Nội Dung Chính
ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG I: XÁ LỢI PHẤT (SĀRIPUTTA) – VỊ TƯỚNG QUÂN CỦA GIÁO PHÁP
PHẨM HẠNH VIÊN MÃN
VỊ TRƯỞNG ĐỆ TỬ
Đức Phật dạy rằng tất cả chư Phật trong quá khứ đều có “một đôi trưởng đệ tử, một đôi ưu tú lỗi lạc” (sāvakayugaṁ aggaṁ bhaddayugaṁ) cũng như Ngài có Sāriputta và Moggallāna, và tất cả chư Phật trong tương lai cũng vậy (DN 14, SN 47:14). Đây là một truyền thống của đạo Phật.
Trách nhiệm căn bản của vị trưởng đệ tử (aggasāvaka) gồm có ba phần. Thứ nhất là hỗ trợ Bổn Sư trong việc củng cố và thống nhất giáo lý để làm phương tiện truyền bá Chánh Pháp đến chúng sanh trong cõi trời và người. Thứ hai là làm gương mẫu và chuẩn mực cho các sa môn khác noi theo, cũng như giám sát việc tu tập của họ. Thứ ba là trợ giúp Bổn Sư hướng dẫn Tăng chúng, nhất là vào những dịp Ngài nhập thất hay phải khẩn cấp du hóa một mình.
Đức Thế Tôn lúc nào cũng có thẩm quyền tối cao trong Giáo đoàn. Vị trưởng đệ tử thinh văn hành sự dưới sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn, bậc Vô Thượng đã khám phá lại con đường giải thoát và thiết lập Giáo Pháp, bậc Điều Ngự Trượng Phu trong công cuộc giáo hóa chúng sanh. Như một vị hoàng đế giao phó trách nhiệm thay mặt vua giám sát công việc triều chính cho tả hữu thừa tướng, đấng Pháp Vương (dhammarājā) giao phó trách nhiệm hướng dẫn tu tập cho các trưởng đệ tử thinh văn. Nhận vai trò trưởng đệ tử là mang nặng vai trách nhiệm trong mọi lãnh vực của Giáo đoàn, chia sẻ với Thế Tôn gánh nặng của lòng bi mẫn tế độ chúng sanh, và sát cánh với Thế Tôn trong công cuộc hoằng pháp để Chánh Pháp được “hữu hiệu, lợi ích, thịnh vượng, phổ biến, quảng bá, khéo giảng dạy cho chư thiên và loài người” (DN 16; SN 51:10).
Đại đức Sāriputta là vị trưởng đệ tử thứ nhất, cánh tay phải hộ Pháp trợ Tăng của Đức Phật, bậc nhất trong hàng đệ tử Phật về trí tuệ (mahāpaññā). Đại đức mang một trách nhiệm đặc biệt trong việc truyền bá Giáo Pháp, đó là hệ thống hóa và phân tích chi tiết giáo lý mà Đức Tôn Sư đã ban truyền. Với tuệ giác thâm sâu và nhận thức sắc bén, Sāriputta còn có bổn phận rút tỉa những tinh hoa vi diệu của Giáo Pháp và giải thích ý nghĩa của chúng với thật đầy đủ chi tiết. Đây là việc mà đấng Thiên Nhân Sư, bởi gánh nặng phụng sự, tế độ và hướng dẫn bao chúng sanh khắp cõi trời và người, cần sự trợ giúp của Đại đức.
Đại đức Moggallāna là vị trưởng đệ tử thứ hai, cánh tay trái hộ Pháp trợ Tăng của Đức Phật, bậc nhất trong các đệ tử Phật về thần thông (iddhi). Thần thông của bậc thánh không phải là phương tiện để chế ngự kẻ khác hay để tăng trưởng thế lực vì phải được rèn luyện trên một nền tảng vững chắc của ý thức vô ngã – không tôi, ta, cái tôi, của tôi. Thần thông này thăng tiến khi đã thuần thục thiền định (samādhi), chứng nghiệm và thấy rõ được các năng lực cơ bản chi phối danh sắc (tâm và thân) và sự tương quan vi diệu của chúng. Lèo lái bởi thánh tâm bi mẫn và sáng suốt, thần thông được dùng để loại trừ các chướng ngại cản trở việc truyền bá Chánh Pháp và để chuyển hóa những chúng sanh không dễ động tâm bởi phương cách giáo hóa nhẹ nhàng qua lời nói.
