Nội Dung Chính
ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG X: VÀI TIỂU SỬ NGẮN
TỲ KHƯU CITTA
Citta này là con trai của một người huấn luyện voi. Khi còn bé, Citta gặp một vị tỳ khưu lớn tuổi vừa đi khất thực về, trong bát có một món ăn ngon đặc biệt mà vị sư cho lại Citta. Cậu bé rất vui mừng và rồi, khi lớn lên, xin xuất gia vì nghĩ rằng người tu hành được cung phụng đầy đủ mà chẳng phải làm việc cực nhọc. Với động lực tu hành sai lầm đó, không bao lâu Citta xả y và trở lại đời thường.
Tuy nhiên, cuộc sống tu hành thánh thiện nhiều ít gì cũng đã có phần thâm nhập vào tâm. Không bao lâu sau, Citta cảm thấy bất toại với đời sống tại gia nên xin xuất gia lần nữa. Rồi, sau một thời gian, Citta lại hoàn tục. Cứ thế mà diễn đi diễn lại đến lần thứ năm. Sau đó Citta lập gia đình.
Một đêm nọ, Citta không thể ngủ được. Nhìn người vợ mang thai đang say giấc, bao nhiêu ý nghĩ chán chường về dục lạc thế gian kéo đến thật mãnh liệt khiến cho Citta vớ vội một chiếc y màu vàng rồi lập tức chạy đến tu viện. Trên bước đường vội vàng trong đêm tối im vắng, tất cả các hạt giống tốt đẹp từ những lần xuất gia trước đột nhiên như nở rộ nên ngay lúc đó Citta được đắc quả nhập lưu.
Lúc ấy, tại tu viện, chư huynh đệ sa môn vừa đồng ý với nhau rằng sẽ không cho Citta được xuất gia lần thứ sáu nữa. Họ cảm thấy đã kiên nhẫn đủ với Citta và xem ông là điều hổ thẹn của đoàn thể Tăng già, hoàn toàn không thích hợp với đời sống tu hành phạm hạnh. Trong khi đang bàn thảo kỹ lưỡng như vậy thì họ thấy Citta đang tiến đến gần. Nhìn Citta, với gương mặt rạng rỡ vẻ hạnh phúc chưa hề thấy trước đây, cùng phong cách thật trầm tĩnh và nhẹ nhàng, họ không thể nào từ chối lời cầu xin được xuất gia trở lại. Lần này sa môn Citta nhanh chóng đạt được bốn tầng thiền định và vô tướng tâm định.
Lòng tràn ngập hoan hỷ, sa môn Citta cảm thấy được thôi thúc phải trình bày về các chứng đắc của mình. Một lần nọ, khi một vài vị a-la-hán đang cùng ngồi luận đạo, Citta xen vào và ngắt lời họ mãi. Trưởng lão Mahākoṭṭhita, vị niên trưởng của nhóm, khuyên Citta nên chờ chư trưởng lão nói xong rồi hãy lên tiếng. Các bạn đồng tu của Citta thưa rằng không nên khiển trách Citta như vậy, vì Citta là bậc hiền trí và có thể trình bày Giáo Pháp bằng kinh nghiệm của mình.
Ngài Mahākoṭṭhita nói rằng ngài có thể soi thấu được tâm của Citta. Rồi bằng các ẩn dụ, ngài giải thích rằng có những trạng thái tâm có thể cao đẹp khi còn đang được kéo dài nhưng vẫn không ngăn được một vị tỳ khưu xả y và hoàn tục.
Ví như một con bò bị cột dây, nhốt trong chuồng trông có vẻ yên lành, nhưng nếu bứt dây và thoát chuồng thì nó lập tức bỏ chạy và giẫm đạp lên hoa màu xanh tốt. Cũng vậy, một tỳ khưu có thể khiêm cung và an tịnh khi sống gần Bổn Sư hay chư tăng phạm hạnh, nhưng khi sống một mình thì vị ấy có khuynh hướng trở lại tình trạng cũ và rời bỏ Tăng già.
Như vậy, một người có thể đạt bốn tầng thiền định và vô tướng tâm định, và khi nào các thiền tâm này còn kéo dài thì người ấy còn được an toàn. Nhưng khi các trạng thái an lạc vừa suy yếu, người ấy liền đi giao du, nói ba hoa, thô lỗ, buông lung, ngã mạn khoe khoang về chứng đắc của mình. Rồi với tâm đầy tham ái, người ấy từ bỏ việc tu hành và hoàn tục. Vị ấy có thể cảm thấy an ổn lạc trú trong các tầng thiền định, nhưng chính chúng sẽ dẫn họ đến sự hư hỏng, thoái hóa.
Khi một vị vua và binh lính, với trống kèn và ngựa xe, đang lập trại trú quân trong rừng, không ai có thể nghe được tiếng dế đang kêu rền và tưởng là chúng đang bặt tiếng. Nhưng khi đội quân rời khỏi khu rừng ấy, ta dễ dàng nghe lại tiếng dế kêu, mặc dù trước đó ai cũng chắc rằng chẳng có con dế nào hết (AN 6:60).
Quả vậy, sau đó Citta lại trở về với gia đình lần thứ sáu. Các bạn tỳ khưu của Citta bạch hỏi Trưởng lão Mahākoṭṭhita có phải ngài đã tiên đoán được điều này hay chư thiên báo cho ngài biết. Trưởng lão trả lời là cả hai. Các sư bạn rất ngạc nhiên, đến trình câu chuyện lên Đức Phật. Đức Thế Tôn cho biết rằng không bao lâu Citta lại sẽ xin xuất gia.
Một hôm Citta và một du sĩ ngoại đạo tên Poṭṭhapāda đến viếng Đức Phật. Vị này đặt ra vài câu hỏi khá thâm sâu về ba cõi giới sanh khởi khác nhau như thế nào. Sau đó Citta hỏi tiếp thêm về sự phân biệt giữa các pháp sanh khởi vì, với kinh nghiệm từng có với các tầng thiền jhāna, Citta quen thuộc với một số pháp trong các tầng thiền này. Câu trả lời của Đức Thế Tôn khiến Citta vô cùng thán phục và kính ngưỡng nên ngay đó đã cầu xin Đức Phật cho mình xuất gia lại lần thứ bảy. Đây cũng là lần cuối cùng. Bổn Sư chấp thuận, và chỉ trong một thời gian ngắn, Citta đắc thánh quả a-la-hán (DN9).
Chú giải giải thích vì sao tỳ khưu Citta, trong kiếp cuối cùng, phải từ bỏ Tăng già rất nhiều lần trước khi chứng a-la-hán. Vào thời rất xa xưa, khi Đức Phật Kassapa đang truyền bá Giáo Pháp, có hai người bạn xin gia nhập Tăng chúng. Một trong hai người không chịu được nếp sống xuất gia quá khắt khe nên mong muốn trở về với gia đình. Người bạn tỳ khưu kia biết vậy bèn khuyến khích vị này mau sớm hoàn tục, vì trong thâm tâm vị ấy mong muốn mình được mọi người coi trọng hơn bạn mình. Tâm địa xấu xa ấy đã trổ quả không lành vào thời Đức Phật Gotama. Người bạn giả dối kiếp trước, nay tái sanh là tỳ khưu Citta, phải chịu sáu lần hổ thẹn ê chề rời bỏ Tăng chúng để rồi cầu xin xuất gia trở lại.
Câu chuyện cho thấy có những bất thiện trọng nghiệp mà, khi trổ quả, không ai có thể kháng cự hay hoán cải quả ấy mà chỉ có thể chịu đựng bằng sự kham nhẫn và hiểu biết. Vì không biết được vận hành của nghiệp quả trong đời sống nên có khi ta nỗ lực chống trả lại chúng. Tuy nhiên, nỗ lực ấy cũng có giá trị riêng của nó, vì tuy thấy như vô ích trong kiếp hiện tại, nhưng cuối cùng nó sẽ trổ quả lợi ích cho ta. Luật nhân quả bất di bất dịch bảo đảm rằng không phấn đấu thiện lành nào là uổng phí. Giáo Pháp sách tấn ta kháng cự thuyết định mệnh. Giáo Pháp khuyến khích ta dũng cảm vươn lên từ thất bại và sẵn sàng cố gắng trở lại. Thất bại có thể xảy ra – cay đắng và đau đớn trong trận chiến đối đầu với tham ái và vô minh – nhưng người đệ tử thật sự của Đức Phật sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ thất bại nào là thất bại cuối cùng. Như một chiến sĩ già và từng trải, ta phải chuẩn bị để thua mọi trận chiến trừ trận cuối cùng, tự tin rằng với hạnh kiên trì, chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về ta.