Đừng Làm Một Vị Phật

  Dù chúng ta có học bao nhiêu giáo pháp, chúng ta cũng chẳng đạt đến sự hài lòng nào nếu chúng ta không tự thân chứng ngộ sự thật tuyệt đối trong tâm và trái tim của mình.

  Một trái táo là thứ ta nhìn thấy bằng mắt thường. Nhưng ta không thể nếm được vị của nó bằng mắt. Mắt chỉ nhìn thấy bề ngoài trái táo. Ta không thể nhìn thấy vị của nó, vị của nó có ở bên trong nó. Chỉ có cách là ta cầm lấy nó và ăn nó thì mới tự mình nếm được mùi vị của nó.

  Giáo Pháp cũng vậy. Chỉ nghe nó, người ta không thể biết vị của nó. Nhưng nếu thực hành, ta có thể biết vị của Giáp Pháp. Vị của trái táo không thể biết được bằng mắt và vị của Giáo Pháp không thể biết được bằng tai. Ta nghe ta biết về vị của nó, đúng vậy, nhưng đó không phải là sự nếm trải sự thật. Chúng ta phải thực hành. Rồi trí tuệ sẽ khởi sinh và ta sẽ tự mình nếm trải sự thật tuyệt đối. Đó là đã nhìn thấy Phật, chứ không phải chỉ mới nghe giáo lý của Phật.

  Để giúp các học trò tự mình trải nghiệm (chứng ngộ) Giáo Pháp, Phật đã giảng dạy một con đường duy nhất, nhưng với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Phật không dùng một cách duy nhất để dạy cho tất cả những loại người khác nhau. Nhưng tất cả các cách đều nhắm đến một mục đích duy nhất là chứng ngộ sự thật tuyệt đối (nhìn thấy thực tại) và vượt qua khổ đau. Tất cả mọi sự thiền tập mà Phật đã dạy cũng vì mục đích duy nhất này!.

——–

Vài câu hỏi và trả lời

  Học trò: Một số người cho rằng đạo Phật giống chủ nghĩa tự diệt và muốn tiêu diệt thế gian sống của họ.

  Ajahn Chah: Sự hiểu biết của họ là chưa đủ bao hàm và chín chắn. Họ lo sợ mọi thứ đều bị chấm dứt, thế giới sẽ đến ngày tận thế. Họ nghĩ chân lý Giáo Pháp là sự trống không và mang nghĩa tự diệt, vì vậy họ cảm thấy đau lòng khi nghe nó. Nhưng cách nghĩ như vậy chỉ làm họ khóc thêm mà thôi. 

  Quý vị có bao giờ thấy ai lo sợ về sự “trống không” hay chưa?. Những người sống tại gia cố gắng tích lũy mọi thứ của cải và canh chừng chúng. Liệu họ có bảo vệ những thứ đó khỏi bản tính trống không của mọi sự hiện hữu hay không? (Liệu họ có bảo vệ được những thứ của cải đó muôn đời hay không?). Cuối cùng họ cũng chết, thành mớ tro tàn, và mọi thứ của cải đều mất hết. Nhưng khi còn sống, họ khư khư ôm giữ mọi thứ, mỗi ngày đều lo giữ, sợ nó mất đi, cố tránh sự trống không. Vậy có khổ không? Dĩ nhiên, họ thực sự khổ. Đó là do họ không hiểu được bản tính “không chắc chắn” và “trống không” của mọi sự vật. Vì không hiểu được lẽ thật đó, họ không được hạnh phúc.

  Bởi vì người đời thường chẳng bao giờ nhìn xem chính mình. Họ chẳng bao giờ biết chuyện gì đang xảy ra với sự sống của họ. Làm sao để hết sự ngu mờ này?. Người đời tin rằng ‘Đây là ta. Đây là của ta”. Nếu ta nói họ rằng thực sự không có gì là “ta” hay “của ta”, họ lập tức cãi lại ngay.

  Ngay cả Đức Phật sau khi giác ngộ cũng đã thấy ngán ngẩm khi nghĩ về điều này. Phật đã từng nghĩ sẽ vô cùng khó để giải thích cho người phàm về lẽ thật đó. Nhưng Phật đã nghĩ lại và bắt đầu giảng dạy.

