ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG I: XÁ LỢI PHẤT (SĀRIPUTTA) – VỊ TƯỚNG QUÂN CỦA GIÁO PHÁP

BÊN BỜ KIA

Trong Tiểu Kinh Người Chăn Bò (Cūlagopālaka Sutta, MN 34), Đức Phật dùng thí dụ về đàn bò qua sông để giải thích các hạng tỳ khưu “vượt qua được dòng sông của Ma vương” để qua “bờ bên kia” an ổn. Một người chăn bò vô trí không quan sát bờ bên này và bờ bên kia của sông Hằng, lùa bò qua sông tại chỗ không thể lội qua. Đàn bò gặp tai nạn. Một người chăn bò khác, có trí, quan sát bờ bên này và bờ bên kia của sông Hằng, rồi lùa bò qua sông tại chỗ có thể lội qua được. Đức Phật như người chăn có trí, đã đưa nhiều hạng người qua dòng sông sanh tử, an toàn đến Niết bàn, bờ bên kia. Bậc Toàn Giác dạy:

“Này các tỳ khưu, ví như những con bò lớn mạnh đầu đàn lội qua sông Hằng và đến bờ bên kia một cách an toàn, cũng vậy, những tỳ khưu là bậc a-la-hán đã đoạn trừ các lậu hoặc, tu hành viên mãn, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, đã đạt được mục đích, các kiết sử hoàn toàn bị đoạn diệt, đã được giải thoát nhờ chánh trí. Những vị này, sau khi lội qua dòng sông của Ma vương (dòng sông sanh tử luân hồi, saṃsāra), đã qua bờ bên kia một cách an toàn.”

Có hai loại Niết bàn, Sopādisesa Nibbāna (Hữu dư Niết bàn) còn ngũ uẩn, và Anupādisesa Nibbāna (Vô dư Niết bàn) không còn ngũ uẩn. Vị a-la-hán đã tận diệt tất cả phiền não, nhưng vẫn còn có thân và tâm do quả của nghiệp quá khứ.

Vì thế, Niết bàn mà vị a-la-hán chứng ngộ lúc sanh tiền là Hữu dư Niết bàn vì vẫn còn ngũ uẩn. Hữu dư Niết bàn còn được gọi là Phiền não Niết bàn – Kilesa Parinibbāna, có nghĩa là “hoàn toàn diệt tắt phiền não.” Khi vị a-la-hán chết thì ngũ uẩn tan rã. Sự chấm dứt này là Vô dư Niết bàn, còn gọi là Ngũ uẩn Niết bàn – Khanda Parinibbāna, có nghĩa là “hoàn toàn tận diệt ngũ uẩn.”

MÓN NỢ CUỐI ĐÃ TRẢ

BỔN SƯ

Một ngày cuối mùa an cư kiết hạ, Đức Thế Tôn trở về tịnh xá Jetavana. Năm ấy cũng gần lúc Ngài nhập Niết bàn không còn ngũ uẩn, Khanda Parinibbāna. Dù tâm lúc nào cũng minh mẫn, thân Ngài giờ đã mệt mỏi. Ngài tám mươi tuổi rồi. Gần bốn mươi lăm năm bộ hành khắp Bắc Ấn, Đức Tôn Sư thuyết pháp và hóa duyên không ngừng nghỉ, chỉ trừ mùa mưa an cư hằng năm.

Hay tin Đức Bổn Sư về, Trưởng lão Sāriputta đến vấn an, đảnh lễ Ngài, rồi quay trở lại tịnh cốc. Không biết bụi đường trên y Thế Tôn có dày hơn mọi lần, những bước chân chậm đi nhiều, dáng dấp yếu hẳn, hay những nếp da nhăn rõ rệt quá, mà trong ánh mắt Trưởng lão nhìn Thầy mình sao thoáng ánh suy tư. Và, không như thường nhật, hôm ấy Trưởng lão không ra ngoài mà tham thiền, nhập a-la-hán quả định (arahattapahala-samāpatti). Sau khi xả thiền, bất chợt ngài tự hỏi: “Chư Phật sẽ nhập diệt trước hay sau các trưởng đệ tử?”

Sāriputta quán chiếu và biết rằng các trưởng đệ tử nhập diệt trước. Trưởng lão còn thấy được xác thân tứ đại của chính mình đang đến lúc tan rã, chỉ còn chịu được thêm một tuần nữa mà thôi. Rồi ngài suy ngẫm: “Rāhula đã nhập Niết bàn giữa các vị trời ở cõi trời Tam thập tam, và Trưởng lão Aññā Koṇḍañña ở Hồ Chaddanta trên dãy Hy mã lạp sơn. Còn ta nên nhập diệt ở đâu?”

Khi đang quán chiếu những điều này thì Sāriputta nhớ đến mẹ ngài và tự nhủ: “Mặc dù là mẹ của bảy vị a-la-hán (ba em trai và ba chị em gái của ngài đều xuất gia, đắc quả a-la-hán), vậy mà mẹ không có chút tín tâm vào Phật, Pháp, Tăng. Không biết đã đến lúc mẹ đầy đủ căn cơ và thiện duyên để có thể thành tựu được chánh tín đó hay chưa?”

