Đôi bạn thân Tỳ khưu
Theo như những nhà nghiên cứu sử học, vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên (TCN) là thời kỳ phát triển rực rỡ của nền trí tuệ văn minh của nhân loại, là thời đại mà con người có đời sống đang dần từng bước phát triển văn minh đến ngày nay. Theo như những lời nói của các nhà nghiên cứu lịch sử, thì vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên đã có rất nhiều bậc Trí thức, vì không hài lòng với những chân lý có trong thời kỳ ấy, nên đã tiếp tục tìm kiếm khắp mọi nơi, ở xứ sở nào cũng có những bậc đi tìm kiếm sự thật chân lý cuối cùng trong thế gian này.
Chúng ta có thể bắt gặp được từ Trung Quốc có Khổng-Lão, đến Trung Đông, rồi đến Châu Âu trong cùng thời ấy cũng có nhiều vị hiền triết nổi tiếng tương tự như vậy. Riêng vùng trung tâm India thì có thể bắt gặp rất nhiều gồm Buddha, Mahāvīra, 6 Đạo sư Titthiya và những vị Đạo sư của các giáo phái khác; ngoài ra còn bắt gặp được học thuyết của 62 Giáo sư nổi tiếng thời ấy. Những bậc Trí thức xuất chúng ấy, là những Vị mà ai ai cũng với phương pháp hành trì của mình, đều thực hành để hướng đến sự thật cuối cùng trong thế gian này vậy. Tuy nhiên, ngay chính trên con đường tìm kiếm sự thật chân lý cuối cùng ấy, đa số họ là những người trong tình trạng lạc đường mất dấu.
Mặc dù đối với phần đông những Vị khác bị lạc đường mất dấu khi đang thực hành hướng thẳng đến trên con đường sự thật chân lý cuối cùng ấy, nhưng đối với đức Phật (Buddha), trong đêm trăng tròn tháng 5, năm 589 TCN (Rằm tháng Tư, Âm lịch) đã chứng đạt được sự thật chân lý cuối cùng ấy và trở thành một vị Phật Toàn Giác. Khi ấy cũng là lúc mà đức Phật mới đạt được thành tựu đầy đủ căn nguyên gốc rễ mục đích của mình.
Đức Bồ tát Thái tử nếu chỉ vì lợi ích của riêng mình, thì ngay trong kiếp Đạo sĩ Sumedhā đã có thể chứng đạt Niết-bàn an lạc rồi. Tuy nhiên Đức Bồ tát Thái tử đã không vì an nhàn riêng cho bản thân, chỉ vượt thoát một mình mà chứng đạt Niết-bàn trong thời kỳ ấy. Ngài là người có sự nhận thức vững chắc rằng “Một trang nam tử đại trượng phu thật sự thì không bao giờ vì sự an nhàn riêng cho bản thân mà vượt thoát một mình”.
Chính do có sự nhận thức này, nên tiền kiếp của Đức Bồ tát Thái tử vì sự lợi ích và an lạc của tam giới, mà đã tạo đầy đủ các pāramī trong thời gian lâu dài suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất. Ngài đã chịu nhiều gian khổ, hy sinh, mất mát thật đáng kinh ngạc; thỉnh thoảng vì sự lợi ích an lạc của thế gian mà phải chịu quả khổ rơi vào địa ngục. Tác ý, sự thôi thúc vì lợi ích an lạc thế gian của Đức Bồ tát Thái tử quả thật cao thượng đáng kinh ngạc quá! Ở đây, tác ý, sự thôi thúc với ý nghĩa là sự thôi thúc ấy hợp với tâm bi và trí tuệ vậy; không phải loại tác ý, thôi thúc một cách mù quáng. Bắt đầu kể từ khi được đức Phật Dīpaṅkāra thọ ký, Đức Bồ tát Thái tử chỉ luôn đặt để điều lợi ích an lạc của thế gian ra trước, lên trên hết để gánh vác mọi trách nhiệm trong sinh tử luân hồi.
