Dhammapada – Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sumanadevī Con Gái Phú Hộ Anāthapiṇḍika – Sư Hộ Giới Dịch Việt

Sumanadevī

Thời kỳ đức Phật còn tại thế, trong kinh thành Sāvatthi có 2 người được đức Phật tán dương về hạnh nguyện làm phước bố thí cúng dường xuất sắc nhất trong giáo pháp của Ngài. Một người đó chính là nam thí chủ cúng dường ngôi chùa Jetavana, phú hộ Anāthapiṇḍika. Và một người khác đó chính là nữ thí chủ cúng dường ngôi chùa Pubbārāma, bà Visākhā. Cả hai người ấy biết được điều mong muốn cũng như sở thích của những vị Tỳ khưu lẫn những vị Sa-di. Ông phú hộ Anāthapiṇḍika và nữ thí chủ Visākhā rất gần gũi với đức Phật; họ cũng rất đỗi thân thiết với tất cả chư Tăng, từ Trưởng lão Sāriputta, Trưởng lão Moggallāna, v.v… cho đến các vị Sa-di nhỏ tuổi nhất. Có chuyện gì muốn thưa trình, đều có thể thưa trình một cách rất thoải mái cởi mở. 

 

Trong nhà của ông phú hộ Anāthapiṇḍika và nữ thí chủ Visākhā hằng ngày có khoảng 2.000 vị Sa-di và Tỳ khưu Tăng đến dùng cơm trưa (độ ngọ) ở đó. Ông phú hộ Anāthapiṇḍika và nữ thí chủ Visākhā hằng ngày thường đến thăm viếng diện kiến đức Phật cũng như nghe pháp từ Ngài ít nhất là một lần trong một ngày. Ngoài ra cả 2 người họ cũng đến thăm viếng đảnh lễ từ Trưởng lão Sāriputta, Trưởng lão Moggallāna, v.v… cho đến các vị Tỳ khưu, Sa-di đang lưu trú trong ngôi chùa mình cúng dường; họ cũng thỉnh cầu được dâng 4 thứ vật dụng cần thiết nếu có vị nào cần. Họ không khi nào đến chùa với hai bàn tay không, mà không đem theo một vật gì để cúng dường đến đức Phật và chư Tỳ khưu, Sa-di; họ luôn luôn mang theo không thứ này thì thứ khác để cúng dường; thậm chí ngay đến cuối cùng nếu khi không thể có một thứ gì đi nữa, thì họ cũng đem theo một nắm cát mịn đến rải chung quanh biệt thất “Gandhakuṭi” của đức Phật ngự.

Cả phú hộ Anāthapiṇḍika và nữ thí chủ Visākhā đều đã là những bậc Thánh Nhập Lưu; vì vậy, trong những công việc bố thí, giữ giới, hành thiền họ có thể nhìn với đôi mắt trí tuệ sự thật chân lý của Thánh nhân. Khi nhìn với đôi mắt trí tuệ sự thật chân lý của Thánh nhân, thì chỉ có làm sao đưa đến đoạn diệt thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha này mới là sự hạnh phúc an lạc đúng đắn chơn chánh. Sự bố thí, sự giữ giới, sự hành thiền vì mong muốn có được đầy đủ trong đời sống, đầy đủ trong của cải vật chất đối với kiếp người, kiếp trời và kiếp Phạm thiên, v.v… đó chỉ là cách làm của những hạng phàm nhân si mê mà thôi. Theo như cách làm của hạng phàm nhân si mê thì họ thực hành, làm việc không phải vì sự đoạn diệt thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha; mà chỉ thực hành, làm việc vì sự phát triển thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha thôi vậy. Thật ra thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha này chỉ là nơi tổng hợp của tất cả khổ đau mà thôi.

Do đó, tất cả những sự cố gắng cho có được kiếp con người, vật chất cõi người; kiếp Thiên chúng, vật chất cõi trời; kiếp Phạm thiên, vật chất cõi Phạm thiên; không phải là sự tìm kiếm nơi hạnh phúc an lạc đúng đắn chân thật, đó chỉ sự tìm kiếm đưa đến nơi khổ đau bất hạnh thôi vậy. Lại nữa đó là cách thực hành theo phương pháp thực hành của ngoại đạo (của các tôn giáo khác) trong khi lại đang sống trong Phật giáo. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thấy biết theo cách này. Chỉ có những người tự chính mình sau khi được nghe pháp về sự thật chân lý của bậc Thánh, rồi cũng tự chính mình biết cách tác ý hướng tâm đến sự thật chân lý của bậc Thánh nữa mới có thể thấy biết rõ được điều này.

