Sự Tĩnh Lặng và Trí Tuệ
Sự tĩnh lặng nơi thiền thường được phân thành hai loại bình an—sự bình an nhờ định và sự bình an nhờ trí tuệ.
Trong sự bình an nhờ định tâm (thiền định), chúng ta loại bỏ mọi hành vi và mọi tiếp xúc với mọi thứ bên ngoài. Mắt phải lánh xa cảnh sắc, tai lánh xa âm thanh… Rồi nhờ sự không nghe, không thấy…ta được tĩnh lặng. Loại tĩnh lặng này cũng đáng quý, nhưng nó không phải là tột cùng và cao quý nhất. Nó là trạng thái ngắn ngủi và không đáng nương dựa vào. Đến khi có giác quan nào tiếp xúc với đối tượng bên ngoài gây nên dễ chịu hay khó chịu, thì tâm sẽ bị thay đổi (phản ứng), vì nó luôn muốn có sự dễ chịu và không muốn sự khó chịu. Do đó, tâm luôn chạy theo hoặc tránh xa những đối tượng bên ngoài, và như vậy không sinh trí tuệ, bởi vì người thiền luôn cảm thấy mình bất bình an vì những thứ bên ngoài tác động. Ngược lại, nếu ta chịu nhìn trực tiếp vào mọi thứ đang diễn ra, ta sẽ nhận ra rằng sự thiếu tĩnh lặng không phải do những đối tượng bên ngoài, mà do sự hiểu biết sai lầm của chúng ta.
Khi chúng ta quyết định đi tìm sự tĩnh lặng trong thiền, chúng ta có thể tìm một nơi yên tĩnh nhất, cách ly nhất, nơi ta không gặp phải những cảnh sắc, âm thanh, nơi không có gì làm quấy nhiễu bạn. Lúc đó tâm sẽ lắng lặn và an tĩnh vì không còn những thứ quấy nhiễu nó. Tuy nhiên, hãy xem xét kỹ về điều này. Sự an tĩnh đó chẳng bền lâu và tâm bạn cũng chẳng mạnh mẽ gì. Khi vừa bước ra khỏi nơi yên tĩnh đó, các giác quan bắt đầu tiếp xúc ngay với những thứ bên ngoài, tâm ta lại lập tức cảm nhận liên tục mọi thứ dễ chịu và khó chịu, sướng và khổ, vui và buồn, muốn và không muốn, tham và sân, thích và ghét… và tâm bị quấy động liên tục. Lúc đó bạn sẽ hiểu được loại tĩnh lặng đó là không thực.
Mọi thứ xảy ra trong phần trải nghiệm của bạn chỉ đơn giản xảy ra như nó là. (Mọi thứ chỉ là vậy, như chúng là). Nhưng khi thứ gì làm ta dễ chịu, ta cho thứ đó là tốt. Khi thứ nào làm ta khó chịu, ta cho thứ đó là không tốt. Đó chỉ là do cái tâm phân biệt gán nghĩa cho mọi thứ bên ngoài là tốt, không tốt; đẹp, không đẹp; dễ chịu, khó chịu; sướng, khổ…mà thôi. Chuyện là như vậy. Nếu hiểu được chuyện là như vậy, chúng ta đã có được một “căn bản” để điều tra suy xét về mọi sự vật hiện tượng, và nhờ đó ta có thể nhìn thấy được mọi thứ đích thực như-chúng-là. Khi có được sự tĩnh lặng trong thiền, không cần phải nghĩ gì về sự tĩnh lặng đó. (Không phải sự suy nghĩ làm chức năng suy xét. Sự suy nghĩ không phải là chức năng điều tra, suy xét). Có một sự nhạy cảm. Và sự nhạy cảm đó mang một số “phẩm chất thấy biết” được sinh ra từ cái tâm tĩnh lặng. Nhưng đó không phải là sự suy nghĩ. Đó là một “yếu tố giúp giác ngộ” (giác chi) được gọi là chức năng suy xét điều tra các sự vật hiện tượng (trạch pháp).
