Trưởng Lão Cittahaṭṭha

Thera Cittahattha
DHAMMAPADA PHÁP DẪN ĐẾN NIẾT BÀN – TRƯỞNG LÃO CITTAHATTHA – ẢNH MINH HỌA

Câu chuyện này diễn ra vào thời kỳ đức Phật còn tại thế, khi Ngài đang cư ngụ tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi. Một người dân kinh thành Sāvatthi, khi biết trong đàn bò của ông ta bị lạc mất một con, nên đã đi vào trong rừng để tìm nó. Khi tìm thấy được con bò đi lạc, ông ta đã lùa nó về lại theo đàn.

Mặt trời đã đứng bóng, nhưng vì chưa ăn cơm, nên ông ta đã rất đói. Vì vậy, ông ta đi vào một ngôi chùa gần đó, với ý nghĩ có thể gặp may còn cơm thừa canh cặn để kiếm ăn một miếng cho qua cơn đói. Các vị Tỳ khưu trong chùa đã đem cơm canh, thức ăn thừa cho ông ta ăn. Tuy nói rằng cơm canh, thức ăn thừa, nhưng lại là “những loại thức ăn thừa” mà ông ta chưa từng được ăn bao giờ. Do đó ông ta nghĩ, có lẽ hôm nay ở chùa này có thí chủ trai Tăng cúng dường (đãi tiệc). Cho nên, khi ông ta biết được trong chùa không có trai Tăng (đãi tiệc) gì, mà chỉ là những cơm canh, thức ăn bình thường hằng ngày. Ông ta đã có sự suy nghĩ so sánh giữa sự ăn, mặc, ở, của cuộc đời ông ta và sự ăn, mặc, ở, của cuộc đời các vị xuất gia Tỳ khưu. Quả thật đó là một sự cách biệt quá lớn!

“Nếu ngày nào cũng được ăn ngon, thì cũng sẽ hưởng được an lạc, sung sướng; nếu ngày nào cũng được mặc đồ tốt thì cũng sẽ hưởng được sự an lạc, sung sướng”, ông ta đã nghĩ như vậy. Tuy nhiên, sự suy nghĩ của ông ta đã không đúng. Sở dĩ ông ta suy nghĩ như vậy là bởi ông ta đã không biết rõ tính chất của tham ái. Sự an lạc, sung sướng do tham ái làm căn bản chỉ là sự an lạc, sung sướng tạm bợ. Khi mình tham muốn một vật gì, thì trong lúc đang tìm kiếm cho có được nó, cũng sẽ hưởng được an lạc, sung sướng. Đó gọi là sự an lạc, sung sướng do yêu thích nơi đối tượng tham muốn (kāmataṅhā: tham muốn nơi các đối tượng màu, tiếng, mùi, vị, xúc chạm). Quả thật là khi đang tham muốn để sở hữu chúng cũng đã hưởng được an lạc, sung sướng, nhưng chỉ tạm bợ trong chốc lát; chứ không phải luôn luôn, thường hằng. Và trong khi đang thọ hưởng do sở hữu, làm chủ được đối tượng ấy, cũng hưởng được sự an lạc, sung sướng. Sự an lạc, sung sướng này cũng chỉ là nhất thời tạm bợ. Điều này gọi là an lạc, sung sướng do yêu thích khi sở hữu (bhavataṅhā). Sau đó lại nhàm chán và muốn từ bỏ. Và theo như sự tham muốn từ bỏ đó, nên khi từ bỏ được thì cũng lại hưởng được sự an lạc, sung sướng. Điều này gọi là an lạc, sung sướng do yêu thích khi từ bỏ được (vibhava-taṅhā). Bởi thật ra, theo như bản chất của “tham ái” (taṅhā: khao khát) là tham muốn sở hữu – được sở hữu – nhàm chán muốn từ bỏ – rồi lại tham muốn… nó có tính chất quay cuồng xoay vần như vậy. 

Sự có được do mong muốn đó chính là yêu thích những vật hiện hữu (kāmataṅhā). Sự cất giữ, sở hữu sau khi có được gọi là: yêu thích sở hữu (bhavataṅhā). Sự nhàm chán muốn từ bỏ gọi là yêu thích khi từ bỏ được (vibhavataṅhā). Tham ái quả là giống như vòng quay của cỗ máy vậy. Tham muốn rồi sở hữu, sở hữu rồi nhàm chán (cái cũ), nhàm chán rồi lại tham muốn có (cái mới)… không khi nào kết thúc hay cùng tận vậy.

Người đàn ông ấy vì muốn ăn những thức ăn ngon nên đã xuất gia Tỳ khưu trong Phật giáo. Mặc dù vậy, vị Tỳ khưu này rất đặc biệt. Đó là luôn làm phận sự phục vụ hầu hạ đến cho các vị Tỳ khưu khác; cũng như thực hành đầy đủ các bổn phận lớn nhỏ một cách có trách nhiệm. Ông ta tuy không phải là người vì muốn học pháp nên xuất gia Tỳ khưu, hay cũng không phải là người vì muốn thực hành pháp thiền nên xuất gia Tỳ khưu; mà là người chỉ vì muốn được ăn những món ngon mà xuất gia, nhưng lại là vị xuất gia Tỳ khưu làm tốt mọi bổn phận và trách nhiệm phục vụ, hộ độ đối với chùa và đối với Tăng chúng. Sự thực hiện đầy đủ các bổn phận trách nhiệm này, đối với ông ta lại là một nguyên nhân nương nhờ lớn lao (upanissaya) để chứng đắc được pháp đặc biệt cao thượng sau này.

Với hình thức Tỳ khưu, tuy được ăn vật thực ngon nhưng ông ta lại không hoan hỷ, vui thích trong Phật giáo, nên đã hoàn tục trở về đời sống tại gia. Bởi thật ra, trong khi làm một công việc gì, thì niềm tin là điều rất quan trọng. Tuy nói rằng phải có niềm tin, nhưng không phải là niềm tin mù quáng, mà là niềm tin kết hợp với trí tuệ. Điều này được gọi là đức tin (saddhā) và trí tuệ (paññā) phải song hành quân bình nhau vậy. Đức tin và trí tuệ song hành quân bình, thì công việc mới đạt kết quả tốt được. Vì vậy, chỉ có sự thu nhận, kết nạp do bởi đức tin kết hợp cùng trí tuệ, thì mới bền vững chắc chắn và có được “năng lực mới”. Cho nên, sự thu nhận kết nạp thuộc loại giống như vậy (bởi đức tin và trí tuệ) gọi là sự thu nhận kết nạp theo chất lượng, năng lực. Còn một khi thu nhận kết nạp bởi lợi lộc vật chất, vì do không có tính chất bền vững chắc chắn, nên không có được “năng lực mới”, vẫn chỉ là “năng lực cũ” như trước. Do đó, sự thu nhận, kết nạp thuộc loại giống như vậy (bởi lợi lộc vật chất) gọi là sự thu nhận kết nạp theo số lượng.

Sự hoàn tục, trở về đời sống người tại gia của vị Tỳ khưu ấy, là do không phải xuất gia Tỳ khưu trong Phật giáo bởi đức tin, mà thuộc loại xuất gia Tỳ khưu chỉ vì do bị thức ăn ngon, gọi là vật chất lợi lộc thu nhận kết nạp. Cho nên, theo như tính chất của sự thu nhận kết nạp, thì điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Mà đó chỉ là thuận theo tính chất vòng quay của tham ái, nên hoàn tục trở về đời sống tại gia như trước đây.

