Maṭṭhakuṇḍalī
Vợ chồng Bà-la-môn Adinnapubbaka là một gia đình có tên trong danh sách phú hộ tại kinh thành Sāvatthi. Tuy nhiên, họ lại chỉ sinh được một người con trai duy nhất. Vì chỉ có được người con trai duy nhất, nên cả 2 người rất hết mực yêu quý. Cậu ta được đặt tên là Maṭṭhakuṇḍalī. Quả đúng là phú hộ Adinnapubbaka có thương yêu công tử Maṭṭhakuṇḍalī người con trai duy nhất của ông thật. Thế nhưng, ông ta lại yêu quý, tham đắm của cải tài sản, còn hơn cả người con trai duy nhất ấy. Người vợ là phận gái, không vượt qua chồng, nên cũng khó có thể tự quyết được gì.
Phú hộ Adinnapubbaka đối với tài sản vật chất của mình, không chịu để hao hụt, sứt mẻ dù chỉ là chút ít. Không cúng dường đến đức Phật, mặc dù Ngài cùng Thánh chúng đang cư ngụ tại chùa Jetavana gần Savatthi. Cũng không cúng dường đến một vị Đạo Sư ngoại đạo nào. Thậm chí chưa một lần bố thí, làm từ thiện đến bất cứ một hành khất qua đường nào. Vì vậy, mọi người mới gọi ông ta là Adinnapubbaka. Adinnapubbaka có nghĩa là ‘người chưa từng cúng dường, bố thí một lần nào’. Phú hộ Adinnapubbaka không dám bố thí hay sử dụng của cải tài sản của mình. Vì sợ khi bố thí, sử dụng thì sẽ hao hụt tài sản. Ông ta không thể chấp nhận sự đau khổ vì bị hao hụt tài sản. Không cúng dường, bố thí; không sử dụng, tiêu dùng thì tài sản của ông không bị hao hụt được. Điều này gọi là bằng lòng, vui thích khi được sở hữu “atthisukha: khoái lạc do sở hữu”.
Khi công tử Maṭṭhakuṇḍalī lên 16 tuổi thì bị bệnh vàng da. Người vợ đã hết lòng khuyên nhủ chồng tìm thầy hay thuốc tốt trị bệnh cho con. Tuy nhiên, vì sợ phải trả tiền công tiền thuốc nhiều, nên không mời lương y, mà ông ta tự mình tìm thuốc chữa trị cho con.
Bệnh của con đã không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Khi thấy bệnh tình của con như vậy, ông mới đến các vị lương y hỏi vu vơ rằng: ‘Nếu bị bệnh vàng da thì dùng thuốc gì để chữa trị?’ Các vị lương y nghe hỏi vậy, lại không được mời đến khám trực tiếp cho bệnh nhân, nên ai cũng nói qua loa cách chữa trị. Thế nhưng đối với phú hộ Adinnapubbaka lại tin chắc vào lời của các vị lương y cho là đúng. Nên ông ta lại dùng thuốc theo lời của các vị ấy chỉ dẫn, để tiếp tục chữa trị cho con mình.
Bệnh cũng đã trở nên mãn tính, kháng thuốc; thời gian cũng đã quá muộn. Cuối cùng phú hộ Adinnapubbaka mới đi mời lương y. Vị lương y được mời đã thăm khám, kiểm tra bệnh tình của Maṭṭhakuṇḍalī. Và khi biết được thuốc của mình bào chế không còn tác dụng, nên từ chối chữa trị, rồi giới thiệu tìm đến những vị lương y khác. Tất cả họ, ai cũng đều từ chối chữa trị.
Khi ấy, ông ta mới biết là con trai Maṭṭhakuṇḍalī của mình sẽ không qua khỏi. Lo sợ mọi người đến thăm nhìn thấy tài sản của mình, nên ông ta đưa con ra ngoài hiên nhà nằm. Lúc này, tình thương yêu con mới dâng trào trong lồng ngực của phú hộ Adinnapubbaka. Tuy nhiên, ông cũng chẳng thể làm gì được nữa. Hối hận thì đã quá muộn rồi, chỉ còn sự khổ đau dằn vặt ông ta mà thôi.
