Bỏ Dác Tìm Ròng – Ngài Trưởng Lão Nandamālābhivaṃsa Thuyết – Sư Hộ Giới Dịch Việt

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

BỎ DÁC, TÌM RÒNG

(Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta Nandamālābhivaṃsa, Hiệu trưởng các trường đại học Phật giáo quốc tế Myanmar thuyết giảng. Sư Hộ Giới chuyển ngữ tiếng Việt.)

Con người trong cuộc sống hằng ngày, thông thường hay dính mắc trên hình thức, phần dác và dành hết thời gian cho những thứ ấy, nên không có được cốt lõi, phần ròng. Trong thế gian này, cái gì là cốt lõi, phần ròng? Các bậc tiền bối đã có dạy: “Yaṃ kiñci bāhiyaṃ vatthu, yathākāmaṃ pabhijjatu”. Nghĩa là:“Những thứ chung quanh ta như nhà cửa, xe cộ, kim cương, vàng ngọc, tiền bạc, áo quần, kể cả thân thể này, đây là những vật bên ngoài, phần dác, hình thức. Không phải là cái cốt lõi, phần ròng, nội dung bên trong. Những thứ bên ngoài ấy, nó có hư hoạihay mất đithì mất”. Nghĩa là, những thứ ấy, thứ nào hư hoại hay mất đi thì mặc nó, không nên quan tâm, vì chỉ là những thứ không cốt lõi, chỉ là hình thức bên ngoài, phần dác mà thôi. Ajjhattamhi abhinnamhi”. Nghĩa là: “Những gì cốt lõi, phần ròng bên trong như đức tin, giới hạnh, đa văn, bố thí, trí tuệ không nên để hư hoại hay mất đi”. Nghĩa là những thứ bên ngoài hư hoại mất đi không quan trọng, miễn sao những thứ cốt lõi bên trong không hư hoại hay mất đi là được. Vì vậy, điều chính yếu quan trọng trong cuộc sống là phải vun bồi cho được những thứ cốt lõi, những phẩm hạnh ấy.

 

Trong sinh tử luân hồi, phước đức ngoài cho quả báu tốt đẹp an lạc thuận lợi kiếp này sang kiếp khác ra, còn là nguyên nhân làm cho cuộc sống chúng ta được thuận lợi đủ điều trong hành trình cuộc đời này. 

Đức Phật dạy “Sukho puññassa uccayo: người cố gắng tích góp được nhiều phước đức đó là nguyên nhân chắc chắn đem đến sự giàu sang an lạc, hạnh phúc”. Sinh ra giữa cuộc đời là để tích góp phước đức mà thôi. Nếu muốn được giàu sang an lạc thì phải tạo phước tích đức cho thật nhiều.

Giàu sang an lạc do phước đức mang lại là một sự giàu sang an lạc vô cùng to lớn và bền vững. Trong khi giàu sang an lạc do của cải tài sản mang lại thì quá ít ỏi. Nó nhỏ bé, hạn hẹp về không gian, ngắn ngủi về thời gian.

Vì có tiền của nên an lạc hạnh phúc, nghĩa là chỉ hưởng thụ “an lạc hạnh phúc do có” ấy. Vì do một chút suy nghĩ ta ‘có tiền của’ nên trong tâm có sự an lạc hạnh phúc. Tuy vậy, nếu hỏi rằng, sự an lạc hạnh phúc do có tiền của ấy, thì khi nào “có” cũng được hạnh phúc an lạc hay sao? Không hẳn vậy. Bởi vì do có tiền của ấy cũng còn đem lại khổ đau nữa. Hãy nghĩ xem, an lạc hạnh phúc do có tiền của, với ý nghĩa là vì “có” nên được an lạc hạnh phúc. Mặt khác, có tiền của nhưng không có được an lạc hạnh phúc nghĩa là sao? Hãy quan sát những người lắm tiền nhiều của, họ lo lắng sợ hãi trên sự giàu có nhiều tiền của ấy. Họ luôn lo sợ không biết của cải tài sản của ta bị hư hại tiêu hao, do một nguyên nhân nào đó hay không. Hãy đặt chính mình vào trường hợp của người an lạc giàu sang do có nhiều tiền của, để biết rằng có tiền của không phải chỉ đem đến an lạc hạnh phúc không thôi, mặt khác nó cũng mang đến cả sự lo lắng sợ hãi nữa. Sự lo lắng sợ hãi này chỉ sinh lên với người có nhiều tiền của, người không có nhiều tiền của thì không có sự lo lắng sợ hãi này.

Vì vậy, có thể nói an lạc hạnh phúc do có tiền của chỉ là sự an lạc hạnh phúc một phần, không phải là sự hạnh phúc an lạc trọn vẹn. Vì vậy, đức Phật đã không thuyết dạy “Khi có tiền của sẽ an lạc hạnh phúc, hãy tích góp thật nhiều tiền của”. Mà Ngài chỉ thuyết dạy rằng Hãy tích góp thật nhiều phước đức, có phước đức mới an lạc hạnh phúc lâu dài được”.

Có tiền của và có phước đức không giống nhau. Người có tiền của chỉ khi nào có ý nghĩ ‘ta có tiền của’, ta có thể sử dụng tiền của, thì khi ấy mới có được an lạc hạnh phúc. Nhưng nếu suy nghĩ “không biết tiền của mà ta đang sở hữu có an toàn không”, thì tâm sẽ lo lắng khổ sở. Vì vậy, nhìn ở mặt này thì an lạc hạnh phúc, nhưng nhìn ở mặt khác thì khó có thể nói là an lạc hạnh phúc được.

Phước đức thì không như vậy. Người có phước đức là người đang có trong mình một điểm tựa vững chắc. Khi người ấy có ý nghĩ trong ta có phước đức cũng sẽ hưởng được an lạc hạnh phúc. Hoặc cũng không lo lắng sợ hãi khi suy nghĩ, “vì ta đang có phước đức nên không biết phước đức ấy của ta có hư hại tiêu tan hay không?” Cũng không lo sợ vì nghĩ rằng, ‘phước đức của ta có bị hư hại tiêu tan do nước, lửa, quyền lực, kẻ trộm cướp, người không yêu thích hay con cái hư hỏng thừa kế phá hoại hay không?’ Vì vậy, nhìn ở mặt nào đi nữa, phước đức cũng chỉ có đem lại an lạc hạnh phúc mà thôi.