  Nếu các sư thầy ngày nay không giảng dạy cho mọi người, vậy ai sẽ giảng dạy cho họ? (Các tăng ni tiếp đón họ đến chùa để làm gì?). Đây cũng là câu hỏi của tôi ngày trước, khi đó tôi cũng thấy chán ngán và chẳng còn muốn chỉ dạy gì nữa. Chúng ta không chỉ dạy cho nhau, vậy ai sẽ chỉ dạy cho những người còn ngu mờ vô minh đây?. Không còn cách nào khác. Nếu người tu hành như chúng tôi chán nản và không chỉ dạy cho người khác, thì chúng tôi mới là kẻ ngu mờ thứ thiệt. (Đã được gọi là sư thầy mà chẳng chỉ dạy cho Phật tử điều gì, vậy sao được gọi là sư là thầy? Người không chỉ dạy cho ai điều gì, sao lại được gọi là thầy là sư?).

  Học trò: Có những người có tâm nguyện trở thành những vị Phật Duyên Giác (pacceka buddha), người tự mình giác ngộ mà không cần có sư thầy chỉ dạy cho mình. Như vậy có được không?

  Ajahn Chah: Những danh từ đó chỉ là nghĩa ẩn dụ của những trạng thái tâm mà thôi. Trở thành một cái gì là một gánh nặng. Đừng là cái gì!. Đừng là cái gì cả!. Làm một vị Phật là một gánh nặng. Làm một vị Phật Duyên Giác là một gánh nặng. Đừng cầu được thành cái gì. Tôi là ngài A. Tôi là sư thượng tọa. Đó là khổ, cầu muốn là khổ, tin rằng ta thành một ai đó là khổ. “Ngài A”, “thượng tọa”… chỉ là quy ước. Ngay cả “tu sĩ” cũng chỉ là một danh từ quy ước.

  Nếu ta cứ tin ta là cái gì đó, hoặc là ai đó, thì điều đó chỉ mang lại khổ. Nếu thực sự có một “ngài A”, thì khi có ai chỉ trích “ngài A” sẽ tức giận, khởi tâm sân. Đó là cách sự khổ sẽ xảy ra khi chúng ta cứ chấp lầm cái ‘ta’ hay thứ gì đó là thực, là cố hữu. “Ngài A” bị dính danh (dính tâm) và bắt đầu phản đối này nọ với lời chỉ trích. Nếu không có cái “ngài A”, chẳng có ai bị xúc phạm và phản đối. Không có “ngài A”, chuông điện thoại reo, chẳng ai trả lời điện thoại. Chẳng có ai thì chẳng có ai để trở thành bất cứ cái gì. Không có cái “ta” thì ta chẳng trở thành cái gì. Ta chẳng là ai, chẳng có ai cả, thì chẳng ai chịu khổ vì bất cứ điều gì.

  Trước kia có một tu sĩ đến trình với tôi (theo thủ tục giới luật) rằng thầy ấy đã chứng đắc thánh quả Nhập Lưu (Tu-đà-hoàn). Tôi chỉ có thể nói rằng “À, vậy là tốt hơn con chó một chút”. [Ở Thái Lan cũng như nhiều nơi khác, việc gọi ai bằng chó là vô lễ và coi thường người ấy]. Thầy ấy không ưa câu nói đó và ngoảnh mặt bỏ đi. Vị thánh Nhập Lưu đã tức giận!.

  Khi ta nghĩ mình là cái gì đó hay là ai đó, chúng ta luôn phản ứng lại bất cứ chuyện gì; khi nghe chuông điện thoại, ta liền bắt máy và dính líu vào đó. Làm sao chúng ta tránh khỏi điều đó?. Chúng ta phải nhìn rõ vào điều đó và phát triển trí tuệ hiểu biết về nó thì mới không còn cái “ông A” bắt nghe điện thoại. Nếu ta bắt điện thoại vì nghĩ mình là “ông A”, ta sẽ dính vào đó và bị khổ. Vì vậy hãy đừng làm “ông A”. Chỉ luôn biết rằng cái tên đó và danh xưng đó chỉ là quy ước.

  Nói rõ hơn, khi có ai nói ta tốt, đừng nhận. Đừng nghĩ ta tốt. Khi có ai nói ta xấu, đừng phản ứng. Đừng nghĩ ta xấu. Đừng cố là gì cả. Biết rõ điều gì đang xảy ra. Nhưng cũng đừng dính mắc vào sự hiểu biết đó, chỉ cần nghĩ rằng: “Ta là một người nào đó biết tỉnh giác”.

