Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Devadatta – Sư Hộ Giới Dịch Việt (phần 1)

Khi đức Phật đang cư ngụ tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi, các vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna cũng cư trú ở đó cùng với Ngài. Trong khi đó Devadatta không sống cùng đức Phật và Thánh chúng ở ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi mà đến cư trú tại kinh thành Rājagaha.

 

Trưởng lão Sāriputta và Trưởng lão Moggallāna không còn là những hành khách trong sinh tử luân hồi nữa. Trước đây nhị vị là những hành khách trôi lăn trong sinh tử luân hồi lâu dài hơn 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất. Nhưng khi gặp đức Phật, được xuất gia nghe pháp trực tiếp từ Ngài, rồi thực hành 3 pháp giới-định-tuệ nên đã chứng đạt được trí tuệ chân lý, trở thành những bậc Thánh Thanh Văn Tối Thượng (Aggasāvaka), kể từ đó nhị vị là những bậc “lái trưởng của cỗ xe chánh đạo”. Nhị vị là những bậc tìm kiếm những hành khách trong luân hồi muốn đi trên cỗ xe chánh đạo ấy; thể theo nguyện vọng của những hành khách trong luân hồi sinh tử, mà nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna sẽ đưa họ đi đến tận cùng của sinh tử luân hồi đó là Niết-bàn.

Tuy nhiên, trong số hành khách luân hồi ấy, có một số đi đến cuối cùng của hành trình luân hồi là Niết-bàn; nhưng cũng có một số đến một đoạn nào đó như cõi Phạm thiên lại xuống xe; hoặc một số lại xuống xe ở cõi trời dục giới, một số lại xuống xe ở cõi người, v.v…. Tùy theo mong muốn của mình, mà hành khách luân hồi họ có thể đến bất cứ đâu họ muốn đến, có thể xuống bất cứ đâu mà họ muốn xuống; thậm chí họ có thể muốn ở yên như vậy không đi trên “cỗ xe chánh đạo” cũng được. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu đi trên cỗ xe chánh đạo, cũng có một số người mặc dù chưa đến bến quy định trước thì đã nhảy xuống. Trong danh sách những người nhảy xuống ấy có tên của Devadatta. Theo quy luật tự nhiên, những người nhảy xuống khi xe đang chạy, bao giờ cũng bị sự va đập rơi rớt rất đau đớn do tốc lực của cỗ xe chánh đạo đang lao đi ấy.

Devadatta
DEVADATTA VÀ ĐỨC BỒ TÁT THÁI TỬ SIDDHATTHA KHI CÒN NHỎ – ẢNH MINH HỌA – NGUỒN ẢNH VIPASSANA GLOBAL PAGODA

Mặc dù những mong muốn của các hành khách luân hồi có như thế nào đi nữa, thì nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna vẫn y cứ theo lời giáo huấn của đức Phật, luôn luôn vì họ mà vững lái cỗ xe chánh đạo tiến thẳng về đến đích Niết-bàn. Nhiệm vụ lái cỗ xe chánh đạo là thuộc về trách nhiệm của nhị vị thượng thủ, đó là cánh tay mặt Trưởng lão Sāriputta và cánh tay trái Trưởng lão Moggallāna. Nhiệm vụ lên xe đi là trách nhiệm của những hành khách luân hồi. Vì thế cho dù nếu khi không có một hành khách luân hồi nào lên xe đi nữa, thì nhị vị Trưởng lão vẫn không dừng nghỉ, vẫn cho cỗ xe chánh đạo ấy hoạt động và lái đi như bình thường, không để bị gián đoạn.

Đến một ngày, nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna, mỗi vị gồm 500 chúng Tỳ khưu đệ tử đã đảnh lễ xin phép đức Phật rời khỏi ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi để cùng nhau đi đến kinh thành Rājagaha. Sự du hóa này của nhị vị Trưởng lão cũng là vì những hành khách luân hồi đang sinh sống tại kinh thành Rājagaha, mà thuyết pháp tế độ, để đón họ lên cỗ xe chánh đạo đưa đến đích cuối cùng của sinh tử luân hồi đó là Niết-bàn vậy. Trong khi du hóa thuyết pháp như vậy, nhị vị Trưởng lão cũng theo sự chỉ dẫn của đức Phật khi Ngài vừa được một hạ (một mùa mưa đầu tiên sau khi Ngài thành đạo), cũng đã chỉ dẫn nhóm Pañcavaggī và Trưởng lão Yasa dẫn đầu gồm 55 người bạn đều là bậc Thánh Á-rá-hán, tổng cộng gồm 60 bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng, cách thức du hóa tế độ chúng sinh có duyên lành. Ngoài ra, đức Phật cũng chỉ bảo thêm, nếu khi không thuyết pháp thì nên dành nhiều thời gian để nhập vào Thánh Quả Định. Thực hành theo lời giáo huấn chỉ bảo đó của đức Phật, nên nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna mỗi vị dẫn theo 500 Tỳ khưu tùy tùng rời ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi để đến kinh thành Rājagaha giáo hóa chúng sinh có duyên lành.

Khi phái đoàn chư Tăng trên 1.000 vị đến, dân chúng trong kinh thành Rājagaha tự mình kết nhóm thích hợp với nhau rồi làm phận sự hộ độ cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng khách ấy. Theo sự cúng dường đó, một ngày nọ Trưởng lão Sāriputta đã thuyết pháp hoan hỷ đến hội chúng ấy. Theo lời giáo huấn của đức Phật, trong giáo pháp này tùy vào pháp chủ (đức tin, cố gắng, chú ý, lắng tâm, trí tuệ) của hội chúng nghe pháp già dặn hay non nớt mà thuyết pháp theo tuần tự qua 4 thứ hạng. 4 thứ hạng như sau:

  1. Dānakathā: Lời dạy liên quan đến bố thí, xả ly.
  2. Sīlakathā: Lời dạy liên quan đến giới hạnh.
  3. Saggakathā: Lời dạy liên quan đến cõi trời.
  4. Maggakathā: Lời dạy liên quan đến Thánh đạo.

Giống như trong các trường học, tùy theo năng lực của học sinh ở mỗi cấp mà các bài tập có sự tăng dần từ dễ đến khó. Những lời dạy liên quan đến bố thí, cúng dường, làm từ thiện (dānakathā) là việc dễ làm đối với nhiều người, và một số người trong ấy cũng đã từng thực hành, nên được thuyết giảng trước tiên. Bố thí, làm từ thiện tuy là việc dễ làm, nhưng đối với những người có trí tuệ hiểu biết sâu sắc, thì quả báu lợi ích sẽ tiếp diễn lớn lao và lâu dài. Bố thí là một công việc, một hành động mà chỉ khi nào vượt qua được sự bỏn xẻn, ích kỷ (macchariya), và chiến thắng sự tham lam (lobha) thì mới có thể làm được. Do đó, trong 10 pháp hạnh pāramī, bố thí là pháp hạnh pāramī đầu tiên. Thật ra một khi chiến thắng được tham muốn (lobha), thì cũng chính là người chiến thắng thế gian (loka).

Nhân sinh khổ Thánh đế chính là tham muốn (lobha). Để chiến thắng được tham muốn không phải dễ dàng, bởi chỉ có những người có giới hạnh trong sạch mới có thể chiến thắng được. Vì vậy, để có thể khiến cho mọi người trở thành người có giới hạnh trong sạch, nên lại cần phải thuyết giảng chỉ dạy liên quan đến giới hạnh (sīlakathā). Một khi đã có phước thiện do thực hành hạnh bố thí, giữ gìn giới hạnh, thì sự giàu sang, hạnh phúc, an lạc sẽ đến với những người ấy không thể sai chạy đi đâu được. Ngay hiện tại cũng hưởng được hạnh phúc an lạc khi xa lìa được tham muốn do thực hành hạnh bố thí; cũng như hưởng được hạnh phúc an lạc khi xa lìa được sân hận, nóng giận do thực hành giữ gìn giới hạnh. Và chắc chắn kiếp sau cũng sẽ hưởng được hạnh phúc an lạc cõi người, cõi trời không thể nào sai chạy được. Do đó cho nên lại phải thuyết giảng chỉ dạy liên quan đến cõi trời (saggakathā) là quả báu lợi ích mà sự bố thí và giữ gìn giới hạnh ấy đưa đến dù ta có biết hay không; cũng giống như khi ta đã gieo một hạt giống vậy, dù ta có biết hay không thì nó vẫn cho kết quả là đâm chồi ra hoa kết trái khi hội đủ nhân duyên vậy.