Vì vậy cho nên, cùng thời kỳ ấy những người muốn thực hành, làm việc bố thí cúng dường, giữ giới, hành thiền họ đều tìm đến ông phú hộ Anāthapiṇḍika và nữ thí chủ Visākhā; mời gọi 2 người ấy đến quán xuyến chỉ bảo từ cách thức sắp xếp chỗ ngồi của Tăng chúng cho đến mọi việc lớn nhỏ trong một buổi trai Tăng cúng dường. Những người ấy thành tâm tha thiết xin phép được mời 2 người họ đến chỉ bảo cách thức bố thí cúng dường, thọ trì giới hạnh, thực tập hành thiền làm sao cho hợp với trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh, mà những bậc Thánh nhân đã thực hành theo sự thật chân lý ấy.

Ông phú hộ Anāthapiṇḍika và nữ thí chủ Visākhā vì là những người đã tự chính mình chứng đạt được Niết-bàn, nên theo đó tâm họ rất hoan hỷ phấn khởi trong công việc, trong phận sự giúp đỡ, hướng dẫn những người khác thoát khỏi khổ sinh tử luân hồi vậy. Do đó cả hai người họ luôn luôn sẵn sàng nhận lời giúp đỡ, hỗ trợ những người làm việc thiện đến mời gọi ấy, với tâm rất hoan hỷ phấn khởi của họ.

Thật ra, trong phận sự làm công việc thiện-tốt có 2 loại phương pháp thực hành. Một loại phương pháp thực hành sai lệch gọi là “micchāpaṭipadā”, và một loại thuộc phương pháp thực hành đúng đắn, chơn chánh gọi là “sammāpaṭipadā”. Trong 2 loại thực hành ấy, đối với những người làm việc phước thiện, để có thể làm đúng đắn theo sự thực hành chơn chánh, ông phú hộ Anāthapiṇḍika và nữ thí chủ Visākhā là những người luôn sẵn sàng giúp đỡ hỗ trợ trong việc ấy. Vì vậy mà những người thí chủ làm phước cúng dường cũng thường mời gọi 2 người họ đến tham dự. Phước thiện là công việc một khi biết cách thức làm, thì mới cho ra được quả báu xứng đáng lớn lao tốt đẹp được.

Trong việc làm phước thiện, sự thực hành sai lệch (micchāpaṭipadā) nghĩa là thực hành làm phước thiện vì muốn có được tiếng tăm, mong muốn tham đắm trong sự hạnh phúc an lạc vật chất cõi người, cõi trời và cõi Phạm thiên mà làm việc phước thiện vậy.

Các bậc Thiện trí cao thượng như đức Phật, v.v… không ai tán dương ca tụng việc thực hành làm điều phước thiện thuộc dạng giống như vậy cả. Chỉ khi sự làm việc phước thiện hướng đến giải thoát khỏi những kiếp sống, theo trách nhiệm và cuộc đời làm người, không phải vì muốn có được tiếng tăm, hay muốn có được hạnh phúc an lạc vật chất cõi người, cõi trời và cõi Phạm thiên, thì đó gọi là sự thực hành chơn chánh, đúng đắn (sammāpaṭipadā) vậy. Nói chung, điều thực hành sai lệch đó chính là làm vì tham muốn làm chủ sở hữu những điều tốt đẹp cho riêng mình, có tham lam (lobha) làm căn cứ địa trọng yếu; trong khi điều thực hành chơn chánh đó chính là từ bỏ, hy sinh sự sở hữu của mình để làm điều tốt đẹp an lạc hạnh phúc cho thế gian, có sự diệt tham lam (alobha) làm căn cứ địa trọng yếu.