Các bậc trí thức trong đời thường nói rằng: “Nếu vay mượn tiền bạc thì có thể trả hết nợ ấy được; hoặc nếu vay mượn của cải vật chất thì cũng có thể trả hết nợ ấy được; trong khi nếu mang nợ tác ý (ân đức) thì không thể nào trả hết được vậy”. Do đó cho nên, đối với chúng ta ngoài việc đem hết khả năng ra để đền đáp thì cũng chẳng còn cách nào khác. Tác ý, ân đức của đức Phật đối với thế gian này quả thật lớn lao vô cùng không thể nào đo lường được vậy. Sự đền đáp trả ơn tác ý, ân đức của đức Phật, đó chính là làm sao diệt trừ tận gốc rễ mang mầm mống của bản tính cái tôi, cái ta quá lớn, tiềm ẩn trong tâm của chính mình, làm theo như những mục đích cao thượng của đức Phật đã làm vậy. Chứ không phải bằng cách chủ yếu như ngồi đọc tụng, đảnh lễ, cúng lạy ân đức hoặc oai lực của Phật, giống như vị Tỳ khưu Vakkali chỉ chăm chăm đi theo bên đức Phật để ngắm nhìn tướng hảo quang minh của Ngài đâu.
Căn cứ theo như lời thuyết dạy của đức Phật rằng: “Người thấy biết rõ Pháp bảo, gọi là người thấy biết rõ Như Lai.”, nên điều quan trọng chính yếu đối với những chúng sinh có duyên lành giác ngộ (veneyyasattā) như người, Thiên chúng, Phạm thiên là làm sao để thấy biết rõ cho được Pháp bảo. Bởi vì, chỉ khi thấy biết rõ được Pháp bảo mới có thể đoạn diệt được căn gốc của bất thiện, tập tính xấu ác, đó là bản tính cái tôi, cái ta quá lớn vậy.
Chỉ có khi trừ diệt được bản tính cái tôi, cái ta quá lớn ấy mới đoạn diệt được māna: ngã mạn, muốn hơn thua với người khác; hoặc taṇhā: tham ái muốn chiếm đoạt sở hữu của người khác một cách phi pháp, bất chấp; hoặc diṭṭhi: tri kiến sai lệch, muốn áp đặt làm cho đối phương không ngẩng đầu lên được.
Và cũng chỉ khi trừ diệt được những điều đó mới có sự hiểu biết giữa con người với nhau, rồi từ đó mới phát triển được các pháp hộ trì thế gian, hay các pháp cao thượng (từ-bi-hỷ-xả). Chỉ đến khi ấy mới không còn tâm tính, hành động bất thiện và thế gian này mới trở nên thanh bình, an lạc, hạnh phúc vậy. Cho đến khi nào mà tự chính mình chưa thực hành để có thể có tính chất “sandiṭṭhika: tự chính mình thấy biết rõ” nơi Pháp bảo của đức Phật, thì đối với những người con Phật, không thể nào đạt đến sự báo đáp được ân đức tác ý, sự thôi thúc hy sinh mà đức Phật đã làm vì thế gian này. (sandiṭṭhika: sự tự chính mình với trí tuệ thiền tuệ thấy biết rõ sinh-diệt đang diễn tiến trên thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha của mình).
Vì vậy, những người con Phật thật sự phải là những người biết cách đem hết khả năng trả ân tác ý hy sinh của đức Phật, cũng như luôn cố gắng để đền đáp xứng đáng ân đức của đức Phật đối với thế gian này.
Vào thời ấy, đức Phật đang cư ngụ tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi, trong đời sống hằng ngày đức Phật luôn làm tròn 5 phận sự của một vị Phật (Buddhakicca: Phật sự).
Phật sự thứ nhất: vệ sinh thân thể rồi nhập Thánh quả định, sau đó đến thời giờ khất thực, đức Phật mang bát đi khất thực từng nhà.
Phật sự thứ hai: sau khi Ngài độ ngọ, dùng cơm trưa xong, trước khi đi vào tư thất Gandhakuṭi nghỉ ngơi, khi đang đứng tại chỗ rửa chân trước tư thất, Ngài thuyết giảng về 5 điều khó được (dullaba) đến Tăng chúng đệ tử. Dạy đề mục thiền thích hợp theo bản tính của những Tỳ khưu đến trình bạch xin đề mục, đối tượng hành thiền; tiếp theo Ngài đi vào trong tư thất Gandhakuṭi nghỉ ngơi chốc lát. Sau đó Ngài thuyết giảng pháp đến cho thính chúng.
Phật sự thứ ba: sau khi tắm rửa vệ sinh xong, Ngài ngồi trên pháp tòa cao quý luôn để sẵn ở tư thất Gandhakuṭi và trả lời những thắc mắc (trình pháp) của chúng Tỳ khưu đệ tử; hoặc chỉ dạy đề mục hành thiền thích hợp theo bản tính của những vị Tỳ khưu trình bạch xin đề mục đối tượng để hành thiền; hoặc thuyết giảng đến những Tỳ khưu muốn nghe pháp.