Trong một lần thuyết pháp cho Tăng chúng, Đức Phật đã đưa hai trưởng đệ tử ra làm gương cho chư tăng theo bước tu tập: “Này chư tỳ khưu, một sa môn có tín tâm nên ghi lòng tạc dạ ước nguyện chân chánh này: ‘Ôi, mong được như Sāriputta và Moggallāna!’ Bởi vì Sāriputta và Moggallāna là khuôn mẫu và chuẩn mực cho các đệ tử tỳ khưu của Như Lai” (AN 2:131). Thuần thục Tam Học – giới, định, tuệ – hai vị là hiện thân của những phẩm hạnh mà một sa môn còn trên đường tu học cần phải rèn luyện cho chính mình. Không những vậy, vì cả hai đều có các tuệ giác phân tích và biệt tài diễn giảng nên họ là những vị thầy lý tưởng cho các tỳ khưu non trẻ cần lời giải thích và chỉ dẫn rõ ràng, hàm súc và sống động.
Sự hỗ tương của hai vị trong việc dạy dỗ, huấn luyện các đệ tử đã được Đức Thế Tôn tán thán trong Saccavibhaṅga Sutta (MN 141):
“Này chư tỳ khưu, hãy kề cận, theo bước Sāriputta và Moggallāna! Đó là những sa môn trí tuệ, hằng giúp đỡ cho huynh đệ đồng môn. Sāriputta như sanh mẫu – thọ sanh hài nhi, và Moggallāna như dưỡng mẫu – nuôi dưỡng trẻ đến trưởng thành. Sāriputta huấn luyện cho đệ tử đắc được thánh quả nhập lưu, còn Moggallāna huấn luyện cho đệ tử đến mục tiêu cao thượng nhất, thánh quả a-la-hán.”
Chú giải Trung Bộ Kinh giải thích thêm về lời tán thán này:
“Khi Sāriputta hướng dẫn đệ tử, dù là học trò của mình hay ai khác, ngài tận tụy nâng đỡ mọi phương tiện từ vật chất đến tinh thần, chăm sóc lúc ốm đau, chọn lựa đề mục thiền tập. Khi biết họ đã chứng đắc tầng thánh đầu tiên – nhập lưu – và vượt qua khỏi hiểm họa tái sanh vào các cảnh khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, atula), ngài cho phép họ rời ngài vì biết chắc rằng, ‘từ nay họ có thể tự tu tập, thăng tiến, để đạt được những quả vị cao quý nhất.’ Khi an tâm như vậy rồi, ngài tiếp tục đón nhận và khởi công giáo huấn đệ tử mới.
“Còn Moggallāna thì khác. Ngài cũng huấn luyện đệ tử với cung cách như vậy, nhưng không rời họ cho đến khi họ đạt được thánh quả a-la-hán. Đây là do ngài theo lời dạy của đấng Chánh Biến Tri: ‘Dù tâm chỉ còn một chút cỏn con vi tế của mầm mống bất thiện, ngắn ngủi hơn một cái búng ngón tay, Như Lai cũng không ngợi khen.’”
Đặc biệt, khi giảng giải và khuyên nhủ huynh đệ, Đại đức Sāriputta có một lòng kiên nhẫn phi thường. Ngài luôn cố công khuyên nhủ, giảng giải, lập đi lập lại cả trăm lần, ngàn lần, cho đến khi nào ánh sáng trí tuệ cao thượng khởi trụ trong tâm người nghe. Với các đệ tử của Sāriputta, trí tuệ đó ít nhất phải là quả vị nhập lưu.
Nhưng không chỉ vậy, ngài còn hỗ trợ nhiều huynh đệ tu tập để chứng đạt những quả vị cao hơn trong dòng thánh. Trong đó có Trưởng lão Lakuṅṭika Bhaddiya. Trưởng lão từ quả nhập lưu, nhờ tu tập theo các đề mục thiền định do ngài Sāriputta lựa chọn và hướng dẫn mà đắc quả a-la-hán (Ud. 7:1).
Là trưởng đệ tử, dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn, Sāriputta và Moggallāna mang trọng trách hợp tác để giám sát sinh hoạt, thi hành giới luật, chấn chỉnh nội bộ và hóa giải mâu thuẫn trong Tăng chúng. Hai vị còn có bổn phận lãnh đạo chư tăng khi Bổn Sư vắng mặt.
Cātumā Sutta trong Trung Bộ Kinh (MN 67) có ghi lại một lần Đức Phật khiển trách Sāriputta vì không làm tròn nhiệm vụ này. Lần ấy, một nhóm đông tỳ khưu mới tu (đã thọ giới với Sāriputta và Moggallāna) đến đảnh lễ Đức Phật lần đầu tiên tại Cātumā. Vừa đến tu viện, họ xếp đặt y bát và chào hỏi với các tỳ khưu thường trú nơi này. Nghe tiếng ồn ào náo động, Thế Tôn hỏi và được Ānanda giải thích cớ sự. Đức Phật truyền các tỳ khưu này đến gặp Ngài để khiển trách và bảo họ hãy tìm trú xứ khác, không được ở gần Ngài.
