PHẬN SỰ TRÍ ĐỐI VỚI TẬP ĐẾ

‘Taṃkho panidaṃdukkhasamudayaṃariyasaccaṃpahātabba ’ nti, bhikkhave, tathāgatānaṃpubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃudapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi.’

(Ðây là Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta, minh đã sanh khởi nơi ta, quang đã sanh khởi nơi ta.)

Nếu muốn giải thoát khổ, nguồn gốc của khổ hay tập khởi của khổ phải được loại trừ. Cũng như để chữa hiệu quả một chứng bệnh, nguyên nhân căn để của tình trạng khó chịu ấy phải được loại trừ bằng việc áp dụng thuốc thích hợp. Các bác sĩ Miến Điện chẩn đoán nguyên nhân của một căn bệnh dựa vào những rối loạn ở máu, gió, mật, đàm, khí hậu, thực phẩm…Trong khi các bác sĩ Tây phương theo dấu nguyên nhân đến chứng bệnh khác mang những mầm bệnh. Khi những nguyên nhân sanh bệnh đã được chẩn đoán đúng và rồi được loại trừ bằng sự điều trị thuốc men thích hợp, bệnh được chữa khỏi hoàn toàn. Cũng vậy, cái khổ của tái sanh trong vòng luân hồi có thể tránh khỏi bằng cách loại trừ nhân căn để của nó, vốn là tham ái (taṇhā), tập đế. Do đó, (tập) đế này được xem như pháp cần phải được đoạn trừ (pahātabba dhamma).

Sự đoạn trừ này tác động như thế nào? Đó là điều chính yếu nhất cần phải biết. “Không để cho tham ái (taṇhā) xuất hiện, không để chotham ái sanh khởi; Ta sẽ giữ tâm (trong sáng) như nó là, không có tham ái. Ta sẽ chỉ có cái tâm không tham ái này thôi.” Liệu có thể duy trì một trạng thái tâm như vậy được không? Những người tin có thể làm được như vậy cứ thử cố gắng đạt đến trạng thái tâm ấy và thấy xem mình có thể duy trì được nó trong bao lâu. Liệu người đã lập gia đình có không bị quấy rầy bởi những ý nghĩ yêu đương, sự âu yếm đối với vợ chồng và những xúc cảm tình dục đòi hỏisự đáp ứng không? Liệu có không khởi lên ý nghĩ thèm một điếu thuốc hay một têm trầu, hay thưởng thức một bữa ăn ngon? Và còn về mong muốn có được hạnh phúc và tài sản thì sao? Những câu hỏi này không thể giải quyết một cách dễ dàng bằng cách gạt chúng qua một bên, cho rằng chúng chỉ là những chuyện vặt, chỉ là những chuyện thường tình, tự nhiên không quan trọng. Chúng ta phải chịu đựng sự sanh khởi của tham ái này chỉ vì chúng ta không thể đè nén được chúng. Nhưng sự thực vẫn là và điều này cần phải ghi nhớ trong tâm một cách nghiêm túc, rằng tham ái là một pháp cần phải đoạn trừ (pahātabba dhamma) khi có thể.

Thực sự ra, có ba loại ái (taṇhā) cần đoạn trừ: 1. Ái thúc đẩy những hành động của thân và lời nói (thân hành và khẩu hành); 2. Ái kích thích tâm say đắm trong những khoái cảm tưởng tượng và những ý nghĩ kỳ quặc; và 3. Ái ngủ ngầm chờ cơ hội để tự thể hiện. Trong ba loại ái này, ái thúc đẩy những thân hành và khẩu hành được xếp loại như phiền não vi phạm (vitikkama kilesā) có thể được đoạn trừ bằng giới (sīḷa). Một người giữ giới kỹ càng sẽ không trộm cắp bất cứ vật gì của người khác, cho dù anh ta cảm thấy muốn vật ấy; không phạm tội tà dâm (đối với người giữ phạm hạnh thì không hành dâm); không nói dối và tránh những thức uống có cồn và ma tuý. Ở mức này, người ấy tránh được những phiền não vi phạm (vitikkama kilesā). Đây là cách ái được loại trừ bằng giới (sīḷa).

Ái thể hiện trong những khoái cảm và lạc thú tưởng tượng được xếp loại như phiền não bột khởi (pariyuṭṭhāna kilesā), loại phiền não có thể được loại trừ bằng tâm định. Nếu một người thường hành một trong những đề mục thiền, như niệm hơi thở chẳng hạn, họ có thể thoát khỏi những ý nghĩ ham muốn, và tưởng tượng về các dục trần, trong lúc ấy. Như vậy, trừ phi chăm chú vào một trong những bài tập thiền, bằng không nếu cứ để cho tâm tự do theo đường lối tự nhiên của nó, nó sẽ cuốn hút vào những suy nghĩ về các dục trần khả ái, phần lớn là khát khao các dục lạc. Nếu người nào tin rằng họ có thể giữ cho tâm của họ y như nó là không có những ái dục, người đó kể như không biết được tâm của mình vậy.

Thực tế mà nói, ngay cả trong lúc hành thiền không ngừng nghỉ, trước khi năng lực định có đủ sức mạnh, ái bột khởi hay những suy nghĩ về dục lạc vẫn cứ liên tục xuất hiện. Chỉ khi đắc thiền, do hành thiền định, những ý nghĩ về dục lạc loại thô này mới dừng lại, nhưng ngay cả như thế, nó cũng chỉ kéo dài trong thời gian nhập thiền mà thôi. Đây là cách định loại trừ dục ái bằng vikkhambhana pahāna (trấn phục xả đoạn 鎮伏捨断, đoạn từ bằng đè nén).

Hữu ái (bhava taṇhā), tham muốn hiện hữu và phi hữu ái (vibhava taṇhā) mong muốn không hiện hữu, vẫn tồn tại ngay cả trong những người có những thiền chứng. Chúng cũng tồn tại trong các vị Phạm Thiên. Do đó hữu ái và phi hữu ái không thể đoạn trừ được bằng thiền định. Không cần nói ai cũng biết rằng những người bình thường không có kinh nghiệm trong thiền không thoát khỏi tham ái đối với cuộc sống và sự hiện hiện hữu của họ. Tuy nhiên, những kẻ vô văn phàm phu như vậy không biết rằng sự thích thú trong cuộc sống và sự hiện hữu của họ là tham ái (taṇhā) hay phiền não (kilesā). Thậm chí họ còn đưa ra quan niệm cực kỳ sai lầm cho rằng ‘người ta có thể giữ được tâm trong sạch không có những phiền não (kilesā). Và tâm không phiền não tức là Niết Bàn’. Điều này rõ ràng đi ngược lại lời dạy của Đức Phật.

Tham ái có thể thực sự chưa sanh khởi, nhưng sẽ xuất hiện khi những điều kiện chính đáng có mặt, trong trường hợp này nó được gọi là phiền não tuỳ miên hay phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesā). Phiền não này có hai loại: 1. Ārammana nusaya, phiền não tiềm tàng ngấm ngầm trong đối tượng; 2. Santāna nusaya, phiền não ngủ ngầm trong tự thân (tức trong tương tục của ngũ uẩn.) 

Có thể có những đối tượng tự thể hiện vào lúc thấy hay nghe nhưng lúc đó nó không được ghi nhận như vô thường, khổ, vô ngã. Tuy nhiên, vào lúc hồi tưởng lại, phiền não (kilesā) có thể khởi lên liên quan đến chúng. Những phiền não như vậy được gọi là phiền não tiềm tàng ngủ ngầm trong đối tượng. Ārammana nusaya kilesā, phiền não ngủ ngầm trong đối tượng này có thể được dập tắt bằng minh sát trí (vipassanā ñāṇa),tất nhiên thiền minh sát chỉ có thể loại trừ những phiền não nào sanh khởi trong những đối tượng được quán mà thôi. Những đối tượng thoát khỏi sự quán, hay những phiền não tiềm tàng vẫn không bị tác động.

Những phiền não (kilesā) chưa bị Thánh Đạo đoạn trừ và đang chờ cơ hội để sanh khởi trong tương tục ngũ uẩn của một người được gọi là Santāna nusaya, phiền não ngủ ngầm trong tự thân. Phiền não loại này chỉ có thể loại trừ bằng Thánh Đạo Trí (Ariya Magga Ñāṇa). Chính sự diệt trừ dễ dàng của Santāna nusayabằng thánh đạo này mà thiền minh sát phải được tu tập.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app