Nơi Nương Tựa Thực Sự – Ngài Tam Tạng 6, Bhaddanta Vāyāmindābhivaṃsa Thuyết Giảng

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

NƠI NƯƠNG TỰA THẬT SỰ

(Ngài Tam Tạng 6, Bhaddanta Vāyāmindābhivaṃsa thuyết giảng và in thành sách tại Yangon. Sư Hộ Giới lược dịch tại Quảng Trị, 01-2017)

Trong mỗi chúng ta, nhất là người con Phật, tìm cho được nơi nương nhờ chân chính là một việc tối quan trọng. Chính vì vậy, nên mỗi người chúng ta ai có được nơi nương nhờ chân chính rồi, thì người ấy thật sự có được đời sống xứng đáng, có ý nghĩa; và trong sinh tử luân hồi, kiếp sống của mỗi một người sẽ có cuộc đời cao thượng hơn, hạnh phúc an lạc hơn và cuối cùng đạt đến Niết-bàn vô sinh bất tử.

 

Và ngược lại, những ai trong mỗi chúng ta không có nơi nương nhờ chân chính, thì cuộc sống không có ý nghĩa, không xứng đáng. Không xứng đáng nghĩa là khó có được tái sinh lại làm người như hiện tại, và sẽ mất mát những điều an lạc hạnh phúc vốn có.

Vì vậy, để mọi người tìm gặp được nơi nương nhờ chân chính cho mình, là nguyên nhân để Sư thuyết bài pháp này đến với tất cả mọi người.

Trong Chú giải Pāḷi có dạy: “Puttāmatthi dhanamatthi, iti bālo vihaññatīti, dhammadesanaṃ Satthā Sāvatthiyaṃ Jetavane viharanto Ānandaseṭṭhiṃ ārabbha kathesi”.

Đây là đoạn văn nói về xuất xứ của bài pháp như: ai là người thuyết, thuyết khi đang ở đâu, và thuyết cho ai,…? Đức Phật Gotama là Bậc đã thuyết bài pháp này, thuyết khi Ngài đang ngự tại chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi do ông Anāthapiṇḍika và bà Puññalakkhaṇadevī cúng dường. Ngài thuyết cho ông phú hộ Ānanda. Khi đức Phật còn tại thế cách đây gần 2600 năm, gia đình phú hộ Ānanda là một gia đình giàu có trong kinh thành Sāvatthi, tài sản của họ ước tính khoảng 40 tỷ, tiền thời bấy giờ. (thời đó lương của một người làm thuê khoảng 12 hào/1 năm).

Phú hộ Ānanda trùng tên với thị giả của đức Phật Gotama là Ngài Ānanda. Thật ra chỉ là trùng tên thôi, chứ đức độ và danh tiếng khác nhau một trời một vực, như Đông với Tây, như Nam với Bắc. 

Kinh thành Sāvatthi nằm ở vị thế đặc biệt, chỉ cách xa dãy núi Himalaya khoảng 70 km đường chim bay. Vì thế, nó không nóng giống như những thành phố khác của India, mà khắp vùng quanh Sāvatthi khí hậu ôn hòa hơn. Và chính đức Phật Gotama cũng đã ngự tại kinh thành này suốt 24 hạ (mùa mưa) liên tục.

Ông phú hộ Ānanda ở kinh thành Sāvatthi được mọi người biết đến với biệt danh “Paramaccharī”, bởi ông nổi tiếng là người keo kiệt, bủn xỉn; không dám ăn, không dám mặc, không dám tiêu xài. Nói đến bố thí, cúng dường, làm từ thiện, đãi tiệc thì quá xa vời.

Mỗi nửa tháng, phú hộ Ānanda hội họp mọi người trong gia tộc và người ở để dạy bảo. Ông cũng có một người con trai nhỏ tuổi, tên là Mūlasirī. Và mỗi ngày ông cũng dạy bảo con mình 3 lần. Tuy lời dạy bảo giống nhau, nhưng để tẩy não người con trai duy nhất ấy, mỗi ngày ông dạy con mình đến 3 lần như vậy.

Mỗi ngày phú hộ Ānanda dạy bảo con mình 3 lần những lời sau: “Này con trai! đừng bao giờ nghĩ rằng gia đình mình giàu có 40 tỷ, đừng bao giờ nghĩ rằng gia đình mình có chừng đó của cải, chừng đó tài sản. Không nên cho bất cứ gì đến một người bạn nào, cũng không nên bố thí cúng dường đến một người xuất gia tu hành nào. Đó là những việc làm vô ích, hao tốn và phung phí mà thôi. Hãy làm việc để có thêm thật nhiều của cải tài sản mới”.

Ông còn lấy ví dụ cụ thể để dạy con rằng: “Này con trai! Ví như khi mài ‘đá đỏ’ để trang điểm, chỉ mài từng chút, từng chút một. Tuy vậy, cũng làm cho viên đá ấy mỏng dần, mỏng dần rồi hết đi. Cũng như vậy, đừng nên suy nghĩ rằng, của cải tài sản tiêu xài chút ít không có sao đâu, rồi tiêu dùng phung phí. Không nên cho hay chiêu đãi tiệc tùng đến một người bạn nào, cũng không nên bố thí cúng dường đến bất cứ người xuất gia nào. Nếu con bắt đầu dù tiêu xài hay cho đi chút ít cũng là phung phí, tiêu hao của cải tài sản mà thôi”. Đây là lời dạy bảo ví dụ về cách không nên tiêu xài của cải tài sản.

Và tiếp theo phú hộ Ānanda lại dạy bảo ví dụ về cách tích lũy của cải tài sản như sau: “Này con trai! Hãy xem những con Ong hay những con Mối, mỗi ngày mỗi ngày chúng chỉ tích lũy một chút, một chút thôi. Khi chúng tích lũy nhiều ngày như vậy, tổ Ong có thể lớn bằng bánh xe, còn tổ Mối có thể cao bằng thân người. Vì vậy, con hãy học hỏi cách làm của chúng để tích lũy của cải tài sản”.

Ở đây, chúng ta nên tìm hiểu xem, lời dạy bảo của phú hộ Ānanda có khác biệt, có trái ngược với lời dạy của đức Phật Gotama không?

 Thật ra, cách dạy bảo tích lũy của cải tài sản của ông phú hộ Ānanda hợp với lời dạy của đức Phật, không có sự khác biệt hay trái ngược. Để cuộc sống của chúng sinh được hạnh phúc an lạc, chư Phật cũng dạy bảo cách tích lũy và sử dụng của cải tài sản cho mình.

Khác biệt ở điều, ông Phú hộ này dạy không nên làm phước thiện, làm phước thiện là phung phí tài sản vô ích. Còn đức Phật không phải vậy, Ngài dạy phải làm mọi việc phước thiện. Có làm việc phước thiện thì người chủ của phước thiện ấy là nam hay nữ, đời đời kiếp kiếp hưởng cuộc sống hạnh phúc, an lạc càng cao thượng hơn, luôn luôn được sinh vào trong những gia đình hoặc cảnh giới giàu sang an lạc cao quý, và cuối cùng chứng ngộ Niết-bàn giải thoát khổ sinh tử luân hồi.

Chính đức Phật cũng chỉ cách cho chúng ta thấy bằng mắt, sự nghèo khổ do không làm việc phước thiện. Chúng ta hãy quan sát 2 em bé sinh đôi, cùng giờ cùng ngày cùng tháng cùng năm. Cùng một lần sinh, có hình tướng giống hệt nhau khó phân biệt được, cùng cha, cùng mẹ. Nói chung giống hệt nhau về mọi thứ. Nhưng khi 2 người lớn lên, một em trong cặp sinh đôi có thể sống lâu, một em có thể đoản mệnh. Một em trong cặp sinh đôi có thể khỏe mạnh đến cuối đời, một em thì nay ốm mai đau. Em giàu em nghèo, em thông minh em thiểu trí. Đây là những điều khác biệt giữa 2 người sinh đôi, cha mẹ luôn có tình thương yêu những người con máu mủ của mình, nên của cải tài sản… cũng chia đều như nhau. Tuy vậy, có những điều, cha mẹ dù yêu thương đến đâu đi nữa, cũng không thể chia cho các con mình được, đó chính là “nghiệp”. Đối với bất cứ cha mẹ nào, cũng không thể chia “nghiệp” cho các con mình được.

