CẦN BAO NHIÊU VĂN TUỆ (SUTAMAYA – TUỆ DO NGHE)?

Như chúng tôi đã trích dẫn lời chú giải, chỉ cần biết rằng năm uẩn là khổ đế, và tham ái là tập đế, chừng ấy thôi là đủ. Ở đây, năm uẩn phải hiểu là năm thủ uẩn (upādānakkhandhā) đã đề cập trong kinh (Chuyển Pháp Luân) này. Như chúng tôi đã giải thích đầy đủ ở trên, năm uẩn là những đối tượng tự biểu thị vào lúc thấy, nghe,… còn tập đế chúng tôi cũng đã nói tới trong phần liên quan. Đối với sự hiểu biết về quy luật duyên sanh, theo phụ chú giải của bộ Thanh Tịnh Đạo, thì những gì Tôn giả Assaji dạy: ye dhammā hetuppabhavā…Các pháp phát sanh do nhân, nhân ấy Như Lai đã dạy…tạo thành toàn bộ quy luật duyên sanh theo cách tóm tắt.

Chú giải Đại Phẩm của Tạng Luật cũng xác nhận điều đó khi cho rằng, bằng những lời “ye dhammā hetuppabhavā” (các pháp phát sanh do nhân) Tôn giả Assaji đang dạy về năm uẩn hay khổ đế và bằng những lời “tesaṃhetum tathāgato aha” (nhân ấy Như Lai đã dạy rõ) ngài đang dạy về nhân sanh của khổ hay tập đế. Như vậy, rõ ràng là sau khi đã học tóm tắt, do nghe, về khổ đế và tập đế, người hành thiền cũng còn phải học vắn tắt về quy luật duyên sanh. Những ai cho rằng Thiền Minh Sát không thể thực hành nếu không thông suốt pháp duyên sanh với những lược đồ của nó, thì điều này đã đi ngược lại những giải thích của chú giải và phụ chú giải, đồng thời làm tổn hại nghiêm trọng đến việc thực hành Phật giáo (paṭipatti sāsanā).

Trong Tiểu Kinh Ái Đoạn Tận (Cūlataṇhāsaṅkhāya sutta) của Trung Bộ, liên quan đến tri kiến vắn tắt cần phải có do học, chúng ta tìm thấy đoạn kinh sau, “Này thiên chủ, trong giáo pháp này, vị Tỳ-kheo đã được nghe rằng thật không thích hợp, không thích đáng để chấp vào quan niệm cho rằng tất cả pháp (dhammas) là thường, lạc, ngã, và tịnh.”

Điều này có nghĩa rằng, nếu vị Tỳ-kheo đã từng được nghe rằng năm uẩn danh và sắc vốn tự biểu thị ở sáu cửa giác quan (sáu căn môn) mỗi lần có sự thấy, nghe, …, và rằng sẽ là không thích hợp, không thích đáng để xem chúng như thường, lạc, ngã; rằng chúng là vô thường, phải chịu khổ và vô ngã, thời vị ấy đã có tri kiến tóm tắt (văn tuệ) đủ để đi vào hành thiền.

Rồi Đức Phật tiếp tục: “Vị Tỳ-kheo ấy, đã học bằng cách nghe cho đến mức độ như vậy, hiểu biết tất cả pháp bằng thiền quán và kinh nghiệm thực tiễn.” Sau đó Đức Phật dạy cách hành thiền để đạt đến trí phân biệt danh và sắc (nāmarūpapariccheda ñāṇa),… Chúng tôi sẽ tóm lại đoạn trên như sau:

  1. Tất cả Pháp (dhamma) là vô thường, khổ và vô ngã.
  2. Trí có được do nghe (suta) là đủ.
  3. (Đủ) để có thể phân biệt được giữa danh và sắc của các uẩn, bằng thiền.
  4. Và để nhận ra bản chất vô thường và bất toại nguyện của chúng.

Số 1 và 2 ở trên chỉ ra cho thấy tri kiến vắn tắt do nghe (văn tuệ – sutamaya ñāṇa) là vừa đủ để tiến hành thiền quán. Số 3 chỉ cho thấy nhờ ghi nhận mọi hoạt động của sự thấy, nghe…vào lúc chúng xảy ra, trí có được ấy có thể giúp người hành thiền phân biệt được giữa danh và sắc (nghĩa là có được trí phân biệt danh sắc -nāmarūpapariccheda ñāṇa) và biết được nguyên nhân của hiện tượng thấy, nghe,…(tức có được trí phân biệt nhân duyên – paccayapariggaha ñāṇa). Hai loại trí này được gọi là Thông Trí Tuệ (abhiññā paññā,通智慧), và là trí biến tri (ñātapariññā) trong ba loại biến tri (pariññā). Số 4 có nghĩa là trí hiểu rõ tất cả pháp và thấu suốt được bản chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng hợp với câu “sabbaṃ dhammaṃ abhiññāya, sabbaṃdhammaṃparijānāti10” (hiểu biết toàn diện tất cả pháp, biến tri tất cảpháp)”. Những trí này tạo thành tri kiến thâm sâu thuộc tirana pariññā(度遍智, độ biến tri) và pahāna pariññā (斷遍智, đoạn biến tri).

Điểm chính mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chỉ cần học bằng cách nghe (vị thầy giải thích rằng các pháp là vô thường, khổ, và vô ngã) là người hành thiền đã có đủ trí văn (sutamaya ñāṇa) để tiến hành nỗ lực cho sự chứng đắc A-la-hán Thánh Đạo và Thánh Quả. Như vậy sự quả quyết cho rằng, không có một tri kiến toàn diện về quy luật duyên sanh (pháp duyên sanh), thì không nên hành thiền đã đi ngược lại lời dạy của Đức Phật trong Kinh Cūlataṇhāsaṅkkhaya (Tiểu Kinh Ái Đoạn Tận), làm thối chí những người có khuynh hướng muốn hành thiền và gây bất lợi cho sự phát triển pháp hành Phật Giáo.

Nếu, theo sự xác nhận của họ, thiền chỉ có thể được thực hành sau khi đã thông suốt quy luật duyên sanh cùng với lược đồ giải thích (vòng thập nhị nhân duyên)… của nó, thì đối với một số người không có thời gian hoặc không có cơ hội để nghiên cứu quy luật duyên sanh hay lĩnh hội nó một cách khó khăn, chậm chạp, có thể sẽ mất cơ hội đắc đạo quả cho dù họ có đầy đủ Ba-la-mật, đủ những điều kiện và khả năng để đắc chúng. Đơn cử một ví dụ, thời Đức Phật, một vị Tỳ-kheo tên Chu-la-pan thá-ká (Cūlapanthaka) không thể nhớ nổi một bài kệ chỉ có 45 mẫu tự, mặc dù vị ấy đã cố học nó trong bốn tuần lễ. Như vậy, để học toàn bộ pháp duyên sanh một cách bao quát sẽ là một công việc bất khả đối với vị ấy. Thế mà vị Tỳ-kheo này đã đắc đạo quả A-lahán, cùng với thắng trí, tri kiến siêu nhiên nhờ thực hành bài tập thiền do Đức Thế Tôn dạy chỉ trong vòng một buổi sáng!

Tôi muốn nhân cơ hội thuyết bài Kinh Chuyển Pháp Luân này, cảnh cáo những người đa văn ấy không nên đưa ra những lời lẽ quyết đoán có thể làm thối chí và nản lòng những người đang hành thiền hay những người có khuynh hướng muốn hành thiền.

Nếu một người có ý định sống một mình để nỗ lực hành thiền, chắc chắn họ cần phải học một cách bao quát về các uẩn, xứ, giới, Đế, các căn và pháp duyên sanh. Nhưng nếu một người sẽ thực hành dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy đa văn, thiện xảo, có giới đức, thì tất cả cái mà họ cần phải biết, đó là tất cả pháp đều vô thường, phải chịu khổ, và vô ngã. Cũng được xem là đủ nếu người ấy đã học và nghe rằng một phàm nhân bị chi phối bởi hai sự thực hay đế hiệp thế có tương quan nhân quả lẫn nhau, đó là năm uẩn vốn là khổ đế và tham ái vốn là khổ tập đế hay nhân sanh của khổ.

Phần lớn những người Phật tử Miến Điện đã được trang bị kiến thức nhiều đến mức này; tuy nhiên nếu người nào đó không có, họ vẫn có thể học nó, ngay trước khi bắt đầu hành thiền hay trong khoá thiền bằng cách nghe những bài giảng pháp của vị thiền sư. Tất cả cái được đòi hỏi là phải khởi sự việc hành thiền đúng với những chỉ dẫn mà một vị thầy đa văn, thiện xảo, có giới đức và đáng tin cậy đưa ra.

Về vấn đề khởi sự thực hành thiền minh sát như thế nào đã được mô tả trong phần ba của tập sách này. Tóm lại, việc thực hành bao gồm tu tập đạo ở ba giai đoạn: Đạo căn bản, đạo đi trước, và Thánh đạo. Tu tập đầy đủ ba đạo này sẽ đưa đến Niết-Bàn.

Đạo căn bản (Mūla magga), được hình thành từ chánh kiến về nghiệp sở hữu (kammassakata sammādiṭṭhi), giới (sīla) và cận định (upacāra samādhi)hoặc an chỉ định (appanā samādhi) mà chúng tôi đã đề cập đầy đủ ở một phần trước. Về yếu tố thứ nhất, chánh kiến về nghiệp sở hữu, đa số người Phật tử Miến Điện đã được an lập trong đức tin về nghiệp sở hữu này từ khi còn nhỏ. Đối với giới đạo (sīla magga), nếu một hành giả cư sĩ chưa được an lập trong giới, người ấy có thể hoàn tất yếu tố này bằng cách giữ giới ngay trước khi bước vào hành thiền. Vị hành giả Tỳ-kheo sẽ làm cho giới trong sạch bằng cách sám hỗi hay thực hiện những thủ tục giải tội nếu vị ấy cảm thấy còn hoài nghi về sự thanh tịnh giới của mình. Còn về định (samādhi), vị hành giả nên hành một đề mục thiền định nào đó, như niệm hơi thở (ānāpāna) chẳng hạn, và hành đề mục ấy cho đến khi đắc an chỉ định hoặc cận định. Nếu thời gian và cơ hội không cho phép, hành giả có thể bắt đầu việc thực hành của mình bằng cách quán tứ đại, nhờ phương tiện này hành giả có thể đạt đến sát na định minh sát (vipassanā khaṇika samādhi), một loại định gần giống như cận định. Nói chung định này có thể xua tan các triền cái nhờ vậy mà hành giả thành tựu được sự thanh tịnh của tâm. Đây chỉ là sự mô tả tóm tắt về cách làm thế nào để thiết lập Đạo Căn Bản (Mūla Magga).

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app