Khi trở về đời sống tại gia ông ta cũng làm việc, ăn uống sinh hoạt giống như trước đây. Đến khi quá vất vả mệt nhọc lại đi xuất gia Tỳ khưu. Với hình tướng xuất gia Tỳ khưu không hoan hỷ vui thích, ông ta lại hoàn tục trở về đời sống tại gia; sau đó lại xuất gia Tỳ khưu. Theo cách như vậy ông ta đã xuất gia Tỳ khưu rồi hoàn tục đến 6 lần. Trong lúc xuất gia Tỳ khưu cũng không phải lâu dài gì, chỉ xuất gia được trong vòng một vài ngày ngắn ngủi. Ông ta đã có vợ. Vì vậy, cứ mỗi lần nhớ vợ là lại hoàn tục; rồi đến khi làm việc vất vả cực nhọc, lại đi xuất gia Tỳ khưu. Trong thời kỳ đức Phật còn tại thế mà cũng đã từng có loại người như thế này rồi! Thật đáng ngạc nhiên! Trong lịch sử Phật giáo lưu truyền lại không tìm thấy họ tên thật của ông ta, mà chỉ thấy lưu truyền tên do chư vị Tỳ khưu ở trong chùa thường hay gọi lên để châm chọc. Tên gọi để châm chọc đó là “Cittahaṭṭha”. “Cittahaṭṭha” có nghĩa là “người làm theo tham muốn của tâm”. Chính với cái tên này cũng đã quá nổi bật rồi.

Trong bổn phận và trách nhiệm phục vụ, hộ độ chùa và Tăng chúng, ông ta là người thực hiện rất tận tình chu đáo. Vì vậy, mỗi lần đến chùa để xin xuất gia Tỳ khưu, những vị Tỳ khưu trong chùa đều rất hoan nghênh và nhiệt tâm làm lễ xuất gia cho ông ta. Vợ của ông ta cũng là người tốt. Bởi không thấy cảnh cô ta ngăn cản hay làm khó dễ mỗi khi chồng mình đi xuất gia Tỳ khưu. Nhưng có điều chắc chắn, là dù gì cũng phải chịu đựng một cảm giác khó tỏ bày nào đó bên trong mình. Tuy nhiên, người mẹ vợ lại luôn lo lắng khổ tâm thay cho con gái mình, mỗi khi chứng kiến con rể xuất gia Tỳ khưu.

Đúng thật ra, Trưởng lão Cittahaṭṭha là vị có pāramī tròn đủ (vị Bồ Tát). Tuy là vị có pāramī, nhưng hành động và cử chỉ của vị ấy lại không giống với một vị có pāramī chút nào cả. Hoặc nói theo cách như người đời thường nói, đó là không có một ai sẽ nói ông ta là người có pāramī (Bồ Tát) cả. Chốc chốc lại xuất gia, chốc chốc lại hoàn tục; cũng không phải lần một, lần hai, mà đến những sáu lần. Cho nên, ngoài cách nghĩ ông ta là người sống buông thả dễ dãi ra, cũng chẳng ai là người có thể nghĩ ông ta là vị có pāramī (vị Bồ Tát) được! Tính chất của pāramī, quả thật rất sâu sắc, khó có thể biết được. Với tính cách của những người sống buông thả dễ dãi như vậy, nhưng bên trong số người ấy lại còn có thể có những vị đầy đủ pāramī, thì quả thật là rất khó để nói rằng, trong thế gian này không có những vị pāramī già dặn, cứng cáp. Cho nên, có lẽ câu chuyện về Trưởng lão Cittahaṭṭha vì thế mà được lưu truyền lại, không ngoài mục đích khiến cho mọi người có thể phán đoán được tính chất của pāramī có trong thế gian này.

Trưởng lão Cittahaṭṭha quả đúng thật là người chạy theo tham muốn của tâm. Tuy nhiên, vị ấy lại không biết chính mình là người đang sống như vậy. Sự không biết ấy là do chưa có trí tuệ “thấy biết như thật” (yathābhūta: có sao biết như vậy), nên không biết ra được điều đó. Bởi thật ra, sự đạt được trí tuệ thấy biết như thật, đó là bắt đầu của sự đạt được trí tuệ thấy biết đúng sự thật. Nói theo tính chất của pháp, của tự nhiên, thì các trí tuệ sẽ đến, sẽ phát sinh tuần tự là trí tuệ thấy biết như thật (yathābhūta: có sao thấy biết vậy); rồi đến trí tuệ nhàm chán (nibbidā: ngán ngẩm); đến trí tuệ xa lìa ái dục (virāga: viễn ly tham ái). Một khi thấy biết đúng như thật thì sẽ nhàm chán. Một khi đã nhàm chán thì không còn tham muốn, ái luyến nữa. Sự không còn tham muốn, ái luyến nghĩa là đã chứng đắc được trí tuệ Thánh đạo. Do đó, đối với người đã có được trí tuệ thấy biết như thật, thì đối tượng nào đến thì đến, muốn đến cứ đến, không sao cả. Tất cả đều có thể quán chiếu để đem lại lợi ích với sự hiểu biết điều hướng tâm một cách chân thực (yoniso-manasi-kāra: điều hướng tâm đúng theo sự thật). Dù khi bất thiện đến cũng thấy biết rõ đúng là bất thiện; hoặc khi thiện đến cũng thấy biết rõ đúng là thiện. Không nghĩ rằng bất thiện là thiện; cũng không nghĩ rằng thiện là bất thiện. Khi sinh khởi chỉ biết rằng sinh khởi; và khi có (thật) cũng chỉ biết rằng có (thật). Sự thấy biết rõ như vậy gọi là trí tuệ thấy biết rõ đúng như thật (yathābhūtañāṇa: có sao biết vậy).

Trưởng lão Cittahaṭṭha sau khi hoàn tục lần thứ sáu, đã trở lại là một người nông dân làm công việc gần khu rừng. Công việc thì lại quá ư vất vả cực nhọc. Vì vậy, ông ta muốn xuất gia Tỳ khưu trở lại. Và để chuẩn bị chu đáo mỗi khi xuất gia Tỳ khưu, ông ta đã cất giữ sẵn những bộ y ở trong nhà. Trong một ngày kia, tâm ông ta lại nghĩ đến việc mặc y xuất gia Tỳ khưu. Do đó, ông ta từ thửa ruộng gần rừng đã vác cày đem về nhà cất giữ, rồi đi vào trong nhà để lấy y bát. Khi vào đến phòng ngủ, nhìn thấy người vợ đang mang thai, nằm ngủ say sưa một cách xấu xí, đáng ghê tởm, Cittahaṭṭha có được đề mục “quán tưởng tử thi” (asubha-saññā) trong đối tượng là người vợ của ông ta. Sau đó, có được đề mục “quán tưởng vô thường” (aniccasaññā) của đối tượng thân thể tổng hợp khandha. Chính ngay lúc ấy, ông ta đã đi thẳng đến chùa để xuất gia Tỳ khưu. Ở trong căn nhà sát bên, người mẹ vợ nhìn thấy hành động của con rể, nên đã sang nhà của con gái để xem xét tình hình. Và khi nhìn thấy cảnh tượng của con gái đang nằm ngủ, người mẹ ấy đã hiểu ra được quyết định của chàng rể mình. Người con rể đã từng nhiều lần xuất gia Tỳ khưu, trước đây lần nào cũng thưa chuyện rõ ràng với bà rồi mới đi. Nhưng trong lần này, người con rể không hề nói gì, mà cậu ta tự chính mình quyết định với mình, rồi bỏ đi xuất gia Tỳ khưu. Người con rể hình như đã quá nhàm chán, ngán ngẩm cuộc sống tại gia thật rồi. Vì vậy, người mẹ đã rất lo lắng thay cho con gái của mình. Người mẹ đã đánh thức con gái dậy và tường thuật rõ mọi chuyện, nhưng người con gái không giống như người mẹ; đã không tỏ ra một chút lo lắng nào, lại còn bảo với mẹ: “Mẹ đừng lo lắng gì cho mệt, không được bao lâu ông ta lại trở về như xưa”.