Đến đây, tâm của hội chúng thính pháp đã rất nhu nhuyến, vi tế, đức tin trở nên bén nhạy, cho nên các phiền não là tham, sân, tà kiến, ngã mạn,… đã vơi bớt phần nào, do đó tâm ấy mới có thể có khả năng đón nhận được 4 sự thật chân lý của bậc Thánh sâu sắc cao thượng được. Khi ấy sẽ thuyết giảng chỉ dạy liên quan đến Thánh đạo (maggakathā) cho hội chúng thính pháp ấy.

Khi thuyết giảng chỉ dạy liên quan đến Thánh đạo không phải là thuyết giảng trực tiếp đề cập thẳng ngay vào 4 sự thật chân lý của bậc Thánh. Bởi vì, trí tuệ thấy biết rõ sự thật bậc Thánh không thể chỉ qua thuyết giảng trực tiếp, hay qua nghe trực tiếp là có thể thấy biết rõ (chứng ngộ) được. Mà sự thật ấy được chứng ngộ một khi bên trong tâm của người nghe pháp phát sinh trí tuệ thiền tuệ quán xét, trí tuệ thiền tuệ ấy sẽ phát triển đến cuối cùng, tự nó sẽ thấy biết rõ sự thật chân lý của bậc Thánh ấy vậy. Vì vậy, lại phải thuyết giảng đến tính chất thiếu sót, tạm bợ, lỗi lầm của các pháp trong thế gian, đó là tất cả những hạnh phúc an lạc kiếp người, hạnh phúc an lạc kiếp trời, hạnh phúc an lạc kiếp Phạm thiên đều do thiện nghiệp trong thế gian đem lại mà thôi. Bất cứ thiện nghiệp nào trong thế gian cũng đều do vô minh tạo dựng nên. Do đó, sự hạnh phúc an lạc của thế gian phát sinh xây đắp lên cùng với những lỗi lầm, dựa trên những lỗi lầm (bất toại nguyện do thay đổi, vô thường). Thật ra tuy gọi là “hạnh phúc an lạc” nhưng đứng ở phương diện sự thật chân lý của bậc Thánh thì chúng chỉ là tổng hợp của những “khổ đau”. Vì vậy phải thuyết giảng chỉ dạy để cho thấy biết rõ về sự thật, bản chất mang trạng thái hạnh phúc an lạc của sự thọ hưởng 5 lạc thú (sắc màu, tiếng, mùi, vị và xúc chạm) là còn có lỗi lầm, còn có bất toại nguyện. Khi ấy, trí tuệ thấy biết đúng trạng thái, bản chất của các đối tượng (yathābhūta) phát sinh lên. Một khi trí tuệ thấy biết đúng sự thật bản chất, trạng thái của các đối tượng đã phát sinh lên thì nó sẽ thấy biết rõ những lỗi lầm (bất toại nguyện) của sự hạnh phúc an lạc thuộc về thế gian ấy. Và một khi đã thấy biết rõ lỗi lầm của sự hạnh phúc an lạc thuộc thế gian, thì sẽ thấy biết rõ quả báu tiếp diễn lợi ích lớn lao khi giải thoát khỏi chúng. Kể từ khi đó, để có thể tự mình chứng ngộ sự thật chân lý của bậc Thánh, thì trí tuệ có khả năng thấy biết rõ danh pháp sắc pháp sinh-diệt, rồi tiếp theo trí tuệ ấy sẽ thấy biết vô thường, khổ, vô ngã càng rõ ràng chi tiết hơn, cho đến khi chứng đạt được trí tuệ Thánh đạo, trí tuệ Thánh quả.

Vì vậy, mỗi khi thuyết giảng chỉ dạy liên quan đến sự thật chân lý của bậc Thánh (maggakathā), để phát sinh trí tuệ thiền tuệ trong danh pháp sắc pháp có sự tạo tác thay đổi không ngừng nghỉ (saṅkhāra) của sự hạnh phúc an lạc thế gian ấy, thường phải thuyết giảng nói đến những lỗi lầm, bất toại nguyện của việc thụ hưởng trong 5 dục lạc, và cũng thuyết giảng nói đến những quả báu lợi ích tiếp diễn lâu dài trong sự thoát ly từ những sự thọ hưởng trong 5 dục lạc ấy.

Trong khu rừng phóng sinh các loài thú Isipatana, tuy đức Phật thuyết giảng chỉ dạy trực tiếp sự thật chân lý của bậc Thánh (maggakathā) đến cho nhóm 5 Tỳ khưu Pañcavaggī, nhưng đối với những người khác như từ công tử Yasa, cho đến cha, mẹ, vợ cũ và 54 người bạn của công tử, cũng chính trong khu rừng Isipatana ấy, Ngài đã thuyết pháp theo tuần tự từ thấp đến cao như bố thí,…. Theo sự thuyết pháp ấy, ai cũng đều chứng đạt được pháp đặc biệt đó là Niết-bàn cao thượng. Trong số những người chứng đạt được pháp đặc biết cao thượng ấy, thì cha, mẹ và vợ cũ của công tử Yasa chứng đạt thành bậc Thánh Nhập Lưu. Công tử Yasa và 54 người bạn, tổng cộng gồm 55 người đã chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng.

Trưởng lão Sāriputta cũng vậy, luôn theo phương pháp từ người Thầy của mình là đức Phật để thuyết pháp theo tuần tự, trước hết là chỉ dạy về bố thí đến cho dân chúng trong kinh thành Rājagaha. Trong khi thuyết pháp về bố thí, Trưởng lão đã chỉ dạy phân biệt có 4 hạng người. 4 hạng người ấy như sau:

  1. Một người thiện tín chỉ tự mình bố thí, nhưng không khuyến khích, không kêu gọi người khác. Hạng người như vậy khi tái sinh sẽ có được thoải mái* từ của cải tài sản đầy đủ, nhưng lại không có hội chúng, tùy tùng (bạn bè). Hạng thiện tín như vậy cũng có thể có trên thế gian này. Hạng người ấy, trong sự bố thí, làm từ thiện tuy có biết được quả báo lợi ích tiếp diễn lâu dài của việc khuyến khích, kêu gọi; nhưng vì cảm thấy phiền hà, nặng nề trong việc khuyến khích, kêu gọi người khác nên đã không làm.
  2. Một người thiện tín tự mình không có khả năng bố thí, nhưng lại khuyến khích, kêu gọi người khác. Hạng người như vậy khi tái sinh sẽ có được hội chúng, tùy tùng (bạn bè) đầy đủ, nhưng chính mình lại không có đầy đủ của cải tài sản. Hạng thiện tín như vậy cũng có thể có trên thế gian này. Hạng người ấy, khi biết tự chính mình không có khả năng bố thí, nhưng do biết chọn lựa mặt mình có khả năng để gánh vác trách nhiệm nên mới làm được như vậy.
  3. Một người thiện tín tự mình không có khả năng bố thí, cũng không khuyến khích, kêu gọi người khác. Hạng thiện tín như vậy cũng có thể có trên thế gian này. Hạng người như vậy khi tái sinh sẽ không có được đầy đủ của cải tài sản, không có hội chúng, tùy tùng; thường nghèo khổ cô đơn.
  4. Một người thiện tín không những chỉ tự chính mình bố thí, mà còn khuyến khích, kêu gọi người khác cùng bố thí, làm từ thiện nữa. Hạng người như vậy khi tái sinh vừa có được thoải mái* từ của cải tài sản đầy đủ; lại vừa có hội chúng, tùy tùng (bạn bè) đông đảo. Hạng thiện tín như vậy cũng có thể có trên thế gian này.

Khi ấy, có một người nam thiện trí, sau khi nghe Trưởng lão Sāriputta thuyết giảng về 4 hạng thiện tín như vậy, liền phát sinh đức tin trong lành dũng mãnh, nên đã quyết định sẽ cố gắng để trở thành hạng người thiện tín thứ tư trong 4 hạng ấy. Theo quyết định ấy, ông ta đã trình bạch kính xin được trai Tăng cúng dường đến nhị vị Trưởng lão và Tăng chúng 1.000 vị vào ngày hôm sau. Trưởng lão Sāriputta đã nhận lời thỉnh mời ấy. Để trở thành hạng người thiện tín thứ tư, thì ông ta phải tự mình bố thí cúng dường và cũng phải khuyến khích, kêu gọi người khác cùng bố thí cúng dường nữa. Khi có các năng lực lãnh đạo (adhipati) rồi gánh vác bất cứ trách nhiệm gì, thì không có gì là không thành tựu, điều này đức Phật có dạy rõ trong giáo pháp của Ngài. Một khi có thể y cứ và làm theo như lời dạy ấy, thì mới có thể thành tựu công việc sẽ trai Tăng cúng dường đến 1.000 vị Tỳ khưu vào ngày hôm sau được.