Nghiệp này từ đâu mà có, do ai tạo nên? Nghiệp này từ mỗi người chúng ta và do chính chúng ta tạo nên. Những người nam nữ nào đã từng gieo tạo thiện nghiệp, thì sẽ có quả báu tốt đẹp lâu dài trong đời này. Nếu thiếu thiện nghiệp hỗ trợ, lại có nhiều ác nghiệp thì quả tốt khó thành.

Xin nói về cuộc đời của Sư (Ngài Tam Tạng 6) một chút, gia đình Sư chỉ có 2 anh em, bây giờ anh của Sư cũng không còn nữa. Anh của Sư chết một cách bất đắc kỳ tử (upacchedaka), bị chết nước khi mới 29 tuổi. Hãy nhìn lại cha mẹ của Sư, Cha của Sư mất khi Sư mới 3 ngày tuổi, mất khi Sư chưa kịp biết mặt Cha. Khi Sư 6 tuổi thì Mẹ cũng qua đời. Cuộc đời của Sư lớn lên bên Bà của mình. Những điều này đức Phật dạy là “ñātibyasana: bất hạnh về thân quyến”. Bà của Sư là người cúng dường thiền đường cho một ngôi chùa, và vì vậy các ngày giới, ngày rằm, ngày 30 hằng tháng, Bà đều đến chùa tu tập, chính điều này mà Sư được gần gũi với chùa tháp. Năm Sư 12 tuổi, người Bà kính yêu nhất cũng qua đời, trước khi mất, Bà còn kịp trăn trối với những người con, người cháu khác của Bà rằng “hãy xuất gia Sa-di cho đứa cháu mồ côi (Sư) của Bà”. Khi Bà mất được một năm, theo lời di chúc của Bà, mọi người đưa Sư đi xuất gia Sa-di. Vị thầy đầu tiên tại ngôi chùa làng thấy Sư học giỏi nên đã gửi Sư lên ngôi chùa trên tỉnh để cho học, mặc dù biết Sư đang còn nhỏ tuổi. Vì vậy mà mới 14 tuổi, Sư đã vào học tại ngôi chùa lớn ở thành phố Ye-sa-gyo.

Và rồi Sư đã trải qua nhiều kỳ thi, để khi còn là một Sa-di (dưới 20 tuổi) Sư đã có bằng Dhammācariya (tương đương bằng cao học Phật học). Sau khi thọ Tỳ khưu được một hạ (20 tuổi) Sư bắt đầu học chương trình Tam Tạng, đến năm Sư 19 hạ (39 tuổi), thì đã học xong và trở thành vị Tam Tạng như bây giờ. Điều này chúng ta không nhìn thấy được, đó chính là nghiệp đã hỗ trợ. Người xưa có nói “không thấy nghiệp mang đến, chỉ thấy gươm đao mang đến”. Sau khi trở thành bậc Thông thuộc, bậc Thấu suốt Tam tạng, được chính phủ cúng dường hộ độ vé máy bay, vé tàu lửa, vé tàu thủy hạng sang, và ngoài ra còn tặng thưởng bỗng lộc cho cha mẹ…. Sư chợt nghĩ, cha mẹ mình thật tội nghiệp, không thọ hưởng được sự báo đáp từ con cháu. Từ đó trong đời lại xuất hiện những lời bàn tán rằng “Thật không thể ngờ, một đứa trẻ mồ côi cha mẹ mà trở thành vị Tam Tạng thứ 6, được chính phủ hộ độ cúng dường mọi thứ”. Đó chính là năng lực của nghiệp, điều mà chúng ta không thể thấy.

Tuy vậy, như đã nói ở trên, chúng ta khó có thể thấy được nghiệp nhân, vì không thấy nên chúng ta chỉ có thể đoán biết. Sư cũng vậy, khi thấy được quả của nghiệp mà mình đang đạt được, thì đoán biết rằng trong quá khứ đã tạo những nghiệp nhân về trí tuệ liên quan đến Tam tạng. Sư nghĩ vậy.

Sư nói qua cuộc đời của mình để chứng minh về 2 đứa bé sinh đôi cùng giờ, cùng ngày… nhưng quả của nghiệp không giống nhau như đã nói. Những nghiệp nhân này chính mỗi người chúng ta tạo nên. Vì vậy, trong cuộc đời mỗi chúng ta không nên bỏ qua thiện nghiệp, việc tốt. 

 Mỗi một chúng ta hãy làm theo khả năng để có được thiện nghiệp, chỉ có vậy, chúng ta mới có được những điều tốt trong cuộc sống mỗi khi chúng ta sinh ra, và chính thiện nghiệp, việc tốt đó sẽ hỗ trợ cho chúng ta trong các kiếp sống tiếp theo được hạnh phúc an lạc, cho đến an lạc cuối cùng là chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát mọi khổ đau. Chư Phật, với trí tuệ toàn giác, đã thấy biết rõ ràng như vậy, nên chỉ bảo, khuyến khích chúng sinh tạo thiện nghiệp để được an lạc. Nhưng phú hộ Ānanda, là người không có đức tin, nên cho rằng làm việc thiện, việc tốt là làm điều vô ích, phung phí, không nên làm. Đây là điểm khác biệt và trái ngược với giáo pháp của đức Phật Gotama của chúng ta vậy.

Nhân đây, Sư nói thêm về phương pháp tích lũy và sử dụng của cải, mà đức Phật thuyết dạy đến mọi người trong thế gian, để giàu có bền vững cũng như đem lại an lạc cho mình và thân quyến. Tuy điều này không liên quan trong bài pháp này, nhưng để mọi người hiểu biết rộng hơn Sư nêu ra ở đây.

“Ekena bhoge bhuñjeyya, 

Dīvhi kammaṃ payojaye,

Catutthañca nidhāpeyya,

Āpadāsu bhavissatī”ti

Đức Phật dạy, sau khi tìm kiếm được của cải tài sản, hãy chia làm 4 phần để sử dụng. Một phần sử dụng cho chi tiêu hằng ngày như ăn uống, sức khỏe…, 2 phần dùng để đầu tư kinh doanh, buôn bán làm ăn… phát triển kinh tế, làm cho của cải tài sản tăng trưởng. Phần còn lại để phòng khi bất trắc. Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy những tai nạn, những hiểm họa bất ngờ ập đến, nếu chúng ta không có phần cất giữ, thì cuộc sống sẽ đau khổ. Thỉnh thoảng chúng ta thường nghe những vụ hỏa hoạn, lũ lụt, lở sông, lở núi, động đất,….

Ngày xưa, người ta cũng cất giữ của cải theo cách của mình, đó là dùng những chiếc chum lớn nhỏ, dùng tro để vào bên dưới sau đó để vàng bạc, châu báu vào rồi chôn cất. Trước khi chôn cất, người ta đục bên dưới chum những lỗ nhỏ. Tại sao phải làm vậy? Tại vì thỉnh thoảng bị động đất, hoặc chịu sự chuyển động của địa chất… hoặc bị các loại phi nhân chuyển đi, vì những lý do đó, nên khi chum bị dịch chuyển thì tro sẽ rớt ra, và theo những dấu vết đó để tìm thấy lại tài sản của mình. Tuy nhiên, mặc dù có chôn cất kỷ lưỡng đến đâu, nhưng khi hết phước, hay thiện nghiệp hỗ trợ không còn, thì tài sản ấy vẫn rời đi không bao giờ tìm lại được. Đây là nói cho mọi người hiểu thêm về phương pháp cất giữ tài sản của người xưa.

