TÀ KIẾN TRONG PHÁP HÀNH (SILABBATAPARAAMSA DIṬṬHI)

Chấp một pháp hành sai cho là đúng gọi là tà kiến trong pháp hành (sīlabbataparāmāsa-thường dịch Giới Cấm Thủ). Theo lời dạy của Đức Phật, ngoài Bát Thánh Đạo, đưa đến sự phát triển của giới, định và tuệ ra, tất cả những pháp hành khác đều là những pháp hành sai lạc và nếu xem chúng như pháp hành đúng thì đó có nghĩa là tà kiến trong pháp hành (giới cấm thủ).

Không thấy được Chân Lý

Bỏ qua Bát Thánh Đạo,

Mong hạnh phúc trưởng cửu

Đây gọi là tà kiến (trong pháp hành).

Mọi sự mọi vật xuất hiện ở sáu cửa giác quan tạo thành Năm Thủ Uẩn, đó là Sắc (rūpa) và Danh (nāma), hay Khổ Đế (Chân lý về khổ). Hành thiền trên Sắc và Danh này là đang thực hành Đạo Lộ (Bát Chánh Đạo) qua đó tuệ tri Tứ Thánh Đế. Tin và thực hành bất cứ pháp môn nào khác, bỏ qua Thánh Đạo và không dẫn đến sự hiểu biết về Tứ Thánh Đế, là tà kiến trong pháp hành (sīlabbata parāmāsa diṭṭhi).

Có những người dạy rằng “Không cần thiết phải hành thiền và giữ giới gì cả. Chỉ cần nghe pháp và học thuộc lòng bản chất của Danh và Sắc là đủ rồi.” Những quan niệm như vậy nhất thiết phải xét lại xem có phải là sīlabbata parāmāsa diṭṭhi (tà kiến trong pháp hành) hay không. Theo ý kiến của tôi, giảng dạy như vậy là đang dạy tà kiến trong pháp hành vì phương pháp này đã loại trừ tam học — giới, định, và tuệ.

Một bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna) đã an lập trong trí (hiểu biết) về pháp hành minh sát đúng không thể nào còn chấp giữ tà kiến trong pháp hành hay giới cấm thủ (sīlabbata parāmāsa). Trong các kiếp sống tương lai, vị ấy không còn mối nguy phải rơi vào tà kiến này nữa. Đây gọi là làm lắng yên phiền não nhờ Thánh Đạo.

DIỆT TẠM THỜI

Khi một dục trần (ārammanā, đối tượng hay cảnh) được quán và ghi nhận như vô thường, khổ, vô ngã, các phiền não của tâm phát sanh do lầm chấp chúng như thường, lạc, ngã, tịnh sẽ không có cơ hội phát sanh. Điều này có nghĩa là các phiền não bị diệt tạm thời, cũng như ánh sáng xua tan bóng tối bằng tính chất đối nghịch hỗ tương, như trong Thanh Tịnh Đạo đã giải thích vậy.

Đây là cách các phiền não, ngủ ngầm trong đối tượng (ārammānusaya) lẽ ra đã sanh nếu không ghi nhận, được loại trừ bằng sát-na minh sát. Người có trí nên suy xét kỹ về điều này vốn được nêu ra trong Thanh Tịnh Đạo.

Nếu, theo như một số người chấp, quán trí có được chỉ do đơn thuần học (Suta-maya-Ñāṇa) đưa đến Minh Sát (Vipassanā), câu hỏi sẽ phát sanh là phiền não ngủ ngầm trong đối tượng nào được đoạn trừ bằng Minh Sát trí ấy. Sẽ khó mà trả lời được câu hỏi này nếu thiếu đi một đối tượng xác định của sự hay biết.

Đối với người hành thiền, thực hành theo phương pháp Tứ Niệm Xứ, quan sát Danh và Sắc trong tiến trình hình thành của chúng, họ có những đối tượng xác định của sự hay biết để ghi nhận. Tất nhiên cũng có những đối tượng của sự hay biết thoát khỏi sự ghi nhận của người ấy (do không ghi nhận kịp hay thất niệm). Như vậy người ấy có thể trừ diệt được những phiền não ngủ ngầm trong đối tượng mà mình ghi nhận, trong khi những phiền não ngủ ngầm trong đối tượng mà người ấy không ghi nhận, vẫn không được diệt trừ. Câu trả lời rất đơn giản như vậy thôi.

Sau khi diệt trừ tạm thời những phiền não ngủ ngầm trong đối tượng mình ghi nhận, trong hành giả vẫn còn những phiền não tuỳ miên chỉ được đoạn trừ bằng Thánh Đạo (Ariya Magga). Như vậy, bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna) đã đạt đến giai đoạn ở đây vị ấy đoạn trừ được thân kiến (sakkāya diṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), và giới cấm thủ (tà kiến trong pháp hành – sīlabbata), cũng như tất cả những phiền não nào có thể khiến cho vị ấy phải tái sanh trong khổ cảnh. Đối với vị Thánh Nhất Lai (sakadāgāmi), tất cả những hình thức thô của tham dục và sân được đoạn trừ. Vị Thánh Bất Lai (Anāgāmi) thoát khỏi những hình thức tham và sân vi tế hơn trong khi vị Thánh A-la-hán hoàn toàn giải thoát khỏi mọi hình thức của phiền não.

Theo cách này Minh Sát Đạo (Vipassanā Magga) và Thánh Đạo (Ariya Magga) có khả năng diệt tạm thời các phiền não hoặc nhổ bật gốc chúng vĩnh viễn. Do đó, khi Đức Thế Tôn nói rằng Trung Đạo dẫn đến sự lắng yên, và tịnh chỉ (Upasamāya saṃvattati) của các phiền não ý ngài muốn nói tới sự kiện này vậy.

SỰ SANH KHỞI CỦA THẮNG TRÍ

Trung Đạo cũng đưa đến sự sanh khởi của thắng trí (Abhiññāya Saṃvattati , 全面 知-Toàn Diện Trí). Abhiññāya hơi giống như nhãn và trí nhưng hiệu quả của nó rõ rệt hơn; vì vậy nó được đề cập riêng. Tứ Thánh Đế được tuệ tri bằng thắng trí này là do kết quả của Minh Sát Đạo và Thánh Đạo. Minh Sát Đạo phát triển trước giúp cho Minh Sát Trí (Vipassanā Ñāṇa) phát triển sau đó tuệ tri Tứ Thánh Đế. Thực sự ra, chỉ Khổ Đế hay Thủ Uẩn (upādānakkhandhā) được ghi nhận trong tiến trình thiền có liên quan ở đây.

Danh và Sắc hay khổ đế được thấy như vô thường, khổ hoặc vô ngã trong thiền minh sát. Mỗi lần chúng được thấy như vậy ái và thủ không có cơ hội xuất hiện. Và do đó có sự giải thoát khỏi ái và thủ. Đây gọi là Pahānabhisamāya (捨斷現觀, xả đoạn hiện quán, hay thể nhập đoạn trừ), thể nhập nhân sanh khổ (tập đế) bằng sự đoạn trừ, chứ không phải bằng sự chứng ngộ. Mỗi lần Danh và Sắc trở thành cái bị biết hay trở thành đối tượng của chánh niệm, người hành thiền thoát khỏi vô minh (avijjā), vốn có thể dẫn vị ấy đi vào tà đạo. Do thoát khỏi vô minh, vị ấy thoát khỏi cái khổ của hành (saṇkhāra) và thức (viññāna). Đây là sự diệt tạm thời của khổ, tadanga nirodha sacca. Sự diệt tạm thời của khổ này được chứng ngộ bằng thiền minh sát ở mỗi sát-na ghi nhận, chứ không phải như đối tượng quán của nó.

Mỗi hành động hay biết (chánh niệm) phát triểnMinh Sát Đạo được dẫn đầu bởi Chánh Kiến. Đây gọi là bhāvanabhisamaya (bhāvanabhisamaya: 修習現観, Tu Tập Hiện Quán), tuệ tri Khổ Đế Minh Sát bằng sự tu tập hay phát triển nó trong tự thân. Mặc dù trí này được thành tựu không phải do quán ở sát na ghi nhận, mà do đã được phát triển trước trong tự thân, nó vẫn có thể được nhận thức rõ qua sự suy quán. Tuệ tri Khổ Đế, do ghi nhận hiện tượng Danh Sắc cũng dẫn đến trí (hiểu biết) về ba đế còn lại cùng một lúc. Đây là sự tuệ tri tứ đế bằng minh sát trí đặc biệt. Vì thế Trung Đạo được nói là tạo ra thắng trí về tứ đế, abhiññā.

Hơn nữa, Trung Đạo cũng còn làm cho Thánh Đạo Trí (Ariya MaggaÑāṇa) đặc biệt khởi sanh. Khi Minh Sát Trí đạt đến sự thành thục, Niết Bàn sẽ được chứng ngộ, và các Thánh Đạo phát triển. Lúc đó tứ đế vốn phải được tuệ tri bằng Thánh Đạo Trí sẽ được Thánh Đạo Trí tuệ tri. Vì lý do này Trung Đạo cũng được bảo là làm phát sanh Siêu Thế Trí.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app