Phật sự thứ tư: Ngài tiếp đón, trả lời những thắc mắc của những Thiên chúng, Phạm thiên từ 10 ngàn Thái dương hệ, thuộc trong phạm vi chứng đạt sự thật chân lý (jātikhetta), đến chiêm bái đảnh lễ, bạch hỏi những vấn đề liên quan đến sự chứng đạt sự thật chân lý của bậc Thánh.
Phật sự thứ năm: để cho các oai nghi đi, đứng ngồi, nằm được quân bình Ngài đi kinh hành (đi bộ), nằm nghiêng về bên phải ngủ nghỉ chốc lát; sau đó thức dậy dùng Phật nhãn quán xét chúng sinh có duyên lành tế độ. Trong vòng 1 ngày, đức Phật luôn luôn thực hiện xong tất cả 5 Phật sự ấy.
Cũng vào thời kỳ này, trong kinh thành Sāvatthi có đôi bạn rất thân thiết với nhau. Đôi bạn này chính tự mình biết được cuộc đời là khổ; họ cũng biết sinh (ra đời) là khổ; già yếu là khổ; bệnh tật là khổ; chết đi cũng là khổ. Đây là những sự khổ mà tự chính mình trải qua, kinh nghiệm, cảm nhận ngay trong cuộc đời. Đối với những hạng chúng sinh hữu tình (có sinh mạng), đầu tiên là có sinh (ra đời), sau sinh đến già (trưởng thành), sau già đến bệnh, sau bệnh đến chết; và lại tiếp tục sau chết lại tái sinh (ra đời) kiếp khác nữa. Ngoài ra, giữa sinh và tử (chết) còn có những sự khổ khác tùy theo nhân duyên mà xen vào hành hạ đọa đày, như phải chịu khổ lo lắng, khổ khóc than thành tiếng, khổ thân (nóng, lạnh, đói, khát,…), khổ tâm (bất toại nguyện), và nỗi thống khổ nói không nên lời, khóc không ra tiếng.
Cuộc đời đó chỉ là sự chất chồng tổng hợp từ 5 nhóm khandha (khandha: nhóm sắc tướng, nhóm cảm xúc, nhóm nhớ tưởng, nhóm thôi thúc tạo tác và nhóm nhận thức), chúng chỉ là khổ đau thật sự mà thôi. Cuộc đời, sự tổng hợp 5 nhóm khandha ấy, chúng như là bánh xe quay tròn, từ sinh, già, bệnh, chết rồi tiếp tục lại sinh, già, bệnh, chết và chung quanh nó lại còn bị lo lắng, khóc than, khổ thân, khổ tâm, nỗi thống khổ cùng cực vây hãm; cho nên để nói có được thời gian “an lạc hạnh phúc” trong cuộc đời này thì quả thật quá ít ỏi vậy. Đây là những điều mà đôi bạn thân ấy đã tự mình hiểu biết, cảm nhận, trải nghiệm qua theo như sự thật chế định trong đời (sammutisacca). Vì vậy, đôi bạn đó đã rất mong muốn thoát khỏi những nỗi khổ ấy.
Có phương pháp thực hành để thoát khỏi những nỗi khổ ấy; và chính đức Phật là Bậc đã thấy biết rõ phương pháp thực hành ấy. Đôi bạn thân cũng chính tự mình thấy biết, gặp được rất nhiều người đã thoát được những nỗi khổ ấy, khi họ nỗ lực tinh tấn thực hành y theo phương pháp của đức Phật chỉ dạy. Những người đã giải thoát khỏi những nỗi khổ ấy cũng không cần phải đặc biệt cất công đi tìm kiếm đâu xa, vì chính ngay trong kinh thành Sāvatthi đôi bạn thân ấy cũng đã gặp và thấy rất nhiều vô số kể. Vì vậy, đôi bạn thân ấy đã bàn luận và quyết định sẽ cùng nhau gia nhập vào trong giáo pháp của đức Phật, với mục đích tinh tấn thực hành chánh pháp để giải thoát khổ sinh, già, bệnh, chết.
