Buổi 14: Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật – Tổng Kết & Hỏi Đáp | Sư Hộ Giới Giảng Dạy

Buổi 14: Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật – Tổng Kết & Hỏi Đáp | Sư Hộ Giới Giảng Dạy

Khi học lớp học này xong đừng có suy nghĩ là biết thế trước đây mình đã học rồi, đừng suy nghĩ như vậy không được lợi lạc đâu, cái mình cần là học rồi cố gắng phát huy, tăng trưởng lên, cái đó mới được.

 

Đối với người xuất gia, Đức Phật dạy 10 điều quán tưởng, trong đó có điều “Kathambhūtassa me rattindivā vītivattanti”. Câu này hồi ở bên Myanmar Sư ghi câu này để ở trên đầu nằm. Katham = như thế nào; bhūtassa = đã diễn ra như thế nào; me = ta, tôi; rattindivā = ngày, đêm; vītivattanti = đã trôi qua như thế nào. Ý nói rằng 1 ngày đã trôi qua ta đã học và hành như thế nào. Đó là điều mình nên tâm niệm, chứ không nên nghĩ hồi trước mình đã được học thì tốt biết mấy. Không những học ở đây mà là ở đời cũng vậy. Học ở đây không phải là giở sách, giở vở ra học mà là “Evam me sutam”. Thật ra 14 đêm này mình cũng là “Evam me sutam” thôi có đúng không? Sutam của Ngài Ananda cũng giống mình 14 đêm này vậy, không phải là đi nghe 1 cái gì đó mơ hồ, hay nghe 1 cái rồi thôi. 14 đêm này mình có nghe mà, đó là sutam trong Phật giáo, vừa nghe vừa ghi nhớ. Ngày xưa các Ngài không có Tivi, không có Internet, không có đi du lịch nhiều nên nghe gì các Ngài nhớ. Còn bây giờ nhiều thứ quá nên mới cần đến bút để ghi chép, vậy mà nó cũng không chịu nhớ. Ngày xưa mấy Ngài miệng này nói, miệng kia đọc lại rồi nhớ, nhớ không rõ thì hỏi, nhắc lại là nhớ. Bây giờ bên Myanmar vẫn còn truyền thống đó, sách vở là chuyện của sách vở, nó không phải là trí tuệ, không phải là truyền thừa, truyền thừa là cùng nhau học. Bây giờ sách vở đầy đó có ai học hiểu không? Về phía Sư, Sư chỉ sợ mình nói không đúng theo Phật giáo, kinh điển thôi, chứ Sư không sợ người nghe không hiểu, không hiểu là việc của người ta, Sư chỉ sợ mình nói không trúng kinh sách thôi.

Thầy Sư cũng nói rằng, đối với người có học, nói có khi trúng khi trật, mà trật nhiều hơn thì có. Còn đối với người không học mà nói thì không bao giờ trúng cả. Người có học nói vẫn có trật, vì ông nhớ thì ông nói đúng, không nhớ nói đại thì nó sai, còn người không có học, không có truyền thừa mà nói thì không bao giờ đúng cả. Sư cũng vậy, những gì Sư nói, Sư trả lời ở đây, Sư chỉ sợ mình nói không trúng kinh sách thôi, Sư không sợ người khác không hiểu. Không sợ cho người ta. Bây giờ 1 người nông dân mình nói chứng khoán với họ thì họ nghe được, nhưng họ làm gì có hiểu, trong đầu họ làm gì có cái gì về chứng khoán. Huống gì tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết-bàn, không hình tướng, sắc thì còn có, nhưng sắc ở đời thô lắm, làm sao mình xuyên qua được thế giới mà mọi người đang nghe, đang chế định đây để thấy sự thật Đức Phật dạy là cả 1 vấn đề. Nhưng đó là việc của mọi người, việc của Sư là nói cho trúng đã. Nên khi nói ra Sư chỉ sợ mình nói không trúng với kinh sách, còn quý vị ai hiểu được chừng nào thì hiểu, hiểu đúng thì nhớ, hiểu sai thì chịu.

Vì Phật giáo mình, chúng sinh có nghiệp là của riêng mình, mọi người nghe Pháp đây hy vọng ai cũng tin vào nghiệp và quả của nghiệp. Nhưng quý vị lại không hiểu, mình tin vào nghiệp và quả của nghiệp, nhưng lại đi lo cho người khác, không biết vì sao. Chứng tỏ mình đi lo cho người khác, là mình mới nghe và nói thôi chứ mình chưa có hiểu, không có niềm tin trọn vẹn nơi nghiệp và quả của nghiệp. Một khi mình tin rõ ràng rằng chúng sinh có nghiệp và quả của nghiệp của riêng mình, ai làm thì người đó chịu, thì mình lo cho người khác làm gì, mình lo cho mình thôi, vợ con cũng chịu thôi, Đức Bồ Tát cũng chịu thôi. Nên đây là điều mọi người khi học Phật nên thay vì đi tìm danh từ, đi tìm cái này cái kia thì phải hiểu rõ lời đó dạy cái gì, nói cái gì, cái đó quan trọng hơn là tìm sự cao siêu, sự huyền bí, điều mà mình mong muốn trong đó. Thật ra mình cứ có căn bản thì mọi thứ tự động vỡ dần ra.

Bây giờ Sư sẽ trả lời tiếp các câu hỏi:

Câu 11: Chúng con muốn học Phật giáo căn bản theo chương trình bên Myanmar, tuy nhiên hiện nay việc đi qua đó khó khăn, ở Việt Nam chúng con có thể tìm học ở đâu vậy Sư? Nếu chưa có chúng con phát tâm mở trung tâm và thỉnh Chư Tăng giảng dạy có được không? Sư cho chúng con lời khuyên.

Lời khuyên của Sư bây giờ là sao? Không phải mình muốn là được, thế gian này không phải cái gì muốn tốt là được, muốn xấu là được. Cái gì cũng phải hợp nhân duyên. Nên nhớ rằng những cái đó không nằm trong quyền của mình, còn nhiều nhân duyên khác nữa. Mình muốn mở lớp hợp pháp thì cần có chùa, có thầy, có người đỡ đầu, chứ không phải muốn là được. Chứ mình mở ra cái rồi vừa dạy vừa lo vừa sợ họ tới dẹp lúc nào không hay. Nên rất là khó. Nên tốt nhất là đi tìm những vị trưởng lão, có chức có quyền trong giáo hội, bàn bạc tìm hiểu với họ, rồi họ chỉ cho con đường, đó là cách tốt nhất. Sư không tham gia vô nên không có biết. Còn hiện Sư đang ở chùa Bửu Long, thuyết trên mạng vậy chứ thuyết ở ngoài chắc cũng bị hỏi thăm đó. Hồi trước Sư về quê, thành lập từ 2008, thì khi cái này vừa mới nên rất là khó. Mà khi Sư về, mọi người đến thăm, bạn bè đến thăm, các Sư Miến Điện đến thăm rồi lễ Phật, rồi mọi người nói mình tập trung sinh hoạt tôn giáo. Sư không nói gì hết, người đi bộ đội thì có bạn bộ đội, Sư đi tu thì Sư có bạn tu. Người bạn bộ đội thì họ gặp nhau họ hát karaoke, ông Sư về không lẽ cũng bày ra hát karaoke, ông Sư về nhà thì tụng kinh, thuyết pháp chứ sao lại gọi là sinh hoạt tôn giáo. Vậy là mấy ông không nói gì. Sau lâu lại về, cũng đông người đến, làm cả đêm, mấy ông mới nói lui, nói tới nói Sư làm như vậy là sai, Sư nói Sư công nhận Sư làm sai, nhưng Sư không làm xấu. Sai điều này, quy định này, nhưng Sư không làm xấu là được rồi, đối với Sư chỉ có tốt, xấu thôi, chứ không có sai, đúng, sai đúng là cả 1 vấn đề. Nên đó là kinh nghiệm của Sư, nên sau mọi người nếu muốn làm cho đúng thì cứ hộ độ Chư Tăng, nhất là câu chuyện kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, lúc đó Đức Phật còn tại thế, sau khi ông vua Ajatashatru giết cha chiếm ngôi, Đức Phật không quay lại Rājagaha ở lâu dài nữa, Ngài về Savāthi ở 25 năm, đến khi Ngài tịch diệt Niết-Bàn, quay trở lại 18 ngôi đại tự có ở đó đã tan hoang hết, Chư Tăng ở không được. Nên Ngài Kasappa mới nói vua Ajatashatru sửa sang lại để các Ngài kết tập Tam Tạng, thì đó là điều muốn nói rằng phải có bên này bên kia, nhiều thứ lắm. Nên muốn bền vững, giờ Việt Nam chưa có thì mình qua Myanmar nương nhờ thôi, còn ở Việt Nam nếu có ai cỡ Anāthapiṇḍika, Visākhā thì bắt đầu kết hợp với những ông vua Kosala hay vua Bimbisara rồi thì sẽ thành tựu, 1 cây làm chả nên non đâu, phải 3 cây, thứ nhất Chư Tăng phải có vị giỏi, đạo đức, thứ 2 thí chủ phải có người lớn, thứ 3 về chính quyền có người ủng hộ. Phải 3 cây này chụm lại hy vọng mới thành tựu được. Giờ tìm người không đã không ra rồi, tìm 3 không biết tìm sao. Nên thôi cứ mơ ước.

