Nội Dung Chính
ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
PAṬĀCĀRĀ – ĐỆ NHẤT TRÌ GIỚI TỲ KHƯU NI
Paṭācārā là người con gái tuyệt đẹp của một thương gia rất giàu có ở thành Sāvatthi. Khi cô lên mười sáu, cha mẹ cô nhốt giữ cô trên lầu thượng của một dinh thự bảy tầng, nơi quanh cô lúc nào cũng có người canh gác để ngăn chặn cô giao du với các chàng thanh niên. Dù cẩn mật như vậy, cô vẫn đem lòng yêu thương một người con trai giúp việc trong nhà.
Khi cha mẹ sắp đặt hôn nhân cho Paṭācārā với một thanh niên gia đình môn đăng hộ đối, cô hoảng hốt quyết định đi trốn với người yêu của mình. Giả dạng thành một tớ gái, cô gặp người yêu ở dưới phố, rồi cả hai đến một làng nhỏ xa thành Sāvatthi. Nơi đây người chồng trồng trọt trên một miếng đất nhỏ để kiếm sống. Còn người vợ trẻ làm tất cả các công việc lặt vặt trong nhà mà trước nay gia nhân tôi tớ của cha mẹ cô phải làm. Như thế cô đã sớm gặt hái nghiệp quả của mình.
Khi Paṭācārā mang thai, cô khẩn khoản xin chồng đem cô về nhà cha mẹ để sanh nở; bởi vì, cô nói rằng, cha mẹ lúc nào cũng mềm lòng thương yêu và tha thứ lỗi lầm cho con cái. Tuy nhiên, người chồng cương quyết từ chối vì sợ cha mẹ vợ có thể bắt bỏ tù, thậm chí có thể giết anh ta. Biết chồng không nhượng bộ, cô bèn quyết định lén ra đi một mình. Khi được hàng xóm cho biết, người chồng rượt theo, bắt kịp và năn nỉ vợ trở về. Thế nhưng cô không nghe và vẫn cứ tiếp tục đi. Trước khi đến thành Sāvatthi, cô lâm bồn và sanh một bé trai. Bây giờ thì không còn lý do gì để về nhà cha mẹ, cô đành phải quay trở lại nhà mình.
Sau đó Paṭācārā lại mang thai đứa thứ hai và lần nữa xin chồng cho mình về nhà cha mẹ. Lại bị chồng từ chối, lần này cô dắt đứa con thơ tự mình đi về nhà. Một lần nữa người chồng đuổi theo, và lại một lần nữa cô cương quyết không đổi ý. Thế là cả ba người cùng đi. Được khoảng nửa chặng đường thì một cơn bão khủng khiếp bất ngờ ập xuống, với nhiều sấm sét và mưa lũ không dứt. Ngay lúc ấy cô chuyển dạ muốn lâm bồn và yêu cầu chồng đi kiếm chỗ trú bão lụt. Người chồng bèn đi tìm vật liệu để dựng tạm một chòi nhỏ. Khi anh đang chặt vài cành cây non, một con rắn độc ẩn dưới ụ đất chui ra và cắn anh. Anh ngã chết ngay tại chỗ.
Paṭācārā trông ngóng chồng mãi nhưng không thấy về. Rồi cô hạ sanh đứa con trai thứ nhì. Suốt đêm cả hai đứa bé khiếp đảm, thét la dưới cơn mưa bão sấm sét kinh thiên động địa, nhưng bảo bọc che chở duy nhất chúng được nhận chỉ là tấm thân gầy còm tơi tả của người mẹ đau khổ.
Sáng sớm hôm sau, cô quấn đứa bé sơ sanh ngang hông, đưa một ngón tay cho đứa con lớn nắm, rồi hướng về phía người chồng đã đi, và nói: “Đi, con yêu, cha đã bỏ mẹ con mình rồi!”
Khi rẽ qua khúc quanh con đường, cô thấy người chồng nằm chết, thân cứng đờ như khúc gỗ. Cô ngừng lại kêu gào khóc lóc, tự trách mắng mình đã giết hại chồng, rồi lại phải tiếp tục cuộc hành trình.