Cho nên, đức Phật dạy: “Sukho puññassa uccayo: người nào cố gắng tích góp phước đức bên trong mình đó chính là nguyên nhân thật sự đưa đến an lạc hạnh phúc”. Điều này cho chúng ta thấy phước đức quả thật là một điểm tựa vững chắc đến như vậy. Hành trình tái sinh trong sinh tử luân hồi đối với người ấy mỗi kiếp sống cũng thuận lợi nhẹ nhàng hơn. Nếu đã có phước đức rồi thì khi sinh ra làm người cũng thuận lợi và đầy đủ tốt đẹp hơn. Không phải ai sinh ra làm người cũng đều thuận lợi cả đâu! Hãy suy nghĩ một chút sẽ hiểu, có số sinh ra làm người, cũng sinh ra trong gia đình có đầy đủ của cải nhưng khi sinh ra đã nhiều bệnh tật. Vì nhiều bệnh tật nên sức khỏe không thuận lợi, cuộc sống không an lạc hạnh phúc. Có số người lại thiếu thốn đủ điều. Đối với họ vì cái ăn, cái uống, cái mặc mà luôn lo lắng toan tính suốt kiếp người như vậy. Do đó, không phải ai sinh ra làm người cũng được an lạc hạnh phúc. Vì có phước đức nên sinh ra làm người giàu sang an lạc lại khỏe mạnh sống lâu, đối với những người ấy nỗi khổ cũng ít đi và thuận lợi hơn nhiều. Sống trong cuộc đời sung túc ấy, nên không lo âu, toan tính, bon chen trong kiếp sống làm người như vậy.

Tại sao lại có sự khác biệt giữa 2 kiếp người như vậy, nguyên nhân chính vẫn là phước đức. Người đã tích góp nhiều phước đức thì sinh trong kiếp người đầy đủ sung túc; và ngược lại sinh ra kiếp người thiếu thốn bất hạnh là do đã không tích góp phước đức vậy. Vì vậy, chúng ta nên ghi nhớ, nên hiểu biết rằng, nguyên nhân khiến cho có sự khác biệt này, chính là năng lực của phước đức mà chính ta đã tích góp trong quá khứ bây giờ đưa đến đây có sự khác biệt nhau như vậy.

Trong sinh tử luân hồi của mỗi chúng ta, nếu nói một cách sơ lược, thì có thể kể ra 3 loại phước đức. Cúng dường, công đức, cho tặng, cứu giúp… chính là những hành động đem tiền của sở hữu riêng của mình, dù ít dù nhiều ra bố thí, làm từ thiện. Đó gọi là phước đức bố thí (dāna), thiện nghiệp bố thí.

Khi tạo phước đức bố thí, từ thiện hãy làm với mục đích đem lại điều lợi ích thiết thực cho người nhận, người sẽ sử dụng vật mà ta cho đi. Ví dụ như: bố thí, cho nước đến người đang khát nước với tâm ‘Ồ! Mong cho hết khỏi nỗi khổ khát nước’, người đang đói cho cơm, mời cơm cũng vậy, đó là chúng ta đang tạo phước tích đức. Vì sự lợi ích thiết thực của người nhận mà đem tiền của ra bố thí làm từ thiện, đó gọi là sự tích góp phước đức cao quý, bố thí cao thượng.

Chư Bồ Tát Chánh Đẳng Giác thường chia ra 3 cấp bậc phước đức bố thí rồi thực hành đầy đủ. Theo đó, hạng thứ nhất là chia sẻ, bố thí những của cải tài sản mình sở hữu đến người khác. Đó là sự chia sẻ, bố thí những vật chất bên ngoài thân mình. Vì chia sẻ bố thí những vật mình sở hữu là việc làm cao thượng nên gọi là pā-ra-mī. Pā-ra-mī nghĩa là việc làm cao thượng. Vì mục đích mong muốn đem lại sự lợi ích, sự phát triển tốt đẹp cho người nhận, rồi đem của cải tài sản chính mình sở hữu ra chia sẻ, bố thí đến họ. Việc làm này gọi là dānapāramī: chia sẻ, bố thí cao thượng.

Khi việc làm bố thí cao thượng này ngày càng có năng lực thì tiến thêm một bậc nữa. Không hài lòng dừng lại với việc chỉ bố thí những vật chất bên ngoài, mà có thể bố thí những bộ phận trong cơ thể mình đến những người đang cần đến. Chia sẻ, bố thí những gì? Như hiến máu, hiến tạng, v.v…. Ví dụ như hiến thận đến những người đang cần thay thận, hiến máu đến những người cần máu. Như đức Vua Sivi, ông đã bố thí đôi mắt, bố thí chia sẻ những bộ phận từ trong cơ thể mình, việc làm cao thượng đến như vậy gọi là dāna-upapāramī: lấy những bộ phận trên cơ thể của mình để làm lợi ích cho người khác.

Tiếp theo, tiến lên một bậc cao hơn vậy nữa, đó là bố thí, hy sinh luôn cả tính mạng vì lợi ích của người khác gọi là dānaparamatthapāramī. Chư Bồ Tát Chánh Đẳng Giác thực hành hạnh bố thí gọi là phước đức ấy, chia làm 3 bậc rồi thực hiện tuần tự tăng tiến sự chia sẻ, hy sinh bố thí ấy. Không có thứ vật chất gì mà các Ngài không thể bố thí, cho đi được. Đến nỗi các Ngài có thể cho đi, hy sinh tính mạng mà mình yêu quý nhất. Hy sinh tính mạng để làm lợi ích cho người khác, chúng sinh khác gọi là dānaparamatthapāramī.

Do đó, trong cuộc sống nên biết rõ cái gì là có cốt lõi (ròng) và cái gì không có cốt lõi (dác). Như vậy, cái gì là có cốt lõi và cái gì là không có cốt lõi, chúng ta hãy suy nghĩ sơ lược một chút để biết qua. Thân thể mỗi chúng ta từ khi hình thành trong bào thai, mỗi ngày mỗi khác phát triển lớn dần đến trưởng thành, và ngày sau lại già hơn ngày trước. Rồi một ngày nào đó thân thể này sẽ hoại diệt đi. Trong thân người này không có một thứ gì là cốt lõi cả, cũng không có một thứ gì đáng giá để cất giữ lại cả.

Một người chỉ sống được đến 10 năm, thì sau 10 năm chết đi, thân thể này tách rời tâm thức, không còn sự sống nữa, đồng thời sự hữu dụng của nó cũng dừng lại. Cũng như vậy, hoặc thân thể này giới hạn trong khoảng thời gian tuổi thọ như 60, 70 hoặc 80 tuổi. Khi tâm thức và thân thể tách rời nhau, thì không ai giữ lấy thân thể này lại vì không có gì đáng để cất giữ, cũng không có gì quý giá để cất giữ. Tất cả đều đem đi vứt bỏ, thiêu đốt, chôn cất mà thôi.