Ngày nay, chúng ta có ngân hàng để gửi tiết kiệm… phòng ngừa bất trắc. Ngân hàng chắc chắn nhất, đó là làm phước thiện đến Tam bảo, gọi là ngân hàng Tam bảo, vì sinh tử luân hồi chúng ta vẫn có thể rút ra và sử dụng được, lại không sợ mất mát do bất cứ nguyên nhân gì. Ở đây chúng ta thấy, đức Phật Gotama đã không dạy để dành một phần riêng nào cho việc bố thí cúng dường, làm việc thiện cả. Mà Ngài dạy trong phần đầu tiên, phần chi tiêu hằng ngày, chúng ta nên trích ra một ít để khi có điều kiện là làm việc thiện. Không phải có bao nhiêu làm phước bố thí bấy nhiêu. Như vậy chúng ta biết được rằng, thật ra làm phước thiện không hao tốn gì nhiều, mà trong phần chúng ta chi tiêu ăn uống… hằng ngày, chúng ta chi ra một phần để khi gặp cơ hội làm việc thiện là chúng ta làm được. Là người Phật tử, chúng ta cũng nên hiểu biết về phương pháp sử dụng chi tiêu tài sản mà đức Phật chỉ dạy. Vì vậy, Sư mới nêu ra ở đây. Việc tuân thủ thực hành hay không là phận sự của mỗi chúng ta. Chỉ cần biết được rằng, ngoài dạy về tu tập giải thoát giác ngộ, đức Phật cũng chỉ dạy những phương pháp tích lũy và sử dụng tài sản cho mọi người.

Trở lại câu chuyện phú hộ Ānanda, phương pháp tích lũy tài sản của ông có phần giống với lời dạy của đức Phật, riêng việc bố thí làm từ thiện thì ông ta lại trái ngược hoàn toàn với đức Phật, phải vậy không? 

Cuộc sống có những điều không ngờ đến, đó là cái chết, không biết nó đến lúc nào. Bậc thiện trí thường dạy, cái chết có thể xảy ra trong khi ta co tay vào mà chưa kịp duỗi tay ra, hoặc duỗi tay ra mà chưa kịp co tay vào. Phú hộ Ānanda cũng vậy, đến khi về già, cũng không làm được dù bất cứ một việc thiện nhỏ nào, ông ta chết đi cũng không kịp trăn trối lại cho con trai mình những nơi chôn cất tài sản.

Mạng sống của con người thật sự quá vô thường, mong manh, cái chết có thể xảy đến một cách mau chóng. Mỗi chúng ta khi có được thân người này, nó không phải được tạo dựng bởi sắt thép, cho nên chỉ cần một cơn bệnh là có thể hủy hoại được. Thần chết không bao giờ có sự chọn lựa rằng đây là thân đức Phật, thân của bậc Thánh nhân, thân của nhà Vua, thân của vị quan, thân của phú hộ, thân của người nghèo…. Thần chết cũng không thiên vị một ai, đến lúc thì tất cả đều nghe theo tiếng gọi của thần chết mà thôi, không phải vậy sao?

Phú hộ Ānanda tự nghĩ rằng, mình chưa chết được đâu. Tuy nhiên, ông đã chết một cách bất ngờ và không kịp trăn trối. Khi đức Vua trị vì biết tin phú hộ Ānanda đã chết, và có con trai nối dõi, nên nhà vua đã ban tặng danh hiệu phú hộ cho con trai ông, cũng như cho thừa hưởng toàn bộ của cải tài sản mà cha mình để lại.

Thời xưa, khi các phú hộ chết đi, nếu không có con cái nối dõi thừa hưởng gia tài, thì nhà Vua sẽ tịch thu và sung vào ngân khố triều đình. Vì thế sau khi phú hộ Ānanda chết đi, đức Vua trị vì đã cho gọi con trai của ông lên thẩm tra và đối chứng. Khi biết đúng sự thật, nhà Vua đã cho thừa hưởng và sắc phong cho người con trai ấy lên làm phú hộ.

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu con đường mà phú hộ Ānanda sẽ đi.

Phú hộ Ānanda sau khi chết, liền tái sinh vào một gia đình trong ngôi làng nô lệ gồm 1000 hộ, gần một cổng lớn, bên ngoài kinh thành Sāvatthi. Có điều đặc biệt, khi ông vừa đầu thai vào lòng mẹ thì cả làng gặp nhiều điều bất lợi, như làm ăn không ra, tất cả đều thất nghiệp, người làm ăn xin cũng không ai cho, người làm thuê làm mướn cũng không ai thuê. Do đó, vị Trưởng làng mới hội họp và tuyên bố rằng: “Làng chúng ta có kẻ bất hạnh (Kāḷakaṇṇī) đến đây, nên cả làng mới xảy ra những chuyện trước đây chưa từng có. Vì vậy, để mọi người được lợi ích, chúng ta hãy chia tách làng ra”. Và thế là mọi người đồng ý chia làng ra thành 2, mỗi bên 500 hộ gia đình. Bên 500 hộ có bà mẹ mang thai ông phú hộ vẫn xảy ra những điều bất lợi, còn 500 hộ gia đình bên kia mọi việc lại thuận lợi như xưa. 500 hộ gia đình ấy, lại tiếp tục chia đôi, và mỗi lần, nửa bên nào có người mẹ mang thai nhi là ông phú hộ, thì luôn gặp những điều bất lợi. Tiếp tục chia đôi như vậy, cuối cùng chỉ còn gia đình người mẹ mang thai ông mà thôi.

Tâm từ của người mẹ thật khó có ngôn từ nào tả hết được, biết thai nhi là “người bất hạnh”, lại bị đuổi ra khỏi làng, sống khổ cực suốt thời gian mang thai, nhưng vẫn cưu mang cho đến ngày sinh nở. Trong suốt thời gian này, người mẹ chịu rất nhiều sự đói khổ khi ăn uống bửa có bửa không, chỉ đủ cầm hơi mà thôi. Khi đủ ngày đủ tháng, đứa trẻ đã ra đời. Hãy nhìn đứa trẻ, hình hài của nó được mô tả là “paṃsupisācako-viya: thân hình giống như quỷ sứ”. Có ai trong chúng ta thấy quỷ sứ chưa? Sư cũng chưa thấy. Nhưng để mọi người tưởng tượng ra được thân hình quỷ sứ, trong Chú giải Tam tạng có mô tả như sau:

“Đôi mắt không mọc nơi thường có của nó, chúng mọc ở những nơi nào đó trên cơ thể, chúng cũng không mọc đều nhau. Cũng như vậy, hai tai, lỗ mũi, miệng cũng không nằm đúng nơi; và răng thì mọc nhọn lởm chởm lòi ra ngoài. Nhìn ra hai tay hai chân cũng vậy, vừa nhỏ vừa ngắn lại vừa gầy chỉ đủ để sử dụng, da thì nhăn nhúm khô khan…, đó là thân hình giống như quỷ sứ. Có lẽ mọi người có thể tưởng tượng ra được thân hình đứa bé ấy như thế nào rồi. Đó gọi là đứa bé bất hạnh.

Nói về hạnh phúc (sirī) là điều ai cũng mong cầu, vì vậy, khi đặt tên cho bất cứ điều gì, kể cả tên của con cái mình, ai cũng chọn những cái tên với ý nghĩa mong cầu đem lại hạnh phúc cả. Nhưng hạnh phúc (sirī) chỉ cho điều gì? “Sirīti paññāpuññānaṃ adhivacanaṃ”, nghĩa là: Hạnh phúc là tên gọi chính của trí tuệ và phước thiện.

Như vậy, người có trí tuệ, người có phước thiện là người có hạnh phúc, gọi là người hạnh phúc thật sự. Khi chúng ta nghe pháp, làm việc thiện là lúc chúng ta đang có hạnh phúc, đang gieo nhân hạnh phúc, trong tâm mỗi người nên hiểu biết như vậy, rồi hoan hỷ với việc làm của mình hơn. Đây mới là hạnh phúc thật sự.

