Cận Sự Nam Chattapāṇi

Đây cũng là một câu chuyện kể lại sự việc xảy ra vào thời kỳ đức Phật cư ngụ tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi.

 

Chattapāṇi là một cư dân kinh thành Sāvatthi. Ông vừa là một bậc Thánh Bất Lai vừa là một người thông thuộc Tam Tạng pháp bảo của đức Phật. Tuy nhiên ông không xuất gia Tỳ khưu. Xuất gia Tỳ khưu không phải cứ muốn là xuất gia được. Thứ nhất phải có đức tin trong sạch, thứ hai phải có nhân duyên đầy đủ mới có thể xuất gia Tỳ khưu. Do đó, đức Phật đã thuyết giảng “có đức tin trong sạch xuất gia Tỳ khưu là một điều rất khó được” (saddhāpabbajitabhāvo dullabho), thuộc một trong những điều “rất khó được” (dullabha) trên đời. Thật ra, một người vừa là bậc Thánh Bất Lai, lại vừa thông thuộc Tam Tạng pháp bảo như cận sự nam Chattapāṇi nên xuất gia Tỳ khưu mới phải đạo. Mặc dù ông ấy là người có đức tin trong sạch, nhưng vì không có nhân duyên đầy đủ nên đã không xuất gia Tỳ khưu, chỉ sống cuộc đời người cận sự nam tại gia. Cận sự nam Chattapāṇi cũng biết rất rõ giá trị của cuộc đời xuất gia Tỳ khưu.

Phap Cu 51

Một ngày nọ, cận sự nam Chattapāṇi sau khi thọ trì 8 giới uposatha đã đến chùa Jetavana để diện kiến đảnh lễ đức Phật và nghe pháp. Tuy là đã chứng đạt thành bậc Thánh Bất Lai, đã thấy biết rõ xuyên suốt 4 sự thật của bậc Thánh, nhưng cận sự nam Chattapāṇi đã luôn ghi nhớ: “Bổn phận của bậc Thiện trí là diện kiến đảnh lễ đức Phật và lắng nghe pháp bảo từ Ngài”, nên ông ấy đã thường đến ngôi chùa có đức Phật đang ngự để nghe pháp. Một bậc Thiện trí thật sự, thường thực hiện tròn đủ mọi bổn phận và trách nhiệm của mình.

Khi cận sự nam Chattapāṇi đang hầu cận đức Phật và lắng nghe pháp bảo, cùng lúc ấy nhà Vua Pasenadī Kosala cũng đến chùa để chiêm bái diện kiến đức Phật. Ngay khi ấy, cận sự nam Chattapāṇi đã gặp phải điều rất khó xử, vì cùng một lúc ông gặp phải hai bổn phận cần phải thực hiện. Một bổn phận đó là bổn phận của người dân. Theo như bổn phận của một người dân, cận sự nam Chattapāṇi khi diện kiến, gặp gỡ nhà Vua của mình phải phủ phục cung kính và tung hô vạn tuế. Chỉ khi làm như vậy mới tròn bổn phận của một người dân. Một bổn phận khác đó là bổn phận của một người cận sự nam. Theo như bổn phận ấy, cận sự nam Chattapāṇi phải ngồi yên tại chỗ của mình, không xê dịch, không lay động để tiếp tục lắng nghe pháp bảo của đức Phật. Nếu không ngồi yên tại chỗ của mình để lắng nghe pháp bảo, thì bổn phận của một cận sự nam bị hư hoại.

Khi cận sự nam Chattapāṇi cùng một lúc phải đối diện với hai bổn phận, nhưng không thể cùng một lần thực hiện tròn đủ hai bổn phận ấy. Vậy trong hai bổn phận ấy, nên thực hiện tròn đủ bổn phận nào đây? Chattapāṇi là người kính trọng đức Phật với đức tin vững chắc, không còn lay động. Do đó, đối với ông trong sự quyết định cách thức giải quyết vấn đề khó khăn ấy cũng không cần phải nghĩ ngợi gì nhiều. Ông biết rõ, trong thế gian này không có bất cứ một điều gì đáng kính trọng hơn đức Phật. Vì vậy, ông ấy đã quyết định: “Nhà Vua Pasenadī Kosala có tức giận hãy để cho nhà Vua tức giận, mình không thể bất kính với đức Phật, một khi đang cung kính nghe pháp, lại đứng lên phủ phục tung hô vạn tuế như bao người thực hiện bổn phận với nhà Vua”, nên ông vẫn ngồi yên tiếp tục lắng nghe pháp bảo.