Sư khuyên giờ mình tự đi tìm đến những vị có khả năng thôi.

Câu 12: Theo con biết Metta là 1 đề mục thiền định, có thể giúp hành giả đắc cận định.  (Sư trả lời: Biết như vậy là biết sai, vì Metta là đạt đến đệ Tam Thiền trong Tứ Thiền, hoặc đệ Tứ Thiền trong Ngũ Thiền, chứ không phải là cận định). Từ đó hành giả tiến hành thiền Tuệ Vipassanā để diệt trừ phiền não ngủ ngầm, con xem 1 số bản dịch đoạn 10 cũng nói rằng chỗ này hành giả thực hành tâm từ làm nền tảng để tiến hình thiền Định, thiền Tuệ, chứng đắc Nhập Lưu. Hôm qua trong bài giảng Sư có nhắc đến pháp môn thiền tâm từ có thể dẫn dắt đến Thánh Đạo, Thánh Quả, Arahan. Sư trả lời: ý nói rằng ngay trong đệ Tam Thiền với tâm từ làm nền tảng đó, mình không cần xuất ra, xuất vào gì cả, chỉ là yoniso manasikāra, cho nên phải Đức Phật xuất hiện mới có cái này, tức là lúc đó mình không hướng vào sự an lạc, sự nhất tâm nữa, mà hướng về tính chất của nó. Mình không nghe Phật pháp, mình tin rằng ở trong này có 1 cái attā, mình tu hành mà để đạt được những gì an lạc do thiền mang lại, thì người đó sẽ êm êm trong đó, không thoát ra được vì nó quá vi tết, quá đặc biệt. Nhưng người học Phật, họ biết những cái này nó sinh diệt, bây giờ mình chưa có với định tâm như vậy, nên họ hướng đến để thấy, có tò mò không? Người sáng suốt nghe được họ sẽ tò mò. Mình chưa nghe mình không tò mò rồi, còn người có học họ sẽ tò mò, với sự trong sáng thế này, sự đặc biệt như vậy, Đức Phật dạy rằng “Diṭṭhiñca anupaggamma, sīlavā dassanena sampanno”, khi nghe rồi họ để ý xem cái attā nằm chỗ nào, sự sinh diệt nằm chỗ nào, đây là mình nói về nāma (danh pháp, tâm tính), và tâm chỗ nó nương vào (mình hay gọi là vatthu), phân biệt được đâu là nāma, đâu là rūpa, có sự cố gắng biết được nhân duyên… thì trí tuệ thiền tuệ sẽ sinh lên. Cái đó gọi là chuyển qua thiền Tuệ, nhưng không cần xuất hay cần nhập, chỉ cần hướng tâm đến tính chất, vì mình nghe trước rồi, chứ chưa nghe mình không nhìn đâu, lúc đó an lạc lắm. Như người giàu, người ta đi du lịch là chính chứ mấy khi đi chùa. Ngũ dục đã vậy huống chi an lạc do thiền. Nên đi du lịch phải như người phương Tây, trước khi đi họ đã tìm hiểu trước hết rồi. Với sự hiểu biết như vậy người thực hành sẽ có kết quả. Dù là thiền mettā đi nữa thì đến cuối mình phải chuyển qua.

Câu hỏi 13: Bài kinh Chú Đại Bi và bài kinh Mettā Sutta, nghĩa của 2 bài kinh có giống nhau không. 

Bài Chú Đại Bi có ai biết nghĩa không? Nếu không thì sao mà giống nhau được. Một bên có nghĩa một bên không có nghĩa. Tại Sư thấy chả có ai dịch nghĩa, khi nào có nghĩa thì gửi về cho Sư. Còn bài Mettā Sutta lâu nay Sư giải nghĩa rồi. Nên không giống nhau ở chỗ đó.

Muốn quy y Phật Giáo Theravāda, thì đến đâu cũng được, tự mình quy y cũng được. Hãy đọc cuốn Tam Quy hoặc Quy y Tam Bảo của Ngài Trưởng Lão Hộ Pháp, khỏi cần ai hướng dẫn. Thực ra tự quy y là chính, nó thành tựu do tâm, chứ không phải thành tựu do vị thầy hay do ngôi chùa.

Câu hỏi 14: Quy trình làm 1 phận sự hàng ngày đầy đủ?

1 phận sự đầy đủ 1 ngày, thì hàng ngày người con Phật dù tại gia hay xuất gia thì sáng ngủ dậy, sau khi vệ sinh cá nhân, quét dọn, lau nhà, dâng nước, dâng hoa, dâng đèn cho Phật rồi tụng kinh lễ Phật, Phật tử nếu buổi trưa có Sư thì đặt bát, chiều thì đi nghe pháp, về tụng kinh lễ Phật, thọ Tam Quy Ngũ Giới theo trong cuốn đó rồi ngủ. Nhang thì đừng có đốt nhang trong nhà, nguy hiểm, dùng nước thơm được rồi, nến thì đốt cẩn thận, không thì bật đèn lên.

Phận sự hàng ngày này Sư soạn có 1 bài kinh thôi, mong rằng mọi người thuộc, chứ đừng đòi hỏi nhiều quá, phải thuộc lòng, nghe nhiều không bằng thuộc đâu, thuộc bài này rồi đòi hỏi bài khác thì được. Chưa thuộc mà cứ đòi hỏi nhiều quá sẽ sao nhãng, chẳng đem lại lợi ích gì. Nghe nhiều mà không thuộc thì không lợi ích gì nhiều. Thuộc thì vẫn là của mình, không thuộc thì vẫn là của cuốn sách, của cái máy.

Câu hỏi 15: Bạch Sư, phần rải Tâm Từ con nguyện trước hay sau khi hành thiền?

Vì đây là 1 trong những thiền hộ trì cho mình, nên hãy làm trước, làm xong rồi mới hành thiền, thấy có kết quả tốt đẹp, khi xả xong có thể rải thêm lần nữa cũng được. Nên làm trước để chúng sinh mát mẻ, mình mát mẻ, thì mới dễ đi vào thiền định, thiền tuệ. Sau khi xả thiền, thấy mình mát mẻ thì nên làm thêm. Mà thực ra sau này chia phước được rồi, trong chia phước cũng có tâm từ trong rồi, chứ không cần đọc ra lời. Nên tốt nhất cứ làm trước. Hôm qua Sư cũng có nói, đến ngang rải tâm từ cho từng chúng sinh thì mình ngồi thiền, xong mình mới cúng dường Tam Bảo.

Câu hỏi 16: Bạch Sư, cho con hỏi về giới cố ý tránh xa sự sát sinh, khi người phụ nữ mang thai, đi khám thai được bác sĩ kết luận thai bị dị tật, không nên giữ lại, vì giữ lại không tốt cho đứa trẻ, thì Phật tử nên làm thế nào?

Bây giờ mình nghe Phật hay nghe khoa học, bác sĩ? Nếu nghe Phật thì không bao giờ sát sinh rồi đó, còn nghe theo bác sĩ thì làm theo bác sĩ. Phật thấy nhiều đời nhiều kiếp, thấy nhân quả, nợ đến đòi không trả, mà còn giết chủ nợ đi thì nguy hiểm lắm, sau này còn trả biết bao đời mới hết. Nên được thì hãy nhẫn nại, còn không thì chọn thôi. Sư cũng có người đến rồi đấy, mà ở với Sư thì tin tưởng vào Phật lắm, đến khi ra ngoài thì tin theo bác sĩ với khoa học. Bởi vì con người mình chỉ thấy trước mắt. Khoa học mình cũng thấy từ khi sinh đến khi chết là cùng, nhưng mà không thấy đâu, khoa học đôi lúc 20 năm thấy ngược lại hết rồi, khoa học ngắn lắm, theo họ đổi liên tục, 1 vòng đời của khoa học ngắn lắm. Nên người con Phật, Sư khuyên ngoài khoa học thì còn có Đức Phật, giáo pháp của Đức Phật để tin nữa, còn mọi người tùy chọn, mình chọn từ đây đến khi chết, hay chọn lâu dài. Mọi người đã nghe câu chuyện Sọ Dừa chưa?

