Nội Dung Chính
ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
AMBAPĀLI – NGƯỜI KỸ NỮ CÓ HẠNH BỐ THÍ
Một nhân vật thường xuất hiện trong thời kỳ đầu tiên của các tôn giáo là nhân vật những cô kỹ nữ nổi tiếng, với cách chuyển hóa tâm linh đột biến chứng minh cho sức mạnh vô địch của Chân lý và thiện căn trong cuộc chiến nội tâm đối chọi với những bản chất thấp hèn của con người. Giống như trong Tân Ước có Mary Magdalene hay trong thời sơ khai của đạo Sufism có cô Rabi’a, trong thời Đức Phật Thích Ca có Ambapāli và Sirimā. Hiểu biết được đời sống của họ giúp chúng ta xóa bớt được phần nào thành kiến nặng nề hay giả định sai lầm, và nhắc nhở rằng tiềm năng trí tuệ và thánh thiện thường ẩn kín, không bao giờ bị phá hủy bởi một nếp sống có vẻ bên ngoài phóng đãng trụy lạc.
Cuộc đời của Ambapāli khác thường ngay từ lúc còn bé. Ngày nọ, người làm vườn của một vị vua Licchavi ở Vesālī thấy một bé gái sơ sanh bị bỏ nằm dưới gốc cây xoài nên đặt tên bé là Ambapāli (amba: xoài, pāli: đường, cầu). Càng lớn cô gái càng xinh đẹp mỹ miều và quyến rũ nên nhiều vương tôn công tử Licchavi muốn cầu hôn, dẫn đến việc tranh chấp, vì ai cũng muốn cô thuộc về riêng mình. Không thể giải quyết bằng cách tranh giành, họ thảo luận và sau cùng đồng ý với nhau rằng Ambapāli sẽ không thuộc quyền sở hữu của riêng ai mà chung của tất cả. Do áp đặt đó và nghiệp lực của riêng mình, cô bắt buộc trở thành kỹ nữ trong ý nghĩa nguyên thủy của ngôn từ: là người đàn bà để khách quý tộc mua vui trong cung điện, một vị trí không mấy giống gái điếm bình thường.
Lành thay, với phẩm cách tốt đẹp, cô đã mang ảnh hưởng yên bình và thanh cao đến với các vương tử Licchavi. Cô còn có hạnh bố thí rộng rãi cho các hoạt động từ thiện. Vì vậy, cô trở thành một nữ hoàng không ngôi trong giới quý tộc nước cộng hòa Licchavi.
Danh tiếng Ambapāli vang xa tận đến tai Vua Bimbisāra xứ Māgadha. Ngài cũng muốn kinh đô của mình được vẻ vang bởi một ảnh hưởng tương tự. Điều ấy về sau vua tìm được từ một kỹ nữ trẻ của hoàng cung tên là Sālavatī, mẹ của ngự y Jīvaka. Tuy nhiên, trước tiên Vua Bimbisāra đích thân đến gặp Ambapāli. Cũng như bất cứ ai khác, nhà vua bị chinh phục bởi sắc đẹp của cô và niềm vui thú cô dâng hiến; kết quả là cô có một con trai với nhà vua.
Trong cuộc hành trình hoằng pháp cuối cùng, Đức Phật dừng lại ở Vesālī và ngụ tại Vườn Xoài của Ambapāli. Cô đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và được Ngài ban cho cô một bài pháp dài. Cuối bài pháp, cô cung thỉnh Đức Phật và chư tăng ngày mai đến nhà để cô được cúng dường trai tăng. Được Ngài chấp thuận, Ambapāli vội vã lên xe về nhà.
Các vương tử Licchavi cũng đang ngồi trên các cỗ xe lộng lẫy, đuổi kịp xe cô và hỏi lý do khiến cô hối hả như vậy. Cô cho biết Đức Phật và chư tăng đã nhận lời mời đến nhà cô thọ trai vào trưa mai nên phải gấp về sắp xếp mọi việc cho chu đáo. Các vương tôn công tử năn nỉ xin cô nhường đặc ân đó cho họ, bù lại họ sẽ trả cho cô một trăm ngàn đồng tiền vàng. Ambapāli từ chối, nói rằng sẽ không bán buổi cúng dường này dù được trả bằng kinh thành Vesālī và các kho báu của thành. Nghe vậy các vị này liền đến viếng Thế Tôn và thỉnh Ngài ngày mai đến nhà họ thọ trai. Tuy nhiên Thế Tôn từ chối vì đã nhận lời mời của Ambapāli. Nhóm vương tử tỏ thái độ bất bình và lớn tiếng: “Mình đã bị con nhỏ xoài qua mặt rồi! Mình đã bị con nhỏ xoài lừa rồi!”
Ngày hôm sau, sau khi cúng dường trai tăng và được nghe Đức Phật thuyết pháp, Ambapāli hoan hỷ phát tín tâm trong sạch xin dâng cúng lên Giáo đoàn công viên tuyệt đẹp của cô, Vườn Xoài, nơi Bổn Sư đã vài lần thuyết pháp trước đó.
