ĐẠO ĐẾ (MAGGA SACCĀ)

Idaṃ kho pana, bhikkhave, dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ – ayameva ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, seyyathidaṃ – sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammāājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi.

“Này các Tỷ kheo, những gì Như Lai sẽ giảng bây giờ là Thánh Đế về Con Đường đưa đến sự diệt của khổ (Đạo Diệt Khổ Thánh Đế). Thế nào là Đạo Đế này? Ðó là Thánh đạo tám ngành, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.”

Ở một phần trước chúng tôi đã bàn khá đầy đủ về Đạo Đế. Bây giờ chúng tôi dự định lướt qua một số chi trong đó với những nhấn mạnh cần thiết. Trong tám chi đạo, Chánh tri kiến và Chánh tư duy tạo thành nhóm tuệ (paññā), Chánh ngữ, Chánh nghiệp, và Chánh mạng tạo thành nhóm giới (sīḷa), Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, tạo thành nhóm định (samādhi).

Về giới đạo và định đạo có lẽ không cần phải gải thích tỉ mỉ lại nữa. Trong nhóm tuệ , chánh kiến (sammā diṭṭhi), cần phải giải thích thêm. Do đó, chúng tôi sẽ trích dẫn lại lời giải thích của Đức Phật về chánh kiến như sau:

GIẢI THÍCH VỀ CHÁNH KIẾN:

“Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh kiến? Này các Tỷ kheo, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh kiến.”

Trên đây là định nghĩa về chánh kiến do Đức Phật đưa ra. Nói ngắn gọn lại, chánh kiến là biết đúng theo thực tại tứ thánh đế và hiểu chúng đúng như chúng phải được hiểu. Bản dịch của chú giải về sự giải thích này như sau:

HÀNH THIỀN TRÊN TỨ ĐẾ:

Thiền trên Tứ Đế hay trên bốn sự thực đã được Đức Phật dạy bắt đầu bằng những từ ‘tuệ tri tứ đế’. Trong tứ đế này, hai đế đầu, đó là, khổ đế và tập đế (nhân sanh của khổ) liên quan đến vòng luân hồi (vaṭṭa, 輪廻). Hai đế sau, đó là diệt đế và đạo đế liên quan đến sự xuất ly luân hồi (Vivaṭṭa, 出離輪廻, 出生).Người hành thiền chỉ dùng hai đế đầu như những đối tượng của thiền minh sát chứ không dùng hai đế sau thuộc về Vivaṭṭa saccā.

(Điều đó có nghĩa rằng người hành thiền chỉ quán hai sự thực đầu thuộc hiệp thế trong lúc hành thiền minh sát; chứ không thể chuyên chú trên hai chân lý siêu thế cuối vốn không phải là những đề tài thích hợp cho việc hành thiền. Tại sao? Phụ chú giải nói rằng hai chân lý siêu thế này vượt ngoài phạm vi hiểu biết của hàng phàm nhân.)

Thực sự mà nói, hàng phàm nhân không thể lấy đối tượng thiền là đạo và quả cho thiền minh sát của họ (vì chưa có), Niết Bàn cũng không nằm trong tầm minh và trí của họ trước khi đạt đến giai đoạn Chuyển Tộc trong thiền. Tâm Chuyển Tộc (Gotrabhu) chỉ khởi lên sau trí thuận thứ (anuloma ñāṇa) khi mà minh sát trí (vipassanā ñāṇa) đã được phát triển sung mãn; liền sau Chuyển Tộc là sự chứng ngộ Đạo và Quả Niết Bàn. Do đó, hiển nhiên rằng một phàm nhân không ở trong địa vị để có thể lấy Niết Bàn hay đạo và quả làm đối tượng thiền cho mình được. Vì thế phải lưu ý cẩn thận rằng bất kỳ sự hướng dẫn hay dạy thiền nào khởi sự với việc quán Niết Bàn đều hoàn toàn sai.

Câu hỏi có thể phát sanh là liệu Niết Bàn có thể được dùng như một đối tượng cho pháp tuỳ quán sự tịch tĩnh (upasamānupassanā-寂靜随観, tịch tĩnh tuỳquán)hay không. Câu trả lời là: việc quán trên những đức của Niết Bàn như ly tham (virāga), có thể được dùng như một đề mục thiền định để đạt đến sự định tâm hay tịnh chỉ. Nhưng việc thực hành này chỉ nhằm mục đích duy nhất là thành tựu sự nhất tâm; chứ không đưa đến chứng đắc thánh đạo và thánh quả liền. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng vậy, pháp hành thiền này chỉ thích hợp nhất đối với các Bậc Thánh đã chứng đắc Niết Bàn chứ không phải cho hàng phàm nhân. Vì vậy, cố gắng để thành tựu đạo quả bằng cách chuyên chú vàoNiết Bàn ngay từ ban đầu rõ ràng là pháp hành sai lầm.)

Người hành thiền học vắn tắt nơi vị thầy để biết rằng năm uẩn là khổ đế và tham ái là tập đế (nhân sanh của khổ). Hoặc vị ấy có thể học một cách toàn diện hơn để biết rằng năm uẩn bao gồm sắc uẩn (rūpakkhandhā), thọ uẩn (vedanakkhandhā), tưởng uẩn (saññānakkhandhā), hành uẩn (saṅkhārakkhandhā) và thức uẩn (viññāṇakkhandhā). Sắc uẩn (rūpakkhandhā) có nghĩa là sắc tứ đại và các sắc y đại sanh (upādārūpas),…Nói chung, vị ấy sẽ học một cách vắn tắt hoặc toàn diện về hai đế đầu từ người thầy như vậy. Sau đó vị ấy đọc đi đọc lại chúng nhiều lần và quán chúng trong lúc hành thiền. Đối với hai đế sau, người hành thiền chỉ cần nghe từ vị thầy để biết rằng diệt khổ thánh đế và đạo diệt khổ thánh đế là pháp đáng mong muốn, đáng ca ngợi. (Điều này có nghĩa rằng chỉ cần nghe về hai chân lý siêu thế này và khuynh hướng tâm về chúng là đủ.)

Người hành thiền làm theo cách đã mô tả ở trên, thể nhập hay chọc thủng qua bốn chân lý (đế) một lúc và nhận thức thấu đáo chúng. Vị ấy nắm bắt đầy đủ bốn chân lý một lúc bằng tuệ minh sát. Nhờ trí thể nhập (paṭivedha) vị ấy hiểu rằng khổ là pháp phải được hiểu biết một cách đúng đắn và thấu đáo rằng tham ái là pháp phải được đoạn trừ; rằng Diệt (nirodha, Niết Bàn)là pháp phải được chứng đắc và rằng Đạo là pháp phải được tu tập. Bằng sự hiện quán (abhisamaya [abhisamaya] 現觀) vị ấy tuệ tri khổ là pháp phải được hiểu biết thấu đáo; tham ái là pháp phải đoạn trừ; diệt là pháp cần phải chứng đắc và đạo phải được tu tập.

Như đã mô tả ở trên, trước khi đạt đến thánh đạo, tri kiến về hai đế đầu của người hành thiền, đó là khổ đế và tập đế, phát sanh nhờ học và nghe từ vị thầy, nhờ hỏi và tụng đọc thường xuyên cũng như nhờ tinh thông nó bằng sự suy quán. (Bốn tiến trình đầu tiên, học, nghe, hỏi, tụng đọc, để có được trí này chỉ là văn tuệ, tuệ do học hỏi kinh điển; sự nắm bắt do suy quán chung quy cũng chỉ là trí do thiền minh sát). Trí liên quan đến diệt khổ thánh đế và đạo diệt khổ thánh đế có được chỉ bằng cách nghe (vị thầy giảng) về chúng. Sau khi hành thiền minh sát, vào sát-na chứng đắc thánh đạo, ba đế đầu được nắm bắt đầy đủ nhờ đã hoàn thành công việc hiểu biết đúng và thấu đáo về khổ đế, đã hoàn thành công việc đoạn trừ nguồn gốc của khổ (tập đế), và công việc tu tập đạo lộ dẫn đến sự diệt khổ. Còn diệt khổ thánh đế được nắm bắt đầy đủ bằng sự chứng đắc thực thụ.

Như vậy, phù hợp với lời giải thích của chú giải, lúc ban đầu sự hiểu biết (của người hành thiền) chỉ cần do nghe (vị thầy) nói rằng diệt đế và đạo diệt khổ thánh đế là những pháp đáng mong muốn và đáng ca ngợi, đồng thời khuynh hướng tâm về chúng, là đủ. Do đó, rõ ràng là không cần thiết phải có một nỗ lực đặc biệt nào để quán trên hai đế này. Tuy nhiên, tri kiến hiểu biết về hai đế đầu (khổ đế, và tập đế) phải có được bằng cách vừa do nghe về chúng cũng như vừa do tu tập minh sát trên chúng.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app