Đức Phật chia loài người ra làm 3 loại như sau:

  • Loại thứ nhất là người andha: mù cả 2 mắt.
  • Loại thứ hai là người ekacakkhu: sáng 1 mắt.
  • Loại thứ ba là người dvicakkhu: sáng 2 mắt.

Có phải đức Phật nói đến hạng người mù 2 mắt thông thường không? Không phải vậy, mù cả 2 mắt ở đây nghĩa là, có số người trong đời này, khi được sinh ra làm người, là người lười biếng, không biết làm cho của cải phát triển, tạo dựng tài sản sự nghiệp, làm cho đời sống của mình giàu có sung túc hơn. Đó là mù một mắt, không thấy hiện tại. Số người này lại không khi nào nhìn lại chính mình rằng, ta chưa là bậc Thánh nhân (A-ra-hán), vì vậy sẽ còn trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Họ không biết rằng, trong sinh tử luân hồi, cần phải có thiện pháp, cần làm thiện pháp để mang theo mình trong suốt hành trình ấy. Vì không biết, không thấy nên họ đã không làm thiện pháp. Đó cũng là mù một mắt, không thấy vị lai. Như vậy, vì không thấy hiện tại và vị lai nên gọi là người mù 2 mắt.

Loại người sáng một mắt nghĩa là, có số người sau khi sinh ra làm người rồi, luôn siêng năng cố gắng tìm kiếm của cải tài sản, làm sao cho sung túc giàu có và ngày càng làm cho chúng phát triển lên thêm. Vì vậy, họ đã có được tài sản như họ mong muốn và cố gắng. Nhưng họ không tư duy, suy nghĩ, không thấy biết rằng, ta cần phải tích lũy thiện nghiệp, phước đức để sinh tử luân hồi không phải thua kém, khổ đau. Vì thế họ đã không làm việc thiện, việc phước. Đó là loại người sáng một mắt, chỉ thấy hiện tại.

Loại người sáng cả 2 mắt, có lẽ mọi người cũng đã hiểu biết được rồi phải không? Nghĩa là một số người trên đời siêng năng tìm kiếm tài sản sao cho sung túc giàu có trong cuộc sống này. Sau khi có được họ lại biết làm việc thiện, tạo nhiều phước đức để hỗ trợ mình trong sinh tử luân hồi. Đó là loại người sáng cả 2 mắt. Vậy trong 3 loại người này, phú hộ Ānanda đã nói ở trên thuộc vào loại nào? Ông ta thuộc loại người sáng một mắt phải không?

Và sirī: hạnh phúc còn có nghĩa khác nữa, đó là người mắt tai mũi lưỡi, tay chân đầy đủ, đều đặn, xinh đẹp gọi là người hạnh phúc.

Như vậy, sirī: hạnh phúc với 2 ý nghĩa như trên có gì khác nhau? Sự khác biệt đó là, với ý nghĩa trước thì nói về nhân, còn ý nghĩa sau nói về quả. Tư duy sâu xa một chút, chúng ta cũng có thể hiểu rõ được. Một người khi có trí tuệ thường quán xét biết được đâu là thiện, tốt, đâu là ác, xấu. Người ấy lánh xa con đường xấu, ác, chỉ chọn con đường thiện, tốt để đi mà thôi. Như vậy, người ấy không phải đã có hạnh phúc theo ý nghĩa thứ nhất hay sao? Vì người ấy đi theo con đường thiện tốt, nên trong sinh tử luân hồi, họ tái sinh vào đâu cũng có sắc thân đầy đủ xinh đẹp, giàu sang phú quý. Vì vậy, họ cũng có được hạnh phúc theo ý nghĩa thứ 2, quả báu tốt đẹp do nhân hạnh phúc thứ nhất mà họ đã tạo. Sau khi hiểu biết như vậy, chúng ta là người con Phật, có thấy được rằng nhân hạnh phúc thật sự là quan trọng hay không? Chúng ta nên cố gắng làm tròn đủ nhân hạnh phúc trong cuộc sống này. Có như vậy kiếp sống của chúng ta, sinh tử luân hồi của chúng ta luôn có đầy đủ hạnh phúc an lạc. Hiện tại không tạo nhân hạnh phúc, thì làm sao tương lai có hạnh phúc được. Bây giờ đã có được hạnh phúc rồi chúng ta cố gắng làm cho tròn đủ và tăng trưởng thêm nữa.

Hạnh phúc nhân này không có ai có thể làm thay cho mình, cũng không ai có thể phá hoại được. Nghĩa là người này không thể làm cho người kia có được hạnh phúc, mà phải tự chính mình. Và ngược lại, người này cũng không thể hủy hoại hạnh phúc người khác được, mà tự chính mình phá hoại hạnh phúc của mình mà thôi. Trong Tam tạng Pāḷi có dẫn chứng nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề này, nhất là trong bộ Jātaka: chuyện tiền thân.

Liên quan đến hạnh phúc, Sư nói qua như vậy chắc mọi người cũng đã hiểu biết được rồi. Nay quay trở lại phú hộ Ānanda, sinh ra là người bất hạnh, sống trong cuộc đời nhưng không một bữa no. Người mẹ cũng vậy, bữa đói bữa no, chỉ đủ cầm hơi sống tiếp cho qua ngày, qua tháng để nuôi đứa bé bất hạnh ấy đến 6-7 tuổi. Khi ấy, người mẹ đưa cho đứa trẻ bất hạnh 7 tuổi ấy cái bát và bảo: “Này con, từ khi con đầu thai vào lòng mẹ, ngôi làng của chúng ta đã tan rã dần, mẹ con mình phải ly tán khắp nơi, mẹ cũng đã trải qua ngày tháng cầm hơi để sinh con ra và nuôi con đến bây giờ. Nay con đã lớn, hãy cầm bát này tự đi xin ăn, mẹ không thể theo nuôi con được nữa. Trong kinh thành Sāvatthi này, các phú hộ thường chia nhau xây những ngôi nhà cho những người khách lỡ đường, cho những người xuất gia, cho những hành khất và những người vô gia cư già yếu, bệnh tật. Con của mẹ hãy tìm đến những ngôi nhà ấy ở, xin ăn tự nuôi sống mình qua ngày”. Người mẹ nói xong liền bỏ đi, quả của ác nghiệp thật là đáng sợ, ngay cả người mẹ ruột cũng bỏ rơi mình.

Đứa bé nô lệ bất hạnh nghe theo lời mẹ, đã tìm đến những nơi ấy ở và hằng ngày cầm bát đi xin ăn. Một hôm nọ, nó lang thang đây đó, đã đi qua khu phố mà mình từng sống, nhìn trước nhìn sau một hồi, chợt nhận ra ngôi nhà mà mình đã từng ở. Khi nhận ra cũng là lúc cậu nhớ lại tất cả, ngôi nhà kia là nơi ta đã sống khi là một phú hộ…. Điều này nói theo thế gian là do “người (ma) nhập vào”.

Liên quan đến vấn đề “người nhập”, các bậc Đại trưởng lão có dạy lại những điều đáng để ghi nhớ. Thật ra, là người Phật tử thì vấn đề này không còn quan trọng nữa. Nhưng các nước phương Tây hoặc các chủ nghĩa tư tưởng duy vật hay lớp trẻ bây giờ, thì đó là một vấn đề nan giải. Bởi vì đối với những hạng người này không có thế giới khác, kiếp khác nên không thể có “người nhập” được. Tuy nhiên vẫn có “người nhập”, và những điều họ nói ra đều đúng cả, vì vậy họ gặp khó khăn lớn trong việc giải thích vấn đề này. Một số cho rằng do bị tâm thần, nên nói bậy nói bạ. Vì vậy một số cha mẹ có con nói chuyện quá khứ, liền dọa nạt con mình không được nói, vì sợ mình bị mang tiếng.

