Sống Cho Xứng Kiếp Người – Ngài Trưởng Lão Bhaddanta Nandamālābhivaṃsa

Tất cả chúng ta đều đã có được kiếp người. Và cũng đã từng được nghe “Manussattabhāvo dullabho: kiếp người thật khó được”. Kiếp người khó được ấy, bây giờ chúng ta đã được rồi. Chúng ta sẽ làm những gì? Mọi người trong xã hội hiện đại thường nói rằng: để xứng với kiếp người, chúng ta sống vui vẻ hạnh phúc, làm cho tài sản phát triển, có sức khỏe, danh vọng địa vị là xứng kiếp làm người rồi. Nhưng thật ra, sống như thế nào, để có thể gọi là sống xứng đáng với kiếp làm người?

 

Những người Phật tử, đa số đều được nghe lời Phật dạy: “Manussattabhāvo dullabho” nên biết rằng kiếp người thật khó được. Tuy vậy, liên quan đến lời dạy ấy của Đức Phật, một số người vẫn tỏ ra hoài nghi. Tại sao vậy? vì đơn giản là loài người trên trái đất đang ngày càng tăng. Vì loài người ngày càng tăng, nên người ta có những suy nghĩ sai lệch rằng, kiếp người khó được thật hay không, khi mà loài người ngày càng tăng như thế?

Đến nay đã có hơn 6 tỷ người trên trái đất, có một số người còn tính toán rằng, nếu loài người tăng lên 10 tỷ thì sẽ bị đói. Không những ngồi tính toán không, một số quốc gia còn đề ra các chương trình kế hoạch hóa gia đình để hạn chế con cái. Điều này nói lên sự thật là gì, có phải là ngăn cản các chúng sinh khác sinh ra làm người, không phải vậy sao? Thật đáng kinh sợ. Như thế không phải là chúng sinh khác muốn đến mà cũng bị ngăn cản, hạn chế sinh làm người đó sao? Vì vậy càng đúng với lời Đức Phật dạy, được sinh làm kiếp người thật sự là rất khó. Dù loài người có tăng trưởng bao nhiêu đi nữa, thì khi đem ra so sánh với loài súc sinh (con vật), vẫn không thể nêu ra được sự cách biệt, vì số lượng quá chênh lệch. Hãy nhìn một ổ kiến trong nhà của mình xem, một ổ thôi, số lượng kiến trong một ổ ấy, đem so với dân số trên địa cầu vẫn nhiều hơn rất nhiều, không phải vậy sao?

Chúng sinh trong tam giới này, sinh sống ở trong 4 cõi khổ (cõi địa ngục, cõi a-tu-la, cõi ngạ quỷ và cõi súc sinh) là nhiều nhất, kiếp người chỉ là đến viếng thăm chốc lát mà thôi. Vì vậy, có câu nói rằng “Pamattassa ca nāma cattāro apāyā sakagehesadisā: đối với những người say mê, dễ dãi trong cuộc đời này, quên mình không làm việc thiện, thì 4 cõi khổ giống như nhà của mình”. Dù đi đâu thì đi, khi trở về, thì ở trong ngôi nhà của mình không phải vậy sao?

Ngoài ra, trong nhiều bài kinh Đức Phật dạy, loài người sau khi chết được sinh lại làm người rất ít, sinh lên các cõi trời càng ít hơn, đa số sau khi chết sinh vào 4 cõi khổ. Để phục vụ 6 tỷ người (trừ những người ăn chay ra), một ngày biết bao nhiêu tỷ chúng sinh (động vật) đã chết. Số loài súc sinh (con vật) hiện có, cũng khó mà phân chia cho hết được vì quá nhiều. Hãy nhìn vào các loài con vật trong biển cả, chúng rất nhiều. Loài súc sinh (con vật), khi sinh cũng sinh rất nhiều. Một lần, đọc được trong một bài báo nọ, nói đến một ca sinh 7 của một phụ nữ, đây được cho là ca sinh nhiều nhất trên thế giới. Nhưng con chó khi sinh thì có thể nhiều hơn, con lợn sinh cũng nhiều hơn nữa, và nhất là tôm cá, mỗi lần sinh sản thì vô số. 

Như vậy, khi đem so sánh sinh vào các loài súc sinh (con vật), với sinh ra làm kiếp người không phải là khó hay sao? Quả thật quá khó!

1.000 hoặc 10.000 mà khó có được 1 người sinh lại làm người. Với sự sinh làm người khó khăn như vậy, nhưng có số chúng sinh do làm được việc thiện, nên muốn sinh ra làm người cũng còn bị nhiều sự ngăn cản nữa. Những chúng sinh bị ngăn cản tái sinh làm người ấy, cũng có thể nói rằng, vì do quá khứ họ đã tạo nghiệp sát sinh nên mới bị như vậy, hoặc không được làm người cho đến khi đầu bạc răng long.

Một vài đất nước còn công nhận hợp pháp hóa việc nạo phá thai. Nạo phá thai với họ là phương pháp làm giảm dân số, giảm gánh nặng xã hội… đây là phương pháp không đúng đắn.

Nay chúng ta may mắn đã được sinh làm kiếp người rồi. Để đến được kiếp người này thật là khó. Trong quyển What the Buddha Taught (Đức Phật dạy những gì) của tiến sĩ Walpollarahula, Sirilanka, có đề cập đến sự tái sinh làm người là một điều khó. Ở Myanmar cũng vậy, người ta thường nói đến sự khó được tái sinh làm người, bằng ví dụ rằng, một cây kim ở cõi trời Sắc giới rơi xuống và một cây kim ở cõi người dựng ngược lên, đầu của hai cây kim này có thể đụng nhau, nhưng để sinh làm người quả thật khó hơn vậy.

Ở đây xin nêu ra một điều khó, khó với ý nghĩa gần như là không thể. Đức Phật dạy về sự khó sinh làm kiếp người bằng ví dụ về con Rùa mù (đui). Hãy đọc kỹ ví dụ về con Rùa mù như sau. Một con Rùa mù kiếm sống trong biển cả. Cứ sau mỗi 100 năm nó mới ngoi đầu lên khỏi mặt nước một lần để hít thở không khí. Hãy nhớ là, trong suốt 100 năm nó không khi nào nổi lên mặt biển bao giờ. Nó chỉ kiếm sống và ở bên dưới nước biển sâu. Nên nhớ là 2 mắt của con Rùa này không nhìn thấy được. Rùa mù mà, phải vậy không? Cũng trong biển này có một mảnh gổ, trên mảnh gổ ấy cũng chỉ có một lổ nhỏ vừa đủ để đầu Rùa chui lọt mà thôi. Nói đến biển mọi người ai cũng từng thấy và biết, đó là nó luôn luôn giao động, không yên lặng bao giờ, luôn luôn dậy sóng. Vì vậy, mảnh gổ ấy trôi nổi vô định. Mảnh gổ ấy chỉ có một lổ nhỏ duy nhất. Rùa đui cũng vậy muốn đi đâu thì đi. Sau 100 năm nổi lên mặt biển để thở một lần. Khi nổi lên biển để thở, đầu rùa có thể chui trúng vào lổ nhỏ của mảnh gổ trôi vô định ấy được. Có thể được như vậy không? Thật quá khó và không thể xảy ra được. Nhưng Đức Phật dạy, điều đó có thể xảy ra được. Nhưng đối với chúng sinh khi đã rơi vào 4 cõi khổ, để được sinh lại làm kiếp người, càng khó hơn ví dụ ấy.

