Trưởng lão Nanda

Thái tử Nanda là người em cùng cha khác mẹ với đức Bồ Tát Thái Tử Siddhattha (người sau này giác ngộ thành đức Phật). Phụ Vương của cả hai chính là đức Vua Suddhodana. Riêng mẫu hậu của đức Bồ Tát Thái Tử Siddhattha là Chánh cung hoàng hậu Mahāmāyādevī; còn mẫu hậu của Thái tử Nanda lại là Chánh cung hoàng hậu Mahāpajāpati Gotamī. Vì vậy, Thái tử Nanda và đức Phật chính là anh em ruột thịt.

 

Theo như truyền thống văn hóa của dân tộc Sakya, những người thuộc vai vế thấp, người nhỏ tuổi phải luôn phục tùng, không bao giờ phản kháng, bất tuân với những người có vai vế cao, người lớn tuổi. Đây cũng chính là sự kính trọng, thuộc một trong những pháp hạnh phúc cao thượng; và tự chính mình biết hạ mình, khiêm cung, cũng thuộc một trong những pháp hạnh phúc cao thượng vậy. Hạnh phúc cao thượng nghĩa là tập quán tốt, phẩm hạnh tốt, đạo đức tốt và văn hóa tốt. Theo tập quán này, phẩm hạnh này, đạo đức này, văn hóa này thì Thái tử Nanda dù có cảm giác thế nào nơi đức Phật đi nữa cũng không dám trái ý hay thưa trình từ chối bất cứ điều gì. Dù có không hợp với mong muốn của mình đi nữa, cũng đành chỉ biết vâng lệnh phục tùng theo những lời chỉ bảo của đức Phật mà thôi.

Nếu nói theo một khía cạnh nào đó sự tương quan của nét văn hóa tôn giáo thì có thể nói rằng, những nét văn hóa đó của Phật giáo Theravāda đã du nhập vào đất nước Myanmar và tạo ra nét văn hóa tốt đẹp cho dân tộc của chúng ta. Nét văn hóa ấy, hiện nay chúng ta vẫn còn bắt gặp được ở một số vùng của đất nước Myanmar chúng ta. Thật ra, trong việc giữ gìn những giá trí văn hóa, hoặc trong việc giữ gìn những giá trị giới hạnh, đạo đức dù các quốc gia, các dân tộc đã xây dựng, đưa ra nhiều điều luật, nhiều nghị định, nhiều chỉ thị, nhiều nội quy; nhưng nhìn chung, chúng ta cũng dễ dàng thấy rõ hay bắt gặp được trong thế giới hiện đại, những điều ấy cũng khó có thể đủ đầy trong việc giữ gìn những giá trị ấy. Trong việc thực hành giới hạnh, đạo đức; hay sự giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của thời đại trước và thời đại này đã có sự khác biệt nhau rất lớn. Không biết là thời đại trước thực hành giới hạnh, đạo đức và duy trì giữ gìn giá trị nét đẹp văn hóa tốt hơn phải không? Hay thời đại ngày nay thực hành giới hạnh, đạo đức và duy trì giữ gìn giá trị nét đẹp văn hóa tốt hơn? Tùy theo cách thấy của mỗi thời; nếu có những người cho rằng thời đại trước đây tốt hơn như thế nào, thì cũng có những người cho rằng thời đại hiện tại tốt hơn như thế ấy. Tuy nhiên, nếu nói theo theo cái nhìn của Phật giáo, thì môi trường chung quanh không quan trọng, mà điều quan trọng chính là tâm của mình. Môi trường chung quanh đó là cái để thấy, cái để nghe, cái để ngửi, cái để nếm và cái để tiếp xúc gồm 5 đối tượng dục lạc tham muốn của tâm. Những điều đó trong giáo pháp của đức Phật, Ngài thuyết giảng rằng chúng là những cái “không thể nào đoạn diệt được”.

Môi trường chung quanh là nguyên nhân khiến phát sinh những điều cố chấp, nắm giữ (upādāna). Khi đã nói đến cố chấp, nắm giữ thì đó đương nhiên không phải là những điều tốt-thiện. Theo như nhân duyên sinh khởi (paṭicchasamuppāda), mỗi khi sự cố chấp, nắm giữ sinh khởi lên, sẽ làm nhân duyên cho cuộc đời (bhava: sự tạo tác, hiện hữu) phát sinh lên. Tuy nhiên, chỉ khi nào chúng ta nuôi dưỡng sự cố chấp, nắm giữ ấy, chúng mới mang tính chất xấu, bất thiện. Thật ra, nếu muốn có được trí tuệ thấy biết rõ sự thật của bậc Thánh, thì phải sử dụng sự cố chấp, nắm giữ đó. Giống như vị ngự y Jīvaka đã dùng chất độc để chế thuốc trị bệnh như thế nào, cũng như vậy, người muốn có được trí tuệ thấy biết rõ sự thật của bậc Thánh phải quán xét cho đến khi nào các trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của sự tạo tác, hiện hữu (bhava: cuộc đời) phát sinh lên do cố chấp, nắm giữ (upādāna: chấp thủ) ấy tan rã.

Chất độc đối với ngự y Jīvaka thì lại là thuốc, nhưng chất độc đối với những người khác thì lại là điều nguy hại. Cũng giống như vậy, sự cố chấp, nắm giữ đối với những người muốn chứng đạt trí tuệ thấy biết rõ sự thật của bậc Thánh (Ariyasaccañāṇa); với những trí tuệ thiền tuệ theo tuần tự có thể quán chiếu sự tạo tác, hiện hữu do sự cố chấp, nắm giữ ấy phát sinh lên một cách thuần thục, rõ ràng làm cho tan rã thì nó chính là “thuốc”, khiến cho có thể chứng đạt trí tuệ thấy biết rõ sự thật của bậc Thánh. Trong khi đối với những người bình thường khác thì sự cố chấp, nắm giữ ấy lại là nguyên nhân với tính chất là năng lực của nghiệp, hành động khiến phát sinh lên cuộc đời, kiếp sống (bhava: sự tạo tác, hiện hữu); khiến cho trôi lăn lên xuống theo con nước của sinh tử luân hồi. Do đó, đối với những người ấy sự cố chấp, nắm giữ chính là chất độc vậy.

Khi còn là học sinh được học thơ tả thực (tự nhiên) của thi hào người Anh William Wordsworth. Thầy giáo đã giảng dạy, phân tích ý nghĩa có đoạn rằng: “Con người có bản chất mang mầm mống của hạt giống bất thiện, xấu ác; rất ít sự chân thật trong trắng; nhưng lại nhiều sự xảo quyệt gian manh. Thể hiện là “bậc ngụy quân tử” với những sự dối trá giả nhân giả nghĩa. Trong khi tả thực (sabhāva: tự nhiên) thì tinh khiết, thanh tịnh, chân thật, cởi mở. Khi thơ tả về “người”, thì những tính cách bất thiện, những thói xấu của con người từ trong thơ sẽ thấm nhiễm tồn động và trở thành những điều cố chấp, nắm giữ ở trong tâm người đọc. Còn khi thơ tả thực “tự nhiên”, thì những bản chất tinh khiết, thanh tịnh, chân thật, cởi mở của thiên nhiên từ trong thơ cũng sẽ thấm nhiễm tồn động trong tâm người đọc. Do đó, thi sĩ không tả “người” mà chỉ tả thiên nhiên không thôi, khi nói về sự tinh khiết, chân thật, cởi mở vậy.”

Trong bài kinh Maṅgala cũng có dạy, không nên kết giao với kẻ xấu ác, vì khi kết giao với kẻ xấu ác thì sẽ bị nhiễm tâm tính xấu, hành động xấu vào trong mình. Vì vậy, lời thơ mà thi sĩ diễn tả ở trên là đúng với thông thường. Tuy nhiên, nếu với sự thấy biết pāramī mà nhìn, thì chúng ta là những người sinh ra vì sự lợi ích và phát triển của thế giới loài người; không phải sinh ra vì lợi ích và phát triển chỉ cho riêng bản thân mình. Chính đức Phật Gotama, Bậc đã thực hành hoàn thành tròn đủ mọi pāramī đến tột đỉnh, cũng sinh ra trên cõi đời này là vì thế gian vậy. Đây là cái nhìn với sự thấy biết pāramī.