Sự tĩnh lặng đích thực trong thiền là loại tĩnh lặng không bị quấy động bởi sự trải nghiệm và tiếp xúc giác quan. Như vậy sẽ có câu hỏi rằng: “Nếu đó là sự tĩnh lặng, vậy tại sao vẫn còn cái đang diễn ra?”. Có thứ đang diễn ra bên trong sự tĩnh lặng, nhưng đó không phải là thứ đang diễn ra theo cách bình thường. Khi có thứ gì diễn ra bên trong sự tĩnh lặng, tâm thấy biết nó một cách cực kỳ rõ rệt, và nhờ đó trí tuệ phát sinh. Chúng ta nhìn thấy cách mọi sự đích thực diễn ra, và rồi sự tĩnh lặng trở nên bao-trùm-tất-cả. Khi mắt nhìn thấy hình sắc hoặc tai nghe thấy âm thanh, chúng ta nhận biết chúng như chúng là.
Loại tĩnh lặng đích thực trong thiền không phải do việc cách ly, lánh trần. Loại tĩnh lặng đích thực trong thiền có được từ sự tập trung tâm vào một chỗ, không để tâm hướng đến bên ngoài, đó là sự tập trung mà không còn để tâm hướng đến điều khác. Đó là nguyên nhân tạo ra sự tĩnh lặng (định). Trí tuệ phát sinh từ sự tĩnh lặng. (Tuệ khởi sinh từ định). Và sự thấy biết phát sinh ra từ sự không thấy biết (những thứ bên ngoài). Tâm đi đến thấy biết từ trạng thái không thấy biết (vô tâm) đó, từ việc học cách điều tra (trạch pháp) như vậy. Khi chúng ta có cả định và tuệ, và bất cứ ở đâu, bất cứ đang làm gì, chúng ta cũng nhìn thấy sự thật. Chúng ta hiểu biết rõ về sự sinh diệt của mọi trải nghiệm trong tâm. Sau đó chẳng cần phải làm gì nữa, chẳng còn gì để tu sửa hoặc giải quyết. Chẳng còn suy đoán gì và chẳng còn nơi để đến, chẳng còn giải thoát.
Chúng ta chỉ có thể giải thoát thông qua trí tuệ, đó là sự thấy biết mọi sự đúng thực như-chúng-là và vượt qua chúng. Rồi ta tìm thấy sự nghỉ ngơi. Khi chúng ta tu tập có mục tiêu, để hiểu biết mục tiêu và đạt đến mục tiêu, thì khi chúng ta hành vi sẽ không còn lối nào bị thiệt hại. Khi chúng ta ngồi tĩnh tại, không còn lối nào bị nguy hại. Trong tất cả mọi tình huống, không gì có thể làm ảnh hưởng ta. Sự tu hành đã đến nơi đến chốn và ta đã đạt đến đích. (Nguyên lý là vậy).
Nhưng, có thể hôm nay chúng ta vẫn chưa có cơ hội ngồi xuống và tu tập sự định tâm (samadhi), nhưng không sao. Định không chỉ có nghĩa là ngồi. Định có thể được tu tập trong mọi tư thế. Nếu chúng ta tu tập thiền định trong mọi tư thế, chúng ta cũng sẽ đạt định và thưởng thức định như vậy. Sẽ không có gì có thể ngăn cản chúng ta. Chúng ta sẽ không còn nói rằng: “Tâm tôi đang không sáng sủa, nên tôi không thể thiền tập bây giờ”. Chúng ta chẳng bao giờ còn nghĩ như vậy nữa. (Chúng ta luôn thích thiền tập dù tâm đang sáng sủa hay u mờ). Cách tu tập nên là như vậy, không hoài nghi và không lẩn quẩn.