Liên quan đến vấn đề thực hành, làm việc phước thiện, trong bài kinh Kukkuravatika, thuộc Majjhimapaṇṇāsa Pāḷi, đức Phật có thuyết giảng chỉ dạy như sau:

“Tất cả những nghiệp mà chính chúng ta làm, tạo tác nó sẽ thuộc 1 trong 4 loại sau đây:

  1. Nghiệp đen cho quả đen.
  2. Nghiệp trắng cho quả trắng.
  3. Nghiệp hỗn hợp đen trắng cho quả hỗn hợp đen trắng.
  4. Nghiệp không phải đen trắng không cho quả đen trắng.

Trong 4 loại nghiệp ấy, nghiệp đen nghĩa là nghiệp hoàn toàn bất thiện, xấu ác, chỉ cho quả báo hoàn toàn bất thiện, khổ đau.

Nghiệp trắng nghĩa là nghiệp hoàn toàn thiện lành, chỉ cho quả báu hoàn toàn thiện lành, an lạc.

Nghiệp hỗn hợp đen trắng nghĩa là nghiệp hỗn hợp bất thiện và thiện lành, nghiệp ấy sẽ cho quả cũng hỗn hợp bất thiện, khổ đau và thiện lành, an lạc.

Nghiệp không phải đen trắng đó chính là những nghiệp thiền tuệ (vipassanākamma) và nghiệp Thánh đạo (maggakamma). Nghiệp thiền tuệ và nghiệp Thánh đạo là nghiệp có phận sự làm cho tất cả những nghiệp dù là thiện lành hay bất thiện tiềm ẩn bên trong tâm của ta từ trong vô thủy sinh tử luân hồi, không còn có khả năng cho quả tái sinh trong kiếp sau, làm cho chúng trở thành nghiệp không cho quả (ahosikamma: vô hiệu quả nghiệp). Chính với nghiệp này mới có thể gánh vác phận sự làm cho giải thoát khỏi được sinh tử luân hồi, không còn phải trôi lăn trong đó nữa.”

Luân hồi đó chính là chuyển xoay của 3 tính chất nhân-duyên-quả gọi là tam luân bao gồm phiền não luân, nghiệp luân và quả luân, sự tiếp diễn xoay tròn của các pháp này gọi là sinh tử luân hồi. Vì vậy, không còn tái sinh trong kiếp tiếp theo thêm một lần nào nữa gọi là quả luân chấm dứt. Để cho quả luân chấm dứt, điều cần thiết phải làm đó là chấm dứt cho được nghiệp luân. Lại nữa, để cho nghiệp luân chấm dứt, điều cần thiết phải làm đó là chấm dứt cho được phiền não luân. Trong việc làm cho chấm dứt được sự vận hành của tam luân, chấm dứt sinh tử luân hồi, ngoài việc dùng trí tuệ thiền tuệ quán xét thấy biết rõ trực tiếp sự sinh-diệt của danh-sắc nơi thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha này ra, chẳng có phương pháp nào khác. Khi luôn luôn thấy biết rõ sự sinh-diệt liên tục của thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha một thời gian liên tục lâu dài sẽ phát sinh sự nhàm chán nó; khi nhàm chán thì trí tuệ Thánh đạo sẽ phát sinh đến; tiếp theo trí tuệ Thánh quả sinh khởi lên; sau đó nữa là trí tuệ quán xét đoạn diệt phiền não (paccavekkhanāñāṇa) phát khởi lên. Đây gọi là nghiệp không phải đen-trắng vậy.

Ông phú hộ Anāthapiṇḍika và nữ thí chủ Visākhā tùy theo cơ duyên của những thí chủ cúng dường, mà chỉ bảo cho họ biết những điều như vậy để thoát khỏi khổ sinh tử luân hồi. Các thí chủ cúng dường cũng vậy, tùy theo phước thiện mình làm mà nghe theo những chỉ dẫn của 2 người họ rồi thực hành theo, cho nên mới có được quả báu xứng đáng từ phước thiện ấy.

Có được quả báu xứng đáng ở đây nghĩa là làm cho tham ái trở nên vơi dần, vơi dần vậy. Một khi tham ái càng ngày càng vơi đi thì Niết-bàn mỗi ngày mỗi gần hơn. Và một khi càng gần Niết-bàn bao nhiêu thì càng có được sự an lạc hạnh phúc thật sự đúng đắn hơn bấy nhiêu. Điều thuộc loại thấy biết như thế này không phải ai cũng có thể thấy biết được, mà chỉ có những hạng người sau khi đã nghe pháp về sự thật chân lý của bậc Thánh, sau đó tự chính mình tác ý, hướng tâm thực hành theo sự thật chân lý của bậc Thánh ấy, mới có thể thấy biết thuộc loại thấy biết này mà thôi. Những thí chủ cúng dường làm theo như sự hướng dẫn chỉ bảo của ông phú hộ Anāthapiṇḍika và nữ thí chủ Visākhā đều có thể thấy biết thuộc loại thấy biết như thế này.