Tại sao vậy? Hãy suy nghĩ sâu xa một chút xem? Hãy nhìn vào những loài con vật nhỏ bé trước mắt chúng ta. Gần con người nhất là các loài chó, mèo. Hãy xem hằng ngày chúng luôn suy nghĩ những gì? Làm những gì? Nếu ăn no thì ngủ, ăn không no thì đi kiếm ăn. Khi đi kiếm thức ăn chúng thường ỷ mạnh hiếp yếu, tranh dành cắn xé, thù hằn lẫn nhau, chỉ có vậy thôi không phải sao? Chúng có thời gian nào lần tràng hạt, lễ Phật không? Tất nhiên là không. Thậm chí khi có được miếng ăn chúng cũng không biết nhường nhịn chia phần cho nhau. Hãy nhìn kỹ chú mèo con, khi ngậm được một chút thức ăn trong miệng, nếu có một con nào khác đến gần nó sẽ gầm gừ; còn nếu đụng vào thức ăn sẽ bị cắn mà thôi, không phải vậy sao?

Như vậy khi quan sát tâm tính của nó chúng ta có thể thấy được rằng, sự say đắm nơi thức ăn chính là lobha: tham; có được thức ăn không biết chia sẽ cho những con vật khác, đó là macchariya: ích kỷ; gầm gừ là dosa: sân, phải vậy không? Thời gian còn lại là moha: si. Hãy tư duy, cuộc sống của chúng luôn bị tham, sân, si chi phối. Trong chúng, rất hiếm có tâm muốn làm điều thiện, việc tốt.

Hãy nhìn vào những con vật cách xa con người, chúng ăn thịt lẫn nhau, con yếu bị con mạnh ăn thịt. Để hiểu biết thêm, hãy xem trong Discovery Channel nói về các loài động vật hoang dã châu Phi, chúng ta sẽ rõ và kinh sợ kiếp sống con vật (súc sinh). Đức Phật dạy về kiếp sống các loại súc sinh (con vật) chỉ 2 chữ ngắn gọn, đó là aññamaññakhādikā: cuộc sống của chúng ăn thịt lẫn nhau; và dubbalakhādikā: con yếu bị con mạnh ăn thịt. Quả thật đúng y như vậy. 

Hãy nhìn những con nai, những con trâu… chúng thường chết dưới nanh vuốt của sư tử, hổ, báo. Trâu, bò, lợn, gà… hằng ngày ai cũng dễ bắt gặp, những xe lớn, xe nhỏ chở đi qua trước mắt mình. Hãy suy nghĩ về nỗi khổ của chúng xem. Kiếp sống của các loại súc sinh (con vật) thật khổ đau biết nhường nào.

Khi sinh làm kiếp súc sinh, chúng luôn bị hành hạ như vậy thì tâm, tinh thần của chúng luôn đau khổ, lo sợ, sân hận đến mức nào, chúng ta có thể tư duy và thấu hiểu được. Với những tâm trạng như vậy, thì khi chết đi, chúng có thể sinh trở lại làm người được không? Không thể được.

Nói theo phần nhiều thì, nếu chết khi bị tâm tham chi phối sẽ sinh làm ngạ quỷ; nếu chết khi bị tâm sân chi phối sẽ sinh vào địa ngục; nếu chết khi bị tâm si chi phối thì sinh làm súc sinh. Đây là nói theo cách “phần nhiều, đa số”. Với các pháp tham, sân, si chi phối trong khi chết thì không thể có phương cách nào, để có thể sinh vào cõi tốt, cõi an lạc được. Bởi vì đó là lúc tâm bị ô nhiễm.

Hãy nhìn lại kiếp người xem. Khi so sánh với cuộc sống của loài súc sinh (con vật), thì cuộc sống của loài người ít khổ đau hơn nhiều. Và đem số lượng ra so sánh với chúng, thì rõ ràng quả thật là “Manussattabhāvo dullabho: khó được sinh làm kiếp người”. Điều cần thiết là hãy biết quý trọng kiếp sống nhỏ nhoi của chính mình.

Nếu chỉ biết để hết thời gian vui say trong ngũ dục, bị chi phối bởi tham, sân, si mê không biết điều nên làm, không nên làm, thì không khác gì các loài súc sinh đã nêu ở trên không phải sao? Vì vậy, khi có được kiếp làm người rồi, phải sống làm sao cho xứng. Sống cho xứng kiếp người là điều tối ư quan trọng.

Kiếp người được hình thành như thế nào? Sự hình thành và phương pháp để được sinh ra làm người được Đức Phật dạy trong Saṃyuttanikāya: Loại pháp cùng chủ đề thuyết giảng.

Ngày nay khoa học phát triển, internet phổ biến rộng rải, mọi người có thể tra cứu và hiểu biết theo khoa học. Ở đây Sư chỉ nêu ra những điều bổ sung thêm, mà khoa học chưa giải thích được hoặc không có trong khoa học, được Đức Phật thuyết giảng cách đây hơn 2500 năm.

Phương cách hình thành nên con người, được Đức Phật dạy cho một Dạ-xoa tên Indaka. Dạ-xoa này có ý nghĩ rằng, con người sinh ra là do linh hồn kiếp trước nhập vào, rồi trình bạch như vậy lên Đức Phật. Đức Phật dạy rằng không có linh hồn nào cả. Khi kiếp trước tâm chết vừa chấm dứt, thì do nghiệp lực, tâm tái sinh liền phát sinh. Sau khi tâm tái sinh phát sinh lên, thì tiếp theo đó là các sắc pháp (hình tướng), danh pháp (tâm tính) cũng cùng lúc phát sinh lên. Trong kinh này, Đức Phật dạy rằng dựa vào những sắc căn bản, danh căn bản ấy mà phát triển dần dần. Trong Phật giáo, tinh cha huyết mẹ được ví như đất và nước để hạt giống nãy mầm. Hạt giống đó chính là nghiệp (hành động, nói năng, suy nghĩ từ trong qua khứ). Mỗi một giây phút có vô số chúng sinh (các loài động vật) chết đi, và do năng lực của nghiệp mà đưa đến tái sinh, đầu thai. Chúng sinh chết đi, ví như những giọt nước mưa vậy, có giọt rơi chỗ cao, có giọt rơi chỗ thấp, rơi xứ này xứ kia…. Cũng như vậy, chúng sinh do năng lực của nghiệp, hành động mình đã tạo, mà rơi vào chỗ này chỗ kia hoàn toàn bị động.

Mọi người không nên nghĩ rằng sao mau lẹ vậy. Hãy xem sóng truyền hình, sóng phát thanh các vị sẽ biết. Năng lực tái sinh của nghiệp còn phi thường hơn. Có một số các vị bác sĩ sau khi nghiên cứu thấy rằng, trong vô số tinh trùng chỉ có 1 hoặc 2 con sống sót, kết hợp với trứng để trở thành thai nhi, nên họ càng tin rằng “để được thành người thật là khó”.