Trong thân thể con người, không có cái gì là không vứt bỏ, tất cả rồi đều bị vứt bỏ hết. Khi còn sống, cảm thấy thân thể này như có giá trị lắm, nhưng khi tâm thức vừa tách rời khỏi thân thể, thì đồng thời nó chẳng có chút giá trị nào nữa. Đến những người thân yêu nhất trong gia đình cũng không thể để lâu trong nhà được, đây là sự thật hiển nhiên. Như vậy, nếu tìm cái cốt lõi trong xác thân này, thì không thể tìm thấy được, không thể tìm thấy một thứ gì có cốt lõi ở trong đó.

Vậy nên tìm kiếm cốt lõi ở tâm (danh pháp) hay sao? Cũng chẳng được, vì tâm sinh đó rồi diệt đó, sinh lên rồi diệt đi trong khoảnh khắc, nên quá khó để tìm cái cốt lõi. Do đó, vẫn không thể có cốt lõi được, vì tâm (danh pháp) có tính chất sinh diệt chỉ trong một sát-na, một tích tắc mà thôi. Trên thân thể cũng không có cốt lõi (ròng), trong tâm vì sinh diệt quá nhanh, nên cũng khó tìm thấy cốt lõi. Tuy nhiên, sự nương nhờ ở tâm và thân này vẫn có một chút cốt lõi (ròng), nếu biết cách chắt lọc, chúng ta cũng có thể rút ra được những cốt lõi từ thân thể này.

Nếu biết phân biệt rõ được đâu là ròng, đâu là dác, thì sẽ không mất nhiều thời gian cho phần dác (hình thức vô dụng), chỉ dành phần lớn thời gian để rút tỉa và tích góp vần ròng, phần lõi mà thôi.

Cốt lõi thật sự chính là có giới đức, hạnh kiểm. Nếu chối bỏ phần cốt lõi ấy, không cho giới đức, hạnh kiểm phát sinh, thì thân thể này không còn gì là cốt lõi nữa, chỉ là phần dác, vô dụng mà thôi. Cũng như vậy, hãy nhìn những điều bất thiện, xấu ác phần nhiều xuất phát từ phần dác, phần ngoài của thân thể này, ít khi vì phần ròng, phần lõi.

Chúng ta cần biết cái nào là dác, hình thức bên ngoài; cái nào là ròng, cốt lõi, nội dung bên trong. Khi đã biết rồi, chúng ta sẽ không xem trọng cái dác, cái hình thức bên ngoài, mà chỉ cố gắng trích xuất, rút lấy phần ròng, phần cốt lõi bên trong. Vì phần ròng, phần cốt lõi chúng ta không biết rút lấy thì không thể có được, và cuối cùng có thể là mất trắng. Vì chúng ta quá chú trọng, yêu quý, dính mắc với cái vỏ bọc bên ngoài, cái dác, nên không thể có được phần cốt lõi, phần ròng. Cái dác, cái hình thức bên ngoài ấy, dù chúng ta có xem trọng, yêu quý, dính mắc bao nhiêu đi nữa, rồi đến một lúc nào đó cũng phải vứt bỏ chúng mà thôi. Và rồi chúng ta cũng chẳng còn lại gì.

Vì vậy, trong loại kinh Pháp tăng dần (Aṅguttaranikāya), đức Phật có thuyết giảng bài kinh Vaḍḍhi, chỉ dạy về phần ròng, phần cốt lõi. Trong cuộc đời này, chúng ta có thể rút ra được những phần ròng, phần cốt lõi nào? Đó là, đức tin; giới hạnh; đa văn nghe nhiều giáo pháp của đức Phật thuyết; dứt bỏ bố thí, sẻ chia những vật sở hữu của mình; trí tuệ. Những điều cốt lõi, phần ròng này, chúng hiện hữu trong danh pháp (tâm). Tuy vậy, phần ròng, phần cốt lõi này, nếu chúng ta không biết chiết xuất, trích xuất, rút ra thì không có được. Không biết rút chúng ra thì chỉ có được cái dác, cái hình thức bên ngoài mà thôi.

Lấy ví dụ như: Một cái cây, phần lõi, phần ròng thường bị phần dác, phần tạp bao phủ bên ngoài, nó nằm sâu bên trong. Nó không có trong lá cây, cũng không có trong cành cây. Nó chỉ có ở trong thân cây. Điều quan trọng là phải biết phần ròng, phần lõi cây ở đâu để có thể rút nó ra. Cũng như vậy, phần ròng, phần cốt lõi không có trong thân thể này, cũng không có trên mặt nổi của tâm (danh pháp). Nó là những điều, những pháp tự nhiên chỉ phát sinh lên nương nhờ trên tâm, danh pháp ấy. Những điều cốt lõi ấy nếu biết cách chắc lọc, chiết xuất thì mới có được. Và ngược lại, nếu không biết cách chắt lọc, chiết xuất thì không thể có, chúng sẽ bị thất thoát đi.

Trong danh pháp, tâm phát sinh lên saddhā gọi là đức tin trong lành, niềm tin. Thế nào gọi là đức tin, niềm tin? Đó là tin chắc rằng làm tốt, thiện sẽ được hưởng quả tốt, thiện; làm xấu ác sẽ bị nhận quả xấu ác. Nói theo sách vở là tin nghiệp và quả của nghiệp. Nghiệp (sự hành động, sự tạo tác) chính là năng lực tác ý, thôi thục tạo tác bên trong tâm của ta. Đó là ta ghi nhận, chấp nhận năng lực tác ý, thôi thúc xui khiến tạo tác ấy. Và mặt khác ta cũng ghi nhận, chấp nhận kết quả, thành quả của năng lực tác ý ấy tạo ra. Nếu làm thiện sẽ được quả thiện; ngược lại, nếu làm ác sẽ bị quả khổ, đó là đức tin. Nếu thấy biết điều đó gọi là kammassakatāsammādiṭṭhi: thấy đúng biết đúng về nghiệp và quả của nghiệp.

Một người không có đức tin vào nghiệp mình tạo, công việc mình làm thì khó có thể làm tốt được, chỉ làm việc mình muốn mà thôi. Và một khi đã làm việc mình muốn, họ cũng chẳng phân biệt tốt xấu bao giờ. Họ sẽ chỉ quyết định việc muốn làm, mà không quyết định việc nên làm. Trong thế gian, công việc có 3 loại: việc muốn làm, việc nên làm và việc cần phải làm. Trong 3 loại ấy, nếu làm việc muốn làm thì khó có thể đúng đắn được. Có thể muốn làm việc tốt, và cũng có thể muốn làm việc xấu. Tất cả đều dựa vào ý muốn của người làm ra sao mà thôi.