Các thầy tỳ khưu mới tu vâng lời và rời tịnh xá. Một số thiện tín ở Cātumā và chư thiên cầu xin Thế Tôn giúp đỡ các vị sư, cho họ cơ hội được trở về tu tập dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn, như hạt giống được tưới nước, như nghé con được gần bò mẹ. Lúc ấy, Moggallāna gọi họ về gặp Bổn Sư.
Trước đại chúng, Đức Phật hỏi Sāriputta đang ngồi một bên:
“Con nghĩ gì, này Sāriputta, khi Như Lai đuổi các tân tỳ khưu?”
“Bạch Thế Tôn,” Sāriputta thưa, “Con nghĩ rằng: ‘Lúc này đây Thế Tôn muốn được sống yên tịnh và trú trong an lạc. Như vậy chúng con cũng nên sống yên tịnh và trú trong an lạc.”
“Sāriputta, hãy ngưng tư tưởng đó. Đừng bao giờ để một suy nghĩ như vậy khởi lên trong tâm nữa!” Đức Phật dạy. Rồi Ngài quay sang Moggallāna và hỏi câu tương tự.
“Bạch Thế Tôn,” Moggallāna thưa, “Con nghĩ rằng: ‘Lúc này đây Thế Tôn muốn được yên tịnh và trú trong an lạc. Vậy bây giờ Sāriputta và con nên hướng dẫn chư tăng.”
“Đúng vậy, Moggāllana! Hoặc Như Lai hoặc Sāriputta và Moggallāna nên hướng dẫn chư tăng.”
Rồi Đức Phật thuyết giảng cho đại chúng nghe về bốn điều nguy hiểm mà người xuất gia cần phải biết sợ mà vượt qua.
Sāriputta còn là vị đệ tử đầu tiên thỉnh cầu Đức Phật thiết lập điều luật cho giới sa môn. Vào hạ thứ mười hai của Thế Tôn, Đại đức bạch hỏi Đức Bổn Sư vì sao thời gian Giáo Pháp được truyền thừa của chư Phật dài ngắn khác nhau. Ngài trả lời rằng sự truyền thừa ngắn ngủi khi chư Phật không thuyết giảng Giáo Pháp nhiều, không thiết lập đầy đủ các điều luật cho các hàng đệ tử, không quy định việc tụng đọc Giới bổn của tỳ khưu (Pātimokkha); nhưng sự truyền thừa được dài lâu khi chư Phật thực hiện các điều trên để tránh hiểm họa cho Đạo Pháp. Nghe xong những lời giảng giải này, Đại đức Sāriputta cung kính đảnh lễ Bổn Sư và thưa:
“Nay con xin thỉnh cầu Thế Tôn thiết lập đầy đủ các giới học và ban hành Giới bổn tỳ khưu để làm mẫu mực cho Đạo Pháp được truyền thừa dài lâu.”
“Hãy để các pháp tự vận hành, này Sāriputta! Như Lai biết khi nào là đúng lúc, thuận thời cho việc hình thành một điều luật. Bổn Sư sẽ không thiết lập giới điều cho các đệ tử cho đến khi có dấu hiệu lỗi lầm, hoen ố trong Tăng chúng, cũng không quy định việc tụng đọc Giới bổn tỳ khưu cho đến khi các giới điều đã đầy đủ” (Vin. 3:9-10).
Đấng Toàn Giác giải thích thêm rằng lúc bấy giờ các sa môn trong Tăng già đã chứng đạt thấp nhất là thánh quả nhập lưu, và vì thế chưa cần thiết để ban hành giới luật cho chúng tỳ khưu.