Rạng sáng hôm sau, đức Phật sau khi xuất khỏi Đại bi định, Ngài quán xét chúng sinh có duyên lành giác ngộ (veneyyasattā), đã thấy công tử Maṭṭhakuṇḍalī hiện rõ trong lưới tế độ của Ngài. Thật ra, trong gia đình Maṭṭhakuṇḍalī chưa từng có phước thiện bố thí, cũng chưa từng có phước thiện giữ giới, lại cũng chưa từng có phước thiện hành thiền. Tuy vậy, Maṭṭhakuṇḍalī lại là người sắp chết, đang hấp hối. Khi sắp chết, đang hấp hối, cận tử nghiệp (āsannakamma) là rất quan trọng. Cận tử nghiệp là hành động, nghiệp được làm lúc sắp chết, lúc hấp hối. Người cha của Ngài đại trưởng lão Soṇa là một thợ săn, tuy cả cuộc đời tạo nhiều ác nghiệp, nhưng đến giây phút cuối đời, lúc hấp hối, theo chỉ dẫn của Ngài Soṇa, ông ta đã tạo được cận tử nghiệp thiện, nên được tái sinh vào cõi thiện. Hoàng hậu Mallikā, mặc dù là người tạo được phước thiện asadisa (cúng dường Phật và Thánh chúng không có ai sánh được), nhưng lúc sắp lâm chung, đã tạo cận tử nghiệp xấu, nên đã bị tái sinh vào cõi khổ. Công tử Maṭṭhakuṇḍalī, trong suốt cuộc đời của mình chưa từng bố thí, cũng chưa từng giữ giới và cũng chưa từng hành thiền. Vì vậy, trong (tâm) cậu ta đã chẳng có lấy một chút thiện nghiệp nào. Tuy nhiên, với tâm đại bi hợp trí tuệ của đức Phật, Ngài thấy được, do phát sinh tín tâm nơi Ân đức Phật, phát triển thiện phước niệm Ân đức Phật ấy, là cận tử nghiệp thiện, cậu ta sẽ được tái sinh về cõi thiện.
Sáng sớm hôm ấy, Đức Phật cùng chư Thánh chúng đệ tử đi vào kinh thành Sāvatthi để khất thực. Khi đi khất thực tuần tự qua từng nhà, Ngài và Thánh chúng đệ tử đến trước nhà phú hộ Adinnapubbaka. Công tử Maṭṭhakuṇḍalī, khi nhìn thấy đức Phật đã rất hoan hỷ, phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài. Tuy nhiên, đến tay chân còn không thể nhấc lên nỗi, cho nên ngoài phát sinh tín tâm hoan hỷ, cậu ta cũng chẳng thể làm được điều gì khác hơn nữa. Chỉ vậy thôi, nhưng là thiện nghiệp hành thiền cao thượng, nên có giá trị lớn lao, không gì sánh bằng đối với cậu ta. Chỉ với thiện nghiệp hành thiền có Ân đức Phật làm đối tượng như vậy thôi, nhưng khi chết đi lại được tái sinh vào tầng trời Tvāvatiṃsa (tầng trời Tam Thập Tam hay còn gọi là Đạo Lợi).
Khi người con trai duy nhất của mình chết đi, phú hộ Adinnapubbaka đã thương nhớ khôn nguôi. Ngoài tự mình chịu sự trừng phạt do sai lầm mê muội mà chính mình tạo ra, ông cũng chẳng thể làm gì hơn được nữa. “Ta đã bị tuyệt tự, không người nối dõi tông đường. Không ai thuốc thang cơm nước về sau. Đã không còn thấy bóng dáng người con trai ruột yêu quý duy nhất nữa. Từ đây về sau hai vợ chồng tuổi già sức yếu, sẽ chỉ biết nương tựa lẫn nhau để sống hết cuộc đời này mà thôi. Sự trừng phạt do mê muội sai lầm của ta, không những chẳng trông mong được mọi người quanh ta cảm thông hay tha thứ, mà còn luôn luôn phải đối diện với sự khinh khi, trách mắng của họ nữa”.
Phú hộ Adinnapubbaka càng nghĩ đến những điều đó chừng nào, nước mắt lăn dài chừng đó. Hằng ngày, ông thường đi đến nghĩa trang, ngồi than khóc bên mộ con. Nói đúng ra, đó cũng chính là một hình thức, mà ông ta đang phải hứng chịu hình phạt (quả báo) ngay trong kiếp sống này, xứng đáng với sai lầm ông ta đã mắc phải.
Khi ấy, thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī muốn cho cha mình hiểu rõ sự thật hiển nhiên, nên hóa hiện ra thân tướng như ngày trước của mình, rồi đứng khóc gần chỗ phú hộ Adinnapubbaka đang khóc. Ông phú hộ quay sang nhìn người đang khóc gần đó, đã giật mình ngạc nhiên vì trông rất giống với con trai của mình. Khi ấy, với tình thương con ông liền hỏi:
- Này công tử! Tại sao cậu lại đến đây khóc?
Đây là câu hỏi mà vị thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī mong đợi. Và khi nghe đúng câu hỏi mà mình mong đợi ấy liền đáp:
- Vâng thưa phụ thân! Con có một cỗ xe ngựa bằng vàng. Tuy vậy, lại thiếu 2 cái bánh xe tương xứng với nó. Con đang đi tìm kiếm những bánh xe ấy, nên đã đến đây. Vì đã đi tìm khắp mọi nơi, nhưng đến nay vẫn chưa có, nên khi đến đây con đã đứng khóc.