Trong nhà của ông phú hộ Anāthapiṇḍika và nữ thí chủ Visākhā, mỗi gia đình hằng ngày đều cung thỉnh 2.000 vị Tỳ khưu Tăng luôn đến thọ trai (dùng trưa) tại nhà mình, nhưng 2 người họ không thể tự mình làm bổn phận chăm lo việc hộ độ cúng dường đến Tăng chúng ấy được, vì còn phải đi giúp đỡ những gia đình không biết cách hộ độ cúng dường đến Tăng chúng. Do đó, hai người họ đã cắt cử những người thân rành rẽ trong việc hộ Tăng thay mặt mình chăm lo quán xuyến công việc cúng dường đến chư Tăng. Trong khi bà Visākhā cắt cử người cháu gái của mình thay bà; thì ông phú hộ Anāthapiṇḍika lại cắt cử người con gái lớn, tiểu thư Mahāsubhaddā, của mình thay ông chăm lo công việc hộ độ cúng dường đến chư Tăng.

Tiểu thư Mahāsubhaddā trong khi thay mặt thân phụ Anāthapiṇḍika hộ độ cúng dường, phục vụ cơm nước đến chư Tăng, nên đã có cơ hội luôn được lắng nghe những bài Pháp bảo. Đại tiểu thư Mahāsubhaddā đã tinh tấn thực hành tu tập theo như những gì trong các bài pháp mà mình được nghe, nên đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, theo sự sắp đặt của cha mẹ, tiểu thư đã lập gia đình với một công tử xứng đôi, và theo phong tục tập quán thời đó, sau khi lấy chồng thì tiểu thư phải theo về bên nhà chồng.

Phú hộ Anāthapiṇḍika sau khi không còn đại tiểu thư Mahāsubhaddā ở trong nhà, nên ông phú hộ lại cắt cử người con gái thứ hai, nhị tiểu thư Cūḷasubhaddā, thay ông làm những công việc hộ độ cúng dường cơm nước đến chư Tăng. Cũng như người chị cả của mình, nhị tiểu thư Cūḷasubhaddā trong khi thay phụ thân hộ độ cúng dường chư Tăng đã nghe pháp, rồi tinh tấn thực hành theo, nên cũng chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Sau đó, cũng theo sự sắp xếp của cha mẹ, nhị tiểu thư cũng đã lập gia đình rồi theo về sống bên gia đình nhà chồng.

Tiếp theo, ông phú hộ đã giao trách nhiệm cho người con gái út, tiểu thư Sumanadevī thay ông làm mọi phận sự hộ độ cúng dường, phục vụ cơm nước, sắp đặt chỗ ngồi, v.v… cho chư Tỳ khưu Tăng đến nhà thọ dụng vật thực hằng ngày. Tiểu thư Sumanadevī theo sự phân công trách nhiệm của phụ thân, đã tậm tâm, tận lực sắp xếp hộ độ cúng dường cơm nước vật thực đến chư Tỳ khưu Tăng, cũng như nỗ lực tinh tấn trong việc thực hành tu tập tuần tự theo những phương pháp nghe được từ sự thuyết giảng của chư Tăng, chứ không phải nghe pháp chỉ để nghe qua mà thôi. Do đó, không bao lâu sau tiểu thư Sumanadevī đã chứng đạt thành bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh thứ hai trong bốn bậc Thánh của Phật giáo.

Tiểu thư Sumanadevī biết rõ mình đã là bậc Thánh Nhất Lai trong khi phụ thân mới chỉ là bậc Thánh Nhập Lưu (bậc Thánh thứ nhất) mà thôi, cho nên cô rất mong muốn làm sao khiến phụ thân của mình được nghe pháp và tiếp tục thực hành để có thể chứng đạt đến bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng. Tuy nhiên, cô lại nghĩ rằng: “với địa vị người con gái út như mình, thì nói một lời nào đó để động viên khuyến khích đến phụ thân của mình là điều không thích hợp. Phụ thân ta là người có sở thích rất lớn trong việc bố thí cúng dường, giúp đỡ người khác làm việc thiện, trong khi lại không có tâm hướng đến việc phải làm sao để chứng đạt các Thánh quả bậc cao.”