Thế Tôn còn thường giao phó cho hai trưởng đệ tử những sứ mệnh đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp. Một thí dụ là lần Ngài giao cho hai vị trọng trách cứu độ một nhóm sa môn trẻ đã lầm đường lạc lối vì nghe theo tà thuyết của Devadatta, người anh em họ của Ngài. Sau khi chia rẽ Giáo đoàn và tuyên bố sẽ lãnh đạo Tăng chúng theo đường hướng riêng, Devadatta thuyết phục năm trăm tỳ khưu trẻ trở thành môn đồ của ông và dẫn họ cùng theo lên núi Linh Thứu. Đức Phật cắt đặt Sāriputta và Moggallāna lên núi Linh Thứu mang họ trở về với Chánh Pháp. Khi trông thấy hai vị trưởng lão đến gần, Devadatta tưởng rằng hai ngài đã quyết định từ bỏ Đức Phật và gia nhập bè phái của ông. Vì vậy, Devadatta chào đón và tiếp đãi hai trưởng lão như thể hai vị là trưởng đệ tử của ông. Lúc về khuya, Devadatta muốn nghỉ ngơi nên nhờ hai vị ban pháp thoại cho chư tỳ khưu. Hai vị luân phiên giảng giải Chánh Pháp cho họ. Với biệt tài thuyết pháp của Sāriputta và hiểu biết về năng lực thần thông của Moggallāna, hai vị thức tỉnh và chuyển hóa được họ, dẫn họ đến thành tựu thánh quả nhập lưu, và đem tất cả trở về với Bổn Sư (Vin. 2:199-200).
Một lần khác mà Sāriputta và Moggallāna hợp tác để chấn chỉnh nội bộ Tăng già là lần một nhóm sa môn dẫn đầu bởi Punabbasu và Assaji (lưu ý: đây không phải là Trưởng lão Assaji, người đã đọc kệ ngôn khai tâm cho Sāriputta) có hành vi sai trái nghiêm trọng. Họ ăn trái thời (sau giờ ngọ), ca hát và nhảy múa với các cô gái trẻ trong phố, và trà trộn sinh hoạt với giới thế tục khiến thanh danh của Tăng già bị bôi nhọ. Mặc dù đã nhiều lần bị khiển trách, họ vẫn không sửa chữa lỗi lầm. Vì vậy Đức Phật gởi hai vị trưởng đệ tử đến trú xứ của họ, một tu viện ở Kītāgiri, để tuyên bố hình phạt trục xuất họ ra khỏi tu viện (pabbājaniya-kamma) do không tuân thủ giới luật tỳ khưu (Vin. 2:12; 3:182-83).
PHỤC VỤ
Trong hàng sa môn, Sāriputta nổi bật với phẩm hạnh phục vụ, cung ứng, đỡ đần, chăm sóc những người chung quanh ngài. Không như sự giúp đỡ thường tình của hàng thế tục với tính toán thiệt hơn và mong cầu đáp trả, Đại đức phục vụ với thánh tâm trong sạch và lòng từ bi vô lượng.
Việc Đại đức tự nguyện cung ứng cho những ai cần được cung ứng là việc tự nhiên như nước trên nguồn cao chảy về sông trăm nhánh, tưới mát và nuôi dưỡng đồng bằng, hay như cội cây râm mát, che nắng che mưa cho vạn vật dưới tàn, vô điều kiện.
Devadaha Sutta trong Tương Ưng Bộ Kinh (SN 22:2) ghi lại lời Đức Phật tán dương Sāriputta: “Này chư tỳ khưu, Sāriputta là bậc thiện trí, là người đỡ đần, cung ứng cho chư huynh đệ tỳ khưu.”
Chú Giải giải thích thêm cho lời tán dương rằng:
“Đại đức Sāriputta cung ứng cho huynh đệ cả hai nhu cầu: vật dụng (āmisānuggaha) và và Pháp dụng (dhammānuggaha).”
Đại Đức không đi trì bình lúc sáng sớm như các tỳ khưu khác. Thay vào đó, khi tất cả huynh đệ đã lên đường, ngài đi quanh khắp tịnh xá. Nơi nào chưa quét dọn, ngài quét dọn. Nơi nào rác rưởi chưa đổ đi, ngài đem đi đổ. Nơi nào vật dụng như giường chiếu, bàn ghế, bình nước, chén ly chưa bày biện gọn gàng, ngài sắp đặt lại. Ngài làm thế không chỉ vì muốn giúp đỡ huynh đệ, mà còn để giữ gìn nơi ăn chốn ở của chư tăng lúc nào cũng được sạch sẽ ngăn nắp. Có như vậy, khi những tu sĩ ngoại đạo đến viếng thăm tịnh xá, họ sẽ không vì thấy cảnh hỗn độn mà có ấn tượng không tốt về Tăng chúng.
Sau đó ngài đi đến bệnh xá, ân cần vấn an người bệnh và hỏi han các nhu cầu của họ. Để đáp ứng, Đại đức dắt các vị sa di trẻ đi tìm thuốc men cùng ngài. Có khi ngài dùng phương tiện khất thực như thường lệ; có khi ngài đến những nơi thích ứng, thuận thời, như nơi có các thí chủ đã ứng tiếng trước với thiện tâm cúng dường đến các tỳ khưu đang lâm bệnh. Xin được thuốc xong, ngài giao cho các sa di, dặn dò:
“Chăm sóc cho người bệnh là một hạnh lành mà Đức Bổn Sư hằng khen ngợi. Các con đem thuốc về ngay nhé, và hãy phục vụ tận tụy, hết lòng!”