Dùng tuệ nhãn thanh tịnh, Sāriputta thấy biết được ngày ấy đã đến, và người cứu độ được mẹ chính là ngài! Vì vậy, ngài quyết định sẽ về lại quê hương – là làng Nālaka – hóa duyên cho mẹ để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục, và nhập diệt ngay trong căn phòng ngày xưa mẹ đã sanh ra ngài.

Không còn thời gian trì hoãn nữa, Trưởng lão Sāriputta nghĩ: “Ngay ngày hôm nay ta sẽ xin Đức Bổn Sư cho ta chuẩn bị nhập diệt.” Đoạn, ngài dạy Trưởng lão Cunda – em ruột của ngài và lúc ấy là thị giả của ngài – gọi năm trăm chư tăng chuẩn bị y bát, cùng ngài về Nālaka. Phần ngài, ngài quét dọn sạch sẽ, sắp đặt ngăn nắp tịnh cốc của mình. Rồi đứng ở ngưỡng cửa nhìn lại cốc, Sāriputta tự nhủ: “Đây là lần cuối ta nhìn cảnh vật này. Sẽ không còn trở lại nữa.”

Rồi sau đó, cùng chư tỳ khưu, Sāriputta đến gặp Đức Bổn Sư, đảnh lễ và thưa:

“Bạch Tôn Sư, cầu xin Đức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng hãy cho con được phép nhập Niết bàn. Giờ phút ấy sắp đến với con. Kiếp sống cuối cùng này sắp chấm dứt.

Bạch Thầy! Đấng Pháp Vương vô thượng!
Con sắp thoát khỏi đời trần thế,
Không bao giờ còn đi và về.
Đây là lần cuối, quỳ chiêm bái Thầy.
Kiếp người còn ngắn ngủi bảy ngày,
Rồi tấm thân tứ đại hôm nay
Nằm xuống, trút gánh nặng trầm luân.
Hãy cho phép con, Thầy yêu kính!
Nhập Niết bàn, giây phút ấy đây.
Kiếp sống cuối đến ngày đoạn diệt.

Kinh điển ghi lại rằng, nếu Đức Thế Tôn trả lời: “Như Lai cho phép Sāriputta nhập Niết bàn,” những giáo phái thù nghịch sẽ cho rằng Ngài tuyên dương sự chết. Còn nếu Ngài trả lời: “Đừng nhập Niết bàn,” họ lại cho rằng Ngài tán đồng sự tiếp tục của tồn tại, thường còn. Do đó, đấng Toàn Giác không nói cho phép hay không, mà hỏi người đệ tử chọn nơi đâu để viên tịch. Sāriputta trả lời là làng Nālaka, xứ Magadha, quê hương mình, nơi chôn nhau cắt rốn.

Đức Thế Tôn dạy:

“Sāriputta, hãy thực hành những gì con nghĩ đúng lúc phải làm. Nhưng từ nay về sau, chư huynh đệ sẽ không còn cơ duyên được gặp gỡ một vị tỳ khưu như con nữa. Hãy ban cho họ một thời pháp cuối cùng.”

Vị trưởng đệ tử vâng lời, thuyết một bài pháp với tất cả uy lực mầu nhiệm. Giải thích khúc chiết mạch lạc, dẫn chứng hùng hồn, Sāriputta trình bày Giáo Pháp từ tột đỉnh của Chân lý tối thượng và thâm sâu vi diệu, đến những sự thực đơn giản và rất đời thường.

Khi bài pháp kết thúc, ngài đảnh lễ dưới chân Bổn Sư. Quỳ mọp, cung kính ôm chân vị Thầy ân đức cao quý nhất, ngài dịu dàng thưa:

“Để được kính cẩn lễ bái đôi bàn chân này, con đã hành trì mười pháp ba-la-mật (pāramī) từ vạn kỷ, qua bao nhiêu đời kiếp. Đại nguyện của con nay được viên mãn rồi. Từ nay sẽ không còn gặp gỡ; quan hệ mật thiết này giờ đây cắt đứt. Không bao lâu nữa con sẽ nhập Niết bàn, nơi không có sanh lão bệnh tử, nơi an lành, hạnh phúc, dịu mát và bình yên, nơi chư Phật hằng quy nhập.”

Đoạn, Sāriputta khải sám:

“Bạch Thế Tôn, nếu con đã có hành vi hay lời nói nào không vừa ý Thế Tôn, xin hãy tha thứ cho con! Đến lúc con phải từ biệt rồi.”

Bổn Sư hiền hòa trả lời người đệ tử thân thương đang quỳ dưới chân mình:

“Như Lai tha thứ cho con, Sāriputta. Nhưng không có một hành vi hay lời nói nào của con làm Như Lai không hài lòng. Sāriputta, hãy lên đường, thực hành những gì đúng lúc phải làm.”

Lời dạy này của Đức Phật cho thấy trong một vài lần Ngài khiển trách Sāriputta, Ngài không hề phật lòng mà chỉ lưu ý vị trưởng tử của mình về một cái nhìn khác, một cách giải quyết vấn đề khác.