Đi một lúc, ba mẹ con đến trước sông Aciravati. Sau cơn mưa bão đêm qua, dòng sông dâng đầy, cao ngang eo, và nước lũ chảy xiết thật mạnh. Biết sức mình quá yếu không thể vượt sông cùng lúc với hai con nhỏ, Paṭācārā để đứa lớn lại bờ sông bên này rồi bồng đứa bé qua sông đặt ở bờ bên kia, xong trở lại để mang tiếp đứa lớn sang sông. Khi đang ở giữa sông, một con diều hâu đang tìm mồi, thấy đứa hài nhi đỏ hỏn, tưởng là miếng thịt tươi liền sà xuống quắp đứa bé bay đi. Quá đột ngột, Paṭācārā chỉ có thể nhìn theo con, bất lực kêu gào. Đứa con lớn thấy mẹ dừng lại giữa dòng sông và la lớn, tưởng mẹ đang kêu mình nên chạy ra theo mẹ, nhưng vừa bước xuống sông cậu bé liền bị dòng nước chảy xiết cuốn phăng đi.
Kêu gào khóc than thảm thiết, cuối cùng Paṭācārā rồi cũng phải thất thểu tiếp tục đi nốt đoạn đường, lòng khủng hoảng tan nát sau ba thảm cảnh – mất chồng và hai con – đổ xuống đời cô chỉ trong một ngày.
Thế nhưng bất hạnh vẫn tiếp tục chồng chất thêm mãi. Khi gần đến thành Sāvatthi, Paṭācārā gặp một người lữ hành vừa rời thành, và cô hỏi thăm về gia đình cô. Người ấy nói: “Hãy hỏi tôi về bất cứ gia đình nào trong thành trừ gia đình ấy. Xin đừng hỏi tôi về họ.” Nhưng cô nài nỉ mãi nên người ấy cho biết: “Đêm qua cơn bão khủng khiếp đã đánh sập nhà họ, giết chết ông bà chủ nhà và đứa con trai. Thi thể họ vừa mới được hỏa thiêu sáng nay. Kìa, cô có thể thấy được làn khói xanh đang bay lên từ giàn thiêu.”
Khi Paṭācārā nhìn thấy làn khói, cô liền hóa điên dại, xé nát quần áo, chạy lang thang khắp nơi, vừa kêu gào vừa khóc lóc. Mọi người đều bảo cô là người điên và liệng rác rưởi hoặc ném đất cát túi bụi vào người cô. Nhưng cô vẫn tiếp tục đi cho đến khi vào ngoại thành Sāvatthi.
Vào lúc ấy, Đức Phật đang ngụ tại tịnh xá Jetavana, chung quanh có nhiều đệ tử. Khi thấy Paṭācārā tiến vào cổng tịnh xá, Ngài biết căn cơ cô đã chín muồi để thọ nhận lời dạy về giải thoát của Ngài. Các vị cư sĩ đồng la to: “Đừng để mụ điên đó vào đây!” Nhưng Bổn Sư từ tốn dạy: “Đừng ngăn cản; cứ để cô ấy đến gặp Như Lai.” Khi cô đến gần, Đức Phật dịu dàng nói: “Này hiền muội, hãy hồi tỉnh lại!” Lập tức, Paṭācārā bừng tỉnh. Xấu hổ với xiêm y hở hang, cô nằm phục xuống đất. Một nam cư sĩ tử tế ném cho cô chiếc áo choàng của mình. Cô khoác áo vào và tiến đến Đức Thế Tôn, quỳ mọp đảnh lễ dưới chân Ngài và kể lại câu chuyện bi thương của mình.
Đức Tôn Sư nhẫn nại lắng nghe, với lòng bi mẫn thâm sâu và bao la, rồi dạy: “Paṭācārā, đừng đau buồn nữa! Nay con đã gặp được một người có thể cho con nơi nương tựa và an trú. Không phải chỉ hôm nay con mới gặp bao tai ương khổ nạn như vậy, nhưng trong cõi luân hồi vô thủy vô chung này, nước mắt khóc thương những người thân yêu của con còn nhiều hơn nước của bốn đại dương…” Lắng nghe lời giảng dạy của Thế Tôn về những hiểm họa, khổ não khi chúng sanh trôi lăn trong vòng luân hồi saṁsāra, nỗi đau buồn của Paṭācārā lắng dần. Đức Phật chấm dứt bài pháp bằng câu kệ:
Nước bốn biển ít hơn
Nước mắt của chúng sanh
Đau thương khóc bao đời
Sao cô vẫn buông lung?
(Dhp. Comy. 2:268)
Một khi tử thần đến,
Không con cái, cha mẹ,
Không thân quyến có thể
Che chở bảo bọc ta.
Hiểu rõ sự thật này,
Bậc trí sống giới đức
Sẽ nhanh chóng thành tựu
Con đường đến Niết Bàn.