Rồi ngài tiếp tục đi trì bình hoặc thọ trai ở nhà một thí chủ.
Đó là sinh hoạt thường nhật của Đại đức khi đang an cư ở một tịnh xá nào đó.
Nhưng mỗi khi du hành bằng đường bộ cùng với Đức Thế Tôn và chư tăng, Sāriputta không bao giờ đi dẫn đầu, không mang dép che dù ra vẻ “Ta đây là trưởng tử.” Ngược lại, ngài giao y bát của ngài cho các sa di trẻ, và để các vị đi trước cùng đoàn.
Rồi ngài đến cạnh những người già yếu hay đau bệnh, những vị đệ tử nhỏ tuổi nhất hoặc vừa mới gia nhập Tăng chúng để đỡ đần chăm sóc họ, chỉ dẫn họ thoa bóp, xức dầu vào những chỗ đau nhức trên thân. Khi nào cơn đau của họ thuyên giảm – dù mất vài giờ, một buổi hay trọn cả ngày – ngài mới cùng lên đường với họ.
Do luôn quan tâm đến huynh đệ như vậy, lần nọ Đại đức đến nơi chúng tăng tạm trú rất trễ. Hôm ấy lại có một nhóm tỳ khưu non giới hạnh vội vã tới trước, giành hết các chỗ thanh sạch. Nhiều vị trưởng lão đến sau không còn chỗ nghỉ ngơi hợp nghi, trong đó có Sāriputta. Đệ tử của ngài cố gắng nhưng vẫn không tìm được cho thầy nơi tạm cư thích ứng. Vì vậy, ngài giăng y làm lều, ở dưới một gốc cây qua đêm. Biết được sự kiện này, ngày hôm sau Đức Bổn Sư triệu tập Tăng chúng và thuật chuyện tiền thân Tittira Jātaka (Jāt. 37). Đây là chuyện voi, khỉ, và gà gô, sau khi quyết định ai là huynh trưởng trong cả ba, đã sống thuận hòa theo thứ bậc và tỏ lòng tôn kính bậc trưởng thượng nhất. Rồi Thế Tôn đặt ra điều luật: “Nơi cư trú phải được sắp đặt theo thứ bậc” (Vin. 2:160-61).
Có những khi Sāriputta cung ứng cả vật dụng và Pháp dụng cùng một lúc.
Trưởng Lão Tăng Kệ ghi rằng, một hôm, Trưởng lão Sāriputta đến bệnh xá viếng thăm sa môn Samitigutta, lúc ấy đang bị chứng phong cùi hoành hành, thân đau khôn cùng.
Ngài trìu mến nói với sư đệ của mình:
“Hỡi hiền đệ, khi nào ngũ uẩn (khandhā) còn tồn tại, thì tất cả cảm thọ đều là đau khổ, bất toại. Chỉ khi nào ngũ uẩn tan rã, đau khổ mới thật sự chấm dứt.”
Sau khi căn dặn sư đệ hành thiền, dùng đề mục cảm thọ để quán tưởng, Trưởng lão ra về. Samitigutta theo lời Trưởng lão chỉ bày, tinh tấn hành thiền và không bao lâu phát triển minh sát tuệ, chứng đạt lục thông (chaḷabhiññā) của thánh quả a-la-hán (Thag. 81 và Comy.).
Tuy nhiên có một lần Đức Phật nhẹ nhàng khiển trách Sāriputta đã bỏ lỡ duyên lành giáo hóa chúng sanh đến nơi đến chốn theo đúng căn cơ (MN 97).
Lần ấy Đại đức đến viếng thăm một vị bà-la-môn tên là Dhānañjāni đang hấp hối trên giường bệnh và xin được gặp ngài. Nghĩ rằng tâm Dhānañjāni có xu thế hướng về cõi Phạm thiên nên Đại đức giảng dạy cho ông về bốn vô lượng tâm (brahma-vihāra) – thiền tập về từ, bi, hỷ, xả cho con đường đưa đến tái sanh vào cõi Phạm thiên. Rồi ngài ngưng pháp thoại ở đó mà không hướng dẫn ông thêm về minh sát thiền tập cho con đường giải thoát.
Khi Đại đức trở về, Đức Tôn Sư hỏi:
“Vì sao, này Sāriputta, trong khi vẫn còn pháp dẫn đến những quả vị cao thượng hơn để tiếp độ, sư lại chỉ hướng tâm Dhānañjāni vào cõi Phạm thiên thấp kém hơn, rồi ra về?”