Một khi không nhìn với cách thấy biết pāramī, mà chỉ nhìn với cách thấy biết thế gian thông thường thì sẽ thấy biết theo như cái thấy biết của thi sĩ mà thôi. Theo định luật pāramī thì phải từ vô minh đạt đến minh (trí tuệ); từ sai để tiến lên đúng; từ thế gian đạt đến xuất thế gian. Bởi vì nếu một khi không có vô minh, sai (tà) và thế gian thì không thể có trí tuệ (minh), hoặc đúng (chánh), hoặc xuất thế gian phát sinh lên được. Đóa sen vàng thơm ngát cao quý là mọc lên từ bùn lầy. Đóa sen vàng thơm ngát sẽ không mọc lên được nếu xa lìa bùn nhơ. Còn nếu xa lìa bùn nhơ mà vẫn mọc lên được thì đó không phải theo quy luật tự nhiên, chỉ có thể xa lìa bởi do năng lực thần thông vậy. Do vậy mới nói rằng tâm là quan trọng và chính yếu hơn môi trường chung quanh. Theo như giáo pháp của đức Phật thì môi trường chung quanh là “pháp không thể đoạn diệt được”; mà chỉ có thuyết giảng, chỉ dạy phải đoạn diệt những phiền não sinh khởi ở trong tâm như: sân hận không hài lòng, và tham đắm dính mắc,… nơi môi trường chung quanh. Hiểu một cách ngắn gọn là pháp không thể đoạn diệt được đó là sắc pháp-môi trường chung quanh, và pháp phải đoạn diệt đó là phiền não vậy. Một khi đã đoạn diệt được phiền nào thì những sắc pháp-môi trường chung quanh tự động yên lặng, trong lành và an lạc theo vậy; không cần phải cố gắng riêng biệt gì cả. Trong giáo pháp có dạy rằng sự vắng lặng ấy, hạnh phúc và an lạc hơn cả sự hạnh phúc an lạc của một bậc Đế vương trị vì cả thiên hạ theo thiện pháp (bậc Chuyển Luân Thánh Vương).

Trong thế gian này, có cách thấy biết pāramī và cũng có cách thấy biết không phải pāramī. Trong 2 loại thấy biết ấy, nếu nhìn với cách thấy biết không phải pāramī thì sẽ thấy biết thế gian này theo sự phân biệt “ta và người”. Họ đến với thế giới này không phải vì thế gian mà đến, chỉ thấy biết thế gian này phải vì họ mà thôi; là người luôn ao ước, mong cầu có được cơ hội tốt để lợi dụng thế gian này cho mục đích của riêng mình. Vì vậy, cái nhìn của những người ấy gọi là cái nhìn còn trong phân biệt đối xử vậy, ngôn ngữ Pāḷi gọi là “pamaññā: giới hạn”. Thật ra trong thế gian này người có cách thấy biết này thuộc về phần số đông vậy.

Còn khi nhìn với thấy biết pāramī thì sẽ khác, đó là thế gian này không phải vì họ, mà chỉ có họ vì thế gian thôi vậy. Để có thể nhìn được thế gian với cách thấy biết này quả thật không phải dễ; tuy là không dễ nhưng làm thì vẫn được. Trong thế gian này không có gì là không thể làm được; bất cứ gì cũng có thể làm được cả. Tuy nhiên phải biết quý trọng thời gian. Giống như ánh nắng mặt trời, nó vụt qua đi mang theo cả chính nó và năng lượng của nó cùng một lần như thế nào; theo cách ấy, thời gian cũng vậy nó đi qua cũng mang theo những thứ, những sự kiện quan trọng quý giá cùng với nó không trước không sau. Có điều thời gian có tính chất mau lẹ và năng lực của nó còn mạnh mẽ hơn ánh nắng mặt trời gấp nhiều lần. Chính vì vậy mà các bậc tri thức ở đời thường nói thời gian là đấng cai trị thế gian này.

Khi đề cập đến pāramī thì không thể dùng thế kỷ, thiên niên kỷ để đo đếm được, nó phải được đo đếm bằng những đại kiếp trái đất. Tuy nhiên không phải là không thể làm được, nếu làm thì sẽ thành tựu được tất cả. Khi tìm hiểu về thời gian thực hành tròn đủ pāramī của Thái tử Nanda, thì cách đây hơn 100 ngàn đại kiếp trái đất, tiền kiếp của Thái tử là người đã được đức Phật Padumuttara thọ ký sau này trở thành vị Á-rá-hán cao quý có địa vị “Bậc giữ gìn các pháp chủ cao thượng nhất trong hàng Thanh Văn Á-rá-hán” đệ tử.

Thời gian để Thái tử Nanda thực hành tròn đủ pāramī tính ra phải trải qua thời gian lâu dài là 100 ngàn đại kiếp trái đất. Trong thời gian lâu dài ấy, đã thực hành tròn đủ được các pāramī như: đối với lợi ích của chính mình, vẫn “không tham đắm, dính mắc” trong những vật, những đối tượng tốt đẹp, yêu thích; có thể “nhẫn nại” được trong những vật, những đối tượng xấu xa, đáng sân hận; có thể “giữ vững, kiên định trong chánh đạo” khi không thiên vị, không cả nể trong những vật, những đối tượng sợ hãi, đáng phải thiên vị; v.v…. Đến kiếp hiện tại này là kiếp cuối cùng của Thái tử, cho nên chúng ta cũng có thể dễ dàng đoán biết được trí tuệ của Thái tử nhạy bén, thâm sâu đến mực độ nào rồi.

Theo như giáo pháp của đức Phật, những bậc có đầy đủ pāramī tiếp nối nhau chứng đạt quả vị Á-rá-hán bởi trí tuệ thấy biết rõ sự thật của bậc Thánh, nên cuối cùng đã tịch diệt Niết-bàn, không còn tái sinh trở lại ở bất cứ cõi nào nữa; có lẽ vì vậy mà bây giờ không còn những bậc pāramī tròn đủ, nên thế giới hiện tại này sự oán hận thù ghét lẫn nhau, sự tranh đấu hơn thua lẫn nhau; cho nên mới phát sinh sự tư duy rằng không biết có phải vì vậy mà ngày càng không có sự thái bình an lạc hay sao? Và cũng luôn suy nghĩ rằng trong thế gian này không biết có phải toàn là những người chỉ hiểu biết “ta và nhóm của ta”, vì vậy mà không còn một ai hiểu biết một cách tường tận về pāramī, hoặc giả khi có hiểu biết đi nữa cũng không biết còn có ai thực hành chúng hay không?

Thái tử Siddhattha đã đi vào rừng xuất gia thực hành giới-định-tuệ, sau đó dưới đại cội Bồ Đề đã chứng đắc thành bậc Chánh Đẳng Giác Phật. Ngài đã du hóa khắp mọi nơi từ kinh thành đến những làng mạc xa xôi để chỉ dạy về: “đây là sự hạnh phúc an lạc chơn chánh; có thể chứng đạt được sự hạnh phúc an lạc chơn chánh ấy bằng trí tuệ thực hành phận sự nơi 4 sự thật của bậc Thánh. Hạnh phúc an lạc chơn chánh không có trong sự đầy đủ của cải vật chất hay bất cứ trong những gì thuộc về sắc pháp. Cho đến khi nào còn tìm kiếm cho đầy đủ của cải vật chất để mình và nhóm của mình sử dụng, hưởng thụ và cất giữ; thì đến khi ấy không những không phải là sự tìm kiếm sự hạnh phúc an lạc chơn chánh, mà đó còn là đang đi tìm kiếm sự khổ đau thật sự vậy. Sự hạnh phúc an lạc thật và sự hạnh phúc an lạc tạm bợ, giả dối có sự trái ngược nhau hoàn toàn, là 2 mặt đối nghịch nhau, v.v…”. Và cứ như vậy, khi gặp bất cứ ai có duyên lành, Ngài đã thuyết pháp theo sở thích của họ để hóa độ những người đó. Bắt đầu từ khu rừng phóng sinh các loài thú Isipatana, gần thành Bāraṇasī Ngài đã thuyết pháp tế độ 60 vị trở thành những bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng gồm có nhóm 5 Tỳ khưu Pañcavaggī, sau đó Ngài lại chỉ dạy mỗi người chia nhau đi một ngã để thuyết pháp tế độ chúng sinh có duyên lành. Riêng Ngài ở lại khu rừng Isipatana; rồi đến khu rừng Uruveḷa; tiếp theo Ngài ngự đến ngôi chùa Veḷuvana, gần thành Rājagaha, vào Rằm tháng Giêng, 9 tháng kể từ khi Ngài thành đạo. Tại đây đức Phật đã thuyết pháp giáo hóa được hơn 10.000 người từ các vương quốc Aṅga và Magadha trở thành các bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng.

Đức phụ Vương Suddhodana sau khi hay tin đức Phật, hoàng Thái tử đang cư ngụ tại kinh thành Rājagaha, với mong muốn cung thỉnh đức Phật trở về cố quốc Kapilavattha của mình, nên đã sai 1 vị quan thống lĩnh dẫn theo 1.000 tùy tùng đi cung thỉnh đức Phật ngự trở về cố quốc. Nhưng dù đã gửi đi hết đoàn này đến đoàn khác, từ vị quan thống lĩnh cho đến người tùy tùng không một ai quay trở về báo tin; bởi vì tất cả họ sau khi đến gặp đức Phật, nghe pháp của Ngài xong, đều trở thành những bậc Thánh Á-rá-hán và xuất gia nơi đức Phật. Đến cả tin tức cũng không gửi về tâu lên cho đức Vua.

Đức phụ Vương Suddhodana đã không được gặp đức Phật, hoàng Thái tử cũng gần 7 năm rồi, vì vậy đức Vua đã rất muốn được gặp lại hoàng Thái tử, đức Phật; Công chúa Yasodharā thì không cần phải nói cũng biết được sự mong muốn được gặp lại Thái tử như thế nào; người vừa là Dì (Cô) ruột vừa là Mẹ nuôi, Mahāpajāpati Gotamī, ngoài không mang thai ra, còn lại đều hoàn toàn như một người mẹ nuôi nấng, chăm sóc dạy dỗ Thái tử; và rất nhiều thân quyến khác cũng đều mong muốn được gặp lại Thái tử yêu quý của mình. Vì vậy, họ đã tâu trình lên đức Vua, nhà Vua đã sai khiến từng đoàn sứ giả gồm 1 vị quan thống lĩnh và 1.000 tùy tùng đi cung thỉnh đức Phật ngự trở về cố quốc. Nhưng sau khi đã cử đến 9 đoàn sứ giả mà vẫn bặt vô âm tính, không một lời tấu trình hồi đáp.

Đức Vua Suddhodana lúc này đã quá lớn tuổi, vì vậy có thể băng hà bất cứ lúc nào. Do đó, đức Vua càng muốn được gặp đức Phật, hoàng Thái tử trước khi thần chết đến gọi. Sau cùng, lần thứ 10, đức Vua đã cử vị quan sinh cùng giờ với đức Phật, là Kāḷudāyi làm thống lĩnh cùng 1.000 tùy tùng đi thỉnh đức Phật, hoàng Thái tử ngự trở về kinh thành Kapilavatthu.

Đức Vua Suddhodana cử vị quan thân tín Kāḷudāyi làm sứ giả đi thỉnh đức Phật bởi đức Vua nghĩ: “Kāḷudāyi ngoài là người sinh cùng giờ với hoàng Thái tử của ta ra, y còn là người thường chơi đùa lớn lên cùng Thái tử. Vì vậy, Kāḷudāyi là người rất thân thiết với đức Phật, hoàng Thái tử của ta. Một khi Kāḷudāyi đích thân đi cung thỉnh trực tiếp thì chắc chắn rằng đức Phật sẽ ngự trở về kinh thành Kapilavutthu này mà thôi”.

Kāḷudāyi cũng giống như Thái tử Nanda, là bậc đã được đức Phật Padumuttara thọ ký chắc chắn sẽ trở thành một bậc Thánh Á-rá-hán có đức hạnh “khiến cho thân quyến của mình phát sinh đức tin và quy ngưỡng” đặc biệt nhất trong các bậc Thánh Á-rá-hán Thanh Văn. Do vậy, đối với Kāḷudāyi cũng không cần phải đề cập nói đến trí tuệ sắc bén và thâm sâu làm gì. Khi được tin đức Vua sai khiến làm sứ giả đi cung thỉnh đức Phật ngự trở về cố quốc, vị quan Kāḷudāyi đã tâu trình xin đặc ân lên đức Vua:

  • Muôn tâu Hoàng Thượng! Nếu được Hoàng Thượng cho phép hạ thần cùng đoàn tùy tùng xuất gia Tỳ khưu nơi đức Phật, hạ thần hứa chắc sẽ nhận trách nhiệm cung thỉnh đức Phật ngự trở về kinh thành này cho bằng được. Đức Vua Suddhodana đã chuẩn tấu.

Vị quan Kāḷudāyi dẫn đầu đoàn tùy tùng 1000 người rời kinh thành Kapilavatthu lên đường đến kinh thành Rājagaha, khi họ đến được kinh thành Rājagaha là vào khoảng đầu tháng 2 Âm lịch, gần khoảng 10 tháng sau khi Thái tử Siddhattha chứng đắc thành bậc Chánh Đẳng Giác Phật. Khi họ đến ngôi chùa Veḷuvana gặp lúc đức Phật đang thuyết pháp đến hội chúng, nên họ cũng lắng nghe pháp, khi xong buổi thuyết pháp ấy, vị quan Kāḷudāyi cùng với 1000 tùy tùng đều chứng đắc thành bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng, và tất cả đều xin xuất gia Tỳ khưu nơi đức Phật.

Trong khi đang chờ đợi cơ hội tốt thích hợp để trình bạch thỉnh cầu đức Phật ngự trở về kinh thành Kapilavatthu, nhằm ngày Rằm tháng 2 Âm lịch, đúng 10 tháng sau khi thành Phật, Trưởng lão Kāḷudāyi đã thấy được cơ hội tốt thích hợp để trình bạch nguyện vọng của phụ Vương đức Phật và thân quyến Hoàng tộc, cũng như thỉnh cầu đức Phật vì sự lợi ích phát triển, làm rạng danh dòng tộc Sakya mà trở về thăm viếng kinh thành Kapilavatthu. Trưởng lão Kāḷudāyi đã mô tả về phong cảnh và thời tiết tốt đẹp yên bình trên con đường từ kinh thành Rājagaha đến kinh thành Kapilavatthu bằng 64 bài kệ, để cung thỉnh đức Phật, ngoài ra còn tác bạch tâm tư và nguyện vọng của phụ Vương cũng như của thân quyến hoàng gia của đức Phật đã gửi gắm cung thỉnh và mong muốn được diện kiến chiêm bái Ngài.

Tuy Trưởng lão Kāḷudāyi tác bạch 64 bài kệ mô tả ca ngợi tình hình cảnh vật, thời gian và thời tiết tốt đẹp, thanh bình từ kinh thành Rājagaha đến kinh thành Kapilavatthu để cung thỉnh đức Phật, nhưng thuận theo các bậc Thầy Tổ Mūlaṭīkā giải thích thì chỉ nói đến có 60 bài mà thôi. Trong luật thi kệ cũng chỉ nói đến 60 thi kệ vậy. Vì khoảng cách 60 do-tuần và thời gian đi hết 60 ngày nên con số thi kệ cũng được làm tròn cho dễ nhớ vậy. Theo như lời thỉnh cầu của Trưởng lão Kāḷudāyi, đức Phật cùng 20 ngàn bậc Thánh Á-rá-hán tháp tùng rời kinh thành Rājagaha để ngự trở về kinh thành Kapilavatthu. Kinh thành Rājagaha cách kinh thành Kapilavatthu 60 do-tuần (yojana: do-tuần, 1 do tuần gần bằng 16 cây số, cũng có thuyết nói 22 cây số), phái đoàn khởi hành từ kinh thành Rājagaha vào ngày 16 tháng 2 Âm Lịch (ngày đầu tiên sau đêm trăng tròn tháng 2 Âm lịch), mỗi ngày đi được 1 do-tuần, vì vậy đến ngày Rằm tháng 4 Âm lịch, phái đoàn do đức Phật dẫn đầu cùng 20 ngàn bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng ấy, mới về đến ngôi chùa Nirodhārāma gần kinh thành Kapilavatthu.

Tại ngôi chùa Nirodhārāma đức Phật bằng cách thể hiện thần thông đặc biệt “song đối”, để diệt sự tự cao tự đại giai cấp Vua chúa của dòng tộc Sakya, tiếp theo Ngài thuyết giảng rộng về lịch sử chư Phật Toàn Giác (Mahābuddhavaṃsa) gồm có 951 bài kệ. Cũng tại ngôi chùa Nirodhārāma gần kinh thành Kapilavatthu này đức Phật đã thuyết pháp tế độ phụ Vương, đức Vua Suddhodana trở thành bậc Thánh Bất Lai, và Di mẫu Mahāpajāpati Gotamī trở thành bậc Thánh Nhập Lưu; những người thân quyến trong Hoàng tộc còn lại, tùy theo năng lực pāramī của mình, mà có được phước thiện cao quý nơi giáo pháp của đức Phật. Đến ngày thứ 3 sau khi đức Phật ngự trở về kinh thành Kapilavatthu, thì Hoàng tộc tổ chức 5 lễ mừng hạnh phúc cho Thái tử Nanda cùng một lúc; theo truyền thống và phong tục tập quán của Hoàng tộc Sakya thường tổ chức những lễ mừng hạnh phúc cùng lúc như sau:

  1. Lễ hạnh phúc mừng Đông cung Thái tử bối tóc.
  2. Lễ hạnh phúc mừng mang vòng vàng trưởng thành lên trán.
  3. Lễ hạnh phúc mừng nhập điện Đông cung Thái tử.
  4. Lễ hạnh phúc mừng tân hôn.
  5. Lễ hạnh phúc mừng thượng lọng trắng lên điện Đông cung Thái tử.

Đức Phật khi các lễ mừng hạnh phúc cho Thái tử Nanda đang được tổ chức theo truyên thống, Ngài cùng chư Tăng vẫn vào hoàng cung đi bát khất thực như thường lệ; khi Ngài quay trở về chùa đã đưa bát của mình cho Thái tử Nanda cầm; Thái tử Nanda hai tay ôm bình bát của đức Phật rồi đi theo sau Ngài với tâm trạng “đức Phật sẽ nhận lại”.

Ngai Nanda

Cùng khi ấy, công chúa Janapada Kalyāṇī, người được chọn sẽ thành hôn cùng Thái tử Nanda đang trang điểm trong lâu đài của mình, khi hay tin “Thái tử Nanda đã đi theo đức Phật rồi”, với tâm trạng lo lắng hốt hoảng, không đợi trang điểm xong, đầu tóc rối bù, đã chạy ngay đến bên cửa sổ lâu đài nhìn xuống con đường lớn nơi Thái tử Nanda đang đi theo sau đức Phật và dặn dò theo: “Thái tử hãy mau trở về với thiếp”.

Thái tử Nanda đã không có cách nào để có thể làm cho âm thanh lời dặn dò ấy của công chúa Janapada Kalyāṇī tan biến trong trái tim mình; âm thanh của công chúa vẫn luôn nghe như văng vẳng bên trong tai của Thái tử. Thái tử Nanda đã không thể nào làm mất được những âm thanh ấy; tướng mạo, hình dáng ấy; cử chỉ ấy trong tai, mắt và tâm mình được.

Mặc dù vậy, Thái tử Nanda cũng chẳng thể làm gì được nữa. Đức Phật, vị Hoàng huynh khả kính “có thể sẽ nhận lại bình bát của mình” thôi mà, vừa đi vừa suy nghĩ miên man như vậy, nhưng đức Phật đã không nhận lại, vì thế mà Thái tử Nanda đi theo sau cho đến khi cùng đức Phật về đến ngôi chùa Nirodhārāma. Chỉ sau khi về đến chùa đức Phật mới hỏi: “Này Nanda! Có muốn xuất gia Tỳ khưu không?” Khi ấy trong tâm của Thái tử Nanda nghĩ “Sao Hoàng huynh đức Phật lại có thể hỏi như vậy cho đành?”, một cảm giác chới với, hụt hẩng (sốc) thấm tận trong tim can. Tuy vậy, dù trái tim của Thái tử có vỡ ra thành trăm mảnh cũng phải cắn răng chịu đựng không dám trình bạch sự thật, nên đành cung kính bạch lại “Con sẽ xuất gia, kính bạch Ngài”. Ngay khi ấy, đức Phật dạy bảo các vị Tỳ khưu đệ tử rằng “Này các Tỳ khưu! vậy thì các con hãy làm lễ xuất gia Tỳ khưu cho Thái tử Nanda.” Và thế là Thái tử Nanda trở thành vị Tỳ khưu theo cách mà ngay cả chính mình cũng không ngờ tới. Tuy vậy, Thái tử Nanda không hề vui thích, hoan hỷ với cuộc sống của một vị xuất gia Tỳ khưu. Tất cả thời gian trong ngày tâm trí của Thái tử chỉ để dành nhớ đến công chúa Janapada Kalyāṇī. Hình ảnh, cử chỉ, âm thanh,… của công Janapada Kalyāṇī chất chứa đầy trong tâm trí của Thái tử mọi lúc mọi nơi; sự thực hành pháp của người xuất gia, dù chỉ là một chút ít nào, cũng không có chỗ đứng ở trong tâm trí của Thái tử; chính tự Thái tử cũng không chịu để dành chỗ cho sự hành trì ấy trong tâm trí của mình.

Sau khi cho Thái tử Nanda xuất gia Tỳ khưu, đến ngày thứ 7, công chúa Yasodhara đã sai bảo con trai Rāhula đến xin đức Phật là phụ Vương của mình được thừa kế những kho báu và tài sản thế gian. Đức Phật thay vì cho thừa kế tài sản thế gian, Ngài lại cho thừa kế “tài sản xuất thế gian” bằng cách dạy bảo Trưởng lão Sāriputta làm thầy Tế độ rồi làm lễ xuất gia Sa-di cho Rāhula.

sariputta and rahula

Trong thế gian này, sự quan tâm chăm sóc (saṃyojana: trói buộc) gồm 2 loại: đó là sự quan tâm chăm sóc (trói buộc) cần phải có và sự quan tâm chăm sóc (trói buộc) không nên có. Sự quan tâm chăm sóc (saṃyojana: trói buộc) cần phải có, đối với các bậc Thánh Á-rá-hán, điều ấy với tên gọi là điều hạnh phúc cao thượng “biết ơn và biết cách đền ơn” xuất phát từ “tâm bi và trí tuệ” vậy. Sự quan tâm chăm sóc (saṃyojana: trói buộc) này không bị ô nhiễm, rất trong sạch. Tâm bi là điều chính yếu theo sự sinh khởi của thế gian (lokiya), còn trí tuệ là điều chính yếu theo sự sinh khởi của xuất thế gian (lokuttara). Các bậc Thầy Tổ thường giảng dạy như vậy. Chính vì vậy mà đức Phật đã tự mình thân hành ngự đến phòng của công chúa Yasodhara, Ngài đã thuyết về tiền thân Candakinnarī-jātaka để tán dương ca ngợi công đức lớn lao của công chúa cũng như để tế độ, đền ơn đến thân bằng quyến thuộc vậy.

Đối với những bậc Thiện trí phàm nhân cao thượng, sự quan tâm chăm sóc cần phải có, điều ấy với tên gọi là điều hạnh phúc cao thượng “biết ơn và biết cách đền ơn”, xuất phát từ 4 tâm từ-bi-hỷ-xả là pháp cao thượng của Phạm thiên vậy. Với 4 tâm cao thượng ấy rồi gánh vác, nhận lãnh trách nhiệm làm cho dân tộc và đạo pháp được vững bền và phát triển nhằm đem lại sự lợi ích an lạc hạnh phúc cho thế gian này; không phải gánh vác, nhận lãnh trách nhiệm vì thiên vị, mà chỉ vì làm theo ý nghĩa sâu sắc, hay tiếng gọi trong sâu thẳm của điều hạnh phúc cao thượng vậy. Khi nói đến “lấy pháp cao thượng của Phạm thiên làm căn bản” tất nhiên nó cũng đã không mang tính chất thiên vị rồi, vì vậy trong Tam tạng Pháp bảo gọi các pháp cao thượng của Phạm thiên ấy là “4 tâm không có giới hạn” (appamaññā: vô lượng). Do đó, vì theo ý nghĩa sâu sắc và tiếng gọi trong sâu thẳm của điều hạnh phúc cao thượng ấy, cho nên trong phận sự gánh vác, nhận lãnh trách nhiệm có khi chuyên chú, và cũng có khi hời hợt vậy.

Đức Vua Suddhodana khi hay tin hoàng Thái tử Nanda và Hoàng tôn Rāhula đã bị đức Phật gọi xuất gia theo trong giáo pháp của Ngài cả rồi, cũng là lúc trong tâm đức Vua phát sinh tâm buồn lo vô cùng đau đớn không thể nói nên lời. Tình thương yêu của ông bà cha mẹ đối với con cháu như ngàn mũi giáo xuyên qua da thịt thấu tận xương tủy vậy. Nên biết rằng lúc này đức Vua Suddhodana là người đã trở thành bậc Thánh Nhất Lai rồi, nên tâm đã có năng lực (già giặn) vững chãi. Tuy vậy, đức Vua cũng vẫn còn có sự cảm nhận trạng thái mãnh liệt của cảm giác ấy; đức Vua đã rất đau đớn khôn cùng. Đức Vua suy nghĩ: “chính ta là một bậc Thánh Bất Lai, với bao nhiêu hy vọng đặt lên trên con cái cháu chắt, nhưng đến khi đức Phật phá tan sự hy vọng ấy bằng cách cho phép họ xuất gia, đã làm cho ta lo lắng đau đớn như thế nào, thì thử hỏi những bậc ông bà cha mẹ còn là phàm nhân chịu đựng sự lo lắng đau đớn đến chừng nào? Cảm giác của họ đương nhiên sẽ khó có thể nào so sánh hay đong đếm được. Tình yêu thương của ông bà cha mẹ đối với con cái cháu chắt quả thật quá lớn lao không gì có thể so sánh được.”

Đức phụ Vương Suddhodana với tâm trạng đau đớn ấy đã tìm đến đức Phật, hoàng Thái tử của mình, trình bạch về những cảm giác trong tâm của mình và xin đức Phật hãy chế định ra điều luật với Tăng chúng rằng không được phép làm lễ xuất gia cho một người nào mà chưa được sự đồng ý, cho phép từ ông bà cha mẹ và thân quyến của họ. Để an ủi và chiều theo tâm ý cao quý của phụ Vương, đức Phật đã chế định giới luật đến chư Tỳ khưu theo y như lời thỉnh nguyện ấy của đức Vua.

Kinh thành Kapilavatthu quả đúng là vùng địa linh nhân kiệt. Khi Thái tử Siddhattha vừa sinh ra đời, thì các chiêm tinh gia Bà-la-môn ưu tú đã đoán chắc Thái tử sẽ trở thành một bậc minh quân trị vị toàn thiên hạ gọi là “vị Chuyển luân Thánh vương”. Khi ấy, đức Vua đã rất tin tưởng rồi một ngày chính mình sẽ được nhìn thấy oai phong, uy quyền của hoàng Thái tử trong địa vị là một bậc “Chuyển luân Thánh Vương” ấy. Tuy nhiên, hoàng Thái tử đã không làm một vị Chuyển luân Thánh vương theo như mong muốn của đức Vua, mà lại từ bỏ cung vàng điện ngọc xuất gia tu hành để làm một vị Phật Toàn Giác; hy vọng ấy của mình đã bị tiêu tan nên nhà Vua rất đau khổ.

Hoàng Thái tử Nanda cũng vậy, cũng được các vị chiêm tinh gia Bà-la-môn kỳ tài tiên đoán chắc chắn sẽ trở thành một bậc “Chuyển luân Thánh vương” trong đời. Chính vì thế mà đức Vua rất đỗi tự hào vui sướng, và lại thắp lên niềm hy vọng trước đây rằng rồi một ngày chính ta sẽ được nhìn thấy hoàng Thái tử của mình oai phong đầy quyền uy của một đấng “Chuyển luân Thánh vương”. Đức Phật lại một lần nữa làm tiêu tan hy vọng ấy của phụ Vương khi dạy bảo Thái tử Nanda xuất gia trong giáo pháp của Ngài. “Cung vàng điện ngọc trong mơ” của đức Vua lại bị sụp đổ thêm một lần nữa; và lần thứ hai trái tim của đức Vua lại một lần tan nát đau khổ khôn cùng vậy.

Thêm nữa, Thái tử tôn Rāhula cũng vậy, trong quá khứ, cách đây hơn 100 ngàn đại kiếp trái đất, đã được đức Phật Padumuttara trực tiếp thọ ký sẽ trở thành bậc Thánh Á-rá-hán có địa vị “đặc biệt xuất sắc về mặt mong muốn thực hành giới-định-tuệ” trong hàng Thánh Á-rá-hán Thanh Văn đệ tử của đức Phật Gotama hiện tại này. Tuy nhiên, những bậc chiêm tinh gia Bà-la-môn kiệt xuất trong kinh thành Kapilavatthu lại tiên đoán chắc chắn hoàng tôn Rāhula sẽ trở thành một vị “Chuyển luân Thánh vương” như Vương phụ và Vương thúc của mình. Đức Vua Suddhodana lại phấn chấn tinh thần thêm một lần nữa. Lần này cũng vậy, đức Phật, Thái tử của đức Vua lại đưa Thái tử tôn xuất gia trong giáo pháp của Ngài; niềm hy vọng của đức Vua lần thứ ba lại bị đổ vỡ tiêu tan. Một khi niềm hy vọng bị tiêu tan thì trái tim (tâm) của đức Vua cũng tan nát theo. Tâm trí của đức Vua cũng không còn cảm nhận gì nữa khi dòng dõi đế Vương Sakya bao đời Tiên Đế tiền nhân đã dày công gây dựng lên, đến nay đã tuyệt tự thật rồi.

Đức Vua Suddhodana là người muốn xây dựng nên một đất nước của vị Chuyển luân Thánh vương khi chọn kinh thành Kapilavatthu làm nơi đặt để ngai vàng cung điện. Tuy nhiên đức Phật đã không công nhận “đất nước Chuyển luân Thánh vương” do chính phụ Vương của mình đã muốn xây đắp lên, theo như cách gọi của đức Vua là “đất nước Chuyển luân Thánh vương”; mà chỉ công nhận đó là “đất nước an lạc tạm bợ (māyāsukha: an lạc lừa dối)”. Đức Phật cũng là người muốn xây dựng một loại đất nước khác; để có thể xây dựng được đất nước ấy, Ngài đã thực hành đầy đủ pāramī suốt thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất. Đất nước mà đức Phật muốn xây dựng nên không phải loại “đất nước an lạc tạm bợ” giống như phụ Vương của Ngài muốn xây dựng nên ấy; mà đó chính là “đất nước an lạc tịch tịnh (santisukha: an lạc vắng lặng)”.

Đức Phật sẽ vẫy gọi tất cả, từ phụ Vương mình cho đến những chúng sinh có duyên lành giác ngộ (veneyya) đến với “đất nước an lạc vắng lặng” của Ngài. Bây giờ Ngài đã gọi Thái tử Nanda và Thái tử tôn Rāhula; sau này chắc chắn Ngài sẽ gọi những người như: Di mẫu Mahāpajāpati Gotamī, công chúa Yasodhara, công chúa Janapada Kalyāṇī, v.v…đến với đất nước của Ngài mà thôi. “Đất nước an lạc vắng lặng” (santisukha) của đức Phật là:

“Có thể là một “làng quê”; cũng có thể là nơi “rừng sâu”; cũng có thể là chốn vực thẳm, hay cũng có thể là vùng hoang mạc. Dù có là ở đâu đi nữa, thì “đất nước an lạc vắng lặng” ấy vẫn là nơi hạnh phúc nhất trong tất cả sự hạnh phúc có trong tam giới này; là nơi an lạc, tịch tịnh nhất trong tất cả sự an lạc có trong tam giới này.” (Dhammapada, bài kệ 98)

Giờ đây, đức Phật đã gọi được Thái tử Nanda đến trong “đất nước an lạc vắng lặng” của mình rồi. Tuy nhiên Thái tử Nanda lại hoàn toàn không vui thích, hạnh phúc trong đất nước ấy. Cho nên, để cho Thái tử Nanda cảm thấy vui thích, hạnh phúc trong đất nước ấy, trách nhiệm đó lại thuộc về đức Phật. Sau khi thuyết pháp tế độ phụ Vương trở thành bậc Thánh Bất Lai, đức Phật đã rời ngôi chùa Nirodhārāma, gần kinh thành Kapilavatthu để quay trở về cư ngụ tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh thành Rājagaha.

Tiếp theo, thực hiện như lời hứa trước đây, khi ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi xây dựng xong, đức Phật cùng Thánh chúng ngự đến trú ngụ tại đó. Đi cùng đức Phật đến đây ngoài Thánh chúng ra còn có cả Trưởng lão Nanda nữa. Cho đến thời gian này Trưởng lão Nanda, mặc dù “thân” đang ở trong “đất nước an lạc vắng lặng” (santisukha) do đức Phật xây dựng lên, nhưng “tâm” lại ở trong “đất nước an lạc tạm bợ” (māyāsukha) do các hạng phàm nhân, đứng đầu là các bậc Vua Chúa cùng dân chúng xây dựng lên. Trưởng lão và công chúa Janapada Kalyāṇī, gọi như ngôn ngữ Pāḷi là “a-dutiya: không hai”; tuy nhìn thấy là 2 người (2 nửa của nhau), nhưng thật ra chỉ là một mà thôi.

Hơn ai hết, đức Phật là người thấy biết rất rõ tình cảnh ấy. Kiếp sống trong cuộc đời hiện tại này giống như đang ở khúc giữa của một cái cầu thang xoắn; có thể đi lên trên và cũng có thể đi xuống dưới; hoặc cũng có thể nhảy khỏi từ trung tâm vòng tròn của cầu thang xoắn ấy. Đi lên trên, đó chính là cõi người, trời và Phạm thiên; đi xuống dưới, đó là 4 cõi khổ (địa ngục, a-tu-la, ngạ quỷ, súc sinh); còn nếu nhảy thoát khỏi từ giữa vòng tròn của cầu thang xoắn ấy sẽ đến được “đất nước an lạc vắng lặng”. Hiện tại, cuộc đời của Trưởng lão Nanda đang nhắm về hướng nào, đang thẳng tiến đến đâu, chỉ có đức Phật mới là người biết rõ nhất điều đó mà thôi. Trong con người Trưởng lão chỉ thấy biết có mỗi một Janapada Kalyāṇī với Janapada Kalyāṇī duy nhất mà thôi, ngoài ra không thấy biết bất cứ cái gì khác, tập tính luyến ái, tham dục đã che phủ hoàn toàn bên trong tâm của Trưởng lão. Tham dục (rāga) đó là danh pháp (tâm, thành phần của tâm (tâm sở)); khi đã là danh pháp thì phải có 4 nhóm danh pháp tổng hợp (khandha) kết hợp lại cùng nơi nương nhờ (vatthu) và cùng phát sinh thông qua các cửa (dvāra) để cùng tiếp nhận đối tượng với nó. Nơi nương nhờ, cửa và đối tượng đó là sắc pháp. Tổng cộng lại gồm có 5 nhóm tổng hợp (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là đối tượng chấp thủ, nắm giữ của tham ái và tà kiến (upādānakkhandha). Trong 5 nhóm tổng hợp là đối tượng của chấp thủ ấy thì căn bản chính yếu vẫn là tham dục (rāga). Trưởng lão Nanda vẫn đang luôn nghĩ rằng tham dục ấy là thường hằng, vĩnh cửu. Do đó, để chứng minh cho Nanda tự mình thấy biết rõ rằng tham dục là vô thường, tạm bợ nên đức Phật đã gọi Trưởng lão cùng đi lên cung trời Tvāvatiṃsa: Tam Thập Tam (Đao Lợi).

Khi đang trên đường đi lên cung trời Tam Thập Tam, ngang qua một khu rừng vừa cháy, đức Phật đã chỉ cho Trưởng lão Nanda thấy một con Khỉ cái già bị cháy xém từng đám lông đang ngồi ủ rủ trên đầu một nhánh cây cụt đã bị lửa thiêu rụi. Ngài dạy Trưởng lão so sánh sắc đẹp của công chúa Janapada Kalyāṇī và sắc đẹp của con Khỉ cái già bị cháy xém từng đám lông ấy. Sau đó đức Phật và Trưởng lão Nanda lên đến cung trời Tam Thập Tam, khi hay tin đức Phật ngự đến, các thiên nữ từ khắp nơi liền đến chiêm bái, đảnh lễ đức Phật. Khi nhìn thấy sắc đẹp của các thiên nữ, Trưởng lão Nanda lại so sánh với sắc đẹp của công chúa Janapada Kalyāṇī, thì sắc đẹp của công chúa chẳng khác gì con Khỉ cái già bị cháy lông ngồi trên nhánh cây cụt lúc nãy đã thấy trên đường đi vậy. Quả thật tất cả những “cái biết” trên thế gian này đều là vô thường vậy.

nanada and the nymphs

Trưởng lão Nanda khi mới bắt đầu tinh tấn hành trì là theo như lời hứa từ đức Phật rằng “nếu con muốn có được các thiên nữ thì phải thực hành giới-định-tuệ, Như Lai đảm bảo sẽ chịu trách nhiệm để có được các thiên nữ cho con”. Tuy nhiên, do sự chế nhạo, khinh rẻ của các bạn đồng tu, vì vậy bắt đầu tuy làm bộ giả dạng thực hành tu tập, nhưng sau đó Trưởng lão Nanda lại thực hành tu tập thật sự, tinh tấn hành trì giới-định-tuệ một cách chơn chánh, nên không lâu sau Trưởng lão đã làm cho các pháp trầm luân (āsava), tham dục… khô cạn sạch, trở thành bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng. Giờ đây Trưởng lão Nanda mới thật sự đã đến được đất nước an lạc vắng lặng vậy.

Dân chúng trong đất nước an lạc tạm bợ và dân chúng trong đất nước an lạc vắng lặng đều cũng chính là con người cả thôi. Ở đây, tuy có thể gọi các Thiên chúng, chư Phạm thiên chứng đạt được trí tuệ sự thật của bậc Thánh, cũng chính là những thần dân trong đất nước an lạc vắng lặng; nhưng vì đang nói những điều liên quan đến thế giới loài người, nên đã bỏ qua không đề cập đến Thiên chúng và Phạm thiên là vậy. Chỉ lấy loài người là chính, là trung tâm để giải thích, giảng giải mà thôi vậy.

Trưởng lão Nanda đã nhảy thoát ra khỏi từ chính giữa cầu thang xoắn của cuộc đời, và theo lời giáo huấn của đức Phật nên sẽ kêu gọi thêm những chúng sinh có duyên lành giác ngộ vượt thoát khỏi từ đất nước an lạc tạm bợ đi đến với đất nước an lạc vắng lặng vậy.

Con người ở trong đất nước an lạc tạm bợ còn mang hoàn toàn tập tính của con người nên gọi là người. Vì vậy, tuy họ gánh vác những trách nhiệm với căn bản là sự yêu mến, thương xót, v.v… (từ-bi-hỷ-xả) thuộc những pháp cao thượng của Phạm thiên, nhưng theo như bản chất của phiền não nên vẫn còn mang tính chất bị ô nhiễm không trong sạch được. Còn con người ở trong đất nước an lạc vắng lặng không còn có tập tính của con người, nên chỉ gọi với tên là “người” đơn thuần mà thôi, chứ thật ra không phải là “người” nữa; mà chỉ gọi theo danh xưng tập quán chế định, quy ước trong thế gian này thôi vậy.

Lấy ví dụ như tính chất của viên đá và viên ngọc vậy. Tuy đều mang trong mình thành phần sắc (kalāpa) gồm “8 sắc không thể phân chia” như nhau, nhưng đặc tính và năng lực lại hoàn toàn khác nhau; sự khác biệt giữa “người” của hai đất nước kia cũng mang tính chất tương tự như vậy. Các bậc Thánh nhân và những phàm nhân đều có tâm từ thương yêu và tác ý hướng tâm đến thế gian nhưng chỉ giống nhau về mặt tên gọi; còn đức độ và năng lực lại không giống nhau. Về mặt sắc pháp (hình thức) cũng không giống, mặt danh pháp (nội dung) cũng vậy, không hề giống nhau. Ngay cả về mặt đất nước cũng không giống nhau, bởi vì “đất nước Māyāsukha” và “đất nước Santisukha” có tính chất tự nhiên hoàn toàn trái ngược nhau vậy.