(Dhp. 288 – 89)
Lời giảng giải của Đức Phật thấm nhuần thâm sâu vào tâm tư Paṭācārā giúp cô thấu hiểu trọn vẹn được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của mọi pháp hữu vi. Khi Đức Thế Tôn vừa chấm dứt bài pháp, Paṭācārā không còn là người đàn bà điên loạn đang ngồi than khóc dưới chân Ngài, mà là một vị đã bước vào dòng thánh, với quả vị nhập lưu, hướng về mục tiêu giải thoát cuối cùng.
Ngay sau khi chứng đắc quả nhập lưu, Paṭācārā xin xuất gia, gia nhập vào Ni chúng. Thánh ni tinh tấn chuyên cần thực hành Giáo Pháp và, không bao lâu sau, đạt được cứu cánh rốt ráo. Paṭācārā mô tả tiến trình tu tập và chứng đạt đạo quả của mình qua các kệ sau trong Trưởng Lão Ni Kệ:
Bằng cày sâu cuốc bẩm
Gieo trồng trên đất màu
Họ gầy dựng của cải
Nuôi nấng vợ và con.
Thế sao ta giới hạnh,
Hành theo Bổn Sư dạy,
Không lười nhác, kiêu mạn,
Vẫn chưa chứng Niết Bàn?
Khi ta đang rửa chân,
Quán dòng nước xuôi chảy
Từ trên cao xuống thấp.
Tâm ta liền an định
Như ngựa giống thuần thục.
Rồi ta cầm cây đèn,
Bước vào trong tịnh cốc,
Xem xét giường tỉ mỉ,
Chậm rãi ta ngồi xuống.
Rồi cầm một cây kim
Ta dìm tim đèn xuống.
Tâm ta được giải thoát
Như ngọn đèn tắt lụn.
(Thig. 112-116)
Khi quán sát dòng nước chảy từ cao xuống thấp, Paṭācārā chú ý thấy có dòng thấm ngay vào lòng đất, có dòng trôi xa hơn một chút, cũng có dòng chảy đến tận cuối dốc. Qua đó, Ni sư nhận ra được bản chất của chúng sanh hữu tình: có chúng sanh sống một kiếp sống ngắn ngủi như các con của Paṭācārā; có chúng sanh sống qua tuổi trưởng thành như chồng hay em trai; có người sống đến tuổi già như cha mẹ. Nhưng cũng như mọi dòng nước, cuối cùng rồi cũng phải biến mất vào lòng đất, Tử thần sẽ đặt tay nắm bắt tất cả chúng sanh, và không ai chạy thoát được lưỡi hái của thần Chết.
Khi nhận thức này chợt lóe sáng, tâm Paṭācārā tức khắc an định. Với định tâm vững chắc, Ni sư quán bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của các pháp hữu vi. Thế nhưng, với tinh tấn nỗ lực ấy, Paṭācārā vẫn chưa chứng đạt giác ngộ cuối cùng. Mệt mỏi, Ni sư quyết định nghỉ ngơi lúc vào nửa đêm, đi vào phòng, chánh niệm ngồi xuống giường, và dụi tắt ngọn đèn. Trong khoảnh khắc ngọn đèn tắt lụn ấy, bao công năng tu tập được viên mãn. Paṭācārā thành tựu chánh trí, đạt cứu cánh Niết Bàn, vĩnh viễn dập tắt ngọn lửa tham ái, sân hận, si mê trong tâm.
Sở dĩ Paṭācārā có được sự chuyển hóa nhanh chóng từ một cô gái trẻ bồng bột trở thành một tỳ khưu ni giới hạnh cao quý vì trong nhiều kiếp trước đã gieo trồng và tăng trưởng căn lành. Trong thời chư Phật quá khứ, Paṭācārā nhiều lần xuất gia tỳ khưu ni. Những tuệ giác đã thành đạt ẩn mình dưới các hành nghiệp của những kiếp sống sau đó, chờ nhân duyên đầy đủ để trổ quả. Vào thời Đức Phật Gotama, với thiện căn được khơi dậy bởi đau khổ tột cùng và bởi một thôi thúc tìm đường giải thoát trầm luân từ trong tiềm thức, Paṭācārā nhanh chóng tìm được đường đến Bổn Sư và Giáo Pháp của Ngài. Xuất gia sống đời phạm hạnh, Paṭācārā nỗ lực tu tập và, cuối cùng, phá vỡ vô minh, giải thoát mọi khổ đau, chứng đạt sự tự do cao quý nhất và vô điều kiện của Niết Bàn.