Thật vậy, tuy ông phú hộ thường đến ngôi chùa Jetavana thân cận đức Phật, nhưng Ngài cũng chỉ thuyết giảng về bố thí cúng dường, thuận theo sở thích bố thí cúng dường của ông phú hộ mà thôi. Trưởng lão Sāriputta cũng vậy, cũng chỉ thuyết giảng về vấn đề bố thí cúng dường đến cho ông phú hộ. Ông phú hộ Anāthapiṇḍika tuy có cơ hội được tiếp xúc gần gũi thân cận trực tiếp với đức Phật, Trưởng lão Sāriputta, v.v… trong suốt 24 năm nhưng không một lần thỉnh cầu đức Phật, hoặc Trưởng lão Sāriputta thuyết giảng về pháp có thể chứng đắc đến bậc Thánh Á-rá-hán.

Tiểu thư Sumanadevī chỉ còn biết cách luôn chờ đợi những cơ hội có tính chất gợi ý, bóng gió để thức tỉnh khiến cho phụ thân mình hướng tâm đến sự nỗ lực tinh tấn trong việc chứng đạt các Thánh quả bậc cao mà thôi vậy. Cô cũng luôn hoan hỷ với sự sốt sắng đích thân giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ bảo những thí chủ cúng dường khác trong việc thực hành thiện pháp của phụ thân mình. Ngoài ra, cô cũng càng hoan hỷ hơn khi thấy phụ thân mình hằng ngày đều đến ngôi chùa Jetavana, vì cô hy vọng và mong muốn rằng phụ thân có thể được nghe pháp từ đức Phật, hoặc từ Trưởng lão Sāriputta để có thể khiến cho phụ thân tinh tấn thực hành theo và chứng đạt đến bậc Thánh Á-rá-hán.

Sức khỏe của tiểu thư Sumanadevī ngày càng trở nên không tốt; tuy sức khỏe không được tốt nhưng cô vẫn không bỏ bê, trễ nải trách nhiệm hằng ngày chăm lo quán xuyến, hộ độ cúng dường cơm nước vật thực đến Tăng chúng. Trong khi đó phụ thân của cô ngày qua ngày hết đến chùa Jetavana, thì lại đến những nơi các thí chủ cúng dường mời gọi để động viên, chỉ bảo công việc cho họ một cách tận tâm tận lực, không hề biết mệt mỏi. Ông phú hộ Anāthapiṇḍika tuy là bậc Thánh Nhập Lưu nhưng lại là người nỗ lực tinh tấn trong công việc giúp đỡ, làm điều lợi ích cho những người khác, hơn cả việc hướng tâm đến sự tinh tấn hành trì để chứng đạt các Thánh quả bậc cao vậy.

Do đó, chính đức Phật cũng đã có lần thuyết giảng nhìn nhận về hạnh nguyện của ông phú hộ “như là một vị Bồ Tát Chánh Đẳng Giác vậy”. Ông phú hộ mỗi lần đến chùa Jetavan đều có làm phước bố thí cúng dường, lại giữ gìn giới hạnh, nhưng lại không khi nào thực hành thiền tuệ (vipassanā). Tuy vậy, đến giây phút cuối cuộc đời, trước khi lâm chung, Trưởng lão Sāriputta và Trưởng lão Ānanda đã đến thăm hỏi ông phú hộ; sau đó Trưởng lão Sāriputta đã thuyết giảng bài kinh “Anāthapiṇḍikovāda”, chỉ dạy phương pháp tu tập có thể chứng đạt đến Á-rá-hán Thánh quả, khi được nghe bài kinh này xong, ông phú hộ đã khóc lớn vì có tâm hối hận phản tỉnh, do bởi từ trước đến nay ông chưa từng được nghe một bài pháp như vậy, cho nên để mất đi quả vị Á-rán-hán cao thượng. Thật ra, nếu khi ông phú hộ còn khỏe mà có cơ hội nghe được những bài pháp thuộc loại như vậy, thì ông ta sẽ chứng đạt được các Thánh đạo, Thánh quả bậc cao đúng theo như mong muốn của tiểu thư Sumanadevī. Nhưng giờ đây thời gian đã quá muộn, cơ hội ấy đã trôi qua mất rồi. Cơ hội quả là ví như loài chim có đôi cánh thoạt đến, thoạt đi; phải có sự để ý quan sát với chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác mới nắm bắt kịp vậy.