Thời người Anh cai trị Myanmar, Ngài Le-di Sayadaw nỗi tiếng thế giới, đã giải thích rõ vấn đề này. Ở đây Sư nêu lại một phần để mọi người hiểu rộng thêm. Một lần nọ, có nhóm học giả người Pháp đến hỏi Ngài về vấn đề “người nhập” trong Phật giáo có hay không? Có dẫn chứng nào nói về nguyên nhân người nhập không…?

Ngài Le-di Sayadaw trả lời, trong Phật giáo có chuyện “người nhập”. Và chuyện “người nhập” cũng không có gì kỳ lạ cả. Điều nên lưu ý để nhận biết, nếu nói được tiền kiếp thì người nhập, không nói được thì không phải. Trong Phật giáo có dẫn chứng những nguyên nhân về “người nhập”…, Ngài trả lời rất đầy đủ. Ngài còn phân biệt ra được các hạng người không nhớ được tiền kiếp và những hạng người nhớ được tiền kiếp.

Những hạng người nào là người không nhớ, không nói lại được tiền kiếp?

  1. Những người già trên 90 tuổi hoặc trên 100 tuổi, với tuổi thọ như vậy năng lực của trí nhớ đã cạn kiệt, nên không thể nhớ được. Đôi khi đến tuổi này, con cái kiếp hiện tại họ còn không nhớ được. Vì năng lực trí nhớ đã cạn kiệt, khi chết với tâm mê mờ, nên sau khi chết được tái sinh trở lại, họ không nhớ, không nói được kiếp trước. Đây cũng là một hạng người không nhớ được tiền kiếp.
  2. Hạng người thứ hai là, dù người ấy lớn tuổi hay nhỏ tuổi, nhưng bị quá đau đớn do bệnh tật, như ung thư…. Người mang những bệnh này vì quá đau đớn, nên thỉnh thoảng bị hôn mê bất tỉnh. Khi họ hôn mê không tỉnh lại mà chết đi, khi tái sinh trở lại họ cũng không thể nhớ, nói lại tiền kiếp được.
  3. Một hạng người nữa, đó là người ở trong bụng mẹ quá lâu, bị tử cung bó chặt, khi sinh thì bị hơi gió quá mạnh làm cho đầu lộn xuống như bị treo ngược, chịu nỗi khổ kinh hãi. Hạng người này tâm bị kinh hãi sợ sệt, nên cũng quên hết không thể nhớ tiền kiếp được.
  4. Trong đời có số người khi già yếu lại có thái độ cử chỉ và tâm tính của trẻ thơ (hồi niên). Với tâm tính trẻ thơ này họ chết đi, khi tái sinh trở lại họ cũng không thể nhớ tiền kiếp được.
  5. Hạng người khi mang thai bị chấn động, kinh hãi từ người mẹ, như thấy máu chảy đầu rơi, những cảnh tượng sợ hãi…. Khi người mẹ bị sợ hãi kinh khiếp như vậy, thì thai nhi cũng bị ảnh hưởng theo, vì thế không còn nhớ được tiền kiếp.
  6. Hạng người vừa mới sinh ra chưa hiểu biết đã chết, như trẻ sơ sinh, trẻ chưa đủ tháng đủ năm chết đi do tật bệnh, hoặc bị tai nạn…. những người này khi chết đi, tái sinh kiếp sau cũng không nhớ được tiền kiếp.
  7. Hạng người thường uống rượu bia, sử dụng ma túy, nghiện ngập… rồi chết đi. Những hạng người này sinh ra kiếp sau cũng không thể nhớ được tiền kiếp.

Đó là 7 hạng người không thể nhớ và nói lại được tiền kiếp của mình. Trong chúng ta có ai nhớ được tiền kiếp không? Nếu không nhớ, thì hãy nghĩ rằng, do kiếp trước mình sống hơn 90 hoặc hơn 100 tuổi mới chết, nên không nhớ được. Nếu nghĩ mình trong trường hợp đó, thì sẽ được an ủi hơn những trường hợp khác phải không? Hãy nghĩ sao để tâm mình thấy an lạc thì vẫn tốt hơn.

Những hạng người nào nhớ được, nói rõ được kiếp trước?

  1. Đức Phật Chánh Đẳng Giác, nhớ biết không giới hạn về kiếp trước của Ngài.
  2. Đức Phật Độc Giác, nhớ biết theo thời gian thực hành pāramī của mình là 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.
  3. Hai bậc Tối thượng Đại Thanh Văn, cũng nhớ biết trong khoảng thời gian thực hành pāramī là 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.
  4. Các bậc Thánh A-ra-hán, nhớ được khoảng thời gian 100 ngàn đại kiếp.
  5. Các vị Đạo sĩ tin nghiệp và quả của nghiệp, họ nhớ được khoảng 40 ngàn đại kiếp.
  6. Các vị có Túc mạng thông, những người này có thể dùng thần thông này nhớ tiền kiếp tùy theo năng lực thần thông của mình, nhưng biết cũng không nhiều được.
  7. Những người có phát nguyện trong đời trước. Họ là những người đời trước, sau khi làm phước thiện đã phát nguyện rằng: Do nhờ phước thiện này, cầu mong cho tôi kiếp sau nhớ lại được tiền kiếp của mình. Khi sinh ra, họ nhớ lại được tiền kiếp theo nguyện vọng ấy, nhưng nhiều lắm chỉ 3 hoặc 7 kiếp mà thôi.
  8. Những người khi còn trẻ, có sức khỏe và trí tuệ nhạy bén, chết bất ngờ do một tai nạn nào đó. Sau khi chết liền tái sinh vào thai của người mẹ khỏe mạnh, hạng người này có thể nhớ được tiền kiếp.
  9. Hạng chúng sinh trong địa ngục, những chúng sinh này cũng nhớ tiền kiếp mình đã tạo ác nghiệp như thế nào.
  10. Chúng sinh trong cõi Ngạ quỷ, A-tu-la, những hạng chúng sinh này dân gian quen gọi là Ma, Quỷ. Những hạng chúng sinh này, nhớ được tiền kiếp mình đã dính mắc những gì để bị tái sinh vào đó.

Nói đến sự dính mắc, yêu thích thì thật là điều kỳ lạ, vì có nhiều trường hợp khi sinh ra đời, đã mang sẵn những vết sẹo, những cái bớt, những thương tật trong quá khứ. Một số người hỏi Sư, không phải đức Phật dạy những sắc tướng, tâm trạng sinh trong kiếp này, thì đã diệt trong kiếp này, không thể sinh diệt trong kiếp sau, không phải vậy sao? Tại sao những vết thương tật trong quá khứ, khi sinh ra đời này lại có y như vậy? Đức Phật dạy đương nhiên là đúng rồi. Riêng kiếp này mang những dấu ấn, hình hài trong quá khứ là do “nikantikataṇhā: tâm luyến ái, yêu thích kiếp sống”. Chúng ta hãy quán xét tâm mình, khi ta nhìn thấy hay gặp một việc gì ban đầu không thích, không hài lòng, nhưng nhìn nhiều, thấy nhiều chúng ta sẽ cảm thấy rất tự nhiên rồi yêu thích lúc nào không hay. Huống nữa là những gì nằm trên thân thể của ta! Phải vậy không? Hãy cẩn thận với sở thích của mình.

  1. Chư thiên và Phạm thiên, những hạng này nhớ được, nói được tiền kiếp mình đã làm những thiện nghiệp gì để được tái sinh vào cảnh giới ấy.
  2. Và một hạng người nhớ biết và nói được tiền kiếp nữa, đó là sau khi chết tái sinh trở lại làm người, rồi có cơ hội trở lại, thấy nơi mình từng sinh sống trong quá khứ. Như phú hộ Ānanda đã nói ở trên, khi mới sinh ra đời chưa nhớ biết được tiền kiếp, nhưng khi vô tình gặp lại chốn cũ, mới nhớ lại tiền kiếp. Trường hợp này được ghi lại trong nhiều sách trên thế giới.