Đức Phật tán dương Paṭācārā là đệ nhất về tinh thông Giới Luật (Vinaya) trong hàng đệ tử tỳ khưu ni (etadaggaṁ bhikkhunīnaṁ vinayadharānaṁ). Vị trí này tương ứng với Trưởng lão Upāli, đệ nhất về tinh thông Giới Luật trong hàng đệ tử tỳ khưu. Đây là thiện quả của một ước nguyện từ kiếp quá khứ xa xưa vào thời Đức Phật Padumuttara: “Con nguyện được là vị tối thắng về tinh thông Vinaya trong hàng đệ tử tỳ khưu ni của một vị Phật tương lai.”
Ngoài ra, Paṭācārā có lẽ đương nhiên đặc biệt chú tâm đến việc nghiêm trì giới luật, bởi trong những năm còn trẻ dại đã từng trải qua kinh nghiệm sâu sắc về cái giá đắng cay của tình cảm bồng bột và hành động liều lĩnh, thiếu thận trọng. Khi sống trong Ni chúng, Paṭācārā hiểu được rằng việc nghiêm trì giới luật là tuyệt đối cần thiết cho sự thành tựu tâm an bình và tĩnh lặng.
Hơn nữa, bằng kinh nghiệm bản thân, Paṭācārā thấu triệt được những lý lẽ mù quáng và khúc mắc sâu kín của trái tim con người nên có thể giúp các tỳ khưu ni khác trong việc rèn luyện giới đức. Nhiều vị đến với Ni sư để được hướng dẫn tu tập và tìm thấy niềm an ủi, khích lệ vô biên qua những lời khuyên nhủ.
Một thí dụ là Candā, vị tỳ khưu ni đã biểu lộ lòng tri ân của mình đến Paṭācārā bằng hai kệ trong Trưởng Lão Ni Kệ. Candā từ thuở nhỏ phải sống trong cảnh nghèo khổ vì gia đình bị mất hết tài sản. Rồi một bạo bịnh phát ra, giết hại cả nhà. Cô trở thành côi cút, đi ăn xin nhà này qua nhà khác với một cái chén vỡ, qua bao nhiêu năm trường. Một ngày kia, cô đến chỗ trú ngụ của Ni sư Paṭācārā. Chư ni tiếp đón cô với lòng từ mẫn và cho thức ăn. Cô đến gần và đảnh lễ Paṭācārā, rồi ngồi xuống một bên nghe pháp. Cảm kích và hoan hỷ, cô xin xuất gia. Được Paṭācārā giáo giới, cô nghiêm trì giới luật, trau dồi phẩm hạnh, và tinh cần hành thiền. Trí tuệ chín muồi, không bao lâu cô chứng đắc thánh quả a-la-hán. Candā đã nói hai kệ sau để tỏ lòng tri ân Ni sư Paṭācārā và trình bày chứng đắc của mình:
Paṭācārā bi mẫn
Cho ta được xuất gia;
Rồi chỉ dẫn, khuyến khích
Hướng ta đến giải thoát.
Nghe Ni sư thuyết giảng,
Ta tu theo lời dạy.
Sách tấn không hoài công:
Rũ sạch mọi cấu uế
Ta chứng được tam minh!
(Thig. 125-126)
Trong Trưởng Lão Ni Kệ còn có một số kệ khác mô tả phương cách Paṭācārā thường dạy các tỳ khưu ni và những lợi lạc họ được thọ hưởng nhờ sự hướng dẫn của Ni sư. Các kệ này được thốt lên từ một nhóm ba mươi vị tỳ khưu ni sau được Ni sư giảng dạy và sách tấn tu tập đã chứng quả a-la-hán:
118. “Hãy hành lời Phật dạy,
Sẽ không phải hối tiếc.
Nhanh chóng rửa sạch chân,
Rồi ngồi xuống một bên.
Thuần thục an định tâm,
Hành theo lời Phật dạy.”
119. Sau khi nghe hướng dẫn,
Từ Paṭācārā, Họ rửa chân và ngồi,
Rồi chú tâm an định,
Hành theo lời Phật dạy.
120. Canh thứ nhất trong đêm,
Họ nhớ đời quá khứ.
Canh chặng giữa trong đêm,
Họ thanh tịnh thiên nhãn.
Canh cuối cùng trong đêm,
Họ phá vỡ vô minh.
121. Dưới chân vị giáo giới,
Họ phủ phục đảnh lễ:
“Lời dạy được ghi tâm.
Như chư thiên tôn vinh Indra,
Chúa của họ, Vị bất bại chiến trường,
Chúng tôi tôn vinh thầy.
Chúng tôi thoát lậu hoặc,
Chứng đắc được tam minh.”
(Thig. 118: Paṭācārā Thig. 119-121: Ba mươi tỳ khưu ni)