Sức khỏe của Tiểu thư Sumanadevī không tốt đã từ rất lâu rồi, mặc dù vậy, với tâm tinh tấn chăm lo mọi công việc phục vụ hộ độ cúng dường đến chư Tăng, nên vấn đề ăn uống sức khỏe của mình không màng đến. Do đó, vì để quá lâu ngày đến khi thân thể suy nhược không chịu nỗi nên đã bị “đột quỵ” trong khi đang làm phước cúng dường đến chư Tăng. Phụ thân cô khi đang sắp xếp chỉ dẫn cách thức cúng dường tại nhà một thí chủ khác, hay tin con gái út bị đau nặng nên vội vã trở về. Khi đến bên giường bệnh của con gái út ông hỏi thăm bệnh tình:

  • Con gái! Tình trạng sức khỏe con thế nào?
  • Em hỏi gì vậy em trai? Tiểu thư Sumanadevī hỏi lại.
  • Con gái! Con đang nói nhảm hay sao vậy?
  • Không phải đang nói nhảm đâu em trai.
  • Con gái! Có phải con đang sợ chết hay sao vậy?
  • Không phải sợ chết đâu em trai.

Tiểu thư Sumanadevī đã từ lâu tìm kiếm, chờ đợi cơ hội để khiến cho phụ thân của mình tiếp tục thực hành chứng đạt Thánh đạo, Thánh quả bậc cao, nhưng đã không có được cơ hội đó, giờ phút cuối đời này mới có được cơ hội ấy. Và một khi có cơ hội cô đã không để mất đi mà đã sử dụng nó bằng cách khiến cho phụ thân thức tỉnh vào lúc sắp lâm chung của mình. Sau khi nói những lời đối đáp với phụ thân như vậy xong, cũng là lúc cô ta qua đời tái sinh vào tầng trời Tusitā (tầng trời thứ tư trong 6 tầng trời thuộc cõi dục giới).

Phú hộ Anāthapiṇḍika tuy là bậc Thánh Nhập Lưu nhưng cũng đã rất đau buồn khi con gái út của mình mất (chết) đi. Sau khi hỏa thiêu thi thể của con gái xong, ông phú hộ với sự khóc thương như vậy đã đến chùa diện kiến trình bạch lên đức Phật về sự đau buồn mất mát ấy. Đức Phật đã thuyết giảng an ủi ông phú hộ rằng:

  • Này Đại thí chủ phú hộ! Tại sao vì người con gái út mất đi mà lại để đau buồn đến như vậy? Không phải tất cả chúng sinh, rồi sẽ đến một ngày, chắc chắn đều phải chết hay sao?
  • Kính bạch Đức Thế Tôn! Con cũng biết rằng “Tất cả chúng sinh rồi sẽ đến một ngày chắc chắn đều phải chết”, mặc dù vậy, con gái út Sumanadevī của con, hằng ngày chăm lo quán xuyến hộ độ phục vụ chỗ ngồi, cúng dường cơm nước, vật thực đến Tăng chúng 2.000 vị suốt đời như vậy, nhưng đến lúc sắp lâm chung lại thất niệm, không tỉnh thức, nói nhảm rồi mất đi, nên con đã rất lo lắng đau buồn, bạch Ngài.
  • Con gái ông đã nói nhảm những gì trước lúc mất vậy? Đức Phật hỏi.
  • Kính bạch Đức Thế Tôn! Con gái của con đã nói nhảm gọi con là “em trai… em trai…” như vậy xong, rồi qua đời bạch Ngài! Ông phú hộ trình bạch.
  • Này Đại thí chủ phú hộ! Không phải con gái út của ông nói nhảm đâu! Bởi theo như địa vị bậc Thánh thì ông là bậc Thánh Nhập Lưu, trong khi người con gái út của ông, tiểu thư Sumanadevī, lại là bậc Thánh Bất Lai; cho nên, con gái út của ông có địa vị bậc Thánh nhân cao hơn địa vị bậc Thánh nhân của ông, vì vậy mới gọi ông là “em trai…”. Bây giời con gái út của ông, tiểu thư Sumanadevī, đã tái sinh về tầng trời Tusitā rồi. Đức Phật đã thuyết giảng, giải thích cho ông phú hộ rõ như vậy. Khi nghe như vậy xong, trong tâm của ông Đại thí chủ phú hộ Anāthapiṇḍika mới hết lo lắng đau buồn, phát sinh sự hoan hỷ, vui mừng; sự thực hành giới-định-tuệ quả thật có được điều lợi ích lớn lao quá! Tiếp theo đức Phật đã thuyết giảng bài kệ sau đến hội chúng nghe pháp:

