Buổi 9: Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật – Tụng Đọc & Hiểu Bài Kinh Tâm Từ – Sư Hộ Giới Giảng

Nhớ là mình không phải nghe Sư nói nha, mà là nghe máy nói. Thứ 2, không phải nhìn thấy Sư đâu, mà nhìn thấy hình của Sư. Mà hình này là hình trực tiếp nên bị lừa 1 lần thôi, còn xem trong phim, người đóng là người giả, rồi xem trên màn hình nữa, tổng là 2 lần giả. Nên khi thấy âm thanh, hình ảnh của Sư đầu kia bị nóng lạnh thì là do nóng lạnh, không phải do Sư nha. Nên tốt nhất nghe trực tiếp thôi.

 

Trước khi đi vào tâm từ, để thiền phát triển tâm từ, nhớ là metta này cũng là bhavana thôi, cũng là thiền. Bây giờ, để trước khi đi vào hành thiền, người muốn phát triển tâm từ tiêu chí ít nhất là có 15 tiêu chí. Mình thấy vào hành thiền tâm từ chưa gì mình đã rớt ngay từ tiêu chí đầu rồi, huống gì những thiền cao hơn thì Sư không biết.

Thứ nhất là Sakka, thứ 2 là ujū, thứ 3 là suhujū, thứ 4 là suvaca, thứ 5 là mudu, thứ 6 là anatimāni. Những tiêu chí này mình học rồi, giờ học tiếp 9 tiêu chí còn lại.

Cái gì cũng vậy, hôm trước ai nghe về Thánh Đạo rồi, 8 nhân Thánh Đạo thì trước đó phải có những hiện tượng gì để mình biết, như mặt trời trước khi mọc thì mình thấy có rạng đông, trước khi có 1 cái gì đó thì có dấu hiệu báo trước. Thì đây cũng vậy, một người mà muốn phát triển tâm từ mettā, thực ra trong bài kinh này Đức Phật không dạy tụng đọc gì cả, nhưng mà dạy phương pháp thực hành tâm từ, và tiêu chí đầu tiên Đức Phật dạy là người nào muốn sống 1 cách an lạc, không vướng bận bị phiền hà thì thứ nhất phải có năng lực, hai là phải ngay thẳng, thứ 3 là đặc biệt ngay thẳng, thứ 4 là nguời dễ dạy, thứ 5 là nguời mềm mỏng, nhu nhuyến, thứ 6 là người không quá ngã mạn.

Hôm nay, câu số 2:

Santussako ca subharo ca, appakicco ca sallahukavutti;
Santindriyo ca nipako ca, appagabbho kulesvananugiddho

Santussako: san = có; tussa = hài lòng; ka = người ???? người biết hài lòng với những gì mình hiện đang có (tri túc, biết đủ). Biết đủ đây không phải là mình làm được 1k, 2k là hài lòng thế đó, biết đủ ở đây là khi mình đã làm rồi, ở địa vị nào, vị trí nào, hoặc mình đang có cái nào, có đây rồi thì mình hài lòng không đòi thêm nữa. Còn khi làm vẫn cố gắng làm cho được nhiều, nhưng nó ra được rồi thì mình hài lòng, vì mình không hài lòng mình nhìn qua người này người kia mình sẽ khó chịu. VD: ở nhà mình có 2 con chó, mình bỏ 2 đĩa thức ăn như nhau, nhưng con chó nó ăn dĩa này xong nó nhìn dĩa con chó kia vẫn còn, nó chạy qua nhìn đòi ăn – thì đây là không biết hài lòng. Vì mình đang ở địa vị này nên phải cố gắng, địa vị kia nên phải cố gắng, nhưng kết quả ra rồi thì mình hài lòng. Vì mình không biết hài lòng, không biết đủ khi mình đang có, sẽ khó phát triển tâm từ, vì mình muốn có thêm nữa mà không được sẽ sinh tâm sân.