Trước đây, phú hộ Adinnapubbaka vì sợ tiêu hao hết của cải tài sản, nên đã không chữa trị cho con trai mình, vì vậy mà đã để mất đi đứa con trai duy nhất. Do đó mà ông ta đã khóc than, thương tiếc không nguôi. Bây giờ, ông không còn nghĩ đến của cải tài sản nữa, với tâm thương yêu con, liền bảo:
- Này công tử! Nếu con cần bánh xe bằng vàng, cho cổ xe vàng của con thì ta sẽ làm cho con. Hoặc nếu con cần bánh xe bằng ngọc, bằng bạc, bằng đồng ta cũng sẽ làm cho con. Con chỉ cần nói con muốn bánh xe nào cho cổ xe bằng vàng của mình, là ta sẽ làm cho con được. Con đừng vì vấn đề này mà khổ tâm than khóc nữa.
Thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī vì muốn người cha cũ (khi còn làm người) của mình, có được bài học và thức tỉnh ông ta, nên liền thưa:
- Thưa phụ thân! Con không muốn bánh xe bằng vàng cho cỗ xe ngựa bằng vàng của mình. Con cũng không muốn bánh xe bằng ngọc, bằng bạc, bằng đồng. Cái con muốn, là lấy mặt trăng, mặt trời làm 2 bánh cho cỗ xe ngựa bằng vàng của mình.
Khi nghe vậy ông phú hộ liền nói:
- Thật ngu xuẩn và điên rồ! Ngươi đã mong muốn cái mà không thể nào có được. Ngươi có thể khóc đến chết, chứ không thể có một nguyên nhân, một khả năng hy hữu nào, để có được mặt trăng và mặt trời làm bánh xe đâu!
- Quả đúng như vậy, thưa phụ thân! Con khóc vì muốn có mặt trăng và mặt trời. Phụ thân khóc vì muốn có người con trai đã chết. Mặt trăng và mặt trời hiện rõ trên hư không, có thể thấy bằng mắt. Trong khi người con trai đã chết không còn hiện hữu, mắt không nhìn thấy được. Tại nghĩa trang này, 2 chúng ta đều là những người khóc than vì muốn mà không được. Con cũng ngu xuẩn điên rồ. Phụ thân cũng ngu xuẩn điên rồ. Tuy nhiên, trong hai chúng ta, theo phụ thân nghĩ, ai mới là người ngu xuẩn điên rồ hơn?
Khi nghe thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī hỏi như vậy, phú hộ Adinnapubbaka đã phải nhìn nhận rằng:
- Công tử! Ngươi nói lời chân thật chí lý quá! Ngươi khóc vì muốn có mặt trăng và mặt trời. Ta khóc vì muốn có người con trai đã chết. Trong hai người khóc vì muốn mà không được ấy, chính ta mới là người ngu xuẩn điên rồ hơn ngươi rất nhiều.
Do lời nói của thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī mà phú hộ Adinnapubbaka đã tỉnh ngộ tâm trí, lắng dịu bớt được một phần nào đó sự đau buồn, thương tiếc. Vì vậy, để tán dương thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī, ông liền nói:
- Giống như dùng nước dập tắt được ngọn lửa bơ dầu đang cháy. Cũng như vậy, lời nói của ngươi đã dập tắt được ngọn lửa đau buồn, thương tiếc đang thiêu đốt trong lồng ngực ta. Lời nói của ngươi cũng đã nhổ bỏ được gai nhọn đang đâm vào tim ta. Giờ đây, do lời nói của ngươi mà tâm ta đã được thanh thản, bình an. Cho nên, kể từ đây về sau ta sẽ không còn khóc than nữa.
Tiếp theo ông ta liền hỏi:
- Công tử! Ngươi là chư Thiên, hay Vua trời, hay chỉ là con người bình thường?
- Thưa phụ thân! Con chính là người con trai mà phụ thân đang than khóc đau buồn đó. Lúc sắp chết, con đã tạo được cận tử nghiệp thiện, cho nên bây giờ, con được tái sinh làm thiên nam ở tầng trời Tam Thập Tam. Vị thiên nam đáp.
Nghe vậy, phú hộ Adinnapubbaka vẫn còn hồ nghi nên hỏi lại:
- Công tử! Trong suốt cuộc đời của ta, trong nhà ta chưa từng làm việc bố thí (từ thiện), cũng chưa từng giữ giới, và cũng chưa từng hành thiền. Gia đình chúng ta là những người tránh xa sự bố thí, giữ giới và hành thiền. Như vậy, ngươi đã làm được phước thiện gì và làm như thế nào? Điều này đối với ta không thể nào nghĩ ra được.