Cittahaṭṭha lần này đã thật sự có được sự rúng động tâm can, kinh hãi cuộc đời. Trong khi đang đi trên đường ông ta đã quán xét về sự quán tưởng tử thi (bất tịnh) của thân thể tổng hợp khandha. Và khi ấy, cũng đã quan sát, quán xét về tính chất vô thường, tính chất khổ, tính chất vô ngã của thân thể tổng hợp khandha. Chính ngay lúc đang còn trên đường đi, chưa đến chùa, thì Cittahaṭṭha đã chứng đạt thành bậc Thánh Nhập Lưu. Sự chứng ngộ được pháp đặc biệt cao thượng quả thật không cần phải có thời gian lâu dài gì!

Cittahaṭṭha đã đến thời gian pāramī chín muồi. Đó chính là khi đến thời ra nụ, sẽ cho ra nụ; khi đến thời nở hoa, sẽ nở hoa. Đối với Cittahaṭṭha đã đến thời gian nở hoa sự thật của bậc Thánh. Trong việc chuyển hóa từ hạng thuộc số lượng qua hạng thuộc năng lực, chất lượng; thì theo đó hạng thuộc số lượng, phải làm sao cho có đầy đủ các yếu tố điều kiện mang tính chất nguyên nhân có năng lực để trở nên chất lượng. Những yếu tố điều kiện mang tính chất nguyên nhân (những tác nhân) hạng thuộc số lượng cần làm cho được đầy đủ, đó là những gì thích nghi phù hợp (sappāya) đối với chính mình, khi có được tác nhân điều kiện cuối cùng ấy, là đã có thể đạt đến hạng thuộc năng lực, chất lượng. Tác nhân thích nghi phù hợp cuối cùng để đưa đến thay đổi ấy, gọi là “thấy biết lại một cách đặc biệt hơn” (paccabhiññāṇa: nhận biết ra, giác ngộ sự thật”. Đối với Cittahaṭṭha để từ hạng phàm nhân đạt đến hạng Thánh nhân, với pháp làm điều kiện, nguyên nhân (tác nhân) thích nghi phù hợp cuối cùng (paccabhiññāṇa) không gì khác, đó chính là đối tượng người vợ mang thai đang ngủ mê mệt với tư thế xấu xí, đáng ghê tởm. Theo như trong bộ Paṭṭhāna, phần Upanissayapaccaya (nhân duyên nương nhờ lớn), những tác nhân thích nghi phù hợp để đưa đến sự chuyển hóa, giác ngộ cũng có thể là con người; hoặc cũng có thể là thời tiết; hoặc cũng có thể là vật thực; hoặc cũng có thể là nơi chốn, trú xứ. Cittahaṭṭha có được tác nhân để có thể làm cho pāramī của mình trở nên thích nghi phù hợp cho sự giác ngộ, đó chính là người vợ mang thai đang nằm ngủ mê mệt ấy.

Giờ đây, Cittahaṭṭha đã trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu. Khi ông ta xin phép được xuất gia Tỳ khưu, các vị Tỳ khưu khác chế nhạo rằng: “đầu của ông chẳng khác nào viên đá mài dao”, rồi xuất gia Tỳ khưu cho ông ta. Tỳ khưu Cittahaṭṭha khi tiếp tục quan sát, quán xét sinh-diệt của thân thể tổng hợp khandha, chỉ với trong thời gian 2, 3 ngày là đã chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán với đầy đủ 4 tuệ phân tích (catu-paṭisambhidā).

Dù bị chư Tỳ khưu chất vấn: “lần này sao ông xuất gia Tỳ khưu lâu vậy?” nhưng Trưởng lão Cittahaṭṭha đã không trả lời trực tiếp rằng mình đã trở thành bậc Thánh Á-rá-hán. Bởi vì, đã là một bậc Thánh Á-rá-hán, thì không bao giờ nói cho người khác biết mình là một bậc Thánh Á-rá-hán. Chính điều này gọi là “appiccha”. Appiccha có nghĩa là không muốn hoặc muốn ít, (Hán dịch: thiểu dục). Trưởng lão Cittahaṭṭha đã thưa trình, trả lời đến các vị Tỳ khưu như sau:

  • Thưa quý huynh đệ! Khi tâm của tôi còn mong muốn các mối liên hệ kết giao nên đã quay trở lại nhà. Sự mong muốn các mối liên hệ kết giao đó tôi đã cắt đứt, nên nay tôi đã đạt được tính chất của sự không trở về nhà.

Nghe vậy, các vị Tỳ khưu đã gọi Trưởng lão Cittahaṭṭha cùng đi đến diện kiến đức Phật và trình bạch lên Ngài:

  • Kính bạch Đức Thế Tôn! Trưởng lão Cittahaṭṭha đã trả lời câu hỏi của chúng con như vậy, như vậy bạch Ngài. Trả lời như mình là một bậc Thánh Á-rá-hán, đó là lời nói khoe khoang không chân thật, bạch Ngài.

Sau khi dạy bảo phán xét Trưởng lão Cittahaṭṭha là người nói lời chân thật, Đức Phật đã thuyết giảng bài kệ pháp bảo sau:

(Nghĩa của bài kệ)

“Đối với người không có tâm trụ vững (định), không có pháp của bậc Thiện trí (giới), không có đức tin chắc chắn, thì trí tuệ (tuệ) không tròn đủ được. Đối với bậc Thánh Á-rá-hán không có tham ái; không có sân hận; đã diệt được cả 2 nghiệp: thiện và bất thiện; đã có các năng lực như: đức tin… gồm cả 5 thành phần làm chủ (indriya) luôn luôn tỉnh thức, nên không còn có nguy hiểm do phiền não ô nhiễm nữa.”