Sư phải nói kỹ, bởi vì có người đang ăn nên làm ra, hợp với chánh pháp, nuôi mạng chân chánh, xong nghe đến hài lòng biết đủ lại làm biếng không làm nữa, vì thấy mình đủ ăn, đủ sống rồi. Thật ra, những người con Phật, khi sinh ra đời ngoài làm cho mình, cho gia đình mình thì còn xã hội, tôn giáo mà mình nương nhờ theo nữa. Nếu mình chỉ biết đủ cho mình thôi thì Chư tăng ăn ở đâu, ở ở đâu, ai cũng biết đủ cho mình thì Chư tăng cũng phải tự đi làm ăn quá, như vậy ai học ai hành? Cho nên người cư sĩ Phật tử không phải nghe qua rồi tri túc, làm đủ mình ăn, nuôi gia đình mình không thôi thì nó rất là uổng kiếp người. Vì kiếp người sinh ra còn những việc khác mình phải làm cho đúng phận sự của 1 người, và phận sự của 1 người con Phật nữa, thì gọi là santussako.

Trong Phật giáo này, với 1 vị Sư thì santussako càng cao hơn, giống như khi người ta bố thí cái gì thì mình phải suy xét mình có xứng đáng thọ nhận hay không, nếu mình không xứng đáng thì nhường lại cho vị khác. Trong Phật giáo điều này là cao thượng nhất. Ở đời cũng vậy mình có thể thực hành, họ có thể giao cho mình 1 nhiệm vụ trách nhiệm mà mình thấy mình không xứng đáng, thì hãy trao cho người xứng đáng hơn. Còn đây mình không, cứ thấy chỗ cao là vơ vào đã, như vậy sao mà có tâm từ, không đủ năng lực làm thì nó khổ.

Subhara: dễ nuôi, ai nuôi sao sống vậy. Cái này những người chồng, người không vào bếp nấu ăn nên thực hành đức tính này để cho trong nhà ai cũng có tâm từ với nhau. Người khó nuôi là có đồ ngọt đòi đồ mặn, có đồ ngọt thì đòi đồ chua, có đồ chua thì thiếu cái này thiếu cái kia. Ai mà nuôi mình được. Nên thời Đức Phật, những thái tử cao quý xuất gia, trước khi xuất gia hỏi 1 câu thôi rồi mới cho xuất gia, nói là “người xuất gia không phải muốn gì được đó đâu, có khi muốn nóng người ta cho lạnh, muốn cay người ta cho ngọt thì có chịu được không?” Chịu được thì mới cho xuất gia. Cái này nhất là người lớn tuổi để cho gia đình hòa thuận, mình già rồi không phải chỉ có da nhăn tóc bạc thôi đâu, mà lưỡi của mình cũng già đi, không tiếp xúc được những vị ngon nên con cháu nó nấu ăn mình thấy khó ăn thì thôi nhẫn nại đi, ăn vào cũng chết, không ăn cũng chết, ăn dở cũng chết, ăn ngon cũng chết, nên nhẫn nại như vậy mình dễ phát sinh tâm từ, người nuôi mình cũng dễ phát sinh tâm từ. Như vậy sẽ được an lạc.

Cái này người xuất gia rõ ràng hơn, thiền sinh cũng vậy thôi.

Appakicco: người này phải ít công, ít việc. Tức công việc mình cần làm thì làm thôi, đừng có đẻ thêm ra. Có nhiều người đẻ ra thêm đủ thứ cho nên mới nhiều việc như vậy, nên tâm mình bận rộn, bận rộn thì nóng nảy, nên không có tâm từ. Cái này những người sống tối giản là họ biết à. Có người luôn thấy thiếu, cái gì cũng phải làm, làm cho sạch, có nhiều người sạch sẽ quá cũng khó chịu. Cần thiết thì làm, không thì thôi, chứ không phải làm hết việc là xong ngày đâu, ngày thì xong chứ việc không bao giờ hết, nên đừng có tham công tiếc việc, nên mình phải biết việc gì cần thiết nhất, không thì thôi bỏ qua. Bây giờ dư công dư việc còn đi nói chuyện nữa phải không.

Bây giờ rảnh thì lại đi tám, đi chơi thì sao có tâm từ được. Nên rảnh thì ngồi niệm ân đức Phật, rải tâm từ, hành thiền thì tốt biết mấy.

Sallahukavutti: sallahuka = nhẹ nhàng; vutti: trong việc đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ… ???? có đời sống nhẹ nhàng

Mỗi lần Sư thấy đi hành thiền, đi du lịch nhìn là biết người nào nhẹ nhàng, người nào nặng nề lắm. Có nhiều người đi mà mang theo cả nhà đủ thứ, sao mà có tâm từ tâm mát được. Chưa đi hành thiền mà lo đủ thứ thuốc men, thức ăn, đồ dùng, nặng nề như vậy sao mà giải thoát? Nên phải có đời sống nhẹ nhàng. 

Đối với vị Sư, Đức Phật dạy rằng phải nhẹ nhàng như con chim, đi đâu không mang gì theo cả, nó chỉ mang theo đôi cánh với cái mỏ dính trong người nó thôi.

Những người tại gia, cư sĩ cũng vậy, có đời sống nhẹ nhàng, thanh thoát. Đương nhiên những người dễ nuôi là nhẹ nhàng rồi, nó có liên quan nhau. Đây là 1 trong những đức tính để mình phát triển tâm từ.

Santindriyo: san = tốt đẹp, giữ gìn tốt đẹp; indriya = các giác quan (các căn, pháp chủ). Giống trong cái thấy thì mắt làm chủ, trong nghe thì tai làm chủ. Mình hay nghe là giác quan, có 6 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), Phật giáo gọi là indriya. San = giữ gìn, giữ gìn không phải là nhắm mắt bịt tai, mà giữ gìn để sao khi thấy đừng cho tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến nổi lên. Khi nghe cũng vậy, ngửi, nếm cũng vậy. Từ này còn được dịch là thu thúc lục căn. Khi mình giữ gìn được như vậy thì tâm từ mới phát sinh.

Nhưng giữ thế nào để tham, sân, si không nổi lên? Cái này thì người hành thiền mới biết. Còn Sư nói chung trong lớp học Phận Sự Hàng Ngày này thì cứ niệm Ân Đức Phật trong tâm đó, làm được sau này Sư sẽ hướng dẫn nhiều thêm. Mình nhìn thấy cái gì khó chịu, hoặc bắt đầu làm mất quân bình tâm gì, ví dụ như không thấy nó thì tâm mình quân bình, mà thấy nó 1 cái tâm mình hoặc tham hoặc sân, có sự rung động, mất quân bình ở trong rồi thì mình niệm Ân Đức Phật để tâm mình quân bình lại, rồi tiếp tục thấy, hoặc là cứ thấy như vậy. Như vậy là mình giữ santidriyo rồi, thì đó là 1 cách giữ, cách này rất là hiệu nghiệm bởi vì những đối tượng mạnh quá, mình theo dõi thì theo dõi không kịp đâu, vì trước khi theo dõi thì tâm tham nó đã lừa rồi, nên mình làm tâm thiện phát sinh bằng cách niệm Ân Đức Phật, Ân Đức Pháp, Ân Đức Tăng.

Mọi người cũng vậy, khi mình nghe 1 âm thanh, nếu mà thích nó thì tham sinh lên, không thích sân sinh lên, 2 cái này là chính. Nên thật ra, nếu mình để ý khi vừa nghe 1 cái là bắt đầu để ý trong tâm mình có sự sao động, rung động mạnh rồi, tham cũng vậy mà sân cũng vậy, mình để ý cái đó, thì lúc đấy có nhiều cách. Có người thì đi uống thuốc, có người đi mở nhạc nghe, mà ở đây mình niệm Ân Đức Phật (vì đang dạy Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật) cho tâm quân bình lại, chứ không phải nhắm mắt làm gì. Mắt mình thì vẫn nhìn mà trong tâm thì cứ niệm Ân Đức Phật cho quân bình trở lại, rồi mình mới tiếp xúc không sao cả.

Mọi người thấy không, cái điện thoại để trước mắt nhìn nhìn lướt lướt đó, nhưng mà đến khi ai hỏi mấy giờ thì phải nhìn lại mấy giờ rồi, mặc dù cái đồng hồ vẫn hiện trên điện thoại mà, cũng có nhưng mà không để ý mình không biết đâu. Đây cũng vậy, mình vẫn nhìn cái đó nhưng tâm mình để ý vào Ân Đức Phật, thì nó không biết cái đó, nó không biết thì đương nhiên tham, sân không khởi lên, mà tham sân không khởi lên thì mình vẫn tiếp xúc bình thường. Đó là cách để thu thúc.