- Phụ thân! Gia đình của chúng ta như phụ thân đã nói, quả đúng là đã chưa từng bố thí, giữ giới và hành thiền. Tuy nhiên, giờ phút con sắp chết, phụ thân đã đưa con ra nằm trước hiên nhà. Sáng hôm ấy, đức Phật cùng Thánh chúng đi vào kinh thành Sāvatthi khất thực theo tuần tự từng nhà, đã đi ngang qua nhà của chúng ta. Mặc dù, đức Phật và Thánh chúng đứng khất thực trước nhà chúng ta như vậy, nhưng không một ai đi ra cúng dường dù chỉ một thìa cơm, cũng không cung kính hay nghe thuyết pháp. Tuy vậy, con lại có cơ hội được chiêm ngưỡng đức Phật với hào quang 6 màu tỏa sáng. Lúc này, vì đôi tay của con không còn cử động được nữa, nên cũng không thể làm sao để chắp tay lên vái lạy được, chỉ còn có thể kính ngưỡng trong tâm mà thôi. Sự kính ngưỡng ở trong tâm đó cũng chính là Buddhānussati: Niệm ân đức Phật của con. Trong tâm con nhớ niệm Ân Đức Phật như vậy cho đến lúc chết đi. Đó chính là phước thiện làm lúc sắp lâm chung mà con có được, nhờ chiêm ngưỡng đức Phật, phát sinh tín tâm hoan hỷ, niệm Ân đức Phật vậy. Thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī đã thuật lại như vậy cho phú hộ Adinnapubbaka nghe.
Khi nghe xong, phú hộ Adinnapubbaka đã vô cùng ngạc nhiên, phấn chấn tinh thần, thân hình phát sinh hỷ lạc. Ông ta nghi rằng “chỉ cần chiêm ngưỡng đức Phật, chỉ cần phát sinh đức tin nơi Ngài, chỉ cần nhớ nghĩ đến ân đức của Ngài, với bấy nhiêu thôi đã có quả báu lớn lao như vậy. Nếu thật sự thực hành hạnh bố thí, thực hành hạnh giữ giới, thực hành hạnh hành thiền, thì quả báu còn lớn lao hơn biết dường nào.” Vì suy nghĩ như vậy, nên ông ta có tâm kính ngưỡng đức Phật, phát sinh đức tin hoan hỷ nơi Ngài. Ông ta đã quyết định là sẽ đến thân cận và quy y nương nhờ đức Phật.
Thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī đoán biết được suy nghĩ của phú hộ Adinnapubbaka, và cũng biết được đã thành tựu mục đích mình muốn truyền đạt với phụ thân. Cho nên, đã động viên, khuyến khích những gì liên quan đến phước thiện sẽ thực hành rằng:
- Phụ thân! Kể từ hôm nay trở đi hãy quy y nương nhờ Tam Bảo. Hãy giữ gìn 5 giới. Đặc biệt khi giữ gìn 5 giới, thì cố gắng không để giới bị đứt, bị thủng, bị đốm và bị loang. Trong nhà của phụ thân có rất nhiều của cải tài sản không phải sao?
Phú hộ Adinnapubbaka đã hứa nghe và làm theo lời động viên, khuyến khích của vị thiên nam. Thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī sau khi thành tựu mục đích của mình đã trở về tầng trời Tam Thập Tam.
Phú hộ Adinnapubbaka sau khi từ nghĩa trang trở về nhà, đã gọi vợ mình đến thuật lại hết sự việc, rồi cùng nhau bàn bạc. Sau đó, họ cùng đến chùa Jetavana đảnh lễ đức Phật và thăm hỏi, thỉnh an Ngài. Họ đã dâng lời thỉnh mời đức Phật cùng Thánh chúng đến nhà họ trai Tăng vào ngày hôm sau. Đức Phật đã làm thinh chấp nhận lời thỉnh mời của họ.
Phú hộ Adinnapubbaka đã có được chánh kiến, đã có đức tin nơi Phật giáo. Từ kinh nghiệm của thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī, nay ông ta đã tự chính mình thấy biết rõ ràng rằng: “Hưởng thụ sự phấn chấn, an lạc hợp với tham ái nơi của cải tài sản có được do không dám bố thí cúng dường; không thể sánh bằng sự nếm trải cảm giác phấn chấn, an lạc không hợp với tham ái nơi sự bố thí cúng dường”.
Thật ra phú hộ Adinnapubbaka đã sẵn có pāramī, có khả năng thấy biết 4 sự thật. Tuy vậy, vì ông không được kết giao, thân cận với những người bạn thiện trí gọi là kalyāṇamitta (bạn hiền tốt), nên mới có sự thấy biết sai như trước đây. Sau khi kết giao, thân cận được với thiên nam Maṭṭkuṇḍalī, ông ta đã có sự thấy biết đúng. Và chính do có được sự thấy biết đúng này, ông ta rồi sẽ giải thoát khổ luân hồi, thọ hưởng sự an lạc Niết-bàn cao thượng. Ồ! Ân đức của những người bạn thiện trí trong đời quả thật quá lớn lao!