Sau đó, đôi bạn thân ấy cũng giống như cách thức của mọi người, họ cùng đến ngôi chùa Jetavana để nghe đức Phật thuyết pháp, tiếp theo họ xin xuất gia Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài. Sau khi trở thành vị Tỳ khưu trong Phật giáo, trong suốt thời gian 5 hạ (5 năm (tuổi) xuất gia trở thành vị Tỳ khưu), họ sống thân cận bên vị thầy Tế độ để nghe chỉ bảo và thực hành những phận sự lớn nhỏ của một vị Tỳ khưu, và họ cũng chỉ sống trong ngôi chùa Jetavana ấy mà thôi. Cũng giống như trước đây khi sống trong thế gian, còn là người đời, khi sống cuộc đời Tỳ khưu họ cũng là đôi bạn Tỳ khưu rất thân thiết với nhau.
Sau khi đủ 5 hạ Tỳ khưu (5 năm), đôi bạn thân Tỳ khưu ấy đến diện kiến bạch hỏi đức Phật về những bổn phận, trách nhiệm phải làm, gánh vác đối với một vị Tỳ khưu. Đức Phật cũng đã thuyết giảng sâu rộng về các pháp, mọi điều phải thực hành đối với một vị Tỳ khưu. Pháp đức Phật thuyết giảng sâu rộng ấy tóm lược lại đối với một vị Tỳ khưu thì chỉ có 2 trách nhiệm, phận sự để hành trì mà thôi, đó là “ganthadhura: phận sự học pháp” và “vipassanādhura: phận sự thực hành pháp thiền”.
Ganthadhura: phận sự học pháp đó là học hỏi ghi nhớ, đọc tụng, giảng dạy giáo pháp. Vipassanādhura: phận sự thực hành pháp thiền đó là tinh tấn tiến hành phát triển thiền tuệ. Hoặc có thể nói một cách khác đó là phận sự pháp học, thuộc loại mang tính chất thấy biết theo sách vở, kinh điển; còn phận sự thiền quán, thuộc loại mang tính chất thấy biết rõ trên thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha vậy. Tuy nhiên, sự thấy biết rõ thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha không thể thoát ra ngoài kinh sách được, mà phải theo đúng như trong kinh sách chỉ dạy. Bởi vì nếu không đúng theo như trong kinh sách chỉ dạy, thì có thể sẽ đưa đến sai lầm lệch lạc mà thôi.
Trong đôi bạn thân Tỳ khưu ấy, một vị đi vào sống ở trong rừng để thực hành phận sự gánh vác trách nhiệm thực hành pháp thiền. Vì không dể duôi quên mình, luôn nỗ lực tinh tấn thực hành, nên không lâu sau đã chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán cùng với tuệ phân tích (paṭisambhidā).
Vị Tỳ khưu còn lại thì thực hành gánh vác phận sự học, dạy Pháp bảo. Hằng ngày thường giảng dạy Phật pháp đến 500 đệ tử Tỳ khưu; là một vị rất nổi tiếng về nhiều mặt trong giảng dạy Phật pháp như: “pariyattibahula: Bậc thông thái trong pháp học”; “paññattibahula: Bậc giảng giải xuất sắc về Phật pháp”; “sajjhāyabahula: Bậc đọc tụng hay về kinh điển”; “vitakkabahula: Bậc tư duy sâu sắc về ý nghĩa trong Phật pháp”,…. Tuy nhiên lại không nổi tiếng về Bậc “hành trì Phật pháp trong cuộc sống: dhammavihāra”.
Rất đông chư Tỳ khưu sau khi học hỏi đề mục, đối tượng pháp hành thiền quán từ đức Phật, sau đó đi vào rừng tìm đến nương nhờ vị Tỳ khưu bạn thực hành phận sự thiền quán, dưới sự hướng dẫn chỉ dạy của vị Trưởng lão ấy, họ đã luôn nỗ lực tinh tấn, sống không dể duôi quên mình, luôn có chánh niệm, tỉnh giác thực hành pháp hành thiền tuệ, nên tất cả đều chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng. Những vị Trưởng lão Á-rá-hán ấy đã trình bạch xin phép được trở về ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi để chiêm bái, đảnh lễ đức Phật. Vị Trưởng lão chuyên phận sự thiền quán đã dặn dò, kính lời đảnh lễ đức Phật, sau đó đến 80 bậc Thánh Đại Thanh Văn, và cuối cùng đến vị Tỳ khưu bạn khi xưa là Trưởng lão chuyên phận sự pháp học, cho các đệ tử, những bậc trưởng lão Á-rá-hán ấy, rồi cho phép họ lên đường.
Được sự đồng ý cho phép của vị Thầy Trưởng lão chuyên phận sự thiền quán, các bậc Trưởng lão Á-rá-hán đệ tử từ biệt Thầy rồi lên đường trở về ngôi chùa Jetavana; theo như lời dặn của Thầy mình, họ dâng lời đảnh lễ của Thầy lên đức Phật, sau đó đến 80 vị Đại Thanh Văn. Sau nữa họ đến trình bạch, dâng lời đảnh lễ thăm hỏi của Thầy mình đã dặn dò lên vị Tỳ khưu bạn trước đây, Trưởng lão chuyên phận sự pháp học. Khi ấy, vị Trưởng lão chuyên phận sự pháp học đã hỏi:
- Thầy của các vị là ai vậy?
- Thưa vâng! Đó là vị Tỳ khưu bạn trước đây của Trưởng lão. Các vị ấy trình bạch trả lời lại như vậy.
Và cứ như vậy, các vị Á-rá-hán đệ tử của Trưởng lão Á-rá-hán, vị Tỳ khưu bạn chuyên phận sự pháp hành, mỗi khi trở về chiêm bái đảnh lễ đức Phật, đều đến vị Tỳ khưu bạn thân trước đây, Trưởng lão chuyên phận sự pháp học, kính chuyển lời hỏi thăm đảnh lễ của Thầy mình; khi thường xuyên nghe hoài như vậy, vị Trưởng lão chuyên phận sự pháp học đã phát sinh tâm đố kỵ, ganh gét với suy nghĩ rằng “Ông Tỳ khưu chuyên phận sự pháp hành chẳng hiểu nỗi một bài kệ, chỉ dùng tấm y may từ vải dơ lượm mặc (paṃsakū), kể từ khi xuất gia trở thành vị Tỳ khưu đến nay, là người chỉ ở trong rừng mà bày đặt có đông đệ tử đệ tôn vậy không biết. Đợi đến khi ông ta đích thân trở về đây, ta sẽ chất vấn mới được.”
Trưởng lão chuyên phận sự pháp hành một thời gian sau đó, đã trở về ngôi chùa Jetavana để chiêm bái đảnh lễ đức Phật. Trước tiên vị Trưởng lão ấy vào tịnh thất vị Tỳ khưu bạn cũ của mình, Trưởng lão chuyên phận sự pháp học; sau đó đến đảnh lễ đức Phật, rồi đến đảnh lễ vấn an 80 bậc Thánh Đại Thanh Văn; và sau đó nữa mới trở về lại tịnh thất (liêu cốc) của bạn thân cũ, vị Trưởng lão chuyên phận sự pháp học, để nghỉ ngơi thăm hỏi.
Vị Tỳ khưu chuyên phận sự pháp học (ganthadhura) cũng đang trông đợi vị Tỳ khưu chuyên phận sự pháp hành (vipassanādhura) quay trở về; và cũng đã làm những phận sự lớn nhỏ theo như đã được quy định trong giới luật; cũng như đã cho sắp xếp chỗ ngồi ngang hàng, trong tâm cũng đã suy nghĩ sẵn những vấn đề, những câu hỏi để chất vấn. Vị Tỳ khưu chuyên phận sự pháp hành, sau khi trở về cũng đã ngồi vào chỗ sắp xếp sẵn cho mình. Trong thời kỳ ấy, khi đức Phật còn tại thế, tịnh thất của các vị Tỳ khưu luôn luôn sắp xếp để dành sẵn một chỗ ngồi cao quý riêng cho đức Phật, bởi vì đức Phật tùy theo nhân duyên mà thỉnh thoảng viếng thăm rồi giáo huấn, chỉ dạy đến Tăng chúng Tỳ khưu.
Chính trong giây phút ấy, đức Phật với tâm đại bi thương xót vị Tỳ khưu chuyên phận sự pháp học, vì thấy biết rằng với tâm khinh rẻ rồi chất vấn vị Tỳ khưu chuyên phận sự pháp hành, vị Tỳ khưu chuyên phận sự pháp học ấy sẽ rơi vào địa ngục. Cho nên đức Phật làm như đang đi thăm viếng tịnh thất của chúng Tỳ khưu, rồi đi đến tịnh thất mà đôi bạn thân Tỳ khưu đang trú ngụ. Ngài đã ngự lên chỗ ngồi cao quý đã được sắp xếp sẵn dành riêng cho Ngài.