Nipako: có trí tuệ, hiểu biết về lợi ích quả báu tốt đẹp của tâm từ, sự tai hại của sân hận, nóng giận…, sự lợi ích khi có tâm từ này với chúng sinh

Appagabbho: appa = không; appagabbho = không dữ dằn, không hung tợn về cả thân, khẩu, ý. Đối nghịch với người dễ nóng dễ giận. Người mình nóng giận đến mức vô lý, ai cũng vậy, Sư cũng vậy thôi. Ví dụ mình đang để 1 tờ giấy trên bàn mà mình để không chắc chắn, gió thổi bay mình lượm về, hơi bực xíu thôi, gió lại thổi bay thế là nổi bực lên, mà là do mình không để cẩn thận. Như vậy tâm từ làm sao phát sinh? Gabbha = sự dữ dằn, hung dữ.

Kulesvananugiddho: không quá dính mắc, quyến luyến vào những người thân thuộc trong gia đình sống với nhau. Cái này cũng hơi khó, nhưng Sư để ý nhiều cha mẹ đối với con cái họ vừa phải thôi, vợ chồng cũng thế. Đây với tâm làm bạn giữa người cha, người mẹ với người con nên không quyến luyến nữa. Nên mình phải dùng tâm từ mới bớt quyến luyến gia đình được, chứ không phải dùng tâm của người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, người con.

Na ca khudda mācare kiñci, yena viññū pare upavadeyyuṃ

Na = không; khudda = nhỏ; ācare = thực hành; kiñci = bất cứ > không làm bất cứ 1 việc nhỏ bất thiện nào

Yena = khi; viññū = bậc thiện trí; pare = người khác; upavadeyyum = chê trách > người khác là bậc thiện trí chê trách việc ác nào, dù có nhỏ đi nữa cũng không làm.

Người khác ở đây, không phải là bất cứ người nào cũng được, mà phải là bậc thiện trí, như Đức Phật, bậc Alahan… Những người này đã chê trách, quở trách rồi thì việc dù nhỏ thế nào cũng không làm.

Bởi vì sao vậy? Bởi những ác nghiệp lớn có thể cản lên cõi trời, cõi người, ác nghiệp nhỏ không cản lên trời, người nhưng Thánh Đạo, Thánh Quả sẽ ngăn cản. Cho nên người mong muốn đạt được Niết bàn, sống trong sự yên lặng mát mẻ thì việc ác nhỏ cũng không làm. Trong Phật giáo các Ngài có nói rất là nhiều, những việc ác với mình nó chả thấm vào đâu nhưng đến khi chứng ngộ rất là trầy trật, có nhiều ngài rất là khổ sở, sau này học thêm mọi người sẽ biết.

Cho nên không làm dù là việc ác nhỏ. Đây là 15 tiêu chí trước khi vào thực hành tâm từ. Hoặc là mình xét, nếu mình không có đủ 15 tiêu chí này mà chỉ có 1 trong 15 cái này cũng được, hôm nay mình có cái này thì ngày mai mình có cái kia, thì mình dựa vào cái đó để phát triển tâm từ. Đây là điều Sư muốn nói, chứ đợi đủ hết 15 rồi mới phát triển tâm từ thì chắc tu suốt kiếp vẫn chưa đủ đâu. 

Trong 15 điều này, điều nào làm mình hoan hỉ nhất, mình dựa vào điều đó rồi phát triển tâm từ. Lời phát triển tâm từ Đức Phật dạy có 2 câu dưới thôi:

Sukhino va khemino hontu, sabbasattā bhavantu sukhitattā.

Sukhino = an lạc; khemino = vắng lặng. Có thể hiểu sukhino là về thân, khemino về tâm cũng được. Khemino là vắng lặng những ô nhiễm phiền não, sukhino là an lạc khỏi sự nóng nảy của phiền não. Thì theo mặt nào mình nói cũng được.

Hontu = hãy; sabba = tất cả; sattā = chúng sinh ???? nguyện cho tất cả chúng sinh được an lạc, yên bình.

Bhavantu = hontu: xin hãy là; sukhitattā = luôn luôn được hưởng an lạc thân và tâm.

Thực ra câu trước và câu sau cũng giống nhau thôi, nhưng mà trong Phật giáo để cái gì phát triển cũng cần 3 lần đó, thì tâm từ đây cũng vậy, sau khi mình dựa vào những tiêu chí trên làm căn bản, mình phát tâm từ lên.

Những người hành thiền, thiền sinh hay sống ở nhà mình hay tu tập, có năng lực sẵn rồi, giờ làm sao để phát tâm đó lên thôi: “nguyện cho tất cả chúng sinh được an lạc, được vắng lặng, nguyện cho tất cả chúng sinh thân tâm được an lạc”. Chúng sinh đây là không chỉ định bất kỳ ai cả, chung hết. Chỉ cần có tâm này thôi phát sinh lên, phát liên tục, niệm liên tục không gián đoạn như vậy, rồi nó sẽ phát lên. Mọi người đừng nghĩ cái tâm mình nhỏ, những cái gì mình nói, những gì mình làm mình đều suy nghĩ trước, những việc càng lớn thì suy nghĩ càng lâu, càng nhiều thời gian mình mới làm được. Thì để tâm từ này phát triển đến chúng sinh, mình nghĩ 1 lần không được đâu, phải nhiều lần, phải lâu. 

Nên câu nguyện trên mình niệm ở tâm là hợp về ý. Phát lâu ngày sẽ có năng lực. Mình không thực tập không quen nên vậy thôi. Với bình thường mình cũng hiền lành nên không thấy, chứ những người ở hàng chợ buôn bán, hoặc những người làm trong chỗ bốc vác, nhà tù họ có tâm đó không? Tâm đó không phải nhỏ đâu, mọi người cố gắng phát triển lên.

Ngày nào cũng nguyện trong tâm “nguyện cho tất cả chúng sinh được an lạc, được vắng lặng, nguyện cho tất cả chúng sinh thân tâm được an lạc”. Gặp ai mình cũng nói lời tốt đẹp là hợp về khẩu. Đi ngoài đường gặp cái gai, sợ ai đi vấp vào mình bỏ gọn lại, là hợp về thân. Lúc mình tâm từ hợp với khẩu, với thân là do lâu nay mình niệm trong tâm sẵn rồi, bây giờ gặp mình nói, mình làm thôi. Ai mà muốn “đi thì nhớ, ở thì thương” thì chịu khó thực hành pháp này.

Mọi người thực hành đi, khi mình thực hành lâu ngày thì lời nói, hành động sẽ hợp với ý này. Thì lúc đấy mình bắt đầu có năng lực tâm từ. Lúc đấy chính mình biết trước, rồi người được mình giúp cũng cảm nhận như vậy. Mình không thực hành thì mình sẽ bực mình trước đã, nhưng mà đằng nào cũng phải làm, nói trước sau gì cũng nói. Còn người thực hành tâm từ thì tâm mát mẻ trước, rồi nói sau, làm sau. Nên mình làm thì làm, nói thì nói, mà do mình không có sự thực hành tâm từ, không phát triển tâm từ nên lời nói, hành động không có kết quả. Ý nghĩ quan trọng lắm, hãy thực tập hàng ngày.

Sư nhắc lại. Mình học cái này để biết đây là hàng rào. Những người hành thiền mà thiền thấy mình bị cái này cái kia là do mình xây nhà mà thiếu hàng rào, hoặc ở trong nhà không yên tâm thì xem nền móng của mình đặt trên Tam Bảo đã vững chắc chưa. Đó là điều mọi người nên suy xét. Nếu mình hành thiền vẫn tốt mà không yên tâm thì biết rằng mình chưa xây tường rào, thì giờ xây thôi.

Có người hỏi mình hồi hướng trong tâm được không hay phải nói ra lời. Thì mình phải nói ra lời, nói trong tâm thì chỉ những chúng sinh có thần thông mới biết, còn những hạng chúng sinh mình không thấy, không phải là họ không có thân mà họ có thân, có thân nên đương nhiên có tai, có tai thì phải nghe. Nên mình phải nói ra lời. Còn những ai mình không nói ra lời mà họ vẫn hiểu là do họ gần mình họ hiểu mình lắm rồi cơ, hoặc là người có thần thông thì họ mới biết. Những chúng sinh cõi khổ họ có tai, cần nghe thấy mới biết được. Mà những chúng sinh có thần thông, họ cũng phải nghe, vì họ có thần thông chứ không phải họ là siêu nhiên, tức là họ có tai, mà có thần thông để nghe xa hơn mình thôi, còn không có tai là ở cõi vô sắc, mà có thần thông phải quán mới biết, không thì họ không biết.

….

Bài Pháp được Sư Hộ Giới thuyết trong lớp Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật, bản text do bạn Vũ Thái Bình tốc ký và tóm lược.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app