Nội Dung Chính
ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG III: ĐẠI CA DIẾP
THI KÊ
Trong Trưởng lão Tăng Kệ có bốn mươi kệ (1051-90) được cho là của Mahā Kassapa. Những vần kệ này phản ánh được một số phẩm chất và đạo hạnh tiêu biểu của ngài: khổ hạnh, tri túc, nghiêm khắc với chính mình và các huynh đệ đồng môn, tinh thần tự lập và tự lực, yêu thích tịch tĩnh, xa lánh chỗ đông người, tinh tấn hành thiền và an trú trong các tầng thiền vắng lặng. Những thi kệ này cũng thể hiện được nhiều cảm hứng của ngài trước vẻ đẹp thiên nhiên chung quanh, điều không tìm thấy được trong các bài kinh văn xuôi. Dưới đây chỉ là vài bài chọn lọc.
Trước tiên, đây là một bài kệ sách tấn chư tỳ khưu thực hành nếp sống tri túc với tứ vật dụng trong nếp sống tu hành (Thag. 1054-57):
Từ sơn am ta bước xuống thị thành,
Khất thực vừa đủ thức ăn dâng cúng.
Ta lễ phép bước gần đến một người,
Một người cùi đang dùng bữa ăn trưa.
Bằng bàn tay cùi hủi và bệnh tật
Người dâng ta một mẩu nhỏ thức ăn.
Khi người đặt vào trong bát của ta
Một đốt tay rớt ra rơi ngay vào.
Ta ngồi xuống dưới chân một bờ tường
Ăn mẩu thức ăn người sớt cho ta.
Khi đang ăn và khi đã ăn xong
Ta không thấy chút mảy may nhờm gớm.
Dùng canh cặn, cơm thừa làm thức ăn,
Dùng nước tiểu hôi khai làm thuốc uống,
Dùng gốc cây làm nơi ẩn trú thân,
Dùng giẻ rách vá đùm thành y mặc:
Ai đã thuần thục trong nếp sống này
Chính là người nơi đâu cũng là nhà.
Có người hỏi Mahā Kassapa vì sao lúc tuổi già sức yếu mà hằng ngày cứ phải nhọc nhằn lên núi xuống đèo? Ngài trả lời (Thag. 1058-61):
Có nhiều người mệt mỏi khi trèo cao
Lên sườn dốc cheo leo trên núi đá,
Kassapa, con thừa tự của Phật,
Lên bằng thần lực, chánh niệm, tỉnh giác.
Khi hằng ngày khất thực trở bước về,
Khi trèo lên vượt dốc núi đá cao,
Kassapa hành thiền đoạn chấp thủ,
Vứt bỏ hết mọi lo âu và run sợ.
Khi hằng ngày khất thực trở bước về,
Khi trèo lên vượt dốc núi đá cao,
Kassapa hành thiền đoạn chấp thủ,
Mát mẻ giữa những người cháy đam mê.
Khi hằng ngày khất thực trở bước về,
Khi trèo lên vượt dốc núi đá cao,
Kassapa hành thiền đoạn chấp thủ,
Nhiệm vụ đã tròn, lậu hoặc đã tan.
Có người lại hỏi vì sao tuổi già sức yếu mà ngài Mahā Kassapa chỉ muốn sống độc cư trong rừng núi, và vì sao ngài không ưa thích các tu viện như tu viện Trúc Lâm. Ngài cho biết (Thag. 1062 -71):
Khắp núi rừng trải thảm hoa tươi,
Những nơi này khiến tâm ta hoan hỷ;
Có tiếng voi vọng lại thật vui tai,
Rặng núi đá cho ta niềm an lạc.
Những đám mây xanh thẫm huy hoàng,
Những dòng suối mát trong vắt chảy ngang,
Và côn trùng bò khắp nơi đây đó:
Rặng núi đá cho ta niềm an lạc.
Giống đỉnh cao của đám mây xanh thẫm,
Giống nóc nhà gác tháp, mái đầu hồi,
Có tiếng voi vọng lại thật vui tai,
Rặng núi đá cho ta niềm an lạc.
Núi nhẵn thín bởi cơn mưa đẽo gọt,
Thu hút biết bao nhiêu kẻ ngắm nhìn,
Tiếng chim công vang dội cả một vùng,
Rặng núi đá cho ta niềm an lạc.
Thế cũng đủ cho ta ước muốn thiền,
Đủ để ta định tâm và chánh niệm;
Thế cũng đủ cho ta, một tỳ khưu,
Quyết tâm và mong muốn đạt giải thoát.
Thế cũng đủ cho ta, một tỳ khưu,
Ước muốn an lành, với tâm kiên quyết.
Thế cũng đủ cho ta, một tỳ khưu,
Ước muốn tiến tu, với tâm kiên quyết.
Giống như nụ hoa xanh của cây gai,
Giống như trời thu vần vũ nhiều mây,
Với muôn đàn chim đủ giống đủ loài:
Rặng núi đá cho ta niềm an lạc.
Không đám đông lên đồi này viếng cảnh,
Nhưng có nhiều những đàn nai cư trú,
Với muôn đàn chim đủ giống đủ loài:
Rặng núi đá cho ta niềm an lạc.
Thung lũng rộng có nước trong tuôn chảy,
Chiếm ngự nơi đây là khỉ và nai,
Bao phủ bởi những thảm rêu ẩm ướt:
Rặng núi đá cho ta niềm an lạc
Tiếng nhạc ngũ cung âm vang hòa điệu
Âm thanh nào có thể thích thú hơn
Và khi ta đạt đến tâm nhất điểm
Là đạt tuệ giác Giáo Pháp nhiệm mầu.
Và trong các kệ sau, ngài Mahā Kassapa đã cất lên “tiếng rống sư tử” (Thag. 1087-90):
Trong thửa ruộng mênh mông
Của đệ tử Đức Phật,
Ngoại trừ bậc Vô Thượng,
Ta tối thắng đầu đà:
Không ai bằng ta được.
Ta phụng sự Bổn Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.
Là con bậc Gotama!
Không tham đắm tam y,
Chỗ ở, hay thức ăn,
Như đóa sen thanh tịnh,
Chí nguyện hạnh xuất ly,
Vượt lên cả tam giới.
Với bậc Ðại ẩn sĩ,
Cổ dựng trên niệm xứ,
Tay dựa trên chánh tín,
Đầu viên mãn thánh trí,
Du hành thật thanh lương.