PHÁT TRIỂN NIỀM CẢM HỨNG TÂM LINH

“Khi Đức Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng như vậy, Tôn Giả Kiều Trần Như, sau khi đã thấy pháp (tứ thánh đế), sau khi đã đắc pháp, đã đạt đến tứ thánh đế, đã hiểu rõ tứ thánh đế, đã thâm nhập tứ thánh đế, bỏ lại phía sau sự do dự, đã vượt qua mọi hoài nghi, xin được nhận vào Tăng Đoàn và Đức Thế Tôn đã chấp nhận điều đó bằng cách nói “Ehi Bhikkhu.” (Hãy đến, này Tỳ-kheo).

THỜI KỲ ĐẦU CỦA GIÁO PHÁP SỰ HƯỚNG DẪN VÀ THỰC HÀNH RẤT HỆ THỐNG

Đại Phẩm của Luật Tạng tiếp tục: Sau khi các Tôn Giả Vappa và Bhaddiya đã được nhận vào tăng đoàn bằng cách xuất gia ‘Ehi Bhikkhu’(Thiện lai Tỳkheo), Đức Thế Tôn tiếp tục đưa ra những chỉ dẫn về Pháp và hướng dẫn hai vị còn lại là Tôn Giả Mahānāma và Tôn Giả Assaji, mà không tự mình đi khất thực. Ba vị Tỳ-kheo kia đi ra ngoài khất thực, như vậy tất cả sáu vị gồm luôn Đức Thế Tôn, sống nhờ vào bất cứ thức ăn nào mà ba vị này mang về. Sau khi được Đức Thế Tôn hướng dẫn và chỉ dẫn thực hành Pháp như vậy, pháp nhãn vô trần, ly cấu đã phát sanh đối với các Tôn Giả Mahānāma và Assaji rằng “phàm pháp nào có bản chất sanh, pháp ấy có bản chất diệt.” Và hai tôn giả Mahānāma và Assaji này, sau khi đã thấy pháp, sau khi đã đắc pháp, sau khi đã hiểu rõ pháp, sau khi đã thâm nhập pháp, bỏ lại phía sau mọi do dự, đã vượt qua tất cả hoài nghi, thoát khỏi tình trạng lưỡng lự và không quyết định dứt khoát, đã có được sự can đảm của niềm tin đối với Giáo Pháp của Đức Phật, đã có kinh nghiệm tự thân về pháp, đối với Pháp không còn y tựa vào người khác, đã thỉnh cầu Đức Thế Tôn như sau:

“Bạch ngài, xin ngài cho phép chúng con được sống đời xuất gia như các sa-di trong sự hiện diện của Đức Phật; cho phép chúng con được nhận vào Tăng Đoàn của Đức Phật (upasampadaṃ, tu lên bậc trên hay xuất gia Tỳ-kheo)” Và Đức Thế Tôn đã trả lời, “Hãy đến, này các Tỳ-kheo, Pháp đã được khéo giảng. Hãy đến và thực hành đời phạm hạnh vì mục đích đoạn tận khổ đau.” Lời mời này của Đức Thế Tôn tạo thành đạo luật xuất gia và do đó hai vị Tôn Giả Mahānāma và Assaji trở thành Tỳ-kheo trong Tăng Đoàn của Đức Phật.

Trong Đại Phẩm của Tạng Luật đề cập rằng bốn vị Tỳ-kheo này đắc tri kiến cao thượng theo hai nhóm, mỗi nhóm hai vị, trong khi các bản chú giải của nó lại nói là các vị đắc tri kiến cao thượng theo tuần tự từng vị một.

“Cần phải hiểu rằng pháp nhãn sanh khởi lần lượt cho Tôn Giả Vappa vào ngày thứ nhất của tuần trăng khuyết tháng Wāso (tức ngày 16 tháng 6 ÂL), cho Tôn Giả Bhaddiya vào ngày thứ hai của tuần trăng khuyết (tức ngày 17 tháng 6 ÂL), cho Tôn Giả Mahānāma vào ngày thứ ba của tuần trăng khuyết (tức ngày 18 tháng 6 ÂL) và cho Tôn Giả Assaji vào ngày thứ tư của tuần trăng khuyết (tức ngày 19 tháng 6 ÂL).

Hơn nữa, phải lưu ý đặc biệt ở đây rằng trong suốt thời gian này Đức Thế Tôn đã ở lại tại chùa không đi ra ngoài khất thực, để sẵn sàng trợ giúp cho bốn vị Tỳ-kheo trong việc loại trừ những bất tịnh (chướng ngại) và những khó khăn có thể phát sanh với các vị trong quá trình hành thiền. Mỗi khi có những chướng ngại phát sanh nơi các vị Tỳ-kheo, Đức Thế Tôn, bằng đường hư không, liền đến giúp họ loại trừ chúng. Vào ngày thứ năm của tháng Wāso (20 tháng 6 ÂL) Đức Thế Tôn đã tập trung cả năm vị Tỳ-kheo lại và chỉ dẫn các vị bằng cách thuyết bài Kinh Vô Ngã Tướng (Anatta Lakkhaṇa Sutta).”

Theo sự giải thích của chú giải ở trên thì việc Đức Phật du hành qua hư không để loại trừ những chướng ngại cho các vị Tỳ-kheo đã bộc lộ cho thấy tính chất khẩn cấp của sự trợ giúp mà các vị Tỳ-kheo đang hành thiền cần.Thời nay cũng vậy, nếu các vị thiền sư có thể thường xuyên trợ giúp cho người hành thiền và đưa ra những chỉ dẫn thích đáng điều đó sẽ rất lợi ích. Kinh Pāsarasi trong Trung Bộ Kinh đưa ra những giải thích như sau về đề tài này: “Này các Tỳkheo, khi ta chỉ dẫn cho hai vị Tỳ-kheo, ba vị kia sẽ đi khất thực. Nhóm sáu người của Như Lai sống nhờ vào đồ ăn mà ba vị này mang về. Khi ta chỉ dẫn cho ba vị Tỳ-kheo, hai vị kia sẽ đi khất thực. Nhóm sáu người của Như Lai sống nhờ vào đồ ăn mà hai vị này mang về. Rồi, do được chỉ dẫn như vậy, được hướng dẫn như vậy, nhóm năm Tỳ-kheo, sau khi đã tự mình thấy bản chất sanh trong hiện hữu mới, và thấy sự nguy hiểm, sự khốn khổ trong những tái sanh mới, đã nỗ lực tìm cầu Niết-bàn tối thượng, thoát khỏi tái sanh và do đó đã đạt đến Niết-bàn tối thượng, thoát khỏi tái sanh, thoát khỏi sự dao động, phân vân, do dự, có được sự can đảm của niềm tin đối với Giáo Pháp của Đức Phật (không sợ phải đương đầu với sự tra hỏi tại sao ngươi lại thay đổi đức tin), sau khi có được sự hiểu biết cá nhân về pháp, không y tựa vào người khác về pháp nữa, đã thỉnh cầu Đức Phật cho phép xuất gia sống cuộc sống của vịsa-di (sāmanera) và Tỳkheo (samana), trong sự hiện diện của Đức Phật.

Phần này do các vị Trưởng lão của cuộc Kết Tập lần Thứ Nhất ghi lại, mô tả sự thỉnh cầu của Tôn-giả Kiều Trần Như, nêu lên chi tiết những phẩm chất và sự chứng đắc của ngài để xác minh tính thích hợp (của ngài) nhằm nhận vào Tăng Đoàn, đồng thời phát triển trong người đọc niềm cảm hứng tâm linh cao độ. Càng hiểu biết về pháp nhiều bao nhiêu, chúng ta càng cảm nhận được niềm cảm hứng tâm linh này nhiều bấy nhiêu. Khi Tôn-giả Kiều Trần Như thỉnh cầu theo cách thức như trên, Đức Thế Tôn đã cho phép ngài được nhập vào Tăng Đoàn bằng những lời sau:

SỰ XUẤT GIA BẰNG EHI BHIKKHU

“Ehi bhikkhū” ti bhagavā avoca – ‘svākkhāto dhammo, cara brahmacariyaṃsammā dukkhassa antakiriyāyā’ti. Sāva tassa āyasmato upasampadā ahosi” ti.

Trước tiên Đức Thế Tôn nói: “Hãy đến, này Tỳ-kheo, gia nhập vào tăng đoàn của ta.” Rồi ngài nói tiếp, “Pháp đã được khéo thuyết giảng. Hãy đến và thực hành đời phạm hạnh (Giới, Định và Tuệ) vì mục đích đoạn tận khổ đau.” Lời mời “Hãy đến, này Tỳ-kheo” của Đức Thế Tôn tạo thành đạo luật xuất gia, và vì thế Tôn-giả Kiều Trần Như đã trở thành một vị Tỳ-kheo trong Tăng Đoàn của Đức Phật.

Trước đó, phải nhớ rằng Tôn-giả Kiều Trần Như cũng đã là một tu sĩ, một sa-môn nhưng không thuộc Tăng Đoàn của Đức Phật. Do đó Tôn-giả mới thỉnh cầu Đức Thế Tôn cho phép nhập vào Tăng Đoàn, và Đức Phật đã cho Tôn-giả được phép như vậy bằng cách nói “Ehi Bhikkhu”. Đây là sự công nhận về sự gia nhập Tăng Đoàn của Đức Thế Tôn, và Tôn-giả Aññāsī Koṇḍāñña (Kiều Trần Như Đã Thấy) đã trở thành đệ tử của Đức Phật như một thành viên của Tăng Đoàn.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app