Cận sự nam Chattapāṇi là một bậc Thánh Bất Lai. Vì là bậc Thánh Bất Lai nên đã đoạn diệt hết sân hận (dosa). Do đã đoạn diệt hết sân hận, nên ông không còn tâm sợ hãi. Theo như sự thật hiện hữu trong Vi diệu pháp, bất cứ sự sợ hãi nào cũng đều là sân hận (dosa). Tuy nhiên, sân hận này thuộc loại sân hận mặt âm, mặt thoái chuyển. Cận sự nam Chattapāṇi là bậc đã đoạn diệt gốc rễ sân hận, nên không còn sợ hãi những điều tai hại có thể xảy đến với mình từ nhà Vua. Tuy không sợ hãi như vậy, nhưng ông cũng lại rất kính trọng, không phải có sự khinh thường, bất kính đối với nhà Vua. Sự khinh thường chính là ngã mạn (māna). Đối với bậc Thánh Bất Lai, tuy chưa đoạn diệt hoàn toàn gốc rễ ngã mạn, nhưng cũng đã có thể điều phục được nó theo ý mình. Đừng nói gì đến nhà Vua, cho dù bất cứ là ai đi nữa, cận sự nam Chattapāṇi cũng đã có thể điều phục được ngã mạn của mình.

Đúng như phán đoán của cận sự nam Chattapāṇi, nhà Vua Pasenadī Kosala đã tức giận ông. Nhà Vua đã tỏ vẻ không hài lòng: “Mọi người có mặt nghe pháp ở đây đều kính trọng ta, sao một mình ông ta lại không biết kính trọng?” Bởi nhà Vua đã có ý nghĩ mặc định rằng, sự không đứng lên phủ phục tung hô vạn tuế đối với mình của cận sự nam Chattapāṇi chính là thái độ bất kính, không tôn trọng. Phần nhiều những người lớn, người có địa vị thường thích được người khác kính trọng. Tuy vậy, đối trước đức Phật, nhà Vua cũng chẳng thể làm gì hơn được. Nhưng trong tâm nhà Vua đã “thù hận” cận sự nam Chattapāṇi.

Đức Phật biết rõ tâm hận thù của nhà Vua Pasenadī Kosala. Bởi Ngài là Bậc Đại Bi nên theo đó đã mong muốn làm cho tiêu tan bất thiện nghiệp, tâm thù hận của nhà Vua đối với một vị Thánh nhân không nên gây lỗi lầm như cận sự nam Chattapāṇi. Bởi vì, nếu một khi không diệt được bất thiện nghiệp hận thù ấy, thì nhà Vua sẽ phải chịu những quả báo không mong muốn lâu dài mãi về sau trong sinh tử luân hồi do bất thiện nghiệp ấy đem lại. Vì vậy, nhằm làm cho tiêu tan tâm thù hận, để nhà Vua không còn phải chịu quả báo khổ đau về sau, nên đức Phật đã tán dương, khen ngợi cận sự nam Chattapāṇi trước sự chứng kiến của nhà Vua:

  • Đại Vương! Cận sự nam Chattapāṇi là người có trí tuệ, đã thấy biết được 4 sự thật chân lý của bậc Thánh, là người thông thuộc Tam Tạng pháp bảo, rất thông minh trong sự nhận định về những điều lợi hại.

Khi nghe chính tự đức Phật, Bậc Cao Thượng nhất trong tam giới chúng sinh, tán dương ca ngợi cận sự nam Chattapāṇi, nhà Vua Pasenadī Kosala đã nhận ra được lỗi lầm của mình đối với ông ấy, nên không còn tức giận, tâm thù hận cũng tiêu tan. Âu đó cũng là bản tính thường tình của phàm nhân vậy! Đối với hạng phàm nhân, liên quan đến người mình cho rằng “không tốt”, nhưng đến khi nghe những người đức cao vọng trọng khen ngợi người ấy “tốt đẹp”, thường nhìn lại biết được cái sai của mình và dứt bỏ được suy nghĩ không tốt, cũng như diệt được tâm thù hận trước đó. Lời phán xét của người đức cao vọng trọng, người có danh tiếng thường gây ra tác động lớn hơn rất nhiều so với những người bình thường, thậm chí nó thành những triết lý sống hay căn cứ để chứng minh mọi điều trong cuộc sống.