Bào thai tuần đầu tiên chỉ là giọt nước trong rất tinh khiết, tiếp theo tuần thứ 2 như bọt nước, tuần thứ 3 đặc dần như váng sữa, tuần thứ 4 như viên thịt, tuần thứ 5 mới bắt đầu phân chia thành 5 chi…. Để trở thành một con người ra khỏi lòng mẹ, quả thật phải qua biết bao khó khăn lẫn khổ đau. Khổ đau vì thai nhi trong bụng mẹ, phải chịu nóng khi người mẹ uống nước sôi, ăn cay…, hay bị lạnh khi mẹ uống nước đá, ăn đồ lạnh….

Ai muốn biết và nghiên cứu rõ hơn xin xem đầy đủ trong chánh Tạng Pāḷi, loại Saṃyuttanikāya, phần Sagāthāvagga, chương Yakkhasaṃyutta, kinh Indakasutta và Aṭṭhakathā (Chú giải).

Trong Phật giáo, khi tâm thức tái sinh vào lòng mẹ, tuần đầu tiên chỉ là giọt nước trong, cũng đã phân định rõ nam-nữ rồi, vì sắc nam tính và sắc nữ tính này, thành tựu do nghiệp ngay khi tái sinh (đầu thai). Nói tóm lại, để sinh ra làm kiếp người sống trong cuộc đời này, mỗi người chúng ta ai cũng phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, gian khổ từ khi hình thành trong bụng mẹ cho đến khi lọt lòng.

Khi đã được sinh ra làm người giữa cuộc đời này rồi, chúng ta phải làm gì cho xứng đáng? Suốt ngày suốt tháng chỉ biết vui say trong 5 đối tượng dục lạc sắc màu, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, giữa cuộc đời thì có xứng đáng hay không?

Đã sinh ra làm người, nhưng sống trong tham lam, sân hận, không biết phải trái, thì tâm tánh ấy, cũng mới sánh ngang cấp độ tâm tánh của các loài chúng sinh đã nêu ở trên, không phải sao? Như vậy, có xứng với sự trải qua bao nhiêu khó khăn, để sinh ra làm kiếp người giữa cuộc đời này không? Tất nhiên là không xứng rồi.

Chính vì vậy mà phải luôn suy nghĩ về vấn đề quan trọng của mình, là làm sao sống cho xứng kiếp người khó được này. Không nên sống dễ dãi, buông thả, phải sống cho xứng kiếp làm người. Để sống cho xứng kiếp làm người cần phải làm gì? Phải biết làm như thế nào để gọi là sống xứng với kiếp người. Điều quan trọng nhất là gì?

Khi được sinh ra làm người rồi, điều đầu tiên và quan trọng nhất đó là, phải có quan niệm (niềm tin) đúng đắn và rõ ràng rằng “kammassakatā sammādiṭṭhi”. Nếu chưa có được quan niệm như vậy, thì phải làm sao cho có. Kammassakatā sammādiṭṭhi nghĩa là gì? Nghĩa là luôn quan niệm rằng, những gì ta làm, nói, nghĩ là “của riêng” ta.

Đức Phật dạy: “Yaṃ kammaṃ karissanti kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa kammassa dāyādā: ta làm bất cứ điều gì, làm tốt hoặc làm xấu, thì nó là của riêng mình ta mà thôi, chỉ mình ta sẽ là người thừa hưởng.” Đó gọi là quan niệm (niềm tin), có chính kiến kammassakatā sammādiṭṭhi: hiểu biết đúng đắn nghiệp (hành động, nói năng, suy nghĩ) là của riêng ta. Để xứng với kiếp làm người, thì phải có sự thấy biết như vậy. Tại sao? Vì nếu không có quan niệm đúng đắn như vậy, thì không thể có người thiện, người tốt trên đời. Cho nên, khi được sinh làm người, điều đầu tiên là phải có quan niệm đúng đắn, có chính kiến rằng, kammassakatā sammādiṭṭhi: Nghiệp là của riêng ta.

Vì có quan niệm đúng đắn rằng, làm điều xấu ác sẽ hưởng quả xấu ác, làm điều tốt lành sẽ hưởng quả tốt lành, nên chúng ta sẽ luôn luôn cố gắng làm điều tốt lành, không cố gắng làm điều xấu ác. Tại sao vậy? Vì con người chúng ta, ai cũng mong muốn được hưởng quả tốt lành cả, và ngược lại chẳng ai mong muốn thừa hưởng điều xấu xa. Vì mong muốn thừa hưởng quả tốt lành, nên sẽ cố gắng sống tốt lành mà thôi. Đây là điều mà chúng ta cần phải tự chính mình tư duy, hiểu biết.

Hãy nhìn vào kiếp người hiện tại này, trên mỗi người chúng ta, bất cứ ai, cũng đều có hình bóng, dấu ấn của nghiệp hiện rõ. Không nên sống dễ dãi, hời hợt, hình bóng và dấu ấn của nghiệp luôn hiện rõ trên mỗi chúng ta. Hãy nhìn kỷ, hình bóng của nghiệp hiện rõ như thế nào? Bởi vì một số người thì thân hình đẹp, một số người thì thân hình xấu. Đó chính là hình bóng của nghiệp.

Có thể nói, vì cha mẹ sinh nên trông giống như cha như mẹ, nhưng cũng chỉ giống sơ sơ mà thôi, không giống hoàn toàn được. Tại sao lại có người thân hình đẹp, có người thân hình xấu? Không phải tại người nào khác làm, mà tại chính ta đã làm. Vì chính ta đã làm, nên bây giờ chính ta thừa hưởng. Nếu kiếp này ta không hồi tâm tỉnh trí, thì kiếp sau ta lại thừa hưởng tiếp mà thôi. Kiếp trước nếu người nào thường hay nóng giận, thì kiếp này thân hình xấu xí, cô đơn. Người hay nóng giận, hãy bỏ qua kiếp sau, ngay trong kiếp này, khi đang nóng giận, hãy soi gương nhìn lại chính mình, thân hình ta xấu xí đến thế nào, phải vậy không? Có thân hình nào lúc nóng giận mà đẹp được không? Dù người có thân hình đẹp đến đâu, nhưng khi tâm họ nóng giận, thì cũng bị xấu đi, phải vậy không?

Người có tâm nóng giận, thì mặt mày cau có, bặm môi bặm miệng, kiếp sau khi sinh ra cũng vậy mà thôi. Đó là hình bóng của nghiệp. Cũng trong kiếp sống này, một số người khuôn mặt luôn trong sáng, vui tươi, khuôn mặt lúc nào cũng mĩm cười, dễ mến, đó là vì kiếp trước họ sống có tâm tốt, tâm trong sáng hòa nhã, nên kiếp này hình bóng của nghiệp hiện rõ ra như vậy.

Cũng như vậy, kiếp trước vì keo kiệt nên không bố thí, của mình có xài một mình, không cho đến một ai. Một người kiếp trước keo kiệt chỉ biết cho mình, thì kiếp này khi sinh ra, sẽ sinh vào nơi nghèo khổ, thiếu thốn. Người nào kiếp trước sống rộng lượng, biết bố thí đến người khác, thì kiếp này sinh ra trong gia đình giàu sang phú quý, không phải vậy sao? Có số người cho rằng, do người ta cố gắng làm ăn tích góp mới được giàu sang như thế. Thật ra, cố gắng làm ăn tích góp, chỉ là một điều kiện hỗ trợ mà thôi, nếu không có năng lực của thiện nghiệp, thì không thành công được. Điều này cũng giải thích tại sao nhiều người cũng rất cố gắng, mà không thành công trông cuộc sống. Nếu thiếu thiện nghiệp thì dù trồng cây, nó cũng không thể cho quả được, phải vậy không?