Để có được trí tuệ thấy biết rõ sự thật của bậc Thánh, thì cần phải thấy biết rõ đúng theo sự thật sinh-diệt của thân thể tổng hợp khandha. Và để có thể thấy biết rõ đúng sự thật sinh-diệt của thân thể tổng hợp khandha, thì cũng cần một con mắt đủ năng lực có thể thấy rõ mới được. Con mắt đủ năng lực có thể thấy biết rõ, đó chính là có được định tâm (thiền định). Chính sự có được định tâm này mà trong các kinh sách thường hay gọi một cách ẩn dụ là “con mắt mới đã phát sinh lên” (cakkhuṃ udapādi). Bởi thật ra, với con mắt thịt bình thường của chúng ta, thì không thể thấy tâm tính-sắc thân (nāma-rūpa) được; chỉ duy nhất với con mắt trí tuệ mới có thể thấy biết rõ được tâm tính-sắc thân. Vì vậy, một khi quan sát, quán xét thực hành pháp thiền vipassanā, để thấy biết được tâm tính và sắc thân, thì điều trước tiên là cần phải làm sao cho có được con mắt trí tuệ. Con mắt trí tuệ đó chính là năng lực tốt của định tâm. Điều này gọi là định thanh tịnh (cittavisuddhi), hoặc gọi là định an trụ (avaṭṭhitacitta: tâm trụ vững). Tâm có trụ vững, mới có được trí tuệ thấy biết. Có được trí tuệ thấy biết, mới có thể quan sát, quán chiếu thấy biết rõ tâm tính-sắc thân. Một khi có thể quan sát, quán xét thấy biết rõ tâm tính-sắc thân, thì mới thấy biết rõ được sinh-diệt của chúng. Chỉ khi thấy biết rõ được sinh-diệt của tâm tính-sắc thân (nāma-rūpa), mới thấy biết rõ nơi không có sinh-diệt là Niết-bàn. Sự thấy biết rõ Niết-bàn chính là trí tuệ tròn đủ. Cho nên, cần phải làm cho trí tuệ tròn đủ mới có khả năng quan sát, quán xét để thấy biết rõ Niết-bàn. Để trí tuệ tròn đủ, thì cần phải có định tâm đầy đủ. Và để định tâm đầy đủ, thì cần phải có giới hạnh đầy đủ.

Do đó, điều trước hết là cần phải làm cho giới hạnh tròn đủ. Sau khi giới hạnh tròn đủ, thì thực hành làm cho định tâm được tròn đủ. Trong việc thực hành làm cho định tâm được tròn đủ, điều thiết yếu là cần phải có đức tin (saddhā) vững chắc. Nếu mình không đặt niềm tin vào công việc pháp hành của chính mình, thì khó có được định tâm. Nếu không có được định tâm, thì khó có được trí tuệ tròn đủ. Khi trí tuệ không tròn đủ, thì không thấy biết rõ tâm tính và sắc thân; không thấy biết rõ sinh-diệt của tâm tính-sắc thân; và cũng không thấy biết rõ được Niết-bàn, nơi đoạn tận hoàn toàn sự sinh-diệt của tâm tính-sắc thân. Khi ấy, thì chỉ có sự nguy hiểm, tai hại của phiền não ô nhiễm càng phát triển dày dặn hơn mà thôi. Một khi không thể thấy biết rõ tâm tính và sắc thân đúng sự thật chỉ là tâm tính và sắc thân, mà lại thấy biết sai lệch là nhân vật, là chúng sinh, thì cũng là lúc sự nguy hiểm, tai hại do phiền não ô nhiễm xâm nhập vào.

Có 6 cửa (dvāra) là nơi gặp gỡ, tiếp xúc của chủ thể tiếp nhận đối tượng (ārammaṇika) và đối tượng (ārammaṇa) của nó. Trong 6 cửa ấy, đối tượng sẽ hiện rõ lên trong đó. Có các pháp āsava luôn luôn đứng sẵn vây quanh 6 cửa ấy. (“Āsava”: có rất nhiều nghĩa; nghĩa chính yếu ở đây là những yếu tố tự nhiên sinh khởi lên, chảy rỉ (lậu) ra từ 6 cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (tâm, thức). Hán dịch: “lậu hoặc”; gồm có “kāma: tham muốn hưởng thụ”; “bhava: tham muốn sở hữu”; “diṭṭhi: tri kiến sai lệch”; “avijjā: vô minh”). Vì vậy, mỗi khi các đối tượng hiện rõ vào trong các cửa tương ứng, chúng phải đi ngang qua các pháp āsava. Ngay khi đi ngang các pháp āsava, thì cũng là lúc mỗi mỗi đối tượng ấy, do bị năng lực lừa dối (māyā) của chúng chi phối, nên dù các đối tượng ấy không phải là nhân vật, chúng sinh, sự vật… nhưng lại thay đổi thành hình dáng nhân vật, chúng sinh, sự vật… Những đối tượng ấy không phải là loài hữu tình (có sinh mạng), nhưng lại thay đổi thành hình dáng của loài hữu tình (có sinh mạng). Tâm nhận biết là chủ thể tiếp nhận đối tượng (ārammaṇika) cũng vậy, khi đi ngang qua các pháp āsava, thì liền ngay lập tức do bị năng lực lừa dối (māyā) của chúng chi phối, nên dù chỉ có tâm nhận biết nhưng không gọi đúng là “tâm nhận biết”, mà đã nhồi nhét “cái ta” (atta: linh hồn thường hằng) vào trong tâm, rồi nhận rằng “ta biết”. Chỉ có thọ (vedanā) tiếp nhận cảm giác, nhưng không gọi là thọ tiếp nhận cảm giác, mà đã nhồi nhét “cái ta” (atta) vào trong đó, rồi nhận rằng “ta hưởng thụ cảm giác”. Do đó, khi có “ta: atta” xâm nhập vào; nếu là đối tượng ưa thích, thì tham ái (rāga) bám víu xâm nhập vào; còn nếu là đối tượng không ưa thích, thì sân hận (dosa) xâm nhập vào. Những điều này chính là những phiền não kẻ thù.

Để khiến cho những kẻ thù phiền não không thể xâm nhập vào được, thì cần phải nỗ lực tinh tấn làm cho tiêu tan hết các pháp āsava. Một khi các pháp āsava bị tiêu tan hết, thì đối tượng và tâm, chủ thể tiếp nhận đối tượng, không cần phải đi ngang qua chúng nữa, mà chỉ hiện rõ lên tính chất như thật (pakati) của chính mình, khi hiển hiện rõ ràng qua các cửa tương xứng tùy theo mỗi đối tượng và chủ thể nhận biết. Nghĩa là đối tượng tâm tính-sắc thân sẽ hiển hiện rõ ràng theo chính nó là đối tượng tâm tính-sắc thân; chứ không hiển hiện lên trở thành theo hình dáng nhân vật, chúng sinh, sự vật nữa. Và những tâm nhận biết là chủ thể tiếp nhận đối tượng (ārammaṇika) cũng vậy, nó chỉ biết với vai trò là “tâm biết”; chứ không phải biết với vai trò “tâm ta biết”. Khi ấy tham muốn dính mắc (rāga) cũng không cần phải sinh khởi lên làm gì; sân hận cũng không cần phải sinh khởi lên làm gì; hay bất cứ một phiền não ô nhiễm nào cũng không cần phải sinh khởi lên làm gì. Sự cố gắng làm cho các phiền não āsava tiêu tan hết, có nghĩa là phải làm cho có giới hạnh tròn đủ, định tâm tròn đủ, trí tuệ tròn đủ. Trong sự cố gắng thực hành làm cho tròn đủ theo tuần tự từng cấp độ như vậy, thì phải đặt để điều động 5 thành phần có năng lực làm chủ (indriya), sao cho quân bình đồng đều với nhau. Phải cố gắng thực hành để cho từng đôi đức tin và trí tuệ, tinh tấn và định tâm, tròn đủ đồng đều nhau. Trong khi đó chánh niệm (sati), sự chú ý, cần phải được xem trọng và làm cho đầy đủ mọi lúc mọi nơi, không để cho bị gián đoạn dù chỉ chốc lát nào. Khi ấy sẽ thấy biết rõ tâm tính-sắc thân; sẽ thấy biết rõ sinh-diệt của tâm tính-sắc thân; sẽ nhàm chán trong sự sinh-diệt của tâm tính-sắc thân; sẽ thấy biết rõ nơi đoạn diệt hoàn toàn sự sinh-diệt của tâm tính-sắc thân là Niết-bàn. Đây là khi đã hết sạch các pháp āsava (thành phần khiến cho trôi lăn, thấm dột, chảy rỉ trong sinh tử luân hồi). Vị ấy được gọi là Bậc “hết sạch các pháp āsava” (khīṇāsava).