Sau đó, vào một ngày, khi nhà Vua Pasenadī Kosala đang dạo chơi trên lâu đài đã nhìn thấy cận sự nam Chattapāṇi đi ngang qua bên ngoài hoàng cung. Ngay tức khắc nhà Vua nhớ đến lúc gặp gỡ trước đây tại ngôi chùa Jetavana. Do đó, nhà Vua đã truyền lệnh sai bảo người hầu ra gọi cận sự nam Chattapāṇi vào chầu. Cận sự nam Chattapāṇi vào đến một nơi thích hợp đã cởi giày dép, gấp ô dù, đi chân không vào chầu. Khi đến gần đã phủ phục trước nhà Vua tung hô vạn tuế, sau đó đứng hầu một nơi thích hợp. Nhà Vua liền hỏi:

  • Này khanh gia! Tại sao lại phải cởi bỏ giày dép, xếp ô dù như vậy?

Cận sự nam Chattapāṇi đã tâu trình:

  • Muôn tâu Hoàng Thượng! Thảo dân được lệnh Hoàng Thượng triệu kiến nên cởi bỏ giày dép, xếp ô dù để đến chầu Hoàng Thượng.

Nhà Vua liền bảo: 

  • Có lẽ chỉ đến hôm nay nhà ngươi mới nhận biết Trẫm là Hoàng Thượng?
  • Muôn tâu Hoàng Thượng! Trong tâm thảo dân lúc nào cũng nhận biết Hoàng Thượng. Cận sự nam Chattapāṇi tâu trình.
  • Nếu ngươi lúc nào cũng nhận biết Trẫm là một Hoàng Thượng, thì tại sao trước đây tại ngôi chùa nơi đức Phật ngự, gặp Trẫm không đứng dậy phủ phục tung hô vạn tuế? Nhà Vua phán hỏi.

Cận sự nam Chattapāṇi vì là một bậc Thánh Bất Lai nên luôn có giới hạnh hoàn toàn trong sạch. Vì có giới hạnh nên rất gan dạ, dũng cảm. Do đó, ông đã không vòng vo hay ẩn dụ gì, tâu trình thẳng sự thật lên nhà Vua:

  • Muôn tâu Hoàng Thượng! Khi đang đối trước đức Phật, một vị Vua của tất cả các Vua trong tam giới, lại đứng dậy phủ phục tung hô vạn tuế đối với một vị Hoàng Đế chỉ làm chủ một hai vương quốc nhỏ bé như Hoàng Thượng, sẽ đem lại điều bất kính, không biết tôn trọng đức Phật, vị Vua của các nhà Vua. Vì vậy, mà thảo dân đã không thể phủ phục, thực hiện bổn phận của một con dân của Hoàng Thượng được.

Nhà Vua đã chấp nhận sự thật theo như những gì cận sự nam Chattapāṇi tâu trình, nên đã không còn truy cứu lỗi lầm đối với ông. Nhà Vua cũng đã nhận thức được, nếu phạm lỗi lầm với bậc Thánh Bất Lai, thì người bị tổn hại là chính mình chứ không ai khác. Nhà Vua đã không còn như trước đây nữa, đã biết cách kính trọng, tin tưởng nơi Phật giáo. Sau đó, nhà Vua đã truyền lệnh bảo cận sự nam Chattapāṇi hằng ngày vào hoàng cung truyền dạy Tam Tạng pháp bảo đến cho Hoàng hậu Mallikā và Hoàng hậu Vāsabhakhattiyā. Khi ấy, cận sự nam Chattapāṇi đã tâu trình lại rằng trong hoàng cung của nhà Vua nên thỉnh mời một vị Tỳ khưu vào làm thầy truyền dạy Tam tạng pháp bảo thích hợp hơn là một người cận sự nam. Nhà Vua đã biết được năng lực trí tuệ suy xét của cận sự nam Chattapāṇi từ đức Phật, nên chuẩn tấu theo lời tâu trình ấy.