Một người mong muốn con quá, con gì cũng được, cục thịt cũng được, vậy mà họ còn mong muốn huống chi mình có đứa con tàn tật. Không sao đâu, nhưng đối với Phật giáo nếu mình không trả mà còn vay thêm nữa thì sau này sinh tử luân hồi không có Phật để gặp để biết đâu, bây giờ mình biết rồi, mà mình không trả, không có tâm từ. Nên người thời nay thiếu tâm từ là ở chỗ đó, con gì cũng là con. Có nhiều người nuôi chó nuôi mèo còn được, mà con mình sao không nuôi được? Nuôi chó nuôi mèo mình vui, còn đây mình không vui à? Cẩn thận nha, cái vui đó nguy hiểm lắm. Người nuôi chó, nuôi mèo cho vui nguy hiểm lắm. Bởi chính cái vui đó sẽ kéo mình xuống. Có khi nào mọi nguời nghe câu chuyện chó triệu phú chưa, mèo triệu phú chưa? Tức là 1 người Phật tử cũng bố thí nên sau này giàu, giữ giới nên sau này đẹp, sống lâu, được mọi người tôn trọng, hầu hạ, có hành thiền thì sau này khôn ngoan trí tuệ. Có nhiều con mèo, con chó thi hoa hậu, mọi người thấy chưa? Thì chính ngày trước nó có giới nên nó đẹp vậy đó, nhưng bởi vì tâm mình thích những loại đó, đi xa cũng nhớ chó mèo, làm gì cũng nhớ chó mèo, Phật nhớ thì ít, Pháp nhớ thì ít, nhớ chó, mèo nhiều, nên mặc dù có giữ giới, bố thí, hành thiền đáng lẽ sinh thành người đẹp đẽ, giàu sang, có trí tuệ, nhưng chính vì cái tâm thích mèo quá nên thành mèo tỉ phú, mèo hoa hậu, mèo thông minh… Ví dụ như vua Bimbisāra, ông là 1 vị Thánh Nhập Lưu, lại có phước thiện dâng ngồi chùa rất là lớn, nhưng khi ông chết đi, ông lại sinh thành 1 trong những vị tướng Dạ-xoa là đệ tử của Tứ Đại Thiên Vương, thực ra ông sinh vào cõi Tusita (cõi trời Đâu Suất) là ít nhất, nhưng bởi vì cách đây 8, 9 kiếp ông làm tướng ở đấy rồi và có tâm yêu thích nandirāga, nên khi gần chết ông nhớ lại ở trong tướng đó vui như thế nào, có đệ tử chúng bạn như thế nào, nên mặc dù là bậc Nhập Lưu, phước rất là lớn nhưng bởi vì cái tâm nandirāga đó nó lôi kéo. Bậc Nhập Lưu mà còn vậy đó, mình thì không nhớ Phật, không nhớ Pháp, không nhớ Tăng, suốt ngày nhớ chó, mèo thì sau này sinh về đâu? 

Đây là mình có giữ giới, có bố thí, có hành thiền là nhưng vì tâm ưa thích nên nó kéo mình xuống. Ai nói không có con chó nào giàu, không có chó đẹp, không có chó thông minh. Nó giàu vì kiếp trước nó có bố thí, nó đẹp do kiếp trước có giữ giới, nó thông minh do kiếp trước có hành thiền. Đáng lẽ nó sinh làm người, nhưng kiếp trước nó thích cái đó quá, nó say mê trong cái đó, gọi là nandirāga. Cho nên cẩn thận trong những cái đó, gọi là Vāsanā (tiền khiên tật), những cái này rất nguy hiểm, mà cái này chỉ trong Phật giáo mới dạy thôi, mọi người học Phật giáo rồi mà không hiểu ra nữa thì sinh tử luân hồi còn dài lắm.

Câu hỏi 17: Nhân dịp giải nghĩa về tâm từ, cho con hỏi hướng Bắc mà Đức Phật chọn ngồi nghĩa là thế nào.

Đức Phật đâu có chọn hướng Bắc, Đức Phật chọn hướng Đông mà. Đức Phật khi mà thành đạo, Ngài ngồi ở hướng Đông, xoay mặt về hướng Đông, cái này thật ra cần gì phải có trí tuệ, những con thú vật cũng biết hướng nào tốt, hướng nào không tốt. Những người bán nhà cũng biết nhà hướng Bắc, hướng Tây là bán rẻ hơn nhà hướng Đông với Đông Nam rồi, cái đó đâu cần trí tuệ. Mà tại sao Đức Phật ngồi ở cội Bồ Đề hướng về hướng Đông? Mọi người cứ nghĩ đi, Đức Phật đến cội Bồ Đề vào buổi chiều, giờ ngồi hướng Tây sao mà thiền, nên ngồi về hướng Đông. Nhưng người thích về phong thủy có thể nói gì thì nói, nhưng đừng nói chỉ con người, con vật nó cũng biết chỗ nào ấm, chỗ nào lạnh để nó ngồi, đó cũng là phong thủy mà, nên con vật cũng khôn lắm, có nhiều người phải học nó, đi theo nó để biết chỗ nào có ấm, chỗ nào có lạnh, mình thì chịu, mình cần có máy. Vậy nói trí tuệ con vật hơn con người à? Thực ra cái đó gọi là Karmasiddhi (sự thành tựu do nghiệp), nó hơn mình ở cái đó. Cho nên con người mình không phải cái gì cũng hơn đâu, con người mình chỉ hơn về Sammādiṭṭhi, sammāsaṅkappo thôi. Nên Đức Phật biết cái gì hơn Ngài mới dạy, cho nên phải hiểu được giá trị của Đức Phật qua việc đó.

Câu hỏi 18: Ngồi thiền hướng nào có liên quan đến phong thủy? Lưng tựa núi, mặt hướng biển sông hay hợp hướng với tuổi, hay liên quan gì đến việc giúp hành thiền thuận lợi không ạ?

Thì nói rồi, hành thiền để diệt tham sân si, mình ngồi hướng nào mà tham, sân, si bớt là hướng tốt nhất, hướng nào mà tham, sân, si nổi lên là hướng xấu nhất. Nên không biết hướng nào, hướng nào cũng được, hướng nào thấy rõ được rūpa, māna, khandha…, thấy rõ sự nhàm chán, nhất là khi mình nghe, ngửi, nếm gì mình không tham, không sân, không si, không khó chịu là tốt nhất. Dù là tựa núi, tựa sông, tựa tường đều được. Ngồi thiền không phải là để cầu an lạc, cái đó chỉ là quả báu thôi, giống như mình uống nước, cần gì cầu cho tôi hết khát, tự động nó hết khát thôi. Ngồi thiền cũng vậy, những cảm giác thư thái, thoải mái, nhẹ nhàng tự động nó sinh lên, đâu cần phải cầu, hay cần tự hào đâu. Cái chính mình phải không tham, không sân, không khó chịu ở trong từng oai nghi cử chỉ, tư thế, hướng đó. Cái chính là vậy. Chứ thiền để cho sức khỏe, hết bệnh, thì đàng nào chả chết, liên quan gì đâu. Làm sao để thấy tham, sân, si thôi. Đàng nào thì đói cũng phải ăn, khát phải uống, làm sao để thấy đó là sự phiền hà, không phải chúng sinh nào cũng phải vậy đâu, lên Chư Thiên là bớt lắm rồi, Chư Thiên không bao giờ phải đi vệ sinh, đi tắm rửa đâu, hưởng thụ không hết. Nên phải thấy những việc của con người đây là phiền hà. Mình không thấy ra, mình thấy an lạc được đi tắm sướng quá, được đi vệ sinh sướng quá, nếu vậy làm sao thoát khổ được. Nên trong mọi oai nghi, cử chỉ vẫn chính là để tham tâm hài lòng, sân tâm không hài lòng, abhijjhādomanassaṃ – nói như trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhāna là vậy, để diệt sự tham tâm, hài lòng ở nơi đối tượng, và sân tâm nơi không hài lòng. Làm được cái thì vui, không được thì thấy khó chịu, làm sao diệt được cái đó mới là đúng hướng.

Câu hỏi 19: Ngoài ra, con có nghe nói rằng, quanh khu Đại cội Bồ Đề ở Bodh Gaya không nhập định sâu được, do các vị trí hiện nay cao hơn vị trí Phật ngồi trước đây. Xin Sư hoan hỉ chia sẻ 1 số thông tin thêm.

Cái này thì là nói thôi, ai nói gì chả được, có căn cứ hay không, có lịch sử hay không. Vị này nói vậy chứng tỏ vị này đắc thiền rồi đó, nên họ mới nói vậy, nên hiểu ý họ như vậy trong đó, chứ không phải cội Bồ Đề hay không. Chứ nói ai nói chả được, có sách vở gì không, có truyền thừa gì không. Đối với Phật giáo, không quan trọng chỗ ngồi, còn khi hành thiền rồi, mình chọn chỗ thích hợp thôi. Chỗ Phật thì đương nhiên mình không lên trên ngồi rồi, đó là đương nhiên, chứ không phải nghe nói chỗ ngồi không quan trọng rồi lại lên bàn Phật mình ngồi. Tức là khi ngồi miễn sao để diệt tham, sân, si là chính, còn nơi đáng tránh thì mình tránh. Cái đấy thì đâu cần có trí tuệ đâu, người có hiểu biết tự họ biết rồi, cái đấy đâu cần Phật giáo, đến Phật giáo để tìm hiểu những điều cao hơn, sâu hơn, nằm sau cái gì mình nghe, mình ngửi, mình nếm, còn cái bên ngoài, bên trên đấy ai thấy cũng như nhau. Nên người nói là tùy theo người nói, chả liên quan gì đến diệt tham, sân, si.

