Nội Dung Chính
Buổi 6: Hiểu Về Ân Đức Pháp, Ân Đức Tăng & Học Tụng Đọc Thỉnh Chư Thiên, Kinh Tâm Từ – Sư Hộ Giới
Tại sao nên cho con nhỏ học niệm Ân Đức Phật, Ân Đức Pháp, Ân Đức Tăng?
Những ai có con nhỏ, cố gắng ngay từ nhỏ dạy cho các em những ân đức này. Sư cũng tâm niệm ở quê, Sư không có dạy tiếng Việt mà dạy kinh bằng Pali. Học kinh là Pali thì dù 1 ít Pali, dù là 1 bài kệ hay 1 câu đi nữa cũng thuộc về kim khẩu của Đức Phật (kim ngôn của Đức Phật), cho nên nó vẫn có giá trị hơn 1 chồng sách bằng tiếng Việt. Có người mới hỏi tại sao không dạy tiếng Việt, họ có biết gì đâu? Sư nói là 1 chỉ vàng mà đeo vào con gà, thì giá trị vẫn là 1 chỉ vàng chứ không phải con gà đeo chỉ vàng giá trị nó xuống còn hạt lúa, con gà nó không biết nhưng mà chỉ vàng vẫn là chỉ vàng. Ngôn ngữ Pali cũng vậy, dù mình biết hay không biết thì giá trị của ngôn ngữ Pali vẫn lớn hơn. Cho nên đã là kinh Phật, nhỏ không biết nhưng lớn lên biết đâu nảy mầm, mình không gieo thì làm sao nảy mầm, nên cứ gieo vào.
Lợi ích thứ 2: nếu mình cho con đi học võ, thì nó chỉ bảo vệ được cái trước mắt, cái rõ ràng, còn những cái đánh lén, không rõ ràng không bảo vệ được. Nhưng mà đứa bé nào niệm Ân Đức Phật vào trong tâm thì sẽ được bảo vệ từ xa. Lấy ví dụ: một người ăn trộm, thấy công an thì tim đập chân run mặc dù không biết có bị phát hiện không. Cũng vậy, một người đã niệm Ân Đức Phật vào trong tâm, dù nhỏ dù lớn gì thì những đối tượng xấu, tâm xấu nó tự động không muốn đến gần. Và người con mình sẽ tránh xa được người xấu. Ví dụ đứa xấu muốn rủ bạn xấu đi chơi, mà con mình nhờ niệm Ân Đức Phật ở trong tâm, nên oai lực đó khiến kẻ xấu rủ người khác, không rủ con mình.
Cho nên, dù ít dù nhiều cũng nên niệm Ân Đức Phật.
Trong Phật giáo cũng có nhiều câu chuyện, dù không biết nghĩa, chỉ nghe lén rồi niệm theo không thôi mà quả báu lợi ích rất lớn. Huống gì ở đây mình niệm cho con cái, nó cũng có đức tin.
Thì câu chuyện mà em bé của nhà ngoại đạo mà Ngài Hộ Pháp có viết trong cuốn Quả Báu Ân Đức Phật, các bạn nên tìm đọc.
Dārusākatikaputtavatthu: tích đứa bé, con trai người đốn củi
Tích được tóm lược như sau (Dhammapadatthakathā, chuyện Dàrusākatikaputtavatthu):
– Trong thành Ràjagaha có 2 đứa bé trai:
Một đứa có chánh kiến, con của gia đình người làm nghề đốn củi, có đức tin nơi Tam bảo.
Một đứa có tà kiến, con của gia đình ngoại đạo.
Hai đứa thường chơi trò bắn bi, đến phiên đứa bé chánh kiến, trước khi bắn viên bi, nó niệm tưởng Ân Đức Phật rằng: “Namo Buddhassa = con thành kính đảnh lễ Đức Phật” rồi mới bắn; lần nào nó cũng bắn trúng đích, được thắng cuộc.
Đến phiên đứa bé tà kiến, trước khi bắn viên bi, nó cũng niệm tưởng vị Arahán của nó rằng: “Namo Arahantānam ï= con thành kính đảnh lễ chư Arahān” [*] rồi mới bắn; lần nào nó cũng bắn không trúng đích, bị thua luôn.
(Chú thích: [*] Ngoại đạo không có bậc Thánh Arahān thật, gọi là vị Arahān chỉ là cách tôn xưng, cho nên không có oai lực nào cả.)
Một hôm, đứa bé chánh kiến theo cha ngồi trên chiếc xe bò đi vào rừng đốn củi. Buổi chiều chở củi về nhà ở trong thành Ràjagaha. Khi đến gần nghĩa địa bên ngoài cổng thành, người cha đứa bé cho xe ngừng lại, thả bò cho ăn cỏ, uống nước. Con bò đi theo đường vào thành, người cha đi tìm bò theo dấu chân vào thành. Khi gặp được con bò, ông định dắt bò trở ra thì cửa thành đã đóng rồi, người cha đành ở lại trong thành chờ đến sáng mai.
Đứa con trai nhỏ nằm trên xe củi chờ người cha, đói khát ngất xtu nằm ngủ thiếp đi trong xe củi. Ban đêm, có hai dạ xoa đi kiếm ăn, một dạ xoa có chánh kiến và một dạ xoa có tà kiến, cả hai dạ xoa nhìn thấy đứa bé nằm ngủ mê trên xe, dạ xoa tà kiến bảo rằng: “Đứa bé kia là vật thực của chúng ta, chúng ta sẽ ăn thịt nó”. Mặc dầu dạ xoa chánh kiến can ngăn, dạ xoa tà kiến vẫn tiến đến đưa tay nắm đôi chân đứa bé, đứa bé này vốn là con của gia đình có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, cha mẹ dạy cậu bé thường ngày niệm Ân Đức Phật, nên khi dạ xoa vừa nắm chân đứa bé, đứa bé thức tính, cậu liền niệm Ân Đức Phật rằng: “Namo Buddhassa”. Dạ xoa tà kiến nghe đến Ân Đức Phật, kinh hoàng hoảng sợ rút tay lại. Liền khi ấy, dạ xoa chánh kiến bảo rằng: “Chúng ta đã phạm phải một tội lỗi lớn rồi! Chúng ta phải chịu hành phạt thôi!”.
– Đứa bé này đang bị đói khát, vậy nhà ngươi hãy vào trong cung điện Đức Vua đem mâm đồ ăn của Đức Vua cho đứa bé này ăn, để lập công chuộc tội lỗi của nhà ngươi. – Dạ xoa chánh kiến bảo.
Dạ xoa tà kiến nghe nói phải, nên biến vào thành lấy mâm đồ ăn ra. Một dạ xoa hóa làm cha và một dạ xoa hóa làm mẹ của đứa bé, cho đứa bé ăn giống như cha mẹ của đứa bé hằng ngày. Đứa bé ăn xong, dỗ đứa bé nằm ngủ ngon; trước khi hai dạ xoa từ giã đứa bé; khắc chữ cho biết những sự việc xảy ra trên chiếc mâm vàng, với cố ý chỉ để một mình Đức Vua thấy biết mà thôi, còn những người khác không thấy, không biết được. Hai dạ xoa trở về chỗ ở của mình.
Sáng hôm sau, trong cung điện của Đức Vua phát giác chiếc mâm vàng cả đồ ăn bị mất trộm. Lnnh thị vệ đi lục soát khắp nơi không tìm gặp, rồi ra khỏi thành nhìn thấy chiếc mâm vàng và bộ đồ chén đĩa của Đức Vua nằm trên xe củi, thấy đứa bé trong xe, bèn hỏi: “Những đồ vật này từ đâu có?”. Đứa bé trả lời: “Cha mẹ của con đem đến cho con ăn”. Quân thị vệ bắt đứa bé với tang vật rõ ràng, dẫn đến trình Đức Vua.
Đức Vua Bimbisāra cầm chiếc mâm vàng tang vật, nhìn thấy những dòng chữ của dạ xoa ghi lại. Đức Vua hỏi cậu bé:
– Này con, sự việc xảy ra như thế nào?
Đứa bé tâu:
– Tâu Đức Vua, con không ăn trộm, đêm qua cha mẹ con mang đến cho con ăn rồi dỗ con ngủ. Con chỉ biết như vậy thôi.
Đức Vua truyền lệnh bắt cha mẹ đứa bé dẫn đến trình Đức Vua, rồi dẫn đứa bé và cha mẹ của nó cùng nhau đến hầu Đức Phật tại chùa Veluvana. Đảnh lễ Đức Thế Tôn xong bèn bạch rằng:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, có phải chỉ có niệm Ân Đức Phật mới hộ trì cho người hành pháp? Còn niệm Ân Đức Pháp, Ân Đức Tăng… có hộ trì cho người hành pháp được hay không? Bạch Ngài.
Đức Phật dạy:
– Này Đại Vương! Không chỉ niệm Ân Đức Phật mới hộ trì cho người hành pháp, mà còn niệm Ân Đức Pháp, Ân Đức Tăng, niệm thân ô trược, niệm rải tâm từ, niệm rải tâm bi… cũng được hộ trì cho người hành pháp vậy.
Người Phật tử, ngày đêm tinh tấn niệm Ân Đức Phật: “Itipi so Bhagavā Araham…”, hoặc niệm ân Đức Pháp: “Svākhāto Bhagavatā dhammo…”, hoặc niệm Ân Đức Tăng: “Suppatipanno Bhagavato sāvakasamgho…”, sẽ là người luôn luôn được tâm trí sáng suốt, không mê muội, tránh mọi tai họa xảy đến cho mình.
Nhân cơ hội ấy, Đức Phật thuyết pháp tế độ, cậu bé và cha mẹ của cậu bé đều chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. Về sau, cả người cha, người mẹ và đứa con đều xuất gia tiến hành thiền tuệ chứng đắc đến Arahán Thánh Đạo, Arahān Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahān.
[Hết tích truyện Dàrusākatikaputtavatthu]
Chỉ cần học 2 Ân Đức – sammasambuddho và araham – chứ không cần nhiều đâu. Vì khi mình đang quá buồn, đang quá lo thì 2 chữ cũng trật tới, trật lui chứ đừng nói nhiều. Khi mình có thời gian, bình tĩnh thì mới cần niệm nhiều. Cố gắng niệm thuần thục trong tâm, đừng dễ duôi, xem thường, không có đức tin. Thì ví dụ chỉ cần lúc đi lấy nước uống – chỉ trừ các thiền sinh đang thực tập thiền thôi – còn lại hỏi quý vị đang nghĩ cái gì? Nếu quý vị không niệm Ân Đức Phật, Ân Đức Pháp, Ân Đức Tăng cho thuần thục, thì từ niệm này sau này mình muốn hướng đến danh, sắc nó mới nghe được. Nên đừng để cho tâm mình hở một chút nào, có như vậy lâu ngày nó mới thành tựu.
Trước khi đi vào bài học, Sư nói rồi, Sư hỏi quý vị này, quý vị hành thiền trong Phật giáo để làm màu làm mè hay để diệt phiền não? Để diệt phiền não. Chứ đừng có đọc kiếm hiệp Kim Dung rồi luyện chưởng nha, những võ dân tộc chỉ là để múa máy cho đẹp thôi, chứ sao đi làm MMA được, MMA là phải khổ luyện. Mình cũng vậy thôi, mình hành thiền đâu phải để làm này làm kia, hành thiền để làm sao chịu nổi 8 pháp của thế gian, chứ không phải thiền để ngồi cho đẹp, đi cho đàng hoàng mà không chịu nổi 8 pháp của thế gian thì đừng thiền. Nên trong mình phải có năng lực để có thể nhận được những năng lực đó.
Hôm nay, học về Ân Đức Pháp quý vị sẽ thấy Phật giáo không đến thừa hưởng được đâu, mà phải tự thực hành. Cho nên mình tập luyện cũng như võ sĩ MMA mới đánh được phiền não. Mọi người có biết phiền não nó không phải 6 múi đâu, nó 10 múi lận, nó 10 phiền não lận. Trong lúc mình luyện Bát Chánh Đạo mà mới có 2, 3, 4, 5 thì làm sao mà đánh nổi. Cho nên không thể dùng thiền theo kiểu đọc kiếm hiệp mà luyện chưởng. Mình phải thực tập, phải luyện theo tuần tự, trong Phật giáo có hết rồi, cố gắng.
Và phận sự hàng ngày của người con Phật làm cho tâm mình khỏe mạnh. Khi tâm mình khỏe mạnh lên, nó thuần thục rồi, nó nghe lời rồi thì quý vị sẽ hưởng được. Bởi giờ ở đời có 2 loại thiền, có bên nói cứ để tâm cho nó tự nhiên, có bên nói phải ngăn cấm không cho tâm nó làm gì cả. Thì đó không phải là con đường của Đức Phật, Đức Phật là ác thì ngăn, chứ không phải ngăn tất cả, cái thiện thì phát triển. Đó là phương pháp niệm tâm của Đức Phật, ngăn là ngăn cái ác thôi, chứ không phải ngăn hết, cũng không phải thả hết. Muốn tâm mình nghe theo, đầu tiên Sư muốn mọi người hướng đến là phải làm phận sự, nói là phận sự chứ thực ra là sự thực hành thôi, nhưng mà đổi tên cho dễ nhớ.
Hôm qua mình học Ân Đức Phật rồi, hy vọng mọi người cũng hiểu biết sơ sơ, sau sẽ học sâu hơn. Nay Sư giảng về Ân Đức Pháp, Ân Đức Tăng.
Ôn tập 9 Ân Đức Phật:
Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho,
Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū,
Anuttaro Purisadammasārathi,
Satthā devamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā.
Evaṃ navahi guṇehi, lokamhi kittibyāpitaṃ;
Atulaṃ dhammarājānaṃ, vandāmi tīhi sādaraṃ
Đầu tiên, Đức Phật là bậc Araham – bậc không còn phiền não, bậc không làm ác dầu ở nơi kín đáo, là bậc xứng đáng nhận được sự lễ bái, cúng dường (có 5 nghĩa nhưng tạm thời 3 nghĩa như vậy).
Sammāsambuddho – bậc tự mình chứng ngộ Sự Thật Chân Lý tròn đủ. Sự giác ngộ này không phải do ai đó chỉ dạy, không tự sinh lên mà do sự thực hành.
Vijjācaraṇasampanno: sự thực hành có trí tuệ soi sáng, gọi là Tam Minh và 15 đức hạnh
Sugato: với sự thực hành như vậy, nên vị này đạt đến nơi cuối cùng, mục đích cuối cùng rốt ráo đó là Niết bàn, tức là đạt đến đỉnh rồi
Lokavidū: vì đứng trên đỉnh rồi, nên vị này biết được rõ và khắp, đầy đủ về tam giới (chúng sinh thế giới; cảnh giới thế giới có bao nhiêu chúng sinh, tại sao chúng sinh sinh làm người, tại sao sinh làm súc sinh, ngạ quỷ, còn bây giờ các nhà khoa học chỉ nghiên cứu con vật ăn sao, ở sao, đi sao, liên hệ với nhau thôi, còn Đức Phật biết tại sao nó sinh vào con đó, tại sao nó sinh vào loài kia, sau này nó sinh về đâu…; sự thôi thúc tạo tác cái tham sân si, hạt giống trong mỗi chúng sinh gọi là Saṅkhāra loka)
Anuttaro Purisadammasārathi: bậc giáo huấn cao thượng, đã giáo huấn ai là họ không bao giờ xấu, ác trở lại, luân hồi trở lại; do đó nên không ai sánh bằng Ngài.
Satthā devamanussānaṃ: do đó, Ngài xứng đáng là vua của trời và người
Buddho: vị ấy được gọi là Buddho – Đức Phật
Bhagavā: Đức Phật này không chỉ ở trong cõi người, mà cả trong tam giới đều tán dương Ngài do nhờ Parami mà Ngài đã thực hành.
Evaṃ navahi guṇehi, lokamhi kittibyāpitaṃ: đó là 9 ân đức mà được cả tam giới chúng sinh, 10 ngàn thế giới chúng sinh tán dương, ca tụng
Atulaṃ dhammarājānaṃ: 1 bậc Pháp Vương với 9 ân đức này không ai có thể giả được
Vandāmi tīhi sādaraṃ: con xin đảnh lễ vị này
6 Ân Đức Pháp
Svākkhāto Bhagavatā Dhammo,
Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko,
Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi.
Iccevaṃ chahi guṇehi, pākaṭaṃ jinapūjitaṃ;
Sampattidāyakaṃ dhammaṃ, vandāmi tīhi sādaraṃ
Bởi vì Ngài là bậc không còn phiền não, bậc biết được thế gian, là bậc thầy của trời người, bậc giáo hóa chúng sinh cao thượng nên Ân Đức Pháp của Ngài cũng phải tương xứng.
Ân đức thứ nhất: Svākkhāto
Svākkhāto Bhagavatā Dhammo: Pháp của Đức Phật khéo thuyết giảng.
Bhagavatā Dhammo: Pháp bảo của Đức Phật (Bhagavatā: của Đức Thế Tôn; Dhammo: pháp)
Svākkhāto = su + ākkhāto. Su: tốt đẹp; ākkhāto: nói, thuyết giảng (ākkhāta)
Svākkhāto = khéo thuyết giảng.
Khéo thuyết giảng ở đây nghĩa là trong sáng về văn chương, đầy đủ về ý nghĩa, hoàn hảo ở đoạn đầu – giữa – và cuối. Chứ không giống như nhà văn mô tả cây cảnh, cảnh đẹp, Đức Phật cũng nói, nhưng nói để cho chúng sinh thấy được sự thật và thoát ly, nên Pháp của Đức Phật chỉ có 1 vị là vị giải thoát. Cho nên dù nói về bất kỳ vấn đề gì về gia đình, lợi ích kinh tế, chính trị… cuối cùng đều đưa đến mục đích giải thoát, thoát ly ra nên gọi là svākkhāto.
Hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối là sao? Phần đầu là giới, người này thực hành xong giới thì đến phần giữa – là định, phần cuối là thực hành tuệ. Có thể hiểu theo một cách như vậy.
Hoặc là, thứ nhất nghe – mới nghe không thôi là phiền não trong mình đã lắng dịu rồi, bởi vì nghe Pháp của Đức Phật là sự hoan hỉ, sự vui thích phát sinh lên nên sự nóng nảy, lo lắng, sự buồn rầu đã dịu xuống. Cái tốt đẹp giữa, nghĩa là nếu mình thực hành thì nó sẽ diệt được, người thực hành đến Nhập Lưu thì diệt được chừng nào, Nhất Lai, Bất Lai, Arahan diệt được chừng nào. Đoạn giữa, là khi có được Thánh Quả, hưởng được Niết bàn thì càng tuyệt vời, càng an lạc hơn. Thì hoản hảo (svākkhāto) là ở chỗ đó.
Dhammo ở đây không có nhiều, chỉ có 10 thôi. Đó là Pháp Học Tam Tạng + 9 pháp siêu thế: 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả – Niết bàn. Ở đây là chữ svākkhāto cho nên trong Tam Tạng vừa có Pháp Học vừa có 4 Đạo vừa có 4 Quả, vừa có Niết Bàn, đầy đủ cả 10, Đức Phật thuyết như vậy nên gọi là svākkhāto.
Đặc biệt, pháp của Đức Phật chịu được những bậc có trí tuệ chất vấn, tìm hiểu qua bao thế hệ nhưng vẫn tồn tại, không cần sửa đổi. Khi học về Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên… thì vẫn thế, càng hoan hỉ, không có gì phải hoài nghi.
Nên gọi là ân đức thứ nhất – svākkhāto, vì là pháp thuyết hoàn hảo, phần học cũng vậy, phần hành cũng vậy, phần đã thành cũng vậy.
Ân đức thứ 2: Sandiṭṭhiko
Đặc biệt nữa là San – tự mình, diṭṭhika – thấy biết ???? Sandiṭṭhiko: tự mình thấy biết. Ý nói rằng pháp học lúc học là của Đức Phật thôi, còn 4 Đạo, 4 Quả, Niết Bàn là tự mình thấy.
Đây là nói chắc chắn, còn không chắc chắn là người đang thực hành vipassana cũng có thể thấy được trạng thái vắng lặng, trạng thái diệt phiền não, trạng thái vắng lặng của niết bàn và nhất là các nhân của Thánh Đạo sammādiṭṭhi, sammāsaṅkappo phát sinh lên là phát sinh ở trong mỗi thiền sinh thực tập, tự mình biết.
Ân đức thứ 3: Akāliko
Akāliko: thấy là chứng ngộ liền, không cần chờ đợi thời gian
Cái mà tự mình thấy đó, tự mình chứng ngộ đó không phải như các pháp học ở thế gian là phải đợi, ở đây không có đợi thời gian, thấy là chứng ngộ luôn. Ở đây là nói Đạo và Quả, cái này trong Phật giáo giải thích rất rõ thông qua lộ trình tâm, không có gián đoạn, không có khoảng cách. Nếu ở đời mình chứng 1 tích tắc, thì tích tắc trước mình thực hành thì tích tắc sau mình chứng ngộ, thấy biết luôn ngay tức khắc chứ không phải đợi thời gian, bởi vì ở đời các pháp thế gian khi mình gieo là phải đợi. Mình hành thiền tuệ thì đó là thuộc thế gian, khi nào mà chứng đắc Thánh Đạo đó là xuất thế, ngay sau Thánh Đạo chính là Thánh Quả, không có tâm thứ 2, vì Thánh Đạo ở đời nó chỉ sinh lên 1 lần duy nhất trong đời thôi, bởi vì nhiệm vụ nó chỉ có 1 lần, nếu mà Thánh Đạo sinh nhiều lần thì chứng tỏ Thánh Đạo đó không phải Thánh Đạo diệt phiền não nên không gọi là Thánh Đạo, vì diệt phiền não của Thánh Đạo là diệt không còn nữa, nên nó không còn nhiệm vụ để sinh lên. Và sau đó là Thánh Quả để hưởng lâu dài.
Nên gọi là Akāliko – đây không nói về Pháp Học, mà nói về Thánh Đạo, Thánh Quả, Niết bàn.
Ân đức thứ 4: Ehipassiko
Vì nó tự mình thấy, nó không cần phải đợi thời gian, cho nên Đức Phật mời gọi tất cả: Ehi (hãy lại đây), passiko (để thấy).