Tiếp theo đó đức Phật đã hỏi vị Tỳ khưu chuyên phận sự pháp học về 8 bậc của thiền định và về danh pháp, sắc pháp; vị Tỳ khưu chuyên phận sự pháp học đã trình bạch trả lời thông suốt những điều ấy. Nhưng đến khi đức Phật hỏi tiếp về Thánh đạo-Thánh quả, do vị ấy không trả lời được, vì vậy đức Phật đã hỏi vị Tỳ khưu chuyên phận sự pháp hành, là vị đã chứng đạt bậc Thánh Á-rá-hán, nên đã trả lời được câu hỏi ấy của đức Phật. Vì vậy cho nên được đức Phật đã tán dương lời “sādhu: lành thay”. Khi nghe tiếng “sādhu: lành thay!” của đức Phật, từ Thiên chúng mặt đất cho đến Phạm thiên cõi Sắc giới theo tuần tự đều nói lên lời tán dương “sādhu: lành thay!”.
Khi ấy, các vị Tỳ khưu đệ tử của vị Tỳ khưu chuyên phận sự pháp học (ganthadhura) đã nói lời chê trách, bày tỏ thái độ không hài lòng với đức Phật rằng: “Đức Phật lại đi nói lời “sādhu”, để tán dương đến một vị Trưởng lão già nua không học hiểu Tam Tạng. Trong khi lại không nói lời “sādhu” để tán dương đến vị Trưởng lão học hiểu thông suốt Tam Tạng, vị Thầy thường giảng dạy cho chúng 500 đệ tử Tỳ khưu.”
Khi nghe những lời ấy, đức Phật đã thuyết dạy hai bài kệ dưới đây đến hội chúng đang nghe pháp hôm ấy:
(Nghĩa hai bài kệ)
“Dù có học hỏi, giảng dạy Tam Tạng bao nhiêu lần đi nữa, nhưng lại sống dể duôi quên mình, không thực hành tu tập theo như những pháp hành cao thượng được chỉ dạy trong đó; thì ví như người chăn bò thuê chỉ biết đếm số lượng bò rồi phải giao nộp chúng lại cho người chủ như thế nào; cũng như vậy, người giảng dạy Tam Tạng phải dâng tặng, giao nộp Tam Tạng cho những người mong muốn thực hành tu tập pháp hành cao thượng có ở trong đó.” Ví như không thọ hưởng được hương vị của sữa bò do chính mình chăn nuôi, chỉ có người chủ mới được thọ hưởng như thế nào; cũng như vậy, người giảng dạy không chứng đạt được Đạo-Quả ngay hiện tại, chỉ có những người thực hành tu tập pháp hành cao thượng từ trong Tam Tạng ấy mới chứng đạt được Đạo-Quả ngay hiện tại mà thôi.”
“Mặc dù học hỏi, giảng dạy một ít Tam Tạng, nhưng luôn nỗ lực tinh tấn, có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác rồi thực hành tu tập theo những pháp hành cao thượng có ở trong Tam Tạng ấy; chỉ có những hạng người như vậy, trong kiếp hiện tại và cả trong kiếp vị lai vì diệt được tham, sân, si; thoát khỏi các pháp chấp thủ nắm giữ, nên chứng đạt được Đạo-Quả một cách trực tiếp ngay trong đời sống này.”
Đức Phật đã thực hành thành tựu tròn đủ các pháp hạnh pāramī trong suốt thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất. Sự thực hành tròn đủ thành tựu như vậy không phải vì Ngài, mà vì thế gian vậy. Và chỉ từ khi Ngài chứng đạt được Trí Tuệ Toàn Giác (sabbaññutañāṇa), thì khi ấy Ngài mới có thể thuyết giảng chỉ dạy pháp hành Trung Đạo (majjhimapaṭipadā) cao thượng đến những chúng sinh có duyên lành giác ngộ để vượt thoát 3 sự chuyển xoay (nghiệp, quả, phiền não) trong sinh tử luân hồi.
Y cứ theo mục đích của đức Phật là chỉ có thực hành theo pháp hành Trung đạo cao thượng thì những chúng sinh có duyên lành giác ngộ (veneyyasattā) mới giải thoát khỏi 3 sự xoay chuyển luân hồi sinh tử để chứng đạt Niết-bàn trực tiếp ngay hiện tại vậy; khi ấy mới có được sự an lạc tịch tịnh, vắng lặng (santisukha), nơi không còn sinh, già, bệnh, chết nữa. Thật ra, chỉ có sự hạnh phúc an lạc vắng lặng mới là đích đến cuối cùng của thế gian vậy.
Đức Phật là Bậc hướng dẫn đến thiện giới và Niết-bàn (maggadesaka), nên đã thuyết giảng Tam Tạng thuận theo sở thích, bản tính của những chúng sinh có duyên lành giác ngộ. Nếu đứng ở mặt văn chương mà nhìn thì tất cả đều giống nhau từng chữ, từng câu, từng đoạn. Tuy nhiên, đến khi đọc, học hỏi, nghiên cứu thì trong văn chương ấy chia làm 3 loại ý nghĩa khác biệt. Ý nghĩa thứ nhất đó là ý nghĩa pháp học (pariyatti); ý nghĩa thứ hai đó là ý nghĩa pháp hành (paṭipatti); ý nghĩa thứ ba đó là ý nghĩa pháp thành (paṭivedha).
Có một số bậc Thiện trí thức chỉ biết ý nghĩa pháp học mà thôi. Những hạng người này có thể nói họ chỉ thấy biết theo chữ, theo câu, theo sách thôi vậy. Đối với những hạng người như vậy họ chỉ thấy biết được cái đẹp của ngôn ngữ, cái đẹp của ý nghĩa văn chương theo như những gì có từ trong Tam Tạng, chỉ có vậy thôi không gì khác hơn nữa. Hạng người như vậy từ những gì có trong kinh sách, họ cũng nhìn, quán xét thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha của mình. Tuy nhiên, lại không thấy biết ra được đó là thân thể tổng hợp 5 khandha, mà chỉ thấy biết “atta: cái tôi, cái ta, linh hồn” phát xuất từ trong thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha của mình ấy do tham ái, ngã mạn, tri kiến sai lệch bám víu, chấp thủ vậy. Thật ra “atta: cái tôi, cái ta, linh hồn” ấy không phải là cái (pháp) có thật, nó chỉ giống như hình bóng hiện lên trên mặt gương soi mà thôi. Bởi vì, nếu một khi mặt gương không phải là một vật chất hiện hữu mà chỉ là khoảng trống không (suññata), thì không có một nguyên nhân nào để hình bóng có thể hiện lên được. Thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha thực chất là “suññata: trống không” nhưng lại không thấy biết nó là “trống không”, mà vì còn thấy biết nó là một thực thể hiện hữu, cho nên tham ái, ngã mạn, tri kiến sai lệch lại có cơ hội bám víu chấp chặt vào đó mới thấy biết hình bóng “atta: cái tôi, cái ta, linh hồn” hiện hữu lên trong đó vậy. Và cho đến khi nào còn thấy biết hình bóng “atta”, thì đến khi ấy vẫn đang còn thấy biết tính chất thường hằng, tính chất an lạc, tính chất tốt đẹp, tính chất “atta: cái tôi, cái ta, linh hồn” trong thân thể tổng hợp 5 nhóm kandhā này mà thôi. Còn nếu nói rằng không thấy biết “atta”, thì đó chỉ là hạng người thuộc vào loại người chính mình không biết gì về thân thể mình thôi vậy. Tuy nhiên, những hạng người như vậy họ cũng có thể được công nhận với danh nghĩa là “bậc trí thức”. Hoặc nếu muốn tự nhận với danh nghĩa là “bậc trí thức”, thì cũng chỉ có thể thuộc hạng trí thức thấy biết ý nghĩa pháp học là tối đa, chứ không thể hơn thế được. Tại sao vậy, là bởi vì trong thấy biết của họ vẫn còn tham ái, ngã mạn, tri kiến sai lệch bám víu, chấp thủ, như những gốc rễ ăn sâu trên hình bóng atta. Cho nên, một khi gánh vác trách nhiệm, dù họ có làm gì thì làm, nói gì thì nói, nghĩ gì thì nghĩ, họ vẫn luôn đặt để chỉ vì sự lợi ích phát triển của chính họ lên trên hết vậy.
Và cũng có một số bậc Thiện trí thức thấy biết cả ý nghĩa pháp học lẫn ý nghĩa pháp hành. Vì vậy, những hạng người này thông qua kinh sách đã nhìn, quán xét thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha của mình; khi ấy họ thấy biết rõ thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha này sinh-diệt trong từng khá-ṇá (1 khaṇa (sát-na)= 1/1.000, 1/10.000,…giây), nên chỉ bắt gặp, thấy biết rõ tính chất trống rỗng (suññata), không có tính chất thực thể hiện hữu (hình dạng bất biến); cũng không bắt gặp tính chất thường hằng, tính chất an lạc, tính chất tốt đẹp, tính chất “atta: cái tôi bất biến, linh hồn” trong đó. Do đó cho nên, với tính chất không có thực thể hiện hữu, chỉ có trạng thái sinh-diệt liên tục trong thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha, thì làm sao có thể bắt gặp hay thấy biết hình bóng “atta” do bởi tham ái, ngã mạn, tri kiến sai lệch bám víu chấp thủ được? Một khi không bắt gặp, không thấy tính chất “atta” là có thật, thì cũng là lúc sẽ vơi cạn bớt những việc làm xấu ác, những điều bất thiện do từ tính chất “atta: cái tôi, cái ta” là nguyên nhân gốc rễ làm căn bản; đến cuối cùng phát sinh trí tuệ Thánh Đạo, trí tuệ Thánh Quả chứng đạt Niết-bàn trực tiếp ngay hiện tại, nên đoạn diệt hoàn toàn gốc rễ của các bất thiện pháp, những điều xấu ác không còn dư sót nữa. Một thế giới mà trong đó không còn bất cứ một điều xấu ác hay một pháp bất thiện nào, thì thanh bình, yên tịnh, an lạc biết dường nào! Chỉ cần lắng tâm suy nghĩ đến điều này không thôi cũng làm cho tâm ta thật sự lắng dịu, an nhiên vậy. Sự hạnh phúc an lạc thuộc loại như thế này, không phải là loại hạnh phúc an lạc không thể đạt được trong Phật giáo; cũng chính vì muốn đem đến cho chúng sinh sự hạnh phúc an lạc thuộc loại này, nên đức Phật mới ra đời trên thế gian này vậy.
Ngoài ra cũng có một số bậc Thiện trí thức vừa thấy biết cả ý nghĩa pháp học, vừa thấy biết cả ý nghĩa pháp hành, lại vừa thấy biết luôn cả ý nghĩa pháp thành. Một khi đã nói đến thấy biết ý nghĩa pháp hành, thì cũng chính là đã xa lìa hoàn toàn mọi điều xấu ác, mọi pháp bất thiện vậy. Hoặc giả nếu một khi mặc dù cho đến khi chưa thấy biết ý nghĩa pháp thành đi nữa, nhưng chỉ cần có thể thấy biết được ý nghĩa pháp hành, thì đối với một chúng sinh có duyên lành, đó cũng đã trả được món nợ tác ý, thôi thúc, hướng tâm của đức Phật vì thế gian này; cũng như đã đem hết khả năng của mình để đáp đền ân đức cao cả của đức Phật đối với những gì Ngài đã làm cho thế gian này vậy. Riêng vấn đề trả hết hay không, đáp đền được trọn vẹn hay không lại là một vấn đề khác, thuộc lãnh vực khác.
Do đó cho nên, khi đọc hay học hỏi một bài kệ từ những bài pháp do đức Phật thuyết giảng tùy theo trí tuệ nhận thức sắc bén hay kém cỏi mà có sự thấy biết khác biệt về ý nghĩa pháp học, ý nghĩa pháp hành và ý nghĩa pháp thành. Ý nghĩa chính yếu của 2 bài kệ trên đó là những ai muốn xứng danh là một người con Phật thật sự, thì chỉ còn cách cố gắng làm sao để thấy biết phân biệt rõ ràng cả 3 ý nghĩa ấy vậy. Chỉ có như vậy, nên khi đang được gặp và được sống trong giáo pháp của đức Phật, theo ví dụ trong thế gian thì không nên giống như người chăn bò, mà phải như người chủ bò, mới có thể thọ hưởng hương vị ngon lành của sữa bò được. Những bài kệ này được trình bày ra ở đây, nhằm mục đích nói rõ ràng để cho tất cả thế gian biết được rằng, đối với chúng sinh có duyên lành giác ngộ, đức Phật vì mong muốn họ hưởng được sự hạnh phúc an lạc thuộc loại như vậy, nên Ngài đã tạo dựng thành tựu tròn đủ các pāramī trải qua suốt thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp vậy.
Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung