CHÁNH ĐỊNH ĐẠO
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định? Ở đây, trong Giáo Pháp này, Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định. Như vậy, định trong bốn bậc thiền được xác định là Chánh Định Đạo.
Ở đây, Jhāna (bậc thiền) có nghĩa là không cho phép tâm lang thang mà gắn chặt nó trên một đề mục duy nhất để duy trì trạng thái vắng lặng. Theo Kinh thì có bốn bậc thiền (Jhāna): (1) Sơ thiền, do năm thiền chi tạo thành, đó là vitakka (tầm): hướng tâm đến một đối tượng hay tư duy về đề mục thiền; vicāra (tứ): sự thẩm sát liên tục trên đối tượng; piti (hỷ) trạng thái say mê, sung sướng; sukha (lạc), cảm giác an lạc, hạnh phúc; ekaggatā (nhất tâm) sự hợp nhất của tâm an tịnh. (2) Sau khi diệt tầm và tứ, chỉ ba thiền chi hỷ, lạc và nhất tâm còn lại, tạo thành nhị thiền. (3) Kế tiếp diệt hỷ, hai thiền chi lạc và nhất tâm tạo thành tam thiền; (4) Trong tứ thiền, lạc được thay thế bằng xả (upekkhā) vì thế xả và nhất tâm tạo thành tứ thiền.
Bốn bậc thiền này có thể là những thiền hiệp thế [1] (lokiya jhānas), hoặc thiền siêu thế (lokuttarā jhāna) đi kèm theo Thánh Đạo tâm. Định của thiền siêu thế là chánh định thuộc thánh đạo; định của thiền hiệp thế có thể được xếp vào chánh định đạo nếu nó tạo thành căn bản cho sự phát triển minh sát (vipassanā).
[1] Thiền hiệp thế cũng còn gọi là thiền sắc giới (rūpavacara jhāna) và thiền vô sắc giới (arūpavacara jhāna).