạnh phúc mà ta gọi là tốt đó. (Giàu thì lo giữ của cải, danh phận…; nghèo thì lo giữ từng nồi cơm, manh áo, chỗ ở…, đó là cách chúng ta nghĩ sẽ mang lại hạnh phúc. Do vậy, ngày đêm ta phải lo lắng, tính toán sao cho giữ được những thứ đó mới giữ được hạnh phúc. Và cuộc sống chỉ là một sự đeo đuổi liên tục, không có sự bình an đích thực.)
Phật dạy rằng trước hết ta nên từ bỏ những điều xấu ác, làm những điều tốt thiện. Thứ hai, Phật dạy ta về sau cũng phải từ bỏ luôn cả điều xấu và điều tốt, không dính líu gì vào chúng, bởi vì chúng giống như những thứ nhiên liệu, rồi cũng bắt cháy thành lửa khổ. Tốt là nhiên liệu. Xấu cũng là nhiên liệu. (Vì vậy: không nghĩ thiện, không nghĩ ác mới là cách đúng đắn).