THỦ VÀ THỦ UẨN
Bây giờ chúng tôi sẽ mô tả sự khác nhau giữa Thủ (upādāna) và Thủ Uẩn (upādānakkhandhā). Upādāna hay thủ có nghĩa là bám chặt hay nắm chặt lấy một cái gì, có bốn loại thủ:
- Kāmupādāna (dục thủ): Bám chặt vào các dục vọng. Nó chính là sự chấp thủ do ái dục sanh.
- Diṭṭhupādāna (kiến thủ): Bám chặt vào những tà kiến. Đó là sự chấp thủ vào quan niệm cho rằng không có nghiệp và quả của nghiệp, không có đời sau, không có Đức Phật Toàn Giác, không có các bậc Thánh A-la-hán. Tất cả những tà kiến khác, ngoại trừ Giới Cấm Thủ Kiến (Sīlabbata parāmāsa diṭṭhi) và Ngã Kiến (Attādiṭṭhi), đều nằm trong Kiến Thủ (Diṭṭhupādāna) này.
- Sīlabbatupādāna (Giới Cấm Thủ), chấp giữ vào những lễ nghi, tín điều, giáo điều. Giới cấm thủ ở đây cần phải hiểu là sự thực hành một hình thức lễ nghi, tín điều nào đó không liên quan đến sự hiểu biết về Tứ Thánh Đế cũng không liên quan đến việc tu tập Bát Thánh Đạo, và với niềm tin cho rằng chúng sẽ đưa đến sự giải thoát khỏi luân hồi khổ, và dẫn đến sự an tịnh vĩnh hằng, thoát khỏi già, bệnh và chết. Đây là một loại tà kiến (micchādiṭṭhi), chấp cái sai cho là đúng.
- Attavādupādāna (Ngã Luận Thủ), chấp giữ luận thuyết cho rằng có linh hồn hay tự ngã. Nó là sự chấp thủ vào niềm tin nơi một linh hồn, cái tôi, một thực thể sống. Kiến chấp này cũng đồng như thân kiến (sakāyadiṭṭhi) và ngã kiến (attadiṭṭhi).
Trong bốn loại thủ này, dục thủ là dính mắc vào các dục vọng, ái dục. Ba thủ còn lại là các loại tà kiến khác nhau. Do đó chúng ta có thể tóm lại là chỉ có hai loại thủ, upādāna, tà kiến và ái dục. Trong hai loại thủ này, một phát sanh từ ước muốn hưởng thụ các dục lạc và một do các tà kiến. Những đối tượng của chấp thủ bao gồm các danh uẩn và sắc uẩn, và vì lẽ chúng có thể gây ra những chấp thủ vào đó như Tôi, của tôi, nên được gọi là thủ uẩn (upādānakkhandhā).
Sự chấp thủ xem đó như ‘Tôi’ là ngã kiến (attadiṭṭhi), nó mở đường cho hai tà kiến còn lại. Khi chấp thủ xuất phát từ ái dục, những đối tượng của nó thậm chí có thể không thuộc về bản thân người ấy, song bị chấp thủ vào đó như thể chúng là của họ. Kinh Điển Pāḷi mô tả lòng mong muốn này dẫn đến sở hữu thủ như thế nào bằng những từ: “etaṃmama” (cái này là của tôi).
Các uẩn Danh và Sắc có thể gây ra sự chấp thủ do lầm tin là tự ngã, thực thể sống, hay sở hữu của tôi được gọi là Thủ Uẩn. Trong khi các danh uẩn không làm phát sanh chấp thủ do ái dục hay tà kiến thì chỉ gọi là các uẩn (khandhas), không phải thủ uẩn. Những danh uẩn ấy là thọ, tưởng, hành và thức siêu thế thuộc bốn Đạo và bốn Quả. Chúng chỉ tạo thành Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn và Thức Uẩn nên không được xếp vào các Thủ Uẩn.
Các loại sắc, thọ, tưởng, hành và thức hiệp thế mà chúng tôi đã đề cập nhiều lần ở trên là các uẩn vốn kích động sự chấp thủ nên được gọi là thủ uẩn.
Các danh uẩn và sắc uẩn hiệp thế là sắc, tâm và các tâm sở dục giới thể hiện ở sáu cửa giác quan đối với một người không có những thiền chứng mỗi lần họ thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Đối với một người có những thiền chứng, các tâm thiền sắc giới và vô sắc giới (rūpavacara và arūpavacara jhāna cittas) cũng thể hiện tại ý môn ngoài các uẩn kể trên. Cả năm thủ uẩn này đều là Khổ Đế tạo thành những đối tượng thích hợp cho thiền minh sát. Về sau Đức Thế Tôn đã mô tả chúng như các pháp (dhammas) cần phải được tuệ tri (hiểu một cách chính xác và đúng đắn) bằng minh sát trí, và đạo trí. Trong phần ba của bài giảng này chúng tôi đã định nghĩa Chánh Kiến Đạo như trí (hiểu biết) về khổ đế, đó là, trí phát sinh do quán năm thủ uẩn này vậy
Ở đây cần nhấn mạnh thêm rằng các danh và sắc thủ uẩn này phải được tự thân mỗi người hiểu rõ như khổ đế thực sự bằng cách thấy rõ tính chấtsanh, diệt, vô thường, bất toại nguyện, vô ngã của chúng qua sự quan sát một cách chánh niệm sắc thủ uẩn (mắt và cảnh sắc, tai và âm thanh, v.v…) và danh thủ uẩn (nhãn thức, nhĩ thức, v.v…) khi chúng tự thể hiện ở sáu căn môn mỗi lần thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ.
Chúng tôi thật hài lòng khi thấy rằng một số hành giả ở trung tâm thiền (Mahāsi)này đã thấy được thực tại đúng như thực nhờ thực hành chánh niệm hợp với tinh thần Tứ Niệm Xứ, đó là, ghi nhận từng thể hiện (của danh sắc) khi nó xảy ra ở sáu cửa giác quan. Họ nên tự mừng cho mình là đã biết được Pháp như Đức Thế Tôn đã dạy: “Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ” và nên cố gắng một cách tích cực hơn nữa để đạt đến tri kiến hoàn thiện. Để tóm tắt, chúng tôi sẽ duyệt lại 12 loại Khổ Đế để giúp cho trí nhớ của quý vị:
- Sanh là khổ.
- Già là khổ.
- Chết là khổ.
- Sầu là khổ.
- Bi là khổ.
- Khổ thân là khổ.
- Khổ tâm hay ưu là khổ.
- Não là khổ.
- Gần người đáng ghét là khổ.
- Xa người yêu mến là khổ.
- Mong muốn thoát khỏi già, bệnh, chết và các loại khổkhác nhưng không thực hành Bát Thánh Đạo, mong muốn đó thực là vô ích vì nó sẽ không bao giờ thành tựu. Như vậy mong muốn đạt được những gì không thể đạt được cũng là khổ. Khao khát những gì không thể đạt được trong thế gian này cũng là khổ.
- Tóm lại, mười một loại khổđã mô tả ở trên, và năm uẩn vốn khích động những chấp thủ như Tôi, của tôi, thực sự là Khổ Đế.