  Người ta không làm được điều này. Họ chẳng hiểu biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi thường ví dụ về trên lầu và dưới lầu. Khi bạn bước xuống, bạn thấy lầu dưới. Khi bạn đi lên, bạn thấy lầu trên. Khoảng không ở giữa bạn không thấy. Điều đó có nghĩa là không nhìn thấy niết-bàn.

  Chúng ta nhìn thấy hình thể của mọi thứ, nhưng không nhìn thấy sự dính chấp: sự dính chấp vào lầu trên và lầu dưới. Đó chính là sự trở thành và sự sinh. Chúng ta sống liên tục trở thành thứ gì đó, trong từng giây khắc. Chỗ trống không có sự trở thành là chỗ trống không. Khi chúng ta cố nói cho người khác về chỗ trống không đó thì họ chỉ biết đại khái đó là chỗ “không có gì ở đó”. Nhưng phải tu tập thực sự thì họ sẽ biết được chỗ trống không đó thực sự nghĩa là gì!

  Chúng ta phụ thuộc vào sự trở thành, vào sự dính chấp, từ khi mới sinh ra. (Coi lại vòng mười hai nhân duyên). Khi ai đó nói về sự vô ngã (không có cái ta), điều đó nghe quá lạ lùng đối với ta; ta không dễ gì thay đổi cái nhận thức (cố hữu, truyền kiếp) của mình. Do vậy chỉ còn cách là làm cho tâm nhìn thấy điều đó thông qua việc tu tập. Sau đó chúng ta mới có thể tin được điều đó là sự thật, và thừa nhận: “À, vô ngã là điều đúng thực!”.

  Khi người đời nghĩ ‘Đây là ta! Đây là của ta!’, họ cảm thấy hạnh phúc. Nhưng khi cái gì ‘của ta’ bị mất, họ khóc than vì nó. Đây chính là cách khổ xảy ra. Đường lối sinh ra khổ là vậy. Chúng ta có thể quan sát điều này. Nếu không có cái ‘ta’ và ‘của ta’, thì chúng ta sử dụng mọi thứ phương tiện khi đang sống mà không dính mắc vào ý nghĩ chúng là ‘của ta’. Nếu có thứ gì hư hoại hay bị mất, thì đó chỉ là lẽ tự nhiên của vạn vật. Chúng ta không coi đó là thứ ‘của ta’ hay ‘của ai’ bị mất, và không tiếc nuối, đau khổ vì điều đó. Chúng ta không còn chấp vào cái ‘ta’ hay cái ‘ai’ nào nữa.

  Thói tâm người đời là sợ sự thay đổi và sự chết. Từ khi mới sinh ra chúng ta đã sợ chết. (Nhưng có thứ gì không thay đổi và có thứ gì không chết. Thế gian được tạo nên bởi những thứ thay đổi và sinh diệt liên tục, làm sao ta đi trông đợi có thứ gì không thay đổi và không sinh diệt?). Sự trông đợi đó có hợp lý không?. Giống như cứ đổ nước vào ly mà muốn nó không đầy ly. Nếu bạn cứ đổ, làm sao nó không đầy ly. Tại sao chỉ muốn sinh ra mà không bao giờ bị chết?. Không có tử thì sao có sinh. Hãy nghĩ về điều đó. Nếu sinh mà không bao giờ chết, liệu điều đó có mang lại hạnh phúc hay không?. Nếu hàng triệu triệu năm ai cũng sinh ra và không bao giờ chết, có lẽ trái đất này đã tồi tệ lắm rồi. Có lẽ đến giờ họ phải ăn đồ thải của nhau và nằm ngủ chồng lên nhau, vì đông quá lấy đâu ra đồ ăn và chỗ để nằm ngủ!. Nếu cứ đổ nước vào ly mà muốn nó không đầy tràn, điều đó trái với lẽ tự nhiên. Do vậy, chúng ta phải bắt đầu suy nghĩ một cách thấu đáo về tất cả mọi sự, mọi sự sống, mọi sự vật. Nếu chúng ta không muốn chết, chúng ta phải chứng ngộ (đạt đến, nhìn thấy, giác ngộ) được sự bất tử, giống như Phật đã chỉ dạy. Bạn có biết ý nghĩa của sự bất-tử trong Phật giáo là gì không?