Để có thể cúng dường vật thực đến 1.000 Tăng chúng vào ngày hôm sau, người thiện nam ấy phải đi khắp mọi nơi trong kinh thành Rājagaha nhằm kêu gọi, vận động mọi người. Theo như sự kêu gọi, vận động ấy nên đã có được đầy đủ các thực phẩm cần thiết như gạo, vừng (mè), bơ, mật ong, đường,…. Ngoài ra, một người phú hộ xin góp phần bằng một tấm vải quý giá trị một trăm ngàn tiền vàng (100.000 kahāpaṇa) và dặn bảo với người thiện nam kêu gọi ấy: “Nếu bổn phận trai Tăng cúng dường của ông không đầy đủ, thì hãy bán tấm vải trị giá 100 ngàn tiền vàng này để việc trai Tăng cúng dường được đầy đủ. Còn nếu mọi việc đã đầy đủ rồi thì ông muốn cúng dường tấm vải quý giá này đến một vị Tỳ khưu nào đó để may y, xin ông hãy tùy hỷ cúng dường”. Sau khi dặn dò xong, người phú hộ ấy ướp trầm hương thơm vào tấm vải quý giá đó rồi trao cho người thiện nam ấy.

Để trai Tăng cúng dường đến 1.000 Tỳ khưu có nhị vị Trưởng lão Tối Thượng đại Thanh Văn làm thượng thủ tại một nơi, mọi người đã cho đem các vật thực gồm gạo, bơ, đường,… góp phần cúng dường tập trung gom góp về một chỗ để sửa soạn, nấu nướng. Vật thực để dâng cúng trai Tăng đến 1.000 vị đều đầy đủ, không bị thiếu hụt một thứ gì, mọi thứ đều vừa vặn cho buổi cúng dường trai Tăng ấy.

Khi ấy, người thiện nam thí chủ chính của buổi trai Tăng đã trình bày lại giữa hội chúng về tấm vải quý giá mà một phú hộ đã góp phần, cũng như lời dặn dò của ông ấy. Vì mọi vật thực cho buổi trai Tăng đều đầy đủ, nên việc bán tấm vải quý ấy là không cần thiết nữa, do đó xin ý kiến hội chúng cùng nhau đồng thuận chọn lựa ra một vị Tỳ khưu xứng đáng để dâng cúng dường tấm vải quý giá ấy đến cho vị Tỳ khưu ấy may y mặc.

Liên quan đến vấn đề chọn lựa bậc xứng đáng thọ nhận tấm vải quý để may y, sự nhận định trong hội chúng ấy lại phân chia thành 2 nhóm. Một nhóm muốn cúng dường đến Trưởng lão Sāriputta; nhóm khác lại muốn cúng dường đến Trưởng lão Devadatta. Nhóm muốn cúng dường đến Trưởng lão Sāriputta là theo sự hiểu biết về tính chất quyết định hợp với chánh pháp, vì thấy biết rõ giới đức, định đức và tuệ đức của Trưởng lão Sāriputta; không phải cúng dường vì thân quen, quý mến Trưởng lão. Hay nói một cách khác là cúng dường vì sự tăng trưởng và phát triển của giáo pháp. Trong khi những người muốn cúng dường đến Trưởng lão Devadatta không phải theo hiểu biết về tính chất quyết định hợp với chánh pháp, không phải vì giới đức, định đức hay tuệ đức của Trưởng lão Devadatta. Họ cúng dường đến Trưởng lão Devadatta vì thân quen, vì quý mến, vì mang ơn, vì thọ ơn theo hiểu biết về tính chất quyết định nơi cá nhân. Hay có thể nói một cách khác, những người ấy họ không nhìn vào diện mạo của giáo pháp, họ chỉ nhìn vào diện mạo của Trưởng lão Devadatta mà môi.

Ngoài đức Phật ra thì Trưởng lão Sāriputta là bậc có trí tuệ lớn nhất trong hàng Thánh chúng. Trưởng lão là bậc có địa vị Trí Tuệ Đệ Nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử Phật. Những gì liên quan đến chánh pháp, Trưởng lão là bậc có tiếng tăm vang dội trong Phật giáo với biệt hiệu là bậc Tướng Quân Chánh Pháp (dhammasenāpati). Do đó, Trưởng lão khi có việc thuyết pháp mới du hóa đến kinh thành Rājagaha. Trưởng lão không sống thường xuyên ở kinh thành Rājagaha, chỉ thỉnh thoảng du hành đây đó rồi ở lại một thời gian ngắn để thuyết pháp giáo hóa những người có duyên lành. Vì vậy, dân chúng trong kinh thành Rājagaha đối với Trưởng lão Sāriputta không thể có chuyện thân quen, quý mến theo cách cá nhân được. Trong khi Trưởng lão Devadatta trú ngụ lâu dài trong kinh thành Rājagaha. Mọi việc liên quan đến phong tục tập quán tốt đẹp của người dân trong kinh thành, Trưởng lão đều đứng ra gánh vác chỉ bảo. Vì vậy, dân chúng trong kinh thành Rājagaha đối với Trưởng lão Devadatta rất đổi thân thiết, quý mến theo cách cá nhân. Do đó cho nên, việc chọn lựa vị Tỳ khưu để cúng dường tấm vải giá trị 100 ngàn tiền vàng để may y của một phú hộ, được số đông trong hội chúng đồng ý dâng đến Trưởng lão Devadatta. Chư Tăng 1.000 vị sau khi độ ngọ (dùng cơm trưa) xong, đã theo mong muốn của số đông trong hội chúng thiện tín ấy, đã dâng tấm vải quý giá để may y ấy đến Trưởng lão Devadatta.

“Paññāya na bhave ṭhānaṃ, dayāya na sameṭhiti: Trong mọi việc thuộc về phong tục tập quán của con người trí tuệ không phải là chính yếu; chỉ có cảm xúc là chính yếu mà thôi. Ngược lại trong con đường tu tập xuất thế gian thì cảm xúc không phải là chính yếu, chỉ có trí tuệ là chính yếu mà thôi”. Theo như lời dạy này của cổ nhân, thì thỉnh thoảng hạng phàm nhân trong một vài phong tục tập quán, công việc dù biết rằng không nên làm, nhưng với tâm không chấp nhận, để cho cảm xúc của tâm lấn áp nên nhất quyết làm càn tới cùng, với tâm niệm tới đâu thì tới, ra sao thì ra. Âu, đây cũng là quy luật nhận thức của những người có pāramī chưa già dặn vậy! Trong thế giới phàm nhân thì phần đông thuộc nhóm chưa có pāramī già dặn này. Trong khi đối với những người có pāramī già dặn lại biết cách sống và sử dụng làm sao cho trí tuệ và cảm xúc được cân bằng lẫn nhau. Hay nói một cách khác là sống biết cách sử dụng chánh niệm, trí tuệ suy xét để quân bình giữa đầu óc và trái tim. Khi biết sử dụng trí tuệ để quân bình cũng chính là thoát khỏi sự bám víu, dính mắc từ tham ái, ngã mạn và tà kiến.

Tấm vải quý, giá trị 100 ngàn tiền vàng của phú hộ được cúng dường đến Devadatta theo mong muốn của nhóm có số người đông hơn, tuy nhiên đó không phải nhóm đông hòa hợp theo giới luật và giáo pháp (dhammavinaya) của đức Phật. Nhóm người đồng thuận hòa hợp theo giới luật và giáo pháp chính là sự mong muốn hòa hợp của những người dhammavādī: tán dương ca ngợi chánh pháp (ủng hộ chánh pháp phát triển). Vì vậy, dù chỉ là nhóm người thuộc số ít trong việc lựa chọn dâng vải may y đến vị Tỳ khưu, nhưng là ý kiến của những người ủng hộ chánh pháp phát triển nên được đức Phật xem trọng, do đó Ngài mới thuyết giảng về câu chuyện này.

Trưởng lão Devadatta là Thái tử dòng tộc Sakya, lại là người anh trai của công chúa Yasodhara và là người chứng đạt được thiền và thần thông thuộc thế gian. Do đó có thể nói Trưởng lão Devadatta là người có thiện nghiệp trong quá khứ. Chứng đạt được thiền và thần thông thuộc thế gian thì không phải là thiện nghiệp quá khứ bình thường, mà đó phải là thiện nghiệp quá khứ có năng lực rất lớn lao. Tuy nhiên, Trưởng lão Devadatta do năng lực chánh niệm, trí tuệ suy xét của mình yếu kém nên đã không hướng theo mặt trí tuệ mà hướng theo mặt cảm xúc; cũng như không hướng về phía xuất thế gian mà lại hướng về phía thế gian. Bởi vì nếu hướng về phía xuất thế gian thì Trưởng lão Devadatta không có cách gì để xứng đáng thọ nhận tấm vải quý giá dùng may y ấy được. Hoặc giả nếu vì nghĩ đến đức tin trong lành của những thiện tín mà thọ nhận đi nữa, thì sau khi thọ nhận xong cũng tự mình nên dâng lại cho một trong hai vị Tối Thượng Thanh Văn, hoặc là Trưởng lão Sāriputta, hoặc là Trưởng lão Moggallāna. Nhưng ở đây không phải vậy, Trưởng lão Devadatta đã thọ nhận làm của riêng cho ông ta mà thôi.

Đối với những bậc hướng về phía xuất thế gian, một khi liên quan đến vấn đề lợi lộc phát sinh lên, phải có sự thực hành theo những lời chỉ dạy trong giáo pháp. Theo những lời chỉ dạy trong giáo pháp ấy có 3 hạng người. Hạng người thứ nhất là hạng người khi có được lợi lộc, thì có được bao nhiêu sẽ hài lòng với bấy nhiêu. Không có sự tham muốn phân bua đáng ra phải xứng đáng được nhiều hơn, cũng không có tâm bất bình khó chịu. Luôn tin tưởng và chấp nhận theo quy luật có được phù hợp với năng lực của mình mà thôi. Hạng người thứ hai là hạng người sau khi có được lợi lộc do khả năng của mình, hoặc sau khi có được lợi lộc xứng đáng với mình, nhưng chỉ nhận lấy vừa đủ cho mình cần dùng, phần còn lại chia sẻ cho người khác sử dụng. Hạng người thứ ba là hạng người trong phần mình cần sử dụng ấy, nhưng lại suy xét theo vị thế, đức độ, nên chỉ sử dụng những gì tương xứng theo vị thế, đức độ của mình. Những gì không tương xứng với mình thì chia sẻ hoặc nhường lại cho những người xứng đáng hơn. Hạng người thứ ba này là hạng người thường không thọ nhận những vật dụng mà mình không xứng đáng, hoặc không nhận lãnh chức vụ, địa vị mà mình không có khả năng; luôn trao lại cho những người xứng đáng hoặc có khả năng hơn mình. Trong ba hạng người ấy, hạng người thứ nhất gọi là yathālābha santosa: tri túc với sự có được. Hạng người thứ hai gọi là yathābāla sontosa: tri túc theo năng lực. Hạng người thứ ba gọi là yathāsāruppa santosa: tri túc do phù hợp.

Trong 3 hạng người ấy, Trưởng lão Devadatta không thuộc về hạng người nào. Vì vậy, mới nói rằng Trưởng lão Devadatta là người không hướng về bên xuất thế gian mà lại hướng về bên thế gian là vậy. Thật ra, Devadatta quả là một người đáng thương vô cùng! Ông ta là người đã mang kiếp “kẻ xấu” trôi lăn suốt trong sinh tử luân hồi, đã tốn rất nhiều tư duy và tri kiến để đầu tư kiến tạo nên nhiều kiếp “kẻ xấu” ấy. Nương vào những kiếp kẻ xấu của Devadatta theo sau làm nền, tiền thân của đức Phật đã tạo được pāramī ngày càng đủ đầy. Vì vậy, Trưởng lão Devadatta trong nhiều đời kiếp đã làm nhân vật thù nghịch, làm kẻ chống đối với tiền thân của đức Phật, phải chịu hy sinh mất mát trải qua nhiều kiếp sống, nên theo một cách nào đó cũng đã tạo được một phần pāramī cho chính mình. Do những sự hy sinh đầu tư kiến tạo trải qua nhiều kiếp như vậy, nên Trưởng lão Devadatta sau kiếp trái đất này, trải qua 100 ngàn kiếp trái đất nữa, sẽ trở thành một đức Phật Độc Giác pháp hiệu là Aṭṭhissara.

Trưởng lão Devadatta sau khi thọ nhận tấm vải quý 100 ngàn tiền vàng đã cho may thành tấm y ca-sa để mặc. Sau khi có được tấm y ca-sa quý giá ấy, ông ta đã mặc vào để đi đây đi đó khắp mọi nơi. Khi nhìn thấy hình ảnh đó mọi người bắt đầu chê trách và nói lời khinh rẻ rằng, “ông sư Devadatta không xứng đáng với tấm y ca-sa quý giá ấy”, và kể từ đó trở đi Trưởng lão Devadatta bắt đầu trở thành “kẻ xấu” trong giáo pháp của đức Phật Gotama.

TỲ KHƯU DEVADATTA CỐ GIẾT ÐỨC PHẬT
TỲ KHƯU DEVADATTA CỐ GIẾT ÐỨC PHẬT – ẢNH MINH HỌA – NGUỒN ẢNH: VIPASSANA GLOBAL PAGODA

Nguyên nhân trong suốt kiếp sinh tử luân hồi để Devadatta trở thành “kẻ xấu” do cả bản tính, tâm địa xấu của ông ta, và cũng do cả môi trường xã hội chung quanh nữa. Đối với Devadatta khi có một ai đó để ganh đua thì luôn muốn cao hơn họ một “cái đầu”, muốn làm thống lĩnh. Đây là bản chất tính cách ngã mạn của Devadatta vậy. Tính chất tự nhiên của ngã mạn (māna) là khi thấy bất cứ gì cũng muốn hơn thua, ganh đua với mọi thứ. Và một khi đã ganh đua, hơn thua thì trong mình tuy không thực có tài đức cũng phải làm ra vẻ cho có; tính chất này gọi là sāṭheyya: khoe khoang, khoác lác. Ngoài ra, trong mình thật sự có những lỗi lầm, những sơ hở thiếu sót lại che đậy làm như không có gì; tính chất này gọi là māyā: che dấu, dối gạt. Thật ra, Devadatta làm kiếp “kẻ xấu” trong suốt sinh tử luân hồi là do không chống lại, không chiến thắng được sự sai khiến, xúi dục của ngã mạn, khoe khoang, dối gạt ấy. Gặp được cơ hội tốt đẹp khi là một Thái tử dòng tộc Sakya, lại là một vị chứng đạt được thiền và thần thông trong thế gian, nhưng không biết sử dụng cơ hội tốt đó cho đúng đắn, chân chính, mà lại đem đi quyết tâm tranh dành địa vị của đức Phật Toàn Giác. Ồ! Devadatta quả là kẻ xấu nhất trong tất cả kẻ xấu trên thế gian này vậy.

Trưởng lão Devadatta trở thành một “kẻ xấu” như vậy, thì môi trường xã hội chung quanh cũng không tránh khỏi trách nhiệm. Trong việc phát triển trưởng thành cuộc đời của một nhân vật, môi trường xã hội chung quanh là rất quan trọng. Một người trưởng thành trong môi trường của những kẻ xấu, thì sẽ bị sắc tướng, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm của những kẻ xấu ấy xâm lấn làm cho ô nhiễm tâm tính và nó được lưu giữ bám chặt (di chứng) vào cuộc sống; tính cách này gọi là cố chấp vào tham dục. Những điều thấy biết của những kẻ ác cũng làm ô nhiễm tâm tính và bám chặt vào cuộc sống; tính cách này gọi là cố chấp vào tri kiến. Những hành động, tập quán của những kẻ xấu cũng làm ô nhiễm tâm tính và bám chặt vào cuộc sống; tính cách này gọi là cố chấp vào những việc thường làm hằng ngày. Những tư tưởng, lời nói của những kẻ xấu cũng làm ô nhiễm tâm tính và bám chặt vào cuộc sống; tính cách này gọi là cố chấp vào tư tưởng, chủ thuyết. Vì vậy, do bị che mờ bởi sự cố chấp nên khi gặp một sự cố, vấn đề nào trong cuộc sống, thì người trưởng thành trong môi trường của những kẻ xấu sẽ có cách tư duy, cách tiếp cận, cách quyết định để giải quyết sự cố vấn đề ấy giống y như những kẻ xấu mà thôi. Những người trưởng thành trong các môi trường khác cũng vậy, họ sẽ tư duy, tiếp cận, quyết định và hành động để giải quyết đối với mọi vấn đề theo những gì đã bị ảnh hưởng từ trong những môi trường ấy.