Cùng trong một công việc làm vườn, nhưng có vườn của một số người hoa trái xum xuê, bội thu; vườn của một số người khác hoa trái thưa thớt, thất thu. Đó là do kammapaccaya utusamuṭṭhānaṃ: nghiệp lực làm duyên cho thời tiết đổi thay. Người có thiện nghiệp, thì do năng lực ấy khiến cho thời tiết thay đổi theo, làm sao thích hợp với cây trong vườn của họ. Chính nhờ năng lực thiện nghiệp của họ, mà thời tiết thay đổi, vì thời tiết thích hợp, nên cây trồng sai hoa trĩu quả.

Ở phía ngược lại, người kia có nghiệp xấu, vì mang nghiệp xấu, nên năng lực xấu ấy chi phối trên thân thể này, rồi làm ảnh hưởng đến thời tiết trong khu vườn ấy cũng xấu theo, không thích hợp cho cây cối, vì vậy chúng không cho hoa quả tốt đẹp được. Đó là do nghiệp là nguồn gốc khiến thời tiết đổi thay. 

Một vài loài cây hoa nhỏ, khi đến gần chúng vừa đánh đàn lại vừa hát, thì chúng tươi tỉnh nở hoa. Như vậy, không có nghĩa là loài cây đó nó có tâm hiểu biết. Mà sự thật, là khi tâm của con người vui vẻ, thì những khí chất tốt bên trong của con người phát sinh ra, làm ảnh hưởng đến muôn loài vạn vật. Bên trong thân ta luôn thay đổi, nếu không để ý thì không thể biết được. 

Trong mỗi người chúng ta, khi tâm nóng giận phát sinh lên, thì trong thân thể mình phát sinh ra một năng lực, khác với năng lực khi tâm ta thanh thản, trầm tỉnh phát ra. Điều này các nhà khoa học phương Tây, cũng đã dùng computer để đo não bộ của 2 người, và cũng biết được như vậy. Não bộ của một người đang làm việc, và não bộ của một người đang hành thiền. Não bộ của người hành thiền rất yên lặng, còn não bộ của người làm việc luôn rung động. Điều này chứng minh rằng, khi tâm (tinh thần) con người thay đổi, thì đồng thời thân thể (vật chất) cũng thay đổi theo. 

Thay vì dùng máy vi tính nghiên cứu mới biết, tốt hơn, ta nên dùng trí tuệ tư duy để biết. Ta hãy quan sát lại chính mình, hãy so sánh 2 tâm trạng của mình. Đó là khi tâm ta nóng nảy khó chịu, và khi tâm yên lặng an ổn. Căn cứ theo trạng thái không giống nhau của 2 tâm này, ta quan sát sắc thái trên thân thể ta, xem chúng như thế nào. Sắc thái của ta khi tâm nóng giận nổi lên, có giống với sắc thái khi tâm ta vui vẻ, thư thái không? Khác nhau phải không? Nếu đã khác nhau, thì những tâm trạng khác khi sinh lên cũng khác nhau mà thôi, nên nhớ như vậy.

Nếu chúng ta không biết được những năng lực tự nhiên trong ta, có thể khiến thay đổi những thành phần trong cuộc sống như thế, thì làm sao cuộc đời chúng ta có thể tốt lên được. Chính vì thế cho nên, để cho cuộc đời của ta tốt đẹp, điều căn bản ta cần có, đó là một quan niệm đúng đắn, một chính kiến rõ ràng. Đó là quan niệm, chính kiến rằng ta làm bất cứ điều gì, ta suy nghĩ bất cứ điều gì; thì những việc làm của ta, những suy nghĩ của ta, chỉ liên quan đến một mình ta mà thôi. Chúng sẽ tác động trở lại trong cuộc sống của ta. Những gì ta nói chúng cũng sẽ tác động trở lại trong kiếp sống của ta. Đây đang nói đến điều, chính ta là người chịu hoàn toàn trách nhiệm trong mọi hành động (nghiệp) của chính mình. Những hành động của ta, chúng sẽ quay trở lại tác động lên cuộc đời của ta.

Con người có 3 hành động (nghiệp). Hành động của tâm, ý nghiệp, suy nghĩ. Hành động của miệng, khẩu nghiệp, nói năng. Hành động của thân thể, thân nghiệp.

Chúng ta phải luôn tự mình kiểm tra, kiểm soát với 3 hành động, nghiệp ấy. 3 hành động này, chúng nghĩ gì, làm bất cứ gì, cũng đều liên quan đến ta cả. Như thế thì, để sống xứng với kiếp người ta phải suy nghĩ những điều gì? Ta nên nói những điều gì mới xứng với kiếp người? Ta hành động làm sao để xứng với kiếp làm người này? Có nên suy nghĩ những điều như thế không? Nghĩ những gì mình muốn, nói và làm những gì mình thích; nói và làm theo tâm trạng của mình, như thế thì làm sao sống xứng với kiếp người được.

Đức Phật dạy có 10 điều xấu (ác) và 10 điều tốt (thiện). Liên quan đến suy nghĩ (ý nghiệp), có 3 điều không nên suy nghĩ, nếu suy nghĩ thì sẽ không xứng với kiếp người. Đó là 3 điều suy nghĩ xấu (bất thiện) gồm: điều nghĩ xấu thứ nhất là abhijjhā: mong muốn sở hữu tài sản của người khác. Jhā: tâm mong muốn, abhi: hướng đến tài sản của người khác. Suy nghĩ mong muốn tài sản của người khác, là suy nghĩ khiến cho phát sinh ra điều gì? Không phải suy nghĩ đó sẽ khiến sinh ra kẻ trộm, kẻ cướp hay sao? Đây là những suy nghĩ nguy hiểm, những suy nghĩ xấu, là ý nghĩ xấu ác. Một khi để ý nghĩ hướng đến tham muốn sở hữu tài sản của người khác, là ý nghĩ sai lạc, là nghĩ điều không nên nghĩ, chúng là những ý nghĩ nên tránh nghĩ đến.

Điều suy nghĩ xấu tiếp theo là byāpāda: sân hận. Như thế nào là byāpāda? Nghĩa là khi một người không hợp với ta, người thù ghét của ta hiện lên trong trí nhớ, thì có những ý nghĩ rằng nếu nó chết đi thì tốt biết mấy; nếu nó bị tiêu gia bại sản thì tốt biết mấy; nếu nó bị khổ sở, tù đày thì tốt biết mấy… một số người sẽ nghĩ vậy phải không? Đó gọi là ý nghĩ byāpāda: sân hận. Đây là những suy nghĩ cần phải tránh. Để xứng đáng kiếp làm người, thì nên làm sao tránh nghĩ đến những ý nghĩ như vây.