  Cho dù phải chết, nếu ta có trí tuệ chứng ngộ được sự thật vô-ngã (anatta), thì coi như ta không chết. Không còn chết, không còn sinh—đó là nơi mọi sự (khổ) có thể được chấm dứt. Còn sinh và còn muốn được thụ hưởng khoái lạc và còn muốn không bao giờ bị chết thì đó là điều sai lầm và ảo tưởng. Nhưng buồn thay đó lại là cách người đời muốn, do vậy chẳng bao giờ họ hết khổ. Người tu hành thực thụ thì không bị khổ. Người tu hành tàm tạm thì vẫn còn bị khổ, bởi vì họ chưa đi hết được con đường tu tập cần phải đi. Họ chưa chứng ngộ sự bất tử, do vậy họ vẫn còn khổ. Họ vẫn còn bị chết. Họ chưa tránh được vòng sinh tử.

  Được sinh ra từ bào thai, làm sao chúng ta tránh được cái chết. Ngoài việc giác ngộ được sự thật vô-ngã, không còn cách nào để tránh được cái chết. (Còn cái ‘ta’ là ‘cái ta’ còn chết. Không có cái ‘ta’, không còn ‘ai’ chết nữa). Thực ra ta không chết, nhưng những hiện tượng tùy duyên (các pháp hữu vi, sankhara) luôn bị chuyển hóa theo đường lối tự nhiên của chúng. (Hội đủ duyên thì còn, hết đủ duyên thì tan rã. Bản chất của thân năm uẩn là vậy.) 

  Nhiều người nhìn thấy ai khác mình, họ liền cho rằng người đó khùng. Nhưng người đó không khùng, mà đó là một người tu hành siêng năng. Người đó biết được điều gì là lợi lạc và tránh được khổ đau, theo nhiều cách khác nhau.

  Khi một người giác ngộ nhìn người phàm thế gian, bậc giác ngộ sẽ thấy họ là người ngu mờ, đáng thương, như con nít không hiểu biết vậy. Khi những kẻ phàm phu nhìn một bậc giác ngộ, họ có thể coi vị ấy là kẻ lạc loài. Do vị ấy chẳng còn quan tâm vào thứ gì (như khoái lạc, sung sướng, danh phận…) ở trên đời. Nói cách khác, bậc thánh A-la-hán và kẻ khùng nói trên là giống nhau. Khi người đời nhìn vào một Ala-hán, họ nghĩ rằng đó là ông khùng. Là do, nếu có mắng chửi, ông ấy cũng chẳng quan tâm, ông ta chẳng khác nào một kẻ khùng—nhưng đó là một người ‘điên khùng’ đầy tỉnh giác. Kẻ bị chửi mà không phản ứng gì thì thiệt là kẻ điên khùng, vì kẻ đó chẳng biết gì. Người ta nhìn mấy vị Ala-hán cũng thấy giống vậy. Nhưng kẻ khùng thì do trí não điên khùng, còn bậc A-la-hán đơn giản là người đã không còn cái ‘ta’, không còn ngã chấp, không còn thân kiến, không còn quan tâm gì đến cái ‘ta’ và cái ‘của ta’ nào nữa. (Họ không còn chấp cái ‘ta’, nên khi ai chửi họ thì cũng như chửi mây trời mà thôi. Đâu còn cái ‘ta’ nào bị chửi nữa, đâu còn ‘ai’ bị chửi nữa, nên đâu có ‘ai’ mà phản ứng lại với lời chửi mắng). Bề ngoài về hành vi thì kẻ khùng (mất trí) trông giống với bậc A-la-hán (trí tuệ). Nhưng sự tỉnh-giác bên trong và sự nhận thức về mọi thứ là rất khác nhau giữa hai loại ‘người khùng’ đó.

  Hãy nghĩ về điều này. Khi người ta nói điều gì làm bạn tức giận nhưng bạn buông bỏ, chẳng để ý gì đến nó, thì họ có thể sẽ cho rằng bạn là đồ khùng. Họ chẳng hiểu gì về điều đó. Họ chẳng hiểu được sự thật là chẳng có cái ‘ta’ nào cả. Và đã có những người hiểu thấu được điều đó. Có người đã giác ngộ được điều đó. Họ cần thời gian để hướng vào bên trong mình và tự thân trải nghiệm tính vô thường của mọi sự sống, thì họ mới thực sự trải nghiệm được lẽ thật vô ngã.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app