TRI KIẾN VỀ TỨ ĐẾ QUA MINH SÁT TRÍ
Nhờ ghi nhận tất cả hiện tượng xảy ra ở sáu căn môn và biết chúng chỉ có bản chất vô thường, khổ và vô ngã là hiểu được khổ đế. Như vậy với mỗi khoảnh khắc ghi nhận, phận sự có được tuệ thể nhập kể như sự liễu giải, hay hiểu biết khổ đế, pariññāṇa paṭivedha, đã được hoàn thành.
Sau khi đã thấy được bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các hiện tượng bằng cách ghi nhận chúng, cơ hội để sự ưa thích hay tham ái phát sanh đối với các đối tượng danh và sắc sẽ không có. Đây là sự đoạn trừ nhất thời của tham ái, tức tập đế hay sự thực về nguồn gốc của khổ. Như vậy với mỗi khoảnh khắc ghi nhận, phận sự có được tuệ thể nhập kể như sự đoạn trừ (nhân sanh khổ), pahānapaṭivedha, đã được hoàn thành. Ở đây tuệ có được không phải bằng việc quán đối tượng mà nó chỉ biết sự kiện đoạn trừ (đang xảy ra) mà thôi.
Với sự diệt của ái, “thủ (upādāna), nghiệp (kamma), hành (saṇkhāra), thức (viññāṇa), và danh-sắc (nāma rūpa)” hay gọi cách khác “phiền não luân (kilesā vatta), nghiệp luân (kamma vatta) và quả luân (vipāka vatta)” vốn sẽ nối theo sau nó, sẽ không có cơ hội phát sanh. Tạm thời chúng bị kiềm chế. Đây là Niết Bàn tạm thời hay gọi cách khác là sự diệt (nirodha)tạm thời, được thành tựu bằng phương tiện minh sát. Như vậy minh sát trí (vipassanā ñāṇa) được phát triển bằng sự diệt tạm thời cũng tương tợ như sự chứng ngộ bằng Thánh đạo. Tất nhiên không phải do quan sát trực tiếp đối tượngmà sự thành tựu này xảy ra mà nó chỉ là một sự hoàn thành việc diệt tạm thời ở mỗi khoảnh khắc ghi nhận mà thôi. Đây gọi là có được tuệ thể nhập kể như sự chứng ngộ, sacchikirriya paṭivedha, hay biết về nó bằng minh sát.
Với mỗi hành động quan sát, Bát Thánh Đạo có chánh kiến minh sát dẫn đầu sẽ phát triển bên trong tự thân người hành thiền. Đây gọi là có được tuệ thể nhập kể như sự tu tập (bhāvanāpaṭivedha). Tuy nhiên, trí này không xảy ra do quan sát trực tiếp; vì nó là kinh nghiệm cá nhân, sự suy quán sẽ tỏ lộ cho thấy rằng sự phát triển hay tu tập đã xảy ra trong tự thân vậy thôi.
Vì thế, như đã giải thích ở trên, ở mỗi khoảnh khắc ghi nhận và hay biết, khổ đế đã được hiểu biết đúng đắn và rõ ràng; đây là tuệ thể nhập kể như sự liễu giải (pariññāṇa paṭivedha. Tập đế được kiềm chế tạm thời; đây là tuệ thể nhập kể như sự đoạn trừ (pahānapaṭivedha), tức sự hoàn thành của tuệ do sự đoạn trừ. Sự diệt (nirodha)tạm thời được chứng ngộ qua sự diệt; đây là tuệ thể nhập kể như sự chứng ngộ (sacchikirriya paṭivedha).Và minh sát đạo được tu tập, đây là bhāvanā paṭivedha, tuệ thể nhập do tu tập. Như vậy cả bốn đế đã được bao hàm ở mỗi khoảnh khắc ghi nhận: khổ đế bằng sự quan sát đối tượng; tập đế, diệt đế, và đạo đế được hoàn thành bằng sự từ bỏ, chứng ngộ, và tu tập.
Theo cách này, minh sát đạo tuệ tri tứ đế đúng như nó phải được tuệ tri, và khi nó chín muồi và hoàn thành viên mãn, thánh đạo (ariya magga)sẽ xuất hiện và Niết Bàn được chứng đắc. Vào sát-na đạo xuất hiện, thánh đạo có chánh kiến dẫn đầu được thiết lập đầy đủ. Thánh đạo xuất hiện chỉ một lần duy nhất. Nhờ sự xuất hiện, dù chỉ một lần ấy, nó hoàn thành các phận sự đoạn trừ phiền não, tức là tuyệt diệt những phiền não cần phải được tuyệt diệt, tập đế (samudaya saccā); tuệ tri khổ đế; và cũng làm phận sự tu tập đạo đế. Có thể nói, theo cách này, chánh kiến thuộc thánh đạo tuệ tri tứ đế cùng một lúc.