Phú hộ Adinnapubbaka khi biết được đức Phật đã nhận lời thỉnh mời, liền vội vàng trở về nhà, sắp đặt các món ăn thượng vị, cho sắp xếp chỗ ngồi sẵn để tiếp đón đức Phật và Thánh chúng.
Sáng sớm hôm sau, đức Phật cùng Thánh chúng đến tư gia của phú hộ Adinnapubbaka, Ngài ngự lên chỗ ngồi cao quý đã dành riêng cho Ngài, còn Tăng chúng cũng ngồi vào những chỗ đã trải sẵn. Phú hộ Adinnapubbaka đã cung kính dâng cơm và vật thực lên chư Thánh Tăng có sự hiện diện chứng minh của đức Phật. Khi đức Phật và Thánh chúng dùng cơm xong, ông ta đã đến gần Ngài, đảnh lễ rồi ở nơi thấp hơn bạch hỏi Phật rằng:
- Thưa Ngài Go-ta-ma, có một ai, không từng cúng dường đến Ngài, không từng giữ giới, không từng nghe pháp, hành thiền; mà chỉ với tín tâm kính ngưỡng nơi quý Ngài thôi, lại có thể tái sinh về thiên giới được hay không?
Đức Phật thấy biết trước được rằng, nhân câu hỏi của phú hộ Adinnapubbaka, nếu Ngài thuyết giảng, thì chính ông phú hộ và cả thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Thính chúng còn lại sẽ hưởng được pháp vị giải thoát. Cho nên, đức Phật liền dạy:
- Này Bà-la-môn! Số người không từng bố thí, cúng dường; cũng không từng giữ giới, không từng nghe pháp và cũng không từng hành thiền, mà chỉ có phát sinh đức tin cung kính nơi Như Lai thôi, nhưng lại được tái sinh về cõi trời có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn… nhiều không đếm xuể. Chính con trai ông, công tử Maṭṭhakuṇḍalī, chỉ có tín tâm cung kính nơi Như Lai thôi, cũng đã được tái sinh về tầng trời Tam Thập Tam. Điều này, chính vị thiên nam đã nói với ông tại nghĩa trang rồi không phải vậy hay sao?
Trong thính chúng ấy, có những người với sự thấy biết đúng đắn (chánh kiến), nên có đức tin nơi lời dạy của đức Phật; và cũng có những người vẫn còn hoài nghi do sự thấy biết sai lệch (tà kiến). Những người có chánh kiến, được diện kiến tướng hảo trang nghiêm của đức Phật, nên càng phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài. Khi nghe được pháp thoại chỉ dạy của đức Phật, họ lại càng có đức tin vững chắc hơn trong Phật giáo. Trong khi những người có tà kiến không những không có đức tin nơi đức Phật, họ lại còn muốn làm khổ, hạ uy tín của Ngài. Họ hoài nghi, không tin vào lời dạy của đức Phật. Lý do có sự khác biệt giữa 2 nhóm người này, chính là do sự hiểu biết ở trong tâm (manasikāra: trạng thái điều hướng trong tâm) khác nhau vậy.
Để làm rõ vấn đề liên quan đến những gì mà mình đã thuyết giảng đối với những người đang hồ nghi, đức Phật đã chú nguyện làm cho chính vị thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī hiện xuống để làm nhân chứng, xác định lời dạy của Ngài. Vị thiên nam khi xuất hiện ở cõi người, đã trang điểm với những trang sức lộng lẫy của cõi trời, cùng với tùy tùng đông đảo từ tầng trời Tam Thập Tam hiện xuống đảnh lễ đức Phật rồi đứng nơi hợp lẽ. Đức Phật liền hỏi:
- Này vị thiên nam có oai lực lớn lao, có ánh sáng tỏa sáng khắp 4 phương như ngôi sao mai! Kiếp trước, khi còn làm người, ngươi đã làm được việc phước thiện gì?
Vị thiên nam thưa:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, bậc Ân Đức Cao Thượng! Con khi còn là người, có tên Maṭṭhakuṇḍalī, là con trai duy nhất của phú hộ Adinnapubbaka trong kinh thành Sāvatthi này. Khi con bị bệnh sắp chết, có duyên lành được chiêm ngưỡng Ngài, rồi phát sinh đức tin, đó chính là việc phước thiện duy nhất con làm được. Do nhờ cận tử nghiệp thiện ấy, mà con được hưởng thụ sự cao sang an lạc của cõi trời.
Thính chúng nghe pháp cùng nhìn thiên nam Maṭṭhakuṇḍalī rồi trầm trồ!