Tìm hiểu về môi trường chung quanh của Devadatta trong suốt kiếp sinh tử luân hồi, chúng ta thấy rằng đa số môi trường chung quanh ông ta toàn là những hội chúng không có năng lực lôi kéo đưa đẩy ông ta đến con đường chánh, chỉ toàn là những hội chúng đưa đẩy ông ta vào con đường của kẻ xấu mà thôi. Hoặc giả nếu một khi gặp được hội chúng có thể khiến ông ta sửa đổi thành người hiền thiện được thì ông ta lại tránh xa hội chúng ấy. Devadatta vốn có bản tính xấu xa, tâm địa độc ác, sở thích cũng xấu ác, lại là người luôn muốn làm kẻ thống lĩnh, nên luôn tìm kiếm những loại hội chúng nào có thể chấp nhận đưa ông ta lên làm vị thống lĩnh mà thôi. Ông ta chỉ kết giao với những hội chúng thuộc loại như vậy; ông ta chỉ vui thích khi được sống trong những môi trường xã hội như vậy. Ông ta là người thích thú hài lòng khi làm một cây đu đủ giữa rừng cây thân mềm và giây leo rỗng ruột. Và cuối cùng, do sống trong môi trường của những hội chúng không có cốt lõi nên cuộc đời đã bị tan tác tiêu hoại. Sự đưa đến thành công hay thất bại trong cuộc đời của một con người, thì môi trường chung quanh tốt hoặc xấu chính là một loại năng lực tác động lớn lao tạo ra nó. Vì vậy đức Phật đã dạy rằng: “Tránh xa kẻ xấu ác, gần gũi bậc thiện trí, là may mắn trong đời, niềm hạnh phúc cao thượng”. Cho nên, trong sinh tử luân hồi Devadatta trở thành kẻ ác, nguyên nhân là do chính tâm địa ông ta xấu ác và có một phần trách nhiệm thuộc về môi trường chung quanh tệ hại vậy.

Trong một ngày nọ, có một vị Tỳ khưu từ kinh thành Rājagaha đến chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi để diện kiến lễ bái đức Phật. Ngài đã hỏi vị Tỳ khưu ấy về tình hình của nhị vị Trưởng lão Tối Thượng Thanh Văn tại đó. Vị Tỳ khưu ấy đã trình bạch tường thuật lại mọi chi tiết của những sự việc xảy ra ở tại kinh thành Rājagaha lên đức Phật. Ngài liền dạy bảo vị Tỳ khưu ấy:

  • Này Tỳ khưu! Không phải bây giờ Devadatta mới mặc tấm y cà-sa mà mình không xứng đáng, không thích hợp để mặc đâu. Xưa kia Devadatta cũng đã từng mặc như vậy. Sau đó đức Phật đã thuyết giảng về tiền kiếp của Devadatta khi là một người thợ săn giết voi.

Trong quá khứ, khi đức Vua Brahmadatta lên ngôi trị vị vương quốc Bāraṇasī, trong đất nước ấy có một người thợ săn chuyên làm nghề giết voi để nuôi sống bản thân và gia đình. Trong một khu rừng kia có rất nhiều đàn voi sinh sống ở đó. Nghề săn giết voi quả thật rất nguy hiểm, để giết được một con voi là điều vô cùng khó khăn; hoặc khi rình rập tìm cách tiếp cận voi, mạng sống của người thợ săn cũng đã như ‘chỉ mành treo chuông’. Tuy nhiên, theo nghiệp quả chi phối, rồi một ngày người thợ săn kia cũng gặp được một đàn voi đông đảo, cũng như gặp rất nhiều vị Phật Độc Giác sống trong cùng một khu rừng. Và cũng thấy được đàn voi hàng ngày đi kiếm ăn, mỗi khi ngang qua các vị Phật Độc Giác đã quỳ gối cúi đầu đảnh lễ, rồi sau đó mới đi đến những nơi tìm kiếm thức ăn nước uống. Khi ấy, người thợ săn đã nghĩ ra được một cách thức, một phương pháp dễ dàng nhất để giết voi.

Một hôm, người thợ săn khi thấy một vị Phật Độc Giác xuống hồ nước thiên nhiên tắm, đã lấy trộm tấm y mà Ngài để ở trên bờ. Sau đó, người thợ săn đã choàng tấm y lên người giả làm vị Phật Độc Giác. Khi đến bên con đường mà đàn voi thường đi kiếm ăn, người thợ săn che dấu cây trường thương, rồi ngồi bên đường như một vị Phật Độc Giác. Đàn voi khi đi ngang qua người thợ săn đang giả dạng ấy, chúng cứ nghĩ là vị Phật Độc Giác thật nên quỳ gối cúi đầu đảnh lễ rồi mới đi kiếm ăn như trước đây. Người thợ săn chỉ đợi có vậy, khi con voi cuối cùng trong đàn quỳ gối cúi đầu, ông ta đã dễ dàng dùng cây trường thương để giết chết nó. Với phương pháp này, người thợ săn đã dễ dàng trong việc giết voi để nuôi sống bản thân và gia đình, cũng như không còn lo sợ nguy hiểm đến tính mạng của mình nữa.

Đức Bồ Tát, tiền thân của đức Phật, tái sinh làm voi trong đàn ấy rồi trở thành voi chúa, thống lĩnh cả đàn voi. Trong thời gian ấy, người thợ săn vẫn theo phương pháp cũ, giả làm vị Phật Độc Giác rồi dùng cây trường thương để giết con voi đi cuối cùng trong đàn. Voi chúa Bồ Tát để ý thấy đàn của mình ngày một ít đi nên biết được có sự nguy hiểm đã xảy đến với đàn voi, và lại có sự nghi ngờ nơi vị Phật Độc Giác thường ngày hay ngồi bên vệ đường kia.

Đến một hôm, Voi chúa sai bảo cả đàn voi đi trước, còn chính mình đi sau cùng, vừa đi vừa chú ý quan sát một cách thận trọng. Những con voi đi trước vẫn theo thói quen cũ, khi đi ngang qua người thợ săn giả dạng vị Phật Độc Giác đều quỳ gối cúi đầu đảnh lễ rồi tiếp tục đi kiếm ăn. Người thợ săn khi thấy voi chúa Bồ Tát đi đến sau cùng liền vén tấm y lên rồi phóng cây trường thương ra. Vì voi chúa Bồ Tát vừa đi vừa để ý quan sát trước nên tránh được cây trường thương ấy rồi chạy nhanh đến định giết chết ông ấy. Người thợ săn vội chạy trốn ẩn nấp sau gốc cây, voi chúa Bồ Tát liên dùng vòi quấn cả cái cây và người thợ săn nhỗ bật cả gốc rễ, khi đang cố gắng đưa lên cao với ý định quật xuống đất giết chết, người thợ săn đã dùng tấm y cà-sa vẫy lên để xin tha mạng.

Voi chúa Bồ Tát khi nhìn thấy tấm y cà-sa, với sự tưởng nhớ chư Phật Độc Giác nên nguôi cơn giận, có tâm nhẫn nại tha chết cho người thợ săn. Chính voi chúa Bồ Tát cũng nghĩ đến chư Phật Toàn Giác, chư Phật Độc Giác cùng các bậc Thánh Á-rá-hán, sợ các bậc Thiện trí cao thượng ấy chê trách và sợ hỗ thẹn khi đối diện các vị ấy, nên mới từ bỏ ý định giết hại người thợ săn. Sau đó, voi chúa Bồ Tát đã hỏi người thợ săn: “Lâu nay Ngươi đã giả dạng vị Phật Độc Giác như bây giờ để giết hại đàn voi của ta phải không?” Người thợ săn đã thừa nhận điều đó. Khi ấy voi chúa Bồ Tát liền bảo: “Này thợ săn! Ngươi đã làm việc mạo phạm lớn khi mặc tấm y cà-sa chỉ những bậc như chư Phật Toàn Giác, chư Phật Độc Giác và các bậc Thánh Á-rá-hán mới xứng đáng mặc”. Sau đó, voi chúa Bồ Tát đã phóng thích người thợ săn ấy mà không làm tổn hại đến ông ta.

Đức Phật sau khi thuyết pháp kể lại câu chuyện quá khứ của Devadatta xong, đã thuyết hai bài kệ sau. Khi nghe hai bài kệ ấy xong, vị Tỳ khưu đến từ kinh thành Rājagaha chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Hội chúng nghe pháp lúc ấy, tất cả cũng đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

(Nghĩa hai bài kệ)

“Sự ô nhiễm bởi phiền não cũng chưa trong sạch; các pháp chủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng không được thu thúc, giữ gìn; cũng không có sự chân thật thẳng thắn; hạng người như vậy không xứng đáng mặc y cà-sa”.