Và điều suy nghĩ xấu thứ 3 là micchādiṭṭhi: nghĩ sai thấy lầm. Nghĩ sai thấy lầm là thế nào? Nghĩa là không có suy nghĩ rằng, những gì mình làm sẽ liên quan đến mình; có ý nghĩ rằng làm tốt không được quả tốt, làm xấu lại được quả tốt, có những người làm xấu nhưng vẫn thăng tiến phát triển, người làm tốt lại vướng lao khổ v.v…, bị hiểu sai lầm về nghiệp. Thật ra nên suy đoán đúng đắn rằng, làm điều xấu nhưng đang thăng tiến, phát triển, là do thời gian trước đã làm tốt, nên bây giờ đang hưởng quả tốt ấy. Không phải thế sao? Ta bây giờ mới làm điều tốt, nên chưa cho quả tốt được. Bây giờ mới trồng cây xoài, ta có thể hái trái xoài được không? Tất nhiên là không rồi. Bây giờ mới làm điều tốt, thì vẫn có thể gặp những điều xấu. Vì khó có ai biết được rằng, trong quá khứ trước đây, mình đã tạo bao nhiêu điều xấu rồi. Vì vậy, phải có tư duy, suy nghĩ đúng đắn về nghiệp (hành động).

Tư duy chối bỏ nghiệp (hành động) gọi là akiriyadiṭṭhi: thấy sai về nghiệp, không tin vào hành động (nghiệp). Luận thuyết cho rằng không có hành động tốt, không có hành động xấu trong đời, gọi là akiriyavāda: thuyết bất hành (không có hành động (nghiệp) tốt, xấu). Tư duy không chấp nhận kết quả của hành động (quả của nghiệp), gọi là natthikadiṭṭhi: thấy sai không có quả của nghiệp. Nghĩa là làm điều xấu không bị quả xấu, làm điều tốt không hưởng được quả tốt. Chối bỏ kết quả của hành động. Và ngoài ra còn có tư duy rằng ahetukadiṭṭhi: thấy sai, chối bỏ nguyên nhân. Tóm lại, chỉ những người có tà kiến, nghĩ sai thấy lầm (micchādiṭṭhi), mới có sự chối bỏ nhân (nghiệp), quả (quả của nghiệp) mà thôi.

Người có tà kiến, nghĩ sai thấy lầm như vậy, thì không thể sinh vào cõi tốt đẹp được, con đường họ sẽ đi chỉ là 4 cõi khổ mà thôi. Tại sao vậy? Vì họ phủ nhận nguyên nhân, phủ nhận hành động (nghiệp), nên chắc chắn rằng họ sẽ làm những gì mà họ thích.

Nói rằng “họ sẽ làm những gì mà họ thích”, ở đây nên biết, con người thường thích làm điều gì? Đa số thích làm điều xấu, ác. Đã là con người, thì thường phải sống trong sự giữ gìn và ràng buộc (hạnh kiểm, đạo đức, pháp luật). Nếu không có sự giữ gìn, ràng buộc thì đa số sẽ làm điều xấu, ác.

Điều tốt, việc tốt giống như chèo thuyền ngược nước, là điều khó khăn vất vả. Điều xấu, việc xấu giống như thuyền xuôi dòng nước, rất dễ dàng, chỉ cần thả lên trên dòng nước là xong. Vì vậy cho nên, liên quan đến sự tư duy, suy nghĩ, thì nên tránh không suy nghĩ đến những điều đã nêu ở trên. Vì nếu một khi để những suy nghĩ đó khởi sinh trong tâm trí ta rồi, thí nó sẽ tiềm ẩn, ngủ ngầm trong đó. Nếu nó đã tiềm ẩn, ngủ ngầm vào trong dòng tâm trí của ta, thì một khi có nguyên nhân và cơ hội, chắc chắn nó sẽ phát sinh lên mà thôi.

Thỉnh thoảng chúng ta biết có những suy nghĩ từ thuở bé phát sinh lên lại, không phải sao? Chắc chắn rằng những gì chúng ta đã tư duy, suy nghĩ chúng không hề mất đi. Nghiệp (hành động) cũng vậy, nó vẫn sinh khởi lên mỗi khi có cơ hội. Sự sinh khởi này, cũng có thể gọi tương tự như ngày nay chúng ta online:  trực tuyến vậy. Và khi nghiệp sinh khởi, thì có cơ hội nó vẫn cho quả, chứ không hề mất đi.

Vì thế cho nên hãy cẩn thận, chánh niệm để tránh không tư duy, suy nghĩ về 3 điều ấy. Như vậy, phải suy nghĩ những gì? Không nên suy nghĩ, có ý muốn sở hữu tài sản người khác; chỉ suy nghĩ, mong muốn làm sao có được của cải tài sản một cách hợp pháp. Không suy nghĩ, có ý muốn làm hại người khác; chỉ suy nghĩ, có ý muốn người khác được giàu sang, an lạc, luôn được thuận lợi trong cuộc sống. Đó gọi là suy nghĩ hợp với tâm từ (mettā). Và có chánh kiến, quan niệm đúng đắn để loại bỏ tà kiến, nghĩ sai thấy lầm (micchādiṭṭhi). Như thế nào là có chánh kiến, quan niệm đúng đắn, đó là điều đã nói ở trên, ta làm bất cứ điều gì, là điều tốt hay điều xấu, thì ta chính là người thừa hưởng, chúng sẽ tác động trở lại trên chính ta mà thôi (kammassakatā sammādiṭṭhi). Như vậy, liên quan đến tư duy, suy nghĩ, chúng ta đã có những tư duy, suy nghĩ đúng đắn rồi.

Khi những gì liên quan đến tư duy, suy nghĩ đã đúng đắn rồi, chúng ta cũng cần đúng đắn trong những gì liên quan đến lời nói nữa. Khi nói tránh không nói dối. Nói dối nghĩa là làm một đường nói một nẻo. Biết nhưng để che dấu nói không biết. Thật sự có lại nói không có. Đây là những điều cần tránh trong việc liên qua đến nói năng.

Thêm điều cần tránh khi nói, đó là không nói lời làm cho 2 người mất hòa hợp, không nói lời đâm thọc chia rẽ mọi người. Người nào khi đã nói lời chia rẽ, mất hòa hợp, mất đoàn kết thì người ấy ngay kiếp này cũng đã chịu khổ sở rồi. Kiếp sau thường bị quả báo chia lìa vợ con, vì luôn gây thù chuốc oán nên không hòa hợp với ai trong gia đình được.

Người luôn chia rẽ người khác, thì khó có người nào hòa hợp với mình được, luôn bị chia lìa người thân, đó là dấu ấn, bóng dáng của nghiệp luôn luôn hiện rõ ra như vậy. Nếu ta không nói lời chia rẽ mọi người, mà nói lời đoàn kết, nói lời hàn gắn những người bị chia rẽ, nói lời làm cho những người đang hòa hợp càng hòa hợp, gắn bó hơn. Như vậy mới xứng với kiếp làm người. Vì vậy, khi nói ta nên tránh những lời nói gây chia rẽ, những lời nói đâm thọc sau lưng người khác, gây mất đoàn kết, làm cho sự yêu thương, gắn bó giữa cuộc sống này tan biến đi, đó là điều không tốt.

Một điều nên tránh trong khi nói nữa, đó là nói lời thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc. Một số người miệng đã thành thói quen, mở miệng là nói lời thô tục khó nghe. Đừng nghĩ nó bình thường, vì người nói lời thô tục, mắng chửi thân thể thì cục mịch, tâm tính thì nóng nảy, thô thiển, và khiến cho tâm của người nghe cũng nóng nảy, thô thiển theo. Vì vậy cho nên, không nên nói lời thô tục, mắng chửi, mà nên nói lời ngọt ngào dễ nghe, nói lời thương yêu thân thiết. 