Nhà Vua Pasenadī Kosala theo như lời khuyên của cận sự nam Chattapāṇi, đã đến ngôi chùa Jetavana cung thỉnh đức Phật hằng ngày vào cung truyền dạy Tam tạng đến cho hai Hoàng hậu Mallikā và Vāsabhakhattiyā của mình. Đối với một vị Phật Toàn Giác, không có truyền thống hằng ngày chỉ luôn lui tới một gia đình nào, nên đức Phật đã giao trách nhiệm cho Trưởng lão Ānanda hằng ngày vào hoàng cung của nhà Vua để truyền dạy Tam tạng pháp bảo đến cho hai Hoàng hậu.

Trưởng lão Ānanda theo sự giao phó của đức Phật, hằng ngày đã vào hoàng cung để truyền dạy Tam tạng pháp bảo đến cho hai Hoàng hậu. Trong hai Hoàng hậu ấy, Hoàng hậu Mallikā rất thành tâm thành ý trong việc học hiểu Tam tạng pháp bảo. Vì vậy đã rất nỗ lực cố gắng để học hiểu. Vị thầy giảng dạy, Trưởng lão Ānanda hỏi đến đâu đều có thể trả lời được đến đó, luôn làm cho người thầy hài lòng. Hoàng hậu Vāsabhakhattiyā thì không như vậy. Cô ta theo học chỉ vì tuân theo mệnh lệnh của nhà Vua Pasenadī Kosala, chứ không phải tự chính bản thân có tâm mong muốn được học. Cho nên, không hề có sự nỗ lực cố gắng trong việc học. Người thầy giảng dạy, Trưởng lão Ānanda sau khi đã cho bài học để ghi nhớ, nhưng mỗi lần kiểm tra những gì liên quan đến bài cũ lại không thể trả lời để khiến cho người thầy hài lòng. 

Vào một ngày, khi đức Phật hỏi Trưởng lão Ānanda về tình hình liên quan đến việc học hiểu của hai Hoàng hậu sau khi được truyền dạy Tam tạng pháp bảo, Trưởng lão Ānanda đã trình bạch trả lời Ngài:

  • Kính bạch Đức Thế Tôn! Hoàng hậu Mallikā rất kính trọng học hỏi, đọc tụng, có khả năng ghi nhớ rất tốt. Hoàng hậu Vāsabhakhattiyā là thân quyến của Đức Thế Tôn, nhưng lại học hành hời hợt, không siêng năng đọc tụng, không có khả năng ghi nhớ. Bạch Ngài.

Đức Phật sau khi nghe lời trình bạch của Trưởng lão Ānanda đã thuyết dạy:

  • Này Ānanda, con yêu quý! Những người nào không có tâm kính trọng để nghe, để đọc tụng ghi nhớ, để tìm hiểu pháp bảo được Như Lai khéo thuyết giảng, thì không đem lại lợi ích tốt đẹp cho họ, giống như những bông hoa hữu sắc vô hương. Đối với những người nào thành tâm kính trọng để nghe, để đọc tụng ghi nhớ, để tìm hiểu pháp bảo được Như Lai khéo thuyết giảng, thì sẽ đem lại lợi ích tốt đẹp cho họ, giống như những bông hoa đầy đủ hương sắc. 

Tiếp theo đức Phật thuyết giảng bài kệ pháp bảo sau:

(Nghĩa của bài kệ)

“Giống như một bông hoa đẹp được yêu thích nhưng không có hương thơm nên không cao quý, không có ích lợi gì. Cũng vậy, đối với người không kính trọng học hỏi, thực hành Tam tạng pháp bảo được đức Phật đã khéo thuyết giảng cũng chẳng được lợi ích tốt đẹp nào. Giống như một bông hoa đẹp được yêu thích lại vừa có hương thơm ngát nên rất cao quý, được nhiều lợi ích. Cũng vậy, đối với người kính trọng học hỏi, thực hành Tam tạng pháp bảo được đức Phật đã khéo thuyết giảng sẽ có được nhiều lợi ích tốt đẹp.”

Phap Cu 52

Đã là hoa thì luôn đẹp. Tuy nhiên có thể tỏa ra hương thơm hoặc không. Thật vậy, hoa nào cũng đẹp, thế nhưng không phải hoa nào cũng thơm. Trong tất cả các sự vật thường có hai loại giá trị, đó là giá trị gốc và giá trị phái sinh bao quanh nó. Giá trị gốc gọi là sự vật đầy đủ (upadhisampatti: thành phẩm hoàn thiện tốt đẹp). Giá trị phái sinh gồm có: thời gian đầy đủ (kālasampatti), đối tượng đầy đủ (desasampatti: nới chốn đầy đủ) và sử dụng đầy đủ (payogasampatti: cố gắng đầy đủ). Cho nên, giá trị gốc luôn phải dựa vào giá trị phái sinh bao quanh nó rất nhiều.

