Người buôn lợn Cunda
Ông Cunda là một cư dân của kinh thành Rājagaha. Nhà của ông ta cách không xa ngôi chùa Veḷuvana nơi đức Phật và Tăng chúng cư ngụ. Mặc dù vậy, Cunda không từng một lần đến ngôi chùa đức Phật đang ngự; trong khi các vị Tỳ khưu Tăng đệ tử của đức Phật thỉnh thoảng đi ngang qua nhà của ông ta; và chính ông ta cũng nhìn thấy, bắt gặp mỗi khi các vị Tỳ khưu Tăng đi ngang qua nhà mình như vậy. Tuy nhiên, ông ta không có khi nào mở lời chào hỏi các vị Tỳ khưu Tăng đã thấy và gặp ấy; có thể ông ta sợ phải bố thí cúng dường nên không dám mở lời chào hỏi; hoặc cũng có thể do cách hiểu biết kém cỏi và bản tính nhỏ nhen nên không mở lời chào hỏi.
Ông ta không phải chỉ không đến ngôi chùa đức Phật đang ngự không thôi đâu; mà các tu viện, am thất của các tu sĩ ngoại đạo khác ông ta cũng không hề đến; cũng như không giao tiếp hay làm quen thân thiết với bất cứ một du sĩ nào. Thật ra, đối với những vị tu sĩ (người sống thọ nhận mọi thứ từ người khác) dù là bất cứ vị tu sĩ thuộc Giáo phái hay Tôn giáo nào, Cunda luôn sống làm như không hề hay biết gì; nói đến giữ gìn giới hạnh, đạo đức hay hành thiền thì quả là quá xa vời vậy!
Thời đại của Cunda là vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, vấn đề tìm kiếm sự thật chân lý của thế gian rất thịnh hành, nên có rất nhiều Giáo phái, Tôn giáo. Một số Giáo phái theo chủ thuyết Bà-la-môn, họ luôn cố gắng để chứng đắc sự thật chân lý của thế gian bằng cách cầu cúng tế lễ. Trong những Giáo phái ấy, cũng có rất nhiều người ưa thích theo như chủ thuyết của họ; cũng có nhiều người tin tưởng nương nhờ thân cận; thế nhưng ông Cunda cũng chẳng thích chủ thuyết của Giáo phái ấy.
Cũng có rất nhiều người không ưa thích với sự cầu cúng tế lễ, cho nên cũng có nhiều Giáo phái với sự thực hành pháp tích cực gọi là “tapa: sự thực hành cực đoan”, để tìm kiếm cho có được sự thật chân lý của thế gian. Trong những Giáo phái ấy, thì 6 Giáo phái ngoại đạo như Giáo phái của vị Đạo sư Pūraṇākassapa, v.v… gồm có 6 vị Đạo sư ngoại đạo là những Giáo phái nổi tiếng nhất thời ấy. Cho đến thời kỳ nhà Vua Ajātasattu lên ngôi trị vì vẫn còn rất nhiều người tin tưởng nương nhờ với số lượng rất đông. Trong các vị quan quân tham gia triều chính dưới thời đại của nhà Vua Ajātasattu tại vị, cũng còn có một số đông các vị quan lớn, các vị cận thần tin tưởng nương nhờ nơi các vị Đạo sư ngoại đạo ấy. Tuy nhiên, Cunda cũng không thèm quan tâm, để ý đến những tri kiến, chủ thuyết các Giáo phái ngoại đạo của 6 vị Đạo sư nổi tiếng ấy.
Nhà Vua và quan quân cùng dân chúng trong kinh thành có đức tin vững chắc, đến quy y nương nhờ nơi giáo pháp của đức Phật rất đông; họ hầu như ngày nào cũng với hương hoa cầm trên tay đi đến ngôi chùa Veḷuvana để nghe pháp. Cunda cũng nhìn thấy việc đó, tuy vậy, đối với vấn đề liên quan đến sự việc tìm kiếm sự thật chân lý của thế gian, ông ta cũng không có quan điểm rằng vấn đề ấy nó liên quan đến mình.
Do đó, Cunda vì là người không có niềm tin, nương nhờ hay theo về với một chủ thuyết, giáo lý của bất kỳ Giáo phái, Tôn giáo nào, nên gọi ông ta là người không có đạo (Tôn giáo) vậy. Thời đại ấy, những người không có đạo như Cunda cũng rất nhiều. Tuy nhiên, số người vì quá mê muội nên đã tàn bạo độc ác như ông ta đến độ được ghi chép lại trong Tam tạng Pāḷi cũng rất hiếm.
Nghề nghiệp làm ăn kinh tế nuôi sống của Cunda là nghề vừa buôn bán lợn lại vừa giết mổ lợn bán thịt. Ông ta thường mua lợn con (heo con) đem về nuôi ở khu vườn lớn phía sau nhà của mình. Tuy nói rằng mua lợn con, nhưng không phải ông ta dùng tiền để mua chúng, mà dùng thóc lúa để mua, trao đổi. Mặc dù nói là dùng thóc lúa để trao đổi, mua lợn con nhưng không phải trao đổi một cách tương xứng với giá cả, mà lại mua với một cái giá rất thấp, rẻ mạt vậy. Theo như cách thức và phương pháp ấy của mình, Cunda trở thành một tay buôn lợn lão luyện, chuyên nghiệp trong thế giới thương lái buôn lợn.