Trưởng lão Cittahaṭṭha là vị đã thực hành làm cho hết sạch các pháp āsava, trở thành một bậc Khīṇāsava; vì vậy là bậc không còn bị nguy hiểm tai hại do phiền não ô nhiễm. Cho nên, đức Phật mới thuyết dạy rằng Trưởng lão không phải là người còn có thể hoàn tục. 

Và kể từ khi ấy, các vị Tỳ khưu mới biết được rằng “Trưởng lão Cittahaṭṭha đã trở thành một bậc Thánh Á-rá-hán”. Bài pháp bảo này đem lại rất nhiều lợi ích cho hội chúng nghe pháp. Pāramī quả thật rất vi tế, bởi vì không thể đoán biết hay quyết định được rằng: chính mình, hoặc những người khác là những người không thể có được pāramī (phước duyên) để chứng đắc được trí tuệ sự thật chân lý của bậc Thánh.

Trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, trong ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, hằng ngày đều có lễ hội thuyết giảng pháp bảo (pháp hội). Đến với lễ hội pháp bảo (pháp hội) ấy có cả hội chúng Tỳ khưu xuất gia và hội chúng người tại gia cùng tham dự để nghe pháp. Cứ mỗi lần nghe được những pháp bảo đức Phật thuyết, thì tùy theo pāramī của mình mà ai cũng đều tự chính mình thọ hưởng pháp vị cả.

Trong một pháp hội nọ, các vị Tỳ khưu đã bàn tán về những vấn đề “tâm rúng động” (saṃvega) liên quan đến Trưởng lão Cittahaṭṭha. “Trưởng lão Cittahaṭṭha là vị có thể làm cho các vị Tỳ khưu sống trong ngôi chùa Jetavana phát sinh sự rúng động, kinh hãi. Bởi Trưởng lão là vị đã xuất gia Tỳ khưu rồi lại hoàn tục đến 6 lần. Nhưng chỉ trong lần thứ 7 xuất gia Tỳ khưu lại chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán với đầy đủ 4 loại trí tuệ phân tích. Đối với một vị có pāramī già dặn như thế này mà phiền não vẫn có thể làm cho lay động, đe dọa khiếp sợ được. Năng lực phiền não (kilesa) quả thật là quá sắc bén! Phiền não là điều thật sự đáng kinh hãi!” Trong pháp hội hôm ấy các vị Tỳ khưu đã nói lên những lời rúng động như vậy.

Trong hội chúng Tỳ khưu tham dự pháp hội ấy, cũng có những vị Tỳ khưu phàm nhân cao quý là những bậc có giới hạnh tròn đủ. Khi chưa chứng kiến những sự kiện xảy ra của Trưởng lão Cittahaṭṭha, những vị Tỳ khưu phàm nhân cao quý ấy họ rất tự tin vào giới hạnh của họ. Họ rất tự hào ỷ lại (nương tựa, dựa dẫm) vào giới hạnh của họ. Họ rất tự tin vào định tâm của họ. Họ rất tự hào ỷ lại (nương tựa, dựa dẫm) vào định tâm của họ. Họ rất tự tin vào trí tuệ của họ. Họ rất tự hào ỷ lại (nương tựa, dựa dẫm) vào trí tuệ của họ. Họ không biết đúng sự thật về năng lực sức mạnh của phiền não. Vì vậy, họ đã xem thường phiền não. Họ còn nghĩ rằng, các phiền não không thể nào có được khả năng làm lay động, đe dọa đến giới hạnh, định tâm, trí tuệ của họ.

Bây giờ họ đã tận mắt chứng kiến cuộc đời Trưởng lão Cittahaṭṭha. Đã phải 6 lần hoàn tục sau khi xuất gia Tỳ khưu. Chính những vị Tỳ khưu thân thiết với Trưởng lão Cittahaṭṭha cũng đã từng nhìn nhận Trưởng lão là “người chẳng ra gì”. Thậm chí ngay đến cả người vợ trước đây của Trưởng lão cũng không coi trọng sự xuất gia Tỳ khưu của Trưởng lão. Vì vậy, mà ngay đến cả lần sau cùng Trưởng lão đi xuất gia Tỳ khưu, cô ta cũng còn nói với mẹ của mình câu mỉa mai rằng “Ối chà! Không lâu lại quay trở về thôi mẹ ơi!”. Dưới con mắt của mọi người, thì sự xuất gia Tỳ khưu của Trưởng lão luôn bị coi thường, chỉ là trò cười. Thật đáng xấu hổ biết nhường nào! Thật ra, Trưởng lão Cittahaṭṭha ngay kiếp hiện tại này sẽ chứng đắc trực tiếp Á-rá-hán Thánh quả, là một bậc có “kiếp sống cuối cùng” (pacchima-bhavika). Mặc dù vậy, những phiền não vẫn còn có thể khiến cho vị ấy phải chịu xấu hổ. Trong khi những hạng phàm nhân như bao người, thì dù có giữ gìn giới hạnh bao nhiêu đi nữa; dù có thực hành định tâm bao nhiêu đi nữa; dù có phát triển trí tuệ bao nhiêu đi nữa; nhưng một khi các phiền não có được cơ hội từ chúng ta, chắc chắn rằng chúng sẽ khiến chúng ta phải chịu xấu hổ giữa cuộc đời, giữa thế gian; chắc chắn sẽ làm mất điều lợi ích tốt đẹp. Chư vị Tỳ khưu đã hiểu rõ tính chất này như vậy.

Do đó, họ đã không còn gan dạ với tâm lý tự tin nơi chính mình rằng: “Ta là người thực hành giới hạnh tròn đủ, sẽ không khi nào làm người khác tổn thương, đau khổ nữa”. Họ cũng bắt đầu cảm thấy đắn đo, khó khăn hơn trong việc khẳng định chắc chắn với chính mình rằng: “Ta là người có định tâm tròn đủ, sẽ không bao giờ thiên vị một điều gì đối với người khác”. Họ cũng không còn can đảm tự chính mình nói lên rằng: “Ta là người có trí tuệ tròn đủ, sẽ không bao giờ làm việc bất chánh, phi pháp đối với người khác”.