Ehipassiko: lại đây để thấy
Tức là bởi vì mỗi người tự mình thấy, cho nên có gì đâu mà phải giấu giếm, vì tự thấy mà, họ tự thấy tự hưởng, khi đã thấy là thấy liền, vượt qua rồi thì dấu làm gì, nên mời hết.
Nên pháp này không phải dành cho ông Sư, pháp này dành cho người nữ, dành cho người nam, pháp đó là 4 Đạo, 4 Quả và Niết bàn – gọi là pháp siêu thế.
Chứ không phải nghe thấy Ehipassiko, đọc Pali cái rồi mình hiểu liền đâu, cái đó không nằm trong này. Pháp học là phải học, phải nghiên cứu, phải giảng dạy, chỉ bảo (svākkhāto), còn ehipassiko là người đó thực hành thuần thục rồi. Nên gọi ehipassiko là lại đây để cùng thấy, vì Thánh Đạo nào cũng giống như nhau cả.
Tóm lại: Sandiṭṭhiko, akāliko, ehipassiko là không nói đến pháp học Pali, không nói đến tam tạng, chỉ nói 4 Đạo diệt phiền não (Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhất Lai Thánh Đạo, Bất Lai Thánh Đạo, Arahan), 4 Quả (Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, Arahan), 1 Niết bàn. Thì đấy là ehipassiko mời họ đến thấy, vì càng thấy thì càng diệt phiền não.
Ân đức thứ 5: Opaneyyiko
Giống như ehipassiko, nếu mà về pháp hành thì mọi người thấy rồi, trong Phật giáo bài kinh Maha-Satipaṭṭhāna Sutta (kinh thực tập chánh niệm khắng khít giảng rộng), rồi ngay từ đầu bài kinh Dhammacakkappavattana Sutta cũng vậy, ngay từ đầu Đức Phật đã nói người xuất gia không nên hành theo; còn ai muốn diệt phiền não, ai muốn thanh tịnh, không còn buồn rầu khóc than thì hãy ehipassiko, lại đây để thực tập để thấy. Đây là tính chất mời gọi trong giáo pháp của Đức Phật.
Opaneyyiko: khi biết được tính chất xuất thế gian (tự mình biết, không cần thời gian, luôn luôn mời gọi đến để thấy) của Pháp như vậy nên hãy cố gắng, nỗ lực làm sao cho nó sinh lên trong mình 1 lần, cho nó dính vào trong tâm mình.
Trong khi ở đời, mình hay dễ duôi, lo tìm kiếm tiền bạc của cải, tài sản, ở đâu có lợi, ở đâu đầu tư phát triển nhiều thì làm sao cho có, còn nghe pháp để diệt phiền não không biết mọi người có tâm opaneyyiko đó không.
Có 1 câu chuyện: có 2 anh em phú hộ giàu có do bố mẹ để lại. Sau khi người em lập gia đình, còn người anh đi xuất gia trong Phật giáo tu hành, nhưng chỉ tu tà tà. Vợ người em nghĩ rằng, nếu người anh buồn buồn ra đời đòi chia gia tài thì tự dưng mình bị mất đi 1 nửa, nên mới thuê những người cướp đi giết người anh. Khi vào rừng tìm được người anh này rồi đòi giết, người anh nói tại sao giết, họ mới kể ra thì người anh nói đợi sáng hãy giết, tại lâu nay tôi quên chưa kịp opaneyyiko, tức là những Pháp mà Đức Phật thuyết chưa có ở trong tâm tôi, bây giờ để qua 1 đêm để tôi có opaneyyiko, tức là để pháp này hiện rõ, rồi các ông hãy giết. Nhưng mấy người kia không có tin. Nên để họ tin ông tự lấy đá đập gãy chân mình, rồi ông anh nỗ lực để có opaneyyiko, nỗ lực để pháp này hiện lên trong tâm.
Và cũng rất nhiều bài kinh Đức Phật dạy. Một người khi bị mũi tên bắn vào xuyên ngực, thì cái đầu tiên cần thiết mình phải mổ để lấy mũi tên đó ra trước. Mình cũng vậy, khi nghe Pháp này làm sao cho Pháp này phát sinh lên trong mình 1 lần. Rồi cũng có bài kinh Đức Phật thuyết, khi có lửa cháy trên đầu, việc quan trọng đầu tiên nhất của người bình thường là dập lửa ngay trên đầu. Thì cũng vậy, các pháp Sandiṭṭhiko, akāliko, ehipassiko vị tỳ khưu, vị đang mong mỏi giải thoát cũng phải có năng lực làm sao quyết tâm cho nó có được opaneyyiko, cho nó dính vào trong tâm mình 1 lần, phát sinh lên trong tâm mình.
Cũng có câu chuyện, có vị đang bị hổ cặp nơ đi, vị đó đang bị hổ nhai mà chứng. Cũng thế, bây giờ không quan tâm là lửa cháy trên đầu, hay là bị gãy chân đi nữa mà phải làm sao cho pháp này dính ở trong tâm – đó gọi là opaneyyiko.
Chính vì ân đức opaneyyiko này mà phía sau có các Ân Đức Tăng phía dưới. Bởi Đức Phật đã trải qua rồi, rốt ráo rồi, sugato rồi, nên các pháp Ngài thuyết ra, mình chỉ còn làm sao cho nó sinh ra trong người mình thôi. Nên hãy cố gắng opaneyyiko.
Đây hiểu Ân Đức Pháp là như vậy. Vậy pháp đó có xứng đáng để mình cung kính đảnh lễ, niệm ở trong tâm không? Rất xứng đáng.
Nếu mà mình thực hành, với quyết tâm cho pháp sinh ra trong mình 1 lần thì cũng giống như 1 vị con vua vừa giỏi, vừa đẹp, vừa tốt, vừa được lòng vua, được lòng dân thì người con đó có hy vọng 1 ngày mình sẽ được lên làm vua. Ở đây cũng vậy, 1 vị thực hành tinh tấn, với sự cố gắng, với trí tuệ, không có lừa dối, không lười biếng, vị này cũng có quyền hy vọng 1 ngày nào đó pháp này sẽ sinh ra dính trong tâm mình opaneyyiko.
Ân đức thứ 6: Paccattaṃ veditabbo viññūhi.
Viññūhi : những bậc Thánh nhân, những bậc thiện trí (là bậc Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, Arahan)
Veditabbo: tự biết
Paccattaṃ: mỗi mỗi.
Ý nói rằng Thánh Đạo, Thánh Quả thì vị thầy hay Đức Phật không cho mình được, ở đời khi mình có quả, giàu có thì mình có thể cho con cái tiền bạc, nhà cửa, pháp thế gian thì mình cho được. Nhưng an lạc của Thánh Đạo, an lạc của Thánh Quả, an lạc của Niết bàn không hưởng ké được, cho cũng không được, bởi vì nó phải Sandiṭṭhiko tự mình thấy, nó phải Akāliko, Opanyyiko, phải hiện lên trong tâm mình. Nên mình không tu hành mà chỉ đợi 1 vị thiền sư, đợi Đức Phật đến xin hưởng ké an lạc không thể được. Ngài chỉ dạy mình cách để được an lạc thôi. Pháp bảo mà mình thực tập đây thì chỉ mỗi mỗi người tự biết, tự hưởng thụ, không chia cho ai được cả. Đặc biệt là tự mình biết chứ không cần đợi người khác phong. Nên bậc Thánh nhân trong Phật giáo thì diệt được phiền não nào thì chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả nào, rất rõ ràng, và đặc biệt khi chưa chứng ngộ thì tự mình biết chứ không cần đi hỏi người khác; và tự mình hưởng thụ không chia cho ai được. Nhưng tính chất này lại không ích kỉ, bởi vì bậc Thánh Nhập Lưu có đức tính như thế này, thứ nhất: Thánh Đạo, Thánh Quả mà mình biết, thì cũng muốn ai cũng biết như mình, nhưng mà không bao giờ cho ai biết rằng mình là bậc Thánh, người nói mình là bậc Thánh thì không phải, nhưng người đó có tâm mong mọi người đều chứng như mình, bởi vì mỗi người chứng là tự hưởng. Đến nỗi trong câu chuyện Dhammapada Sư dịch rồi (https://theravada.vn/dhammapada-phap-dan-den-niet-ban-sumanadevi-su-ho-gioi-dich-viet/), người con Sumanadevī của phú hộ Anāthapiṇḍika mà người con thành bậc Nhất Lai rồi mà người cha (mới chứng Nhập Lưu) không biết, nên phải để ý mới biết. Người cha chỉ lo đi làm phước và hướng dẫn người khác làm phước đến Chư Tăng, nên ông không có thời gian tu tập, nên ông ngang Nhập Lưu thôi. Con ông là bà Sumanadevī bậc Nhất Lai, muốn ông trở thành bậc Thánh nhưng chưa có cơ hội. Cô này vì lo lắng cho cha, cũng như bận rộn trong việc trai tăng hàng ngày nên suy nhược rồi đột quỵ, lúc sắp mất cô mới nghĩ đây là cơ hội cuối cùng để khuyên người cha. Nên khi ông phú hộ hỏi “con sao rồi?” thì cô trả lời “em trai, em hỏi cái gì?”. Ông kia mới giật mình, con mình hằng ngày nghe pháp, làm trai tăng mà sao giờ gần chết sợ quá hay sao mà điên rồi, nên hỏi lại “con có tỉnh không vậy?”, người con vẫn trả lời “chị vẫn tỉnh”. Người con chết đi sinh về cõi trời, người cha không biết nên buồn quá, đến Đức Phật thưa chuyện Đức Phật con gái ông nói mê trước lúc chết, nên gọi ông là em. Đức Phật mới nói rõ đầu đuôi là do người con là bậc Nhất Lai, còn ông vẫn còn là bậc Nhất Lai, nên gọi chị em là đúng rồi. Lúc này ông mới hoan hỉ trở lại.
Qua đấy mới thấy mỗi người là tự mình biết, cha con dù là thương nhau lắm, có thể cho địa vị, của cải thế gian nhưng Thánh Đạo, Thánh Quả thì không cho được.
Đừng nói chỉ 4 bậc Thánh thôi. Ngay cả những thiền sinh khi hành thiền anapana, vipassana thì mỗi họ biết thôi à. Pháp học đem ra bàn thì càng bàn càng rõ, còn hành thiền mà mang ra cãi nhau thì càng cãi càng tối. Bởi vì paccataṃ veditabbo viññūhi – mỗi người tự chứng ngộ, pháp hành không mang ra nói với nhau được. Pháp học thì có sách vở, có thầy, càng nói càng rõ.
Bài kệ kết thúc:
Iccevaṃ chahi guṇehi, pākaṭaṃ jinapūjitaṃ;
Sampattidāyakaṃ dhammaṃ, vandāmi tīhi sādaraṃ
Iccevaṃ: như vậy đó
Chahi: cha – 6
Guṇehi: ân đức
Pākaṭaṃ: rất rõ ràng, ý nói không có bí mật gì cả, cái gì cũng có nghĩa (nên mới là svākkhāto), không có che dấu.
Jinapūjitaṃ: đừng có nói chúng ta, đừng có nói chư thiên, phạm thiên, bậc Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, Arahan mà chính Đức Phật cũng cúng dường pháp này. Cho nên cũng xứng đáng để chúng ta cúng dường, nên mọi người hùn cúng dường pháp bảo là vậy đó. Khi Đức Phật chứng ngộ, Ngài tìm khắp nơi không có ai đồng đẳng với Ngài, chỉ có Dhamma – Pháp bảo là chứng ngộ bằng với Ngài, nên Ngài nương vào đó gọi là pūjitaṃ – cúng dường. Có một câu chuyện kể rằng, có lần Ngài Anuruddha (Sư không nhớ rõ tên) đang bắt đầu thuyết pháp cho hội chúng, đúng lúc Đức Phật đến nhưng ngài Anuruddha lại không biết nên cứ giảng pháp liên tục trong 2 tiếng, còn Đức Phật vẫn đứng ở đấy nghe. Sau khi giảng xong ngài Anuruddha mới biết, hỏi Đức Phật sao không nói để Ngài biết, biết Ngài đã không thuyết rồi, thì Đức Phật nói rằng “Đối với pháp mà Như Lai thuyết giảng, để nghe được 1 thời pháp như vậy khó lắm, nên để cúng dường Pháp bảo Như Lai đứng nghe”.
Sampattidāyakaṃ: sampatti = đầy đủ; dāyaka = người thừa hưởng ???? tức là: không kể người xuất gia hay người tại gia, người tin Phật hay không tin Phật, người nào thực hành thì hưởng được. Tức là trước khi đó có thể người đó là ngoại đạo, nhưng nghe pháp cái rõ ràng quá nên họ thực hành, họ thừa hưởng được, mà sau khi thực hành thì đương nhiên là theo Phật rồi. Tóm lại: người, trời, phạm thiên, đến nỗi những loài súc sinh không hưởng được 5 pháp sau cũng hưởng được pháp trước (bao nhiêu con dơi, con ếch, con khỉ nghe Pali xong sau có duyên lành chứng đắc, nên các vị chịu khó nghe Pali) ai thực tập thì hưởng được.
Vandāmi tīhi sādaraṃ: con xin đảnh lễ với thân khẩu ý trong sạch.
….
Bài Pháp được Sư Hộ Giới thuyết trong lớp Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật, bản text do bạn Vũ Thái Bình tốc ký và tóm lược.