- Này quý vị! Ân đức cao thượng của đức Phật quả là đáng ngạc nhiên! Tuy là người con trai của phú hộ Adinnapubbaka, người cả cuộc đời chưa từng một lần bố thí, cúng dường; không làm việc phước thiện gì khác, ngoài có tâm kính ngưỡng, phát sinh đức tin trong sạch nơi đức Phật lúc sắp chết, với chỉ bấy nhiêu thôi, đã tái sinh làm kiếp thiên nam tại tầng trời Tam Thập Tam, được hưởng thụ đầy đủ cao sang an lạc như thế này.
Khi ấy đức Phật liền thuyết bài kệ:
(Nghĩa bài kệ)
- Trong các pháp thì tâm dẫn đầu. Tâm thống lĩnh. Tâm hoàn thành. Nếu khi nói hoặc làm với tâm thiện, thì do nói và làm với tâm thiện ấy, nên an lạc luôn luôn theo mình, ví như bóng theo hình vậy.
Dịch nghĩa một cách khác:
- Trong 4 nhóm danh pháp (nāmakkhandhā) (nhóm thọ, nhóm tưởng, nhóm hành, nhóm thức), thì nhóm thức (viññāṇakkhandhā) là chính, là dẫn đầu. Nhóm thức (tâm) là thống lĩnh. Thành tựu là do nhóm thức. Khi một người nào với tâm thiện rồi nói, hoặc với tâm thiện rồi làm; thì người nói hoặc làm với tâm thiện ấy, sẽ được hưởng quả báu an lạc hạnh phúc theo mình, như bóng theo hình vậy.
Ý nghĩa của bài kệ như thế này:
Trong cuộc đời của con người, luôn có bộ đôi pháp trái ngược nhau như: khổ đau và an lạc, hoặc dukkha và sukha, hoặc luân hồi và Niết-bàn,…. Trong bộ đôi pháp (2 mặt) ấy của cuộc đời, ai cũng gặp phải một pháp (1 mặt) nào đó không thể tránh khỏi được. Theo giáo pháp của đức Phật, những bộ đôi pháp này, không phải do một Đấng Toàn Năng nào bên ngoài biến hóa ra, hay tạo nên cả, mà chính là do tâm của chúng ta. Nếu tâm của mình xấu, thì sẽ biến hóa hay tạo ra đau khổ, hoặc dukkha, hoặc luân hồi. Còn nếu tâm của mình tốt, thì sẽ biến hóa hay tạo ra an lạc, hoặc sukha, hoặc Niết-bàn.
Ở đây, Niết-bàn không phải là một cõi giới. Ý nghĩa của Niết-bàn là “thoát khỏi tham ái”, “không còn tham ái”. Nếu tham ái diệt đi một ít, thì sẽ được Niết-bàn một ít. Nếu tham ái diệt đi nhiều, thì sẽ được Niết-bàn nhiều. Nếu tham ái bị diệt sạch, thì sẽ được Niết-bàn tuyệt đối. Niết-bàn một ít gọi là tadaṅganirodha: diệt chốc lát. Niết-bàn nhiều gọi là vikkhambhananirodha: diệt từng thời. Niết-bàn tuyệt đối gọi là samucchedanirodha: diệt không còn dư sót.
Người Phật tử ai cũng biết Niết-bàn là an lạc thật sự, an lạc tuyệt đối. Như vậy, theo nghĩa ấy của Niết-bàn, nếu xa lìa được một ít tham lam, ái dục, thì sẽ hưởng được một ít an lạc. Nếu xa lìa được nhiều tham lam, ái dục, thì sẽ hưởng được nhiều an lạc. Nếu xa lìa được hoàn toàn tham lam, ái dục, thì sẽ được an lạc hoàn toàn. Đây là ý nghĩa của Niết-bàn, mà không phải bàn cãi và ai cũng đều sẽ chấp nhận.
Đối với những người Phật tử, mỗi khi làm việc phước thiện đều phát nguyện “Nibbānassa paccayo hotu: hãy là nhân duyên hỗ trợ của Niết-bàn”, với ý nghĩa chính yếu, là làm nhân duyên xa lìa tham ái. Hay cũng có thể nói một cách khác, nguyện sẽ là người không còn đắm chìm trong những cảnh vật là đối tượng của tham ái. Nghĩa là mong muốn mang tính chất “không sinh khởi” (vô sinh), chứ không phải mong muốn tính chất “sinh khởi” (tái sinh). Thật ra, chỉ có sự không sinh khởi “anuppāda” mới là an lạc (sukha). Còn sự sinh khởi “uppāda”, chính là khổ đau (dukkha).
Không mong muốn sự vô sinh “anuppāda”, mong muốn sự tái sinh “uppāda”, đó không phải bản chất thật sự của tâm, mà là do bản chất của các thành phần đồng sinh trong tâm (cetasika). Nguyên gốc bản chất thật sự của tâm là rất thanh tịnh, trong sáng như mặt gương soi. Nếu mặt gương soi trong sáng, thì hình bóng hiện lên trong gương giống y như tướng trạng, hình ảnh của vật thể gốc. Còn nếu mặt gương bị dính bụi bẩn, thì hình bóng hiện lên trong gương sẽ là một hình bóng khác biệt với tướng trạng, hình ảnh của vật thể gốc. Cũng giống như vậy, nếu tâm không bị phiền não làm cho ô nhiễm, mà trong sáng thanh tịnh, thì những đối tượng hiện rõ trong tâm ấy, sẽ giống y như nguyên bản gốc của nó.