Ông cha ta từ xưa đã nói “mật ngọt chết ruồi” 

hoặc “lời nói chẳng mất tiền mua, 

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. 

Tuy vậy, tại sao chúng ta không muốn nói với nhau bằng lời ngon ngọt? Là tại vì bên trong tâm tính ta có sự nóng nảy, khó chịu, sân hận hiện hữu, phải vậy không? Mỗi khi tâm ta sân hận, nóng nảy thì không thể nói lời ngọt ngào, dễ nghe được. Vì vậy, trong cuộc sống thường ngày, ta phải nên cố gắng nói lời từ ái, ngọt ngào.

Đức Phật Gotama, khi còn là một vị Bồ Tát bồi bổ pāramī, Ngài không bao giờ nói lời đâm thọc chia rẽ người khác, luôn nói lời hòa hợp đến những người bị chia rẽ, và khuyến khích, động viên những người hòa hợp càng thêm hòa hợp đoàn kết hơn. Cho nên khi trở thành Đức Phật Toàn Giác thì dấu ấn, hình bóng quả nghiệp đã hiện rõ, là Ngài có đến 40 cái răng, răng rất đều và bằng phẳng khít khao. Răng hàm trên 20 cái và răng hàm dưới cũng 20 cái. Ngài đã làm gì để có được như vậy, là vì Ngài đã nói lời hòa hợp và đã làm công việc hòa giải, đoàn kết.

Nếu thế thì con người chúng ta, vì trước đây, không tránh xa sự nói lời đâm thọc chia rẽ, nên răng chúng ta chỉ có 32 cái, chúng không bằng phẳng, đều đặn. Chúng ta hãy nhìn về quá khứ của mình, quả thật ta chưa phải, hãy kiểm tra lại răng của mình, vì kiếp trước ta không nói lời tốt hòa hợp, đoàn kết, nay ta phải cố gắng làm cho được điều tốt này.

Người nào quá khứ đã nói lời thô tục, mắng chửi, nói lời độc ác, khó nghe; đối với người ấy khi sinh ra trong kiếp người này, ít khi được nghe lời êm dịu ngọt ngào, thường phải nghe lời thô tục, chửi rủa mắng nhiếc. Dù sinh vào kiếp nào đi nữa, vẫn khó nghe được lời êm dịu ngọt ngào. Trong cuộc sống quanh ta, thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp được những con người, những gia đình họ ăn nói, đối xử với nhau toàn lời cay độc, mắng chửi, thô tục. Đây là nói khi tâm họ bình thường, chưa có sự nóng nảy, sân hận. Họ ăn nói thô tục đã trở thành thói quen, câu nói cửa miệng. Nhưng đây không phải là điều không thể sửa được. Chúng ta có thể sửa được thói quen xấu này, và phải sửa chúng, phải sống làm sao để tránh nói phải lời thô tục, độc ác như vậy.

Con người, để thành công một việc làm trong cuộc sống, điều thứ nhất là phải có niềm tin. Thứ 2 phải có sự siêng năng, cố gắng, cần mẫn. Không có niềm tin, thì không thành tựu được việc gì cả. Thứ 3 phải có sự trầm tỉnh, điềm đạm, nhất tâm. Thứ 4 phải có trí tuệ sáng suốt. Không có những điều này thì con người không khi nào thành tựu được việc của mình làm. Và điều quan trọng thứ 5 đó là có sự để ý, chú ý, chánh niệm. 

Nhất là phải luôn chú ý, chánh niệm để tâm ý không tư duy, suy nghĩ đến 3 điều đã nói ở trên. Phải luôn chú ý, chánh niệm để tâm ý tư duy, suy nghĩ đến những điều cần phải suy nghĩ. Lời nói cũng vậy, phải chú ý, chánh niệm để tránh xa những lời không nên nói, nói những lời nên nói. Đây hoàn toàn là những điều chúng ta có thể làm được. Tránh nói dối, phải nói thật; tránh nói lời chia rẽ, phải nói lời hòa hợp; tránh nói lời thô tục, mắng chửi, phải nói lời êm dịu, ngọt ngào.

Liên quan đến lời nói, còn có một điều nên tránh nữa, đó là nói lời vô ích. Nói điều không đem đến lợi ích gì, nói lời không hợp thời. Chúng ta nên tránh nói những lời không có cốt lõi, vô bổ; mà nên nói lời có ích, nói những điều hữu ích, điều tốt. Nói lời hữu ích cho giáo dục, hữu ích cho cộng đồng xã hội. Như vậy, liên quan đến lời nói chúng ta nên tránh 4 điều, tránh nói dối, tránh nói lời chia rẽ, tránh nói lời thô tục và tránh nói lời vô ích. Chúng ta chỉ nói lời chân thật, lời hòa hợp, lời êm dịu và nói lời hữu ích. Có làm được những điều như vậy, chúng ta mới có thể nói được rằng “Ta đã sống xứng với kiếp làm người”.

Tiếp theo là những điều liên quan đến hành động của thân (thân nghiệp). Ta cần tránh những gì? Điều cần tránh đầu tiên là tránh xa việc làm sát sinh, hại vật. Tránh xa việc làm sát sinh, nghĩa là tránh không giết bất cứ con vật nào, kể cả con vật nhỏ như muỗi, kiến khi chúng đốt, cắn ta, ta vẫn không giết hại chúng. Chúng ta thường thấy các con muỗi chết trong lòng bàn tay của con người. Người ta giết hại chúng một cách dễ dàng, ngày nay càng kinh khủng hơn, khi dùng những cây vợt điện để giết hại chúng. Quả thật là đáng sợ.

Những con vật bé nhỏ này tuổi thọ không lâu, sống ít ngày rồi chết thôi. Ta có thể xua đuổi chúng đi. Hoặc để không bị muỗi đốt, ta có thể treo mùng, làm cửa lưới, đốt nhang muỗi lên. Vì giết hại chúng một cách dễ dàng như vậy, nên người thoát khỏi tội sát sinh rất là ít. Cho nên, mỗi khi liên quan đến hành động của thân, ta phải làm sao đừng để bất cứ một chúng sinh nào chết dưới bàn tay của mình. Phải cố gắng tránh xa sự sát sinh hại vật.

Một số người tuy không tự tay mình giết hại, nhưng lại sai khiến người khác làm. Hãy nhớ là như nhau cả. Thấy giết mà vui thích cũng như vậy; ca ngợi, ủng hộ sự giết hại cũng như tự tay mình giết. Có số người tinh ranh không muốn tự tay mình giết hại, đi sai khiến người khác giết hại, thì cũng làm việc xấu như nhau cả thôi. Nói đến sát sinh, có 4 điều đều xấu như nhau, mà chúng cần phải tránh đó là tự mình làm, sai bảo người khác, vui thích khi thấy người khác làm và ca ngợi ủng hộ việc làm của họ.

Chúng ta hãy quan sát trong cuộc sống, sẽ dễ dàng nhìn ra những dấu ấn, hình bóng của nghiệp (hành động) mà người kiếp trước đã từng giết hại chúng sinh. Những người này khi được sinh ra làm người, là người nhiều bệnh tật, chết non chết trẻ. Nhiều người khi lọt lòng đã phải đi nằm viện, sinh ra đã bị đui, bị sứt môi, què quặt… Đương nhiên các bác sĩ sẽ nói, sứt môi do thiếu chất này chất kia. Nhưng tại sao lại bị vậy? Tại nghiệp, hành động trong quá khứ của chính mình. Đó chỉ là dấu ấn, hình bóng của nghiệp mà thôi. Những người khác không bị tại sao người này lại bị? Chỉ có thể nói là nghiệp mà thôi. Chính nghiệp, hành động sát sinh hại vật, trong quá khứ của họ đã cho quả, đã tác động làm cho thân thể họ dị tật không giống ai.

Một điều liên quan đến hành động của thân nữa là trộm cắp. Trộm cắp được hiểu rất rộng. Hãy quan sát trong khi buôn bán ở chợ, hàng quán… trộn lẫn hàng thật với hàng giả, hàng tốt với hàng xấu. Đó cũng là trộm cắp. Ta có thể nói giá bán mà ta thích, chứ không nên tráo đổi hàng hóa. Nhất là trong buôn bán thuốc trị bệnh và thực phẩm. Hiện nay ở đất nước chúng ta, báo đài nói rất nhiều về vấn nạn này, ai cũng khiếp sợ. Điều này cũng là một hình thức trộm cắp.

Một vài người hỏi, khi nâng giá một vật lên để bán có tội hay không? Giá cả thì ta có thể nói giá bán mà ta thích, không sao cả. Tuy vậy, một vật khi mình mua vào 500, thì không nên nói dối rằng mua vào 10.000. Không cần phải nói tôi đã mua nó bao nhiêu. Chỉ nên nói tôi có thể bán với giá này, vậy thôi, ta có quyền và được phép nói vậy, không có tội lỗi gì, thuận mua vừa bán là được.

Tuy nhiên, không nên trộn lẫn thật với giả, tốt với xấu rồi bán, làm như vậy là có tội, phạm tội trộm cắp. Và còn nữa, trong các mặt hàng cân đo, đong đếm, nếu làm thiếu cân, thiếu thước, thì cũng là trộm cắp. Trong buôn bán cần phải chân thật, chất phác, có như vậy mới gọi là nuôi mạng chơn chánh (sammā-ājīva). Khi buôn bán có thể nói đây là hàng tốt, kia là hàng xấu, rồi bán cho mọi người. Không nên biết là hàng khác nhau, mà nói như nhau để bán, như vậy là không chân thật. Và chính tâm ta biết rõ nhất điều ta là người không chân thật đó. 

Như vậy, trộm cắp không phải chỉ có cướp giật, ăn trộm mới gọi là kẻ trộm cắp, mà làm những điều sai trái như ở trên, đều gọi là trộm cắp cả. Nghiệp, hành động trộm cắp này cho kết quả như thế nào? Người trong quá khứ đã từng trộm cắp, đến kiếp người hiện tại này, thường hay bị mất mát của cải tài sản, hoặc bị lửa cháy, nước lũ cuốn trôi tài sản, bị mất cắp… đó là những dấu ấn, hình bóng của nghiệp hiện rõ ra mà ta dễ nhận biết. Vì vậy, liên quan đến việc làm, nên làm việc chân chính, có lợi ích. Sống chân thật, trong sạch, chỉ nhận những gì người khác cho đến, và hưởng những thành quả xứng đáng với việc làm trong sáng chân thật của mình.

Và một điều nữa liên quan đến thân hành động, cũng cần phải tránh đó là tà dâm, quan hệ nam nữ sai trái. Nếu ai hành động sai trái, phạm vào nghiệp tà dâm này, khi sinh ra làm người bị người khác ghét bỏ, chê cười, vì không giống nam mà chũng chẳng phải nữ. Sống trong cộng động thì bị ganh ghét, bị ruồng bỏ. Hành động quan hệ sai trái của họ bao nhiêu, thì quả báo cũng tương xứng bấy nhiêu.

Khi sinh ra làm kiếp người rồi, chúng ta thường tư duy, suy nghĩ những gì mình muốn, mình thích. Suy nghĩ những điều không tránh được lỗi lầm, nói những điều không tránh được lỗi lầm, và khi làm cũng vậy, làm những điều không tránh được lỗi lầm, những người như thế, quả thật là những người sống không xứng với kiếp làm người. Tại sao vậy, vì những điều họ suy nghĩ, nói năng, hành động đem lại kết quả, là làm cho kiếp sống của họ thấp hèn hơn, đau khổ hơn mà thôi. Đó là điều nói lên tại sao ta hãy sống cho xứng kiếp người là vậy. Như vậy, chúng ta thấy rằng, để sống xứng với kiếp người, phải tự chính ta làm, tự chính chúng ta sống mà thôi, không phải hỏi người khác, hay do người khác làm.

Khi được sinh ra làm người rồi, cần phải có sự hiểu biết và sự chú ý, chánh niệm. Hai điều này nói theo sách vở là sati-sampajañña: chánh niệm-trí tuệ tỉnh giác. Sati: chánh niệm, chú ý, cẩn thận để ta sống tốt, chú ý cẩn thận để không suy nghĩ điều này, chú ý cẩn thận để không nói lời này, chú ý cẩn thận để không làm điều này. Phải chú ý cẩn thận để nghĩ điều này, nói lời này, làm việc này.

Sampajañña: trí tuệ tỉnh giác, sự hiểu biết là gì? Nghĩa là phải tư duy suy nghĩ điều ta đang nghĩ, là điều có lỗi lầm hay không lỗi lầm; phải suy nghĩ điều ta nói, là điều có lỗi lầm hay không lỗi lầm; phải suy nghĩ điều ta đang làm, là điều có lỗi lầm hay không lỗi lầm. Khi luôn có sự tư duy như vậy, thì sự hiểu biết sẽ phát sinh lên. Như vậy, khi sinh ra trong cuộc đời này, có sự hiểu biết và có chú ý, chánh niệm, thì có thể nói, về căn bản, chúng ta đã một phần nào đó sống xứng với kiếp làm người rồi.

Tuy nhiên, để sống xứng với kiếp làm người, ta còn có thể làm được hơn thế nữa và còn có nhiều điều để làm hơn nữa. Trên đây mới chỉ là phần nền tảng căn bản mà thôi. Đó mới chỉ là chúng ta sinh ra làm người chưa bị thua thiệt, chưa bị “lỗ” vậy; mới giữ được gốc, vốn; chưa có sự vượt lên, làm kiếp người chưa có “lãi”. Để có sự vượt lên, cao quý hơn, có “lãi” trong kiếp làm người, chúng ta phải có sự hiểu biết lên thêm một cấp độ nữa. Phải hiểu biết như thế nào? Con người, chỉ là sự kết hợp giữa sắc (thân thể, vật chất) và danh (tâm tính, tinh thần) mà thôi. Thật ra không có một chúng sinh nào cả, không có người, không có ta, không có nam, không có nữ, chúng chỉ là những khái niệm, quy ước, tên gọi mà thôi. Sự thật phải nên hiểu biết rằng, trong tất cả mọi người, chỉ có sắc (cơ thể) và danh (tâm tính) mà thôi.

Ví dụ dễ hiểu, trong tất cả các loại máy tính, điện thoại, ti vi, chúng chỉ là tên gọi, sự thật chúng chỉ do phần cứng và phần mềm kết hợp tạo nên mà thôi. Ngoài phàn cứng, phần mềm ra chẳng có cái gì gọi là máy tính, điện thoại, ti vi cả. Nên hiểu một cách nôm na như vậy.