Câu hỏi 20: Dạ bạch Sư, cho con hỏi bài kinh rải tâm từ có phải do các bậc thầy tổ viết lại dựa vào bài Mettā sutta do Đức Phật thuyết giảng? Bài rải tâm từ sau, nhằm mục đích chi tiết hóa thêm đối tượng cho hàng hậu học chúng con dễ hiểu và thực hành phải không ạ?

Đúng rồi, bài sau có lẽ mấy Ngài thực hành có kết quả nên mấy Ngài dạy ra thêm, và nó cũng đúng với Đức Phật chứ không sai gì, vì Đức Phật dạy cho 500 vị kia, 500 vị kia đã giỏi, đã có giới có hạnh tốt rồi, còn mình là phàm nhân sống ở đời, lại chưa có nơi nương nhờ nên mình cứ rải lung tung không biết khi nào mới có kết quả. Mấy Ngài lấy từ những bài kinh khác rồi kết hợp ra, như không được rải cho người chết lấy từ đâu ra, mấy người bỏ lại 1 chỗ cho mình biết phương pháp, chứ để mình đọc Tam Tạng rút ra được chừng đó mình sao đọc được. Nên mấy Ngài đọc qua hết rồi mấy Ngài viết ra cho mình, chứ không phải mấy Ngài tự nghĩ ra đâu. Nên chú giải trong Phật giáo không phải là luận, tự nghĩ ra mà viết, mà là mấy Ngài gom góp lại thành 1 chỗ cho mình dễ hiểu, dễ hành. Còn Đức Phật thuyết tùy theo đối tượng, thuyết chỗ này, chỗ kia nhưng các Ngài gom hết lại thành 1 chỗ, đó là tài ba học hỏi của các Ngài. Họ phải học rộng, hiểu nhiều mới gom lại 1 chỗ như vậy được. Chứ nếu cứ theo trong Tam Tạng, đọc để gặp được thì rất là khó. Đó là dành cho những chúng sinh hậu bối sau này, họ biết là sau này khó mà đọc hết được, mà người thầy cũng không có trí tuệ để biết học trò mình đang kẹt ở chỗ nào, nên gom lại hết để dạy ra. Nên hiểu như vậy.

Và để thực hành phát triển từ tâm thì con nên thực hành như thế nào. Hay con chỉ hiểu nghĩa và hướng tâm theo bài kinh, hay bài kinh rải tâm từ, hay cả 2 bài luôn.

Bài kinh tâm từ mình có thể đọc tụng mà không cần thực hành cũng được, cái chính là để đọc tụng. Nhưng mình muốn thực hành theo thì cũng rất là chắc, vì đó là do Đức Phật hướng dẫn, nên nếu mình có đủ khả năng thì theo, còn thường đọc tụng để hộ trì cho mình, Chư thiên biết rằng mình có tâm tốt như vậy để họ không phá mình thôi, hoặc để mấy vị thiện thiên biết rằng mình có tâm như vậy để họ đến họ hộ trì, còn Chư Thiên xấu họ đi thôi. Giống như ăn trộm ăn cướp thấy bóng dáng công an thì nó đã tránh đi rồi, mình cũng vậy, mình đọc bài Mettā sutta lên để Chư thiên hoan hỉ. Còn bài rải tâm từ Sabba satta mình rải để tâm từ mình bám theo, càng chi tiết càng tốt, đó là điều nên. Thực hành như hôm qua Sư nói rồi: avera hontu – tâm trước tâm sau không khó chịu (ý là tâm không oan trái nhau); abyāpajjo homi là tâm mình không khó chịu khi thân tiếp xúc với đối tượng, rồi đến anīgho, và sukhī attānaṃ pariharāmi là ngoài cùng. Hồi nãy Sư thấy trên đó có ghi thiền tha thứ, Sư không biết từ đâu về, Sư đọc Tam Tạng không thấy ở đâu ghi, không biết mấy vị đọc ở đâu, chắc từ phương Tây quá. Có ai nghe thiền tha thứ ở đâu ra không? Sư nghĩ có lẽ bên phương Tây, trong cuốn các phương pháp để thực hành Vipassanā. Mà thôi, không có trong Tam Tạng thì Sư không nói nữa.

Câu hỏi 21: Nếu em chỉ tụng trôi chảy những điều Sư dạy trong Phận sự hàng ngày của người con Phật thì em có thể tiếp tục đăng ký các lớp Sư giảng dạy nữa hay không?

Chưa chi đã lo, không sao, cứ học thuộc đi, nhiều khi qua tết Sư mới dạy lại. Từ đây đến đó mà chưa thuộc thì sao có đủ năng lực hành thiền Vipassanā được, cố gắng đi. Chỉ cần 5 cái thôi: saddha, viniya, sati, samādhi, pañña (đức tin – cố gắng – niệm lui niệm tới – sự nhất tâm – trí tuệ). Chỉ cần 5 cái này thôi.

Câu hỏi 22: Cho con hỏi tại sao rải tâm từ lại là kẻ thù gần rồi mới đến kẻ thù xa ạ?

Vì kẻ thù gần dễ dàng nhận biết hơn, còn kẻ thù xa khó nhận biết hơn. Nên rải cho kẻ thù gần trước. Khi tâm từ mình rải ra xa thì gần cũng tỏa ra luôn rồi, nên mình từ gần đi ra xa. Đừng có nói rải tâm từ, người thiền ánh sáng kasina cũng phải đi từ từ, tỏa ra rồi thâu lại. Chứ chưa gì đã tỏa ra sao được. Nên người mà có tâm từ rồi, họ bắt đầu rải theo vùng, nói là vô lượng nhưng khi thuần thục rồi mới vô lượng, phải đi từ từ dần ra, vùng này rồi vùng kia. Ở Myanmar mấy Ngài ở trong rừng hay rải tâm từ, có người đi đến ngang qua vùng ảnh hưởng của Ngài tự nhiên thấy mát mẻ rồi, ngoài ranh giới của Ngài ra thì không có cảm giác gì, còn vào vùng ranh giới Ngài hay rải hướng đến (gọi là sima – ranh giới), còn khi rải chung thì khác, khi tâm từ đạt được vô lượng thì khác nữa. Nói vô lượng là tâm từ có thể đạt được vô lượng, còn mình có rải vô lượng được hay không là chuyện khác. Chúng sinh có bao nhiêu nhưng tâm từ mình có giới hạn, nên cứ gần trước rồi xa sau.

Câu hỏi 23: để đạt được định trong thiền rải tâm từ thì nên chú tâm đến 1 đối tượng hay tổng hợp các đối tượng? Vì con thấy câu niệm 1 lần rất nhiều đối tượng. Khi con rải tâm từ cho mình có đạt được định không? 

Được mà. Còn nhiều đối tượng, thì tùy lúc thôi, nếu mình rải cho 1 đối tượng mà bị ái hay sân, bị khó thì mình rải chung, rải chung ổn định thì mình rải riêng lại, không nhất định đâu. Pháp của Phật hay ở chỗ tự mình biết, nên khi mình học biết hết mình tự điều chỉnh, mình học chỉ 1 cái thì sao điều chỉnh. Mình tự biết, mà mình không nghe trước, thì sao điều chỉnh? Mình biết có 1 cái à, cho nên pháp học là căn bản của pháp hành là ở chỗ này. Nên biết mới điều chỉnh được, còn mình có biết đâu mà điều chỉnh, điều chỉnh lung tung thì lạc đường. Nên muốn có định rải cho mình cũng được, rải tổng hợp cũng được, tùy theo tâm mình trong đó. Có thể nay mình rải từng đối tượng được, mai không được thì mình rải chung, vì thiền định mà, mình không hành thì nó mất à, có phải Thánh Đạo, Thánh Quả đâu, nên đừng tự hào khoe khoang cho mệt. Ngồi thì có, ra thì mất, chỉ có Thánh Đạo, Thánh Quả, hoặc người nào niệm khăng khít rồi, thì ra ngoài vẫn còn, bởi vì đối tượng của nó là tất cả, cái chính là mình giữ tâm chứ không phải giữ đối tượng. Còn đối tượng của thiền định không phải là giữ tâm mà giữ đối tượng, nên ra khỏi là nó mất. Khác nhau ở điểm đó, cho nên nên hiểu. Cho nên dùng thiền định hay thiền tuệ, cố gắng học hiểu rộng rộng chút để mình có thể phát triển trên đó, vì rất là tiếc nếu trí tuệ mình đã được sáng suốt, đã được tốt mà mình chưa được nghe, được học nên nó mất rất là tiếc, pháp mà mất đi rồi khó tìm lại lắm, pháp thấy là phải thấy liền mà. Nên cố gắng học hiểu cho rộng, khi cần mình không cần đi hỏi ai hết, mình soi lại, không có lấy gì soi.

Câu hỏi 24: Xin Sư giải thích cho chúng con nghĩa của từ Như Lai?