Tuy nhiên, tâm của con người không phải ở trong trạng thái nguyên gốc, mà trong tâm ấy luôn sẵn có phiền não không có tính chất sinh, trụ, diệt thuộc dạng ngủ ngầm (anusaya). Và có thể mạnh hơn thế là phiền não có tính chất sinh, trụ, diệt thuộc dạng trỗi dậy (pariyuṭṭhāna). Khi ấy, tâm không thể thấy biết như thật, mà thấy biết phiến diện. Và một khi sự thấy biết đã phiến diện, thiên vị thì đối tượng không đáng yêu cho là đáng yêu rồi tham ái. Đối tượng không đáng giận cho là đáng giận rồi sân hận. Đối tượng không đáng sợ cho là đáng sợ rồi sợ hãi. Đối tượng không phải thật cho là thật rồi tự mãn.
Có sự thấy biết như vậy, là do trong tâm gốc nguyên sơ vốn trong sáng của chúng ta, bị phiền não làm cho ô nhiễm. Một khi tâm cộng sinh với phiền não hoặc thuộc dạng ngủ ngầm, tiềm ẩn (anusaya), hoặc thuộc dạng trỗi dậy (pariyuṭṭhāna), làm cho tâm bị hỗn độn, tâm bị mất bản chất. Và một khi tâm bị như vậy, sẽ thấy biết đối tượng bị hỗn độn, thấy biết đối tượng không đúng bản chất của nó.
Là hạng phàm nhân, theo bản chất tự nhiên sẽ yêu chính mình nhất. Vì vậy, đối với những gì liên quan đến mình, thì trong tâm mình atta (cái tôi) và māna (ngã mạn) với căn bản là tham ái hỗ trợ, luôn thể hiện trong trạng thái chực chờ thuộc dạng ngủ ngầm. Do đó, tâm của phàm nhân khi liên quan đến mình thì không còn trong sạch, không còn sáng suốt, bị atta và māna phủ mờ. Cho nên trong bất cứ trường hợp nào, khi chính mình làm đối tượng hiện rõ ra trong tâm của mình; hay nói theo một cách khác, mỗi khi chúng ta suy nghĩ lại chính mình, khi có lỗi lầm thì sẽ thấy không lỗi lầm, hoặc khi sai thì thấy là đúng,….
Có sự thấy biết như vậy là do tâm của mình khi những gì liên quan đến chính mình, luôn có tham ái làm căn bản rồi atta (cái ta, cái tôi) và māna (ngã mạn) sinh khởi, làm cho tâm hỗn độn, mất bản chất. Dó đó, khi chính mình nhìn lại mình thì bị nhầm lẫn, bị mất chân thật. Luôn thấy: “Ta đúng, ta chánh, ta bậc thiện trí”. Chính bên trong tâm đã có atta: cái tôi và māna: ngã mạn thâm nhập tiềm tàng, nên mỗi khi có gì liên quan đến mình, sẽ phát sinh sự thấy biết như vậy. Vì vậy, tâm của chính mình không trong sáng, không thanh tịnh.
Hằng ngày trong 3 nghiệp (thân, khẩu, ý), con người dù gì đi nữa cũng phải làm một nghiệp nào đó, không tránh khỏi được. Nghiệp ấy có thể là thiện nghiệp hoặc ác nghiệp. Nếu là thiện nghiệp thì sẽ cho quả tốt. Còn nếu là ác nghiệp thì sẽ cho quả xấu. Không thể tránh khỏi được. Cũng giống như bóng người luôn theo sau thân hình người vậy. Tuy nhiên, chỉ có điều trong vấn đề cho quả đó là có sự khác biệt về thời gian mà thôi.
Khi gọi thiện, ác là cách gọi tên theo thành phần của tâm (tâm sở). Bởi vì, bản chất của tâm không có thiện, ác. Chỉ có bản chất của tâm sở mới có thiện, ác mà thôi. Tuy trong tâm sở (thành phần của tâm) có bản chất thiện-ác, nhưng những tâm sở ấy tự chính chúng không đứng vững được, chúng chỉ có thể nương vào tâm mới đứng vững được mà thôi. Phải có tâm dẫn đầu. Đặt tâm làm thống lĩnh. Vì luôn phải nương vào tâm mới đứng vững, là tùy tùng của tâm, nên mới nói là thành tựu do tâm. Vì vậy, đức Phật đã thuyết “tâm là chính”.