Đất nước Māyāsukha (an lạc dối trá, tạm bợ) có sự căn bản chính yếu là theo định luật sinh khởi của nhân và quả; trong khi đất nước Santisukha (an lạc tịch tịnh, vắng lặng) có sự căn bản chính yếu là theo định luật đoạn diệt của nhân và quả. Hiến pháp (quy luật) của đất nước Māyāsukha đó chính là nếu có nhân sinh khởi thì sẽ cho quả sinh khởi; còn hiến pháp (quy luật) của đất nước Santisukha đó chính là một khi nhân đoạn diệt thì quả sẽ đoạn diệt. Đây là sự khác biệt mang tính chất tự nhiên trái ngược nhau của định luật nhân duyên sinh-diệt vậy.

Trong thế gian này bất cứ một vật gì dù là sắc hay danh đều không có tính chất hay trạng thái thường, lạc, ngã, tịnh cả; tất cả đều mang tính chất và trạng thái vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã mà thôi. Tuy vậy, tham ái luôn cố gắng nhận lãnh trách nhiệm trong sự yêu thích cho bằng được, nếu không phải cái này thì lại cái kia, dù đó là vật vô tình hay loài hữu tình. Điều này ngôn ngữ Pāḷi gọi là “ponobbhavikā: phát sinh, tạo dựng cái mới”.

Chính tham ái ấy đem đến sự vui thích trong tất cả sự vật khi tô vẽ, tạo dựng nên những sắc màu, hình tướng, cử chỉ tốt đẹp. Điều này ngôn ngữ Pāḷi gọi là “nandīrāga: vui thích ái dục”.

Dù là loài hữu tình (có sinh mạng) hay loài vô tình (không có sinh mạng) cũng không bao giờ hài lòng biết đủ nơi một đối tượng duy nhất, mà luôn luôn khiến làm sao cho vui thích, tham đắm trong bất cứ đối tượng nào thấy biết được. Đối với những gì sở hữu liên quan đến chính mình thì dù là “đui, què, sứt, mẻ”, với thiện xảo từ “nandīrāga: vui thích tham đắm”, sẽ làm cho tất cả trở nên thích thú đắm say; trong khi nếu nó liên quan đến người khác thì họ sẽ thấy biết ngược lại.

Thật ra, Trưởng lão Nanda là vị chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán là do quán chiếu được sự thật vô ngã nơi danh pháp-sắc pháp, bởi có tham dục làm năng lực hỗ trợ nhân duyên lớn lao từ chính cửa vào của tham dục say đắm ấy mà thôi. Do vậy, liên quan đến Trưởng lão Nanda, đức Phật đã thuyết giảng 2 bài kệ như sau:

(Nghĩa của 2 bài kệ)

“Ví như một khi mái nhà không được lợp một cách cẩn thận kín đáo, thì nước mưa có thể thấm dột vào bên trong một cách dễ dàng như thế nào; cũng như vậy, một khi tâm không được quán chiếu bởi thiền tuệ (vipassanā), thì tham dục có thể xâm nhập vào một cách dễ dàng như thế ấy.”

“Và ngược lại, ví như một khi mái nhà được lợp một cách cẩn thận kín đáo, thì nước mưa không thể thấm dột vào bên trong được như thế nào; cũng như vậy, một khi tâm được quán chiếu tốt bởi thiền tuệ (vipassanā), thì tham dục không thể xâm nhập vào bên trong được như thế ấy.”

Theo như ngôn ngữ phổ thông ở đời thì gọi là “loka: thế giới”; theo như ngôn ngữ thuyết giảng thì gọi là “paṭiccasamuppāda: nương vào sinh khởi (nhân duyên sinh khởi)”; theo như ngôn ngữ Vi diệu pháp tạng thì gọi là “nāmarūpa: danh-sắc”; theo như ngôn ngữ thiền tuệ thì gọi là “upādānakkhandha: 5 nhóm tổng hợp chấp thủ, bám víu của tham ái và tà kiến”; những pháp này nó đến từ cả bên ngoài và từ chính ngay cả bên trong. Từ đâu đến thì đến, muốn đến sao thì đến, điều chính yếu là phải ghi nhận, không để chúng thoát khỏi với sự để ý, chánh niệm biết được là chúng đang đến mỗi khi chúng (các pháp ấy) đến vậy thôi. Do từ sự để ý, chánh niệm như vậy sẽ thấy biết rõ trạng thái sinh diệt nhanh chóng của các tính chất thuộc loại tốt, xấu hoặc không tốt không xấu; luôn ghi nhận, chánh niệm chúng như vậy cho đến khi trí tuệ Thánh đạo phát sinh lên. Khi tính chất tốt sinh khởi lên thì đó là sukhavedanā: thọ lạc; khi tính chất xấu sinh khởi lên thì đó là dukkhavedanā: thọ khổ; khi tính chất không tốt không xấu sinh khởi lên thì đó là “upekkhā: thọ xả”. Khi cảm thọ sinh khởi lên mà không diệt được thì tham ái sẽ xâm nhập vào; tham ái có cơ hội sinh khởi thì sẽ tác thành nghiệp (hành động tạo tác); khi đã tạo ra nghiệp thì chắc chắn sẽ phát sinh lên kiếp sống (cuộc đời). Trưởng lão Nanda là bậc cắt đứt (dứt bỏ, đoạn diệt) kiếp sống (cuộc đời). Nếu muốn đoạn diệt kiếp sống thì phải đoạn diệt nghiệp (hành động tạo tác). Một khi muốn đoạn diệt nghiệp, thì lại phải đoạn diệt cho được tham ái. Khi muốn đoạn diệt tham ái thì phải để ý, chánh niệm nơi bất cứ đối tượng danh pháp, sắc pháp phát sinh lên bên trong mình làm cho trí tuệ Thánh đạo phát sinh lên để cắt đứt cảm thọ (thấy chúng sinh-diệt liên tục), mới diệt tham ái ấy được.

Trưởng lão Nanda vì là bậc nương vào năng lực mãnh liệt nơi tham dục, với trí tuệ thiền tuệ quán chiếu 5 nhóm tổng hợp chấp thủ, cho đến khi chứng đạt được Á-rá-hán Thánh Đạo và Á-rá-hán Thánh Quả; cho nên tất cả những đối tượng danh-sắc sinh khởi hiện rõ ở bên trong của Trưởng lão, đã được quán chiếu không để cho cảm thọ hiện rõ, mà làm cho trí tuệ Thánh Đạo phát sinh, nên đoạn diệt được tham ái; Trưởng lão là người đã đến được đất nước an lạc vắng lặng (santisukha), khi cố gắng vượt thoát ra khỏi từ trong vòng xoáy lôi kéo của cuộc đời (bhava: kiếp sống) vậy. Do đó, Trưởng lão Nanda là bậc có được đức hạnh “đặc biệt xuất sắc nhất về năng lực thu thúc giữ gìn các pháp chủ (indriya: các căn)” trong hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của đức Phật.

Chúng ta không phải là những người có pāramī già dặn như Trưởng lão Nanda; mặc dù vậy, chúng ta lại là những người muốn đến được đất nước an lạc vắng lặng (santisukha). Do đó, chúng ta từ nơi đứng là vòng xoáy cuộc đời của chính mình, như đang ở giữa trung tâm của cái cầu thang xoắn ấy, để thoát khỏi được năng lực của sự kéo xoay đó, chúng ta cần phải bước lên đi về phía trên của cầu thang xoắn ấy; chỉ có đi lên đến trên như vậy mới hy vọng nhảy thoát khỏi được; còn như bước xuống đi về phía dưới thì không thể nhảy thoát khỏi được. Vậy chúng ta phải làm gì để bước lên phía trên?

Muốn bước lên phía trên, hãy y cứ theo những gì đức Phật đã thuyết giảng, trước tiên chúng ta phải cố gắng cho trở nên giàu có, nhiều của cải tài sản. Phương pháp cố gắng để trở nên giàu có, nhiều của cải tài sản đó chính là bố thí, làm từ thiện (dāna) vậy. Bố thí nghĩa là có tính chất không tham lam; đã là có tính chất không tham lam thì điều đương nhiên theo một cách thức, phương pháp nào đó, chắc chắn là nó sẽ diệt được tham lam. Tuy nhiên, để cho cái tham lam mới, không còn có cơ hội sinh khởi lên lại thì cần phải có tâm không mong cầu bất cứ một quả báu lợi ích nào nữa mới được. Bởi nếu một khi còn mong cầu thì không những không đoạn diệt được tham lam, mà còn làm cho một cái tham lam mới phát triển lên thêm nữa vậy. Sự đoạn diệt sạch tham lam (lobha) gọi là Niết-bàn vậy; chỉ cần đoạn diệt một ít cũng có thể gọi là Niết-bàn cả thôi. Cũng đừng nên than vãn rằng không có gì sao bố thí được. Hãy cố gắng hết mình để tìm kiếm “vật bố thí” bằng nhiều nghề nghiệp hợp pháp, chánh nghiệp, bởi vì nếu không có không tham lam thì làm sao đoạn diệt tham lam được.

Điều thứ nhì là phải làm sao cho có sức khỏe; để có được sức khỏe, cách thức làm đó chính là giữ gìn giới hạnh (sīla). Chỉ khi có giới hạnh thì phẩm chất đạo đức mới tốt đẹp, cũng như mới có sức khỏe được. Giới nghĩa là có tính chất không sân hận. Trong chuyện tiền thân Mahādhammapāla, chương Dasakanipāta, có dẫn chứng câu chuyện để chứng minh những người tránh xa các tập quán, hành động xấu ác; thực hành các tập quán, hành động thiện tốt sẽ có sức khỏe và sống lâu. Vì vậy nếu muốn có sức khỏe, muốn có phẩm giá, đạo đức tốt thì phải giữ gìn giới hạnh. Bởi thật ra, khi có sức khỏe rồi, thì mới có thể cố gắng trong mọi công việc được. Ngoài ra, giới hạnh, không sân hận còn có thể đoạn diệt được sân hận nữa. Nếu một khi có liên quan đến con người chúng sinh thì không sân hận sẽ làm phận sự của tâm từ đối với thế giới chế định bên ngoài.

Điều thứ ba là cần phải biết phân biệt rõ đúng-sai, tốt-xấu, chánh-tà. Để có thể phân biệt rõ được đúng-sai thì cần phải phát triển thực hành thiền (bhāvanā). Thực hành thiền nghĩa là phát triển trí tuệ (amoha). Năng lực thực hành thiền có khả năng đưa đến được pháp xuất thế gian. Trong những vấn đề quan trọng của thế gian cũng vậy, nếu không có tính chất trí tuệ tham gia vào, thì với lý do là vì nguyên nhân “họ đã từng có ơn”, nên mặc dù khi biết được việc làm của họ không hợp pháp, không tốt đẹp, nhưng lại tham gia giúp đỡ, hỗ trợ họ việc làm ấy. Khi làm như vậy lại rất tự hào gọi là “điều hạnh phúc cao thượng nhớ ơn và biết cách báo ơn”; thực chất đó là điều bất hạnh mà thôi. Một khi không có thực hành thiền nghĩa là không có trí tuệ, nên có thể vì lợi ích phát triển cho mình mà làm điều không hợp pháp, không tốt; cũng có thể phạm vào 4 điều thiên vị (thiên vị vì yêu, thiên vị vì ghét, thiên vị vì sợ, thiên vị vì ngu si). Mỗi khi có cơ hội thì dù là hợp pháp hay phi pháp không cách này cũng cách khác, tìm cách để nhận, lấy (hối lộ, thụ hưởng) cho bằng được.

Do đó cho nên, theo như giáo pháp của đức Phật, nếu quả đúng là người muốn đi đến đất nước an lạc vắng lặng (santisukha), với những hành trang không tham lam (bố thí), không sân hận (giới hạnh), không si mê (thiền tuệ), rồi từ chỗ đang đứng ở giữa cầu thang xoắn (cuộc đời hiện tại), hãy bước lên phía trên, phải thật sự cố gắng không ngừng, hướng thẳng về đất nước nước an lạc vắng lặng ấy. Tiếp theo, sẽ từ từ để thoát khỏi hoàn toàn năng lực lôi kéo của kiếp sống; ngoài ra không thể còn có một con đường nào khác để đến được với đất nước an lạc vắng lặng nữa cả.

Hãy khoan nói đến những hạng người thông thường trong đời, mà ngay cả chính đức Phật cũng theo điều hạnh phúc cao thượng “nhớ ơn và biết cách đền ơn”, đó là vào hạ thứ 5 (5 năm sau khi Ngài thành Phật) khi Ngài đang trú ngụ tại ngôi chùa Kūṭāgāra trong khu rừng lớn gần kinh thành Vesalī, Ngài đã trở về kinh thành Kapilavatthu thuyết pháp tế độ phụ Vương chứng đạt thành bậc Á-rá-hán khi đức Vua còn tại vị. Hạ thứ 7 Ngài lên cung trời Tam Thập Tam thuyết tạng Vi diệu pháp để tế độ thiên nam Santusita, trước đây từng là mẫu hậu của Ngài, chứng đạt thành bậc Thánh Nhập Lưu, cùng thiên chúng có duyên lành. Ngài cũng cho phép Di mẫu dẫn đầu cùng 500 công chúa dòng Sakya xuất gia Tỳ khưu ni trong giáo pháp và thuyết pháp tế độ tất cả chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán. Đối với công chúa Yasodharā và thân quyến, đức Phật hoặc theo điều hạnh phúc cao thượng “nhớ ơn và biết cách đền ơn”, hoặc thuận theo pāramī của những người ấy; dù bất cứ chúng sinh nào khi đã có duyên lành giác ngộ, Ngài đều gọi theo về đất nước an lạc vắng lặng tất cả.

Ta có thể đi vào đến đất nước an lạc vắng lặng ấy theo bên nào mà ta muốn, từ điểm tận cùng của các pháp có kết hợp tạo tác (saṅkhāra: sự kết hợp tạo tác, có cấu tạo. Tàu dịch: hữu vi). Sát nhân Aṅgulimāla, dạ-xoa Āḷāvaka nương vào nhân duyên mạnh mẽ (upanissaya) từ sự sân hận (dosa) để vào; Hoàng hậu Khemā nương vào nhân duyên mạnh mẽ từ sự ngã mạn (māna) để vào; Cô Paṭācārā nương vào nhân duyên mạnh mẽ từ sự si mê (moha) để vào; v.v…. Thật ra, ở trong nơi tận cùng của các pháp kết hợp tạo tác (saṅkhāra) có đất nước an lạc vắng lặng. Để vào đến được trong đất nước ấy, phải từ những cánh cửa của tất cả mỗi một tướng trạng tự nhiên, riêng biệt (sabhāvalakkhaṇa) đến một cánh cửa duy nhất vô ngã (anatta), là tướng trạng chung (sāmaññalakkhaṇa) của các pháp kết hợp tạo tác vậy. Một khi thật sự chắc chắn thấy biết rõ vô ngã là đã đến được đất nước an lạc vặng lặng rồi; và khi đã thấy biết rõ vô ngã thì đương nhiên cũng đã thấy biết được luôn cả vô thường và khổ.

Thể theo bản tính của chính mình có sở thích ở pháp kết hợp tạo tác nào thì nương vào năng lực mạnh mẽ ấy rồi với tính chất làm đối tượng quán chiếu, ngay hiện tại dù bất cứ gì sinh khởi, hiện lên rõ vào đến bên trong tâm của mình; dùng các năng lực trong cùng hội nhân duyên giác ngộ như chánh niệm khắng khít, sự cố gắng liên tục không ngừng nghỉ, v.v… làm cho 8 nhân Thánh đạo đồng sinh cùng nhau, khi ấy đó chính là nguyên nhân đến được với đất nước an lạc vắng lặng (santisukha); như câu chuyện mà chính tự đức Phật thuyết giảng dạy về Trưởng lão Nanda này vậy. Điều quan trọng và cần thiết nhất đó là phải có tâm mong muốn, không đứng lại chính giữa của cầu thang xoắn, mà luôn cố gắng không ngừng đi lên phía trên, thoát khỏi lực lôi kéo của cuộc đời này vậy.

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app