Như Lai là từ Đức Phật tự xưng mình, gọi là Tathāgata, thật ra Tathāgata cũng là Đức Phật, mình dịch chữ Phật là dịch nghĩa vậy thôi, dịch là Như Lai nhưng nghĩa hẹp lắm, Tathāgata nghĩa rộng hơn, Tathā nghĩa là Chư Phật đời trước như thế nào; āgata nghĩa là Đức Phật đến như vậy. Đến là sao? Đức Phật trước phải thực hành 30 pháp hành Ba-ra-mi, thực hành 5 hạnh đại thí, thực hành lợi ích cho thế gian, cho gia tộc, cho thân quyến và cuối cùng cho chính sự giác ngộ. Đức Phật nào cũng phải hành như vậy mới thành Phật. Đức Phật mình cũng phải hành như vậy nên gọi là Tathāgata. Nghĩa thứ 2 của Tathāgata, là Đức Phật đời trước khi sinh ra đời phải bước đi 7 bước, thực hành khổ hạnh, trong đêm đó được dâng cúng như thế nào rồi giác ngộ, thì Đức Phật này cũng vậy, chỉ khác về thời gian, nơi chốn thôi, còn sự trải qua là như nhau nên gọi là Tathāgata. Tathā là như thế nào; āgata là Đức Phật đi như thế đấy. (Nghĩa 1 là Đức Phật trước đến như thế nào; nghĩa thứ 2 là Đức Phật trước đi như thế nào thì Đức Phật đi như vậy). Nên con đường đấy gọi là con đường cổ xưa. Có người dịch là Đức Phật trước giác ngộ như thế nào, Đức Phật sau giác ngộ y như vậy. Giác ngộ là gì? Là đều chứng đắc Tứ Thánh Đế, Tứ Thánh Đạo, Tứ Thánh Quả, Niết-bàn. Nghĩa thứ 4: Đức Phật đời trước thuyết giảng lời chân thật để chúng sinh giác ngộ như thế nào thì Đức Phật cũng thuyết lời chân thật để chúng sinh giác ngộ như thế đấy.

Hỏi: Khi con được xem bộ phim chân thực về cuộc chiến với covid ở Sài Gòn, khi không đủ oxy để nuôi cả mẹ và con, bác sĩ buộc phải chấm dứt thai kỳ để cứu mẹ, vậy trường hợp này có phạm giới sát sinh không, thưa Sư?

Đương nhiên là phạm rồi, nếu biết chúng sinh là 1 chúng sinh rồi cố ý chấm dứt thai kỳ đi, đã làm rồi, đã chết rồi. Đủ 5 yếu tố đó là phạm giới sát sinh. Phạm giới sát sinh là 1 chuyện, còn thực hành việc cao thượng lại là việc khác, nhưng mà phạm sát sinh là có. Nếu làm việc đó để nuôi mạng là phạm thêm tà mạng nữa. Làm vì tâm bi, tâm thương xót thì về giới phạm sát sanh, nghiệp là phạm ác nghiệm, nhưng thực hành với tâm cao thượng nên là việc làm của Bồ Tát, nên Bồ Tát dưới địa ngục là bình thường, sinh vào súc sinh là bình thường, Ngài vì dân tộc nên đôi lúc cũng phải hy sinh. Nên trong Phật giáo, nhiều khi không nên xét về nghiệp không, ai đọc trong sách của Sư dịch có viết điều này, không biết viết trong chuyện nào. Mình phải xét 2 mặt, là nghiệp thiện hay nghiệp ác, phương pháp thực hành đúng hay sai. Có nhiều người phương pháp thực hành đúng nhưng lại gây ác nghiệp, có người thực hành sai nhưng lại gây ra thiện nghiệp. Cái đó có chứ không phải không. Nên trong 24 duyên hệ, có cái là bất thiện làm duyên cho thiện, và có thiện làm duyên cho bất thiện là nói đến điểm này. Nên nói về sát sinh đương nhiên là phạm, nhưng việc làm của họ cao thượng nên sự thực hành của họ là cao thượng, nên nếu không tránh được cả 2 thì phải chọn 1 trong 2 thôi. Nhưng người có tâm cao thượng thì việc đó phải làm, còn việc đó để nuôi mạng thì là thấp hèn. Nên đừng nhìn nghiệp không, phải nhìn việc thực hành của chúng sinh đó nữa.

Câu hỏi 25: Con có 2 câu hỏi: quá trình tích lũy Ba-la-mật để thành Phật là 4 a-tăng-kỳ và 100.000 đại kiếp Trái Đất, con xem trên mạng thì 1 a-tăng-kỳ là khoảng 10 lũy thừa 140.

Sư trả lời: số này là hiểu nhầm rồi, a-tăng-kỳ của Đức Phật không thể tính bằng số, còn a-tăng-kỳ tính bằng số này là tính a-tăng-kỳ tuổi thọ con người, có 2 cái a-tăng-kỳ khác nhau. Vậy không tính bằng số thì sao tính ra 1 a-tăng-kỳ? Thì tính bằng ví dụ. Cụ thể: thứ nhất có 1 tảng đá 16 km khối, có 1 vị Chư thiên cầm 1 tấm vải lụa, 100 năm bay qua quẹt phất 1 lần, khi mòn hết hòn đá rồi vẫn chưa hết 1 a-tăng-kỳ của Đức Phật hành Ba-la-mật. Tính được không? Cho nên tại sao nước mắt mình khóc ra Đức Phật nói là nhiều hơn 4 đại dương? Vì hằng hà sa số Đức Phật ra đời rồi mình còn ngồi đây, nên ví dụ 4 đại dương vậy còn ít đấy.

Ví dụ thứ 2 Đức Phật ví dụ, là có 1 cái xô cũng 16 km khối, trong đó đựng hạt cải, cứ 100 năm có 1 vị thiên nữ bay qua bỏ ra 1 hột, bốc hết thúng cải đó vẫn chưa hết 1 a-tăng-kỳ hành Ba-la-mật của Đức Phật. Mà Đức Phật Gotama của mình trải qua 4 a-tăng-kỳ như vậy, số tính được là 100.000 đại kiếp. Còn số 10 lũy thừa 140 này là nói kiếp tăng, giảm của con người. 

Vậy a-tăng-kỳ lớn hơn hay đại kiếp lớn hơn? 

Sư trả lời: thì a-tăng-kỳ lớn hơn, vì còn không tính được mà. Còn a-tăng-kỳ tuổi thọ thì nhỏ hơn, vì mỗi đại kiếp trái đất như vậy thì tùy theo, nếu không có Đức Phật nào xuất hiện thì nó chỉ có 4 a-tăng-kỳ thành – trụ – hoại – không, tăng giảm, tăng giảm rồi diệt. Còn nếu có Đức Phật, hay 2 Đức Phật, hay 3, 4 Đức Phật, nhiều nhất là 5 Đức Phật như kiếp này, thì nó lâu hơn. Trái đất cũng tùy theo phước, nhiều phước thì tồn tại lâu hơn, ít phước thì tồn tại ít hơn. Đức Phật xuất hiện thì nó có phước, nên khi mà Đức Phật vào rừng, Ma vương đến đánh, Chư thiên bỏ chạy hết thì Đức Phật nương vào trái đất, Ngài chỉ vào trái đất nói tuy nó không có tâm thức, nhưng nó cũng nương vào phước của Đức Phật mà nó tồn tại được thế này, nó sẽ làm chứng cho Ngài. Điều đó cho thấy có 2 loại a-tăng-kỳ, 1 loại chỉ cho thời gian Đức Phật hành Ba-la-mật, 1 loại là chỉ tuổi thọ con người.

Đại kiếp ở đây là đại kiếp người, trái đất hay vũ trụ?

Đại kiếp này là đại kiếp trái đất. Ai học Phật giáo cho kỹ mới biết được, thành trụ hoại không như thế nào, mỗi thành, trụ, hoại, kiếp có bao nhiêu a-tăng-kỳ, được tính như thế nào. Nằm trong bài kinh Trường Bộ. Có gì tìm hiểu thêm.

Thực hành Thiền Tuệ có phải tích lũy Ba-la-mật phải không ạ? Ngồi thiền hàng ngày có phải là tích nghiệp thiện, và việc làm này có theo mình luân hồi qua các kiếp sau không. Người đã đắc thiền định, thiền tuệ kiếp này, thì kiếp sau có hành thiền thuận tiện, dễ đắc hơn không ạ?

Đương nhiên rồi, có 10 Ba-la-mật, bố thí, giữ giới cũng là tích lũy Ba-la-mật rồi. Cái gì làm với trí tuệ diệt phiền não, mà Sư hay nói câu mong chứng ngộ Niết-bàn, thì câu đó giúp trở thành Ba-la-mật. Nếu mình làm để cầu mong thành Chư thiên, sức khỏe, cho đẹp, sống lâu thì không thành Ba-la-mật được, dù là thiền gì. Thiền gì mà mong muốn diệt tham sân si đều là Ba-la-mật, dù ít hay nhiều. Và đương nhiên nó là duyên. 1 người hành tích cực, chết 1 cái chưa chứng, sang bên kia gặp thì chứng liền, còn mình lỡ đi sinh tử luân hồi qua kiếp này kiếp kia, trở lại thì quên mất sao mà hành, nó sẽ làm duyên tiếp nếu gặp 1 vị thầy giỏi, còn gặp vị thầy ngơ ngơ như Sư thì chịu rồi, không bao giờ chứng đâu, phải gặp 1 vị thầy thật giỏi, giống như Đức Phật, hoặc ai thật giỏi mới có thể khơi lại Ba-la-mật này của mình, còn không nó chôn sâu quá rồi thì khó lắm. Nên giờ gặp giáo pháp Đức Phật mọi người cố gắng, nỗ lực thôi. Nên kiếp này giải quyết cho xong đi, đừng hẹn kiếp sau nữa, không ai chắc chắn gì cả. Nhưng nếu gặp thầy giỏi, dù không chứng ngộ nhưng nó vẫn còn chứ không phải mất đi, với điều kiện mình làm hợp với trí, trí ở đây là mong Niết-bàn, giải thoát khổ.

Câu hỏi 26: Đức Phật Gotama có nhiều tiền kiếp thị hiện là Bồ Tát, trong hệ phái Nam Tông con không thấy lễ bái Bồ Tát, phẩm hạnh Bồ Tát có tương đương như Tứ Thánh Đạo, Tứ Thánh Quả không, đạo Bà Là Môn có đóng góp gì vào pháp học, pháp hành của Đạo Phật không?

Câu này nói chữ thị hiện là không đúng, là Đức Phật sinh tử luân hồi qua các kiếp này thôi, còn thị hiện là Đức Phật trên trời lâu lâu hiện xuống, không phải vậy. Bồ Tát là 1 phàm nhân bình thường, chứ không phải là quả vị bên Trung Quốc. 1 người sau này thành sẽ thành Phật gọi là buddhahood (Bồ Tát), còn người sẽ đi đến địa ngục gọi là địa ngục hood, tức là sẽ thôi. Bồ Tát là người sẽ giác ngộ. Trong Phật giáo Theravāda chia ra, có Bồ Tát cố định, Bồ Tát bất định… rất là rõ, tự tìm hiểu, nói ra đụng chạm không hay. Bồ Tát là 1 chúng sinh sẽ giác ngộ. Bồ Tát chia thành 3 hạng, hạng Bồ Tát sẽ trở thành Toàn Giác gọi là Bồ Tát Toàn Giác; hạng Bồ Tát sẽ trở thành Độc Giác gọi là Độc Giác Bồ Tát; hạng Bồ Tát sẽ trở thành Thanh Văn gọi là Thanh Văn Bồ Tát, còn hàng như mình chuẩn bị đi địa ngục gọi là Địa Ngục Bồ Tát, có gì đâu (cười). Việt Nam hay Trung Quốc cũng vậy thôi, đang đói có ai đến cho cơm gọi là Bồ Tát, Bồ Tát đó thì quá dễ. Bây giờ có rất nhiều Bồ Tát đi vào trong các bệnh viện dã chiến… thì đó là những vị Bồ Tát. 

Phẩm hạnh Bồ Tát có tương đương Tứ Thánh Đạo không? Không, chả liên quan gì nhau, 1 bên là đã diệt phiền não rồi, còn bên này là tu hành để giác ngộ.

Đạo Bà Là Môn có đóng góp gì vào nền tảng pháp học, pháp hành của Đạo Phật không? Thực ra Phật giáo ra đời chỉ khác 2 cái, về pháp hành là con đường trung đạo, Bà La Môn không có, có rải rác hoặc không đầy đủ, mà không ai nói cả, họ chỉ nói về con đường cực đoan thôi. Thứ 2, về Vipassanā, thì Thiền Định họ có nhưng Vipassanā họ không có. Thứ 3, họ làm gì thì làm, lấy attā làm trung tâm, còn Phật giáo, anattā là trung tâm. Còn lại đa số là giống nhau, bố thí giống nhau, giữ giới giống nhau, thiền định giống nhau, khác 1 chút, bên mình có sammādiṭṭhi, sammāsankappo rồi thực hành, cho nên hôm trước có nói rồi. Còn bên kia họ làm vì tin theo 1 điều nào đó, 1 sự chỉ dạy nào đó, cho nên nói làm nền tảng căn bản hay không thì chúng sinh trong tam giới đều là nhân duyên cho nhau cả, không có cái này thì không có cái kia, có cái này nên có cái kia. Nên Đức Phật ra đời, ai cũng là người mình phải mang ơn cả, đến nỗi cây cối, cảnh vật cũng phải mang ơn. Cái chính, mang ơn là 1 chuyện, thấy đúng, hiểu đúng sự thật là 1 chuyện khác. Nên có người mang ơn cái cây rồi họ gọi là thần cây rồi họ cúng, còn mình mang ơn cái cây thì đừng có chặt, đừng có phá, vậy thôi, nên phải hiểu những điều đó.

Câu hỏi 27: Sư có thể hướng dẫn cho con cách niệm sự chết, hay niệm bất tịnh như thế nào ạ?

Sư có giảng qua rồi, hôm mọi người có đăng bài Sư giảng về sự chết cũng khá nhiều. Còn niệm bất tịnh cũng tùy theo, niệm về thân này hay niệm về vật thực. Niệm về bất tịnh thì cái gì cũng đáng gờm nhớm thôi, mà cái này dài quá. Còn niệm sự chết nghe lại bài đó đi, còn niệm bất tịnh đợi dịp khác.

Câu hỏi 28: Con ở Tây Ninh, Sư có thể hướng dẫn con thiền được không ạ?

Sư không có dạy thiền, Sư dạy học thôi, cho mọi người hiểu biết thôi, nên đừng có đến chỗ Sư học thiền làm gì, khi nào có dịp có thể tìm những vị thiền sư khác, còn muốn hiểu biết thêm về Phật giáo, Phật Pháp, tu hành theo trong Phật giáo như thế nào thì Sư có thể giải đáp, còn thiền thì Sư chịu.

Câu hỏi 29: Con có thắc mắc, tiếng Pali con rất may mắn được học khá bài bản, đầy đủ về phận sự hàng ngày liên quan đến tiếng Pali. Thì tiếng Pali này theo như Sư giảng và nguồn khác, thì con biết rằng đây là ngôn ngữ Đức Phật lấy từ ngôn ngữ Ma Kiệt Đà, chế ra thành ngôn ngữ để đi truyền đạo. Thì con có thắc mắc: có phải là khi Đức Phật lấy tiếng Ma Kiệt Đà đó giảng đạo, thì trong suốt thời gian mà các Ngài về sau, do truyền khẩu để lưu truyền giáo pháp, thì cũng là tiếng Pali đó, và chỉ là trên ngôn ngữ, chưa có chữ viết, đến lần kết tập Tam Tạng bên Tích Lan mới có chữ viết, thì chữ viết đó là chữ Pali phải không, và lần kết tập Tam Tạng lần thứ 5, 6 ở Miến Điện thì con thấy có ghi lại bằng tiếng Pali Miến, vậy tiếng Pali Miến đó có khác với Pali mình đang học đây về mặt chữ viết hay không. Nếu như Đức Phật đã lấy ngôn ngữ Ma Kiệt Đà để chế thành ngôn ngữ để truyền đạo, thì trong quá trình Ngài di chuyển rất nhiều nước, ví dụ nước Kosala, Tỳ Xá Vệ thì con nghĩ cả vùng rộng lớn vậy, nếu họ không học 1 ngôn ngữ chung thì Đức Phật sẽ nói chuyện với mọi người bằng ngôn ngữ như thế nào, chả lẽ lúc đó họ biết Pali rồi hay sao?

Ý thứ nhất, đương nhiên Đức Phật là ngôn ngữ truyền miệng, còn chữ viết là tùy theo dân tộc mình, ví dụ như mình đọc Nam mô, thì người Việt viết theo người Việt mình, người Hán viết theo người Hán, người Ấn viết theo người Ấn, viết sao khi họ đọc ra giống như vậy. Đây là điểm đặc biệt của ngôn ngữ truyền miệng là vậy, ai viết sao cũng vậy, miễn sao đọc ra hiểu là được, ai cũng nghe như nhau. Khi truyền thừa qua các nước Myanmar, Srilanka… thì các nước khác ngay lần đầu có thể họ viết theo ngôn ngữ của họ, cái đó là tùy, không bắt buộc. Nhưng Chư Tăng học hành truyền miệng, thì truyền miệng vẫn là truyền miệng bằng ngôn ngữ Pali này, vì các Ngài học rất rõ, rất chi tiết. Nhưng khi viết ra, truyền ra cho người Phật tử thì tùy vào trí tuệ của mỗi người, mỗi vị. Ví dụ như Sư, Sư nói đây là dựa vào trong Pali, Sư không tự nghĩ ra được đâu, nên mình phải học hiểu Pali, không thể học tiếng Việt hay tiếng Anh để đi giảng Pháp như thế này. Ngay bây giờ Sư còn làm được, huống hồ gì các bậc ngày xưa, họ cũng học Pali nhưng giảng thì tùy theo dân tộc, quốc gia của mình.

Ngôn ngữ Magadha là ngôn ngữ phổ thông của Trung Ấn Độ, như Việt Nam mình tiếng Kinh là phổ thông, còn mỗi dân tộc có 1 ngôn ngữ riêng, nhưng khi giao tiếp là giao tiếp bằng ngôn ngữ phổ thông. Ngày xưa ở vùng Trung Ấn Độ, người ta dùng ngôn ngữ chung là Magadha, những người nào đến đây buôn bán thì biết Magadha, ngôn ngữ đó chỉ dùng cho buôn bán làm ăn, không diễn tả chân lý được. Cho nên Đức Phật diễn tả lại, sắp xếp lại, mà trí tuệ Đức Phật đặc biệt là giảng ai cũng nghe hiểu, Ngài không nhắm thì thôi chịu, đây là khả năng của Đức Phật. Ngày xưa không có mic, mà hội chúng 120.000 người của vua Bimbisara đến, mọi người tưởng tượng làm sao để Đức Phật thuyết mà nghe được, như Sư thuyết thì chắc ở phía trước điếc tai còn phía sau nghe nhỏ nhỏ, nhưng Đức Phật thì không, thuyết 120.000 người nghe như nhau, Đức Phật không mệt, mà ngày xưa làm gì có speakear, vậy mà 110.000 người chứng đắc, còn 10.000 người có đức tin. Đừng có nói tiếng người, tiếng chim, tiếng vật Đức Phật còn biết nó nói cái gì, đọc trong Jātaka có nói đó. Ngài thuyết Svākkhāto chứ không giống như Sư đâu, trong hội chúng 1.000 người, chỉ cần 1 người giác ngộ là Ngài thuyết, còn những người kia nghe âm thanh như nhau nhưng mà không hiểu, không giác ngộ, chỉ hoan hỉ thôi, đó là trí tuệ đặc biệt của Đức Phật. Cái đặc biệt của ngôn ngữ Đức Phật là thuyết để chúng sinh giác ngộ, chứ không phải thuyết để chúng sinh vui vẻ. Bây giờ mọi người nghe vui thôi, hoan hỉ thôi, không giác ngộ vì là Sư nói, chứ không phải Phật nói. Còn Đức Phật thì nghe là giác ngộ luôn rồi, nên Svākkhāto là ở điểm đó. Cho nên thứ nhất, Chư Tăng truyền thừa bằng ngôn ngữ Pali, dân tộc nào cũng dễ học, thứ 2: ghi ra chữ viết thì tùy mỗi dân tộc, miễn sao đọc ra giống nhau. Thứ 3: ngày xưa đây là ngôn ngữ phổ thông, dể hiểu nhất, còn ngôn ngữ Sankrit cao cấp, ít người hiểu, còn Pali lấy gốc là ngôn ngữ Magadha phổ thông với mọi người rồi, Ngài chỉ cần sắp xếp lại thôi. Phải sắp xếp lại, vì ngôn ngữ của người ta là ngôn ngữ của làm ăn, buôn bán, thơ văn, còn Đức Phật dùng để mô tả tâm, giác ngộ, khổ.

Câu hỏi 30: Con đọc trong bản kinh Tương Ưng Thọ phẩm 108 pháp môn, có câu dịch là: “đối với các pháp từ trước ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên”. Sư cho con hỏi câu này từ bản gốc Pali ý là như thế nào ạ.

Cái đó là “cakkhuṃ udapādi ñāṇaṃ…” – bữa Sư có giảng trong bài kinh Dhammacakka rồi, ý nói rằng Đức Phật không có thầy chỉ dạy, những pháp mà Ngài thấy đó là Tứ Thánh Đạo, Tứ Thánh Quả “cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi” thì họ dịch nghĩa của chữ thôi, còn thực ra đó là trí tuệ Toàn Giác của Đức Phật. Trí tuệ mà thấy rõ ràng như đôi mắt gọi là cakkhu, trí tuệ thấy biết rõ gọi là ñāṇa, trí tuệ thấy biết mà phá mạn vô minh vijjā, giống như rọi ánh sáng gọi là āloko. Ý nói là năng lực của trí tuệ Đức Phật thôi. Trí tuệ ở mặt che mờ gọi là minh, trí tuệ ở mặt rọi sáng ra gọi là ánh sáng, ở mặt thấy giống như mắt thường thì gọi là cakkhu thôi. Có người dịch theo 5 trí tuệ Thánh Đạo, Thánh Quả bậc cao cũng được, không sao cả, nhưng nói chung đó là trí tuệ của Đức Phật.

Câu hỏi 31: hàng ngày con đọc Pali theo trình tự Lễ Bái Tam Bảo, xám hối, đọc Kệ An Lành, Tam Quy Ngũ Giới, Ân Đức Phật, Ân Đức Pháp, Ân Đức Tăng, trình tự như vậy đúng chưa ạ? Và con đọc thêm Thỉnh Chư Thiên ở đầu, kinh Mettā sutta và hồi hướng là xong ạ?

Đầu tiên là giống bài Sư soạn đó. Xám hối trước, chưa tắm rửa mà bày tiệc ra làm gì. Mà tùy, theo Sư thì tắm rửa tâm trước rồi lên bàn Phật sau, nên cứ xám hối trước giống như tắm rửa, Tam Quy Ngũ Giới tiếp theo giống như mặc áo quần, rồi Lễ Bái Tam Bảo giống như soạn bàn ra, Thỉnh Chư Thiên là mời khách, Mettā sutta giống như đang dùng tiệc, niệm Ân Đức Phật, rải tâm từ, chia phước là giống như sau khi xong rồi mình chào hỏi đi về. Chư Thiên nên đọc sau khi Lễ Bái Tam Bảo mới nên Thỉnh Chư Thiên, giống như bày tiệc sẵn rồi mới mời khách đến.

Câu hỏi 32: Có vị muốn hiểu thêm về ý nghĩa, lợi ích của DhammaDāna

Pháp Bảo của Đức Phật có khả năng diệt phiền não, không còn tham, sân, si. Phật dạy tham, sân, si giống như cỏ làm hại ruộng vườn, người không tham, sân, si sẽ là 1 thửa ruộng tốt. Bố thí Phật thì có Phật nhận hay có tượng Phật, bố thí Tăng thì có Tăng nhận, bố thí Pháp thì ai nhận? Thì Đức Phật dạy là những người học thuộc nằm lòng Tam Tạng, hoặc những người đang thuyết Pháp, tụng kinh, giảng dạy Pháp Bảo (Pháp học, Pháp hành) vì họ đang gánh vác Pháp Bảo trong mình. Nên khi mình muốn cúng dường Pháp Bảo thì mình nghĩ đến Pháp Bảo rồi mình cúng dường có dạy, có học đó. Giống như mấy ngày nay Sư giảng, rồi mọi người cúng dường Pháp Bảo, chứ không phải cúng dường đến Sư. Nếu cúng dường đến Sư thì phải gọi là cúng dường Pháp Sư chứ không Pháp Bảo nha. Cúng dường Sư là cúng dường ông Sư đang thuyết pháp, còn cúng dường Pháp là cúng dường Pháp mà ông Sư đang thuyết, khác nhau chứ. Mình cúng dường Pháp mà ông Sư thuyết, là giống như mình tài trợ cho 1 chương trình nào đó mang lại lợi ích cho nhiều người, theo dân gian nói là cho người ta cái cần câu, chứ không cho người ta con cá. Ý nói rằng mình cúng dường Pháp Bảo này khi những người nghe Pháp Bảo này nhờ sự tác ý cúng dường của mình, thì người nghe hưởng được lợi ích từ sự cúng dường. Mặc dù Sư nói, nhưng tác ý cúng dường là của những thí chủ, và Sư cũng có phần cúng dường của riêng Sư rồi, trong này Sư cũng có tác ý nữa. Bây giờ làm sao? Đây là làm nhân duyên cho mình, và Sư tin những người nghe này nếu có sân hận thì cũng ít thôi, chứ không như tài trợ cho 1 bài nhạc, hay tài trợ cho 1 chương trình nào đó mà còn nhiều lỗi lầm hơn. Nên mới nói Pháp thí thắng tất cả các thí, tức người nghe này mỗi sat-na hoan hỉ là mỗi sat-na lợi ích, phước của mình sẽ tăng lên, cái chính là mình có biết hay không, nên cái chính là phải Sati, nên phải hoan hỉ rằng đây là phước lớn khi người nghe được Pháp này họ hoan hỉ, họ diệt được phiền não, hay ít nhất tạm thời họ diệt được tham, sân, si qua sự cúng dường hộ độ của mình như vậy, cái này còn tốt hơn bố thí 1 cuốn sách, 1 cái đèn. Đây cũng là 1 nhân sinh trí tuệ sau này. Đó là điều cốt yếu. Bố thí vật thực, trai tăng thì người ăn nhiều khi còn sân hận, bố thí cái này cái kia người ta còn dùng vào việc này việc kia, còn bố thí Pháp Bảo thì không bao giờ sợ người ta dùng sai đâu. Giống như mất sách thì người ta mang về đọc thì lợi ích thêm thôi, tiếc gì, cái gì mất thì được nhưng mất sách thì nên hoan hỉ, người ăn trộm sách Pháp là người có trí tuệ đó. Cái chính là học cho hiểu để mình tác ý, không phải là cúng dường nhiều hay ít, năng lực của hạt giống chứ không phải hạt giống to hay nhỏ. Tứ vật dụng giống như hạt giống, còn đức tin hợp trí tuệ cộng với cái không cần tác động, không cần động viên thì là năng lực trong hạt giống đó. Không ai nói rằng hạt ngô to sẽ ra cây ngô to, còn hạt bồ đề nhỏ sẽ ra cây bồ đề nhỏ. Hạt bồ đề nhỏ bao nhiêu thì ra cây lớn hơn cây ngô nhiều. Năng lực trong đó không ai thấy được, nhưng Đức Phật dạy cho mình biết, và chính mình cũng có thể tự biết được. Muốn biết được phải có chánh kiến, chánh tư duy… Đây là những điều cần biết về Pháp thí.