Đến vụ mùa thóc lúa rẻ, ông ta mua vào thật nhiều để tích trữ. Đợi đến thời gian khi thóc lúa hiếm hoi, ông ta đi từ làng này qua làng khác mua lợn con, nhưng lại không trả bằng tiền mà trả bằng thóc lúa. Những người nuôi lợn tại những xứ ông ta đến, đều phải bán cho ông ta với giá cả mà do ông ta tự định đoạt. Ông ta là người biết được tình hình cũng như hoàn cảnh của những người nuôi lợn. Ông ta chỉ mua lợn con của những gia đình nuôi lợn mà ông ta biết được rằng không thể không bán cho ông ta, khi ấy ông ta sẽ ép những gia đình nuôi lợn ấy phải bán cho ông ta với giá cả mà ông ta tự quyết định muốn trả cho họ bao nhiêu thì trả. Thậm chí ông ta còn tỏ ra chính mình là người vì thương xót cho những gia đình nuôi lợn mới mua lợn con của họ; và làm cho chính những gia đình nuôi lợn ấy, họ cũng còn phải biết ơn đến chính ông ta nữa. Vì vậy, trong thế giới của những thương lái buôn lợn, ai ai cũng phải công nhận Cunda là một tay sành sỏi và lão luyện trong nghề buôn bán lợn ấy. Cunda, quả thật là một tay buôn lợn quá giỏi, quá xuất sắc vậy!
Nói đến cuộc đời nghĩa là không phải nó luôn luôn đứng yên bất động; mà nó luôn chuyển động biến đổi trong từng phút giây. Nó giống như dòng nước chảy của con sông hay giống như ngọn lửa của cây nến (đèn cầy) bởi tính chất sinh khởi liên tục không ngừng nghỉ và sự hoại diệt cũng như vậy. Sự hoại diệt liên tục không ngừng nghỉ như vậy của cuộc đời, với con mắt bình thường thì không thể nhìn thấy được, nó chỉ có thể được thấy với con mắt trí tuệ thiền tuệ (vipassanā) mà thôi. Điều này đã được thuyết dạy trong giáo pháp nhân duyên sinh khởi vậy.
Tuy rằng cuộc đời luôn luôn sinh diệt thay đổi, nhưng trong cuộc đời ấy lại bao gồm có 3 phần như sau: phần an lạc hạnh phúc (vui thích), phần khổ đau bất hạnh (chán ghét), và phần xả ly giải thoát. Gọi theo ngôn ngữ Pāḷi phần an lạc hạnh phúc là “assāda: vui thích”; phần khổ đau bất hạnh là “ādīnava: thay đổi hoại diệt, có lỗi lầm”; phần xả ly giải thoát là “nissaraṇa: vượt qua, thoát khỏi”. Trong bộ sách Nīti (bộ sách chỉ dạy sự nhận thức hiểu biết về các pháp trong cuộc đời) chỉ dạy phân biệt ra như vậy.
Trong các phần: an lạc hạnh phúc, phần đau khổ bất hạnh, phần xả ly giải thoát của cuộc đời, mỗi phần đều có 2 mặt nổi của nó. Một mặt đó là đứng trên phương diện atta: cái tôi (chỉ vì tôi) để nhìn thấy ra mặt nổi của nó; và một mặt khác nữa đó là đứng trên phương diện anatta: vô ngã, (không chỉ vì tôi) để nhìn thấy ra mặt nổi của nó vậy. Nếu đứng ở mặt cái tôi để nhìn, thì chỉ nhận ra được tính chất của sự hưởng thụ; còn nếu đứng ở mặt vô ngã (không chỉ vì tôi) để nhìn, thì chỉ nhận ra được tính chất của sự hy sinh.
Cunda là người nhìn cuộc đời từ phường diện atta: cái tôi (chỉ vì tôi), một khi nhìn từ phương diện cái tôi, thì chỉ thấy toàn những tính chất hưởng thụ trong mọi điều đối với cuộc đời của ông ta. Trong ông ta không có quy định, khái niệm điều hợp pháp hay phi pháp. Nếu điều gì có được cho cuộc đời của ông ta thì hợp pháp, còn nếu không được thì phi pháp. Dù cho chiếm đoạt mà có, hoặc lừa gạt mà có; miễn sao nếu có được cho mình thì đều là hợp pháp. Vì vậy, ông ta không có niềm tin nơi việc thiện cũng như không có niềm tin nơi việc ác. Cunda vì là người chỉ nhìn cuộc đời từ phương diện cái tôi (atta), nên ông ta chỉ tin vào chính mình mà thôi, ngoài ra không tin vào bất cứ một ai khác cả; ông ta không tin vào những lời dạy, những giáo điều của các Tôn giáo; cũng không tin vào những điều mắt thấy, tai nghe từ môi trường chung quanh mình. Cunda chỉ nhìn thấy được sự “ưa thích, lạc thú” ở trong mọi điều, nếu khi chúng chỉ vì cuộc đời của mình. Còn nếu một khi gặp phải một điều “không ưa thích, khổ đau” ngăn cản, cấm đoán đến điều “ưa thích, lạc thú” cho cuộc đời của ông ta, để “giải thoát khỏi” khỏi sự “ngăn cản, cấm đoán” đó, thì khi ấy ông ta sẽ dùng phương pháp, thủ đoạn hoặc cứng rắn, hoặc mềm mỏng nhằm tiêu diệt sự ngăn cản, cấm đoán đó để làm sao cho đạt đến thành tựu được sự thoát ly mới thôi.
Cunda vì cuộc đời của mình mà trong sự nghiệp tìm kiếm điều ưa thích, khoái lạc; hoặc trong sự nghiệp tiêu diệt điều ngăn cản, cấm đoán; hoặc trong sự nghiệp thành tựu điều hóa giải, thoát ly; ông ta không hề có khái niệm, hay quy định những gì liên quan đến vấn đề hợp pháp hay phi pháp, thiện hay ác; là người làm mọi nghề nghiệp với quan niệm chỉ cần phần thắng, phần hơn về mình là xong.
Trong khi nếu nhìn thế gian từ phương diện vô ngã (không chỉ vì cái tôi) thì sẽ có một cái thấy rất khác. Theo như các bậc Thầy Tổ tiền nhân giáo huấn khi làm một công việc gì cần phải có 3 yếu tố: (1) phải có tâm hướng thiện và hướng thượng; (2) phải có tư duy chính chắn trong mọi công việc; (3) phải làm đúng cách thức, đúng phương pháp; chỉ có những thành tựu, kết quả nào phát sinh lên từ những công việc được làm với đầy đủ 3 yếu tố ấy mới thật sự là điều ưa thích, hạnh phúc bền vững mà thôi.
Cho đến khi nào chưa có khả năng nhìn thế gian bởi trí tuệ thấy biết sự thật chân lý cao thượng của bậc Thánh, thì trong suốt thời gian ấy, sự hiểu biết của hạng phàm nhân cũng giống như sự hiểu biết của “6 vị Bà-la-môn mù rờ voi” vậy, là một sự hiểu biết không toàn diện; hoặc đó chỉ là một sự hiểu biết sai lệch. Sự hiểu biết như vậy trong ngôn ngữ Pāḷi gọi là “vipallāsa: điên đảo, nghịch đảo”. Vì vậy, bất cứ hạng phàm nhân nào, dù là bậc Thiện trí phàm nhân đi nữa, thì trong sự hiểu biết của mình với cách thức nào đó, luôn có trong đó điều không ưa thích, khổ đau, bất hạnh. Chính với điều không ưa thích, khổ đau, bất hạnh ấy, căn cứ y theo như lời giáo huấn của các bậc Thầy Tổ tiền nhân phải trừ diệt, để rồi từ đó đón nhận cho có được sự thoát ly; cũng như tìm cho được lời giải đáp của nó, và hãy tìm cho ra cánh cửa thoát ly từ trong đó để vượt thoát ra khỏi vậy.
Trong việc trừ diệt những điều không ưa thích, đau khổ, bất hạnh; hoặc điều ngăn cản, cấm đoán, điều căn bản trước tiên cần phải có, đó là một cái tâm tốt hướng thiện và hướng thượng. Tiếp theo cần phải tư duy suy xét từ mọi khía cạnh của vấn đề phát sinh lên của sự ngăn cản, cấm đoán ấy. Và điều cuối cùng đó là cần phải có phương pháp cách thức đúng đắn, chính xác để trừ diệt sự ngăn cản, cấm đoán ấy. Chỉ có như vậy, mới có thể có được sự hài lòng, tự hào về sự giải thoát khỏi từ sự ngăn cản, cấm đoán có tính chất không ưa thích, bất hạnh ấy. Còn nếu không như vậy, thì sẽ nhận lấy cái kết cục không êm đẹp về sau, khi trong tâm sẽ phải thọ nhận những cảm giác lo sợ, bồn chồn, hối hận vậy.
Cunda đã không sử dụng phương pháp trên, dù bất cứ điều gì ông ta cũng chỉ sử dụng phương pháp có lợi nhất về phần mình mà thôi; cũng không bao giờ sử dụng phương pháp hy sinh, chịu thua thiệt một chút. Trong việc giải quyết một vấn đề nào đó thường phải tuân thủ theo nguyên tắc nhu và cương (mềm mại và cứng rắn). Ngôn ngữ Pāḷi gọi là “hānopadāna” (hāna+upadāna). Hāna nghĩa là chịu thua thiệt về phần mình; còn Upadāna nghĩa là phải cương quyết, cứng rắn. Tuy vậy, Cunda đã không sử dụng nguyên tắc cách thức này, ông ta chỉ sử dụng nguyên tắc mình phải hơn, phải thắng tất cả. Ông ta là người chỉ luôn luôn tìm kiếm điều ưa thích, hạnh phúc cho cuộc đời của mình mà thôi.
Cunda nuôi nhốt những con lợn con, mà ông ta đã mua được với cái giá rẻ mạt từ nhiều vùng về, trong khu vườn lớn phía sau căn nhà của mình. Ông ta nuôi dưỡng chăm sóc chúng một cách chu đáo cho đến khi nào có thể giết thịt được mới thôi. Bởi ông ta biết rằng chỉ đến khi lợn béo tốt, to lớn cân nặng, thịt nhiều, thì khi ấy trong việc kinh doanh buôn bán mới có lãi cao nhất. Vì vậy, trong việc chăn nuôi lợn ông ta cho chúng ăn uống, tẩm bổ đầy đủ các loại thức ăn ngon lành.
Tuy Cunda làm ăn kinh tế bằng nghề buôn bán và nuôi lợn, nhưng nhà của ông ta không phải chỉ sinh sống một mình giữa đồng không mông quạnh, mà chính là sinh sống trong thôn xóm như bao gia đình khác. Ngay khi nói rằng sinh sống trong thôn xóm, thì ông ta không tránh khỏi được việc tham gia vào sự hình thành cộng đồng, xã hội khi chính mình cũng là một thành phần trong cộng đồng, xã hội đó. Khi ấy, chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều sự kiện như: dân tộc, chính trị, kinh tế, xã hội, chính quyền, Tôn giáo, v.v….
Trong việc đối diện với những sự kiện ấy, nếu theo những vấn đề về dân tộc – xã hội, thì đương nhiên phải có sự giao tiếp giữa con người với nhau; nếu theo những vấn đề về chính trị, thì cũng có sự giao tiếp giữa những người đồng chí với nhau; nếu theo những vấn đề về kinh tế, thì cũng có sự giao tiếp giữa người mua kẻ bán với nhau; còn nếu theo những vấn đề về chính quyền, thì lại có sự giao tiếp giữa quan chức và nhân dân với nhau, v.v…. Trong khi đối với những vấn đề về Tôn giáo lại không như vậy, mà mỗi một người phải tự mình thực hành riêng biệt; và khi thực hành riêng biệt như vậy phải tìm đến nơi vắng vẻ, thanh tịnh, có như vậy sự thực hành ấy mới đạt kết quả tốt đẹp được.
Vấn đề thuộc Tôn giáo (tu sĩ), bởi vì thuộc dạng mang tính chất công việc của mỗi cá nhân, không tham gia vào những vấn đề khác cũng như không giao tiếp qua lại mang tính liên hệ mật thiết như những vấn đề khác ngoài xã hội; cho nên có thể cho là nó không quan trọng bằng những vấn đề kinh tế, xã hội,…. Nhưng thật ra, đối với Tôn giáo điều chính yếu và quan trọng nhất là việc xây dựng lên giới hạnh, đạo đức, phẩm giá của từng mỗi cá nhân. Một xã hội nào, một cộng đồng nào được hình thành từ những cá nhân có giới hạnh đạo đức, phẩm giá, thì xã hội, cộng đồng ấy mới có thể sẽ đưa đến một cuộc sống thanh bình an lạc trong thế giới loài người này.
Để xây dựng nên giới hạnh, đạo đức, phẩm giá, thì cần phải có sự liên quan đến Tôn giáo. Tuy nhiên, Cunda là người không quan tâm đến Tôn giáo, cho nên trong người ông ta không có được những điều tốt như: giới hạnh, đạo đức và phẩm giá được. Vì vậy, Cunda tuy sống trong thôn xóm, nhưng lại không biết tôn trọng, không quan tâm đến cảm giác của những gia đình hàng xóm láng giềng, cũng không biết suy nghĩ cho tâm trạng những gia đình hàng xóm láng giềng của mình. Ông ta thuộc dạng người làm cho bằng được công việc mà mình muốn làm, chẳng hề quan tâm đến bất kỳ ai như thế nào. Ông ta quả thật là người chẳng giống loài người trong thế gian này.
Cunda khi những con lợn đến thời kỳ có thể giết mổ được thì đem ra giết mổ để bán thịt. Tuy nhiên, cách thức giết mổ lợn của ông ta không giống với cách giết mổ lợn ngày nay. Trước hết, ông ta cột thật chặt những con lợn vào những cái cột không cho chúng nhúc nhích được; tiếp theo ông ta dùng chày đánh vào toàn thân của chúng, với mục đích làm cho da thịt phồng lên; khi ấy nhìn những con lợn trông như rất béo tốt lên gấp bội phần vậy. Tiếp theo nữa ông ta lấy thanh gỗ chống vào trong vòm họng của những con lợn ấy, để làm cho chúng hả miệng lớn ra, không ngậm lại được. Sau đó ông ta dùng nước đang sôi sùng sục đổ vào miệng của những con lợn ấy; ông ta làm như vậy là để thức ăn và phân trong ruột lợn lỏng đi và chảy ra ngoài theo đường hậu môn. Và ông ta cứ dội nước đang sôi sùng sục vào miệng lợn rất nhiều lần như vậy, cho đến khi nào nước từ trong ruột lợn chảy ra trong vắt và sạch sẽ mới dừng lại.
Cách thức giết mổ lợn tàn ác của Cunda, quả thật chỉ nghĩ đến không thôi cũng đủ làm cho sởn cả gai ốc, lông tóc dựng đứng vậy. Không biết cảm giác của những gia đình sống gần nhà ông ta phải chịu đựng như thế nào nữa!
