PHÁP HÀNH KHỔ HẠNH TỰ HÀNH XÁC
Tự hành hạ thân xác, tạo thành một cực đoan khác, chỉ dẫn đến sự tự làm khổ mình mà thôi. Nó không phải là pháp hành của các Bậc Thánh, vì thế nó được xem là đê tiện, không trong sạch, và không hướng đến hạnh phúc và lợi ích của bản thân. Cực đoan này cũng phải nên tránh.
Pháp khổ hạnh tự hành hạ thân xác này được thực hành bởi những người có kiến chấp cho rằng đời sống xa hoa sẽ khiến cho người ta dính mắc vào các dục lạc, và rằng chỉ có những pháp khổ hạnh chế ngự bản thân, như nhịn ăn nhịn mặc mới diệt trừ được những dục vọng. Và họ tin rằng chỉ khi có được sự bình an bên ngoài như vậy mới có thể đạt đến trạng thái không già, không bệnh và không chết. Đây là niềm tin của những người hành pháp khổ hạnh tự hành hạ thân xác.
NHỮNG PHÁP MÔN HÀNH XÁC
Vị Tỳ-kheo chân chánh mặc y phục vì muốn giữ sự đứng đắn, và để ngăn che nóng, lạnh, hay những loài côn trùng ruồi, muỗi. Còn những người tự hành xác thì đi đây đó không mảnh vải che thân, khi trời lạnh, họ ngâm mình dưới nước; khi trời nóng, họ phơi trần dưới ánh mặt trời, và đứng giữa bốn đống lửa, như vậy họ phải chịu đựng cái nóng từ năm hướng. Đây gọi là pháp hành xác bằng năm loại lửa.
Họ không dùng giường mà nằm trên nền đất để ngủ. Một số còn nằm trên giường gai chỉ che bằng một tấm vải. Có số người giữ một oai nghi ngồi suốt cả ngày, trong khi số khác chỉ giữ oai nghi đứng, không nằm hoặc ngồi. Một hình thức tự hành khổ mình khác là nằm treo ngược đầu xuống, đó là treo hai chân trên một cành cây cho đầu dốc xuống; và đứng thẳng trên đầu trong tư thế lộn ngược (trồng cây chuối) là một hình thức khác nữa.
Trong khi thói quen bình thường của một vị Tỳ-kheo là thoả mãn cơn đói bằng cách ăn uống, thì những người tự hành hạ mình lại cắt đứt thức ăn thức uống hoàn toàn. Có số chỉ ăn cách nhật (tức cách một ngày ăn một lần), trong khi những người khác hai ngày, ba ngày… một lần. Có những người hành pháp nhịn ăn trong bốn, năm, sáu, bảy ngày; một số thậm chí đến mười lăm ngày. Có số thì giảm lượng thức ăn xuống chỉ còn một vốc tay, trong khi số khác chỉ sống bằng rau xanh và cỏ hoặc sống bằng phân bò.
(Trong Lomahamsa, Chú Giải Ekanipāta, nói rằng 91 đại kiếp trước, chính đức Bồ-tát, đã hành theo những pháp khổ hạnh này. Sau đó ngài nhận ra những sai lầm của mình khi thấy những dấu hiệu của một sanh thú khổ trong tương lai vào lúc sắp chết. Nhờ từ bỏ cách thực hành sai lầm ấy mà ngài được tái sanh lên cõi chư thiên.)
Tất cả những hình thức tự hành hạ thân xác này tạo thành pháp khổ hạnh (attakilamathānuyoga) và trước thời Đức Phật rất lâu được những tín đồ của phái Nigantha Nātaputta hành theo.
Những người theo đạo Jains ngày nay đều là con cháu của Nigantha Nātaputta. Pháp hành khổ hạnh của họ thường được giới bình dân xem trọng và tán thưởng. Vì thế mà khi đức Bồ-tát từ bỏ pháp hành khổ hạnh và ăn uống bình thường trở lại, những người bạn đồng tu của ngài, nhóm năm vị Tỳ-kheo đã bỏ rơi ngài, nghĩ lầm rằng đức Bồ-tát đã từ bỏ pháp hành chân chánh, nỗ lực chân chánh (padhānavibbhanta) và rằng ngài sẽ không đạt đến Giác Ngộ.
KHỔ THÂN
Tự hành hạ thân xác chỉ đưa đến khổ thân. Tuy nhiên nó đã được những đạo sĩ loã thể xem là thánh thiện. Để không động chạm đến tính nhạy cảm của họ, Đức Phật, như đã giải thích trong Chú Giải Vô Ngại Giải Đạo (Patisambhidā), không lên án việc hành khổ hạnh này là thấp hèn hay đê tiện; cũng không mô tả nó là dung tục, hay được thực hành bởi hàng dân dã bình thường, vì người bình thường chắc chắn không đam mê trong pháp hành khổ hạnh này.
Đức Phật chỉ mô tả pháp môn khổ hạnh này đơn giản như đem lại sự đau đớn, không trong sạch và thấp hèn, không được thực hành bởi các Bậc Thánh.