Trong khi việc nên làm thì chỉ có tốt không thôi. Nó có năng lực của đức tin và trí tuệ. Còn đối với việc cần phải làm là làm việc tùy theo tình hình điều kiện. Nó có thể tốt và cũng có thể xấu, khó có thể kết luận chỉ việc tốt không thôi. Như vậy, chỉ có việc nên làm là hoàn toàn việc tốt; có đức tin vào việc nên làm; có năng lực quyết định việc nào là việc nên làm, đây cũng là đức tin. Đức tin này còn gọi là quyết định. Ngoài quyết định, chấp nhận tin tưởng sự thật ra, tâm có đức tin sinh khởi thì năng lực của đức tin ấy sẽ làm cho tâm của người ấy trong lành. Chỉ nghĩ đến làm sao để làm việc thiện, việc tốt. Tâm luôn vui thích, hăng say trong công việc thiện, việc tốt ấy. Đó là do có năng lực của đức tin mới có sự vui thích hăng say trong những việc thiện việc tốt ấy. Hay nói cách khác là thích tạo thiện nghiệp, thích tích góp phước đức vậy.

Dù biết thiện nghiệp, phước đức hay không, thì vẫn muốn làm những việc đem lợi ích cho nhiều người, thích giúp đở nhiều người. Và cũng muốn làm cho nhân cách, hạnh kiểm (giới) của mình tốt đẹp hơn. Thích nghe pháp, thích đọc, tìm hiểu nghiên cứu những gì liên quan đến văn chương, kinh sách. Tâm luôn luôn vui thích hướng về những điều tốt đẹp ấy. Đó gọi là năng lực của đức tin.

Một khi năng lực của đức tin mạnh lên thì tâm không còn vui thích trong các dục lạc khoái cảm nữa, cũng không còn thấy khó chịu trong tâm. Khi tiếp xúc với những gì liên quan đến mọi đối tượng, tâm cũng không còn giao động, bứt rứt, không hài lòng; cũng như không còn nghi ngờ, phân vân, không quyết định trong mọi thiện pháp. Nếu nói theo sách vở thì không còn 5 pháp chướng ngại, ngăn cản.

Tâm luôn vui thích trên các đối tượng tốt đẹp, tâm không còn phát sinh sự khó chịu, sân hận trên bất cứ đối tượng nào. Tâm không những không thoái chuyển trong các việc thiện, mà còn hăng say tính tấn trong các công việc ấy. Không còn tâm nặng nề chán nản. Cũng không còn phân vân nghi ngờ nên làm hay không nên làm, mà rất quyết tâm, xác định rõ việc mình đang làm là công việc nên làm.

Các pháp chướng ngại (nīvaraṇa) đã bị những năng lực đức tin ấy dẹp bỏ. Một người khi đức tin có năng lực và mạnh lên, thì sẽ làm được các việc thiện, việc tốt. Thế nào là các việc thiện, việc tốt? Đó là, bố thí, cúng dường, làm từ thiện cũng không cảm thấy chùn tay. Không những không chùn tay, thoái chuyển trông việc giữ gìn giới đức, hạnh kiểm, mà lại còn thọ trì, giữ gìn một cách kính trọng hơn nữa. Để có được sự hiểu sâu biết rộng, tâm luôn vui thích trong việc nghe pháp. Tâm cũng luôn luôn suy nghĩ đem của cải mình sở hữu ra chia sẻ, bố thí đến mọi người cùng sử dụng nữa.

Hằng ngày trong cuộc đời, tâm luôn có trí truệ, suy xét trong 24 giờ làm sao để thời gian trôi qua có ý nghĩa chứ không chấp nhận trôi qua trong vô ích. Luôn làm điều lợi ích thiết thực. Năng lực trí tuệ của người ấy ngày càng nhạy bén hơn. Vì có năng lực nhạy bén nên luôn tư duy trong mọi công việc. Suy nghĩ việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Trong những việc nên làm ấy, cũng suy nghĩ nhiều cách thức, phương pháp thực hiện chúng. Suy nghĩ chọn những cách thức, phương pháp đưa đến lợi ích và tốt đẹp thiết thực nhất.

Những cốt lõi rút ra từ trong danh pháp, tâm ấy đã hiện rõ, thành tựu trong mình rồi. Nếu người nào có những cốt lõi ấy sinh lên sẽ có khả năng chắc chắn đưa đến Niết-bàn cao thượng, thì đối với người ấy sẽ đi đến cuối cùng kiếp sống, diệt tận khổ đau, vượt thoát mọi trói buộc, và đi trên con đường đến Niết-bàn nơi vắng lặng mọi phiền não, khổ đau.

Một khi đã biết được cái gì là ròng, là cốt lõi rồi, thì cũng là lúc không vì thân thể này mà để mất đi đức tin, mất đi giới hạnh, mất đi sự nghe học giáo pháp của đức Phật. Cũng không vì thân thể bên ngoài này mà mất đi sự sẽ chia, bố thí; mất đi trí tuệ hiểu biết đúng đắn. Giữa dác, hình thức và ròng, cốt lõi, thì ưu tiên cho phần ròng, phần cốt lõi, không quan tâm đến phần dác, hình thức bên ngoài. Và có tâm kiên quyết dù hình thức có thế nào đi nữa vẫn rút ra cho được cái cốt lõi.

Hãy nhìn xem tiền thân của đức Phật, khi Ngài hành Bồ Tát là một Rồng chúa Būridatta. Sống thụ hưởng đầy đủ mọi thứ vật chất trong Long cung tại cõi Rồng với đầy đủ thất bảo. Tuy sống cuộc đời như vậy, vẫn không xem những thứ ấy là cái cốt lõi, mà đã suy nghĩ “Cuộc sống này cái gì là cốt lõi? Sīla (giới đức, hạnh kiểm), mới là điều cốt lõi, vì vậy ta phải chắt lọc cho có được”. Do đó, Rồng chúa ấy đã đến cõi người thọ trì, giữ gìn giới hạnh ấy. Tại vì cõi Rồng khó mà giữ gìn giới hạnh của mình cho được trong sạch trọn vẹn được. Vì vậy, một mình rời khỏi cõi Rồng, đến trong vùng rừng núi của cõi người để nguyện giữ gìn giới hạnh ấy.

Trong khi giữ giới, dù có hư hao của cải tài sản đi nữa vẫn quyết không vi phạm, sự giữ giới ấy gọi là Sīlapāramī (giữ giới pà-rá-mì bậc hạ); dù có mất đi các bộ phân trên cơ thể vẫn quyết không vi phạm, sự giữ giới ấy gọi là Sīla-upapāramī (giữ giới pà-rá-mì bậc trung); và dù hy sinh tính mạng vẫn quyết không vi phạm gọi là Sīlaparamattha-pāramī (giữ giới pà-rá-mì bậc thượng).