Cunda thuộc loại người chỉ làm theo việc mình muốn làm, không quan tâm hay tôn trọng bất kỳ một ai. Những gia đình láng giềng nếu không muốn ở gần nhà ông ta thì chỉ còn có cách chuyển đi nơi khác sinh sống mà thôi; nếu không muốn nhìn thì cũng chỉ biết nhắm mắt lại thôi vậy; nếu không muốn nghe thì cũng chỉ biết bịt tai lại mà thôi. Riêng ông ta thì không hề tôn trọng hay để ý quan tâm đến bất cứ một ai; còn những gia đình nào sống gần nhà ông ta nếu không thể chuyển đi nơi khác được, thì cũng đành học cách chịu đựng, nhẫn nhịn với ông ta mà thôi, ngoài ra cũng chẳng còn có phương pháp nào khác nữa.
Cunda đã làm ăn kinh tế nuôi sống bản thân với nghề buôn bán, giết mổ lợn bằng cách thức ấy suốt thời gian 55 năm trời như vậy. Trong suốt khoảng thời gian này, Cunda rất vui thích, hạnh phúc với công việc giết mổ lợn hàng ngày của mình. Khi dùng chày để đánh lợn, và mỗi khi được nghe tiếng kêu gào đau đớn của chúng ông ta lại rất phấn chấn, khoan khoái tợ như nghe tiếng đàn, tiếng trống du dương vậy. Và khi đổ nước đang sôi sùng sục vào trong miệng lợn, nghe tiếng kêu gào thống thiết ghê rợn của chúng, ông ta lại nghĩ đó là một âm thanh nghe rất dễ chịu, êm tai.
Cunda với sự hiểu biết sai lệch (cittavipallāsa: tâm điên đảo), nhớ tưởng sai lệch (saññāvipallāsa), tri kiến sai lệch (diṭṭhivipallāsa), nên khi nhìn thế gian, ông ta sẽ thấy thế gian này rất là khoái lạc, hạnh phúc như một công viên giải trí muôn màu muôn vẻ vậy. Cách thấy này thời đại trước gọi là cách thấy theo chủ thuyết “lokāyata: mở rộng thế gian”.
Những bộ sách thuộc về tri kiến của India gọi sự thấy biết đó là cārvaka; đây là cái thấy, tri kiến không tin vào sinh tử luân hồi vậy. Câu châm ngôn của chủ thuyết cārvaka “hãy uống bơ (dùng đồ thượng hạng) bằng cách thiếu nợ”. (nghĩa là kiếp này muốn gì làm nấy không sợ gì vì không có luân hồi, kiếp sau, nên không sợ phải trả quả báo). Hình như Cunda có thể đã rất thích với tri kiến, chủ thuyết này; vì vậy mà ông ta chẳng thèm quan tâm đến bất kỳ một ai, ông ta thích sao thì sống vậy mà thôi.
Tuy nhiên, trong thế gian này dù bất cứ ai thích hay không thích, nhưng rồi điều hợp pháp với vai trò chủ đạo (adhipati), cuối cùng cũng nắm quyền cai trị mà thôi. Trong khi sự thống trị của điều phi pháp chỉ mang tính tạm thời vậy. Cuối cùng rồi, trong một ngày nào đó, chỉ có điều hợp pháp mừng chiến thắng ngay chính trên điều phi pháp ấy. Vì vậy, đối với ông Cunda rồi cũng phải chịu nhận sự trừng phạt theo quy luật của pháp mà thôi, không thể nào sai chạy được.
Con đường đi của những người có cái tôi quá lớn, khi đeo lên mình cặp kính biết sai, nhớ sai, thấy sai (vipallāsa: nghịch đảo), chỉ thấy điều ưa thích, khoái lạc nơi cuộc đời của mình, thì chỉ có thể đưa đến 4 cõi khổ mà thôi.
Một ngày nọ, sức khỏe của Cunda không được tốt, ông ta bắt đầu bị đau ốm bệnh tật. Tất cả những gì ông ta đã giành lấy từ thế gian giờ đây phải chịu nhận sự trừng phạt của pháp vậy. Ngọn lửa địa ngục Avīci đã đến với Cunda theo như những gì mà suốt 55 năm ông đã làm với những con lợn vậy. Ông ta bị phát ban, phát sốt chịu cảm giác thiêu đốt, nóng bức toàn thân; ông ta không thể đi lại bình thường được mà phải đi bằng hai tay hai chân như lợn đi vậy; và la hét, gào thét cũng giống y như tiếng lợn gào thét mà ông ta đã rất thích nghe trước đây.
Nghiệp, hành động bất thiện, xấu ác nó cứ theo định luật của pháp (dhammaniyāma), nên sẽ cho quả báo tương xứng; và nghiệp, hành động thiện, tốt đẹp cũng cùng một cách như vậy, nó cũng cho quả báu tương xứng. Ở đây, Cunda trong suốt cuộc đời của mình vì đã không làm được bất cứ một nghiệp thiện nào, nên liên quan đến thiện nghiệp cho quả báu tương xứng với nó, vấn đề này cũng không thể có được một mảy may nào; chỉ có ác nghiệp sẽ cho quả báo tương xứng mà thôi.
Trên người của Cunda nổi nhiều mụn nhọt to lớn, sưng tấy toàn thân. Ngọn lửa địa ngục Avīci đã bao phủ thiêu đốt toàn thân hình của ông ta; ông ta bị mất trí nhớ nên chạy (bằng 4 chân) từ chỗ này qua chỗ kia; những người thân của ông ta đã cho rào chắn, đóng kín sân nhà để không cho ông ta bỏ chạy đi xa được. Ngày trước những con lợn ở trong vườn của ông ta mỗi khi bị bắt đi giết mổ sợ hãi chạy tìm cửa thoát như thế nào, bây giờ cũng vậy, ở trong sân nhà bị rào chắn đóng kín ấy, ông ta chạy đi chạy lại gào thét thảm thiết để tìm cửa thoát.
Cunda đang sống trong cảnh gào thét ồn ào như tiếng kêu gào của lợn; ông ta bị trừng phạt khi phải chịu đựng cảm giác thiêu đốt nóng bức cực độ của lửa địa ngục Avīci ngay khi đang còn mang thân người này. Những gia đình sống gần nhà ông ta không thể ngủ được vì tiếng gào thét suốt ngày đêm ấy của ông ta. Cunda đã phải trải qua, chịu đựng những cảm giác sợ hãi, đau đớn; như những cảm giác sợ hãi, đau đớn của những con lợn phải chịu mỗi khi ông ta giết mổ trước đây. Những con lợn sợ hãi chạy tìm cửa thoát như thế nào, ông ta cũng chạy khắp nơi tìm cửa thoát như thế ấy; những con lợn kêu gào thảm thiết khi phải chịu cảm giác bị đánh và đổ nước sôi như thế nào; ông ta cũng gào thét thống thiết như tiếng lợn khi bị những đau đớn đó vậy. Cunda đã phải chịu sự thiêu đốt trừng phạt của ngọn lửa địa ngục Avīci ngay trên thân người đang còn sống này trong suốt 7 ngày đêm như vậy, sau đó chết đi và bị đọa vào trong địa ngục Avīci, làm chúng sinh trong địa ngục ấy rồi tiếp tục chịu khổ đau gấp bội phần. Những gia đình hàng xóm láng giềng gần nhà của ông, chứng kiến những nỗi khổ ấy đã rất rúng động tâm tư, kinh hãi, khiếp sợ vô cùng.
Chư Tỳ khưu thường ngày đi ngang qua nhà của Cunda đã trình bạch lên đức Phật:
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Chúng con đã nghe tiếng lợn bị giết mổ suốt 7 ngày đêm trong nhà của Cunda. Ông ta quả là người độc ác hung bạo vô cùng; người hung bạo tàn ác như ông ta, chúng con chưa từng gặp một ai khác giống như vậy bao giờ.
Khi nghe vậy, đức Phật liền dạy bảo, giải thích:
- Này các Tỳ khưu, những người con yêu quý của Như Lai! Không phải suốt 7 ngày qua Cunda đang giết mổ lợn; mà thật ra đó là ông ta đang chịu quả của nghiệp, báo ứng tương xứng ngay trong kiếp sống hiện tại này, đối với những việc ác, nghiệp bất thiện do chính ông ta đã làm trong suốt 55 năm qua. Chính ngay trong ngày hôm nay ông ta sẽ chết đi và tái sinh đọa vào địa ngục Avīci. Tiếp theo đức Phật thuyết giảng bài kệ:
(Nghĩa của bài kệ)
“Người làm việc xấu ác, tạo nghiệp bất thiện, ngay kiếp hiện tại cũng có sự lo lắng, bồn chồn, nóng bức; kiếp tiếp theo (vị lai) cũng có sự lo lắng, bồn chồn, nóng bức. Cả hai kiếp, hiện tại và vị lai đều có sự lo lắng, bồn chồn, nóng bức.
Người ấy, khi thấy biết quả báo ác nghiệp, việc ác tội lỗi của mình, nên đã lo lắng, bồn chồn, nóng bức; một khi còn lo lắng, bồn chồn, nóng bức thì vẫn còn có đau khổ, mệt mỏi.”
Trong thế gian này, đã sinh ra làm người, một khi đến tuổi trưởng thành cũng là lúc phải lao động làm một công việc nào đó, không việc này thì việc kia. Và khi lao động làm việc thì không tránh khỏi có sự khởi ý, hướng tâm lên cùng với nó. Trong đó, sự làm cho xong, cho thành tựu công việc không phải là điều quan trọng; mà chỉ có sự khởi ý tốt, hướng tâm tốt mới là điều quan trọng nhất. Vì vậy, sự khởi ý, hướng tâm mỗi khi liên quan đến công việc, nghề nghiệp của mình nó gồm hai tính chất, cũng có thể nó khởi ý, hướng tâm thiện-tốt; và cũng có thể nó khởi ý, hướng tâm xấu-ác.