Một điều cần phải hiểu biết nữa là, không có thứ gì là bền vững, tồn tại mãi mãi mà không thay đổi, tất cả đều vô thường. Khi có sự hiểu biết chỉ có sắc và danh khởi lên bên trong ta, thì đồng thời sự dính mắc đã giảm bớt, sự tham luyến cũng giảm bớt, sự nóng giận cũng giảm bớt. Tại sao vậy? Vì sự si mê đã giảm bớt. Khi có hiểu biết về điều vô thường này, thì đồng thời cũng hiểu được rằng, đã là con người thì một ngày nào đó sẽ chết mà thôi, nên không còn có tâm tự cao, tự đại (ngã mạn). Và do có sự hiểu biết như vậy, nên ít dính mặc vào cuộc sống, ít dính mắc vào của cải tài sản, ít dính mắc vào gia đình thân quyến.

Khi sự dính mắc giảm đi thì đồng thời sự buồn rầu, lo lắng cũng giảm đi. Vì có sự dính mắc, mới có sự lo lắng. Cho nên, khi sự dính mắc không còn, thì sự lo lắng cũng chẳng thể có. Nếu ở một đất nước mà ta không có một thứ gì quen biết, thì đất nước kia dù có bị gì đi nữa, ta cũng chẳng thấy buồn rầu lo lắng gì, vì ở đó ta không dính mắc, vướng bận một gì cả. Sự lo lắng chỉ có ở nơi nào ta có sự dính mắc, vướng bận mà thôi, nơi nào không có dính mắc, thì nơi ấy sự lo lắng không thể sinh lên được.

Như vậy, khi không có sự lo lắng, thì ngay trong kiếp sống này, tâm (tinh thần) ta cũng đã có được sự an lạc, bình an, mát mẽ. Cho nên, để sống xứng với kiếp người, chúng ta cần tiến lên thêm bước nữa. Hãy học hiểu kiếp người, kiếp sống được cấu tạo, xây dựng nên từ những gì? Kiếp người được tạo nên bởi 2 thứ, đó là sắc (thứ mà ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm) và danh (tâm, ý, tư duy, hiểu biết) mà thôi. Sắc danh này phát sinh lên tùy theo nhân duyên của chúng. Không phải do một Đấng toàn năng, hay Đại thần lực nào biến hóa ra, cũng không phải ngẫu nhiên mà có. Vì sắc và danh này phát sinh lên do nhân duyên, nên chúng vô thường, luôn luôn thay đổi. Vô thường, nghĩa là một vật, kể cả con người, khi sinh ra rồi, thì luôn luôn thay đổi để đưa đến hoại diệt. Khổ là trạng thái luôn luôn hành hạ, phát sinh cùng với sự sinh diệt, vô thường.

Sắc danh luôn bị sự sinh diệt hành hạ như vậy, nhưng không có một ai có thể đẩy lùi, tiêu diệt sự hành hạ ấy được. Cũng không có oai lực thần thông nào có thể đẩy lùi, tiêu diệt được. Chúng có theo ý muốn của ta không? Chắc chắn là không. Con người ai cũng muốn mình luôn luôn trẻ đẹp mãi, không muốn già yếu, nhưng có được như thế không? Đương nhiên là không. Như vậy là không theo mong muốn của mình rồi. Không theo ý muốn của mình gọi là vô ngã. Khi hiểu biết được sự thật này, sẽ là hiểu biết lên một bậc cao hơn những điều hiểu biết ở trên.

Hiểu biết về nghiệp (hành động), và quả của nghiệp (kết quả của hành động) mới chỉ có thể đưa đến cảnh giới tốt, an lạc, chưa thể đến Niết bàn, an lạc tuyệt đối được. Nếu có được sự thấy biết sắc, danh, vô thường, khổ, vô ngã như thế này, mới có thể biết rằng ta đang đi trên con đường dẫn đến Niết bàn.

Nếu chúng ta tiến lên một bậc cao hơn, đó là cố gắng thực hành để chứng ngộ, thực chứng được các điều ấy, thì sẽ phát sinh những trí tuệ nhàm chán kiếp sống sinh tử luân hồi này, nhàm chán kiếp người sinh, lão, bệnh, tử này. Sẽ phát sinh trí tuệ muốn thoát khỏi những khổ đau ấy. Sẽ có trí tuệ thấy rõ biết rõ sự thật của kiếp sống, sự thật của sắc và danh, cấu tạo nên kiếp sống này. Và cuối cùng là diệt được sự dính mắc, sự nghĩ sai thấy lầm, sự hoài nghi. Khi đạt được trí tuệ ở cấp độ này, thì cũng diệt được sự lo lắng buồn rầu trong cuộc sống, và có được tâm an lạc, vắng lặng, thanh tịnh ngay trong kiếp sống này.

Nếu đạt được cuộc sống an lạc, bởi tâm tính thanh tịnh, an lạc, thì sống xứng với kiếp làm người rồi. Như thế mới sống xứng với kiếp làm người một cách trọn vẹn. Trên đây, có nói đến nền tảng căn bản để sống xứng với kiếp người, đó là thực hành 10 thiện pháp. Ý không tham lam, không thù hận và có chánh kiến. Khẩu (lời nói) nói thật, nói lời hòa hợp, nói lời dịu dàng và nói lời hữu ích. Thân hành động tránh xa sự sát sinh hại vật, tránh xa trộm cắp, gian dối, và tránh xa quan hệ nam nữ sai trái (tà dâm). Cao hơn nữa là thực hành thiền tuệ (vipassanā) để chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả, thì đó thật sự là sống xứng với kiếp người. Vì vậy, để sống xứng với kiếp người, chúng ta ai cũng cần phải tự mình nỗ lực cố gắng.

Nếu không đặt nền móng căn bản, thì quá khó để bước lên những bậc cao hơn. Vì vậy, điều trước tiên là phải thực hành cho được các điều căn bản. Sau khi đã xong điều căn bản rồi, cố gắng để bước lên cho được những bậc cao hơn. Phải có sự nỗ lực cố gắng như vậy, chúng ta mới sống xứng với kiếp làm người này. Vì vậy, những ai yêu mến những điều cao thượng trong cuộc sống, căn cứ vào pháp bảo của Đức Phật Gotama này, rồi thực hành theo trong cuộc sống hằng ngày, để kiếp người của ta có giá trị hơn. Và cuối cùng chúc cho tất cả quý vị thực hành để có thể trở thành người sống xứng với kiếp người trọn vẹn.

Ngài Trưởng Lão Bhaddanta Nandamālābhivaṃsa

(Hiệu Trưởng các trường đại học Phật Giáo quốc tế tại Myanmar)

Sư Hộ Giới chuyển ngữ tại Yangon,1/2015

 

 

———————

Bài viết Sống Cho Xứng Kiếp Người – Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta Nandamālābhivaṃsa thuyết giảng, Hộ Giới Tỳ Khưu Việt dịch

Link  Cuốn Sống Cho Xứng Kiếp Người
Link  Video cuốn Sống Cho Xứng Kiếp Người
Link  Thư mục Tác giả Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta Nandamālābhivaṃsa
Link  Thư mục Ebook Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta Nandamālābhivaṃsa
Link  Giới thiệu Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta Nandamālābhivaṃsa
Link  Tải App mobile Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app