SỰ THỰC TRÍ ĐỐI VỚI ĐẠO ĐẾ

“Idaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasacca ’ nti me, bhikkhave, pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi.”

(“Đây là thánh đế về sự thực hành (con đường) đưa đến diệt khổ. Như vậy này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta; minh đã sanh khởi nơi ta, và quang đã sanh khởi nơi ta.”)

Thực ra Đế (saccā) này có một cái tên rất dài, đó là Đạo Diệt Khổ Thánh Đế, hay Thánh Đế Về Con Đường Đưa Đến Sự Diệt của Khổ, nhưng các bản chú giải đã rút ngắn nó lại chỉ còn là đạo đế (magga saccā).Trong bài giảng, chúng tôi sẽ dùng tên cái ngắn này cho tiện.

Biết rằng bát thánh đạo là pháp hành, hay thánh đế về con đường dẫn đến sự diệt khổ, dẫn đến sự tịch tịnh của Niết Bàn, được gọi là sự thực trí (saccā ñāṇa).

Các vị đệ tử Phật, chưa đắc thánh đạo, sẽ chỉ biết được đạo đế này do nghe về nó. Nói chung, hàng phàm nhân chưa chứng ngộ thánh đạo bằng kinh nghiệm tự thân, cần phải học để biết đạo đế. Theo các bản chú giải: “Đạo đế (magga saccā) là một pháp đáng mong ước, đáng mong mỏi, đáng tán dương.” Như vậy, nhờ học đạo đế (bát thánh đạo), tâm sẽ khuynh hướng về việc thực hành nó. Đối với đạo đế, công việc tiên khởi được hoàn tất chỉ bằng cách khuynh hướng tâm về nó. Cũng vậy, đối với diệt đế hay Niết Bàn, pháp mà hàng phàm nhân không thể nhận thức được, chú giải nói rằng nó chỉ đòi hỏi họ hướng tâm về nó như một pháp đáng mong ước, đáng mong mỏi, đáng tán dương, nhờ hành động ấy, phận sự tiên khởi phải thực hiện đối với diệt đế đã được hoàn thành.

Do đó, phải ghi nhớ rằng, đạo đế không phải là pháp cần suy nghĩ về và quán trên đó; Niết Bàn cũng vậy, không cần phải quán trước hay tư duy về nó. Đối với Đức Phật, ngay khi ngài đạt đến tri kiến về diệt đế bằng tuệ trực giác ngài cũng có được tri kiến về đạo đế này bằng trực giác trí của ngài. Đó là lý do vì sao ngài thừa nhận rằng: “đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta; minh đã sanh khởi nơi ta, và quang đã sanh khởi nơi ta.”

Vào sát-na chứng đắc thánh đạo, chỉ diệt đế hay gọi cách khác sự tịch tịnh của Niết Bàn, được nhận thức bằng sự chứng ngộ mà thôi. Các pháp thuộc thánh đạo được chứng ngộ theo cách này thực sự xuất hiện trong tự thân một người và như vậy công việc tu tập các pháp ấy trong họ đã được hoàn thành. Sự kiện này được gọi là thể nhập bằng tu tập (bhāvanā paṭivedha).

Những gì muốn nói ở đây là khi thánh đạo xuất hiện trong một người, nghĩa là người ấy đã thấy thánh đạo; và đồng thời công việc biết thánh đạo đã được hoàn tất. Còn về vấn đề làm sao để biết thánh đạo đã được tu tập trong một người, trí phản khán sẽ tiết lộ rõ điều này. Tuy nhiên, không thể tu tập thẳng vào thánh đạo. Hành giả phải bắt đầu bằng cách tu tập đạo đi trước (pubbabhāga magga)như một bước đầu tiên. Chính vì lý do này thiền minh sát (vipassanā) được xem như một pháp hành đúng đắn dẫn đến sự diệt (nirodha). Ở Phần VI chúng tôi đã đề cập và chú giải Sammohavinodani cũng khuyên rằng thiền vipassanā phải được xem như một pháp hành đúng đắn.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app