Khởi ý, hướng tâm thiện-tốt có nghĩa đó là việc sử dụng cuộc đời của mình cho thế gian này; và ngược lại, khởi ý, hướng tâm xấu-ác có nghĩa là việc sử dụng thế gian này cho cuộc đời của mình. Vì vậy, nếu lao động làm mọi công việc với mục đích sử dụng thế gian này cho cuộc đời của mình, thì trong những công việc, ghề nghiệp ấy sẽ luôn bị những sự khởi ý, hướng tâm “cho riêng ta, chỉ vì ta” bao phủ che mờ chi phối vậy. Một khi chấp nhận bị “cái tôi, cái ta” bao phủ chi phối, thì cũng là lúc không thể có những tâm xem trọng những gì khác có trên thế gian; hoặc một khi nghe đến vì thế gian thì có sự nhận thức rằng “điên hay sao”. Do đó, những người có nhận thức “chỉ vì ta” ấy, nếu khi có điều lợi ích nào cho cuộc đời của họ, thì họ sẽ quyết tâm làm bất kể đó là gì; họ sẽ không quan tâm hợp pháp hay phi pháp; điều họ quan tâm là vì cuộc đời của họ, họ phải làm sao cho thành tựu đầy đủ được những mục đích mà họ đã mơ ước nhắm đến. Nếu thành tựu được mục đích ấy thì họ cũng chẳng coi trọng điều mà các bậc Thiện trí thức gọi là pháp giữ gìn, bảo hộ thế gian gồm hổ thẹn tội lỗi (tự chê trách) và ghê sợ tội lỗi (sợ bị chê trách); họ chỉ xem trọng mục đích họ muốn rồi lao vào làm cho bằng được mà thôi.
Đức Phật đã thuyết dạy, trong khi lao động, làm việc cần phải biết tâm niệm 3 tính chất nơi công việc, nghề nghiệp. Điều tâm niệm đầu tiên là ta phải biết tôn trọng giới hạnh, đạo đức, phẩm giá của chính ta. Cố gắng làm sao trong công việc nghề nghiệp phải luôn giữ gìn giới hạnh, đạo đức, phẩm giá trong suốt cuộc đời của mình; phải có bản tính tự hào và giữ gìn với những đạo đức, phẩm giá bao đời của dòng tộc mình, đừng để rơi vào hoàn cảnh “một đời tích trữ cuối cùng trắng tay”. Điều tâm niệm này gọi là “attādhipati: xem trọng giới-định-tuệ nơi mình là chủ yếu”.
Điều tâm niệm thứ hai phải có đó là “lokādhipati: xem trọng thế gian là chủ yếu”. Lokādhipati nghĩa là biết tôn trọng môi trường chung quanh mình. Môi trường chung quanh trong thế gian này theo tuần tự gồm gia đình của mình, thôn xóm của mình, thành phố của mình, đất nước của mình và bao gồm luôn cả quả địa cầu này. Hay có thể nói một cách khác bao gồm tất cả nhân loại vậy. Thật ra, vì do mỗi một người đều là thành viên của cộng động xã hội loài người; cho nên, một cộng động, một xã hội loài người tốt phải bắt đầu từ mỗi thành viên tốt đã; cũng giống như một chiếc xe chạy được êm thắm, trơn tru cần phải bắt đầu từ những bộ phận nhỏ như mắt xích, bánh răng phải tốt, hoàn hảo vậy. Vì vậy, mỗi một con người đều có trách nhiệm vì sự hòa bình an lạc trong môi trường chung quanh của thế gian này. Do đó cho nên, hãy biết tôn trọng môi trường chung quanh trong thế giới này, đừng vì những gì liên quan đến mình mà làm cho môi trường thế giới chung quanh mình phải chịu tổn thương, mất mát.
Điều tâm niệm thứ ba phải có đó là “dhammādhipati: xem trọng pháp là chủ yếu”. Dhamma: pháp ở đây lãnh vực rất rộng. Pháp ấy bao gồm trong sinh tử luân hồi và bao gồm luôn cả giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Pháp ấy bao gồm cả thế gian và cũng bao gồm luôn cả xuất thế gian. Pháp ấy cũng có thể bao gồm từng mỗi một cá nhân và cũng có thể bao gồm cả thế giới. Vì vậy, tùy theo từng trường hợp cụ thể như: những nét truyền thống văn hóa, những phong tục tập quán, những quy định pháp luật, những hướng dẫn chỉ thị,… có trong thế gian, trong xã hội, trong cộng đồng; phải nên tôn trọng tất cả chúng một cách sâu sắc, thật tâm, thật ý vì sự hòa bình an lạc ngay cuộc đời hiện tại này. Và cũng phải biết tôn trọng theo những sự thực hành giới-định-tuệ, thực hành những thiện pháp, thực hành những phương pháp cao thượng vì sự an lạc hạnh phúc trong những đời vị lai mai sau vậy.
Theo như ý nghĩa ấy, “dhamma: pháp” ở đây có nghĩa là chỉ gọi “pháp” khi nó mang tính chất thiện-tốt vậy (chánh pháp), nó không bao gồm tất cả. Còn nếu nó chỉ thiện-tốt do theo quan niệm, tư kiến của mình quy định ra, thì không phải dhamma: pháp vậy. Dhamma: pháp có nghĩa là chỉ khi nào nó mang tính chất có khả năng làm cho tham ái, ngã mạn, tà kiến ngày càng mỏng hơn, thì mới đúng thật sự gọi là pháp ở đây. Vì vậy, biết xem trọng pháp (chánh pháp) là chính yếu có nghĩa rằng trong khi làm những công việc, nghề nghiệp hãy có trách nhiệm cố gắng tốt nhất có thể để làm sao cho tham ái của mình, ngã mạn của mình, tà kiến (thấy sai chấp lầm) của mình ngày càng mỏng dần đi. Hoặc có thể nói một cách khác chính là làm sao cho cái tôi, cái ta của mình mỏng nhất có thể. Tại sao vậy? Tại vì, có cái tôi, cái ta phát sinh lên do bởi nương vào tham ái; cũng có cái tôi, cái ta phát sinh lên do bởi nương vào ngã mạn; và cũng có cái tôi, cái ta phát sinh lên do bởi nương vào tà kiến. Do đó cho nên một khi cái tôi, cái ta (atta: linh hồn) mỏng bớt đi thì lẽ dĩ nhiên tham ái, ngã mạn, tà kiến cũng theo đó mà mỏng bớt đi. Vì vậy mới nói, khi gọi là tôn trọng pháp, theo như điều tâm niệm xem trọng pháp là chính yếu (dhammādhipati) thì phải làm cho cái tôi, cái ta (atta) thật sự mỏng đi, vơi cạn bớt đi vậy.
Trong những công việc, nghề nghiệp mà suốt cả cuộc đời của mình, có sự “tôn trọng pháp là chính yếu” trong khi làm hay không, đến giây phút lâm chung sẽ hay biết rõ. Trong thời khắc lâm chung, sắp chết 1 trong 3 hiện tượng sẽ hiện rõ trong tâm không thể nào tránh khỏi được gồm: hiện tượng việc làm, hành động (kamma: nghiệp); hoặc hiện tượng tướng trạng, vật dụng của việc làm (kammanimitta: tướng trạng của nghiệp); hoặc hiện tượng cảnh giới, trú xứ,… (gatinimitta: tướng trạng nơi sẽ đến). Theo như quy luật của tự nhiên (dhammaniyāma: định luật của pháp), nghiệp sẽ cho quả tương xứng với nó, không sai chạy đi đâu được; đối với nghiệp thì không thể nào lừa dối, gạt gẫm được. Theo như tâm lý của hạng phàm nhân những điều mình làm cho công việc, nghề nghiệp của mình, theo mình hiểu biết thì đó luôn là điều tốt không thôi. Tuy nhiên, sự hiểu đó của mình đúng hay sai đến lúc sắp lâm chung mới biết rõ.
Trong câu chuyện Cunda, những công việc (nghiệp) ông ta đã làm thì hiện tượng cảnh giới (gatinimitta) thể hiện rõ đến với ông ta. Cunda đã gào thét giống y như tiếng lợn kêu gào; chạy đi chạy lại giống y như lợn chạy; ông ta còn sống nhưng phải chịu cảm giác thiêu đốt nóng bức của lửa địa ngục suốt 7 ngày đêm y như cảm giác mà những con lợn chịu đựng khi ông ta đổ nước đang sôi sùng sục vào miệng của chúng vậy. Nhưng ông ta chịu đựng cảm giác như vậy vẫn chưa hết đâu, sau khi chết lại tái sinh đọa vào địa ngục Avīci chịu đau khổ lâu dài hơn gấp bội phần.
Nghiệp mà chính ta đã tạo, đối với ta dù có thể khi làm nghĩ rằng nó là thiện-tốt đi nữa, nhưng khi sắp lâm chung nó sẽ mang tính chất của nó đến bằng cách thể hiện qua 1 trong 3 hiện tượng gồm: hiện tượng hành động tạo nghiệp, hoặc hiện tượng hình tướng của nghiệp, hoặc hiện tưởng cảnh giới tái sinh của nghiệp; chúng sẽ cho quả tương xứng với nó, không thể sai chạy hay thoát khỏi được. Kẻ xấu ác, phạm nhân muốn thoát tội có thể vượt ngục trốn thoát khỏi ngục tù, cũng có thể thoát tội được; nhưng những việc, những nghiệp xấu-ác mà ta đã làm, nếu chúng chưa được đoạn diệt bằng trí tuệ Thánh Đạo, thì trong 31 cõi, dù chạy đến đâu thì đến, cũng không thể thoát khỏi sự trừng phạt là quả báo của nghiệp xấu-ác ấy. Nếu là hạng phàm nhân chính nó lại còn có thể bị cho quả báo tái sinh vào 4 cõi khổ.
Hoặc nếu đã trở thành bậc Thánh Á-rá-hán, dù không còn tái sinh kiếp sau đi nữa, nhưng như Trưởng lão Moggallāna cũng phải chịu thọ nhận cảm giác bị những kẻ xấu-ác đánh đập tan xương nát thịt. Do đó, đức Phật đã thuyết giảng bài kệ này đến hội chúng với ý nghĩa dạy bảo rằng; sống trong thế gian này, dù làm bất kỳ công việc, nghề nghiệp gì cũng hãy cố gắng không làm phải những công việc xấu-ác, nghề nghiệp xấu ác; hãy làm cho cái tôi, cái ta ngày càng mỏng đi; không nên sử dụng thế gian này vì ta, mà hãy đem ta ra để sử dụng vì thế gian vậy. Vì đây là câu chuyện rất rúng động tâm can cho mọi người nên đã được ghi chép lại trong Tam tạng Pháp bảo, và trình bày ra đây để mọi người cùng tìm hiểu vậy.
Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung