ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG IX: CẤP CÔ ĐỘC

THÂN QUYẾN

Cư sĩ Anāthapiṇḍika có một gia đình hạnh phúc. Vợ ông, bà Puññalakkhaṇā – nghĩa là “người nhiều công đức” – sống đúng như tên của bà, là biểu hiện của phước báu cho gia đình, chăm lo cho người làm công và hết lòng phụng sự chư tăng hằng ngày đến nhà trì bình. Bà cũng có tín tâm nơi Giáo Pháp, như anh của bà – là một trong những đệ tử cư sĩ đầu tiên của Đức Phật.

Anāthapiṇḍika có bốn người con, ba người con gái và một người con trai. Hai người con gái lớn, Đại Subhaddā và Tiểu Subhaddā, là những người thấu hiểu Giáo Pháp sâu sắc như cha của họ và đã đạt được quả vị nhập lưu. Họ noi gương cha trong việc đạo lẫn việc đời; và cả hai đều có gia đình hạnh phúc.

Người con gái út, tên là Sumanā, có trí tuệ vượt hẳn cả gia đình. Sau khi nghe một bài pháp do Đức Thế Tôn thuyết giảng, cô nhanh chóng chứng đắc tầng thánh thứ nhì, quả vị nhất lai – chỉ còn tái sanh một lần. Cô không lập gia đình và khi mệnh chung, cô tái sinh vào cõi trời Tusita (Đâu suất), một trong các cõi trời cao nhất của dục giới.

Người con trai duy nhất của Anāthapiṇḍika là Kāla, có chiều hướng ngược lại. Cậu không muốn biết gì đến Giáo Pháp và chỉ chú tâm vào việc làm ăn mua bán. Một ngày nọ, Anāthapiṇḍika muốn hướng tâm cậu vào đạo pháp nên đề nghị nếu cậu thọ trì lễ Bố tát (Uposatha), ông sẽ cho một ngàn đồng tiền vàng. Kāla đồng ý, và rồi cậu nhanh chóng tìm được sự thư giãn khi mỗi tuần nghỉ việc một ngày để quây quần cùng với gia đình. Vì vậy, việc nhịn ăn sau giờ ngọ trong ngày Bố tát không quá khó khăn cho cậu hành trì.

Rồi người cha lại yêu cầu việc thứ hai và cho cậu thêm một ngàn đồng tiền vàng nếu cậu chịu đến tịnh xá và học thuộc lòng một bài kệ trước mặt Đức Tôn Sư. Kāla vui vẻ đồng ý. Chuyện này đã thay đổi cuộc đời của cậu. Mỗi lần Kāla muốn học thuộc một bài kệ, Đức Phật làm cho cậu không hiểu được ý nghĩa, khiến cậu phải toàn tâm toàn ý lắng nghe nhiều lần. Trong khi đang chú tâm cố gắng hiểu nghĩa, bỗng nhiên cậu khởi lên niềm cảm hứng và kính ngưỡng thâm sâu vào Giáo Pháp. Cậu chứng đắc quả vị nhập lưu ngay lúc ấy. Nhờ vậy đời sống hằng ngày của cậu trở nên cao quý như cha cậu, và cậu cũng trở thành một đại thí chủ hộ trì Giáo đoàn, với biệt danh là “Tiểu Anāthapiṇḍika.”

Kāla kết hôn với Sujātā, là em của nữ đại thí chủ nổi tiếng Visākhā. Sujātā rất tự hào về dòng dõi và sự giàu có của cả gia đình hai bên. Tuy nhiên, vì suy nghĩ của cô chỉ xoay quanh những chuyện vặt vãnh phù phiếm này, nên trong thâm tâm cô không thoả mãn, không toại ý, luôn gắt gỏng cau có. Cô trút sự bực dọc, không vui của mình vào người khác, đối xử khắc nghiệt với họ, đánh đập tôi tớ, đi đến đâu mang sự sợ hãi cho người chung quanh đến đó. Cô không cư xử được cả với cha mẹ chồng và chồng mình đúng mực theo khuôn phép xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.

Một ngày nọ Đức Phật được Anāthapiṇḍika mời đến nhà trai tăng. Thọ thực xong, Đức Tôn Sư bắt đầu giảng pháp thì nghe tiếng la hét náo động như hàng tôm hàng cá vang ra từ phòng trong. Ngài ngừng lại và hỏi vì sao. Anāthapiṇḍika bạch Phật rằng cô con dâu đang la mắng người làm. Ông nói thêm cô là người phụ nữ đanh đá, không lễ phép với chồng và cha mẹ chồng, không cúng dường, không có niềm tin vào đạo giáo, và luôn gây chuyện xung đột trong gia đình.

Đức Phật cho gọi Sujātā gặp Ngài. Khi cô đến, Đức Phật hỏi cô muốn trở thành loại vợ nào trong bảy loại vợ. Cô không hiểu ý nghĩa này và xin Ngài giải thích thêm. Bậc Giác Ngộ giảng cho cô nghe về bảy loại vợ qua bài kệ sau:

Sân hận và tàn nhẫn,
Khinh chê chồng của mình,
Tà ý với người khác,
Tìm cách hại mạng chồng,
Sát nhân – loại vợ ấy.

Chồng tạo dựng của cải,
Bằng hành nghề công nghiệp
Hay thương nghiệp, nông nghiệp.
Vợ cắp của cho mình,
Kẻ trộm – loại vợ ấy.

Tham ăn và lười biếng,
Khắc nghiệt và hung ác,
Nói thô cộc dữ dằn,
Đàn áp, bắt nạt chồng,
Bạo chúa – loại vợ ấy.

Luôn từ mẫn giúp đỡ,
Chăm sóc, lo cho chồng
Như mẹ chăm lo con,
Gìn giữ tài sản chồng,
Mẹ hiền – loại vợ ấy.

Tôn vinh quý trọng chồng,
Như em gái kính anh,
Khiêm cung và nhu thuận
Phục vụ chồng như ý,
Em gái – loại vợ ấy.

Hoan hỷ thấy dáng chồng
Như bạn vui đón bạn,
Được giáo dục tốt lành,
Giới hạnh và chung thủy,
Bạn hiền – loại vợ ấy.

Tâm tư không oán giận,
Lo sợ bị phạt lỗi,
Không hiềm hận lang quân,
Khiêm cung phục vụ chồng,
Hầu cận – loại vợ ấy.

Ba loại vợ sát nhân,
Kẻ trộm và bạo chúa,
Khi thân hoại mạng chung
Đọa sanh vào địa ngục.

Vợ như mẹ, em, bạn,
Hay vợ như hầu cận,
Luôn giữ gìn đức hạnh,
Mạng chung sanh cõi trời.
(AN 7:59)

Rồi Đức Bổn Sư hỏi thẳng cô: “Này Sujātā, đây là bảy loại vợ mà người đàn ông có thể gặp phải. Con thuộc loại vợ nào?”

Chấn động sâu xa về lời dạy này, Sujātā thưa rằng từ nay về sau cô sẽ nỗ lực trở thành người hầu cận phục vụ chồng. Lời dạy của bậc Giác Ngộ đã soi tỏ cho cô trở thành người vợ tốt. Về sau, cô là một đệ tử cư sĩ thuần thành của Đức Phật, luôn nhớ đến ân đức Ngài đã hóa độ cho cô.

Tin Sujātā được chuyển hóa nhanh chóng lan ra. Vào một buổi chiều nọ, Đức Phật bước vào giảng đường và hỏi chư tăng đang bàn bạc chuyện gì? Chư tăng trả lời rằng họ đang nói về phép lạ của Giáo Pháp khi bậc Toàn Giác thay đổi một phụ nữ từng dữ dằn như cọp thành người vợ khả ái Sujātā. Thế rồi Đức Phật kể câu chuyện Ngài đã từng dạy dỗ cô như thế nào trong một kiếp quá khứ. Trong kiếp đó, cô là mẹ của Ngài, và Ngài giúp bà mẹ ngưng những lời la mắng đàn áp người khác bằng cách so sánh tiếng kêu chói tai của con quạ dữ dằn với tiếng hót ngọt ngào của một loài chim quý (Jāt. 269).

Sau hết là câu chuyện về người cháu của Anāthapiṇḍika, được thừa kế một gia tài bốn mươi triệu nhưng sống một cuộc đời phóng đãng, rượu chè, bài bạc, hoang phí tiền bạc vào những cuộc chơi trụy lạc, đàn bà và bạn xấu. Khi hết tiền, anh đến xin ông chú giàu có cấp dưỡng. Anāthapiṇḍika cho người cháu một ngàn đồng tiền vàng và khuyên dùng số tiền này để gầy dựng thương nghiệp. Anh phung phí hết số tiền đó rồi đến xin ông nữa. Lần này ông cho năm lần nhiều hơn, năm ngàn đồng mà không ra điều kiện gì, ngoài lời cảnh cáo người cháu đây là lần giúp đỡ cuối cùng. Thế nhưng anh vẫn tiêu hoang và khánh tận. Khi đến xin tiền lần thứ ba, anh được Anāthapiṇḍika cho hai bộ quần áo, anh ta lại bỏ phí. Không xấu hổ, anh lại đến xin chú. Tuy nhiên, lần này anh được bảo phải ra khỏi nhà vì anh đến chỉ để yêu sách tiền bạc. Nếu anh đến xin vật thực như một người hành khất bình thường, chắc chắn anh sẽ không phải tay không rời khỏi căn nhà phước thiện, từ mẫn của Cấp Cô Độc.

Cuối cùng anh chết trong cùng khổ vì lười biếng và cứng đầu không chịu đi tìm kế sinh nhai. Xác của anh được tìm thấy trong đống rác ở ven thành. Khi được tin ấy, Anāthapiṇḍika tự hỏi có thể nào ông ngăn được kết thúc đau buồn này không. Ông kể cho Đức Phật nghe và hỏi Ngài lẽ ra ông có nên hành động khác đi không. Đức Phật hóa giải băn khoăn của ông, giải thích rằng người cháu có lòng tham không đáy. Anh chết vì lối sống buông thả, hoang phí, không nghĩ đến hậu quả – như đã từng như vậy trong kiếp quá khứ (Jāt. 291).

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app