Trường hợp phú hộ Ānanda, lúc này là đứa trẻ ăn xin bất hạnh, khi nhìn thấy chốn cũ, nhớ lại tiền kiếp, trong tâm trí chỉ nghĩ đến đây là nhà của ta, rồi đi vào một cách oai phong bệ vệ. Đứa trẻ đi nhanh đến nỗi lọt qua 4 cánh cửa mà những người canh gác không kịp trông thấy.

Sau cánh cửa thứ tư, thì những đứa trẻ con của phú hộ hiện tại, cháu của ông ta, đang chơi đùa ở đó. Khi nhìn thấy một đứa trẻ ăn xin như quỷ sứ, nên chúng sợ hãi la hét bỏ chạy tán loạn, lúc này những người gác cổng mới nhìn thấy đứa trẻ ăn xin. Họ liền đến vây bắt đứa trẻ ấy và hỏi mày là ai? Sao vào đây?… Đứa trẻ ăn xin liền lên giọng này nọ, và nói nhà ta nên ta vào…. Những người gác cổng nghe vậy vừa cười vừa la mắng “thân mày mà xứng với ngôi nhà này à!”, rồi đánh đứa bé ăn xin một trận dở sống dở chết, sau đó đem bỏ vào thùng rác bên ngoài căn nhà. Sự dính mắc nhà của tôi, tài sản của tôi thật đáng kinh hãi, khi vì nó mà bị vứt bỏ vào thùng rác. Không phải sao? Vì kiếp trước và kiếp này đã khác nhau xa rồi. Cho nên, các bậc Trưởng lão dạy rằng, có 3 điều cười lớn đang cười cợt chúng ta.

  1. Đất cười. Không phải cười thật, nhưng cười vào tâm tham của con người, là lời dạy bảo, cảnh tỉnh của các bậc Trưởng lão. Đất cười như thế nào? Ồ!… một người nữa lại đến, lại lảm nhảm đất của ta, đất của ta. Làm gì có đất của nó. Người trước đây cũng đã nói như vậy, nhưng cuối cùng rồi cũng đến tay người khác mà thôi. Tiếp theo lại một người đến nữa, lại lảm nhảm đất của tôi, đất của tôi. Con người thật dính mắc với ý nghĩ của mình, làm sao đất lại của họ được. Đất cười như vậy.
  2. Nhà cửa, vàng bạc, tài sản cười. Ồ lại một người đến nữa rồi, nhà của ta, vàng bạc của ta, tài sản của ta…. Thật ra đâu phải của nó, trước đây chúng ta cũng thuộc về những người khác rồi. Chúng ta được chuyển từ tay người này đến tay người khác, trải qua không biết bao nhiêu lần. Mỗi khi đến tay ai họ cũng dính mắc không rời, thật buồn cười quá. Nhà cửa, vàng bạc, tài sản cười như vậy.
  3. Người vợ không chung thủy cười. Họ cười thế nào? Một số người chồng thường hay cưng nựng, nói lời yêu thương những người con yêu quý của mình. Thấy vậy, những người vợ không chung thủy, đứng một góc khuất cười thầm. Tội nghiệp cho anh chồng khờ dại này, nghĩ rằng con yêu của cha, con yêu của cha, thật buồn cười. Làm gì con của họ, đây là con của người trước, con của người kia…. Có số người chồng để an ủi mình nên chấp nhận rằng “con Bò nào vào trong vườn mình, thì con bò ấy của mình”. Đây không nói tất cả phụ nữ, chỉ nói những phụ nữ không chung thủy cười mà thôi. 

Đứa bé ăn xin bị ai cười, ai châm chọc vậy? Không phải đất đang cười, đang châm chọc hay sao? Không phải nhà cửa, của cải, vàng bạc đang cười, đang châm chọc hay sao? Đến kiếp này rồi, nó vẫn còn dính mắc vào của ta, để bây giờ bị vứt vào thùng rác như vậy.

Hôm ấy, đức Phật cùng Đại đức Ānanda đi khất thực ngang qua nơi ấy. Ngài bảo Đại đức Ānanda rằng:

  • Này Ānanda, thấy đứa bé trong thùng rác không?
  • Dạ, bạch Ngài con thấy.
  • Đó là phú hộ Ānanda.

Khi nghe đức Phật dạy vậy, Ngài Ānanda cho người gọi phú hộ Mūlasirī (con trai của phú hộ Ānanda) đến. Khi phú hộ Mūlasirī đến, thì dân trong kinh thành cũng biết được và đi đến theo rất đông. Vì nghĩ rằng đức Phật cho gọi chắc do một nguyên nhân đặc biệt nào đó, và Ngài sẽ thuyết pháp đến hội chúng. Khi mọi người tập hợp đông đủ quanh thùng rác, đức Phật mới gọi phú hộ Mūlasirī.

  • Này Mūlasirī!
  • Dạ, bạch Ngài.
  • Con thấy đứa bé trong thùng rác không?
  • Dạ, con thấy bạch Ngài.
  • Con biết đứa bé này không?
  • Dạ, con không biết bạch Ngài.
  • Đứa bé này không phải là ai khác, chính là cha của con.

Khi nghe đức Phật dạy vậy, phú hộ Mūlasirī không tin, không chấp nhận. Không tin, không chấp nhận là ngôn từ trong sách vở ghi lại chỉ chừng đó thôi. Sư suy nghĩ xa thêm một chút, giữa đám đông như vậy, nghe những lời như vậy phú hộ Mūlasirī chắc chắn sẽ rất xấu hổ. Tại sao lại vậy? Một đứa bé ăn xin, thân hình như quỷ sứ, giữa đám đông như vậy, lại bảo là cha của mình sao không xấu hổ cho được. Suy nghĩ của Sư là vậy.

Khi đức Phật biết phú hộ Mūlasirī không tin, không chấp nhận lời dạy của mình. Ngài liền hỏi ông ta, cha của ông đã chưa nói cho ông biết những tài sản nào mà ông ấy cất dấu không? Phú hộ Mūlasirī trả lời Phật rằng có, đó là 5 chum vàng và ông không biết chôn dấu ở đâu. Nghe vậy xong, đức Phật liền bảo phú hộ Mūlasirī cho người hầu gọi đứa bé đến và bảo:

  • Con kiếp trước là phú hộ Ānanda phải không?
  • Dạ, bạch Ngài phải. Đứa bé trả lời.
  • Con có của cải nào chôn cất mà chưa nói cho con của con biết không?
  • Dạ có, bạch Ngài.
  • Đó là những gì?
  • Dạ, bạch Ngài, đó là 5 chum vàng.
  • Bây giờ con có thể chỉ ra nơi chôn cất 5 chum vàng ấy không?
  • Dạ, bạch Ngài, con có thể chỉ ra được.
  • Vậy con hãy chỉ ra, đức Phật sai bảo tiếp.

Sau khi đức Phật sai bảo, mọi người dẫn đứa bé đi, để nó chỉ chỗ đã chôn dấu của cải nơi này nơi kia. Đứa bé chỉ nơi nào, mọi người đào lên đều tìm thấy những chum vàng đã chôn cất. Khi chứng kiến những việc ấy, phú hộ Mūlasirī mới tin và chấp nhận đứa bé ấy chính là người cha tiền kiếp của mình. đức Phật đã thuyết bài pháp đến dân chúng đang chứng kiến xung quanh rằng:

“Puttāmatthi dhanamatthi,

Iti bālo vihaññati,

Attāhi attano natthi,

Kuto puttā kuto dhanaṃ.”

Nghĩa là, trong đời này, có số người nam nữ thấy biết hạn hẹp, nghĩ rằng ta có con cái, chúng là nơi nương tựa, dựa dẫm của ta. Ta có của cải tài sản, nó là nơi nương tựa, dựa dẫm của ta. Họ nghĩ sai lầm rằng, đó là những nơi nương tựa chắc chắn trong đời. Thật ra thì chỉ có thể “nương tựa lẫn nhau” khi còn sống mà thôi.