Được Đức Bổn Sư ưng thuận lời xin nhập diệt, Sāriputta đảnh lễ dưới chân Thầy rồi cung kính đứng dậy. Ngay sau khi ấy, đại địa chấn động đến rung chuyển cả lòng đại dương, sấm sét rền vang, và mưa rơi như thác đổ. Đất trời như thể không chịu đựng nổi ngày vị thánh phạm hạnh vô song Sāriputta được phép từ bỏ kiếp sống cuối cùng.

Rồi Đức Thế Tôn nghĩ: “Bây giờ Như Lai cho phép vị tướng quân của Giáo Pháp ra đi.” Và Ngài rời chỗ ngồi, trở về hương thất, đứng yên lặng nơi ấy.

Sāriputta đi quanh cốc của Bổn Sư ba lần, vai phải của ngài hướng về nơi Bổn Sư đang đứng, cung kính lễ bái bốn phía tịnh cốc. Và ý nghĩ sau đến với ngài: “Vô lượng kiếp trước con đã phủ phục quỳ dưới chân Đức Phật Anomadassī, phát đại nguyện được trông thấy Thầy. Lần đầu gặp gỡ là lần đầu tiên con thấy mặt Thầy; bây giờ là lần cuối cùng, và mai này sẽ không bao giờ còn lần nào nữa.” Rồi ngài cúi đầu bái biệt vị Thầy kính yêu. Chắp tay trước ngực, mắt hướng về phía Bổn Sư không rời, Sāriputta bước thụt lùi mãi đến khi không còn nhìn thấy Thầy được nữa.

Đức Thế Tôn dạy chư tăng đang tề tựu chung quanh:

“Này chư tỳ khưu, hãy đi theo tiễn biệt đại sư huynh của các con!”

Đại chúng vâng lời, lập tức rời khỏi tịnh xá, theo gót Trưởng lão Sāriputta. Chỉ còn Đức Thế Tôn ở lại.

Dân chúng trong thành Sāvatthi cũng đồng lượt ra khỏi nhà, hương hoa trong tay, nối gót tiễn đưa Trưởng lão. Họ buồn bã khóc than:

“Trước đây, ngài đi rồi trở về. Lần ra đi này ngài sẽ không bao giờ trở lại.”

Ngài Sāriputta nhẹ nhàng nhắc nhở:

“Đây là con đường không ai tránh khỏi. Các pháp hữu vi đều vô thường. Có sanh có diệt.”

Rồi ngài yêu cầu họ về lại nhà. Quay nhìn những huynh đệ sa môn theo tiễn biệt, ngài dạy:

“Chư huynh đệ trở về được rồi. Hãy chăm sóc Bổn Sư. Đừng bao giờ xao lãng.”

Bao giờ, và hơn bao giờ hết, ngài cũng luôn nhớ đến Bổn Sư… Từ nay ngài không còn được đích thân cận kề chăm sóc người Thầy yêu kính nhất đời nữa.

Trên con đường thăm thẳm quay về quê cũ chuẩn bị ngày nhập diệt, mỗi bước chân chánh niệm của vị trưởng tử Như Lai là một dấu ấn sâu sắc cho từng lời Bổn Sư thường nhắc nhở: “Rồi có một ngày chúng ta sẽ phải chịu ngăn cách, biệt ly, xa rời tất cả những gì ta yêu mến vô cùng. Không tránh được! Có sanh có diệt. Có hợp có tan. Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, không bền vững. Hãy tinh tấn tìm cầu giải thoát!”

Những dấu ấn ấy có lẽ là cúng dường cuối cùng, cao thượng nhất, ý nghĩa nhất mà ngài Sāriputta đã kính dâng lên Bổn Sư để đền ân giáo huấn trên con đường giải thoát.

MẸ

Đức Thế Tôn dạy: “Có hai hạng người không thể trả ơn được. Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, suốt một trăm năm, cho đến khi cha mẹ được trăm tuổi, nếu đấm bóp, thoa dầu, tắm gội, và dù tại đấy mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ, cho cha.”

May mắn thay, Ngài còn dạy thêm:

“Ai có cha mẹ không có chánh tín, thì khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào chánh tín; có cha mẹ theo ác giới, thì khuyến khích hướng dẫn an trú vào thiện giới; có cha mẹ gian tham, thì khuyến khích hướng dẫn an trú vào bố thí cúng dường; có cha mẹ theo ác trí, thì khuyến khích hướng dẫn an trú vào thiện trí. Làm được như vậy là đền đáp tròn đầy ân đức của mẹ cha.”

Những lời dạy ấy ắt hẳn luôn nằm trong tâm khảm của Sāriputta, một người con đại hiếu và một vị thánh hạnh nguyện cao thượng vô biên. Đó là vì cho đến lúc ngài sắp kết thúc kiếp sống cuối cùng, mẹ ngài – bà Rūpasārī – vẫn chưa có đức tin nơi Tam Bảo. Bà vẫn là một tín đồ bà-la-môn giáo trung kiên, lúc nào cũng đố kỵ, thù ghét Giáo Pháp của Đức Phật và các đệ tử của Ngài.

Sāriputta sanh trưởng trong một gia đình bà-la-môn giáo. Ngài có ba anh em trai và ba chị em gái. Cả bảy anh chị em đều lần lượt xuất gia với Đức Phật và đắc thánh quả a-la-hán. Lúc lập gia đình, ba chị em gái mỗi người sanh một trai. Ba người con trai này cũng xuất gia, gia nhập Tăng chúng.

Cứ thế, lần lượt từng người con, từng đứa cháu bỏ nhà ra đi, xa rời bà Rūpasārī, trở thành đệ tử Phật, lấy Tăng chúng làm thân quyến. Mây mù vô minh dày đặc bủa vây, sợi dây luyến ái ngày càng trói siết, vật vã trái tim bà. Có lẽ vì thế mà bà căm giận Đức Phật, nghi kỵ Pháp Bảo, thù nghịch chư Tăng.

Thấy mẹ như vậy, ngoài tình yêu thương của người con hiếu thảo, lòng ngài Sāriputta còn tràn ngập niềm bi mẫn trước vô minh lầm lạc và bất thiện nghiệp của mẹ. Đến cuối cuộc đời, ý muốn báo đền công ơn sanh thành dưỡng dục cho mẹ càng thôi thúc ngài hơn bao giờ hết. Dù sức tàn lực kiệt, ngài cũng quyết tâm trở về quê nhà, thăm mẹ lần chót để cứu độ mẹ thoát khỏi vòng đau khổ triền miên.

Với quyết tâm ấy, sau khi được Đức Tôn Sư cho phép về quê hương để nhập diệt, ngài Sāriputta cùng ngài Cunda – người em trai và cũng là thị giả của ngài – dẫn năm trăm vị tỳ khưu trở lại làng Nālaka, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có người mẹ già còn lặn ngụp trong bể trầm luân.

Trên đường đi, Sāriputta lâm bệnh. Thế nhưng, từng bước, từng bước, với đôi chân yếu ớt, ngài vẫn kiên trì hướng về quê mẹ. Ngài đi suốt ngày, chỉ nghỉ ngơi lúc về khuya, và vì vậy ngài đã mang lại phước lành và niềm hoan hỷ cho bao nhiêu người được trông thấy và đảnh lễ ngài lần cuối trong cuộc hành trình bảy ngày từ Sāvatthi đến Nālaka.

Trưởng lão Sāriputa và chư tăng về đến làng lúc trời sẩm tối. Lúc ngài dừng bước ở cây đa đầu làng, một người cháu của ngài đến đảnh lễ. Ngài nhờ cháu thông báo cho mẹ hay rằng ngài sẽ ở lại nhà bà một ngày, dặn bà sửa soạn căn phòng nơi ngày xưa ngài đã chào đời, và cung ứng chỗ trú ngụ cho năm trăm sa môn.

Hay tin con về, bà Rūpasārī tự hỏi:

“Vì sao ông ấy về? Vì sao yêu cầu ta cung cấp ngần ấy chỗ ở? Thời thanh xuân thì đi tu, chẳng lẽ khi tuổi già bóng xế muốn trở lại đời thế tục?”

Thắc mắc nhưng bà vẫn sắp đặt như lời ngài Sāriputta yêu cầu, đốt đuốc soi đường, và mời Trưởng lão cùng chư tỳ khưu về nhà.

Chư tăng theo ngài Sāriputta vào sân nhà. Sau khi ngồi xuống trong căn phòng nơi mình đã chào đời, ngài truyền các đệ tử về chỗ tạm trú. Tuy nhiên, không ai rời bỏ ngài được vì lúc bấy giờ ngài đã hoàn toàn kiệt lực. Thân xác ngài phút chốc bỗng đau đớn tột cùng do chứng kiết lỵ phát tác, hoành hành. Ngài đi tả không ngừng. Các đệ tử của ngài kề cận, tận tụy tẩy uế, chăm sóc đỡ đần từng giây phút.

Mẹ ngài thấy vậy, sanh lòng cảm kích chư vị. Khi ngài Sāriputta tạm yên nghỉ, bà cung thỉnh chư tỳ khưu về nghỉ ngơi nơi bà đã dọn dẹp sắp đặt trước.

Và đó là sự cúng dường trong sạch đầu tiên trong đời mẹ ngài đã dâng đến chư tăng.

Theo dõi bệnh tình, biết con mình chỉ còn tàn lực, mẹ ngài đau xót trong lòng, không sao ngủ được. Bà đứng tựa trước cửa phòng mình, lo âu suy nghĩ.

Đến nửa đêm, biết vị trưởng tử của Đức Phật sắp nhập diệt, tất cả chư thiên ở các cõi trời lần lượt xuống trần, viếng thăm và đảnh lễ bái biệt ngài. Từ châu thân các vị, ánh sáng liên tục chói ngời và hương thơm tỏa ngào ngạt phòng Trưởng lão Sāriputta.

Mẹ ngài đứng tựa cửa phòng mình trông qua phòng con nên nhìn thấy chư thiên và ánh sáng kỳ diệu này. Bà tự hỏi: “Ai đã đến đảnh lễ con trai của ta?” Bà đi đến cửa phòng ngài và hỏi ngài Cunda về bệnh tình của Trưởng lão. Cunda vào thưa Trưởng lão:

“Thưa sư huynh, có đại tín nữ (upāsikā) đến viếng thăm.”

Sāriputta dịu dàng hỏi mẹ:

“Sao giờ này mẹ chưa nghỉ ngơi, lại vào đây?”

“Mẹ đến thăm con, con yêu quý,” bà trả lời. “Này con, lúc nãy ai đã vào đây viếng thăm con đầu tiên?”

“Thưa mẹ, đó là Tứ đại Thiên vương.”

“Như vậy, con còn cao quý hơn các ngài ấy?”

“Họ chỉ là những vị hộ pháp. Từ khi Đức Phật đản sanh, họ là những vị cận vệ có sứ mệnh bảo vệ Ngài.”

Bà hỏi tiếp:

“Sau khi họ đi rồi, vị kế tiếp đến thăm con là ai?”

“Thưa mẹ, đó là vua trời Sakka (Đế Thích).”

“Như vậy, con yêu, con còn cao quý hơn vua trời Sakka phải không?”

“Vua trời Sakka chỉ như một sa di thị giả của một sa môn. Khi Đức Thế Tôn từ cõi trời Đao lợi thuyết pháp trở về, ông đã kính cẩn mang y bát của Đức Thế Tôn rồi theo hầu và tiễn chân Ngài đến tận cõi trần.”

“Và khi vua trời Sakka đi rồi, ai đã đến thăm con mà hào quang tỏa sáng cả căn phòng?”

“Mẹ ơi, là ngài Mahā Brahmā, vị giáo chủ và thiên sư của mẹ đó.”

“Vậy thì con còn cao quý hơn giáo chủ Đại Phạm thiên Mahā Brahmā của mẹ sao?”

“Vâng, thưa mẹ, ngày Đức Tôn Sư chào đời, chính bốn vị Đại Phạm thiên đã đến đón đỡ bậc Thiên Nhân Sư trong một tấm lưới chói vàng rực rỡ.”

Nghe vậy, người mẹ bà-la-môn giáo tự hỏi: “Nếu oai lực của con trai mình đã như thế này thì oai lực Đức Tôn Sư của con ta còn hùng vĩ đến đâu nữa?”

Nghĩ đến đây, bỗng dưng một niềm sung sướng hỷ lạc bừng dậy, dâng tràn khắp châu thân bà.

Trưởng lão quán thấy được tâm tư của mẹ, ngài biết rằng đây chính là lúc để mang Pháp Bảo đến cho bà. Trìu mến mà nghiêm trang, ngài hỏi mẹ:

“Tín nữ đang nghĩ gì?”

“Mẹ đang nghĩ,” bà trả lời, “nếu con trai của mẹ phước hạnh giới đức như thế thì phước hạnh giới đức của Thầy con còn vĩ đại đến đâu.”

Ngài Sāriputta trả lời:

“Trong giây phút Đức Tôn Sư chào đời, đêm Ngài xuất gia lìa bỏ đời thế tục, khi Ngài thành đạo, và lúc Ngài chuyển Pháp luân lần đầu tiên, cả hàng vạn thế giới đều chấn động. Không một ai có được giới hạnh, an trụ, trí tuệ, cũng như sự thuần thục và nhận thức Chân Lý giải thoát vĩ đại sánh bằng Ngài.”

Rồi trước khi kết thúc kiếp sống cuối cùng, ngài Sāriputta đem hết tâm lực của mình giảng giải cặn kẽ cho mẹ về ân đức của Đức Thế Tôn qua chín danh hiệu Phật: “Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.” Và như thế, ngài mang Pháp Bảo đến cho thân mẫu qua các phẩm hạnh của Đức Phật.

Khi bài pháp của người con thân yêu chấm dứt, người phụ nữ bà-la-môn phát chánh tín trong sạch, mạnh mẽ và thành kính nơi Tam Bảo. Bà đắc quả nhập lưu, nhập dòng thánh.

Vào lúc đó là buổi rạng đông. Ngài Sāriputta truyền Trưởng lão Cunda triệu tập chư tăng. Khi chư vị đã tề tựu, ngài dạy Trưởng lão Cunda đỡ ngài ngồi dậy. Rồi ngài nói cùng tất cả:

“Đã bốn mươi bốn năm huynh cùng sống và du hành với chư hiền đệ. Nếu huynh đã có một hành vi hay lời nói nào không vừa ý chư hiền đệ, xin hãy tha thứ cho huynh.”

Chư tăng đồng trả lời:

“Bạch ngài, đại sư huynh! Mặc dù chúng đệ luôn theo ngài như hình với bóng, nhưng chẳng bao giờ – dù chỉ một lần hay một mảy may – ngài khiến cho chúng đệ buồn lòng. Nhưng nếu chúng đệ có lỗi lầm gì, xin ngài hãy tha thứ.”

Sau đó, vị trưởng đệ tử của Đức Phật sửa y áo chỉnh tề, nhẹ nhàng nằm xuống phía bên phải của ngài. Rồi, cũng như Đức Tôn Sư trong giờ phút nhập Niết bàn Parinibbāna, ngài Sāriputta nhập vào và lần lượt ra khỏi các tầng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền sắc giới và các tầng thiền vô sắc giới. Kế đến ngài lại nhập từ sơ thiền đến tứ thiền. Tức khắc sau khi xuất tứ thiền, cũng là lúc vầng thái dương ló dạng ở đường chân trời, ngài nhập diệt, không bao giờ còn trở lại bể trầm luân sanh tử luân hồi nữa.

Hôm ấy là ngày trăng tròn tháng Kattika, tức tháng mười/mười một dương lịch, đúng năm tháng trước ngày Đức Phật nhập diệt. Ngài Sāriputta thanh thản ra đi sau khi làm tròn được bổn phận cao quý nhất của một người con hiếu thảo, là hướng dẫn được đấng sanh thành – lúc còn tại thế – vào lối sống trong sạch thanh cao của người con Phật.

Phút cuối của cuộc đời, hướng dẫn được mẹ “an trú vào thiện trí”, ngài đã đền đáp trọn vẹn ân điển đầu tiên của cuộc đời: ân của mẹ. Phút cuối của cuộc đời, ngài Sāriputta ra đi ở trong căn phòng mẹ đã cho ngài chào đời. Hết thảy nghĩa ân đã tròn đầy.

Từ nay vì “không còn sanh nên không còn diệt” nữa. Ngài mãi mãi không còn phải vất vả đi về trong cõi trầm luân. Đã đến “bờ bên kia”!

Tang lễ của ngài Sāriputta được cử hành ở làng Nālaka suốt một tuần, với sự thành kính tham dự của chư tăng, chư thiên, và dân chúng. Sau đó là lễ trà tỳ. Suốt đêm hỏa thiêu nhục thân của ngài, các vị sa môn thuyết giảng Giáo Pháp cho toàn thể thính chúng. Rồi Trưởng lão Anuruddha dập tắt đóm lửa hỏa đàn cuối cùng bằng nước thơm. Trưởng lão Cunda thu thập xá lợi của ngài và đặt trong một bọc vải.

Trưởng lão Cunda nghĩ: “Ta không thể trễ nãi thêm chút nào nữa. Ta phải quay về bạch lên Đức Thế Tôn rằng anh của ta, sư huynh của ta, Trưởng lão Sāriputta, vị tướng quân của Giáo Pháp đã nhập diệt.” Rồi Trưởng lão Cunda nhanh chóng mang y bát và xá lợi của ngài Sāriputta trở về Sāvatthi. Trọn quãng đường về với Đức Bổn Sư, Trưởng lão chỉ dừng bước, tạm nghỉ vào lúc về khuya.

CUNDA SUTTA (Tương Ưng Bộ Kinh và chú giải 47:13)

Sau khi ngài Sāriputta nhập Niết bàn, Trưởng lão Cunda, em ruột và cũng là thị giả của ngài, đem y bát và xá lợi ngài về tịnh xá Jetavana, Sāvatthi, nơi Đức Bổn Sư đang ngụ. Trưởng lão Ānanda liền đưa ngài Cunda đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và trình tin ngài Sāriputta đã viên tịch.

Dù Ānanda hằng tu tập thiền định, Trưởng lão vẫn vô cùng bàng hoàng và hụt hẫng, buồn bã bạch với Đức Phật:

“Ôi Đức Thế Tôn! Khi con nghe hiền hữu Cunda báo tin Sāriputta đã nhập diệt, thân con bủn rủn yếu ớt. Giáo Pháp như không còn sáng tỏ. Vạn vật quanh con như mờ nhạt, chìm vào bóng tối.”

Đức Phật dịu dàng hỏi:

“Vì sao vậy Ānanda? Khi Sāriputta qua đời có lấy theo của con một phần giới, định, tuệ hay giải thoát nào không?”

“Thưa không, bạch Thế Tôn. Nhưng với con, sư huynh đã từng là một người cố vấn, một vị thầy đã đem lại sự phấn chấn, hoan hỷ và cảm kích khi giảng giải Giáo Pháp, một hiền hữu luôn tận tụy phục vụ và giúp đỡ huynh đệ đồng môn. Chúng con cứ nhớ mãi những bài pháp sống động, thú vị và hữu dụng của hiền huynh.”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này Ānanda, không phải Như Lai đã từng dạy rằng, rồi có một ngày chúng ta sẽ phải chịu ngăn cách, ly biệt, tách rời khỏi tất cả những gì ta yêu mến vô cùng? Có sanh có diệt. Có thành có hoại. Có hợp có tan. Có thể nào giữ chúng được bên ta mãi, không phân ly, không tử biệt hay sao? Chắc chắn không thể được.

“Ví như một nhánh cây lớn đến lúc phải gãy đổ, thì dù thân cây cứng cáp mạnh mẽ đến đâu, cũng không giữ nhánh lại được, Sāriputta đến lúc vĩnh biệt Tăng chúng hùng mạnh. Có muốn bám víu, muốn giữ lại cũng không thể nào được.

“Vì vậy, Ānanda, hãy làm hòn đảo của chính mình. Hãy nương tựa nơi chính mình. Đừng tìm cầu chỗ nương tựa bên ngoài. Lấy Giáo Pháp làm hòn đảo của mình. Lấy Giáo Pháp làm nơi nương tựa. Không tìm cầu nơi nào khác.”
Rồi Đức Bổn Sư đón nhận gói vải bọc xá lợi của Sāriputta, đặt trong lòng bàn tay mình, và nói với chư tỳ khưu:

“Này các đệ tử, đây là xá lợi của một vị tỳ khưu trước đây không bao lâu đã xin phép Như Lai nhập Niết bàn.

“Vị tỳ khưu ấy đã hành trì viên mãn mười pháp ba-la-mật từ vạn kỷ, qua bao nhiêu đời kiếp. Vị tỳ khưu ấy hỗ trợ Như Lai chuyển bánh xe Pháp Bảo tối thượng mà Như Lai khởi chuyển. Vị tỳ khưu ấy ngồi cạnh Như Lai, là cánh tay phải, là trưởng tử của Như Lai.

“Vị tỳ khưu ấy là bậc đệ nhất trí tuệ trong toàn thập thiên thế giới – một trí tuệ quảng bác, tinh anh, nhạy bén, sâu sắc, và thậm thâm vô lượng – chỉ sau Như Lai mà thôi. Vị tỳ khưu ấy có hạnh tri túc, ưa nếp sống ẩn dật, không chuộng giao du, nghị lực kiên cường, giới hạnh sáng ngời, và là động cơ khuyến tu, ly ác pháp cho hàng huynh đệ.

“Trải qua năm trăm kiếp sống, vị tỳ khưu ấy lìa bỏ đời thế tục cực kỳ giàu sang danh vọng để xuất gia, đi theo nếp sống phạm hạnh của người khất sĩ. Nhẫn nại như đại địa, khiêm cung như đứa trẻ bụi đời không nhà, hiền lành vô hại như con trâu đã cưa sừng là vị tỳ khưu ấy.”

Rồi Đức Phật đọc những câu kệ ca ngợi vị đệ tử vĩ đại của Ngài:

Lời này cho người suốt năm trăm kiếp
Khất sĩ không nhà, thoát vòng tục lụy
Thu thúc lục căn, kiên cường phạm hạnh
Đáng kính thay, Sāriputta, nay nhập diệt rồi!
Lời này cho người hạnh lành như đất
Nhẫn nại, từ bi, dịu mát vô ngần
Kiên định xuất phàm sánh cùng đại địa
Đáng kính thay, Sāriputta, nay nhập diệt rồi!
Lời này cho người khiêm cung tột bực
Như trẻ bụi đời đi vào đô thị

Từng bước chậm đều ôm bát xin ăn
Đáng kính thay, Sāriputta, nay nhập diệt rồi!
Lời này cho người, nơi phố hay rừng,
Như trâu cưa sừng hiền hòa vô hại
Ấy là Sāriputta, bậc chiến thắng chính mình
Đáng kính thay, Sāriputta, nay nhập diệt rồi!
(Tương Ưng Niệm Xứ – Satipaṭṭhāna)

Sau khi Đức Phật tán thán phẩm hạnh cao quý xuất phàm của Sāriputta, Ngài cho dựng bảo tháp thờ xá lợi của Trưởng lão.

Rồi Đức Thế Tôn cho Ānanda biết ý muốn du hành đến Rājagaha của Ngài. Ānanda thông báo cho chư tăng, và không bao lâu sau một đại chúng tỳ khưu cùng theo bước Bổn Sư lên đường. Khi Đức Phật vừa đến nơi, ngài Mahā Moggallāna dùng thần thông bay về đảnh lễ dưới chân Bổn Sư lần cuối cùng, rồi nhập diệt ở ngoại thành Rājagaha. Đức Phật đón nhận xá lợi của Trưởng lão và cho dựng bảo tháp thờ.

Sau đó Đức Phật rời Rājagaha, và lần theo sông Hằng, Ngài đến Ukkacelā. Nơi đây Ngài thuyết Ukkacelā Sutta về Niết bàn cuối cùng, Parinibbāna, của hai vị trưởng đệ tử Sāriputta và Mahā Moggallāna.

UKKACELĀ SUTTA (Tương Ưng Bộ Kinh 47:14)

Một ngày nọ, Đức Thế Tôn đang ngụ tại làng Ukkacelā của xứ Vajjī, bên bờ sông Hằng, giữa Rājagaha và Vesāli. Bấy giờ, hai vị trưởng đệ tử Sāriputta và Mahā Moggallāna vừa viên tịch không bao lâu. Đức Bổn Sư ngồi ngoài trời, và đại chúng tỳ khưu tề tựu chung quanh. Trầm tĩnh nhìn các đệ tử đang yên lặng lắng nghe, Ngài dạy:

“Này các tỳ khưu, Như Lai nhìn đại chúng này thì thật có thấy trống vắng vì Sāriputta và Moggallāna đã ra đi. Nhưng một đại chúng thì không trống vắng trong lòng Như Lai. Và Như Lai cũng không bận tâm lo nghĩ Sāriputta và Moggallāna đang ở nơi nào.”

Thế Tôn dạy tiếp:

“Các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, chư Phật, chư Thế Tôn quá khứ đều đã có hai trưởng đệ tử ưu tú lỗi lạc như Như Lai có Sāriputta và Moggallāna. Các bậc Toàn Giác, chư Phật, chư Thế Tôn vị lai cũng sẽ có hai trưởng đệ tử ưu tú lỗi lạc như Như Lai có Sāriputta và Moggallāna.

“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, về các đệ tử này, bởi họ sẽ thực hành theo lời dạy của Bổn Sư, sẽ thực hành theo giáo giới, sẽ được tứ chúng quý mến, tôn kính, và ngưỡng phục. Kỳ diệu thay, hy hữu thay, về bậc Toàn Giác, bởi khi một đôi đệ tử như vậy mệnh chung, Như Lai không đau buồn, than khóc. Bởi vì, này các con, có sanh có diệt, có thành có hoại, có hợp có tan. Có thể nào giữ chúng được bên ta mãi, không phân ly, không tử biệt hay sao? Chắc chắn không thể được.

“Do vậy, này các tỳ khưu, hãy làm hòn đảo của chính mình. Hãy nương tựa nơi chính mình. Đừng tìm cầu chỗ nương tựa bên ngoài. Lấy Giáo Pháp làm hòn đảo của mình. Lấy Giáo Pháp làm nơi nương tựa. Không tìm cầu nơi nào khác.

“Thế nào là một vị tỳ khưu tự mình là hòn đảo của mình, lấy mình làm nơi nương tựa? Làm cách nào để Giáo Pháp là hòn đảo và nơi nương tựa? Đó là vị tỳ khưu nương tựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ hùng lực của tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna), sống quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, tinh cần, tỉnh giác, và chánh niệm để nhiếp phục mọi tham ưu ở đời.

“Này các Tỳ khưu, bây giờ hay sau khi Như Lai đã đi rồi, bất cứ ai biết tự mình làm hòn đảo của mình, làm nơi nương tựa của mình, không tìm cầu nơi khác; bất cứ ai biết lấy Chánh Pháp làm hòn đảo và nơi nương tựa – đó là người đệ tử thật sự của Như Lai, và sẽ đạt đạo quả cao quý nếu quyết tâm tu tập như vậy.”

THAY LỜI KẾT

Xin được mượn bài pháp khuyến tu thâm sâu và cảm động Ukkacelā Sutta trên đây của Đức Thế Tôn để thay lời kết cho câu chuyện cuộc đời của Upatissa, người thanh niên đã trở thành vị trưởng đệ tử của Đức Tôn Sư, Sāriputta, vị tướng quân của Giáo Pháp kính yêu. Ngài Sāriputta nhập diệt vào ngày trăng tròn tháng Kattika (tháng mười /mười một dương lịch). Nửa tháng sau, vào ngày mồng một, ngài Mahā Moggallāna nhập diệt ở tảng đá đen Kālasilā trên sườn núi Isigli. Và nửa năm sau đó, Đức Phật nhập Niết bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesākha.

Có thể nào cuộc kết hợp của ba chúng sanh vĩ đại ấy, một duyên lành lớn lao như thế, trổ quả ân phước vô lượng cho chư thiên và nhân loại như thế, chỉ là một dun rủi ngẫu nhiên? Chắc chắn không phải là như vậy. Các chuyện tiền thân (Jātaka) từng kể về những mối liên hệ mật thiết giữa ba vị trong quá khứ. Và Trưởng lão Nāgasena trong quyển Mi Tiên Vấn Đáp cũng nói rằng: “Trong hàng trăm ngàn kiếp sống đã qua, ngài Sāriputta từng là cha, ông, chú bác, anh em, con, cháu, hay bằng hữu của Đức Bồ Tát.”

Rồi biển trầm luân mệt mỏi rã rời, nơi nhân duyên và nghiệp quả nối kết ba vị với nhau theo dòng thời gian, cuối cùng đã đoạn tận. Nghiệp quả, từng dẫn ba vị đắm trong sanh tử luân hồi, nay nhường chỗ cho quả vị Bất tử. Dòng thời gian, mà nói cho cùng chỉ là một chuỗi phù du vô thường của các pháp, nay trở thành phi thời gian vì không còn cuốn hút và chi phối ba vị nữa. Ngũ uẩn tan rã. Bến bờ giải thoát cuối cùng đã đạt. 

Và trong kiếp sống cuối cùng, ba vị đã tỏa sáng một hào quang rạng ngời phạm hạnh, trí tuệ và giải thoát, soi chiếu khắp tam giới. Nguyện cầu hào quang ấy mãi rạng ngời! 

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app