Trong 3 bậc giữ giới ấy, Long vương Bhūridatta đã nguyện giữ giới pà-rá-mì bậc thượng, là sự giữ giới cao thượng nhất. “Hôm nay, dù có ai đến hành hạ, chém giết thân thể này, ta cũng nguyện không từ bỏ giới hạnh của mình, không vi phạm vào giới của mình đã nguyện giữ dù hy sinh thân mạng này”. Sau khi phát nguyện như vậy xong, Long vương Bhūridatta nằm khoanh tròn trên một gò đất giữ gìn giới hạnh của mình.

Như mọi người đã biết, hôm ấy người thợ bắt rắn đã bắt được và mặc dù khi bị hành hạ rất dã man nhưng Long vương không làm hại người thợ bắt rắn ấy, nếu muốn làm hại ông ta thì rất dễ dàng, vì Long vương có nọc độc, khí độc rất độc hại. Chỉ cần thổi “phù” một cái là ông ta sẽ biến thành tro. Tuy Long vương có vũ khí có năng lực lợi hại như vậy, song vì sợ vi phạm giới hạnh nên đã không dùng đến. Long vương đã thực hành theo lời phát nguyện là thà hy sinh tính mạng chứ không vi phạm giới hạnh mình đã nguyện giữ.

Tại sao lại làm được như vậy? Tại vì đã hiểu biết được “đâu là dác, đâu là ròng”, thân thể này không phải ròng, cốt lõi, chỉ là phần dác, hình thức; một ngày nào đó nó sẽ tự hoại diệt (chết), khi đó ta sẽ không còn có được gì cả. Những tâm, danh pháp nương nhờ vào thân thể này phát sinh lên, đó là sự giữ gìn giới hạnh, mới chính là cốt lõi, phần ròng. Nên đã thề nguyện giữ lấy cái cốt lõi ấy không chấp nhận để cho nó mất đi. Cũng như vậy, những cái cốt lõi còn lại, phần ròng còn lại cũng được giữ gìn y như vậy.

Như vậy, có thể nói tóm lược lại, điều trước tiên phải biết, là trong cuộc đời của chúng ta cái gì là dác, hình thức; cái gì là ròng, cốt lõi, nội dung. Không vì hình thức mà để mất đi cái cốt lõi, nội dung. Vì bản chất của cái cốt lõi ấy, tự nhiên nó đã rất giá trị, tồn tại lâu dài, lợi ích quả báu lớn lao. Đó là tính chất của phần ròng, cái cốt lõi, nội dung.

Trong khi thân thể này, không tồn tại lâu dài được, cũng không có giá trị như những cái cốt lõi trên. Thân thể của một người sẽ bị vứt bỏ tùy theo hạn định tuổi thọ của mình. Nó, thân thể ấy, có giới hạn, và trong giới hạn ấy nó cũng bị khổ do tật bệnh, nó luôn bị hành hạ, đem lại những phiền phức khổ đau, trong nó không có cái gì là ròng, là cốt lõi.

Và do đó, một người có trí tuệ trong đời, đã suy nghĩ, quán xét một cách sâu sắc về những cái cốt lõi đã nói trước đây, nên đã tích góp, rút ra được chúng, những điều cốt lõi ấy. Đức Bồ Tát Toàn Giác đã rút ra được tất cả các điều cốt lõi, phần ròng ấy. Những điều cốt lõi, phần ròng ấy, Ngài đã tích góp, rút ra được, bắt đầu kể từ khi là vị Đạo sĩ Sumedhā, cho đến trải qua 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp (trải qua 4 thời kỳ không tính được số đại kiếp, và thời kỳ tính được số đại kiếp là 100 ngàn), Ngài đã tích góp trong một thời gian vô cùng lâu dài như vậy, không phải dễ dàng mà có được.

Những điều cốt lõi, những phần ròng này, phải tích góp lâu dài mới có được năng lực cao thượng nhất, tốt đẹp nhất. Và đến cuối cùng có năng lực tròn đủ để chứng đạt đến trí tuệ toàn giác thấy biết đúng và khắp tất cả, trở thành Đức Phật Toàn Giác. Tất cả chư Phật để thành tự quả vị Toàn Giác là do biết cách để có thể tích góp, rút ra những điều cốt lõi này từ trong mọi kiếp sống. Nếu rút ra được một ít cốt lõi, thì sẽ được một ít an lạc, hạnh phúc. Nếu rút ra được thật nhiều cốt lõi, thì cũng được rất nhiều an lạc, hạnh phúc. Trong khi con người trong thế gian này, chỉ chú trọng, quan tâm, tham đắm trong phần dác, phần hình thức bên ngoài mà thôi.

Giống như Ngài Kumārakassapa đưa ra ví dụ vậy. Có 2 người bạn thân cùng đi tìm kiếm tài sản. Khi đi qua một ngôi làng bỏ hoang, họ thấy trên những mô đất có nhiều loại sợi vải thô nên nghĩ: “tốt quá, ta lấy những bao sợi vải thô này để dệt vải may váy áo’’. Và rồi họ vác trên vai mỗi người một bao tải sợi vải ấy tiếp tục lên đường. Họ lại đi ngang qua một ngôi làng bỏ hoang khác, họ thấy có những loại váy áo đã may sẵn để thành đống trên những con đường.

Khi thấy vậy, một người đã có quyết định: “Ồ! Trước đây ta vác bao tải đựng sợi vải mục đích là để đem về dệt vải may váy áo. Nay ở đây đã có sẵn váy áo rồi, thì sợi vải này đâu còn có ích gì cho ta nữa”. Người ấy đã vứt bỏ bao tải đựng sợi vải để vác bao tải đựng váy áo lên đường. Còn người bạn kia nghĩ sao? Ta đã mất công vác từ xa đến, không nở vứt bỏ, nên vẫn tiếp tục vác bao tải sợi vải ấy lên đường.

Khi đến một ngôi làng khác nữa, họ thấy những túi lớn đựng châu báu, người bạn có trí tuệ đã vứt bỏ bao tải đựng váy áo, để vác lên mình túi lớn đựng châu báu ấy vì nghĩ rằng “Có châu báu rồi thì cần gì phải vác bao tải váy áo này theo làm gì”. Riêng người kia vẫn với ý nghĩ, ta đã vất vả từ lâu nay vứt bỏ thì uổng phí quá, nên tiếp tục vác bao tải đựng sợi vải ấy. Cho nên, khi trở về nhà một người thì túi đựng đầy châu báu, người kia lại là bao tải đựng sợi vải. Hãy tư duy mộ chút để thấy, một người thì chỉ được bao tải sợi vải, còn người kia vì có trí tuệ, nên được một túi lớn châu báu và hưởng giàu sang phú quý.