Những người nam nữ nào quá thương yêu, quá dính mắc nơi con cái, quá tham lam nơi tài sản, họ sẽ bị trói buộc, mệt mỏi, khổ đau nhiều. Con cái, tài sản, dù ta chịu bao khổ sở để sinh ra nuôi dưỡng, làm việc tìm kiếm tích lũy, rồi thương yêu, tham đắm, dính mắc đến đâu, giây phút cuối đời chúng cũng không thể thay ta chịu khổ, chịu chết được. Con cái ta khi thấy ta già, ta khổ, ta chết, chúng cũng không làm gì, để ngăn những điều ấy không đến với ta được, dù con ta có là bác sĩ hay nhà khoa học nỗi tiếng…. Của cài tài sản cũng vậy, chúng không mua được sự không già, không bệnh, không chết cho chúng ta. Như vậy, con cái, tài sản làm sao là nơi nương tựa vững chắc, nơi nương tựa đúng đắn thật sự được. Khi sự chết đến, chính bản thân mình cũng không thể là nơi nương tựa dựa dẫm thật sự được, thì nói gì đến con cái, tài sản.

Vậy, điều gì mới là nơi nương tựa thật sự cho ta, khi đến giây phút cuối đời ấy? Nơi nương tựa thật sự đó chính là thiện pháp, việc thiện mà chính ta đã tạo ra. Những người nam nữ nào, thường làm việc thiện, việc phước, đến lúc cuối đời, những đối tượng, những điều thiện, điều tốt ấy hiện rõ trong tâm nên họ hoan hỷ, hài lòng, ra đi một cách thanh thản, an nhiên, nhẹ nhàng.

Ngược lại những người nam nữ nào, thường làm việc ác, việc xấu, đến lúc cuối đời, những đối tượng, những cảnh tượng mình làm hiện rõ trong tâm, nên họ khóc la, run rẩy, mặt mày cau có, ra đi trong sự sợ hãi.

Đức Phật dạy như vậy xong, Ngài dạy tiếp sự thật về khổ, khi đem tấm thân của đứa trẻ ăn xin bất hạnh, để chỉ rõ cho mọi người. Đó là sự thân chân lý về khổ của bậc Thánh. Như vậy, khi có tấm thân bất hạnh ấy là kết quả, gọi là chân lý quả khổ. Nguyên nhân của nó là tham ái. Điều đáng để thắc mắc, không ai muốn có tấm thân ăn xin bất hạnh tại sao gọi nó là kết quả của tham ái? Thật ra nó cũng là do tham ái mà có. Tại sao vậy? Vì tấm thân ăn xin bất hạnh này có được là do kiếp trước khi làm phú hộ Ānanda, đã tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt nên mới có tấm thân ấy. Thật ra không ai muốn tấm thân bất hạnh như vậy, nhưng chính tham ái dẫn đầu trong mọi công việc, mọi sự tạo tác, “ai sao thì mặc, mình yên ổn là được rồi”, với tâm như vậy, nên mới có thân như thế ấy. Dù là thân người, hay thân chư thiên, thì tham ái vẫn là nguyên nhân, tham ái vẫn dẫn đầu trong việc tạo thiện nghiệp để có thân ấy, chúng là khổ, là quả của tham ái. Như vậy, tham ái là sự thật nhân, gọi là chân lý nhân sinh khổ của bậc Thánh.

Và một sự thật quả khác, đó là Niết-bàn, nơi thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha này tịch diệt vắng lặng, gọi là chân lý diệt khổ của bậc Thánh; là quả tốt, quả thuộc siêu tam giới. Sự thật về khổ, chân lý về khổ là quả xấu thuộc tam giới. Và chân lý quả tốt Niết-bàn này, cũng không thể tách rời khỏi nguyên nhân được, đương nhiên để có được quả tốt, thì phải có nhân tốt, đó là bát chánh đạo, nhân đưa đến Niết-bàn, vắng lặng phiền não khổ đau.

Như vậy 4 sự thật chân lý của bậc Thánh chia ra làm 2 loại nhân quả tốt xấu: sự thật chân lý khổ của bậc Thánh thuộc quả xấu và sự thật chân lý nhân sinh khổ của bậc Thánh thuộc nhân xấu. Sự thật chân lý diệt khổ của bậc Thánh, Niết-bàn thuộc quả tốt, và sự thật chân lý pháp hành đưa đến diệt khổ của bậc Thánh, Bát chánh đạo, thuộc nhân tốt.

Sau khi đức Phật thuyết về 4 sự thậ chân lý của bậc Thánh xong, hội chúng lắng nghe và quán xét trên thân mình, trí tuệ đã phát sinh, có số chứng đắc bậc Thánh Nhập Lưu, có số chứng đắc bậc Thánh Nhất Lai, có số chứng đắc bậc Thánh Bất Lai.

Qua bài pháp này, chúng ta đã biết được đâu mới là nơi nương tựa thật sự, và trong mỗi chúng ta cũng đã và đang tạo dựng nơi nương tựa ấy, bằng cách hằng ngày chúng ta đang cùng nhau tạo thiện nghiệp. Mọi người nên biết vậy và luôn hoan hỷ trong mọi thiện pháp mà mình đã làm. Bài pháp đến đây đã chấm dứt. Cầu chúc cho những thiện pháp mà quý vị đã làm như bố thí, giữ giới, hành thiền sẽ là nơi nương tựa vững chắc, và hỗ trợ quý vị trong sinh tử luân hồi, luôn là người giàu sang, an lạc và cuối cùng chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay!

 

Phần Phụ Lục (Sư Hộ Giới)

Nhân dịp năm mới, mọi người thường nhớ đến các bậc sinh thành, các bậc ân nhân, các bậc thân quyến đã quá vãng. Mỗi người, mỗi gia đình thường làm theo những tập tục truyền thống của mình, để tỏ lòng tri ân và cầu nguyện cho họ, cũng như cầu mong cho mình và gia đình được mọi điều tốt đẹp. Nhưng mọi việc không phải cầu là được, cầu nhưng hợp với nhân quả thì sẽ thành tựu chắc chắn hơn. Cầu được điều mình muốn là quả, vậy hãy gieo nhân trước khi cầu. Sư xin chia sẽ 10 nhân mà đức Phật Gotama chỉ dạy đến mọi người. Với thiện tâm mong muốn sự cầu nguyện của các vị thành tựu như ý muốn tốt đẹp, sau khi đã gieo những nhân tương ứng với lời cầu. Đó là 10 Nhân Sinh Phước Thiện.

Thưa các bậc Thiện trí nam nữ! đức Phật dạy có 10 nhân sinh ra phước mà mình có thể làm để chia (dâng) đến, hồi hướng đến thân quyến cùng tất cả chúng sinh.

  1. Dāna: Bố thí, cúng dường, làm từ thiện…. Nghĩa là cho đi những của cải tài sản mà mình có được hoặc làm ra, đến người khác với thiện tâm có trí tuệ. 
  2. Sīla: Giới, hạnh kiểm, đạo đức…. Nghĩa là giữ gìn, tiết chế thân và khẩu để tránh những lỗi lầm, sai trái gây ra tai hại khổ đau cho mình và người khác, chúng sinh khác. Ngoài ra, tuân thủ những nội quy, quy định những nơi mình đang sống hoặc tham gia. Đó cũng là nhân sinh ra phước, mà mình có thể chia và hồi hướng đến thân quyến và tất cả chúng sinh.
  3. Bhāvanā: hành thiền, phát triển thiện tâm. Nghĩa là làm sao cho tâm có trạng thái an tịnh, vắng lặng, mát mẻ, thư thái…. Và có sự chú tâm, để ý, trên mọi hành động cử chỉ ,trong những việc không lỗi lầm, việc thiện trong đời sống hằng ngày. Đó cũng là nhân sinh phước, mà chúng ta có thể chia và hồi hướng đến thân quyến và tất cả chúng sinh.
  4. Apācayana: Cung kính, tôn trọng. Nghĩa là có những hành động tiếp rước, chào đón, mời ngồi, nhường đường, cúi đầu, chắp tay, đảnh lễ… những bậc xứng đáng, những bậc trưởng bối, những người cao quý, đáng tôn trọng trong xã hội…. Đó cũng là nhân sinh phước, mà chúng ta có thể chia và hồi hướng đến thân quyến và tất cả chúng sinh.
  5. Veyyāvecca: Phục vụ, hộ độ. Nghĩa là có tinh thần giúp đỡ, làm điều lợi ích, khuyên bảo chỉ dạy, làm việc vì xã hội cộng đồng, tiếp rước thân quyến, bạn bè, khách quan…. Đó cũng là nhân sinh phước mà chúng ta có thể chia và hồi hướng đến thân quyến và tất cả chúng sinh.
  6. Pattidāna: Chia (Dâng) phước, hồi hướng phước. Nghĩa là khi làm được điều tốt đẹp lợi ích nào cho mình, cho thân quyến và cho xã hội rồi, mình hoan hỷ, vui vẻ, thư thái, nhẹ nhàng như thế nào… mình nên chia sẽ, hồi hướng những điều ấy, những cảm giác ấy, những điều tốt đẹp ấy đến mọi người, mọi chúng sinh…. Đó cũng là nhân sinh phước mà chúng ta có thể chia và hồi hướng đến thân quyến và tất cả chúng sinh.
  7. Pattānumodanā: Hoan hỷ phước. Nghĩa là khi nghe hay nhìn thấy điều tốt, việc thiện, việc lợi ích mà người khác làm, tâm mình hoan hỷ vui vẻ, đồng tình ủng hộ, có tâm mong muốn được làm điều tốt đẹp, lợi ích như họ; miệng mình tán thán, ca tụng, chúc mừng…. Đó cũng là nhân sinh phước mà chúng ta có thể chia và hồi hướng đến thân quyến và tất cả chúng sinh.
  8. Dhammassavana: Nghe pháp. Nghĩa là nghe chánh pháp của đức Phật Gotama, hoặc pháp của chư bậc Thánh nhân, hoặc chư bậc Thiện trí phàm nhân, nghe và đọc những điều tốt, điều lợi ích trong cuộc sống. Đó cũng là nhân sinh phước mà, chúng ta có thể chia và hồi hướng đến thân quyến và tất cả chúng sinh.
  9. Dhammadesanā: Thuyết pháp. Nghĩa là thuyết giảng lại giáo pháp của đức Phật Gotama, hoặc pháp của chư bậc Thánh nhân, chư bậc Thiện trí phàm nhân, hoặc chỉ dạy những điều tốt đẹp, lợi ích trong cuộc sống…. Đó cũng là nhân sinh phước mà, chúng ta có thể chia và hồi hướng đến thân quyến và tất cả chúng sinh.
  10. Diṭṭhijukamma: Có đức tin hợp trí tuệ, có Chính kiến trong niềm tin. Nghĩa là niềm tin vững chắc và hiểu biết đúng về Nghiệp và quả của Nghiệp, có đức tin và hiểu biết đúng về Tam Bảo…. Đó cũng là nhân sinh phước mà chúng ta có thể chia và hồi hướng đến thân quyến và tất cả chúng sinh.

Nếu 10 điều mọi người cho rằng nhiều quá, nhớ không hết thì gom lại 3 điều cho dễ nhớ. Như vậy, những điều nào có tính chất giống nhau, thì chúng ta gom về một.

  1. Dāna: Bố thí: điều 1 + điều 6 + điều 7 (Đã kể trên). Vì những điều này có tính chất giống nhau là cho đến, chia đến những người khác, chúng sinh khác điều mà mình có. Nên gom chung lại trong điều 1 bố thí.
  2. Sīla: Giới: điều 2 + điều 4 + điều 5 (Đã kể trên). Vì những điều này có tính chất giống nhau là tiết chế thân khẩu, giữ gìn thân khẩu của mình. Nên gom chung lại trong điều 2 giữ giới.
  3. Bhāvanā: Hành thiền: điều 3 + điều 8 + điều 9 + điều 10 (Đã kể trên). Vì những điều này có tính chất giống nhau là tăng trưởng, phát triển trí tuệ của mình. Nên gom chung lại trong điều 3 Hành thiền.

Ở đây điều chúng ta nên tư duy và thực hành đó là, chúng ta muốn chia phước hồi hướng đến cho thân quyến mình điều gì? Muốn họ được hưởng những gì, thì hãy tạo nhân sinh phước tương tự rồi hồi hướng đến. Vì mỗi nhân sẽ cho quả riêng đặc biệt, ngoài những quả báu chung. Muốn hết thì làm đủ hết rồi chia và hồi hướng. Phải vậy không? Ví dụ: muốn giàu sang, sung túc, nhiều bạn bè thân quyến thì: bố thí. Muốn sắc đẹp, sống lâu, ít bệnh thì: giữ giới. Muốn tâm mát mẻ an lạc thì: hành thiền.

Hỡi những người con Phật, là người Thiện trí phàm nhân trong đời, tại sao chúng ta có thể nhớ, nói đến những thứ mình tiêu xài, mua sắm hưởng thụ, tại sao lại không thể nhớ, nói đến những thứ chúng ta đã cho đi, làm phước. Tại sao chúng ta nhớ, nói đến những nơi chốn chúng ta đến hưởng thụ, mà sao không để tâm nhớ, nói đến những nơi ta đã đi làm phước, làm từ thiện. Tại sao chúng ta nhớ đến những người nỗi tiếng mà không thể nhớ, nói đến các bậc Thiện trí, hay những người đã và đang nhận của ta…. Tại sao chúng ta đọc và nghe một cách say sưa về sát sinh, khủng bố, trộm cắp, cướp bóc, tà dâm hãm hiếp, nói dối lừa đảo, rượu chè cuộc vui; sao lại không nghe hay đọc được một ít điều lợi ích, và những tấm gương thoát ly những điều ấy… cũng là điều nhớ nghĩ, cũng là lời mô tả chuyện trò, cũng là thấy vui vẻ, hoan hỷ khi nhớ và ôn lại. Nhưng hãy quan sát hai trạng thái Tâm. Một bên vui nhưng tâm mình giao động, rạo rực. Một bên tâm mình vắng lặng, yên tịnh. Vì vậy, trong sự nhớ nghĩ, nói chuyện hằng ngày, là người con Phật hãy tạo cho mình thói quen nhớ thêm việc thiện với mọi người. Đó là 10 nhân sinh phước thiện.

Chúc tất cả quý vị và gia đình, thân quyến có một mùa xuân gieo nhân lành ý nghĩa, có được hạnh phúc và thành tựu mọi nguyện vọng tốt đẹp như ý.

 

Sư Hộ Giới. 

Phước Thiện Đường

Quảng Trị tháng 12-2016

 

 

———————

Bài viết Nơi Nương Tựa Thực Sự – Ngài Tam Tạng 6, Bhaddanta Vāyāmindābhivaṃsa thuyết giảng, Hộ Giới Tỳ Khưu Việt dịch

* Link  Bài Nơi Nương Tựa Thực Sự

* Link  Tải sách ebook Nơi Nương Tựa Thực Sự

* Link  Video cuốn Nơi Nương Tựa Thực Sự

* Link  Audio cuốn Nơi Nương Tựa Thực Sự    

* Link  Thư mục Tác giả Hộ Giới Tỳ Khưu    

* Link  Thư mục Ebook Hộ Giới Tỳ Khưu   

* Link  Giới thiệu Hộ Giới Tỳ Khưu   

* Link  Tải App mobile Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app