(Nghĩa bài kệ)

“Người làm việc phước thiện ngay đời này cũng luôn tươi vui hạnh phúc; kiếp sau cũng luôn được tươi vui hạnh phúc; đời này và kiếp sau cả 2 cũng luôn được tươi vui hạnh phúc.

(Nguyên nhân là vì nghĩ rằng) Trong đời này ta đã làm được nhiều phước thiện rồi, nên rất thỏa thích hạnh phúc; trong kiếp sau cũng vậy, do nhờ quả báu của thiện nghiệp đã làm trong đời hiện tại nên khi có được cuộc đời mới nơi cõi thiện giới lại càng thỏa thích hạnh phúc hơn.”

Trong thế gian này, đối với việc làm phước thiện gồm 2 phương pháp, phương pháp làm theo bên ngoài Phật giáo và phương pháp làm theo bên trong Phật giáo. Phương pháp làm phước thiện theo bên ngoài Phật giáo đó là chỉ vì mong muốn có được danh tiếng, hoặc chỉ vì mong muốn hưởng thụ sự an lạc quả báu trong thế gian. Theo như những phương pháp này thì khi làm việc phước thiện luôn bị nhận thức, tri kiến “ta”, “của ta”, “vật thuộc ta sở hữu”. Luôn luôn cố gắng trong việc phát triển thiện phước lên hơn nữa, nhưng thiện pháp càng phát triển thì sự đầy đủ về kiếp sống, đầy đủ về vật chất sở hữu càng phát triển lên thêm, do vậy khó thoát khỏi sự tham đắm dính mắc. Cho nên, nếu làm phước thiện theo phương pháp bên ngoài Phật giáo như thế này, thì khó tránh khỏi sự nguy hiểm rơi vào 4 cõi khổ. Bởi vì những thiện phước “ta”, “của ta” như vậy, không thể cứu vớt được mình khỏi 4 cõi khổ được, do sự tái sinh vô định từ năng lực của nghiệp mà mình đã tạo vậy.

Thí chủ bố thí cũng dường phước thiện “asadisa: không ai sánh được” như Hoàng hậu Mallikā nhưng đến giây phút lâm chung hướng tâm sai lệch cũng rơi vào địa ngục như thường. Hay như Đại thí chủ hộ độ kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ 3 Đại Hoàng Đế Asoka, đến giây phút lâm chung cũng do hướng tâm sai lệch, hối hận đến việc làm bất thiện trước đây nên cũng tái sinh vào loài súc sinh vậy.

Bất kỳ phước thiện nào tạo thành từ nhân duyên căn bản “atta: ta” và “attaniya: của ta”, thì đó là vì chỉ làm theo “chánh kiến về nghiệp là của riêng mình” (kammassakatā sammādiṭṭhi), nên cũng đều thuộc loại gieo trồng hạt giống 4 cõi khổ mà thôi. Cho nên, nếu làm phước thiện chỉ với cách thấy biết bấy nhiêu thôi, thì có thể đúng là ngay đời này được hoan hỷ hạnh phúc, đúng là được tươi vui thỏa thích. Tuy nhiên, trong kiếp sau thì lại có thể có được hoan hỷ hạnh phúc mà cũng có thể không được; có thể có được sự tươi vui thỏa thích mà cũng có thể không được. Những câu chuyện của Hoàng hậu Mallikā, hoặc của Đại Hoàng Đế Asoka là minh chứng cho kiếp sau không hẳn có được sự hoan hỷ hạnh phúc vậy. Do đó, trong việc làm phước thiện, chỉ với chánh kiến nghiệp là của riêng mình vì không thể trừ diệt được “atta: ta” và “attaniya: của ta”, nên chánh kiếp về nghiệp là của riêng ấy nó không phải là loại chánh kiến đáng nương nhờ, đáng tin cậy. Vì vậy cho nên chỉ gọi đó là phương pháp làm phước thiện ngoài Phật giáo mà thôi.