Câu hỏi 33: trong khóa Sư dạy lần này con có rất nhiều thời gian để học, con được giải tỏa thắc mắc lâu nay là con không thể nào phân biệt được bài kinh Tâm Từ và Rải Tâm Từ, tại cả 2 họ đều ghi Mettā sutta. Mà qua Sư giảng và cuốn sách của Sư Hộ Pháp con đã hiểu thêm. Tuy nhiên, trong 1 bài giảng Sư có nhấn mạnh, con không biết là con nhớ chính xác hay không nên con xin trình bày để Sư chỉ dạy cho con. Sư nói: tụng kinh Mettā sutta là phải bằng Pali, vì đọc tiếng Việt là đọc nghĩa của kinh thôi chứ không phải tụng kinh, mà khi Sư giảng đến thiền tâm từ, Sư nói là phải đọc bằng tiếng Việt chứ không phải bằng Pali để con hiểu hơn khi con thực hành Thiền Tâm Từ ạ.

Khi mình tụng để Chư Thiên hoan hỉ, hộ trì thì mình tụng Pali, còn khi mình hành là mình phải biết nghĩa. Bởi Chư Thiên chỉ hiểu Pali. Còn khi mình hành, mình cần hiểu rõ mình đang làm gì nên mình đọc tiếng Việt. Thật ra, mình tụng Pali chứ không phải mình không hiểu nghĩa, nhưng là hiểu nghĩa đại khái, biết tác dụng gì, giống như mình mua thuốc về uống, mình không biết thành phần của thuốc nhưng biết uống thuốc này thì trị được bệnh gì. Và ngôn ngữ của Đức Phật mà Chư Thiên hoan hỉ nên cần Pali. Còn mình rải tâm từ đâu cần ai biết đâu, họ chỉ cần biết mình có tâm từ hay không thôi, mà mình muốn có tâm từ thì mình phải hiểu mình đang nói cái gì, mình đang phát triển cái gì, nên mình chỉ cần tiếng Việt không cần Pali. Nếu được Pali càng tốt, còn đây là không cần, chỉ cần biết tâm mình đang phát triển tâm như thế nào.

Câu hỏi 34: Con muốn thỉnh kinh sách thì con thỉnh ở nơi nào ạ? Giờ kinh tạng xuất hiện 3 bộ, 1 bộ 24 cuốn, 1 bộ 17 cuốn, con muốn đọc không biết đọc cuốn nào? 

Sư cũng không biết, Sư không có đọc tiếng Việt mà Sư biết. Đọc thì đọc cuốn nền tảng Phật giáo của Sư Hộ Pháp. Còn sách Sư mới dịch 1, 2 cuốn à, muốn có thể liên hệ với Ban Tổ Chức. Bây giờ đang xin in cuốn thứ 2 là chương Citta, đây là chương về Tâm trong Dhammapada, ai mà thực hành thiền thì rất là cần thiết, vì chỉ rất rõ những điều rất là hay, có 4 chương cả thảy mà Sư đang xin xuất bản chương thứ 2, còn chương thứ 3, 4 Sư cũng dịch rồi, hết dịch sẽ xuất bản. Còn sách tiếng Việt Sư chịu, vì Sư không có đọc, nên Sư không có giới thiệu, vì không cần đọc, vì đọc kinh mà hiểu kinh là không có được đâu, phải có thầy giảng giải, mà còn trật lên trật xuống. Nên đọc cuốn Nền tảng Phật giáo của Ngài Hộ Pháp, Ngài có phân tích, hoặc đọc những cuốn giảng giải về kinh thì hay hơn.

Câu hỏi 35: Con có 1 trường hợp không biết có phải tà kiến không, tự dưng tim con đập nhanh và sợ hãi 1 lúc rồi 1 khoảng thời gian sau lại có, thì lại có 1 sự việc xảy ra và tim con đập nhanh như vậy. Thỉnh thoảng con bị như thế, con suy nghĩ mà không điều khiển được?

Kệ, niệm Ân Đức Phật thôi, niệm hồi trái tim nó sẽ thuận theo mình. Người học Phật thì trái tim, mà ngay cả thân mình cũng nghe theo mình, chứ mình không còn nghe theo nó. Mình nghe tim đau đi tìm bác sĩ, là mình nghe theo trái tim. Còn giờ thôi, trước sau gì cũng chết, Phật dạy rồi, sống 1 ngày không bằng sống trăm năm, nên mình cứ chọn ngày thôi, trước sau gì cũng chết nên mình không sợ, nên mình không nghe theo nó, mình làm việc thiện pháp, bắt nó theo mình. Mà chạy theo nó thì nó rồi cũng bỏ mình à. Chỉ có thiện pháp bố thí, giữ giới, hành thiền… đi theo mình thôi, nhưng nhớ là thiện pháp nhỏ hay lớn đều hướng đến Niết-bàn, chứ đừng hướng đến cõi trời, khỏe mạnh, sắc đẹp, giàu sang, nó thấp hèn lắm. Hãy hoàn thành mọi phận sự bằng pháp không dễ duôi, quên mình trong các việc thiện. Đó là bố thí cũng hướng đến Niết-bàn, dù bố thí 1 chút cũng hướng đến Niết-bàn, cái hạt giống dù nhỏ đi nữa nhưng năng lực lớn thì nó vẫn cứ lớn, không sao cả, vẫn cho cây to, cây lớn. Đặc biệt, khi mình hướng đến Niết-bàn thì những thiện nghiệp của mình không vô hiệu, mà nó luôn luôn đến Niết-bàn mới thôi. Còn những thiện nghiệp khác nếu mình không nguyện đến Niết-bàn thì nó sẽ vô hiệu qua thời gian, hoặc qua nơi chốn, hoặc qua cõi giới đi. Thân này rồi cũng hoại à, mình lừa người được vài năm thôi chứ không lừa hoài được, rồi 1 ngày lưng cũng còng, tóc bạc đi nhuộm, nhưng bên dưới cũng bạc à. Nên lừa được thời gian thôi, rồi cũng chết. nên hãy nghe Pháp nhiều để thấy thế gian rất tạm bợ, mong manh, mình hiểu như vậy không phải để đi tự tử, mà biết rằng cái mình cần làm là thiện pháp, cái gì tăng trưởng thiện pháp thì mình làm, cái gì không tăng trưởng thiện pháp thì thôi. Nhiều người vì cái thân mình mà sát sinh, trộm cắp, tà dâm thì cái thân này sai mình không à, giờ làm sao để mình sai lại nó.

Giờ hồi hướng. Mọi người nhớ đến những thiện pháp mình đã làm, nhớ tưởng đến những ân đức, cùng hướng về Đức Phật, về Pháp Bảo, về Tăng Bảo. Nhìn sau lưng Sư này, sau lưng Sư tức là thầy Sư đó, những vị Sư này có truyền thừa chứ không phải tự nhiên trên trời rớt xuống đâu. Sư đâu phải trên trời rớt xuống, cũng không phải do cha mẹ. Cha mẹ chỉ đẻ ra con người chứ đâu đẻ ra ông Sư. Chỉ có truyền thừa, ý là từ Ngài Sariputta, Moggallana, Kassapa… đến đây, có truyền thừa nên rất là vững chắc. Rồi mình học được Pháp này, tâm mình càng tăng trưởng thêm, mình hướng đến những bậc ân nhân, những chúng sinh, những thân bằng quyến thuộc đã quá vãng cũng như hiện tiện mà không có cơ hội, không có duyên nghe được những lời này, thì mình phát đến cho họ, để khi họ có nhân duyên, thì mình có cơ hội để tế độ họ. Thì đây là những điều mình có thể làm được thôi. Còn phía họ nhận hay không thì là việc của họ, chứ đừng nghĩ là họ chắc không nhận đâu, mình không chia. Cứ chia đi, đâu mất đâu. Thiện pháp có thể họ không thích nhưng sự an lạc có thể họ thích. Chia việc thiện thì không ai thích, nhưng ai cũng muốn an lạc cả, muốn an lạc mà không làm thiện đâu có được, nên mình cứ chia đến. Hy vọng khi họ mong an lạc, họ gặp những nhân duyên này họ cũng được an lạc. Dù biết hay không, mà gieo hạt ngọt thì cho quả ngọt, gieo hạt cay thì cho quả cay. Giờ cũng vậy, mình cứ hướng đến.

….

Bài Pháp được Sư Hộ Giới thuyết trong lớp Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật, bản text do bạn Vũ Thái Bình tốc ký và tóm lược.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app