Con người luân hồi từ trong vô thủy, đã bị atta (ta) và māna (ngã mạn) chi phối dưới dạng ngủ ngầm, tiềm ẩn (anusaya). Vì vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể thấy biết sai lệch “ta là chính yếu”. Sự thấy biết như thế này, là do tà kiến ngủ ngầm (diṭṭhānusaya) làm căn bản. “Chỉ ta là chính yếu”, nghĩa là sự thấy biết thuộc dạng như: “người ấy là thầy ta”, “người ấy là đệ tử ta”, “người ấy thuộc hội chúng của ta”, “nếu ta muốn là xong”, “ta là chủ”,…. Đó chính là cái thấy biết gom nhiều làm một. Ngoài ra còn một cách thấy biết khác nữa. Đó chính là sự thấy biết, do ngã mạn ngủ ngầm (mānānusaya) làm căn bản. Đó là cái thấy biết phân biệt, chia chẻ, đối đãi; cái biết làm cho tách biệt. Sự thấy biết ấy thuộc dạng như: “ta tốt”, “người ấy không tốt”, “ta không có lỗi”, “người ấy có lỗi”,…. Đó chính là cái thấy biết từ một chia ra nhiều.
Bất cứ nghiệp nào được tạo ra khi tâm bị atta: cái ta (do tà kiến) và māna: ngã mạn bao phủ; tuy theo cách thấy biết của mình, nghĩ nó là tốt, nhưng sự thật nó không tốt. Cũng giống như dù nghĩ rằng lửa là mát thế nào đi nữa, nhưng khi cầm vào nó thật sự không mát, chỉ cảm nhận được sự nóng mà thôi. Vì vậy, thật sự là nghiệp tốt, thì chỉ khi nào nghiệp ấy, có khả năng làm cho vơi bớt tham ái, có khả năng vơi bớt atta và māna. Chỉ có nghiệp như vậy, mới thật sự có thể khiến cho phát sinh quả tốt mà thôi.
Do đó cho nên, nếu thật sự muốn biết cái thấy, cái biết, nghiệp của mình thiện hay không, thì chỉ cần kiểm chứng tham, sân, si trong tâm mình vơi hay đầy. Nếu tham, sân, si thật sự vơi cạn, thì đúng là thiện. Nếu không vơi, thì chưa phải. Hay có thể nói một cách khác, nếu “nghĩ rằng đúng”, thì không thể kiểm chứng được điều thiện. Chỉ có “chắc chắn đúng”, là có thể kiểm chứng được điều thiện. “Chắc chắn đúng” có nghĩa là, trong tâm của chính mình vơi cạn bớt những thành phần bất thiện như: tham, sân, si…, phát triển những thành phần thiện như: từ, bi, hỷ, xả…. Đó là điều cần tự kiểm chứng.
Trong suốt tuổi thọ một đời người, chúng ta tạo rất nhiều nghiệp. Có thể tạo nghiệp thiện, hoặc cũng có thể tạo nghiệp ác. Tuy nhiên, dù tạo nghiệp gì đi nữa, thì điều quan trọng là thời gian giây phút trước lúc lâm chung. Theo sự tuần tự cho quả, ngoài nghiệp chứng đắc thiền và ngũ nghịch đại tội ra, thì chỉ có nghiệp được làm trước giây phút lâm chung sẽ cho quả (tái sinh). Giây phút trước lúc lâm chung, nếu tâm xấu hoạt động (javana), thì tái sinh về các cõi khổ. Nếu tâm thiện hoạt động, thì tái sinh về các cõi thiện. Mặc dù trước đây đã tạo bất cứ nghiệp gì, nhưng những nghiệp ấy, không thể vượt qua được nghiệp tạo ngay trước giây phút lâm chung. Chỉ có, trọng nghiệp là chứng đắc các bậc thiền và ngũ nghịch đại tội, mới có thể vượt qua được nghiệp tạo ngay trước giây phút lâm chung mà thôi. Vì vậy, trước giây phút lâm chung, những bậc thiện trí là bạn hiền, bạn tốt, bạn thân thiết thật sự rất quan trọng.
Câu chuyện về công tử Maṭṭhakuṇḍalī, người con trai duy nhất của phú hộ Adinnapubbaka, cả một đời người dù không làm được một chút phước thiện nào, nhưng có duyên lành được gặp bậc Đại Thiện Trí là đức Phật, trước giây phút lâm chung, nhờ cận tử nghiệp thiện ấy, nên được tái sinh vào tầng trời Tam Thập Tam, hưởng mọi sự an lạc. Đó là điều mà mỗi người con Phật nên tâm đắc, và là bài học cho mọi người nương theo để hành trì. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu, không có nghĩa là những nghiệp khác đã tạo không cho quả, chắc chắn sẽ cho quả, y như bóng đi theo sau thân mình, chỉ có điều nó đang đợi cơ hội và thời gian mà thôi.
Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung