SỰ THỎA MÃN NHỤC DỤC LÀ ĐÊ TIỆN VÀ DUNG TỤC

Thích thú trong các dục lạc và hưởng thụ chúng được xem như một sự thực hành dung tục bởi vì một sự hưởng thụ như vậy sẽ tạo thành những ham muốn thấp hèn, vốn là sự bám víu đầy dục vọng. Nó có khuynh hướng làm tăng thêm ngã mạn, nghĩ rằng không ai khác được ở địa vị hưởng những lạc thú như ta. Và đồng thời nó còn làm cho người ta bị bức bách với những ý nghĩ tham lam, không muốn chia xẻ sự may mắn với người khác hay bị những ý nghĩ ganh ghét, đố kỵ, lo lắng áp đảo không muốn cho người khác có được những lạc thú tương tự như thế.

Nó làm nảy sinh ác ý đối với với người nghĩ rằng mình đang bị chống đối. Hãnh diện với thành công và giàu có, người ta trở nên vô liêm sỉ, vô lương tâm, trơ trẽn và xem thường hành vi cư xử của mình, không còn biết sợ làm điều ác (vô tàm và vô quý). Họ bắt đầu tự lừa dối mình với ấn tượng sai lầm về sự hạnh phúc và thịnh vượng. Hạng phàm phu (puthujana)này cũng có thể đi đến chỗ chấp giữ tà kiến về một linh hồn hay ‘tự ngã’ để tán thành sự không tin nhân quả của mình. Hậu quả của sự thích thú trong các dục lạc, và hưởng thụ các dục lạc là như vậy, vì thế chúng được xem như thấp hèn và đê tiện.

Hơn nữa, theo đuổi các dục lạc là pháp hành quen thuộc của những hình thái chúng sanh thấp kém như súc sanh, ngạ quỷ… Trong khi Tỳ-kheo và Sa-môn thì thuộc về những tầng hiện hữu cao hơn không nên hạ mình xuống ngang hàng với các hình thái sống thấp thỏi trong sự thụ hưởng những nhục dục đê tiện.

Theo đuổi các dục lạc không nằm trong phạm vi của một người đã lìa bỏ đời sống thế tục. Chỉ có hàng dân dã, những người xem các dục lạc như những thuộc tính cao nhất của hạnh phúc, với họ càng nhiều khoái lạc, càng nhiều hạnh phúc, mới quan tâm đến nó. Thời xa xưa, chỉ những người có chức quyền và giàu có mới tham dự vào việc theo đuổi các dục lạc. Những cuộc chiến tranh nổ ra, và những cuộc xâm lược hung hãn cũng chỉ vì muốn thoả mãn các khoái lạc giác quan.

Thời đại tân tiến ngày nay cũng vậy, những cuộc xâm lược tương tự vẫn xảy ra ở một số vùng, cũng vì mục đích (thoả mãn) ấy. Nhưng ngày nay không chỉ những nhà cai trị và người giàu đi tìm các dục lạc; người nghèo cũng gắng sức chạy theo những vật chất và khoái lạc thế gian. Thực tế, ngay khi vừa tới tuổi thành niên, bản năng cho sự thoả mãn việc đôi lứa và nhục dục đã tự bộc lộ. Đối với những người cư sĩ không biết đến Phật Pháp, sự thoả mãn những khát vọng giác quan quả thực có vẻ như là tột đỉnh của hạnh phúc rồi.

 KHÔNG HƯỚNG TỚI LỢI ÍCH (ANATTHA SAṂHITO)

Pháp hành này không hướng tới lợi ích hay hạnh phúc của con người. Theo quan niệm thông thường, kiếm tiền và làm giàu, thiết lập một cuộc sống gia đình với những kẻ hầu người hạ và một vòng vây của bè bạn, hay tóm lại, phấn đấu để có được sự thành công và tài sản trong cuộc đời này, đích thực là đang làm việc vì lợi ích hay hạnh phúc của bản thân mình.

Tuy nhiên, thực tình mà nói sự thành công và tài sản thế gian ấy không có ý nghĩa gì đối với hạnh phúc của con người. Lợi ích đích thực của con người nằm ở chỗ làm thế nào để tìm cách vượt qua già, bệnh, chết và đạt đến sự giải thoát khỏi mọi hình thức của khổ. Cách duy nhất để thoát khỏi mọi hình thức của khổ là qua việc tu tập giới (sīla), định (samādhi) và tuệ (paññā). Chỉ có đi tìm Giới, Định và Tuệ này mới đem lại lợi ích đích thực cho con người mà thôi.

Theo đuổi các dục lạc không thể thắng phục được già, bệnh, chết và các hình thức khác của khổ. Nó chỉ đưa đưa con người đến chỗ phạm giới, như tà dâm chẳng hạn. Tìm kiếm những thú vui trần tục qua việc sát sanh, trộm cắp hay lừa đảo cũng có nghĩa là phạm giới. Nói gì đến những hành động bằng thân, chỉ đơn thuần nghĩ đến sự hưởng thụ các dục lạc cũng đã ngăn sự phát triển định tâm và trí tuệ, và như vậy tạo thành một chướng ngại cho sự chứng ngộ Niết Bàn, diệt tận mọi khổ đau rồi.

Không giữ giới là một bước chắc chắn đưa đến bốn cõi khổ (địa ngục, ngạquỷ, súc sanh, và A-tu-la). Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ giữ một mình giới không tu tập cùng với định và tuệ sẽ không đưa đến Niết-Bàn. Giữ giới chỉ đưa đến tái sanh trong các cõi an vui, tuy nhiên ở các cõi ấy người ta vẫn phải gặp những loại khổ như già, bệnh, và chết. 

Người xuất gia, sau khi từ bỏ thế gian, với mục đích đã nguyện là thành tựu Niết-Bàn, ở đây mọi khổ đau chấm dứt, không nên quan tâm đến việc theo đuổi các dục lạc, vốn chỉ cản trở sự phát triển giới, định, và tuệ.

Tóm lại, hưởng thụ các dục lạc là thấp hèn và dung tục, là mối bận tâm của của hàng phàm phu kém trí, không trong sạch, đê tiện, không được thực hành bởi các Bậc Thánh. Nó ảnh hưởng bất lợi đến việc phát triển giới, định, tuệ và như vậy đi ngược lại lợi ích đích thực của những ai có ý định thành tựu Niết-Bàn – cái không già, không bệnh, và không chết (bất tử).

 

—————————–

Bài viết được trích từ Phần II – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân, tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw

Link  Phần II – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  tải sách ebook Phần II – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  video Phần II – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  audio Phần II – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  thư mục ebook Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app