ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG X: VÀI TIỂU SỬ NGẮN

CHA VÀ MẸ NAKULA

Thành phố Suṁsumāragiri (Đồi Cá Sấu) tọa lạc tại xứ Bhaggas trong thung lũng sông Hằng. Tại đây Đức Phật đã trải qua một trong bốn mươi lăm an cư mùa mưa của Ngài (MN 15). Một lần nọ, khi Đức Phật đang đi bộ qua các con đường trong thành này, một người đàn ông quỳ phục dưới chân Ngài đảnh lễ và khóc: “Con trai yêu quý của ta, sao không khi nào về thăm cha mẹ? Bây giờ xin hãy đến viếng nhà để mẹ già của con cũng thấy được con.”

Người đàn ông này không phải mất trí. Sự thật là trong tiền kiếp, ông và vợ đã từng là cha mẹ của Đức Bồ Tát, không chỉ một lần mà năm trăm lần, và nhiều lần khác đã từng là chú bác, cậu dì hay ông bà của Ngài. Một chút ký ức còn vương lại trong tiềm thức, nên khi ông lão nhìn thấy hình ảnh của Đức Thế Tôn là trọn hồi ức bùng vỡ ra mãnh liệt trong lòng. Những sự kiện này đến nay vẫn còn thỉnh thoảng xảy ra ở các nước Á Châu.

Ông lão trên đây là gia trưởng Nakulapitā (Cha Nakula) và người vợ là Nakulamātā (Mẹ Nakula). Cả hai được Đức Phật nêu tên trong danh sách những đệ tử cư sĩ ưu tú nhất, đặc biệt là do lòng chung thủy sắt son với nhau. Câu chuyện của hai vị trong kinh điển Pāli miêu tả một quan hệ vợ chồng cao thượng và thánh thiện, có chung một tin tưởng tuyệt đối cho nhau khởi thủy từ đức tin cùng đặt vào Đức Thế Tôn.

Khi Đức Phật nhận lời về thăm nhà họ, Cha Nakula kể cho Ngài nghe về cuộc hôn nhân của hai người. Mặc dù kết hôn khi còn rất trẻ, bao nhiêu năm qua ông chưa một lần phản bội vợ hay xúc phạm đến vợ, dù chỉ là trong tâm tưởng, chớ đừng nói chi đến hành động. Mẹ Nakula cũng nói giống hệt như vậy về phần mình. Hai vợ chồng không bao giờ có một khoảnh khắc lạc lòng, không trọn thủy chung với nhau.

Cả hai đều phát nguyện muốn sống chung với nhau trong những kiếp sau, và họ hỏi Đức Phật họ có thể làm gì để chắc chắn đạt được ước vọng đó (AN 4:55). Đức Phật không bác bỏ câu hỏi này và cũng không chỉ trích ước nguyện của họ. Ngài trả lời:

“Nếu một đôi vợ chồng cùng sống hòa thuận, hạnh phúc bên nhau trong đời này và muốn gặp lại nhau trong đời sau, họ phải vun bồi cùng một đức tin, cùng một giới hạnh, cùng một hạnh bố thí cúng dường, và cùng một trí tuệ. Được như thế, họ sẽ gặp lại nhau trong đời sau.” Và Đức Thế Tôn thốt lời kệ sau:

Khi cả hai cùng có
Đức tin và bố thí,
Sống thu thúc, chánh mạng,
Sẽ có duyên vợ chồng
Yêu thương nhau thắm thiết.

Nhiều ân phước đón chờ
Họ chung sống hạnh phúc,
Kẻ thù sẽ nản lòng
Khi cả hai gìn giữ
Cùng giới hạnh như nhau.

Sống với Pháp đời này,
Giới hạnh cùng trong sạch,
Sau khi chết sẽ gặp
Chung vui nơi thiên giới,
Hưởng phúc lạc tràn đầy.

Trong một bài pháp khác, Đức Thế Tôn giảng dạy về một người chồng có hạnh nguyện cao cả sống như thế nào với người vợ giới đức của mình (AN 4:54). Không những cả hai cùng phải hành trì Ngũ giới, trên tất cả, họ còn phải có đức hạnh và giữ tâm trong sạch; khi có ai xin được giúp đỡ, họ không bao giờ từ chối; và họ không bao giờ khinh thường hay nhục mạ các đạo sĩ khác phái.

Qua lời dạy này ta thấy được những mẫu mực mà một đôi vợ chồng như thế cần noi theo: không chỉ phải có đức tin tôn giáo mạnh mẽ, mà còn phải có lòng kiên quyết xả bỏ được tất cả những việc nhỏ nhoi, vụn vặt trong đời sống hằng ngày, và tất cả những gì tầm thường và thấp hèn. Người đệ tử cư sĩ mẫu mực không từ chối yêu cầu trợ giúp, và sẵn sàng từ bỏ mơ ước và lạc thú của chính mình. Mẫu mực này vun bồi hạnh xả ly. Từ đó sanh khởi tâm an nhiên tự tại – nền tảng để vun bồi trí tuệ. Giới hạnh trong hành động, xả ly trong lòng, trí tuệ trong tâm – đó là ba nhân tố để gầy dựng một đời sống chung thuận thảo và hiền hòa.

Các điều kiện tiên quyết của đời sống hôn nhân an vui được Đức Phật giảng giải cặn kẽ trong Kinh Giáo Thọ (Sigālovāda Sutta, DN 31). Ngài dạy có năm cách người chồng – có bổn phận dẫn đầu – phải cư xử với vợ mình: kính trọng vợ; không bất kính đối với vợ; chung thủy với vợ; giao quyền hành trong gia đình cho vợ; mua sắm cho vợ, tùy theo khả năng của mình, tất cả thứ cần thiết cũng như đồ trang sức. Nếu được người chồng đối xử theo năm cách như vậy, người vợ – hãnh diện thương lo cho chồng – phải đối xử với chồng theo năm cách: chu toàn suôn sẻ việc nhà; nồng hậu tiếp đón thân quyến và đối xử tốt với người hầu; chung thủy với chồng; gìn giữ tài sản của chồng; làm mọi công việc khéo léo và tròn bổn phận.

Cha và Mẹ Nakula không chỉ quan tâm đến một tái sanh toại nguyện mà còn chú trọng đến các pháp chi phối kiếp nhân sinh và những vấn đề sâu sắc hơn của sự hiện hữu. Có lần Cha Nakula hỏi Đức Phật do nhân duyên gì có người đắc được đạo quả giải thoát ngay trong hiện tại, nhưng có người lại không thể. Đức Tôn Sư trả lời: “Bất cứ ai còn bám níu vào các đối tượng của giác quan không thể đạt giải thoát. Bất cứ ai buông bỏ được sẽ đạt giải thoát” (SN 35:131). Đây là câu trả lời rất ngắn gọn và súc tích mà chỉ những ai thông suốt Giáo Pháp mới có thể hiểu thấu được, nhưng Cha Nakula lập tức nắm bắt được ý nghĩa.

Vào một dịp khác, Cha Nakula đến đảnh lễ Đức Phật và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nay tuổi già, sức yếu và thường đau bệnh, nên hiếm khi có dịp gặp Thế Tôn. Mong Thế Tôn rủ lòng bi mẫn cho con lời giáo giới để con gìn giữ và quý kính.”

“Thật sự là vậy,” Đức Phật dạy, “Thân này phải chịu bệnh hoạn và hư hoại, là một gánh nặng ngay cả khi tốt lành nhất. Do đó phải luôn tự rèn luyện bằng cách suy niệm như sau:

‘Dù thân đau bệnh, nhưng tâm không đau bệnh.’”

Cha Nakula hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy rồi, ngay sau đó, đến viếng thăm và đảnh lễ Đại đức Sāriputta. Ngài hỏi:

“Này gia chủ, dáng vẻ ông thanh tịnh, và sắc diện ông tĩnh lặng và trong sáng. Phải chăng hôm nay gia chủ gặp Thế Tôn và được nghe Pháp Bảo từ Bổn Sư?”

“Thưa đúng vậy,” Nakulapitā trả lời, “hôm nay Đức Thế Tôn đã khuyến tấn con với lời kỳ diệu.” Sau khi nghe Nakulapitā thuật lại lời Phật dạy, Sāriputta giảng giải thật cặn kẽ câu nói súc tích ấy, trình bày chi tiết phương pháp tu tập để vượt qua đau bệnh của thân bằng cách không tự đồng hóa với ngũ uẩn, không quán ngũ uẩn như là tự ngã, là “ta”. Tu tập như vậy, khi thân ngũ uẩn biến hoại – và chắc chắn sẽ biến hoại – và sự phù du giả tạo của các pháp hiện rõ, vị hành giả tu tập thuần thục sẽ không đau khổ và tuyệt vọng mà bình thản nhìn với tâm xả ly. Thân có thể tàn hoại, nhưng tâm vẫn lành mạnh” (SN 22:1).

Không chỉ có Cha Nakula nỗ lực vun bồi trí tuệ để được an nhiên trước cái chết. Vợ ông, Mẹ Nakula, cũng như vậy (AN 6:16). Khi người chồng lâm trọng bệnh, Nakulamātā khuyên nhủ chồng như sau:

“Đừng cưu mang phiền não và lo lắng nghĩ rằng ông bỏ tôi ở lại. Mệnh chung như thế là đau khổ, là ngược lại lời Bổn Sư khuyên răn. Có sáu lý do rất tốt để ông không cần bận tâm lo nghĩ về tôi: Tôi dệt vải khéo léo nên sẽ có thể nuôi dưỡng các con; sau mười sáu năm chung mái gia đình, chúng ta đã sống với nhau trong sạch, không còn luyến ái vợ chồng, tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến lấy một người phối ngẫu khác; tôi sẽ không ngưng viếng thăm Đức Thế Tôn và chư tăng, ngược lại còn muốn yết kiến chư vị nhiều hơn; tôi giữ giới đầy đủ và kiên cường; tôi chứng được nội tâm an tịnh; tôi đã thâm nhập và an trú vững chắc trong Giáo Pháp và chắc chắn sẽ thành tựu giải thoát giác ngộ cuối cùng.”

Được sách tấn bởi những lời này, Cha Nakula khỏi bệnh. Vừa đi lại được, ông đến viếng Đức Phật và tường trình lại những gì Mẹ Nakula đã nhắc nhở ông. Đức Thế Tôn tán thán:

“Lành thay, này gia chủ! Phước báu thay! Gia chủ được nữ gia chủ, Mẹ Nakula, giáo giới và khuyên nhủ, luôn từ mẫn quan tâm cho phúc lợi của chồng. Mẹ Nakula quả thật là một nữ đệ tử cư sĩ giới hạnh hoàn hảo, tâm tĩnh lặng, đã thâm nhập và an trú vững chắc trong Giáo pháp.”

Câu chuyện trên là một giải đáp để hóa giải hai khuynh hướng cuộc đời dường như đối nghịch nhau: một bên là yêu thương sâu đậm của tình vợ chồng, một bên là quyết tâm phấn đấu để đạt giải thoát. Với cái nhìn tình cảm vào câu chuyện của Cha và Mẹ Nakula, một người có thể nghĩ rằng đâu cần phải xuất gia tu hành nếu ta có được một cuộc sống lứa đôi mẫu mực như vậy, hoặc thậm chí nghĩ rằng có thể phối hợp được dính mắc và xả ly.

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn nữa, sẽ thấy rất khó mà trung thành noi theo mẫu mực đời sống của đôi vợ chồng cao quý này. Chỉ quan tâm và chăm lo cho nhau là chưa đủ. Không thể bỏ sót điều kiện không có dục tình trong đời sống hôn nhân. Những đôi vợ chồng này – lúc còn trẻ đã hưởng thụ dục lạc của đời sống lứa đôi – đã không chờ đến lúc tuổi già, khi các căn đã lắng dịu, mới tránh chung đụng thể xác, nhưng họ tự nguyện sống đời không có quan hệ thể xác sớm hơn nhiều. Trong trường hợp vợ chồng Nakula, họ đã sống trong sạch với nhau như vậy mười sáu năm như lời họ xác chứng với Đức Thế Tôn. 

Như vậy một người ước muốn đặt những bước đầu tiên trên con đường giải thoát nên tự quyết định: hoặc tiếp tục nếp sống tại gia và cố gắng loại bỏ những cám dỗ nhục dục; hoặc rời bỏ đời thế tục, gia nhập đoàn thể Tăng già để sống đời độc thân mẫu mực. Khi nào Bổn Sư, bậc Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu, còn đứng đầu Giáo đoàn, quyết định này không mấy khó khăn. Nhưng ngày nay có những vị vừa cảm thấy không thích hợp với đời sống của cộng đồng tu sĩ xuất gia, cũng vừa thiếu ý chí và nghị lực để từ bỏ quan hệ dục tình trong một đời sống hôn nhân theo mẫu mực tiến tu trên đường đạo. Cả hai nếp sống trên đều đòi hỏi hạnh xả ly.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app