Người con trai của Ambapāli và Vua Bimbisāra về sau xuất gia tỳ khưu, với pháp hiệu Vimala-Kondañña, và chứng đắc thánh quả a-la-hán. Sau này, khi được nghe một bài pháp của người con, Ambapāli phát tâm xuất gia và xin gia nhập Ni chúng. Ambapāli lấy những hình tướng của chính thân mình làm đề mục hành thiền để quán chiếu về vô thường và khổ. Từ công phu đó Ambapāli đắc quả a-la-hán. Khi tuổi đã cao, Ni sư so sánh sắc đẹp thuở thanh xuân với vẻ tàn tạ lúc tuổi già của mình qua các kệ sau trong Trưởng Lão Ni Kệ:
252. Xưa tóc mềm tơ cuộn,
Đen như sắc con ong.
Nay biến đổi vì già,
Bạc cứng như rơm khô.
Đúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
253. Xưa đầu kết hoa tươi.
Thơm như bình hương quý.
Nay biến đổi vì già,
Hôi như mùi lông chó.
Ðúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
254. Xưa tóc dày, trâm sáng,
Như lâm viên khéo trồng,
Nay biến đổi vì già,
Tóc lơ thơ rơi rụng.
Ðúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
256. Xưa chân mày tuyệt đẹp,
Cong vút như nét vẽ.
Nay biến đổi vì già,
Da nhăn nhúm đè sụp.
Ðúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
257. Xưa mắt xanh và dài,
Sáng đẹp như châu báu.
Nay biến đổi vì già,
Mắt đẹp đã mờ phai.
Ðúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
260. Xưa răng đều, trắng, đẹp,
Màu sáng như búp hoa.
Nay biến đổi vì già,
Gãy rụng và vàng ố.
Ðúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
261. Xưa ngọt ngào giọng nói,
Như chim hót trong rừng.
Nay biến đổi vì già,
Tiếng khàn bể đứt đoạn.
Ðúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
265. Xưa đôi gò ngực đẹp,
Căng cao và tròn đầy.
Nay chảy xệ lòng thòng,
Như túi rỗng cạn nước.
Ðúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
266. Xưa thân hình tuyệt đẹp,
Như khuôn vàng đánh bóng.
Nay biến đổi vì già,
Chằng chịt bao vết nhăn.
Ðúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
269. Xưa đôi chân xinh xắn,
Như dồn len mịn màng.
Nay biến đổi vì già,
Nứt nẻ đầy vết nhăn.
Ðúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
270. Thân là vậy, hư hoại,
Tàng chứa bao khổ đau.
Như ngôi nhà cũ kỹ,
Lớp vôi tô rơi rụng.
Ðúng như lời giảng dạy,
Của Bậc nói Sự Thật.
Quán chiếu và suy nghiệm này được hành trì miên mật, đem đến cho Ambapāli một tuệ giác thâm sâu về bản chất thực sự của thế gian. Với túc mạng minh, Ni sư nhớ lại nhiều kiếp quá khứ, và thấy được những lang thang vô định của cuộc hành trình trong vòng luân hồi bất tận: có khi là một gái điếm, lại có khi là một nữ tu. Mặc dù lắm lúc sa đọa chìm đắm trong dục lạc, Ambapāli vẫn luôn thành tựu được hạnh bố thí cúng dường hiếm quý, và công đức này trổ quả tốt đẹp trong nhiều kiếp tái sanh.
Ambapāli thường được thọ hưởng phước quả có sắc đẹp kiều diễm, nhưng kiếp nào sắc đẹp ngoại hình rồi cũng chóng tàn phai, hủy hoại vỡ nát bởi tuổi già và cái chết. Trong kiếp sau cùng này, khi mọi si mê lầm lạc đã hoàn toàn hủy diệt, Ambapāli cuối cùng chứng đạt được sắc đẹp nội tâm không bao giờ tàn hoại – sắc đẹp của giải thoát. Những dòng kệ sau đây chứa đựng các trải nghiệm của vị thánh ni về sự vượt thắng đến danh vị “người con gái thật sự của Đức Phật”:
Được muôn triệu chúng sanh đến tham dự,
Ta xuất gia vào Pháp bậc Toàn Thắng.
Tâm đạt đến trạng thái bất thối chuyển,
Là con gái thật sự của Thế Tôn.
Ta làm chủ các năng lực tâm linh
Và làm chủ được nhĩ căn thanh tịnh.
Hỡi Tôn Sư, bậc thầy của trí tuệ
Thấu triệt trọn tâm thức mọi chúng sanh.
Ta thấy được bao kiếp trong quá khứ,
Bởi thiên nhãn đã trọn vẹn thanh tịnh,
Mọi ô nhiễm đã hoàn toàn hủy diệt,
Nên từ nay không còn phải tái sanh.
(Ap. ii, 4:9, vv 213-15)