Phương pháp làm việc phước thiện trong Phật giáo đó là phương pháp làm việc thiện phước để làm sao cho tất cả “nghiệp” càng ngày càng mỏng dần, vơi cạn dần đi, hoặc nếu một khi có được năng lực thì có thể làm cho nghiệp chấm dứt hẳn.

Phương pháp làm việc phước thiện ấy phải được làm bởi chánh kiến thiền tuệ (vipassanā sammādiṭṭhi) vậy. Mục đích đạt đến cao thượng nhất của người con Phật đó chính là Niết-bàn. Ngay khi nói đến Niết-bàn nghĩa là nói đến thực hành để chấm dứt “sinh tử” vậy. Để chấm dứt sinh tử thì phải cắt đứt “nghiệp”; mà để cắt đứt được nghiệp thì lại phải tiêu trừ chấp thủ nắm giữ; để tiêu trừ được chấp thủ thì lại phải đoạn diệt vô minh và tham ái. Do đó trong việc làm cho sự đoạn diệt tiến lên từng bậc từng bậc như vậy, chính là sự trừ diệt tất cả những cái ta, cái của ta luôn muốn nắm giữ, sở hữu mọi điều. Và để trừ diệt được điều đó theo như sự thấy biết trong Phật giáo thì không thể không có chánh kiến thiền tuệ vậy.

Đúng thật ra, “chánh kiến thiền tuệ” là pháp đặc biệt, cao thượng mới được thấy biết kể từ sau khi đức Phật chứng đạt quả vị Toàn Giác dưới cội cây Bồ Đề; trong khi “chánh kiến có nghiệp là của riêng” thì đã được thấy biết từ lâu dù đức Phật có xuất hiện hay không xuất hiện trên thế gian này. Vì thế cho nên, những người làm việc phước thiện với chánh kiến nghiệp là của riêng quả đúng là có được sự tươi vui, có được sự hoan hỷ hạnh phúc; tuy nhiên, trong kiếp tiếp theo sau có thể có được sự tươi vui, hoan hỷ hạnh phúc mà cũng có thể không có được những điều ấy, không có gì chắc chắn cả. Trong khi đó những người làm việc phước thiện với chánh kiến thiền tuệ thì không những chỉ trong đời này được tươi vui, hoan hỷ hạnh phúc, mà còn kiếp tiếp theo sau cũng chắc chắn được sự tươi vui, hoan hỷ hạnh phúc vậy. Trong kiếp sau sẽ có được sự hoan hỷ, an lạc hạnh phúc không thể nghĩ bàn được.

Do đó, để chỉ dạy rõ “không nên chỉ với chánh kiến có nghiệp là của riêng, rồi hài lòng nơi việc làm phước thiện trong kiếp sau không chắc chắn có được sự hoan hỷ an lạc, mà nên với chánh kiến thiền tuệ, rồi làm những phước thiện trong kiếp sau chắc chắn có được sự hoan hỷ an lạc”, cho nên đức Phật đã thuyết giảng bài kệ này vậy.

Theo như bài pháp được thuyết giảng này, chúng ta hiểu biết rõ rằng chánh kiến nghiệp là của riêng không thể đoạn diệt được “atta: ta, linh hồn” và “attaniya: của ta”; mà chỉ do chính từ chánh kiến thiền tuệ mới có năng lực làm cho “atta: ta, linh hồn” và “attaniya: của ta” vơi cạn dần, vơi cạn dần rồi cuối cùng đạt đến quả vị siêu thế gian, đoạn diệt được tận gốc rễ của chúng. Điều chính yếu muốn nói ở đây là theo giáo pháp của đức Phật, chỉ khi đoạn diệt được “atta: ta” thì mới chứng đạt được Niết-bàn vậy.

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app