Sāriputta bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: ‘Những vị bà-la-môn này rất luyến ái cõi Phạm thiên.’ Do vậy con mới thuyết giảng cho Dhānañjāni con đường sanh thiên.”
“Bà-la-môn Dhānañjāni đã mệnh chung, này Sāriputta,”
Thế Tôn nói, “và đã tái sanh vào cõi Phạm thiên.”
Câu chuyện này là một thí dụ điển hình về việc Đức Phật, bậc Thế Gian Giải, không khuyến khích tái sanh vào cõi Phạm thiên, một quả vị thấp kém hơn quả vị giải thoát cao thượng, cho những ai có đủ căn cơ để chấm dứt tái sanh luân hồi. Ở đây, Đức Phật có trí tuệ đặc biệt nên biết được căn cơ của Dhānañjāni đã đầy đủ như vậy, trong khi đó Sāriputta không biết được điều ấy để tùy cơ giáo hóa, bởi Đại đức không có Phật tuệ này. Thế nên Dhānañjāni phải qua một thời gian dài lâu ở cõi trời, và sau đó có thể phải tái sanh làm người trở lại trước khi chứng đắc quả giải thoát.
Tuy không có Phật tuệ ấy nhưng ngài Sāriputta bi mẫn lúc nào cũng sẵn sàng, cũng tận tụy, cũng kiên nhẫn đến bên giường bệnh của những ai cần đến ngài để cung ứng Pháp Bảo, thiết tha khuyên nhủ và khai ngộ.
Khi cư sĩ Anāthapiṇḍika – đại thí chủ Cấp Cô Độc – lâm bệnh, đầu đau nhức cực kỳ như búa bổ, ngài Sāriputta đến nhà ông thăm hỏi và thuyết pháp. Ngài an ủi ông bằng cách nhắc nhở rằng, là một vị thánh nhập lưu, ông dứt khoát đã đoạn diệt được những tà kiến và bất thiện nghiệp khiến đọa sanh vào cảnh khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, atula. Để được thánh quả ấy, ông từng thành tựu viên mãn bốn pháp: Chánh Tín nơi Tam Bảo và thành tựu thánh giới. Hơn nữa, đã vững bước đi vào Tám Thánh Đạo cao quý, ông chắc chắn sẽ tiếp tục trên con đường thoát khổ này, hướng đến Chánh Giác, chứng đạt quả vị Niết bàn, và chấm dứt vòng sanh tử luân hồi.
Lắng nghe lời thuyết giảng hợp cơ, hợp thời của ngài, Anāthapiṇḍika vô cùng hoan hỷ. Một niềm an lạc tràn dâng trong tâm, xoa dịu những nỗi đau trên châu thân. Như được uống một liều Pháp dược diệu kỳ, ông khỏi bệnh (Kinh Tương Ưng Nhập lưu, SN 55:26).
Về sau, lúc hấp hối, Anāthapiṇḍika thỉnh cầu ngài Sāriputta rủ lòng bi mẫn đến thăm ông. Cùng với ngài Ānanda, ngài Sāriputta lập tức đến viếng ông bên giường bệnh. Rồi ngài thuyết cho ông nghe về sự cắt ái đoạn dục. Ngài dạy người đệ tử tại gia này rằng:
“Đời sống là một chuỗi nhân duyên trùng điệp của lục căn, lục trần, lục thức; của khối ngũ uẩn – sắc, thọ, tưởng, hành, thức; của những hiện tượng phù du, giả hoặc, vô thường mà quan kiến thế gian cho là hằng thường, tốt đẹp. Đừng bám víu, nương náu vào nó! Hãy sáng suốt nhìn thấy chân tướng của luyến ái mà dũng mãnh buông bỏ!”
Khi ngài Sāriputta giảng xong, Anāthapiṇḍika xúc động không ngăn được dòng nước mắt. Ngài Ānanda ngạc nhiên, hỏi vì sao ông khóc, có phải vì ông không chịu đựng nổi những cơn đau không. Ông trả lời:
“Thưa không, bạch ngài. Con khóc vì xúc động bởi bài pháp thâm diệu sâu sắc mà con chưa từng bao giờ được nghe qua trong đời.”
Sau đó không bao lâu, Anāthapiṇḍika lìa đời, vãng sanh vào cung trời Tusita (MN 143).