Từ tấm gương của Trưởng lão Cittahaṭṭha, giờ đây họ đã hiểu biết được rằng, đã là tham lam (lobha) nghĩa là chỉ khi chưa có đối tượng như nó tham muốn, thì giới-định-tuệ của mình mới có năng lực chống chịu được. Còn nếu một khi tham muốn gì được đó, thì nó sẽ đạp đổ giới-định-tuệ của mình, và sẽ khiến cho mình phải chịu xấu hổ không đáng có giữa cuộc đời. Sân hận (dosa) cũng vậy, chỉ khi chưa có đối tượng lớn lao để phát sinh sự giận dữ, thì giới-định-tuệ của mình mới có năng lực chống chịu được. Còn nếu một khi gặp đối tượng đáng giận dữ lớn lao, thì nó sẽ đạp đổ giới-định-tuệ của mình và sẽ khiến cho mình phải chịu xấu hổ không đáng có giữa cuộc đời. Si mê (moha) cũng vậy, chỉ khi chưa gặp đối tượng quá mê mờ, thì giới-định-tuệ của mình mới có năng lực chống chịu được. Còn nếu một khi có đối tượng đáng mê mờ lớn lao, thì nó cũng sẽ đạp đổ giới-định-tuệ của mình và sẽ khiến cho mình phải chịu xấu hổ không đáng có giữa cuộc đời. Thật sự giới-định-tuệ của hạng phàm nhân một khi rơi vào trường hợp quan trọng của chính mình, khi mà bị áp bức, dồn vào tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, thì chẳng có gì đáng để ỷ lại dựa dẫm, nương tựa cả. Các vị Tỳ khưu đã rúng động, kinh sợ thảo luận như vậy tại pháp hội ấy.

Đức Phật sau khi biết được sự rúng động, kinh hãi của các Tỳ khưu, Ngài đã ngự đến pháp hội thuyết giảng về câu chuyện tiền thân Kudālapaṇḍita. Theo như trong câu chuyện Kudālapaṇḍita mà đức Phật thuyết giảng, đã chỉ ra cho hội chúng trong pháp hội ấy biết rằng; đừng nói là những nhân vật (puggala) thuộc loại như Trưởng lão Cittahaṭṭha, mà ngay cả với đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác, tiền thân của đức Phật Toàn Giác, các phiền não (những thành phần có năng lực làm cho tâm ô nhiễm) cũng đã khiến cho xấu hổ những điều không đáng có ngay giữa cuộc đời. Chư vị Tỳ khưu giờ đây cũng đã hiểu biết rõ ra được điều đó. 

Nếu các phiền não là những sắc chất có hình dạng và có thể gom lại, chồng chất được, thì dù cả Thái dương hệ (Cakkavaḷā) cũng quá ư nhỏ hẹp! Cõi Phạm thiên cũng còn quá ư thấp bé! Bởi thật ra, chính ngay thế gian (thế giới và cuộc đời) cũng chỉ là một dạng, mang dáng dấp hình tướng của những phiền não tiềm ẩn (anusaya-kilesa) mà thôi. Vì vậy, mới nói rằng chính ngay khi giải thoát khỏi những phiền não tiềm ẩn (anusaya), gọi là giải thoát khỏi thế gian. Đức Phật muốn cho hội chúng tham dự pháp hội hiểu biết được năng lực ghê gớm của phiền não qua câu chuyện tiền thân Kudālapaṇḍita, nên Ngài đã thuyết giảng giải rộng như sau:

Trong quá khứ, thời kỳ Vua Brahmadatta trị vì vương quốc Bāraṇasī. Khi ấy đức Bồ Tát, tiền thân đức Phật Gotama, đã sinh làm một người nam trong gia đình nông dân, tên gọi là Kudālapaṇḍita. Ông ta là một người nông dân chính hiệu. Mặc dù ông ta là một nông dân chính hiệu, nhưng không phải người chuyên canh trồng lúa, mà là người chỉ chuyên canh về trồng ngô (bắp). Tuy gọi ông ta là người chuyên canh về trồng ngô (bắp), nhưng không dùng đến cày bừa để trồng trọt cho được nhiều; mà ông ta chỉ dùng cái cuốc để trồng trọt. Vì vậy mà ông ta mới có cái tên là Kudālapaṇḍita. Kudāla-paṇḍita có nghĩa là người dùng cuốc thiện nghệ. Ngay khi nói đến việc chỉ dùng cuốc để trồng trọt, thì cũng biết được rằng ông ta không thể trồng trọt nhiều được. Tuy nhiên, ông ta lại rất quý trọng diện tích của mình canh tác được; quý trọng cái cuốc của mình; quý trọng hạt ngô giống của mình.

Bởi thật ra, ông Kudālapaṇḍita với tâm lý là chủ sở hữu (attaniya: của ta), nên đã nắm giữ, trói buộc ruộng vườn của ta, cái cuốc của ta, hạt ngô giống của ta vậy. Tuy nhiên, ông ta lại không biết được rằng, chính ruộng vườn của ông ta, cái cuốc của ông ta, hạt ngô giống của ông ta, với tính chất người chủ của chúng, nó cũng nắm giữ, trói buộc trở lại giống như vậy. Hoặc có thể nói một cách khác, ông Kudālapaṇḍita với vai trò làm chủ, đã nắm giữ, trói buộc diện tích ruộng vườn, cái cuốc và hạt ngô giống. Theo một cách như vậy, thì diện tích ruộng vườn, cái cuốc và hạt ngô giống, với vai trò Kudālapaṇḍita là người chủ của chúng, cũng nắm giữ, trói buộc ngược trở lại vậy. Đã là ta (atta) và của ta (attaniya) thì không chỉ có giới hạn nơi loài hữu tình mới có sự nắm giữ, trói buộc như vậy không thôi đâu; mà theo như tính chất của đối tượng và chủ thể tiếp nhận đối tượng, nó cũng hiện hữu cả nơi loài vô tình nữa. Kudālapaṇḍita đã không nghĩ ra được tính chất này. Ông ta đã không nghĩ rằng một khi mình nắm giữ, trói buộc sự vật, thì chính sự vật cũng nắm giữ, trói buộc lại mình. Trong những của cải tài sản với vai trò đối tượng tiềm ẩn (ārammaṇānusaya), chúng cũng có năng lực nắm giữ, trói buộc lên người chủ. Trong những nhân vật (puggala) cũng vậy, với vai trò thân thể tổng hợp khandha tiềm ẩn (santānānusaya), nó cũng có năng lực nắm giữ, trói buộc lên của cải tài sản. Như vậy, giữa chủ sở hữu và vật sở hữu, với vai trò ta và vật của ta, sẽ luôn luôn có sự nắm giữ, trói buộc lẫn nhau. Khi Kudālapaṇḍita nghĩ ra được như vậy, ông ta đã từ bỏ những diện tích ruộng vườn của mình, cái cuốc của mình, hạt ngô giống của mình, để đi vào dãy núi Himavanta xuất gia làm đạo sĩ. Mặc dù vậy, ông ta vẫn để chừa lại trong nhà khoảng một bát lớn hạt ngô giống.

Mùa mưa lại đến, ruộng vườn, cái cuốc, hạt ngô giống của Kudālapaṇḍita với vai trò đối tượng tiềm ẩn (ārammaṇā-nusaya), cũng đã chứng tỏ năng lực với ông chủ của chúng. Kudālapaṇḍita không thể chịu nổi với đời sống xuất gia đạo sĩ. Ông đã rất nhớ ruộng vườn, cái cuốc, hạt ngô giống của mình. Vì vậy, ông ta đã hoàn tục để làm công việc trồng ngô như lúc trước. Sau đó, vì chán ngán cuộc sống thế tục, lại bỏ đi xuất gia làm đạo sĩ, vào sống trong núi Himavanta. Một thời gia sau lại hoàn tục gieo trồng ngô như trước. Và cứ hoàn tục gieo trồng ngô như vậy đến sáu lần liên tiếp.

Đến lần thứ bảy Kudālapaṇḍita đã biết được tại vì ruộng vườn của mình, cái cuốc của mình, hạt ngô giống của mình, chúng với vai trò đối tượng tiềm ẩn nhận mình làm chủ sở hữu, nên chúng đã nắm giữ, trói buộc mình. Trong khi trước đây, ông ta chỉ biết được rằng chính ông ta mới có quyền sai khiến của cải tài sản của mình; mà không biết rằng của cải tài sản ấy, chúng cũng có thể sai khiến ngược trở lại chính mình giống như vậy. Bây giờ ông ta đã biết được rồi. Trong của cải tài sản cũng vậy, chúng với năng lực là đối tượng tiềm ẩn cũng có thể chi phối lên chủ nhân của chúng. Đối với người chủ nhân cũng vậy, tùy theo vị thế mà có năng lực chi phối của cải tài sản của mình. Năng lực đó được gọi là phiền não tiềm ẩn bên trong thân thể tổng hợp khandha (santānānusaya). Và trong của cải tài sản cũng vậy, tùy theo vị thế mà cũng có năng lực chi phối lên người chủ của mình. Năng lực ấy gọi là đối tượng tiềm ẩn (ārammaṇānusaya). Cho nên, không thể coi thường của cải tài sản của mình được. Bởi chính trong chúng cũng mang năng lực giống như chúng ta vậy.

Chỉ khi nào Kudālapaṇḍita trừ diệt được năng lực đối tượng tiềm ẩn nơi những của cải tài sản của mình, thì khi ấy ông ta với cuộc đời đạo sĩ, rồi sống trong núi Himavanta mới có thể thực hành pháp thiền một cách trọn vẹn được. Trước đây, chỉ vì ông ta không biết được như vậy, nên mới phải chịu cảnh 6 lần liên tiếp hoàn tục. Bây giờ đây, trong lần thứ bảy đã không còn hoàn tục nữa. Bởi vì, ông ta đã biết rõ được năng lực của tài sản, nên chỉ còn tìm cách để trừ diệt năng lực ấy nữa mà thôi. Kudālapaṇḍita sau khi suy nghĩ điều này, đã buộc cái cuốc và hạt ngô giống của mình lại với nhau. Tiếp theo để không còn nhớ nơi mình đã quăng bỏ chúng, ông ta đã quay mặt đi và ném chúng thật xa xuống sông Gaṅga. Sau đó ông ta đã quay lại nhìn kỹ xem nơi cái cuốc được ném xuống, nhưng ông ta không nhớ ra chỗ nào. Giờ đây, ông ta đã trừ diệt được năng lực đối tượng tiềm ẩn mà cái cuốc và hạt ngô giống của ông ta đã từng chi phối lên chính ông ta. Khi đã chiến thắng cái cuốc, thì sẽ chiến thắng luôn ruộng vườn và hạt ngô giống. Do vậy, ông ta với tâm trạng hết sức hoan hỷ, vui sướng đứng bên bờ sông Gaṅga hét to lên rằng “Ta đã chiến thắng rồi! Ta đã chiến thắng rồi!”.

Cũng trong thời gian ấy, đức Vua Bāraṇasī sau khi ngự giá thân chinh đánh thắng quân xâm lược biên giới, đang cho dựng trại nghỉ ngơi bên dòng sông Gaṅga. Khi nhà Vua đang chuẩn bị xuống sông để tắm đã nghe được âm thanh hét to vui sướng của Kudālapaṇḍita. Nhà Vua đã đi theo hướng phát ra âm thanh ấy, nên đã gặp được đạo sĩ Kudālapaṇḍita. Khi nhà Vua hỏi: 

  • Tôi là người chiến thắng kẻ thù ở biên giới, còn Đạo sĩ là người chiến thắng ai vậy?
  • Sự chiến thắng của Đại vương là sự chiến thắng kẻ thù bên ngoài. Sự chiến thắng của bần đạo là sự chiến thắng kẻ thù bên trong. Sự chiến thắng kẻ thù bên ngoài, sẽ có thể bại trận trở lại. Trong khi sự chiến thắng kẻ thù bên trong, sẽ không còn bị bại trận trở lại nữa. Sự chiến thắng của bần đạo là sự chiến thắng tham muốn (lobha) bên trong mình. Vị đạo sĩ Kudālapaṇḍita trả lời. Sau đó, vị đạo sĩ đã thuyết pháp đến cho đức Vua Brahmadatta bằng bài kệ sau:

(Nghĩa của bài kệ)

“Sự chiến thắng mà còn có thể bị bại trận trở lại là một sự chiến thắng không hoàn hảo, tốt đẹp. Sự chiến thắng mà không còn bị bại trận trở lại là một sự chiến thắng hoàn hảo, tốt đẹp.”

Bất cứ sự vật nào trong tất cả các sự vật, nó vừa có tính chất đáng ưa thích, tham muốn (assāda); cũng vừa có tính chất lỗi lầm, không đáng ưa thích (ādīnava); lại vừa có tính chất từ bỏ, thoát ly (nissaraṇa). Trong tất cả mọi sự vật đều có đủ 3 tính chất này vậy. Theo như tính chất ưa thích, một khi mình chưa có được sự vật, thì muốn có nó cho bằng được; điều này được gọi là “tham ái muốn có được” (kāmataṇhā). Sau khi có được rồi sẽ yêu mến, quý trọng nó; cất giữ, bảo vệ để không bị hư mất; điều này được gọi là “tham ái muốn nắm giữ, được sở hữu” (bhavataṇhā). Một thời gian lâu sau tự chính mình sẽ thấy ra những lỗi lầm, bất như ý trên sự vật mà mình đã từng yêu mến, quý trọng ấy; sẽ trở nên nhàm chán, muốn từ bỏ; điều này được gọi là “tham ái muốn từ bỏ” (vibhavataṇhā). Nhưng nó chưa dừng lại ngang đây, mà nó lại đưa đến tham muốn một cái mới khác. Và như vậy “tham ái muốn có được” sẽ bắt đầu lại từ đầu.

Trong cuộc đời, với cách thức này nên tham muốn cho có được, rồi giữ gìn, rồi từ bỏ; sau đó lại muốn có được, rồi giữ gìn, rồi từ bỏ… theo đó mà 3 tham ái gồm tham ái muốn có (kāmataṇhā), tham ái muốn nắm giữ (bhavataṇhā), tham ái muốn từ bỏ (vibhavataṇhā), luôn quay cuồng, giống như một cỗ máy không khi nào dừng nghỉ vậy.