Con người trong cuộc sống hằng ngày, thông thường hay dính mắc trên hình thức, phần dác và dành hết thời gian cho những thứ ấy, nên không có được cốt lõi, phần ròng. Trong thế gian này, cái gì là cốt lõi, phần ròng? Các bậc tiền bối đã có dạy: “Yaṃ kiñci bāhiyaṃ vatthu, yathākāmaṃ pabhijjatu”. Nghĩa là:“Những thứ chung quanh ta như nhà cửa, xe cộ, kim cương, vàng ngọc, tiền bạc, áo quần, kể cả thân thể này, đây là những vật bên ngoài, phần dác, hình thức. Không phải là cái cốt lõi, phần ròng, nội dung bên trong. Những thứ bên ngoài ấy, nó có hư hoạihay mất đithì mất”. Nghĩa là, những thứ ấy, thứ nào hư hoại hay mất đi thì mặc nó, không nên quan tâm, vì chỉ là những thứ không cốt lõi, chỉ là hình thức bên ngoài, phần dác mà thôi. Ajjhattamhi abhinnamhi”. Nghĩa là: “Những gì cốt lõi, phần ròng bên trong như đức tin, giới hạnh, đa văn, bố thí, trí tuệ không nên để hư hoại hay mất đi”. Nghĩa là những thứ bên ngoài hư hoại mất đi không quan trọng, miễn sao những thứ cốt lõi bên trong không hư hoại hay mất đi là được. Vì vậy, điều chính yếu quan trọng trong cuộc sống là phải vun bồi cho được những thứ cốt lõi, những phẩm hạnh ấy.

Con người chúng ta luôn coi trọng phần dác, hình thức bên ngoài. Con người trong thế giới này xem trọng những gì? Đó là xem trọng của cải vật chất mình có được. Họ xem trọng địa vị, quyền lực. Tuy nhiên, địa vị, quyền lực hay của cải chúng rất mong manh chốc lát mà thôi. Chúng có giới hạn nhất định, tất cả những thứ ấy không có gì là bền vững cả. Nhưng con người chúng ta, suốt ngày để hết thời gian tìm kiếm, tham đắm vào những thứ ấy, không chấp nhận chúng thoát khỏi tầm tay. Không biết lo lắng, buồn rầu mỗi khi giới hạnh hoặc đức tin bị hư hoại, mất đi. Thật ra, điều đáng lo lắng, buồn rầu đó là sự mất đi giới hạnh, mất đi trí tuệ hiểu biết. Đây là những điều thật sự đáng để lo lắng trong cuộc đời.

Có 5 điều bất hạnh trong cuộc đời này: ñātibyasana: bà con thân quyến ly tan; bhogabyasana: của cải tài sản hư hoại; rogabyasana: bệnh tật trầm trọng, bệnh nan y; sīlabyasana: giới, hạnh kiểm suy đồi (bị tù tội); diṭṭhibyasana: mê tín, cuồng tín, thấy sai chấp lầm. Đó là 5 điều bất hạnh trong kiếp sống làm người này.

Những bậc thiện trí thường ước nguyện tránh khỏi ‘5 bất hạnh kiếp người’ chính là những điều này. Tuy nhiên, trong 5 điều bất hạnh ấy, mọi người thường chỉ hay lo lắng, sợ hãi, chú trọng đến các bất hạnh như bà con thân quyến ly tán, của cải tài sản hư hoại và bệnh tật trầm trọng. Họ chỉ chú trọng đến 3 loại bất hạnh trên mà thôi. Họ không biết sợ giới hạnh bị hư mất, cũng không biết sợ khi niềm tin hay tri kiến bị lệch lạc.

Điều thật sự đáng sợ hãi đó là giới hạnh bị hư hoại và tri kiến bị lệch lạc. Người đời thường hay lo lắng sợ hãi 3 điều bất hạnh trước, không mấy ai lo lắng sợ hãi 2 điều bất hạnh sau. Họ chỉ lo lắng, khóc than khi bà con thân quyến bị ly tán, khi của cải bị hư mất, khi bị tật bệnh trầm trọng. Thật hiếm thấy ai lo lắng khóc than khi giới hạnh của mình bị ô nhiễm, tri kiến bị lệch lạc. Tuy vậy, đức Phật dạy rằng bà con thân quyến bị ly tán, cảu cải tài sản bị hư mất, bệnh tật tầm trọng cũng không khiến cho ta sinh vào cảnh khổ, địa ngục và trong sinh tử luân hồi cũng không phải chịu khổ. Trong khi, 2 điều bất hạnh sau là giới hạnh bị ô nhiễm, tri kiến bị lệch lạc sẽ khiến cho rơi vào cảnh khổ, địa ngục và sinh tử luân hồi sẽ còn chịu khổ nhiều.

Hãy suy nghĩ kỷ một chút chúng ta sẽ thấy rõ người đời sẽ không lo lắng vì những điều này. Vì không lo lắng nên đã đem tiền ra để đổi lấy giới hạnh vô cùng giá trị ấy. Tuy luôn phát nguyện rằng “Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi: không trộm cắp của cải tài sản của người khác”, nhưng nếu một khi có cơ hội thuận tiện thì lại chịu mất giới hạnh ấy để lấy trộm như thường.

Như giới của con Báo đốm vậy. Báo đốm là loài vật ăn thịt, khi không có một con vật nào như hươu, nai,… trước mặt nó, thì nó nguyện sẽ giữ giới uposatha. Với suy nghĩ trước sau gì cũng nhịn đói như nhau. Nó có thật sự giữ giới không, nếu khi có một con vật nhỏ nào đi qua trước mặt nó, nó sẽ nghĩ lại sẽ giữ giới sau, bây giờ đang thuận tiện, có con mồi trước mặt bắt ăn đã, và nó đã nhảy xổ ra bắt con mồi ăn thịt một cách ngon lành. Đó gọi là cách giữ giới của con Báo đốm.

Khi không có cơ hội, hoặc khi không có thức ăn thì “vikālabhojanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi: nguyện không ăn sau 12 giờ trưa. Nhưng khi gặp thức ăn thì thôi để nguyện sau vậy, có đây ăn cho no đã. Sở dĩ làm như vậy là vì không biết, không phân biệt được đâu là cốt lõi, phần ròng; đâu là hình thức, phần dác. Khi sinh ra làm người trong cõi người này rồi, điều chính yếu và quan trọng nhất là biết tích góp phước đức, điều cốt lõi, phần ròng trong cuộc đời làm người này vậy.

Trong kinh Anamatagga đức Phật có dạy, trong thế gian không có địa vị, quyền lực, tài sản nào mà ta đã không từng hưởng thụ qua. Đây cũng là điều rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Nếu khi gặp một đối tượng ưa thích nào, hoặc khi quá ham muốn một địa vị, quyền lực nào, nên suy ngẫm như thế nào? Ồ! Trong sinh tử luân hồi dài vô tận ta cũng đã từng hưởng thụ những thứ như thế này biết bao nhiêu lần rồi. Khi có sự suy ngẫm như vậy, sự ham muốn, dính mắc sẽ bớt đi rất nhiều. Đây cũng là một phương pháp giữ gìn, ngăn ngừa tâm.

Ngược lại, khi gặp hoàn cảnh khổ đau, ví như thấy bên đường có người bị bệnh gẻ lở, nhờm gớm không ai dám nhìn, cũng nên suy ngẫm “Ồ! nỗi khổ này ta cũng đã nhiều lần trải qua”. Hoặc khi gặp những con vật cũng vậy “Ồ! Chính ta cũng đã từng sinh ra trong kiếp súc sinh, và cũng đã chịu nỗi khổ như thế này rồi”. Để có thể suy ngẫm liên tưởng đến những điều này, đức Phật đã thuyết giảng chỉ bày trong bài kinh Anamatagga.

Kiếp sống là một hành trình đã trải qua rất lâu dài. Dài đến nỗi không thể biết được điểm bắt đầu. Vì vậy, đức Phật mới thuyết dạy, trong sinh tử luân hồi không có ai không từng là cha mẹ ta, không có một chúng sinh nào không từng là con, là anh, chị, em, là thân quyến của ta. Chính vì thế, để có tâm từ thương yêu đến tất cả chúng sinh, mỗi khi gặp nhau giữa con người chúng ta hoặc những loài vật, chúng ta nên có tâm suy ngẫm rằng, người này, con vật này, trong một kiếp nào đó đã từng là cha mẹ, cô dì, con cái, anh chị em, thân bằng quyến thuộc của ta.

Khi suy ngẫm được như vậy, thì sự sân hận, nóng giận sẽ tan biến. Trong 9 điều giới, điều phát nguyện cao thượng nhất chính là ‘mettāsahagatena cetasā sabbapāṇbhūtesu: có tâm từ, thương yêu đến tất cả chúng sinh’. Khi gặp, tiếp xúc với những nhân vật đáng giận, tâm nóng nảy, thì nên nghĩ ‘Ồ! Trong quá khứ người này, nhân vật này đã từng là cha hoặc mẹ của ta, bà con thân quyến của ta. Tại ta quên chứ trong luân hồi sinh tử đã từng là quyến thuộc của nhau rồi’. Khi suy nghĩ được như vậy, sự nóng giận sẽ tiêu tan.

Điều chính yếu là sự nóng giận trong tâm ta được tiêu tan, dù suy nghĩ gì đi nữa khi bên trong ta hết nóng giận thì chắc chắn tâm sẽ được an lạc, thanh thản. Sự an lạc, thanh thản trong tâm này không có đợi thời gian, bây giờ suy ngẫm được như vậy, thì chính ngay khi ấy chắc chắn sự nóng giận bên trong ta sẽ mát dịu, thanh thản, an lạc. Pháp của đức Phật là pháp thực hành thiết thực hiện tại chính là nói đến điều này.

Như vậy, trong sinh tử luân hồi, khi ta biết rút ra được những điều cốt lõi như trên, thì hành trình sinh tử luân hồi của chúng ta sẽ rất thuận lợi. Sinh ra làm người cũng thuận tiện, sinh làm chư thiên, phạm thiên càng an lạc hạnh phúc hơn. Chính phước đức chúng ta tích góp được sẽ đem lại sự an lạc hạnh phúc khi chúng ta trôi lăn trong mọi kiếp sống của sinh tử luân hồi. Vì vậy, “Sukho puññassa uccayo: người cố gắng tích góp được nhiều phước đức đó là nguyên nhân chắc chắn đem đến sự giàu sang an lạc”.

Như vậy, thì phải làm gì nếu muốn thoát khỏi kiếp sống sinh tử luân hồi này? Đó cũng chính là làm những phước đức ấy mà thôi, có điều cần phải thay đổi mục đích hướng đến. Phước đức chia làm 2 loại, chính phước đức là nguyên nhân khiến cho ta hưởng sự an lạc hạnh phúc trong sinh tử luân hồi. Và chính phước đức cũng đưa ta đến sự thoát khỏi sinh tử luân hồi ấy.

Phước đức khiến cho ta sinh tử luân hồi là phước đức chịu sự chi phối của tham ái, là phước đức chưa dứt hết tham ái. Thật ra, không phải phước đức khiến chúng ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi, mà do sự dính mắc, bám víu, tham ái khiến ta trôi lăn trong ấy. Tham ái (taṇhā), dính mắc, bám víu này do đâu sinh lên? Đó là do avijjā (vô minh), không biết sự thật chân lý, đã che đậy nó, rôi bày vẽ ra đối tượng ưa thích nên tham ái mới sinh khởi lên được.

Không đẹp vẽ ra cho đẹp; không tốt cũng vẽ ra cho tốt. Làm cho trong mắt luôn luôn nhìn thấy tốt đẹp. Theo sự lôi kéo, che đậy từ vô minh khiến cho luôn nhìn thấy tốt đẹp, nên tham ái sinh ra tham đắm, dính mắc. Chính vì vô minh và tham ái mà có sinh tử luân hồi. Chúng là 2 gốc rễ của sinh tử luân hồi vậy. Nếu chặt đứt được 2 gốc rễ này, thì phước đức sẽ có năng lực vượt thoát ra khỏi luân hồi và đưa đến Niết-bàn. Nếu không cắt bỏ 2 gốc rễ ấy thì trong sinh tử luân hồi chúng còn luôn theo cho quả không ngừng. Khi đã cắt đứt được 2 gốc rễ ấy thì sẽ vượt qua được bến bờ sinh tử luân hồi và đạt đến Niết-bàn. Như vậy, phước đức, phần cốt lõi, phần ròng là bền vững lâu dài, lại có năng lực vượt thoát luân hồi đạt đến Niết-bàn cao thượng vậy.

Đức Phật có người anh họ Mahānāma là một vị Vua của dòng dõi Sakya. Đức Vua Mahānāma là một vị Vua đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhất Lai (Sakadāgāmi; bậc Thánh thứ 2) trong giáo pháp của đức Phật Gotama. Bậc Thánh Nhất Lai xem như là bậc Thánh Nhập Lưu trưởng thành hơn vậy. Giữa 2 bậc Thánh Bất Lai và Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai cao thượng hơn bậc Thánh Nhập Lưu. Đối với Nhất Lai Thánh Đạo không diệt đoạn tuyệt được pháp nào riêng biệt, chỉ làm cho tham ái cõi dục giới và sân hận giảm năng lực bớt đi, 2 pháp này chính là đối tượng diệt đoạn tuyệt của Bất Lai Thánh Đạo.

Đức Vua là bậc Thánh Nhất Lai ấy khi gặp đức Phật đã trình bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Trong tâm con cảm thấy lo sợ”. Buổi chiều tối, khi đi vào kinh thành Kapilavatthu, đi trên đường cùng với ngựa, voi, xe ngựa, xe voi phải luôn luôn chú ý, thận trọng. (Thời đại ấy các con đường có thể rất hẹp, trên đường ngựa, voi, xe kéo đi lại tấp nập, như xe cộ thời nay vậy.) Thỉnh thoảng có những con ngựa điên vô chủ phi nước đại trên đường, hoặc những chú chó dại, chó điên vô chủ chạy rong trên đường. Và thỉnh thoảng cũng có những con voi hung dữ chạy thoát trên đường. “Kính bạch Đức Thế Tôn! Chính con đã gặp những con voi hung dữ trên đường ấy, cũng gặp những con ngựa hung dữ vô chủ ấy, lại gặp những con chó điên lang thang trên đường ấy. Và con cũng gặp những người say, những kẻ du côn đầu đường xó chợ. Khi gặp những hoàn cảnh như vậy, tâm con không thể hướng về Ân Đức Phật được, cũng không thể hướng về Ân Đức Pháp được, cũng không thể hướng về Ân Đức Tăng được. Tâm của con khi ấy đã bị bấn loạn, bạch Ngài”. 

Nên nhớ trên đây là lời trình bạch của một bậc Thánh Nhất Lai. Nếu khi thấy voi dữ chạy đến, còn phải sợ hãi nó, ngựa hoang dại chạy đến, những người du côn, say rượu chạy đến, vì sợ hãi và phải nhìn để trốn tránh chúng, nên tâm không hướng về Tam Bảo được. Tâm của nhà Vua bị bấn loạn. Tâm của nhà Vua còn sợ hãi, lo lắng, là vì nhà Vua mới chỉ là bậc Thánh Nhất Lai, nên chưa hết dosa (sân hận, sợ hãi, lo lắng, khóc than).

Bạch Ngài! Con suy nghĩ rằng, nhà Vua trình bạch tiếp, “Trong khi như vậy mà ta chết đi thì thật là khổ, không biết thế nào. Không biết ta có sinh về cảnh giới tốt an lạc không? Khi gặp những hoàn cảnh như vậy tâm con không an ổn, thanh tịnh được.”

Đức Phật dạy: 

“Này Mahānāma! Không nên sợ hãi! Con không nên sợ hãi như vậy! Tại sao vậy? Tại vì trong tâm của con đã được thấm nhuần đức tin (saddhā-paribhāvita). Năng lực đức tin của con đã bất thoái chuyển. Tâm của con cũng đã được thấm nhuần giới hạnh (sīla-paribhāvita). Tâm của con cũng đã được thấm nhuần trí tuệ, chánh kiến (paññā-paribhāvita). Và như vậy, tâm của con đã thực hành thành tựu những đức tin, những giới hạnh, những trí tuệ. Trong tâm của con năng lực đức tin luôn sinh khởi. Năng lực của giới hạnh luôn vững chắc, thấm nhuần và thuần thục. Năng lực của trí tuệ luôn bén nhạy cao thượng. Vì vậy, khi gặp phải những hoàn cảnh ấy, dù có quên đi, con cũng không thể nào đi xuống, rơi vào 4 cõi khổ được. Do tâm đã thấm nhuần các pháp ấy nên những dòng tâm, lộ trình tâm ấy luôn nâng đở con lên trên, sinh vào các cõi thiện tốt đẹp mà thôi. Không bao giờ đẩy con xuống dưới được.”

Đức Phật đã dẫn giải vì dụ để thuyết giảng rằng: “Này Mahānāma! Như Lai ví dụ như: Lấy một hủ đựng đầy bơ rồi đem để vào trong hồ nước. Sau đó, nếu đập vỡ hủ bơ ấy ra thì các phần bị bể của hủ bơ sẽ rơi xuống bên dưới, trong khi bơ sẽ nổi lên trên. Nếu khi ta làm vỡ hủ bơ trong nước thì các mảnh vỡ sẽ lặn xuống bên dưới, còn bơ đương nhiên sẽ nổi lên trên. Cũng như vậy, thân thể này cuối cùng rồi cũng đem ra bỏ nghĩa địa, hoặc thiêu đốt, hoặc cũng có thể để cho thú vật, dòi bọ ăn. Tuy nhiên, những tâm đã được thấm nhuần bởi năng lực đức tin, giới hạnh và trí tuệ sẽ nâng con lên cảnh giới an lạc tốt đẹp hơn”.

Phước đức sẽ khiến cho chứng đạt được các pháp đặc biệt làm căn bản, để đưa đến sự an lạc cao thượng cuối cùng đó là Niết-bàn. Có thể thấy rằng nhà Vua Mahānāma đã tích góp được rất nhiều phước đức, điều cốt lõi, phần ròng trong cuộc đời của mình. Đó là điều chúng ta nên noi theo và lấy đó làm tấm gương trong cuộc đời mình.

Qua tóm tắt ý nghĩa của bài kinh này, hy vọng rằng mỗi một người đều hiểu biết rõ và hoan hỷ, kể từ nay trở đi hãy cố gắng rút ra cho được thật nhiều cốt lõi, phần ròng (sāra) trong cuộc đời. Hãy luôn tâm niệm và nhắc nhở mình rằng, ta không nên để mất quá nhiều thời gian cho phần dác, hình thức bên ngoài, mà hãy rút ra cho được thật nhiều phần ròng, cốt lõi trong cuộc đời, đó là những cốt lõi đức tin ròng; giới hạnh ròng; nghe nhiều hiểu rộng ròng; bố thí, xả bỏ ròng; và trí tuệ ròng. Với quyết tâm kể từ hôm này ta sẽ làm việc của người cao thượng (thực hành pā-ra-mī) để tích góp được nhiều phước đức, bằng cách rút ra những điều cốt lõi, phần ròng trong cuộc sống. Cuối cùng chúc cho tất cả quý vị thành tựu và có được nhiều điều cốt lõi trong cuộc đời này.

Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay!

 

Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta Nandāmālābhivaṃsa

Hiệu Trưởng các trường đại học Phật giáo quốc tế Myanmar.

Yên Mỹ ngày 20 tháng 11 năm 2017

Sư Hộ Giới lược dịch.

 

 

———————

Bài viết Bỏ Dác, Tìm Dòng – Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta Nandamālābhivaṃsa thuyết giảng, Hộ Giới Tỳ Khưu Việt dịch

Link  bài Bỏ Dác, Tìm Dòng
Link  tải sách ebook Bỏ Dác, Tìm Dòng
Link  video bài Bỏ Dác, Tìm Dòng
Link  audio bài Bỏ Dác, Tìm Dòng
Link  thư mục tác giả Hộ Giới Tỳ Khưu
Link  thư mục ebook Hộ Giới Tỳ Khưu
Link  giới thiệu Hộ Giới Tỳ Khưu
Link  tải App mobile Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app