Cứ như vậy, Đại đức Sāriputta tận tụy cung ứng vật dụng và Pháp dụng cho tứ chúng. Với các huynh đệ sa môn mà ngài chịu trách nhiệm hướng dẫn, ngài cung ứng những gì họ cần để vượt qua đau đớn thân xác cũng như phiền não tinh thần, giúp họ tự chế ngự thử thách bằng lời khuyên răn bi mẫn hay khiển trách nhẹ nhàng, và động viên bằng những ngợi khen các nỗ lực của họ. Đến bên giường bệnh, ngài đem theo dược phẩm và lời hỏi han an ủi của một người bạn chân thành. Ngài còn đem theo Pháp Bảo, lòng từ bi vô lượng, và trí tuệ của một vị thầy cao quý. Với đức hạnh viên dung của bậc thánh, Sāriputta nhanh chóng nhận biết đức hạnh của người khác và từ đó giúp họ phát triển và vượt tiến trên con đường thoát khổ.
VÔ SÂN
Lòng từ bi của ngài Sāriputta như nước trên nguồn cao chảy về dòng sông trăm nhánh trong đó có những nhánh của người đối nghịch. Nguồn nước vô sân trong mát chan hòa khắp nơi, không phân biệt bằng hữu hay đối nghịch.
Chú giải Pháp Cú Kinh (kệ 389-90) ghi lại rằng, trong một lần giảng pháp tại tịnh xá Jetavana, Đức Phật ca ngợi hạnh nhẫn nại và chịu đựng phi thường của Sāriputta.
Tiếng đồn vang xa. Ngày nọ, một nhóm người bàn tán với nhau rằng:
“Với đức tính đó, nếu ai sỉ nhục hay đánh đập ngài, tâm ngài cũng không dấy lên một mảy may sân hận.”
Một người bà-la-môn vốn nặng tà kiến ngã mạn đi ngang qua, hỏi vặn:
“Ai là người không bao giờ nóng giận?”
“Đó là Trưởng lão Sāriputta của chúng tôi,” họ trả lời.
Người bà-la-môn bắt bẻ:
“Tại vì chưa ai chọc giận ông ta bao giờ thôi. Để đó cho tôi. Tôi biết cách khiêu khích ông ta.”
Khi Sāriputta vào thành phố khất thực, người bà-la-môn tiến đến từ phía sau ngài và thình lình vung tay đấm vào lưng ngài thật hung hãn.
Trưởng lão vẫn bình thản đều bước, không hề quay lại. Ngài điềm đạm hỏi:
“Cái gì vậy kìa?”
Niềm hổ thẹn và hối hận dâng tràn, người bà-la-môn phủ phục dưới chân Trưởng lão, cầu xin được tha thứ lỗi lầm.
Ngài hiền hòa hỏi ông:
“Lỗi lầm chi?”
Người bà-la-môn sám hối:
“Con đã lén đánh ngài để thử lòng nhẫn nhục của ngài.”
“Lành thay! Sư tha thứ cho ông.”
“Bạch ngài, nếu ngài tha thứ cho con, kính thỉnh ngài đến nhà con để con được cúng dường.”
Trưởng lão im lặng nhận lời. Người bà-la-môn cung kính nâng bình bát của ngài và theo hầu ngài về nhà mình.
Nhưng những người chứng kiến cảnh ông xúc phạm vị sa môn phạm hạnh vô cùng phẫn nộ. Họ đem gậy đá đến tụ tập trước nhà ông, chuẩn bị một cuộc hành hung. Khi thấy Trưởng lão xuất hiện với người bà-la-môn mang bát theo sau chân, họ cùng la lên:
“Bạch ngài, xin ngài hãy đuổi ông bà-la-môn này đi!”
“Vì sao vậy, hỡi chư vị cư sĩ?”
“Ông ta đã đánh đập ngài. Chúng con sẽ trừng phạt ông ta đích đáng.”
Ngài Sāriputta ôn tồn hỏi:
“Sao lại như vậy? Ông ta đánh quý vị hay đánh sư?”
“Bạch ngài, ngài là người bị đánh.”
Mỉm cười khoan dung, ngài nói:
“Nếu ông ấy đánh sư thì ông cũng đã sám hối với sư, và sư đã tha thứ cho ông rồi. Quý vị hãy hoan hỷ ra về!”
Lời khuyên nhủ từ ái của ngài dập tắt lửa sân hận. Khí giới buông xuống. Mọi người đảnh lễ ngài rồi im lặng giải tán. Người bà-la-môn được yên lành trở về nhà.
Cứ như thế hạnh nhẫn nhịn, khiêm cung và lòng hỷ xả vô lượng của Sāriputta trải đến mọi chúng sanh. Kể cả người vu oan hãm hại mình, ngài cũng giữ vẹn tâm vô sân trong sạch như kinh điển ghi lại sau đây (AN 9:11 và chú giải Kinh Pháp Cú về kệ 95).
Lần ấy Đức Phật cùng chư tăng đang ngụ tại Jetavana. Ra hạ, mùa mưa chấm dứt. Trưởng lão Sāriputta đảnh lễ từ biệt Bổn Sư rồi cùng các đệ tử của mình chuẩn bị du hành hoằng pháp. Nhiều vị sa môn cũng đến giã từ ngài.
Lúc tiễn chân huynh đệ, Sāriputta gọi từng người bằng tên họ riêng. Trong số đó có một vị sư thiết tha mong ngài cũng gọi sư như vậy, nhưng oái oăm thay, ngài lại không biết tên họ sư. Điều này khiến vị tỳ khưu căm giận, cho rằng Trưởng lão thiên vị và không xem trọng mình như những vị tăng khác.
Đã vậy, khi Trưởng lão đi ngang qua, chéo y của ngài lướt chạm vào vị tỳ khưu. Điều ấy như dầu đổ thêm vào lửa sân hận trong lòng. Vị ấy lập tức đến phàn nàn cùng Đức Thế Tôn:
“Bạch Thế Tôn, Đại đức Sāriputta nghĩ mình là trưởng đệ tử nên tát con gần bể tai rồi bỏ đi, không một lời xin lỗi.”
Đức Phật cho gọi Trưởng lão Sāriputta. Khi ấy, biết rõ đây là một vụ vu cáo, ngài Moggallāna và ngài Ānanda triệu tập chư tăng:
“Mời chư huynh đệ đến đây. Khi sư huynh Sāriputta đối diện với Bổn Sư, sư huynh sẽ nói lên sự thật. Tiếng nói của sự thật sẽ oai nghi dũng mãnh như tiếng rống của một con sư tử.”
Khi Đức Thế Tôn hỏi cớ sự, thay vì phủ nhận lời vu khống, Sāriputta thưa:
“Bạch Thế Tôn, chỉ có ai không kiên định chánh niệm quán thân trong thân mới có thể gây thương tổn cho huynh đệ của mình rồi lẳng lặng bỏ đi, không một lời xin lỗi.”
Rồi tiếng rống sư tử rền vang. Ngài so sánh tâm vô sân của ngài như mặt đất bình thản đón nhận bao nhiêu vật sạch và vật dơ người ta liệng bỏ; vô hại như con trâu đã cưa sừng; khiêm hạ như đứa trẻ bụi đời thấp hèn, như miếng giẻ lau bụi bặm; trong sạch như nước, như lửa và như gió; chịu đựng áp bức trên thân như những áp bức mà loài rắn rít bò sát và thi hài phải chịu đựng; nhẫn nại cưu mang xác thân mình như cưu mang u bướu sần sùi.
Kinh điển ghi lại rằng, khi Sāriputta mô tả đức hạnh của mình qua chín sự so sánh, chín lần đại địa đã rúng động để xác minh sự thật của lời ngài. Hùng lực ấy rúng động cả đại chúng hiện diện.
Hối hận dâng tràn, vị tỳ khưu vu khống Trưởng lão quỳ mọp dưới chân Đức Phật thú nhận tội cáo gian. Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói với Trưởng lão:
“Này Sāriputta, hãy tha thứ cho vị tỳ khưu dại dột này kẻo đầu sư ấy bị vỡ làm bảy mảnh.”
Trưởng lão Sāriputta chắp tay cung kính đáp lời:
“Bạch Thế Tôn, đệ tử sẵn sàng tha thứ cho sư ấy. Và xin sư ấy cũng tha thứ cho đệ tử nếu có làm sư phiền lòng điều chi.”
Và như vậy hai huynh đệ giải hòa.
Đại chúng ngưỡng mộ, tán thán Sāriputta:
“Xem này, chư huynh đệ, phẩm hạnh xuất phàm của Trưởng lão! Ngài không mảy may oán giận vị sư gian dối, vu oan cho ngài. Ngược lại ngài còn hạ mình, cung kính chắp tay xin lỗi sư ấy nữa.”
Nghe những lời ca ngợi này, Đức Phật dạy:
“Này chư tỳ khưu, một vị tỳ khưu như Sāriputta không thể nào có sân hận trong tâm. Tâm Sāriputta vô sân và nhẫn nại như đại địa; chịu đựng và kiên định như trụ thành; trong sạch và an tịnh như nước hồ không bùn nhơ.”
Và Đức Thế Tôn nói bài kệ sau:
Như đất không hiềm hận
Như cột trụ kiên trì
Như hồ không bùn nhơ
Không luân hồi, vị ấy.
(Dph. 95)