Đã là sự từ bỏ (nissaraṇa), thì cũng có sự từ bỏ do bởi tham ái, và cũng có sự từ bỏ do bởi trí tuệ. Nếu là sự từ bỏ thuộc loại do bởi tham ái, thì tham ái ấy thuộc “tham ái muốn từ bỏ” (vibhavataṇhā). Nếu một khi sự từ bỏ với “tham ái muốn từ bỏ”, thì đó không phải thuộc loại từ bỏ cuối cùng; mà sau đó tham ái muốn có (kāmataṇhā); rồi đến tham ái muốn nắm giữ (bhavataṇhā); rồi lại đến tham ái muốn từ bỏ… hết loại tham ái này đến loại tham ái khác phát sinh theo sau, xoay vần không ngừng nghỉ.

Như trường hợp Trưởng lão Cittahaṭṭha, hoặc như trường hợp đạo sĩ Kudālapaṇḍita đã nhàm chán cuộc đời của mình, nhưng lại từ bỏ chúng thuộc loại từ bỏ do bởi tham ái muốn từ bỏ. Cho nên, mới phải chịu cảnh “xuất gia rồi hoàn tục”, “hoàn tục rồi lại xuất gia” như vậy. Do đó, mới gọi sự từ bỏ ấy, hoặc sự chiến thắng ấy là sự chiến thắng còn có thể bị bại trận trở lại.

Sự chiến thắng do bởi tham ái (taṇhā) sẽ không khi nào là sự chiến thắng cuối cùng, hay là sự chiến thắng hoàn toàn cả. Vì vậy, mới bị gọi là sự chiến thắng không hoàn hảo, không tốt đẹp.

Sự chiến thắng hoàn toàn, sự chiến thắng cuối cùng đó là sự chiến thắng chỉ có được do bởi “trí tuệ chiến thắng”. Trong sự chiến thắng do bởi trí tuệ, thì chỉ khi nào thực hiện tuần tự qua 3 cấp độ trí tuệ gồm: trí tuệ thấy biết rõ sự thật (yathābhūta-ñāṇa), đến trí tuệ nhàm chán (nibbidā-ñāṇa), rồi đến trí tuệ không tham ái (virāga-ñāṇa), mới đúng thật là sự chiến thắng cuối cùng, sự chiến thắng hoàn toàn. Như trường hợp Trưởng lão Cittahaṭṭha, hoặc như trường hợp đạo sĩ Kudālapaṇḍita, trong sự chiến thắng cuộc đời (chiến thắng thế gian), chỉ đến khi chiến thắng do bởi trí tuệ (đến lần thứ bảy), mới có được sự chiến thắng cuối cùng, chiến thắng hoàn toàn.

Khi muốn từ bỏ một sự vật nào, thì không phải muốn từ bỏ sao là từ bỏ một cách tùy tiện được. Bởi vì, sự từ bỏ tùy tiện chỉ là sự từ bỏ bởi tham ái muốn từ bỏ mà thôi; sau đó sẽ lại tham muốn trở lại (nơi cái mới khác) bởi tham ái muốn có (như ban đầu). Vì vậy, đó không thể là sự từ bỏ cuối cùng, sự từ bỏ hoàn toàn. Chỉ có thể từ bỏ với trí tuệ mới là sự từ bỏ cuối cùng, sự từ bỏ hoàn toàn được. Trí tuệ đó gọi là trí tuệ thấy biết như thật (yathābhūta-ñāṇa). Theo như tên gọi trí tuệ thấy biết như thật, thì phải biết rõ mọi chi tiết (trạng thái riêng), cùng với nhân duyên của những gì liên quan đến sự vật mà mình muốn từ bỏ. Một khi biết được như vậy, thì sẽ thấy rõ ra điều muốn từ bỏ, trở nên nhàm chán trong sự vật muốn từ bỏ ấy. Thấy biết rõ như vậy gọi là trí tuệ nhàm chán (nibbidā-ñāṇa). Khi đã nhàm chán, thì sẽ không có sự dính mắc, tham đắm. Chính sự không còn dính mắc, tham đắm này gọi là trí tuệ không tham ái (virāga-ñāṇa). Và một khi trí tuệ không tham ái phát sinh lên, thì khi ấy đã có được sự chiến thắng hoàn toàn, sự chiến thắng cuối cùng vậy.

Sự chiến thắng này là sự chiến thắng không còn bại trận trở lại một lần nào nữa. Do sự chiến thắng như vậy nên Kudālapaṇḍita đã chiến thắng cuộc đời nông dân của ông ấy, đã chiến thắng tham ái của ông ấy.

Ý nghĩa chính mà đạo sĩ Kudālapaṇḍita muốn thuyết dạy (trong bài kệ) là sự từ bỏ, thoát ly (nissaraṇa) gồm có 2 cách. Đó là, có sự từ bỏ, thoát ly do bởi tham ái, và cũng có sự từ bỏ thoát ly do bởi trí tuệ. Sự từ bỏ, thoát ly do bởi tham ái có nghĩa là sự từ bỏ, thoát ly bởi “tham ái muốn từ bỏ”. Sự từ bỏ, thoát ly này còn bị giam cầm, trói buộc trở lại. Sự từ bỏ, thoát ly do bởi trí tuệ có nghĩa là sự từ bỏ, thoát ly bởi trí tuệ “không tham ái, dính mắc” (virāga). Sự từ bỏ, thoát ly này vì là sự từ bỏ, thoát ly cuối cùng, sự từ bỏ thoát ly hoàn toàn, nên không còn bị giam cầm, trói buộc trở lại một lần nào nữa.

Trong khi đang thuyết pháp giảng giải đến cho đức Vua Brahmadatta, đạo sĩ Kudālapaṇḍita sau khi dùng chính nước trên dòng sông Gaṅgā làm đề mục “hình tròn nước” (āpokasiṇa) để quán tưởng và đã chứng đắc được thiền cùng thần thông, đã ngồi kiết già ở trên hư không. Đức Vua Brahmadatta khi thấy biết rõ ràng về những ưa thích (assāda), những lỗi lầm bất toại nguyện (ādīnava), sự từ bỏ, thoát ly (nissaraṇa) của cuộc đời; với trí tuệ thấy biết rõ như thật, nên đã cùng với tất cả quan quân, tướng lĩnh xin xuất gia làm đạo sĩ với đạo sĩ Kudālapaṇḍita. Các đức Vua của 7 Vương quốc khác, khi đến với ý định đánh chiếm Vương quốc Bāraṇasī, nhưng khi hay tin đức Vua Brahmadatta đã xuất gia làm đạo sĩ; nên tất cả cũng đều xin xuất gia theo đạo sĩ Kudālapaṇḍita.

Theo như bài kệ pháp bảo này, thì năng lực của phiền não quả thật quá to lớn. Vì vậy, chỉ với sự thực hành giới-định-tuệ thuộc hạng phàm nhân của chúng ta, không nên tự mãn tuyên bố “ta không làm khổ, làm hại một ai; ta không thiên vị; ta không làm điều phi pháp, bất chính…”, mà hãy nên dùng chánh niệm, sự chú ý và trí tuệ tỉnh giác, sự tỉnh thức của chúng ta, những hành động của thân (thân nghiệp), hành động của miệng (khẩu nghiệp) và và hành động suy nghĩ của tâm (ý nghiệp), phải được giữ gìn, phòng hộ với trí tuệ thấy biết như thật. Trí tuệ thấy biết như thật (yathābhūta-ñāṇa) là trí tuệ khởi đầu cho sự giải thoát mọi phiền não nhiễm ô.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app