“Sự ô nhiễm bởi phiền não cũng đã được trong sạch; các pháp chủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng được thu thúc, giữ gìn; có giới-định đầy đủ; lại có sự chân thật thẳng thắn; hạng người như vậy mới xứng đáng mặc y cà-sa”.

Trong thế gian này, dù là người tại gia hay xuất gia thì cũng cần phải có trách nhiệm làm sao cho sự hiểu biết và sự thực hành hòa hợp nhau thành một thể thống nhất không thể tách rời. Bởi vì, khi sự hiểu biết một đường, sự thực hành lại một nẻo khác nhau, thì tuy có được đời người trong kiếp người khó được này, lại không thể gọi là biết cách sử dụng đúng đắn cơ hội tốt đẹp khó được đó. Tuy có được kiếp xuất gia Tỳ khưu khó được, nhưng lại không biết cách sự dụng đúng đắn cơ hội tốt đẹp của kiếp Tỳ khưu khó được ấy. Chỉ khi nào thực hiện sao cho sự hiểu biết và sự thực hành được hòa hợp làm một, thì khi ấy mới xứng với kiếp người, hoặc xứng với kiếp xuất gia Tỳ khưu; hoặc xứng đáng với cả hai: kiếp làm người lẫn kiếp xuất gia Tỳ khưu khó có được này.

Sự hiểu biết thường được ví dụ so sánh như đôi mắt, còn sự thực hành thường được ví dụ so sánh như đôi chân. Không có đôi chân, mà chỉ có đôi mắt không thôi thì không thể nào đi đến nơi mình muốn được; hoặc chỉ có đôi chân, không có đôi mắt thì không những không đến đúng được nơi mình muốn đến, mà còn có thể dễ bị rơi xuống vực sâu hố thẳm. Đến nơi mà mình muốn, nếu nói nơi cao nhất đó chính là mục đích đạt đến Niết-bàn, nơi thoát khỏi khổ sinh tử luân hồi. Và nơi thấp nhất đó chính là hòa mình cùng thế gian để cùng nhau hòa hợp đoàn kết thực hiện những phận sự với tâm yêu quý, thương xót, tôn trọng và tha thứ (từ, bi, hỷ, xả).

Loài người cũng có thể sống như loài vật, và cũng có thể sống như Phạm thiên, mình thích sao thì có thể sống vậy. Khi chọn lối sống như loài vật, với tính cánh chỉ biết nghĩ đến lợi ích cho chính mình nên các điều bất thiện sẽ phát triển, tăng trưởng. Còn nếu một khi chọn lối sống như Phạm thiên thì với cách nhìn của Phạm thiên, vì luôn làm mọi việc đem lại lợi ích cho thế gian nên thiện pháp phát triển tăng trưởng. Trong khi nếu sống như loài vật nhưng lại giả làm Phạm thiên, thì cũng giống như tiền kiếp của Devadatta làm người thợ săn giết voi, là đã tạo điều sai lầm quá sâu nặng, quá trầm trọng. Người sống như loài vật hoặc sống như Phạm thiên, dù là xấu hay tốt đều là những người ngay thẳng, dễ nhận biết nên cũng dễ tránh xa hay dễ gần gũi. Còn người sống như loài vật nhưng giả dạng Phạm thiên là những người không ngay thẳng, do đó khó biết rõ, nên là người rất nguy hiểm đối với thế gian này. Những người thường có những việc làm như nói một đường làm một nẻo, (khẩu Phật tâm xà) hoặc tướng mạo đàng hoàng nhưng hành động không đứng đắn,… hạng người như vậy đều nằm trong danh sách những người sống như loài vật nhưng giả dạng Phạm thiên vậy. 

Chỉ những người căn bản có tâm tính của Phạm thiên, rồi thực hành để phát triển các việc thiện thì mới có thể làm trong sạch được sự ô nhiễm của những phiền não mà thôi. Và cũng có thể thu thúc giữ gìn các pháp chủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; cũng có thể quyết tâm cố gắng làm cho pháp hành giới-định-tuệ tròn đủ; cũng như có thể thấy biết sự thật bởi đức tính chân thật ngay thẳng đầy đủ. Chỉ có những hạng người như vậy, khi còn sống làm người trong thế gian, nếu là người hài hòa giữa sự hiểu biết và sự thực hành của thế gian, thì xứng đáng với kiếp người, với hình tướng con người, tên gọi là “người” rất khó được ấy. Hoặc nếu khi xuất gia trở thành một vị Tỳ khưu cũng vậy, là vị hiểu biết và thực hành pháp của người xuất gia một cách hài hòa tốt đẹp, thì cũng xứng đáng với kiếp Tỳ khưu, hình tướng Tỳ khưu, danh xưng là “Tỳ khưu” càng khó được hơn gấp bội ấy. Vì vậy, để mọi người sống một cuộc đời không trở thành những hạng người sống như loài vật giả dạng Phạm thiên với khả năng hiểu biết gian dối và hành động gian dối, nên đức Phật đã thuyết giảng những bài kệ này. Hãy thực hành sống cuộc đời lời nói phải đi đôi với hành động vậy.

Trong lịch sử Phật giáo Trưởng lão Devadatta là nhân vật đáng phát sinh sự rúng động, kinh hãi nhất; cũng như sự đau xót nhất; sự thương cảm nhất. Ông ta là người phải chịu tai tiếng “kẻ xấu”, là người cứng đầu khó dạy nhất trong Phật giáo khi liên tưởng đến sự giáo huấn của đức Phật. Mỗi khi có một ai làm điều gì phi pháp, thường lấy tấm gương xấu của Devadatta ra để so sánh như “Nó là Devadatta đó”, để nói đến kẻ xấu ác không ai bằng.

Devadatta là Thái tử dòng tộc Sakya. Ông ta là người cùng với những vị Hoàng tử khác của dòng tộc Sakya như Bhaddiya, Anuruddhā, Ānanda, Bhagu, Kimila và người thợ cắt tóc Upāli, gồm bảy người cùng xuất gia một lần nơi đức Phật, tại vườn xoài Anupiya vùng đất thuộc vương quốc của các vị Vua Malla trị vì. Khi nói rằng Devadatta là Thái tử dòng tộc Sakya, thì ta cũng có thể đoán biết được thiện nghiệp quá khứ của ông ta. Thiện nghiệp trong quá khứ của ông ta không phải là thiện nghiệp bình thường, mà là loại thiện nghiệp quá khứ có năng lực đưa đến chứng đắc thiền và thần thông thuộc thế gian. Tuy nhiên, thiện nghiệp quá khứ của ông ta chỉ giống như “suốt cả một năm học không học hiểu một cách bài bản, mà chỉ đến khi gần thi mới học tủ đề rồi trả lời đúng đề thi nên đỗ được thủ khoa vậy”; nó không phải là loại thiện nghiệp như khi đạt được thủ khoa do học hỏi nghiên cứu căn bản đúng đắn từ đầu đến cuối, rồi trả lời được hết tất cả các câu hỏi trong đề thi. Vì vậy, loại thiện nghiệp như của Devadatta, theo cách gọi từ trong văn chương thì có thể gọi là “thiện nghiệp không trở thành pāramī”. Còn nếu nói theo ngôn ngữ dân gian thì loại thiện nghiệp ấy có thể gọi là “ăn mày gặp giỗ” (chó ngáp phải ruồi) vậy. Chỉ có như vậy mới hiểu được rằng, Devadatta đã được làm người trong kiếp người khó được này, trong kiếp làm người ấy lại sinh trong dòng tộc cao quý làm cuộc đời của một Thái tử dòng tộc Sakya. Ông ta lại được xuất gia làm Tỳ khưu trong kiếp Tỳ khưu cũng vô cùng khó được ấy; lại là một vị Tỳ khưu đặc biệt khi chứng đắc được thiền và thần thông, cũng như tự chính mình trực tiếp xuất gia và diện kiến đức Phật. Cuộc đời của Devadatta quả thật đúng là “trèo cao té nặng” nên đau đớn vô cùng.

Đúng vậy, những thiện nghiệp không tạo thành pāramī, có nghĩa là nó chỉ giống như chiếc thuyền nhỏ giữa biển khơi không có mục đích hướng đến, cứ theo con nước của thủy triều mà trôi nỗi bất cứ đâu. Hoặc nó cũng có thể trôi đến một bến bờ bình yên; hoặc nó cũng có thể mắc cạn trên những ốc đảo nguy hiểm; hoặc nó cũng có thể bị hút mất tích vào vùng nước xoáy nào đó; nói chung mọi thứ có thể xảy ra với nó; nó không có mục đích hướng đến nên chẳng có điều gì chắc chắn và đúng đắn cả. Đó chính là tính chất của thiện pháp không trở thành pāramī.

Những vị cùng xuất gia Tỳ khưu với Devadatta đều trở thành những bậc Thánh nhân trong Phật giáo, chỉ sót lại Devadatta vẫn còn là một phàm nhân mà thôi. Những vị trở thành bậc Thánh nhân là những người trong các kiếp quá khứ đã từng tạo đầy đủ pāramī, cũng là những người đã từng gieo trồng hạt giống của bậc Thánh. Devadatta thì không như vậy, đã không tạo đầy đủ pāramī cũng như không gieo trồng hạt giống của bậc Thánh, là người ở trong cuộc đời gặp sao sống vậy. Vì vậy ông ta dù đã gặp 3 cơ hội khó được, nhưng vì không biết nắm bắt, sử dụng nên trở thành một người có cuộc đời hư hỏng tiêu tan. Than ôi! Quả là quá đau thương cho cho cuộc đời của Devadatta vậy! 

Bởi vì thật ra, thiện pháp không trở thành pāramī thật sự không có cốt lõi gì nên không phải là thiện pháp đáng để nương nhờ, dựa dẫm. Như Chánh cung Hoàng hậu Mallikā người đã từng làm lễ bố thí asadisa (không ai sánh bằng) đến đức Phật và Thánh chúng, nhưng đến khi lâm chung, do hướng tâm đến điều bất thiện nên đã bị tái sinh rơi vào địa ngục. Trong khi tuy gần suốt cả cuộc đời làm nghề săn bắn để nuôi thân, nhưng trước khi lâm chung được người con là Trưởng lão Soṇa hướng dẫn chỉ bảo, biết cách hướng tâm đến điều thiện làm lúc sắp lâm chung mà người thợ săn được tái sinh về cõi trời.

Vì vậy, nếu chúng ta là những người chưa gieo trồng hạt giống pāramī, thì ngay từ giờ phút này trở đi cần phải kịp thời gieo trồng hạt giống pāramī ấy. Sự gieo trồng hạt giống pāramī này chính là điều để chúng ta nương nhờ, dựa dẫm suốt trong kiếp sinh tử luân hồi. Sự gieo trồng hạt giống pāramī cũng không phải là làm một việc quá khó khăn gì. Bởi nếu một khi có mong muốn, có cố gắng, có tâm huyết và có trí tuệ thì có thể làm được công việc đó.

Đã là con người thì bất cứ ai cũng đều làm một công việc nào đó, không việc này thì việc khác. Trong khi làm những công việc ấy đều có mục đích, và theo mục đích của công việc ấy mà có sự khác biệt đó là nó mang tính chất pāramī hay không mang tính chất pāramī. Nếu chỉ với mục đích lợi ích cho chính mình thôi thì nó không phải là pāramī. Còn nếu với mục đích vì thế gian, vì người khác thì nó trở thành pāramī. Pāramī chỉ khác biệt về chí hướng, mục đích, còn công việc thì không có gì khác biệt. Khi nói đến mục đích vì thế gian, vì người khác thì tự nhiên cùng một lúc sẽ trừ diệt được tham muốn cho chính mình. Đó gọi là ý nghĩa của nekkhammapāramī: xuất gia pāramī, từ bỏ pāramī. Một khi có tính chất của từ bỏ pāramī phát sinh lên thì có thể vứt bỏ tất cả những sự thích thú, ham muốn; có năng lực chịu đựng mạnh mẽ; có sự dũng mãnh can trường. Đó cũng là một phần trạng thái mang tính chất của khantīpāramī: nhẫn nại pāramī, kham nhẫn pāramī. Một khi đã có tính chất của nhẫn nại pāramī thì sẽ không còn sợ hãi bất cứ sự nguy hiểm, tai họa nào nữa. Không có tự cao khi được nịnh nọt, cũng không có sợ hãi khi bị dọa dẫm. Chỉ làm theo bổn phận và trách nhiệm một cách hợp chánh pháp mỗi khi được giao phó và gánh vác mà thôi. Không nhìn vào công ơn của mình làm, cũng như không nhìn vào hình phạt mình sẽ gặp, chỉ nhìn vào điều làm sao cho hợp với chánh pháp mà thôi. Đây là tính chất của upekkhāpāramī: trung dung, quân bình pāramī hay tâm xả pāramī.

Có thể từ bỏ được những thứ đáng tham đắm như của cải tài sản, hay danh vọng địa vị gọi là từ bỏ (xuất gia) pāramī. Có thể kham nhẫn, dũng mãnh và không sợ hãi đối với những thứ tai họa, hiểm nguy hay hình phạt gọi là nhẫn nại pāramī. Khi có hai pháp này phát sinh và tăng trưởng lên thì đồng thời sẽ có tâm trung dung quân bình giữa những điều tốt và xấu cũng sẽ phát sinh lên theo, không thể nào sai chạy được gọi là trung dung (tâm xả) pāramī. Và một khi 3 tính chất pāramī này phát sinh lên thì đồng thời các pāramī khác cũng dễ dàng thành tựu đầy đủ theo. Chính sự thành tựu đầy đủ những pāramī này gọi là gieo trồng hạt giống bậc Thánh vậy. Hạt giống bậc Thánh được gieo trồng thành tựu thì đến khi đúng thời sẽ trở thành bậc Thánh nhân. Trở thành bậc Thánh nhân có nghĩa là hái quả ngọt của hạt giống bậc Thánh mà chính mình đã gieo trồng. Nếu không gieo trồng hạt giống thì không thể có cây sinh trưởng được. Cây không sinh trưởng thì lấy đâu ra hoa trái.

Devadatta là người xuất gia trực tiếp với đức Phật nên đã rất tinh tế, mềm mỏng. Cũng là người thực hành tốt và đầy đủ những phận sự của một vị xuất gia Tỳ khưu. Lại là người diệt được sự ngã mạn của dòng dõi Vua chúa, khi đảnh lễ, cúi lạy người thợ cắt tóc Upāli xuất gia Tỳ khưu trước mình không lâu. Vì vậy có thể nói Trưởng lão Devadatta là người có sự bắt đầu đầy đủ và tốt đẹp. Tuy nhiên, lại thiếu sự đầy đủ và tốt đẹp ở giữa cũng như sự đầy đủ và tốt đẹp ở cuối. Việc thiếu những sự đầy đủ và tốt đẹp này là vì đã không gieo trồng hạt giống pāramī để có thể trở thành bậc Thánh nhân vậy.

Devadatta đã không gieo trồng hạt giống pāramī để trở thành bậc Thánh nhân, vẫn còn là một phàm nhân, nên theo tập tính tự nhiên của người phàm là thích ăn những món ăn ngon; thích mặc những loại vải tốt đẹp; thích ở những nơi cao sang; thích sống có sức khỏe tốt; những trạng thái này là bản chất mong muốn của tổng hợp sắc thân (rūpa: sắc). Sau đó, lại muốn sống một cách vui vẻ, đây là trạng thái, bản chất mong muốn của cảm xúc, cảm giác (vedanā: thọ). Muốn có kiến thức, học nhiều hiểu rộng, đây là trạng thái, bản chất mong muốn của tư tưởng, ghi nhớ (saññā: nhớ biết). Lại muốn đặc biệt, vượt trội hơn hẳn bình thường, đây là trạng thái, bản chất mong muốn của sự thôi thúc tạo tác (saṅkhāra: kết hợp tạo tác, xây dựng). Ngoài ra, cũng muốn được nghĩ và nhìn nhận là một bậc thiện trí thức, đây là trạng thái, bản chất mong muốn của tâm thức (viññāṇa). Tất cả những tính chất mong muốn này kết hợp thành một nhóm, một thực thể ở trong tâm thức. Ví như hydro kết hợp với oxy thành một thực thể gọi là ‘nước’; cũng như vậy, tính chất mong muốn của tổng hợp 5 nhóm khandha cũng kết hợp thành một thực thể. Khi kết hợp thành một thực thể đồng nhất như vậy sẽ đưa đến trở thành một ‘atta’ (cái tôi). Do đó ‘cái tôi’ (atta) nguyên gốc của nó là không có thật, nó chỉ là cái phát sinh lên sau này. Vì vậy, mỗi khi đoạn diệt được những cái kết hợp nên một thực thể ấy, thì ‘cái tôi’ (atta) phát sinh lên sau đó cũng sẽ bị đoạn diệt theo vậy.

Devadatta không những chỉ ngay trong kiếp này không đoạn diệt được ‘cái tôi’, mà còn đánh mất cơ hội để đoạn diệt ‘cái tôi’ (atta) trong những kiếp tiếp theo sau. Đã không gieo trồng hạt giống bậc Thánh trên thửa ruộng có đất đai màu mỡ, là chỗ có thể gieo trồng hạt giống bậc Thánh trực tiếp nơi đức Phật khi Ngài còn hiện tiền. Tuy nhiên, cũng không phải là ông ta hoàn toàn không có gieo trồng, chỉ là thời gian quá trễ mà thôi. Bởi vì chỉ khi đến giây phút cuối cùng, trước khi bị đọa vào địa ngục Avīci (không có cửa), lúc ấy mới gieo trồng hạt giống. Cho nên, sự gieo trồng hạt giống bậc Thánh của Devadatta phải sau 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa mới đơm hoa kết trái, sẽ trở thành một đức Phật Độc Giác và tịch diệt Niết-bàn. Khi muốn ăn, muốn thưởng thức cây, hoa và trái của một loại nào, thì cần phải gieo trồng hạt giống của loại cây ấy và cũng cần đợi thời gian tương xứng với nó. Đây là phương pháp đúng đắn theo quy luật hợp tự nhiên, hợp chánh pháp. Còn nếu dùng phương pháp không thuận theo quy luật tự nhiên, phi pháp thì sẽ trở thành những người theo trường phái của Devadatta, sẽ chỉ có được những cây trái hư thối mà thôi.

Trưởng lão Devadatta phát sinh tâm bất thiện xấu xa vào hạ thứ 9 của đức Phật (9 năm, (9 mùa mưa) kể từ khi Ngài giác ngộ thành Phật). Thời gian này đức Phật đang cư ngụ tại ngôi chùa Ghositārāma, thuộc vương quốc Kosambī. Cũng thời gian này, trong giáo pháp của đức Phật đã có đầy đủ chư bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn, chư bậc Thánh Đại Thanh Văn và rất nhiều bậc Thánh Thanh Văn thông thường. Giáo pháp đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ như mặt trăng, mặt trời nên sự cúng dường, sự kính trọng phát sinh lên đầy đủ sung túc nhất. Các thiện tín cận sự nam, cận sự nữ thường đến thân cận và cúng dường tứ vật dụng đến chư bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn, chư bậc Thánh Đại Thanh Văn và cả các vị Thánh cùng xuất gia với Devadatta như Trưởng lão Bhaddiya, Trưởng lão Ānanda, Trưởng lão Anuruddhā, Trưởng lão Kimila, Trưởng lão Bhagu. Trong khi hầu như chẳng có một thiện tín cận sự nam, cận sự nữ nào đến thân cận cúng dường đến Trưởng lão Devadatta cả.

Khi ấy Devadatta bắt đầu cảm thấy tự ái, xấu hổ. Ông ta là một phàm nhân chính hiệu nên tâm của ông ta không thể nào chấp nhận được sự thật mà đức Phật đã dạy: “sabbe sattā kammassakā: tất cả chúng sinh có nghiệp (phước-tội) là của riêng mình”. Khi nhìn thấy người khác có được lợi lộc, cung kính thì tâm đố kỵ ganh gét (issā) đã bắt đầu sinh khởi và phát triển lên. Những tiền kiếp của Devadatta trong sinh tử luân hồi đã thường tranh đua hơn thua với những tiền kiếp của đức Phật, với tính chất tranh đấu anh thắng, tôi thắng thuộc hạng người luôn muốn hơn thua, thì làm sao có thể chịu đựng được cảnh thua thiệt hay thấp kém hơn những người khác được.

“Sakkāro kā purisaṃ hanti: sự kính trọng, lợi lộc như chất độc đối với những người có tâm thấp hèn, hoặc những người có tâm không vững chắc.” Nó là nguyên nhân phát sinh sự bất hạnh trong cuộc đời, điều này được đức Phật thuyết giảng chỉ dạy, nhưng Devadatta lại không tin vào lời giáo huấn ấy, đối với ông ta điều quan trọng là làm sao để được kính trọng, được cúng dường thật nhiều lợi lộc, được làm thầy của một vị Vua. Khi đã trở thành thầy của một vị Vua (Quốc Sư) thì những thứ khác chỉ là chuyện nhỏ mà thôi. Cũng giống như “mượn gió bẻ măng” vậy, khi ấy mọi việc sẽ tự nhiên thành. Do đó cho nên Devadatta đã ngày đêm luôn luôn nghĩ mưu, tính kế làm sao để trở thành thầy của một vị Vua.

Khi nghĩ mưu, tính kế làm sao để trở thành thầy của một vị Vua, ông ta hiểu rằng, không thể kết giao với các vị Vua lớn tuổi đã có đức tin vững chắc nơi đức Phật như Vua Bimbisāra hay Vua Kosala. Vì đối những vị Vua này, ông ta biết không có cách thức hay phương pháp nào để lôi kéo họ tin tưởng nơi ông ta được nữa. Vì vậy ông ta nhắm đến các vị Thái tử nhỏ tuổi để kết thân, và người mà ông ta chọn đó chính là Đông cung Thái tử Ajātasattu, con của Vua Bimbisāra. Devadatta suy nghĩ, “Ta dùng thần thông để thu phục kết thân với vị Đông cung Thái tử này sẽ rất dễ dàng, vì y còn nhỏ không hiểu biết gì nhiều. Một khi Thái tử đã đặt trọn niềm tin nơi ta rồi, thì những người phò tá, thân cận của Thái tử cũng sẽ đặt trọn niềm tin nơi ta mà thôi. Chỉ có phương pháp này ta mới dễ dàng trở thành thầy của một vị Vua mà thôi. Khi đã làm thầy của một vị Vua rồi thì sẽ được nhiều sự kính trọng, cúng dường bổng lộc; sẽ có hội chúng tùy tùng đông đảo; sẽ có tiếng tăm vang dội; sẽ nhận được sự tôn kính cao thượng từ hội chúng Tỳ khưu và các thiện tín”. Suy nghĩ và tưởng tượng ra viễn cảnh như vậy, nên Devadatta đã quyết định làm theo phương pháp đã tự mình nghĩ ra ấy.

Để thực hiện theo những phương cách đã suy nghĩ ấy, Trưởng lão Devadatta đã rời khỏi vương quốc Kosambī quay trở lại kinh thành Rājagaha. Sau đó đã dùng thần thông của mình để khiến cho Đông cung Thái tử Ajātasattu có niềm tin tuyệt đối nơi ông ta. Thái tử Ajātasattu vì còn nhỏ tuổi cho nên dễ dàng tin vào thần thông phép thuật của Devadatta, đã phát sinh niềm tin sâu sắc nơi Devadatta, tôn lên làm Thầy và hằng ngày cho 500 cỗ xe chở 500 phần cơm đến chùa cúng dường lên Devadatta.

Nhưng Devadatta không phải là hạng người chỉ bằng lòng với bao nhiêu đó. Ông ta là người ngưỡng mộ đức Phật nên cũng muốn tự chính mình làm một vị Phật; lại cũng muốn làm thầy của Vua; và cũng muốn lãnh đạo Tăng chúng đi du hóa khắp nơi. Vì vậy, ông ta đã không có suy nghĩ hướng về chánh pháp mà luôn suy nghĩ hướng về phi pháp, luôn suy nghĩ muốn được làm một vị Phật, được lãnh đạo Tăng chúng; được làm thầy của Vua; được tất cả mọi người tôn kính. Và ông ta thật sự nỗ lực cố gắng làm, làm một cách điên rồ, tàn bạo để có được những điều mà ông ta đã suy nghĩ ra. Trong hai thái cực sáng và tối, ông ta là người nhắm thẳng hướng tối mà đi; lại đi một cách cương quyết không hề quay đầu nhìn về phía ánh sáng dù chỉ một mảy may. Ông ta là người bước thẳng về phía bóng tối mà không có một chút lưu luyến nào đến ánh sáng cả. Hãy bỏ qua việc Devadatta tuy trong kiếp này không có pāramī để chứng đắc bậc Thánh, nhưng lại là người chứng đắc thiền và thần thông, nên chắc chắn ông ta là bậc ‘tam nhân’ (có trí tuệ). Những bậc tam nhân không thuộc thiện nghiệp pāramī, một khi không có chánh niệm, trí tuệ quán xét sẽ trở thành kẻ xấu xa mà không có gì so sánh được mức độ xấu xa, tàn bạo, ác độc ấy được. Họ là những người độc ác với sự cố chấp vào vị thế chủ nghĩa độc tôn (attavādī), chúng ta nên hiểu biết rõ chắc chắn điều đó theo như câu chuyện của Devadatta này.

(Còn tiếp phần 2)

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app