Một đồng tiền theo như giá trị gốc cũng chỉ là một đồng. Mặc dù vậy, một đồng trong khi đi đường hết tiền và một đồng trong lúc bình thường, tuy cùng một đồng giống nhau, nhưng căn cứ theo vấn đề về thời gian nên giá trị lại rất khác biệt nhau. Bố thí, giúp đỡ đến bậc Thiện trí một đồng và bố thí, giúp đỡ đến kẻ xấu-ác một đồng, tuy là một đồng giống nhau, nhưng căn cứ theo vấn đề về đối tượng (nơi chốn) nên giá trị lại rất khác biệt nhau. Một đồng cúng dường, làm từ thiện và một đồng cá độ, tiêu hoang, tuy là một đồng giống nhau, nhưng căn cứ theo vấn đề về sử dụng nên giá trị lại rất khác biệt nhau.

Tuy đúng là Tam tạng pháp bảo được đức Phật thuyết giảng có năng lực đưa đến hạnh phúc an lạc cõi người, cõi trời và Niết-bàn, nhưng nếu một khi sự học hành không đúng, thì cũng khó có thể đạt được hạnh phúc an lạc cõi người, cõi trời và Niết-bàn như lợi ích vốn có trong pháp bảo ấy. Ngoài ra, nếu một khi vì nguyên nhân hiểu biết thông suốt Tam tạng pháp bảo mà sinh ra tự cao, ngã mạn, thì nó có thể khiến đem lại điều tại hại cho chính bản thân người học hiểu ấy. Sự học hiểu Tam tạng pháp bảo như vậy, trong các kinh sách gọi là “học hiểu giống như người bắt rắn đằng đuôi” (alagaddupamā). Nghĩa là giống như người không biết cách bắt rắn bị rắn cắn trở lại chính mình.

Người học hiểu Tam tạng pháp bảo, chỉ có khi học hiểu đúng cách, mới có được hạnh phúc an lạc cõi người, cõi trời và Niết-bàn. Sự học hiểu Tam tạng pháp bảo như vậy, trong các kinh sách gọi là “sự học hiểu Tam tạng pháp bảo vì quả báu lợi ích giải thoát khổ sinh tử luân hồi”. Vì vậy, khi học hiểu Tam tạng pháp bảo, phải học hiểu đúng cách mới có thể trở thành một bậc Thiện trí. Còn nếu một khi học hiểu không đúng cách, thì không thể trở thành bậc Thiện trí. Cho nên, không thể yên tâm tin tưởng chắc chắn rằng tất cả những bậc học hiểu thông suốt Tam tạng pháp bảo đều là bậc Thiện trí. Và đối với những hạng người có học thức khác trong đời cũng nên nhìn nhận giống như vậy. Chính ngay những hạng trí thức học hiểu Tam tạng pháp bảo không đúng cách còn không thể trở thành bậc Thiện trí, thì nói gì đến những người theo đuổi các sở học khác, nếu học không đúng cách, thì chắc chắn không thể nào trở thành bậc Thiện trí.

Do đó, mỗi khi tư duy, suy xét liên quan đến một sự vật, một điều nào đó, ngoài giá trị gốc của nó ra, cũng cần tư duy, suy xét thêm vào giá trị phái sinh chung quanh nó nữa. Trong giá trị phái sinh ấy sẽ bao gồm: tính chất về thời gian, tính chất về không gian (đối tượng-nơi chốn) và tính chất về sự hữu dụng (lợi ích sử dụng).

Câu chuyện về cận sự nam Chattapāṇi này đem lại rất nhiều điều lợi ích cho những ai được biết đến. Thời kỳ đức Phật còn tại thế, sau khi nghe xong câu chuyện này, rất đông người đã có thể thấy biết rõ xuyên suốt đến 4 sự thật của bậc Thánh, trở thành các bậc Thánh nhân rất nhiều. Trong thời đại hiện nay cũng vậy, câu chuyện này sẽ có lợi ích lớn lao đối với những ai biết cách đón nhận pháp vị trong đó.

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app